Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Có một bài thơ về sáu người mù ở Indostan. Họ đứng chung quanh một con voi và tự hỏi không biết con voi như thế nào. Một anh mù sờ vào mình voi và nói con voi giống như bức tường. Một người khác sờ vào cái đuôi và nói con voi giống như sợi dây. Người thứ ba sờ vào cái vòi và nói con voi giống như con rắn. Người thứ tư sờ vào cái tai và nói con voi giống như cái quạt. Người thứ năm sờ vào ngà voi và nói con voi giống như lưỡi dáo. Người thứ sáu sờ vào chân voi và nói con voi giống như thân cây. Và bài thơ chấm dứt bằng một đoạn sau đây:
Và những anh mù của Indostan cãi nhau lớn tiếng thật lâu.
Mỗi người nhất quyết cho mình đúng. Nhưng họ chỉ đúng một phần theo cái nhìn của mỗi người. Thật sự tất cả đều sai.
John Godfrey Saxe
Một giáo sư thần học đã dùng bài thơ này trong một buổi nói chuyện để cắt nghĩa những cái nhìn khác nhau của nhiều người về Giáo Hội Công Giáo. Sau đó bà ta hỏi những người dự thính hai câu: “Thứ nhất, chúng ta nhìn về Giáo Hội như thế nào? Thứ hai, chúng ta phải làm thế nào để không lầm lẫn như những người mù nói trên?”
Các bạn trả lời thế nào về hai câu hỏi trên?
Tương tự hình ảnh con voi trong bài thơ, Giáo Hội Công Giáo là một thực thể đa diện không thể diễn tả bằng một lối giải thích đơn giản. Và cũng giống như những người mù trong bài thơ, một số người chỉ thấy được một khía cạnh mà thôi. Kết quả là họ thường vấp phải những lỗi lầm như những người mù kia.
Vì Giáo Hội là một thực thể đa diện nên không thể diễn tả Giáo Hội bằng những định nghĩa đơn giản. Ðiều này giải thích tại sao các nhà thần học ngày nay cũng dùng những mô hình để diễn tả Giáo Hội. Mô hình là một cách giúp chúng ta hiểu một thực thể phức tạp dễ dàng hơn.
Không phải chỉ có các nhà thần học mới dùng những mô hình. Các khoa học gia cũng dùng hình thức này. Thí dụ, chưa có một khoa học gia nào nhìn thấy một thực thể phức tạp được gọi là electron (âm điện tử). Chữ electron chỉ là một cái tên họ đặt cho một chuỗi biến cố nhất định xẩy ra trong một trạng thái nào đó.
Khi nói đến electron, các khoa học gia có lúc dùng chữ sóng để diễn tả, và đôi khi dùng phân tử. Khi một mô hình này không thể cắt nghĩa được thì họ dùng một mô hình khác.
Chúa Giêsu cũng đã đưa ra nhiều mô hình để giúp dân chúng có khái niệm về Nước Trời. Thí dụ, Chúa Giêsu đã so sánh Nước Trời như:
một hạt giống nhỏ bé, nhưng khi mọc lên thì thành một cây lớn
(Mt 13: 31-32)
một chút men nhưng làm dậy cả một khối bột
(Mt 13: 33)
một viên ngọc quý mà người thương gia tìm thấy và ông đã bán cả gia nghiệp để mua lấy
(Mt 13: 45-46).
Cách dùng hình ảnh để diễn tả Nước Trời của Chúa Giêsu cho ta thấy sự quan trọng của mô hình. Mô hình phải dùng theo nhiều nhóm liên kết với nhau, đừng bao giờ dùng đơn lẻ. Một mô hình đơn độc, dùng một mình, sẽ sái lệnh thực thể hơn là sáng tỏ thêm. Ðiều này được thấy rõ ràng trong câu truyện của những người mù sờ voi.
Chúng ta cần nêu rõ ba điểm trước khi bàn về những mô hình dùng để chỉ Giáo Hội.
Thứ nhất, Giáo Hội là một “mầu nhiệm” (Ê-phê-sô 5:32, NAB). Vì quá phức tạp nên chúng ta không bao giờ có thể hiểu được trong đời này. Ðây là lý do Kinh Thánh dùng biết bao nhiêu hình ảnh để khai phá mầu nhiệm của Giáo Hội.
Thứ hai, Giáo Hội là một “dấu chỉ” và “người tôi tớ” của Nước Trời, đang ở giữa chúng ta, nhưng chưa được thể hiện trọn vẹn. Nói cách khác, sứ mệnh của Giáo Hội là “dẫn lối” và “phục vụ” để hoàn tất Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ trao lại cho Chúa Cha trong ngày tận thế--
một vương quốc đời đời và bao quát:
một vương quốc của sự thật và sự sống,
một vương quốc thánh thiện và đầy ơn sủng,
một vương quốc công chính, yêu thương và an bình.
Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô Vua
Sau cùng, Giáo Hội là một “cộng đồng.” Khi Kinh Thánh dùng chữ giáo hội nó không có nghĩa là nhà thờ như chúng ta thường hiểu. Nhưng nó có nghĩa một cộng đồng. Những giáo hữu tiên khởi không bao giờ nghĩ đến việc “đi nhà thờ.” Họ là “nhà thờ.” Vì thế những nhà thần học dùng chữ giáo hội để nói về một cộng đồng.
Ðiểm này dẫn ta đến những mô hình mà các nhà thần học dùng để diễn tả Giáo Hội và các loại cộng đồng mà mỗi mô hình nói đến.
Mô Hình ----------------- Loại Cộng Ðồng
Môn Ðệ ----------------------- đức tin
Nhiệm Thể -------------------- chia sẻ đời sống
Bí Tích Căn Bản ------------- thuộc về bí tích
Dân Chúa --------------------- chứng nhân
Tổ Chức ----------------------- phẩm trật
Tôi Tớ ------------------------- sứ vụ
Vào năm 1980, một cuộc bắt đạo đã khiến phần lớn nước Guatemala không có linh mục. Nhưng lý do này đã không cản được người Công Giáo Guatemala gặp nhau mỗi Chúa Nhật. Vì không có linh mục họ đã dựa vào Chúa Thánh Thần để dẫn dắt họ trong công việc thờ phượng Thiên Chúa. Khi nói về hình thức phụng vụ của những giáo dân này, ông Fernando Bermudez đã viết trong cuốn Sự Chết và Sự Sống Lại ở Guatemala: “Họ xưng tội bằng cách quỳ gối và mọi người đồng loạt nói tội của mình ra. Kế đến họ cùng hát một bài ca xin Chúa tha thứ.”
Sau đó, một người trong nhóm đọc một đoạn Phúc Âm và cắt nghĩa những tư tưởng trong đoạn này. Sau cùng, mọi người tham dự chia sẻ những tư tưởng mà Chúa Thánh Thần đánh động trong tâm hồn họ.
Mỗi một tháng, các cộng đồng gởi các người đại diện đến nơi có linh mục còn được phép hoạt động. Cuộc hành trình đi bộ này có khi dài đến mười tám giờ đồng hồ. Những người đại diện cùng tham dự thánh lễ thay mặt cho giáo xứ của họ.
Trước lễ, họ để những thùng bánh trên bàn thờ để làm phép trở nên Mình Thánh Chúa. Sau lễ, họ đem Mình Thánh trở về giáo xứ của họ.
Hình thức kết hợp lỏng lẻo của cộng đồng này, dựa trên sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta hình dung được cuộc sống của Giáo Hội tiên khởi được ghi lại trong Tông Ðồ Công Vụ. Nó giúp chúng ta có cái nhìn sâu xa về mô hình môn đệ mà các nhà thần học xử dụng khi nói về Giáo Hội.
Mô hình môn đệ nhắm vào sự kiện: Giáo Hội là một cộng đồng đức tin của những người theo Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Giáo Hội là tập thể những người tin vào Chúa Giêsu và cố gắng sống theo lời Chúa. Chúa Giêsu đã hứa với cộng đồng đức tin của những môn đệ:
”Ðấng An Ủi, Chúa Thánh Thần, mà Cha sẽ nhân danh Thầy sai đến với anh em, sẽ dậy anh em tất cả mọi điều và nhắc nhở anh em mọi điều mà Thầy đã nói cho anh em... [và] hướng dẫn anh em biết mọi chân lý.”
Gioan 14:26, 16:13
Lời hứa này cho thấy một sự kiện là Giáo Hội vẫn còn đang học hỏi. (Chữ môn đệ có nghĩa là “người học hỏi.”) Nói cách khác, Giáo Hội không có những câu trả lời sẵn cho những vấn đề hiện tại. Nhưng ngày nay, Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn cũng như Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Chúa Giêsu trong thời kỳ Tân Ước (Luca 4:1).
Và vì thế mô hình môn đệ chứa đựng một thông điệp quan trọng:
Như Chúa Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu thời Tân Ước, thì Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo Hội trong thời đại này.
Ưu điểm của mô hình môn đệ là nhấn mạnh đến việc Giáo Hội cần mở rộng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khuyết điểm của mô hình này là chúng ta có thể chú ý quá đáng đến sự cần thiết đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mỗi người mà quên rằng Chúa Thánh Thần hoạt động đặc biệt qua những người lãnh đạo Giáo Hội. Vì thế, sự rộng mở đón lấy sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cũng có nghĩa là sẵn sàng tiếp nhận sự hướng dẫn của những người được chọn để chăn dắt Giáo Hội (Mt 18:19).
Có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, khởi đầu, Thánh Phao-lô là kẻ thù của Kitô giáo. Một ngày nọ, khi trên đường đến Damacus để truy nã những người theo Chúa Giêsu, một sự việc vô cùng kỳ lạ đã xẩy ra cho Thánh Phao-lô.
Bỗng nhiên một luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng phán rằng, “Sao-lê! Sao-lê! Tại sao con bắt bớ Ta?”
Ông đáp: “Thưa Người, Người là ai?”
Có tiếng đáp, “Ta là Giêsu mà con đang lùng bắt.”
TÐCV 9:3-5
Ðiểm này đưa ta đến mô hình nhiệm thể mà các nhà thần học dùng để gọi Giáo Hội.
Mô hình nhiệm thể nhắm đến sự kiện Giáo Hội là một cộng đồng chia sẻ đời sống. Những phần tử của Giáo Hội kết hợp thành một thân thể mà Chúa Giêsu là đầu (Cô-lót-sê 1:18). Là đầu của Giáo Hội, Chúa Giêsu là nguồn sống của Giáo Hội (Ê-phê-sô 4: 15-16). Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điểm này khi Người nói:
”Thầy là cây nho, các con là ngành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh hoa quả... Ai không ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ bị loại ra ngoài và sẽ khô héo.”
Gioan 15: 5-6
Nói cách khác, cũng như cành cây không thể sống lìa thân cây, chúng ta không thể sống tách khỏi Thân Thể Chúa Kitô.
Và vì thế mô hình nhiệm thể hàm chứa một thông điệp quan trọng:
Như Chúa Giêsu đã chia sẻ đời sống Chúa Cha, Giáo Hội cũng chia sẻ đời sống Chúa Giêsu.
Ưu Ðiểm của mô hình nhiệm thể là nhấn mạnh đến điểm Giáo Hội không chỉ là một tổ chức nhưng Giáo Hội còn là một cơ quan, thân thể sống động của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Khuyết Ðiểm của mô hình này là chúng ta có thể quá chú trọng đến vai trò của Chúa Giêsu là đầu Giáo Hội mà quên đi bổn phận của những chi thể trong một thân thể. Cũng như thân thể chúng ta nhờ vào mỗi tế bào hoàn thành nhiệm vụ của nó, Thân Thể của Chúa Giêsu cũng cần mỗi người chúng ta làm tròn nhiệm vụ của mình. Như Thánh Phao-lô đã nói: “Nếu có bộ phận nào đau yếu thì các bộ phận khác cũng chung phần đau đớn” (I Cô-rin-tô 12:26).
Một ngày nọ Chúa Giêsu phán, “Ai thấy Thầy thì cũng thấy Cha” (Gio-an 14:9). Những lời này giải thích tại sao các nhà thần học đôi khi gọi Chúa Giêsu là bí tích sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chữ bí tích, khi áp dụng cho Chúa Giêsu, có nghĩa Người là dấu chỉ và nguồn mạch của sự liên kết mật thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa, và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại.
Ðiều này cho ta cái nhìn xâu xa về ý nghĩa của mô hình bí tích mà các nhà thần học thường dùng.
Mô hình bí tích căn bản nhắm vào tiêu điểm chính: Giáo Hội là một cộng đồng bí tích. Giáo Hội là thân thể của Chúa Giêsu, hiện diện và tích cực hoạt động một cách cụ thể trong thế gian. Nói cách khác, cũng như lời Chúa đã phán, “Ai thấy Thầy thì cũng thấy Cha,” Giáo Hội cũng có thể nói “Ai thấy ta tức là thấy Chúa Giêsu.”
Các nhà thần học gọi Giáo Hội là bí tích căn bản để phân biệt với bẩy bí tích cá nhân (như bí tích rửa tội,v.v.). Bẩy bí tích này tiếp tục sự hoạt động của chính Chúa Giêsu trong Giáo Hội.
Và vì thế mô hình bí tích căn bản chứa đựng một thông điệp quan trọng:
Cũng như Chúa Cha hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu thì Chúa Giêsu cũng hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội.
Ưu điểm của mô hình bí tích căn bản là nhấn mạnh đến điểm: qua Giáo Hội (nhất là qua bẩy bí tích) chúng ta gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh một cách cụ thể.
Khuyết Ðiểm của bí tích này là chúng ta không để tâm đến giá trị thực sự của các bí tích, hoặc vì chúng ta đã biến những bí tích này thành thói quen mà chúng ta coi nó như những nghi thức “chết” hơn là những lần gặp gỡ “sống động” với Chúa Giêsu Phục Sinh.
Nhà thần học Tô cách Lan William Barley kể một câu truyện rất cảm động về người tù trưởng Phi Châu già khi ông tham dự Thánh lễ vào một buổi sáng Chúa Nhật. Ông ta đã khóc khi thấy những người thuộc bộ lạc Ngoni, Senga và Tumbuka cùng tham dự Thánh lễ bên cạnh nhau.
Bỗng nhiên ông nhớ lại kỷ niệm hồi còn bé. Khi còn trẻ ông đã từng thấy những chiến sĩ Ngoni, sau khi đánh trận đã rửa những vết máu của người Senga, Tumbuka dính vào lưỡi dáo và dính thân thể họ. Những gì ông thấy hồi xưa và bây giờ thật khác biệt như ngày và đêm.
Buổi sáng hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, trước bàn thờ người tù trưởng già đã thấu hiểu được ý nghĩa của Kitô giáo là gì. Ðó là sự mời gọi của Thiên Chúa đối với mọi người. Qua Chúa Giêsu, hãy bỏ mọi thù hằn và sống với nhau như một gia đình.
Câu truyện của người tù trưởng già cho ta một cái nhìn sâu xa về ý nghĩa của mô hình Dân Chúa.
Mô hình Dân Chúa nhắm vào tiêu điểm chính: Giáo Hội là một cộng đồng chứng nhân. Giáo Hội rao giảng, không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng sự thờ phượng, điều mà Chúa Giêsu gọi là: tin mừng của Nước Trời. Giáo Hội công bố rằng “vương quốc Satan” đã thống trị loài người qua biết bao thế kỷ, bây giờ được thay thế bằng “vương quốc Thiên Chúa” (Luca 11:20).
Cũng giống như cộng đồng của những người chiến sĩ Phi Châu đứng kề bên nhau cùng dâng lễ, cộng đồng Giáo Hội làm chứng cho tin mừng rằng, trong và qua Chúa Kitô, Thiên Chúa đang hoàn thành công cuộc tái tạo thế giới của Người. Bức thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô đã nói về đời sống chứng nhân này, khi ngài viết cho những anh chị em tân tòng mới được rửa tội:
Phần anh chị em, anh chị em là một dòng dõi được kén chọn,
hàng tư tế vương giả, một dân thánh, một dân riêng Chúa dùng để rao giảng những kỳ công của Ðấng đã gọi anh chị em từ chốn tối tăm, đến ánh sáng lạ lùng của Người.
Xưa kia anh chị em chưa xứng đáng là một dân tộc, ngày nay anh chị em là dân của Thiên Chúa, xưa kia anh chị em chưa được hưởng sự thương xót, ngày nay, anh chị em được lĩnh ơn thương xót
I Phê-rô 2:9-10
Những lời nói sống động này nhấn mạnh cho ta thấy tất cả những người Kitô hữu không những chỉ chia sẻ trong chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu (làm chứng bằng lời nói) nhưng còn trong chức vụ tư tế của Người (làm chứng qua sự thờ phượng). Chúng ta đã được dâng hiến là một dân tư tế, không giống như truyền chức linh mục, nhưng nó có liên quan; chỉ khác biệt ở mức độ và bản chất.
Ðể kết luận, mô hình Dân Chúa của Giáo Hội nhắm vào tiêu điểm chính: Giáo Hội là một cộng đồng chứng nhân. Cũng như Chúa Cha đã nói về Chúa Giêsu, “Ðây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người!” (Lu-ca 9:35), vì thế Chúa Giêsu cũng nói về Giáo Hội, “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lu-ca 10:16). Mô hình Dân Chúa chứa đựng một thông điệp quan trọng:
Cũng như Chúa Giêsu nhân danh Chúa Cha mà dạy dỗ,
Giáo Hội cũng nhân danh Chúa Giêsu mà dạy dỗ.
Ưu điểm của mô hình này là nhấn mạnh đến vai trò của Giáo Hội trong việc loan truyền tin mừng cứu chuộc, có thể nói, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đang tái tạo thế giới.
Khuyết điểm là chúng ta quá nhấn mạnh về vai trò “rao giảng” tin mừng mà quên rằng những hành động cụ thể có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói. Chúng ta quên rằng một trong những phương pháp hiệu quả nhất để “rao giảng” là việc cử hành những nghi thức thờ phượng và những công việc trong đời sống hằng ngày. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ:
Anh em là ánh sáng thế gian, một thành xây trên núi không thể bị che khuất.
Người ta không thắp đèn, rồi để trong thùng, mà để trên giá, cho mọi người trong nhà được sáng.
Ánh sáng của anh em cũng phải chiếu soi cho mọi người như vậy, để họ xem thấy các việc lành của anh em mà ngợi khen Cha anh em ở trên trời.
Mát-thêu 5:14,16
Một ngày nọ Chúa Giêsu đang giảng dậy các tông đồ. Sau đó, Chúa quay sang Thánh Phê-rô và nói:
”Con là đá, trên đá này, Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta...
Ta sẽ giao cho con chìa khóa Nước Trời:
điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
điều gì con tha dưới đất thì trên trời cũng tha”
Mt 16:18-19
Ðây là một trong những đoạn văn thật kỳ diệu trong Phúc Âm. Nó cho thấy Chúa Giêsu chia sẻ quyền năng của mình với Thánh Phê-rô. Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu ban cho Thánh Phê-rô vai trò lãnh đạo đặc biệt trong Giáo Hội, là cộng đồng của những người theo Chúa Kitô.
Trách nhiệm đặc biệt của Thánh Phê-rô giải thích lý do tại sao ngài luôn đứng đầu trong các Thánh Tông Ðồ (Luca 6:14-16). Nó cũng cho ta biết tại sao Thánh Phê-rô nắm quyền lãnh đạo đặc biệt trong cộng đồng Giáo Hội (TDCV 1:15).
Sự trao quyền của Chúa Giêsu cho Thánh Phê-rô đưa chúng ta đến mô hình tổ chức của Giáo Hội.
Mô hình tổ chức nhắm vào tiêu điểm chính: Giáo Hội là một cộng đồng phẩm trật. Nói một cách khác, không phải mọi người trong Giáo Hội đều có quyền hành và trách nhiệm như nhau. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã giao cho một số người trong Giáo Hội quyền hành và trách nhiệm đặc biệt để nói và hành động trên danh nghĩa Người.
Vì vậy chúng ta phải coi trọng lời Chúa Giêsu nói với các Tông Ðồ:
Ai nghe anh em là nghe Ta, ai khinh rẻ anh em là khinh rẻ Ta, ai khinh rẻ Ta là khinh rẻ Ðấng đã sai Ta.
Luca 10:16
Và vì thế, mô hình tổ chức chứa đựng một thông điệp quan trọng như sau:
Cũng như Chúa Giêsu chia sẻ quyền hành với Cha Người
thì Giáo Hội cũng chia sẻ quyền hành của Chúa Giêsu.
Ưu điểm của mô hình này là nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu đã cho những người lãnh đạo Giáo Hội một quyền hành rõ ràng.
Khuyết điểm của mô hình này là những người lãnh đạo Giáo Hội (là con người như chúng ta) có thể lợi dụng những quyền hành này. Họ có thể dùng nó một cách độc đoán hoặc nặng về hình thức.
Ðức Hồng Y Richard Cushing là vị tổng giám mục rất được mọi người yêu mến ở Boston. Người cũng là người bạn thân của cố tổng thống John F. Kennedy. Trong một lá thư thật hay gửi cho giáo dân, ngài nói:
Chúa Giêsu đến không những chỉ rao giảng tin mừng Nước Trời,
nhưng Người còn hy sinh để cụ thể hóa tin mừng Nước Trời,
Người đến để phục vụ, để xoa dịu, để hòa giải, để băng bó vết thương.
Chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu là một người Samaritan tuyệt hảo.
Người là người đến bên cạnh chúng ta trong lúc chúng ta thiếu thốn và u sầu; Người hiến thân mình vì chúng ta. Người thật sự chết đi để chúng ta được sống và Người đã săn sóc chúng ta để chúng ta được lành mạnh.
Lá thư của Ðức Hồng Y Cushing nói về Chúa Giêsu cho ta cái nhìn sâu xa về mô hình tôi tớ của Giáo Hội mà các nhà thần học thường dùng.
Mô hình tôi tớ nhắm vào tiêu điểm chính: Giáo Hội được mời gọi để trở thành một cộng đồng phục vụ. Tất cả mọi phần tử của Giáo Hội được mời gọi để theo chân Chúa Giêsu khi Người nói:
Cũng như Con Người không đến để cho người khác hầu hạ mình, mà đến để hầu hạ người khác.
Mác-cô 10:45
Và như thế mô hình tôi tớ chứa đựng một thông điệp quan trọng như sau:
Như Chúa Giêsu là người sống cho kẻ khác,
thì Giáo Hội là một cộng đồng cho kẻ khác.
Ưu điểm của mô hình này là nhấn mạnh đến việc Giáo Hội được mời gọi để thi hành một công tác đặc biệt cho những người cần sự giúp đỡ trong xã hội: những người nghèo, những người bị bóc lột, những người vô thế lực.
Khuyết điểm là nguy cơ hiển nhiên của nó. Những phần tử của Giáo Hội có thể hăng say bênh vực những người cần sự giúp đỡ trong một phương cách khiến họ quên đi giáo huấn của Phúc Âm. Họ có thể dùng việc bênh vực những người nghèo thành một xảo thuật chính trị để đạt mục đích riêng của mình.
Giáo Hội không giống như những tổ chức khác trên thế giới. Có hai khía cạnh khiến Giáo Hội thành một tổ chức độc nhất trên thế giới:
khía cạnh thần linh và
khía cạnh con người.
Khía cạnh thần linh là khía cạnh vô hình của Giáo Hội. Khía cạnh này chính là Chúa Giêsu, Người là đầu và Giáo Hội là chi thể, và chính sự sống của Người làm cho chi thể được sống.
Khía cạnh con người là khía cạnh hữu hình của Giáo Hội. Khía cạnh này là những phần tử trong thân thể Giáo Hội. Họ đem Chúa Giêsu hiện diện sống động trong thế gian qua hình thức thờ phượng và đời sống nhân chứng của họ. Vì là khía cạnh con người, cũng như tất cả những gì thuộc về con người; nó không được hoàn toàn.
Vì Giáo Hội trên thế gian không được hoàn toàn nên Giáo Hội không luôn luôn tỏ được cho thế gian “Khuôn mặt của Chúa Giêsu.” Tất cả mọi phần tử--và ngay cả những người lãnh đạo thánh thiện--đều trở thành nạn nhân của sự yếu đuối con người. Có nghĩa là chúng ta vẫn thường thấy Giáo Hội như con người chúng ta: tội lỗi và vẫn còn đang cố gắng để trở nên hoàn hảo như Thiên Chúa muốn.
Vì kết quả này, cuộc hành trình của Giáo Hội trên thế gian sẽ luôn luôn đi giữa ánh sáng và tối tăm. Trong thế gian luôn luôn có đủ ánh sáng cho những kẻ đi tìm ánh sáng, và sẽ có đủ tối tăm cho những kẻ lựa chọn tối tăm.
Và đây là trường hợp mà chúng ta đều muốn. A¨nh sáng không nên chế ngự chúng ta; nó chỉ mời gọi chúng ta. Tức là nó không lấy mất sự tự do của chúng ta.
Hay nói cách khác: khi nói đến sự hiện hữu của Chúa Giêsu trong Giáo Hội, Người không bao giờ tỏ mình ra cách rõ ràng để chúng ta không còn nghi ngờ gĩ nữa. Và Người cũng không bao giờ dấu kín hoàn toàn để những người thành tâm tìm kiếm bị lạc lối. Người để cho ta thấy cả hai trường hợp. Chúa Giêsu tôn trọng sự tự do của mỗi người để chọn lựa tiếp nhận hoặc từ chối Chúa, là A¨nh Sáng Thế Gian.
Giáo Hội là một mầu nhiệm. Giống như viên kim cương, Giáo Hội có nhiều mặt và chúng ta không thể nào nhìn thấy tất cả cùng một lúc. Chúng ta vừa biết qua một vài bộ mặt của Giáo Hội (gọi là mô hình) để thấy được sự tương đồng giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội:
Mô Hình Tông Ðồ: Như Chúa Giêsu được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
Mô Hình Nhiệm Thể: Như Chúa Giêsu chia sẻ cuộc sống với Cha Người, Giáo Hội chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu.
Mô Hình Bí Tích: Như Chúa Cha hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cũng hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội.
Mô Hình Dân Chúa: Như Chúa Giêsu nhân danh Chúa Cha giảng dậy, Giáo Hội nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dậy.
Mô Hình Tổ Chức: Như Chúa Giêsu chia sẻ quyền hành với Chúa Cha, Giáo Hội cũng chia sẻ quyền hành với Chúa Giêsu.
Mô Hình Tôi Tớ: Như Chúa Giêsu là một người vì kẻ khác, Giáo Hội là một cộng đồng vì người khác.