Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Cái gọi là triết lý “Playboy” coi tình dục là thú tiêu khiển và người tình là dụng cụ mang đến sự khoái lạc. Ngày nay, người ta không chấp nhận triết lý này. Phần lớn đồng ý tình dục phải đi đôi với trách nhiệm: nó phải được đặt trên nền tảng của tình yêu. Ðiều này nêu lên thắc mắc: Tình yêu là gì? Nói một cách khác, chúng ta có ý gì khi nói, “Thu và Hùng yêu nhau”?
Các bạn trả lời câu hỏi trên như thế nào?
Có rất nhiều lầm lẫn khi người ta nói về tình yêu. Một văn sĩ đề cập đến khía cạnh của sự lầm lẫn này, nói rằng tình yêu không phải là một cảm xúc nhưng là một thề hứa:
[Cảm xúc] là điện cao thế, là say mê bừng cháy mà mọi người chúng ta đều rạo rực khi gặp một người bạn mới.
Nó là trạng thái say mê của việc được chấp nhận và được khao khát.
Nó là sự hồi hộp khi hành động bất chợt, khi xé tung y phục và xóa bỏ mọi ngăn cấm, khi bàng hoàng bởi sự huy hoàng kín đáo của người khác phái... [cảm xúc] rất mãnh liệt và quyến rũ, nhưng cuối cùng, buồn thay, nó chỉ là một xúc động mạnh trong cuộc đua nước rút...
[Thề hứa], ngược lại, là cuộc chạy đua đường trường của con tim. Nó đòi hỏi phải tập dượt, rèn luyện, chịu đựng và trau dồi.
Nó không phải là loại thể thao để ngồi xem hoặc một cuộc đua mà việc thắng thua sẽ được quyết định trong chốc lát.
Nó là sự gắng sức vượt đồi và chịu đựng cơn đau và chống lại cám dỗ muốn bỏ cuộc.
Khi tình yêu được coi là một hành động của ý chí... nó có thể sống còn cho đến ngày mà trái tim ta còn đập.
Art Carey, “In Defense of Marriage,” The Philadelphia Magazine (February 20, 1983).
Ðiểm này dẫn tới điều người ta muốn nói về tình dục có trách nhiệm. Họ muốn nói tình dục được phát sinh từ sự thề hứa. Họ muốn nói tình dục diễn đạt và thăng hoa ba mầu nhiệm tuyệt vời:
tình yêu,sự sống, và
đức tin.
Tình dục có trách nhiệm không để cho “sự say mê bừng cháy” làm chủ tình thế. Nó không phải là “bước nhẩy vọt” và “xé tung y phục và quên đi những ngăn cấm.” Nó không phải là sự tham dự vào “cuộc đua nước rút đầy xúc động mạnh,” cho dù nó “mãnh liệt và quyến rũ.”
Tình dục có trách nhiệm là sự thăng hoa tình yêu. Nó thăng hoa một tình yêu đã được thề hứa để “gắng sức vượt đồi và chịu đựng cơn đau... cho đến ngày nào mà trái tim ta còn đập.” Tình dục có trách nhiệm là sự thăng hoa thật sự của tình yêu thề hứa.
Ở đây chúng ta nên nhớ là tình dục không phải là sự diễn tả độc nhất về tình yêu nam nữ. Ðúng hơn, nó là cao điểm của cuộc đua đường trường với những diễn đạt khác của tình yêu trong cuộc đua. Những diễn đạt tình yêu này được tỏ lộ qua nhiều hình thức. Thánh Phaolô nói về vài diễn đạt này khi ngài viết:
Yêu là nhẫn nại và nhân từ; không ghen tị hoặc khoe khoang hoặc kiêu kỳ;
yêu không có thói xấu hoặc ích kỷ hoặc dễ giận;
yêu không ghi nhớ những lỗi lầm;
yêu không vui khi thấy sự bất công;
nhưng vui khi thấy sự thật.
Tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.
1CORINTHIANS 13:4-7
Nói cách khác, Thánh Phaolô muốn nói rằng tình yêu tự tỏ lộ qua nhiều hành động bình thường trong đời sống hàng ngày, những hành động cụ thể. Tuy nhiên, cao điểm của sự diễn đạt là sự giao hợp nên một giữa hai người.
Tình dục có trách nhiệm cũng thăng hoa mầu nhiệm của sự sống. Về điểm này, có người nói rằng mọi sự sống mới đều bắt đầu bằng câu truyện tình. Ðây là cách đơn giản để diễn tả tình dục có trách nhiệm. Nó là cách nói rằng tình dục liên kết vợ chồng trong tình yêu giữa hai người nam nữ mà Thiên Chúa đã sắp đặt. Thiên Chúa muốn sự giao hợp là--
trở nên một và
lưu truyền sự sống
Trước nhất, Thiên Chúa muốn việc giao hợp là sự kết hợp nên một. Ðiều này có nghĩa Thiên Chúa sắp đặt tình dục là một phương tiện để hai vợ chồng diễn tả và củng cố mối liên hệ yêu thương đang nối kết họ thành một.
Thứ hai, Chúa muốn việc giao hợp dẫn đến việc lưu truyền sự sống. Ðây có nghĩa là Chúa sắp đặt cho tình dục thành một phương tiện để hai vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa mang một sự sống mới vào thế gian.
Sự kết hợp nên một và lưu truyền sự sống của việc giao hợp cũng giống như thể xác và linh hồn của một con người. Thiên Chúa kết hợp thể xác và linh hồn và Người muốn chúng đi đôi với nhau. Trong ý nghĩa này, tình dục có trách nhiệm không chỉ là sự thăng hoa tình yêu nhưng còn thăng hoa sự sống.
Nhiều cặp vợ chồng xác nhận rằng ở cao điểm của việc giao hợp đôi khi họ cảm thấy bay bổng vượt qua không gian và thời gian. Họ trong một trạng thái mà chỉ có thể diễn tả được là huyền diệu: trạng thái đưa đến tâm điểm của đời sống hôn nhân.
Cảm nghiệm “huyền diệu” này là cảm nghiệm của một đức tin sâu sa về Thiên Chúa--nhất là có sự hiện diện của Thiên Chúa trong tình yêu liên kết hai người. Nó là cảm nghiệm đức tin của việc Chúa Giêsu chúc phúc cho tình yêu vợ chồng trong phương cách phi thường mà ta có thể mường tượng được. Người nâng tình yêu này lên đến bậc bí tích. Bàn về điểm này, một nhà văn đã viết:
Trong hôn nhân Công giáo Thiên Chúa giao ước với đôi vợ chồng...
Thiên Chúa hứa sẽ luôn đi bên cạnh hai người...
để họ có thể khởi đầu sự kết hợp...
và đưa nó đến chín mùi trong tình yêu.
LADISLAS ORSY
Thánh Phaolô đã so sánh tình yêu vợ chồng giống như tình yêu của Thiên Chúa với dân Do-Thái và, cũng như tình yêu của Chúa Giêsu với Giáo Hội (Ephesians 5:25-33). Và chỉ với tư tưởng này trong đầu chúng ta mới có thể hiểu được rõ giá trị của điều răn thứ sáu và thứ chín mà Thiên Chúa đã ban cho dân Do-Thái trên núi Sinai. Chúa phán: “Chớ làm sự dâm dục... Chớ muốn vợ chồng người.”
Ðiều này đưa ta đến đường lối dạy dỗ của Giáo Hội về tình dục có trách nhiệm. Nói chung, đường lối này có thể được tóm lược trong sáu điểm sau đây:
Một tiệm bán máy chụp hình ở thành phố Nữu-Ước đã giảm bớt được nạn trộm cắp trong tiệm bằng cách để tấm bảng thật lớn mà mọi người khách hàng đều thấy: “Chúng tôi chụp hình quý vị bốn lần trong mỗi giây. Chúng tôi chụp một tấm đằng trước, hai tấm bên hông, và một tấm đằng sau.”
Ðiều răn thứ bảy và thứ chín nói về việc ăn cắp và lòng ham muốn của cải của người khác.
Ăn cắp là một trong những vấn đề đáng lo ngại mà các tiệm buôn và các nhà băng phải đối phó. Nó không những chỉ liên quan đến khách hàng mà còn cả nhân viên trong tiệm. Thí dụ, một cuộc thăm dò đáng tin cậy (ghi lại bằng máy kiểm chứng sự thật) cho biết 72% nhân viên trong tiệm và 83% nhân viên trong nhà băng có dính dáng vào vài hình thức ăn cắp (thường thường là ăn cắp vặt).
Theo danh từ chuyên môn, ăn cắp được định nghĩa là lấy của người khác ngược với ý muốn của họ. Câu “ngược với ý muốn của họ” thật quan trọng, bởi vì đôi khi lấy của người khác mà không bị phạm tội ăn cắp. Thí dụ, chúng ta ăn cắp thực phẩm để bảo tồn sự sống chúng ta. Dĩ nhiên, nếu người chủ tiệm thực phẩm biết được hoàn cảnh của ta họ sẽ không phản đối. (Phản đối trong trường hợp này được coi là “không hợp lý.”) Mức độ nặng nhẹ của tội ăn cắp tùy theo hai yếu tố sau đây:
hoàn cảnh liên hệ và
giá trị của những vật ăn cắp.
Một thí dụ sau đây sẽ làm sáng tỏ hai điểm nêu trên. Nếu một nhân viên của một hãng ăn cắp năm đồng từ máy thối tiền, việc ăn cắp này là có tội nhưng nó không nặng. Nhưng nếu người nhân viên này cố ý tiếp tục lấy tiền trong một quãng thời gian, việc ăn cắp này có thể trở thành một tội nặng.
Trước khi chúng ta được tha tội ăn cắp trong bí tích Hòa Giải, chúng ta phải đền trả, hoặc có ý đền trả, những gì chúng ta đã lấy. Nếu việc đền trả này thật khó khăn hoặc việc đền trả khiến danh tánh bị tiết lộ, và có thể bị mất việc, chúng ta có thể giả sử rằng người chủ sẽ đồng ý cho chúng ta bỏ một số tiền tương đương với vật ăn cắp vào việc từ thiện.
Trong một vài trường hợp họa hiếm, chúng ta có thể được miễn bồi thường (trả lại những gì mình đã ăn cắp) vì nó có thể gây nên hoàn cảnh thật khó khăn và bi đát -- thực sự bi đát hơn hoàn cảnh của người bị mất cắp. Lòng muốn bồi thường là dấu chỉ cụ thể của sự sám hối.
Một cuộc nghiên cứu của trường đại học Cornell cho biết đứa bé khoảng mười tuổi đã nẩy nở trong đầu óc một “thái độ không kết án” về việc gian lận. Những nhà chuyên môn cho rằng trẻ em có thái độ này do bắt chước người lớn và chúng bạn.
Gian lận--dù là lấy tiền, điểm hạng (grades), hoặc học bổng--là tội nặng gấp hai. Nó liên quan, một phần nào, đến cả hai việc ăn cắp và nói dối. Gian lận trong bài thi là một thí dụ điển hình. Hành động này liên quan đến việc lấy câu trả lời của người khác (ăn cắp) và tuyên bố là của mình (nói dối).
Mức độ nặng nhẹ của tội gian lận tùy thuộc vào hoàn cảnh xẩy ra. Thí dụ, biết và cố ý gian lận để lấy học bổng của người khác là tội rất nặng. Ðàng khác, gian lận trong một bài thi thường là một trường hợp nhẹ hơn.
Ăn cắp bắt nguồn từ trong lòng với sự tham lam hoặc ước muốn. Ðã nhiều lần, Chúa Giêsu dạy các môn đệ Người tỉnh thức chống lại hai thái độ nêu trên. Người nói:
”Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!...
Phúc cho những ai muốn thực thi điều Chúa muốn, thì họ sẽ được thoả lòng!”
MATTHEW 5: 3,6
Chúa Giêsu biết khi nói đến vật chất là có sự không đồng đều. Một số người có nhiều khả năng hơn và họ làm được nhiều tiền hơn. Có người nhiều may mắn và kiếm được nhiều của cải hơn. Có người được sinh ra trong gia đình giầu có. Nhưng Chúa Giêsu cũng nói rõ ràng là người giầu có bổn phận phải giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Câu truyện dụ ngôn của Lazarus và Người Giầu (Luke 16:19-31) và Ngày Phán Xét Chung (Matthew 25:31-46) cho thấy rất rõ ràng về bổn phận này.
Cờ bạc có thể được coi là đánh cá hoặc thử vận hên xui mà kết quả không được biết chắc chắn. Các cuộc xổ số do các tiểu bang tổ chức hoặc đánh cá trong các trò chơi thể thao là những thí dụ điển hình. Những trò chơi đánh cá này lan tràn đến nỗi người ta phỏng đoán rằng hơn 60% những người lớn tuổi có chơi hoặc dính dáng đến việc cờ bạc.
Khi cờ bạc nằm trong phạm vi tài chánh của một người, nó được coi là trò chơi giải trí và, vì thế, được coi là không trái với luân lý. Nhưng cờ bạc có thể trở thành trái luân lý khi nó không còn-
trong khả năng tài chánh của chúng ta hoặc
dưới sự kiểm soát của chúng ta.
Thứ nhất, cờ bạc trở thành tội khi nó không còn nằm trong khả năng tài chánh của chúng ta. Cờ bạc cách vô trách nhiệm đã đem lại biết bao đau khổ cho nhiều người và nhiều gia đình.
Thứ hai, cờ bạc trở thành vấn đề khi không còn dưới sự kiểm soát của chúng ta. Khi biết mình say mê cờ bạc, chúng ta có bổn phận phải tìm kiếm sự chạy chữa.
Tính ghiền cờ bạc lan rộng đến nỗi trong nước Mỹ nhiều hội, như Gamblers Anonymous, đã được lập ra để giúp những người ghiền cờ bạc.
Diễn tả sức mạnh mà cờ bạc có thể làm chủ chúng ta, một người đã nói:
Lần đầu tiên tôi có một đồng trong túi mà tôi có thể nói là thuộc về của tôi là lúc tôi bốn mươi sáu tuổi.
Lúc đó tôi đã phá tan một doanh nghiệp và làm mất việc của vài trăm người cần đến tôi để sinh sống.
Vào tháng Bẩy năm 1975, các phi hành gia Mỹ và Nga Sô đã gặp gỡ và nối phi thuyền lại với nhau ở cao độ 140 cây số ngoài trái đất. Cuộc gặp gỡ trên không gian đã được nhiều sự chú ý và được tường trình cách ngoạn mục trên các đài truyền hình. Tuy nhiên, một vài ngày sau đó, trang đầu của tờ Chicago Tribune đã đăng câu truyện về những người nhất định không tin việc này đã thực sự xẩy ra.
Cơ quan NASA đã không ngạc nhiên về việc này. Họ thường nhận được những lá thư từ những người hoài nghi, như một người quả quyết rằng cuộc đi bộ trên mặt trăng lần đầu tiên của con người đã được “dựng trên sân khấu trong khu đất của hãng phim Warner Brothers.”
Hai thí dụ trên nói lên sự khủng hoảng nghiêm trọng về sự tin tưởng trong thế giới chúng ta. Sự khủng hoảng này gây ra bởi việc xâm phạm vào điều răn thứ tám, điều răn dạy ta phải luôn luôn thành thật.
Xã hội loài người được xây dựng trên sự tin tưởng giữa những cá nhân và các quốc gia. Không có gì làm mất dần hoặc tiêu tan sự tin tưởng bằng việc nói dối. Khi sự tin tưởng đổ vỡ, xã hội đổ vỡ.
Nói dối có thể được định nghĩa là truyền đạt đến ai đó điều mà chúng ta biết là sai (không đúng với sự thật). Sách Cựu Ước rất nghiêm khắc đối với những người nói dối. Thí dụ, Sách Sirach viết:
Nói dối là một vết nhơ trên cá tính của con người...
Một tên ăn trộm còn khá hơn một người chuyên môn nói dối.
SIRACH 20:24-25
Nói dối lại càng nguy hiểm khi nó liên quan đến những người đặt niềm tin tưởng nơi ta, như người trong gia đình hoặc bạn bè. Tuy nhiên, một trong những hình thức nói dối nguy hiểm nhất là tự dối mình. Thí dụ, chúng ta từ chối là chúng ta không có tội. Nói về sự cần thiết của sự thành thật với chính mình, một nhà thơ đã viết những dòng đáng nhớ sau đây:
Và trên hết mọi sự,-- phải thành thật với lòng mình; Và theo nó, như ngày theo đêm, bạn sẽ không thể gian dối bất cứ ai.
William Shakespeare, HAMLET
Một trong những điều nói dối tác hại nhất là nói dối để làm tổn thương danh dự của một người. Ðề cập đến lời nói dối này, một nhà thơ đã viết:
Ai ăn cắp tiền tôi, ăn cắp rác;
Nó có giá trị, nhưng thật sự là hư không;
Nó đã thuộc về tôi, bây giờ thuộc về hắn,
và nó đã từng làm nô lệ cho cả ngàn người;
Nhưng người chôm chỉa tên của tôi
Lấy của tôi cái không làm giầu cho hắn
Và thật sự làm cho tôi nghèo.
William Shakespeare, OTHELLO
Một người làm tổn thương thanh danh người khác có bổn phận phải bù đắp sự thiệt hại đó, nếu có thể được. Nhưng cố bù đắp sự thiệt hại cũng khó như cố bắt lại âm thanh của tiếng chuông sau khi đã gõ.
Danh tiếng của một người có thể bị tổn hại bằng cách nói xấu. Nói xấu có thể được coi là tung tin về những lỗi lầm riêng tư, thất bại, hoặc tội của một người nào đó mà không có đủ bằng chứng. Cách thông thường nhất để thực hiện điều này là qua những chuyện tầm phào (gossip). Ðoạn văn sau đây là lời phê bình thích hợp cho cách nói xấu tội lỗi này:
Tôi làm què quặt mà không phải giết một ai.
Tôi làm rạn nứt những con tim và phá hoại nhiều cuộc đời...
Càng dẫn chứng về tôi, tôi càng được tin...
Những nạn nhân của tôi không làm được gì cả...
Cố gắng tìm ra tôi là điều bất khả.
Bạn càng cố gắng bao nhiêu thì tôi càng quỷ quyệt bấy nhiêu...
Tôi lật đổ chính phủ và phá vỡ hôn nhân...
Tôi làm người vô tội âm thầm nhỏ lệ...
Tôi được gọi là Tầm Phào (Gossip).
Tầm phào khi làm việc.
Tầm phào khi mua sắm.
Tầm phào khi ăn uống...
Trước khi bạn kể lại một câu chuyện hãy tự hỏi:
Nó có thật không?
Nó có công bằng không?
Nó có cần thiết không?
Nếu không-- IM MỒM LẠI.
Vô Danh
Mười Ðiều Răn được coi như lời mời gọi yêu thương, bằng cách khơi dậy tình yêu trong ta, khi ta không đáp trả bằng tình yêu như Thiên Chúa mong muốn. Những điều răn cũng được coi như sự hướng dẫn đến tình yêu, vì nó chỉ cho ta cách hành động, khi ta phân vân không biết phải đối xử như thế nào cho đúng với lời mời gọi yêu thương.
Riêng về điều răn thứ sáu và thứ chín mời gọi và hướng dẫn chúng ta yêu thương người chung quanh như chính mình, trong những vấn đề liên quan đến tình dục; điều răn thứ bẩy và thứ mười, trong vấn đề liên quan đến của cải của người khác; và điều răn thứ tám, trong vấn đề liên quan đến việc đối thoại thành thật.