Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Sau khi tốt nghiệp trường thuốc, bác sĩ Tom Dooley gia nhập hải quân. Một ngày nọ tầu của ông gặp một thuyền đánh cá chở hàng ngàn người Việt Nam tị nạn lênh đênh trên biển cả. Nhiều người bị bệnh và kiệt sức. Ông Dooley là bác sĩ duy nhất trên tầu đã phải điều động nhiều người thủy thủ đến giúp ông.
Ðêm hôm đó bác sĩ Dooley mệt mỏi đến độ không thể đi được nữa. Nhưng ông cũng vui sướng đến độ không thể diễn tả được. Ðây là lần đầu tiên trong đời, ông thấy được sức mạnh của những liều thuốc giúp đỡ người bị bệnh.
Cảm nghiệm này đã thay đổi con người bác sĩ Dooley. Sau khi giải ngũ, ông về miền Á Châu để giúp đỡ những người nghèo khổ--những người giống như nhóm người tị nạn mà ông đã giúp đỡ. Sau này, cả trăm người tình nguyện đã đến làm việc với ông.
Một trong những đoạn trong Kinh Thánh mà bác sĩ Dooley thích nhất là “Phúc cho những kẻ than khóc” (Mát-thêu 5:4). Khi được hỏi tại sao ông lại thích đoạn này, ông trả lời:
Than khóc là nhận thấy được sự đau khổ của thế giới hơn là thú vui.
Nếu ta càng bén nhậy về sự đau khổ, và làm một cái gì đó, cho dù việc làm ấy thật bé nhỏ, để xoa dịu phần nào sự đau khổ--thì tự nhiên ta sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ðương nhiên là như vậy.
The Guideposts Treasury of Faith
Bác sĩ Tom Dooley đã tìm thấy sự thoả mãn sâu xa trong việc giúp đỡ những người bị thiếu thốn. Ông ta đã khám phá ra niềm vui của sự phục vụ.
Hãy liệt kê những cơ quan thiện nguyện cần sự giúp đỡ của những người trong vùng.
Hãy kể ra những lý do tại sao nhiều người không tình nguyện giúp đỡ những người khác.
Chữ sứ vụ có nghĩa là “phục vụ.” Sứ vụ của người Kitô hữu là theo gương Chúa Giêsu, Người đã từng tuyên bố là đến để “phục vụ” (Mark 10:45). Nói một cách khác, mỗi người Kitô hữu sẽ theo chân Chúa và làm những gì Người đã làm.
Sứ vụ người Kitô hữu không phải là sự tùy ý. Qua bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, chúng ta đã được mời gọi để nhận lãnh một sứ vụ (Mát-thêu 25:31-46, 28:16-20). Hơn nữa, Chúa Thánh Thần đã ban cho mọi người chúng ta một tài năng đặc biệt nào đó để phục vụ những người chung quanh.
Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày.
Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.
Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.
Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
1 Côrintô 12:8-11
Mỗi người Công Giáo được gọi và được ban cho sứ vụ của người theo Chúa Giêsu. Mỗi người Công Giáo có nhiệm vụ tiếp tục công việc của Chúa Giêsu qua một hình thức thiết thực nào đó.
Qua bí tích rửa tội mỗi người Công Giáo được mời gọi để phục vụ tha nhân. Ngoài ơn gọi này, một số người khác được mời gọi trong một sứ vụ đặc biệt. Ðó là thừa tác vụ chức thánh: chăn dắt con chiên trong Giáo Hội. Sứ vụ đặc biệt này được ban tặng qua bí tích Chức Thánh.
Chữ chức bắt nguồn từ Kinh Thánh, trong đó có câu, “Con là thầy cả đời đời theo phẩm hàm (chức) Melkisêđê” (Hebrew 5:6). Kinh Thánh dùng ba chữ Hy-Lạp để chỉ ba hình thức của thừa tác vụ chức thánh:
episcopoi (Tông Ðô Công Vụ 20:28),
presbyteroi (Tông Ðô Công Vụ 14:23),
dikonoi (Tông Ðô Công Vụ 6:1-6).
Từ những chữ này mà chúng ta có chữ “giám mục” (episcopate), “linh mục” (presbyterate), và “phó tế” (diaconate).
Bí tích Chức Thánh giao cho các giám mục trách nhiệm tiếp tục công việc của các Tông Ðồ. Là những người thừa kế các Tông Ðồ, các giám mục được quyền lãnh đạo cũng như các Tông Ðồ thời xưa. Các ngài có ba trách nhiệm sau đây:
dẫn dắt Giáo Hội,
dẫn dắt Giáo Hội trong phụng vụ và phục vụ, và
dạy dỗ trong đường lối cứu chuộc.
Sứ vụ “dạy dỗ” của các giám mục cần được chú ý một cách đặc biệt. Trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ:
”Thầy đã được trao quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Mát-thêu 28:18-20
”Những gì anh em cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, những gì anh em tháo cởi ở dưới đất thì trên trời cũng tháo cởi.”
Mát-thêu 18:18
”Ai nghe anh em là nghe Ta.”
Lu-ca 10:16
Nhưng Chúa Giêsu không những chỉ truyền cho các Tông Ðồ dạy dỗ nhân danh Người. Nhưng Người cũng đã hứa cho Chúa Thánh Thần xuống giúp đỡ họ:
”Thầy sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho anh em Ðấng an ủi khác đến ở với anh em mãi mãi. Ðấng ấy sẽ tỏ cho anh em biết chân lý của Thiên Chúa.”
Gio-an 14:16-17
”Ðấng an ủi là Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến với anh em nhân danh Thầy, Ðấng ấy sẽ dạy bảo anh em mọi điều và sẽ nhắc nhở cho anh em mọi điều Thầy đã nói với anh em.”
Gio-an 14:26
”Khi... Thánh Linh chân lý đến, Thánh Linh ấy sẽ dạy anh em biết mọi chân lý.”
Gio-an 16:13
Và Chúa Giêsu không những chỉ giao phó và truyền cho các môn đệ và những người thừa kế dạy dỗ nhân danh Người, nhưng Người cũng hứa Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt họ trong sứ vụ khó khăn này. Nói một cách khác, trong một thế giới đầy hoang mang và mâu thuẫn, các Tông Ðồ và những người thừa kế họ sẽ được ban một ơn đặc biệt (của Chúa Thánh Thần) để giúp họ thi hành nhiệm vụ dạy dỗ này.
Trong các môn đệ, Thánh Phêrô được một quyền lãnh đạo đặc biệt. Thí dụ, Kinh Thánh đã ghi lại rõ ràng Thánh Phêrô --
cầm chìa khóa Nước Trời (Mát-thêu 16:19)
đại diện cho các Tông Ðồ (Tông Ðô Công Vụ 2-5)
dạy dỗ các người lãnh đạo dưới quyền (Ga-lát 1:18)
đứng đầu trong các Tông Ðồ (Lu-ca 6:14).
Cũng như Thánh Phêrô có quyền lãnh đạo đặc biệt trong các Tông Ðồ, các vị thừa kế Thánh Phêrô (giám mục ở Roma) cũng được quyền lãnh đạo này trong các vị giám mục. Vì lý do này giáo dân ở thế kỷ thứ 11 đã đặt cho vị giám mục ở Roma một tước hiệu đặc biệt: pope, có nghĩa là “cha của các cha.”
Một khía cạnh của huấn quyền của Giáo Hội là tính bất khả ngộ (không thể sai lầm). Ðây có nghĩa là khi Ðức Giáo Hoàng hoặc hội đồng giám mục dạy bảo những vấn đề liên quan đến đức tin hoặc luân lý, Chúa Thánh Thần sẽ bảo vệ họ khỏi bị sai lầm.
Khi Giáo Hội sơ khai ngày càng phát triển, các vị giám mục không thể nào trông coi hết được những con chiên giao phó cho mình. Vì thế, mỗi vị giám mục phong chức cho những người phụ tá để giúp đỡ các ngài. Những người này được gọi là linh mục, họ được giao phó trông coi những nhóm nhỏ (sau này gọi là giáo xứ) trong giáo phận của vị giám mục.
Cũng như các giám mục, các linh mục chọn đời sống độc thân. Tục lệ này bắt nguồn từ lúc giáo hội sơ khai. Nhưng nó không trở thành phổ thông ở Âu Châu cho đến thế kỷ thứ 12.
Có nhiều mục đích cho đời sống độc thân. Hai mục đích đáng được nêu ra ở đây là: tinh thần và chức năng.
Ðể hiểu mục đích tinh thần, chúng ta phải nhớ rằng đời sống độc thân, thực sự là để noi gương Chúa Giêsu, Người đã sống độc thân. Vì thế, đời sống độc thân của linh mục là dấu chỉ của sự hiện diện thường trực của Chúa Giêsu trong Giáo Hội.
Ðời sống độc thân cũng có mục đích chức năng. Khi các linh mục không phải gánh vác những công việc của một người có gia đình, các ngài được rảnh rang để phục vụ những người trong cộng đồng (1 Cô-rin-tô 7:32-35).
Vai trò độc đáo của linh mục trong cộng đồng Công Giáo và trong thế giới được diễn tả một cách xúc tích trong đoạn văn ngắn sau đây:
Sống giữa trần gian nhưng không mơ ước những thú vui gian trần.
Là một phần tử của mọi gia đình, nhưng không thuộc về một gia đình nào cả.
Chia sẻ tất cả những khổ đau, biết thấu tất cả những bí mật, xoa dịu tất cả những vết thương... Một trái tim rực lửa từ bi nhân ái, và một trái tim khao khát sự trong sạch.
Dạy dỗ, và tha thứ, an ủi, và luôn luôn ban phúc. Chúa ơi! Thật là một cuộc đời cao thượng! Và đây là cuộc đời của Người, Ôi Linh Mục Giêsu.
Lacordaire, “Thou Art a Priest Forever”
Không vị linh mục nào có thể sống đúng với lý tưởng cao sang này. Nhưng như vậy mới được gọi là lý tưởng.
Lý tưởng giống như các vì sao; bạn không bao giờ chạm tới được.
Nhưng giống như người thủy thủ trên sóng nước mênh mông, bạn chọn nó để dẫn đường cho bạn.
Carl Schutz
Hai Loại Linh Mục
Linh mục được chia ra làm hai loại: triều (thuộc về giáo phận) và dòng. Các linh mục triều làm việc ở một giáo phận dưới quyền của một giám mục. Các cha dòng thì thuộc về nhà dòng và dưới quyền của cha bề trên.
Mỗi dòng có đời sống khác nhau. Ðời sống này được đặt ra để giúp những người thuộc về dòng thi hành sứ vụ mà nhà dòng đã đề ra: giáo dục giới trẻ, phục vụ người nghèo, rao giảng lời Chúa ở các nước.
Ngoài những nhà dòng của các linh mục, còn có những dòng của các sơ. Họ cũng chọn đời sống và sứ vụ giống như các linh mục. Cũng có những dòng dành cho các thầy. Mỗi dòng có một lối sống riêng biệt để chu toàn sứ vụ mà nhà dòng đã đặt ra.
Những người sống trong dòng thường khấn tinh thần khó nghèo, trong sạch, và vâng lời. Họ khấn đức khó nghèo (từ bỏ của cải) để theo gương Chúa Giêsu, người đã bỏ của cải trần gian vì Nước Trời (Mát-thêu 19:21). Và họ khấn đức trong sạch để giống như Chúa Giêsu, người đã hy sinh những niềm vui của đời sống gia đình vì Nước Trời (Mát-thêu 19:12). Và sau cùng, họ khấn đức vâng lời để noi gương Chúa, người đã hy sinh ý mình vì Nước Trời (Lu-ca 22:42, Phi-líp-phê 2:8).
Khấn nghèo khó, trong sạch, và vâng lời, không có nghĩa là người ấy thánh thiện hơn những người không khấn. Ðây chỉ là một đường lối khác biệt mà họ chọn để cố gắng nên thánh như mọi người Kitô được mời gọi để nên thánh (Mát-thêu 5:48).
Các phó tế bổ sung cho nhóm lãnh đạo mục vụ. Những người này, độc thân hoặc có gia đình, cảm nhận được tiếng gọi của Chúa để lãnh nhận thừa tác vụ chức thánh.
Ngày nay, các phó tế phục vụ trong cộng đồng qua nhiều khía cạnh. Họ giảng dạy, rửa tội, làm phép hôn phối, và cử hành tang lễ. Nhưng họ không được cử hành bí tích Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, hoặc Truyền Chức Thánh.
Càng ngày phó tế càng đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm trong đời sống hằng ngày của Giáo Hội. Vai trò của phó tế sẽ tiếp tục gia tăng, thay vì giảm đi, trong những năm tới.
Chữ sứ vụ có nghĩa là “phục vụ”. Sứ vụ của người Công Giáo là noi gương Chúa Giêsu, Người đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. Qua bí tích Rửa Tội, và Thêm Sức, tất cả mọi người Công Giáo được mời gọi và ban sức để thi hành những sứ vụ của Chúa Giêsu giao phó. Bên cạnh tiếng gọi chung để thi hành sứ vụ của người Công Giáo, còn có tiếng gọi đặc biệt để nhận lãnh sứ vụ chức thánh: chủ chiên lãnh đạo trong Giáo Hội. Sứ vụ này được ban cho qua bí tích Chức Thánh.
Bí tích Chức Thánh ủy thác các giám mục, linh mục, và phó tế theo chân các Tông Ðồ và chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo của các đấng để-
chăn dắt những người theo Chúa,
dẫn dắt họ trong việc phụng vụ và phục vụ, và
dạy dỗ họ trong đường lối cứu chuộc.