Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Trong cuốn The Source, James Michener dựng lại khung cảnh trong quá khứ khi con người còn thờ nhiều thần. Trong một đoạn, ông diễn tả cảnh dân Makor hiến tế những trẻ sơ sinh và các em bé cho thần mới, tên Melak. Sau đó, ông cắt nghĩa tại sao dân chúng loại bỏ những thần cũ và theo một vị thần mới:
Một phần là vì những đòi hỏi của các thần quá nghiêm khắc..
và cũng một phần vì họ đã quá quen những thần này nên khinh thường
vì những thần này không đòi hỏi những gì khác hơn.
Cuộc thăm dò của viện thống kê Gallup cho thấy nhiều người Kitô hữu cũng giống như dân Makor. Họ nghĩ rằng tôn giáo không đòi hỏi nhiều nơi họ. Cuộc thăm dò dư luận này đem đến một câu hỏi: Tại sao nhiều Kitô hữu thời nay nghĩ rằng đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không đòi hỏi quá khó khăn?
Trong mức độ từ dễ (số một) đến thật khó (số bẩy), bạn định giá sự dạy dỗ của Chúa Giêsu như thế nào? Bạn nghĩ tại sao nhiều người cho rằng đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không quá khó khăn?
Một cô gái trung học trả lời hai câu hỏi trên như sau: “Nhiều người thời nay thấy đường lối dạy dỗ của Chúa Giêsu không quá khó là vì họ không thấu hiểu hoặc họ coi thường sự dạy dỗ này.” Cô đưa một thí dụ sau:
Hãy lấy thí dụ Bài Giảng Trên Núi. Trong đoạn đó Chúa Giêsu nói:
”Hãy yêu thù địch của mình, làm ơn cho những người ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những người thóa mạ mình... Hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình.”
Luca 6: 7,31
Có bao nhiêu người thật sự hiểu và coi trọng những lời dạy dỗ này? Trong mức độ từ một đến bẩy, tôi cho sự dạy dỗ này khoảng chừng sáu. Lời dạy dỗ này thật khó khăn.
Cho rằng cô học sinh này đúng (có rất nhiều người đồng ý với cô ta), tại sao Chúa Giêsu đưa ra một đường lối dạy dỗ quá khó khăn? Tại vì Người muốn thử thách chúng ta? Hoặc có một lý do sâu xa nào đó?
Ðể trả lời câu hỏi này chúng ta cần trở về thời gian tiên khởi. Chúng ta cần trở về lúc sáng tạo.
Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết chính Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Nhưng, Kinh Thánh không cắt nghĩa việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ như thế nào. Nói cách khác, những người viết Kinh Thánh đã không muốn câu truyện sáng tạo thành một lối cắt nghĩa khoa học hoặc một bản phúc trình chứng kiến những gì đã xẩy ra. Vì thế, Kinh Thánh đã không cắt nghĩa những vật sau đây xuất hiện trên trái đất như thế nào:
nước, đất, khoáng chất;
những loại cây;
vô số côn trùng, chim chóc, và thú vật;
nhiều chủng tộc khác nhau trên thế giới.
Thiên Chúa đã tạo nên những vật này một cách cá biệt tới mức độ nào? Hay Thiên Chúa chỉ tạo ra một thể chất căn bản mà từ đó hàng vạn biến đổi từ từ xuất hiện? Hoặc như Thánh Augustin đã đưa ra cách đây 1500 năm về trước: Thiên Chúa chỉ tạo ra một “mầm” hoặc “nhiều mầm” mà từ đó muôn loài dần dần nẩy sinh?
Khi hỏi các nhà khoa học về việc tạo dựng vũ trụ như thế nào thì họ trả lời, “Có lẽ thuyết 'big bang' (đại thanh) là gần đúng với sự thật.” Theo thuyết này một “trái cầu lửa vĩ đại” có sẵn trong vũ trụ. Một ngày nọ, nó nổ tung và bắn ra ngoài tất cả những gì của nó, những vật này dần dần trở thành những vì sao và trái đất của chúng ta. Và qua hàng tỉ năm, bởi những chuỗi “đột biến,” sự sống bắt đầu xuất hiện trên trái đất.
Những đột biến (từ hạ đẳng lên thượng đẳng) phản ảnh những gì đã tạo thành vũ trụ. Thí dụ, những đột biến có lẽ đã đi từ:
vô sinh đến sự sống thực vật,
sự sống thực vật lên đến sự sống có cảm giác,
sự sống có cảm giác lên sự sống có tri giác.
Trong bất cứ biến cố nào, một khi sự sống tiến đến bậc con người, một sự gì thật lạ lùng đã xẩy ra. Tạo vật trở nên có ý thức về chính mình. Ðây là lần đầu tiên mà tạo vật biết suy nghĩ một cách có ý thức về quá khứ và phỏng đoán về tương lai của mình. Nó có thể thắc mắc một cách ý thức rằng, chúng ta tự đâu đến và sẽ đi về đâu? Nó có những câu hỏi “điên đầu”: có phải con người là chặng cuối cùng của những đột biến? Hay còn một bước nữa trước mặt? Nếu thặt như vậy, bước đó là gì?
Những câu hỏi này đã được Chúa Giêsu trả lời. Chúa cho chúng ta biết sự sống con người không phải là bước cuối cùng trong tiến trình sự sống. Bước cuối cùng ở trước mặt chúng ta. Nó là bước từ đời sống con người đến đời sống vĩnh cửu (”thần linh”).
Chúa Giêsu nói: “Ta đến để anh em được sống--và sống sung mãn... Vì ý của Cha Ta là hễ ai thấy và tin người Con sẽ được sự sống đời đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.”
Gioan 10:10; 6:40
Và như thế Chúa Giêsu dạy rằng bước cuối cùng của sự sống vẫn còn ở trước mặt chúng ta. Nó là sự đột biến vào “đời sống sung mãn”: đời sống vĩnh cửu.
Trước khi sự sống tiến đến bậc con người, dường như sự sáng tạo tiến từ bước này đến bước khác một cách ngẫu nhiên. Một số tạo vật đã biến đổi. Những tạo vật khác vẫn ở trạng thái cũ. Nói cách khác, những hình thái sự sống cá biệt này đã không có tự do lựa chọn để biến đổi.
Bây giờ sự sống đã đến bậc con người, tất cả những gì xẩy ra lúc trước đều thay đổi. Thiên Chúa cho mỗi người sự tự do và giúp đỡ để họ lựa chọn biến đổi đến đời sống vĩnh cửu.
Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nhìn đến luân lý Kitô giáo.
Thử tưởng tượng cuộc sống chung quanh chúng ta ngày càng tệ hại và chúng ta phải bỏ địa cầu này trong vòng 10 năm. Chúng ta sẽ làm gì?
Lập tức chúng ta quýnh lên đi tìm một hành tinh khác mà loài người có thể sống được. Giả thử chúng ta tìm được một hành tinh và nơi đó rất khác với trái đất của chúng ta; nhưng trừ khi chúng ta hoàn toàn thay đổi lối sống cũ, chúng ta mới có thể sống thích hợp với hành tinh mới này.
Sau đó những kỹ sư sẽ tạo ra một môi trường giống như hành tinh mới. Trong môi trường này chúng ta sẽ tập sống cho hành tinh mới.
Câu truyện tưởng tượng trên giúp chúng ta hiểu về luân lý Kitô giáo.
Tuổi già và bệnh tật không để chúng ta sống mãi trên hành tinh này. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tỏ ra cho ta biết (theo nghĩa bóng), còn có một hành tinh khác: thiên đàng. Cuộc sống trên thiên đàng hoàn toàn khác với cuộc sống ở trái đất. Nhưng, với khả năng chúng ta có thể thay đổi để sống thích hợp với môi trường mới và chuẩn bị cho môi trường này ngay khi chúng ta còn sống ở trần gian.
Và điểm này đưa đến luân lý Kitô giáo. Luân lý Kitô giáo liên quan đến sự đột biến sau cùng vào đời sống vĩnh cửu. Nó liên quan đến sự tự do lựa chọn để chia sẻ một cuộc sống đầy đủ mà Chúa Giêsu đã đem đến.
Luân lý Kitô giáo có thể được diễn tả là sự chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để sống ở trần gian theo một đường lối mà qua đường lối này, chúng ta có thể đột biến lần cuối cùng vào đời sống vĩnh cửu. Những gì Mai-sen đã nói với dân Do Thái, Thiên Chúa cũng nói với mọi người chúng ta:
Bấy giờ Ta cho các ngươi lựa chọn giữa sự sống và sự chết... và trời đất sẽ chứng kiến sự lựa chọn của các ngươi. Hãy chọn sự sống.
Deuteronomy 30:19
Vì thế bổn phận của chúng ta trên trần gian là chấp nhận lời mời của Thiên Chúa. Lời mời chọn sự sống. Bổn phận của chúng ta là gieo những hạt mầm mà nó sẽ sinh hoa quả trong đời sống vĩnh cửu ở thế giới mới. Chúng ta hãy nghe Thánh Phao-lô nói:
Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy. Ai gieo trong xác thịt thì sẽ gặt lấy sự hư nát của xác thịt; ai gieo trong Thánh Thần thì sẽ gặt được sự sống đời đời của Thánh Thần.
Ga-lát 6: 7-8
Tôi khuyên anh chị em: hãy theo sự chỉ dẫn của Thánh Thần... Thánh Thần đã cho ta sự sống; Người cũng phải kiểm soát đời sống chúng ta.
Ga-lát 5:16, 25
Và dựa theo lời Thánh Phao-lô, bổn phận của chúng ta trên trần gian là mở lòng trí ra cho Thánh Thần. Nhờ đó, chúng ta có thể gieo những hạt giống mà nó sẽ sinh hoa trái trong đời sống vĩnh cửu ở thế giới mới.
Ở đây chúng tôi muốn nêu ra một điểm. Cái nhìn của Thánh Phao-lô về việc gieo giống trên đời này để sinh hoa quả cho đời sống vĩnh cửu về sau, có nghĩa là chúng ta phải nhìn mọi việc trên đời này có liên quan mật thiết đến đời sau. Nó có nghĩa chúng ta phải tham gia vào việc tái tạo của Thiên Chúa trên trái đất này. Nói cách thực tế hơn, chúng ta phải tranh đấu cho hòa bình, công bằng, và sự hòa hợp trong mọi lãnh vực của xã hội và mọi tầng lớp của đời sống con người.
Ðiều này đưa ta đến một cách khác, riêng tư hơn để diễn tả đời sống luân lý Kitô giáo.
Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Ðồ. Khi Chúa rửa chân xong, Người nói:
”Anh em gọi ta là Thầy và là Chúa, và điều này thật đúng vì Ta thực sự như thế... Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng sẽ làm như Thầy đã làm... Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.”
Gioan 13:13,15,17; 15:12
Vì thế, cách khác, riêng tư hơn để diễn tả đời sống luân lý của người Kitô giáo là: Chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để sống và yêu như Người đã sống và đã yêu.
Nó có nghĩa là nhìn thấy công việc của Chúa trên trần gian cũng như công việc của mình. Nó có nghĩa nhìn thấy mọi việc trong đời sống con người có liên hệ mật thiết với Nước Trời--cũng như hạt giống liên hệ mật thiết với cây.
Sống và yêu như Chúa Giêsu không phải dễ. Ðó là cả một thử thách lớn lao. Vì tội tổ tông đã làm hư đi lý trí và ước muốn của con người. Vì hậu quả này, chúng ta không luôn luôn làm được những gì chúng ta muốn. Thánh Phao-lô đại diện cho chúng ta khi viết về điểm này:
Tuy tôi ước muốn làm điều lành, nhưng tôi không sao thực hiện được.
Sự lành tôi muốn thì tôi không làm; ngược lại sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm... Thật khốn thân tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân xác đang lôi kéo tôi về sự chết? Cảm tạ Thiên Chúa, Người đã làm việc này qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Roma 7:18-19, 24-25
Và vì thế luân lý Kitô giáo là một thách đố. Chúng ta chỉ có thể thành công trong sự thách đố này khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu. Người đã nói:
”Cũng như cành nho không thể tự nó sinh quả được nếu không kết hợp với thân cây. Anh em cũng thế, nếu anh em không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành nho... Không có Thầy, anh em không thể làm gì được.”
Gioan 15:4-5
Luân lý Kitô giáo là một tiến trình tăng trưởng liên tục. Nó là một hành trình bắt đầu tự lúc sơ sinh và tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Nó không bao giờ chấm dứt.
Nhà thần học Soren Kierkegaard đã phát biểu một tư tưởng để diễn tả tiến trình của đời sống luân lý như sau. Theo ông, đời sống này từ từ lớn lên qua ba giai đoạn:
giai đoạn tôi là tâm điểm,
giai đoạn tha nhân là tâm điểm,
giai đoạn Chúa là tâm điểm.
Ở đây chúng ta phải nhớ là bất cứ cố gắng nào để diễn tả tiến trình tăng trưởng của đời sống con người cũng chỉ có mục đích hướng dẫn, nhất là khi nói về sự tăng trưởng của đời sống luân lý con người. Nói cách rõ ràng hơn, mỗi một người theo một con đường độc đáo của mình với những ba chìm bẩy nổi, khúc mắc riêng tư.
Tuy nhiên tư tưởng của nhà thần học Soren Kierkegaard giúp ta thấy được tác động chung liên quan đến tiến trình của đời sống luân lý.
Ðời sống luân lý của chúng ta bắt đầu bằng giai đoạn tôi là tâm điểm. Trong giai đoạn này chúng ta sống phần lớn dưới ảnh hưởng của giác quan và tình cảm chúng ta. Chúng ta chỉ lo đến thú vui và những gì cần thiết cho ta.
Trong giai đoạn này chúng ta thường ích kỷ. Chúng ta muốn tự do làm bất cứ những gì chúng ta thích. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng, chúng ta có tất cả nhưng không có tự do. Chúng ta nô lệ cho những đam mê và thành kiến của chúng ta.
Trong giai đoạn này chúng ta thấy lề luật của Chúa như một cản trở sự tự do của chúng ta. Nó như đè nén và cầm giữ chúng ta lại. Tương tự như thế, chúng ta coi tội là một vi phạm sự giới hạn này. Tội không gì khác hơn là sự không vâng phục luật lệ.
Kierkegaard cho rằng ngày nào mà chúng ta còn ở giai đoạn này là ngày đó chúng ta sẽ cảm thấy không có hạnh phúc. Luôn luôn tìm kiếm hết thú vui này đến thú vui khác, chúng ta sẽ tự đem mình đến tột đỉnh của sự thất vọng ê chề. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được hoàn cảnh bất hạnh này bằng cách tiến lên bậc trách nhiệm cao hơn trong lối sống của chúng ta.
Chúng ta đạt tới bậc cao hơn trong đời sống luân lý khi quyết định từ bỏ thế giới cái tôi của mình và nhìn đến tha nhân. Chúng ta thể hiện điều này bằng cách lãnh nhận bổn phận của chúng ta trong xã hội, tỉ như tình bằng hữu và giữ lời hứa với người khác.
Bởi nhận những trách nhiệm này, chúng ta tiến một bước thật dài trên đường tìm kiếm tự do thực sự. Kierkegaard nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể được tự do thực sự khi chúng ta từ bỏ thế giới cái tôi của mình và bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm đối với tha nhân.
Trong giai đoạn tha nhân là tâm điểm, chúng ta không nhìn luật lệ của Thiên Chúa như cản trở tự do của chúng ta nhưng nó là kim chỉ nam giúp chúng ta được lớn lên trong đời sống luân lý. Chúng ta bắt đầu thấy được giá trị của lề luật Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không coi tội như một vi phạm (giới hạn) nhưng là sự bất trung (đối với sự phát triển cá nhân). Tội là một lối sống vô trách nhiệm.
Chúng ta tiến đến bậc cuối cùng khi khám phá ra mối liên hệ mật thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa. Sự khám phá này đưa đến nhận thức:
căn tính của chúng ta (là con Thiên Chúa) và,
định mệnh của chúng ta (được mời gọi đến đời sống vĩnh cửu).
Trong giai đoạn này chúng ta cũng khám phá ra Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa. Chúng ta khám phá ra tại sao Người lại đến thế gian. Người đến để dạy cho chúng ta biết sự sung mãn của đời sống: đời sống vĩnh cửu. Trong giai đoạn này, Chúa Giêsu trở thành trung tâm điểm của đời sống chúng ta.
Cũng trong giai đoạn này, chúng ta khám phá ra mối liên hệ thật sự giữa lề luật và tình yêu. Lề luật là lời mời gọi để yêu Chúa. Chúa Giêsu đã nói:
”Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ thương yêu kẻ ấy, chúng Ta sẽ đến và sẽ ở trong kẻ ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không tuân giữ lời Thầy.”
Gioan 14: 23-24
Và trong giai đoạn này chúng ta không còn coi luật lệ của Thiên Chúa là sự cản trở tự do hoặc kim chỉ nam trong đời sống luân lý, nhưng nó là lời mời gọi để yêu. Và chúng ta sẽ coi tội là sự khước từ tình yêu. Nó là sự chối từ Thiên Chúa và anh chị em chúng ta.
Quan điểm chúng ta về luật và tội như thế nào thì cái nhìn của chúng ta về Bí Tích Hòa Giải cũng như vậy. Trong giai đoạn cái tôi là tâm điểm, chúng ta coi việc xưng tội với linh mục là một việc khó chịu. Trong giai đoạn tha nhân là tâm điểm, chúng ta coi bí tích này như một dụng cụ hữu ích giúp chúng ta vươn lên trong đời sống. Sau cùng, trong giai đoạn Chúa là tâm điểm, chúng ta thấy bí tích này là một sự nghi thức làm hòa giữa chúng ta với Chúa và gia đình của Người.
Ðời sống luân lý của người Kitô hữu là chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để sống ở thế gian theo đường lối của Người. Nhờ đó chúng ta có thể đột biến lần cuối cùng vào đời sống vĩnh cửu. Hoặc, nói cách mật thiết hơn, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để sống và yêu như Người đã từng sống và từng yêu.
Ðời sống luân lý của người Kitô hữu là một tiến trình không ngừng. Nó là một hành trình bắt đầu từ lúc sơ sinh và không bao giờ ngừng. Nó tiến dần qua ba giai đoạn sau:
giai đoạn tôi là tâm điểm,
giai đoạn tha nhân là tâm điểm,
giai đoạn Chúa là trung tâm điểm.
Cái nhìn của chúng ta về luật, tội và Bí Tích Hòa Giải thay đổi tùy theo từng giai đoạn của đời sống luân lý.