Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Một linh mục truyền giáo ở Phi Châu được về Anh quốc nghỉ hè. Một ngày nọ người thấy cái nhựt-khuê (dụng cụ đo bóng mặt trời để biết thời giờ) với nhiều mầu sắc thật đẹp. Cha chợt nghĩ, “Cái nhựt-khuê này sẽ rất hữu ích cho người dân ở Phi châu. Mình có thể dậy họ cách tính giờ.” Người mua cái nhựt-khuê và đóng thùng gửi về Phi châu.
Khi ông tù trưởng thấy cái nhựt-khuê thật đẹp, ông đề nghị với cha đặt cái nhựt-khuê ngay giữa làng. Mọi người trong làng rất vui mừng. Cha sở, dĩ nhiên cảm thấy vui sướng vì mọi người trong làng đều thích món quà của mình. Vì thế mà cha không ngờ những gì sẽ xẩy ra. Dân trong làng bắt đầu xây một cái mái lớn để che cái nhựt-khuê khỏi bị mưa nắng làm hư hại!
Thấy cái mái che, cha sở thật sững sờ, nhưng khi bình tĩnh lại người mỉm cười tự nhủ “Cái nhựt-khuê và cái mái che mà dân làng dựng nên cũng giống như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và phản ứng của chúng ta về mầu nhiệm này.”
Bạn nghĩ gì về câu nói của nhà truyền giáo này?
Tâm điểm của sự mặc khải trong đạo Công Giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta, những Kitô hữu đã nhận lấy sự mặc khải này làm nền tảng đức tin của mình. Chúng ta ngắm nhìn mầu nhiệm này với sự tôn kính. Thay vì áp dụng mầu nhiệm này trong cuộc sống, chúng ta đã “xây một cái mái lớn lên trên.” Phần đông trong chúng ta, mầu nhiệm Ba Ngôi không có ảnh hưởng gì trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta coi mầu nhiệm Ba Ngôi như một “vật trang sức” cho đức tin của chúng ta.
Nói vắn tắt, mầu nhiệm Ba Ngôi cho ta biết Thiên Chúa có ba ngôi riêng biệt: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa, và Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không có ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.
Ðể dẫn giải cho tín hữu thời xưa có một khái niệm về Chúa Ba Ngôi, Thánh Patrick đã dùng hình ảnh cây xa-trực-thảo. Cây này có lá được kết bởi ba cánh nhỏ. Thánh Y-Nhã ví Ba Ngôi như ba nốt nhạc được tấu cùng một lúc. Mỗi nốt nhạc hoàn toàn khác biệt với nhau, nhưng nó quyện lại thành một âm thanh. John Wesley dùng hình ảnh ba cây nến cháy chụm lại với nhau. Mỗi cây đều khác biệt nhưng nó chụm lại đốt chung một ngọn lửa.
Một nhà thần học hiện đại đã dùng hình ảnh của H2O. Hợp chất hoá học này có thể được tìm trong ba thể: thể lỏng (nước), thể đặc (đông đá), thể khí (hơi nước). Sau cùng, một nhà thần học đã dùng hình ảnh người đàn bà. Bà là một cá nhân nhưng có liên hệ với người khác qua ba phương diện khác nhau: một người mẹ, một người vợ, và một người bạn.
Những thí dụ trên chỉ là những so sánh đơn sơ, nhưng nó có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm thật cao quý này.
Một trong những dấu hiệu về Chúa Ba Ngôi được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc ấy, Chúa Thánh Thần “lấy hình bồ câu hiện xuống trên Người, lại có tiếng tự trời phán rằng: 'Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng'” (Luca 3:22). Tiếng nói (Ngôi Cha), hình bồ câu (Ngôi Thánh Thần), và Chúa Giêsu (Ngôi Con). Ba hình ảnh này cho thấy hình dung Ba Ngôi Thiên Chúa. Một dấu hiệu rõ ràng nhất về Chúa Ba Ngôi xẩy ra ngay trước khi Chúa Giêsu về trời, khi Người sai các môn đệ rằng:
Vậy anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân,
và hãy rửa tội cho họ: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mt 8:19
Những điều ghi lại về Chúa Ba Ngôi thường được tìm thấy trong sách của Thánh Gioan. Trong sách này, Chúa Giêsu nói về Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần hơn một trăm lần. Thí dụ, Người nói:
”Song Ðấng an ủi là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến với anh em nhân danh Thầy, Ðấng ấy sẽ dậy bảo anh em mọi điều và sẽ nhắc nhở anh em những điều Thầy đã nói với anh em.”
Gioan 14:25
Một điều nữa nói về Chúa Ba Ngôi được nhận thấy trong sách của Thánh Luca và sách Tông Ðồ Công Vụ của người. Tuy Thánh Luca không đề cập một cách trực tiếp, nhưng sự tham khảo hai cuốn sách trên cho ta cái nhìn của người về lịch sử cứu độ được chia theo tính cách ba ngôi:
Thời Cựu Ước: kỷ nguyên của Chúa Cha
Thời Tân Ước: kỷ nguyên của Chúa Con, và
Thời sau Tân Ước: kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại quan điểm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần đã được phản ảnh trong sự sáng tạo và được tiết lộ trong Kinh Thánh.
Trong cuốn Meditations, tác giả Anthony Bloom viết lại một câu nói mà người bạn Nhật Bản đã nói với ông, “Trong Kitô giáo, tôi có thể hiểu về Chúa Cha và Chúa Con, nhưng tôi không thể nào nhìn thấy được vai trò quan trọng của con chim bồ câu mà các ông thường tôn kính.”
Không phải chỉ có người Nhật Bản này nghĩ như vậy. Có rất nhiều người cũng cảm thấy khó hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần.
Mỗi khi chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay về Ngày Hiện Xuống (Pentacost): Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đầu các thánh tông đồ.
Thật ra cái nhìn này hơi nguy hiểm, vì nó có thể khiến người nghe có cảm tưởng rằng Chúa Thánh Thần chỉ bắt đầu hiện diện từ biến cố Hiện Xuống. Ðây là một điều sai lầm. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã có tự đời đời, giống như Chúa Cha và Chúa Con.
Sách Tông Ðồ Công Vụ đã làm sáng tỏ điểm này. Sách này ghi nhận rằng Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong lịch sử loài người trước khi biến cố Hiện Xuống xẩy ra. Thí dụ, sách này khẳng định rằng chính Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho vua Ða-vít (Tông Ðồ Công Vụ 1:16) và cho tiên tri Isaiah (Tông Ðồ Công Vụ 28:25).
Tân Ước cũng nói rõ là Chúa Thánh Thần đã luôn hành động trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Thí dụ, Chúa Thánh Thần đã
xức dầu cho Chúa Giêsu (Tông Ðồ Công Vụ 10:38)
cho Chúa Giêsu thêm sức mạnh (Luca 4:14), và
hướng dẫn Chúa Giêsu (Luca 4:1)
Tuy Chúa Thánh Thần đã từng hoạt động trong thời Cựu Ước và Tân Ước nhưng một sự kiện đặc biệt và phi thường đã xẩy ra trong ngày Hiện Xuống.
Một đứa bé có được chiếc thuyền đồ chơi trong ngày sinh nhật. Nó hớn hở và vui mừng chạy quanh nhà khoe với mọi người. Sau cùng, nó chạy tới bên cửa sổ, nhìn lên trời và nói, “Chúa ơi! Chúa ơi! Thấy tầu của con đẹp không?”
Nó thinh lặng một hồi lâu, như là đang đợi Chúa trả lời. Rồi nó quay sang hỏi mẹ nó, “Mẹ! Chúa giống như thế nào?” Nhưng trước khi mẹ nó kịp trả lời, nó đã la lớn, “Con biết rồi! Chúa giống như cơn gió!”
Dân Do Thái thời xưa có lẽ phải khâm phục sự sáng suốt của em bé này. Vì chính họ cũng thấy được tương quan giữa Thiên Chúa và cơn gió. (Chữ cổ Do Thái ruah [gió] có thể được dịch là 'thần linh' của Thiên Chúa). Cơn gió thoảng vô hình như hơi thở nhè nhẹ và sức mạnh của nó trong cơn bão làm cho người Do Thái có thể cảm được sự vô hình và mãnh lực của Thiên Chúa.
Một hình ảnh khác của Thiên Chúa là ngọn lửa. Hình ảnh này có lẽ được rút ra từ câu truyện của ông Mai-sen và bụi cây cháy lửa (Xuất Hành 3:3-6), và cảm nghiệm của dân chúng khi Chúa từ núi Si-nai hiện xuống trong hình dạng giống như lửa (Xuất Hành 19:16-18).
Chính trong cái nhìn thời xưa về gió và lửa mà chúng ta có thể đọc và cảm thấy sự quan trọng đặc biệt của ngày Hiện Xuống. Hãy nhớ lại các tông đồ đang tụ họp trong một căn phòng nhỏ ở Giê-ru-sa-lem.
Bỗng chốc, có tiếng động rất mạnh từ trời phát ra giống như tiếng gió bão và vang dội khắp nhà các ông đang ở. Rồi các ông thấy những hình như lưỡi lửa, tản ra đổ trên đầu mọi người.
Ai ai cũng được đầy ơn Chúa Thánh Thần và nói được các thứ tiếng, tuỳ theo Chúa Thánh Thần ban cho.
Tông Ðồ Công Vụ 2:2-4
”Tiếng động từ trời” phát ra thật mạnh đến nỗi mọi người trong thành phố đều nghe được và tò mò tụ tập lại chung quanh căn nhà các tông đồ đang tạm trú. Thấy dân chúng tụ tập đông đảo, Thánh Phê-rô và các Thánh Tông Ðồ bước ra và nói với họ.
Ðiều đầu tiên làm cho đám đông (những người từ phương xa đến) sửng sốt và ngạc nhiên là họ có thể nghe được các tông đồ nói tiếng của nước mình (Tông Ðồ Công Vụ 2:6). Họ hỏi nhau:
Tại sao... chúng ta lại nghe thấy họ nói tiếng mẹ đẻ của mình?
Tông Ðồ Công Vụ 2:8
Ðể trả lời câu hỏi này chúng ta phải nhớ lại câu truyện tháp Babel trong Cựu Ước. Trước khi dân chúng xây tháp, Cựu Ước cho ta biết mọi người lúc ấy đều nói cùng “một thứ tiếng” (Sáng Thế 11:6).
Ðiều thúc đẩy dân chúng xây tháp là lòng kiêu căng của họ (Sáng Thế 11:4). Vì sự kiêu căng này, Thiên Chúa đã phân ngôn ngữ của họ thành nhiều thứ tiếng, và họ không thể tiếp tục công việc xây tháp. Và đoạn kết của truyện cho ta biết mọi người sau đó tự phân tán trên “toàn mặt đất.”
Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu được câu “mọi người khắp mọi xứ” đã hiểu được lời giảng dậy của các tông đồ qua “tiếng mẹ đẻ” của họ. Ðây có nghĩa là những gì đã xẩy ra ở tháp Babel đã bị đảo ngược lại. Những gì tội lỗi đã phân chia, Chúa Thánh Thần đang hàn gắn lại.
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Khi dân chúng bình tĩnh lại và tiếng ồn ào lắng dịu, Thánh Phê-rô đã cắt nghĩa cho họ rằng, những điều xẩy ra đã được Thiên Chúa tiên báo qua lời tiên tri Joel:
”Ta sẽ đổ ơn Thánh Thần trên mọi người. Lúc ấy, con trai, con gái của ngươi sẽ tuyên xưng thông điệp của ta.”
Tông Ðồ Công Vụ 2:17
Lời Thánh Phê-rô đã đánh động tâm hồn mọi người. Gần ba ngàn người đã xin được rửa tội ngày hôm ấy. Và từ lúc đó trở đi, họ không những chỉ chia sẻ một đức tin nhưng còn cả cuộc sống của họ trong Chúa Thánh Thần (1 Cô-rin-tô 12:12-27).
Như thế một sự kiện hết sức trọng đại và đặc biệt đã xẩy ra trong ngày Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ, và từ giây phút đó, họ bắt đầu cảm nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước đó:
Ngày ấy anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em.
Gioan 14:20
Nói cách khác, các tông đồ bắt đầu cảm nghiệm Chúa Thánh Thần ở trong họ và nối kết họ thành một “thân thể của Chúa Kitô,” là Giáo Hội. Chúng ta có thể thấy những điểm quan trọng qua biến cố này:
Ngày Chúa Giêsu giáng sinh là ngày Thiên Chúa đến với nhân loại qua con người của Chúa Giêsu.
Sự ngự đến của Chúa Thánh Thần là ngày Thiên Chúa ngự đến giữa loài người qua cộng đồng của những người theo Chúa Giêsu.
Từ hai điểm này, chúng ta có thể đi đến một kết luận vô cùng quan trọng, Chúa Giêsu là hình ảnh hiện hữu của Thiên Chúa trong thời Tân Ước, thì Giáo Hội trong thời đại ngày nay là:
dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian, và
dụng cụ thi hành công việc của Chúa trên thế gian.
Một ngày nọ Chúa Giêsu đang ở Giê-ru-sa-lem dự lễ Lều (Tabernacles). Một trong những nghi thức của ngày đó là mọi người phải đi lấy nước từ Hồ Siloam và mang nước đi theo đám rước vào Ðền Thờ. Tại điểm này, Chúa Giêsu quay sang các môn đệ và nói:
”Ai tin Thầy thì như Kinh Thánh đã nói, từ đáy lòng kẻ ấy sẽ phát ra những sóng nước thiêng liêng.”
Chúa có ý nói đến Thánh Linh mà những kẻ tin Chúa sẽ nhận lấy.
Gioan 7:38-39
Một số người đã thắc mắc, “Tại sao Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của nước khi nói về Chúa Thánh Thần?” Một văn sĩ Công Giáo thời xưa đã trả lời như sau: “Bởi vì tất cả sự sống vật chất đều cần đến nước.” Sau đó ông ta nói thêm:
Nước từ trời rơi xuống qua những cơn mưa.
Tuy rằng nước này luôn là chất nước,
nhưng nó có hiệu lực khác nhau trên những vật khác nhau:
nước trên cây dừa, nước trên lá nho...
nước tự biến đổi theo hoàn cảnh của mọi vật.
Chúa Thánh Thần cũng thế. Tất cả những gì thuộc về đời sống tinh thần đều cần đến Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần tác động mọi người chúng ta tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người. Chúa Thánh Thần biến đổi để phù hợp với mỗi cá nhân. Nói cách cụ thể, Chúa Thánh Thần cho mỗi người chúng ta những tài năng khác nhau. Thánh Phao-lô đã viết:
Thánh Thần ban ơn cho ai thì kẻ ấy phải dùng để sinh ích chung.
Kẻ thì được Thánh Thần ban cho lối giảng dậy khôn ngoan,
kẻ khác cũng do một Thánh Thần ấy ban cho lối giảng dậy thông minh.
Cũng một Thánh Thần ban cho người này đức tin, người kia ơn chữa bệnh tật.
Người thì làm phép lạ, người thì nói được nhiều thứ tiếng, người thì phiên dịch được các thứ tiếng ấy.
1 Cô-rin-tô 12: 7-10
Mục đích tối hậu của những tài năng này là “xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô” (Ê-phê-sô 4:12). Nói cách khác, mục đích là để thánh hoá những người theo Chúa Giêsu--một người thánh thiện toàn hảo. Thánh Au-gút-tinh đã nghĩ đến điểm này khi người viết:
Hãy thổi hơi vào con, hỡi Thánh Linh Thiên Chúa,
để con chỉ nghĩ đến những gì thánh thiện.
Hãy thúc đẩy con, hỡi Thánh Linh Thiên Chúa,
để con chỉ yêu thương những gì thánh thiện.
Hãy ban sức cho con, hỡi Thánh Linh Thiên Chúa,
để con giữ gìn những gì thánh thiện.
Hãy dẫn dắt con, hỡi Thánh Linh Thiên Chúa,
để con không bao giờ đánh mất sự thánh thiện.
Tâm điểm của sự mặc khải trong đạo Công Giáo là Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm này được cảm nghiệm qua “hình ảnh sáng tạo trong vũ trụ” và được mặc khải trong Kinh Thánh.
Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần. Cũng như Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần đã có tự đời đời. Chúa Thánh Thần đã “hành động” trong thời Cựu Ước và trong cuộc đời Chúa Giêsu. Sự ngự đến của Chúa Thánh Thần trong những người theo Chúa Giêsu đánh dấu một bước tiến vĩ đại trong công cuộc tái tạo thế giới của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần kết hợp các tông đồ thành nhiệm thể của Chúa Kitô và Người đã biến họ thành dấu chỉ và dụng cụ minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta cũng như Chúa Giêsu đã là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Tân Ước.