Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Cuốn sách đầu tiên trong Cựu Ước là sách Sáng Thế Ký. Chương một của Sáng Thế Ký nói rằng Thiên Chúa dựng nên loài người sau cùng. Nhưng chương thứ hai lại nói rằng Thiên Chúa dựng nên loài người trước nhất. Chương thứ nhất cũng nói rằng Thiên Chúa dựng nên sự sáng vào ngày thứ nhất, nhưng không dựng nên mặt trời cho đến ngày thứ tư.
Những mâu thuẫn như thế khiến một bà đã nói, "Kinh Thánh khiến người ta trở nên vô thần hơn bất cứ cuốn sách nào khác."
Ðiều này đưa đến hai câu hỏi. Thứ nhất, những sách này được viết vào lúc nào, và tác giả không thấy sự mâu thuẫn hiển nhiên đó hay sao? Và câu hỏi thứ hai, nếu thấy sự mâu thuẫn đó, tại sao các tác giả vẫn viết lại như vậy?
Thắc mắc về "sự mâu thuẫn hiển nhiên" trong Kinh Thánh đưa ta đến chủ đề quan trọng của việc giải thích Kinh Thánh.
Những người đọc Kinh Thánh có thể chia làm hai nhóm: người hiểu theo nghĩa đen và người hiểu theo nghĩa bóng.
Người hiểu theo nghĩa đen giải thích Kinh Thánh cách cứng ngắc, cho rằng "Nói làm sao thì hiểu làm vậy." Nói cách khác, những người hiểu theo nghĩa đen (còn gọi là phái cơ bản [fundamentalist]) chú trọng đến văn bản của Kinh Thánh.
Những người hiểu theo nghĩa bóng giải thích Kinh Thánh cách rộng rãi hơn. "Chúng ta không chỉ quan tâm đến văn bản nhưng còn phải quan tâm đến những sự kiện như tính cách lịch sử và tình trạng văn hóa mà trong đó Kinh Thánh được viết nên."
Ðể thấy người hiểu theo nghĩa bóng giải thích Kinh Thánh như thế nào, hãy xem lại câu truyện tạo dựng trong sách Sáng Thế Ký. (STK 1:1-2:4).
Sáng Thế Ký thuật lại câu truyện tạo dựng được xẩy ra trong sáu ngày. Sự diễn tả mỗi ngày theo một khuôn khổ giống như kiểu thơ văn:
nhập đề: "Và Thiên Chúa phán,"
lệnh truyền: "hãy có nước..., "
hoàn tất: "và xẩy ra như thế,"
vui mừng: "Thiên Chúa hài lòng,"
xác định: "ngày thứ ba."
Ðiều đúng với một ngày sáng tạo cũng đúng với tuần lễ sáng tạo. Nó theo một khuôn khổ có tính cách thi phú:
ba ngày chia cắt (sự sáng với tối tăm, nước với nước, nước với đất)
ba ngày sinh sôi nẩy nở (bầu trời, không khí và biển cả, đất) và,
một ngày vui hưởng (Chúa chúc phúc và nghỉ ngơi).
Lối hành văn của câu truyện sáng tạo cho thấy chúng ta đang đối diện với một loại hành văn đặc biệt. Nó không phải là loại văn trong các sách khoa học hay tường thuật của báo chí. Ðúng hơn, nó là loại văn được thấy trong các sách nhi đồng. Nó là loại văn có tính cách thi ca. Tác giả những sách nhi đồng thường dùng những câu truyện đồng dao đơn giản để dậy trẻ em về đời sống.
Người viết sách Sáng Thế Ký cũng dùng lối hành văn này để thuật lại câu truyện tạo dựng vũ trụ. Người viết dùng những câu truyện đơn sơ để dậy dân chúng về Thiên Chúa và sự sáng tạo của Người. (Chúng ta nên nhớ hầu hết những người xưa không biết đọc biết viết. Họ biết bằng cách nghe). Những câu truyện đơn sơ thi vị thường dễ nghe và dễ nhớ.
Suy nghĩ về câu truyện tạo dựng của Thiên Chúa, chúng ta thấy có bốn chân lý chính yếu về tôn giáo:
Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất
Thiên Chúa hoạch định sự tạo dựng.
Mọi sự Thiên Chúa sáng tạo đều tốt đẹp.
Thiên Chúa Thánh Hoá Ngày Sabát.
Ðể hiểu chân lý thứ nhất, chúng ta phải để ý đến những dữ kiện mà câu truyện sáng tạo được viết ra. Tác giả viết câu truyện này khi dân chúng thời ấy thờ đủ mọi loại thần tưởng tượng. Sách Deuteronomy đoạn 4 câu 15-19 nói về điều này khi khuyến cáo dân chúng không được thờ những sự vật như thờ người khác, loài thú, chim muông.
Chính trong khung cảnh này mà tác giả thời kinh thánh đưa ra hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng nên tất cả các "chúa" mà dân chúng đang thờ. Ðiểm chính của tác giả là: Nếu Thiên Chúa tạo nên những thần này, thì chúng không thể là Thiên Chúa. Ðúng hơn, chỉ có một Thiên Chúa, là người đã dựng nên họ.
Và như thế điều dậy dỗ thứ nhất của câu truyện tạo dựng có thể được tóm lại như sau:
Ðiều dậy dỗ cũ: có nhiều chúa.
Ðiều dậy dỗ mới: chỉ có một Thiên Chúa.
Cách dậy: Thiên Chúa tạo nên các "chúa" khác.
Ðể hiểu chân lý tôn giáo thứ hai, chúng ta cũng phải để ý đến những dữ kiện. Tác giả viết câu truyện này khi dân chúng thời ấy tin rằng thế giới hiện hữu do sự ngẫu nhiên. (Cả ngày nay, nhiều người vẫn còn tin như thế).
Chính trong khung cảnh này mà tác giả thời kinh thánh đưa ra hình ảnh Thiên Chúa tạo nên vũ trụ theo thứ tự và theo một kế hoạch--cũng giống như người thợ mộc xưa dựng một căn nhà thời đó. Ðiểm chính của tác giả là: Thiên Chúa hoạch định sự sáng tạo, nó không phải tình cờ xẩy ra.
Và như thế điều dậy dỗ thứ hai của câu truyện tạo dựng có thể được tóm lược như sau:
Ðiều dậy dỗ cũ: Sự tạo dựng do ngẫu nhiên mà có.
Ðiều dậy dỗ mới: Sự tạo dựng được Thiên Chúa hoạch định.
Cách dậy: Thiên Chúa tạo dựng theo một thứ tự.
Ðể hiểu chân lý thứ ba, chúng ta cũng lại phải để ý đến những dữ kiện mà câu truyện được viết ra. Người thời xưa tin rằng nhiều sự vật được tạo nên thì xấu xa. Thí dụ, họ tin là thân xác con người là xấu xa, vì dường như thể xác chống đối với tinh thần.
Trong khung cảnh này tác giả thời kinh thánh cho thấy Thiên Chúa xác định rằng mọi sự đều tốt đẹp, kể cả thân xác con người.
Và như thế điều dậy dỗ thứ ba của câu truyện tạo dựng có thể được tóm lược như sau:
Ðiều dậy dỗ cũ: Chỉ một phần tạo dựng thì tốt.
Ðiều dậy dỗ mới: Toàn thể sự tạo dựng thì tốt.
Cách dậy: Thiên Chúa xác nhận sự tốt đẹp của việc tạo dựng.
Ðể hiểu sự thật tôn giáo này, chúng ta phải nhớ là trong thời xưa, ngày Sabát cũng được coi như những ngày khác.
Trong khung cảnh này tác giả thời kinh thánh đưa ra hình ảnh Thiên Chúa chúc phúc và nghỉ ngơi trong ngày Sabát. Ðiểm chính của tác giả là: Thiên Chúa muốn ngày Sabát là ngày lễ để nghỉ ngơi và cầu nguyện.
Và như thế điều dậy dỗ sau cùng của câu truyện tạo dựng có thể được tóm lược như sau:
Ðiều dậy dỗ cũ: Ngày Sabát giống như mọi ngày.
Ðiều dậy dỗ mới: Ngày Sabát là ngày lễ.
Cách dậy: Thiên Chúa chúc phúc ngày Sabát và nghỉ ngơi trong ngày này.
Tóm lại, những người hiểu theo nghĩa bóng giải thích câu truyện tạo dựng như sự dậy dỗ về bốn sự thật quan trọng--những sự thật mới mẻ và cách mạng trong khung cảnh của thời đó:
Chỉ có một Thiên Chúa.
Thiên Chúa hoạch định sự sáng tạo.
Thiên Chúa tạo nên mọi sự đều tốt đẹp.
Thiên Chúa thánh hóa ngày Sabát.
Trong quyển Our Plundered Planet (Hành Tinh Tồi Tệ của Chúng Ta), tác giả Fairfield Osborne đã khuyến cáo rằng, "Một thế kỷ nữa như thế kỷ vừa qua và nền văn minh của chúng ta sẽ phải đương đầu với những khủng hoảng cuối cùng của nó." Ðiều mà Osborne khuyến cáo chúng ta là chủ đề mà một thi sĩ vô danh đã viết "Phản-Tạo Dựng":
Từ lúc bắt đầu có trái đất, muôn vật thật tươi đẹp.
Những người sống trên trái đất nói rằng,
"Chúng ta hãy xây những nhà chọc trời và những siêu xa lộ."
Và họ bao phủ mặt đất bằng bê-tông cốt sắt rồi họ nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ hai, họ nhìn dòng sông và nói rằng,
"Chúng ta hãy thải rác vào dòng sông."
Và họ lấp đầy sông ngòi bằng rác rưởi rồi họ nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ ba, họ nhìn rừng cây và nói rằng,
"Chúng ta hãy cưa cây làm vật xây cất."
Và họ san bằng những rừng cây rồi nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ tư, họ nhìn muông thú và nói,
"Chúng ta hãy giết những con thú này
để tiêu khiển và bán lấy tiền." Và họ tiêu diệt loài thú rồi nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ năm, họ thấy những cơn gió mát và nói,
"Chúng ta hãy đốt rác để gió thổi đi nơi khác."
Và họ làm ô nhiễm không khí bằng thán khí rồi họ nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ sáu họ thấy những dân tộc khác sống trên trái đất và nói,
"Chúng ta hãy chế bom đạn và hoả tiễn
để phòng khi có chuyện hiểu lầm."
Và họ xây đầy mặt đất những giàn hoả tiễn rồi họ nói, "Tốt đấy!"
Vào ngày thứ bẩy.
Trái đất thật yên lặng,
một sự yên lặng chết người,
bởi vì loài người không còn nữa. Và điều đó cũng tốt!
Bài thơ "Phản-Tạo dựng" bi thảm hóa sự kiện là những chất phế thải của kỹ nghệ đang đổ vào bầu khí của trái đất đến độ tạo thành những đám mây mưa át-xít. Mưa át-xít sẽ từ từ ô nhiễm sông ngòi và tiêu hủy rừng cây. Những chất phế thải tương tự cũng đang đổ vào tầng khí quyển cao hơn đến độ lớp "ozone" bị ăn mòn. Sự soi mòn này là mối đe dọa của trái đất trong tương lai.
Việc phá hoại môi sinh cách không thương tiếc bởi sự ô nhiễm đôi khi được coi như "phản-tạo dựng": sự hủy diệt về thể lý những gì Thiên Chúa đã dựng nên.
Tuy nhiên, cũng bi thảm không kém sự phản-tạo dựng thể lý, còn có sự phản-tạo dựng xấu xa hơn nữa đang xẩy ra. Ðó là phản-tạo dựng về tinh thần: sự hủy diệt tinh thần những gì Thiên Chúa dựng nên.
Phản-tạo dựng tinh thần có nguồn gốc trong tâm khảm loài người. Nó gồm việc lạm dụng tự do ý muốn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Truyền thống Công Giáo gọi sự phản-tạo dựng tinh thần là tội.
Ngày nay, tội là một đề tài ít nghe nói đến. Người ta ngần ngại nói về tội. Họ càng ngần ngại hơn khi nhận mình có tội. Sự ngần ngại này có rất nhiều người lưu tâm.
Thí dụ, bạn không nghĩ rằng khoa trưởng của ngành tâm bệnh Hoa Kỳ nói về tội. Nhưng đó chính là điều mà Bác sĩ Karl Menninger viết trong quyển Whatever Became Sin? (Bất Cứ Gì Cũng Trở Nên Tội?) Ông thấy lo lắng vì một sự thực là ngày nay quá nhiều người không thú nhận rằng họ phạm tội.
Chúng ta sẽ bàn về tội cách chi tiết ở những chương sau. Ở đây, chúng ta diễn tả tội như sự cắt đứt liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và dân của Người.
Chúng ta có thể chia tội ra làm hai loại: cá nhân và tập thể.
Tội Cá Nhân
Loại tội đầu tiên gọi là tội cá nhân vì nó liên quan đến hành động tự do của mỗi người. Nó có hai hình thức: cố ý và vô ý. Tội cá nhân cố ý là làm những điều mà chúng ta biết là không nên làm. Chẳng hạn, chúng ta nói dối hoặc ăn cắp. Ngược lại tội cá nhân vô ý là không làm những điều mà lẽ ra chúng ta nên làm. Thí dụ, thấy những người cần giúp đỡ mà chúng ta vẫn làm ngơ để khỏi bị phiền phức.
Tội Tập Thể
Loại tội thứ hai được gọi là tội tập thể vì nó liên quan đến hành động của một nhóm người, chẳng hạn như một cộng đồng hoặc một quốc gia. Tội này cũng có hai hình thức: cố ý và vô ý. Thí dụ, tội tập thể cố ý xẩy ra khi một cộng đồng kỳ thị nhóm người thiểu số trong cộng đồng của họ. Tội tập thể vô ý xẩy ra khi một cộng đồng làm ngơ trước những người nghèo và vô gia cư hoặc họ để cho nền kỹ nghệ làm ô nhiễm không khí.
Tội tập thể rất có hại vì không một cá nhân nào chịu trách nhiệm cho sự việc đó. Tội tập thể là tội do "xã hội" tạo ra chứ không phải tội của "tôi."
Tội tập thể được dung túng vì nhiều lý do. Thí dụ, nhiều người tự bào chữa bằng cách nói rằng sự phản đối của chúng tôi quá nhỏ bé không thay đổi được tình trạng hiện thời. Nhưng bất cứ vì lý do gì, chúng ta phải nhớ rõ điều này: bổn phận chống lại tội tập thể là trách nhiệm của mỗi một người chúng ta. Bất cứ cá nhân nào trốn trách nhiệm này là đã phạm tội cá nhân cách vô ý. Như Mục sư Martin Luther King đã nhận xét: "Bất cứ ai chấp nhận điều xấu mà không chống đối nó thì đã thật sự cộng tác với nó."
Việc sự dữ ngày càng lan tràn trong thế giới đã nêu lên một thắc mắc đầy suy tư: Nếu Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thì sự dữ do đâu mà có?
Tác giả kinh thánh trả lời câu hỏi này ngay sau câu truyện tạo dựng được gọi là câu truyện "phản-tạo dựng."
Câu truyện được bắt đầu với một con rắn lẻn vào khu vườn mà Thiên Chúa đã để đôi vợ chồng đầu tiên sinh sống. Rồi con rắn dụ dỗ người đàn bà:
"Có phải Thiên Chúa nói với bà không được ăn bất cứ trái cây nào trong vườn không?"
Người phụ nữ trả lời:
"Chúng tôi có thể ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, ngoại trừ cây ở giữa vườn.
Thiên Chúa bảo chúng tôi đừng ăn trái của cây đó, ngay cả sờ đến trái cây đó; nếu không chúng tôi sẽ chết."
Con rắn trả lời, "Ðiều đó không đúng; bà sẽ không chết. Thiên Chúa nói thế là vì Người biết rằng khi bà ăn trái cây đó, bà sẽ giống như Thiên Chúa và bà biết những gì là tốt và những gì là xấu."
Người phụ nữ thấy cái cây xinh đẹp chừng nào và trái của nó ăn sẽ ngon biết bao, và bà nghĩ thật tuyệt diệu nếu được trở nên khôn ngoan.
Bởi thế bà hái lấy một trái và ăn. Và bà đưa một ít cho chồng bà, và ông cũng ăn.
Ngay khi họ đang ăn, họ được ban cho sự hiểu biết và họ nhận thấy mình trần truồng; bởi thế họ lấy lá đan lại để che thân.
Sáng Thế Ký 3:1-7
Những người hiểu theo nghĩa bóng giải thích câu truyện phản tạo dựng cũng cùng một cách như họ giải thích câu truyện tạo dựng. Nó cũng giống như những chuyện ngụ ngôn mà Chúa Giêsu hay kể. Ðó là câu truyện có tính cách biểu tượng, được các tác giả kinh thánh dùng để trả lời câu hỏi, Nếu Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thì sự dữ ở đâu mà có?
Ðể hiểu câu trả lời của tác giả kinh thánh chúng ta phải chú ý đến những biểu tượng được dùng trong câu truyện này:
con rắn và việc ăn trái cấm.
sự nhận biết mình trần truồng và
hai người bị đuổi khỏi vườn địa đàng.
Hãy bắt đầu với biểu tượng đầu tiên và xem nó trả lời thế nào câu hỏi, Nếu Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thì sự dữ do đâu mà có?
Biểu tượng chính là con rắn. Ðể hiểu biểu tượng này, phải nhớ tính cách lịch sử của văn bản mà câu truyện được viết.
Khảo-cổ-học cho biết con rắn đóng một vai trò quái dị trong những tế lễ của dân Canaanites, một dân thù nghịch với dân Do Thái xưa. Vì thế con rắn là biểu tượng của sự dữ đối với dân Do Thái, là người coi việc thờ phượng của dân Canaanites như một việc ghê tởm. Và như thế con rắn biểu tượng cho quỷ trong câu truyện phản-tạo dựng.
Ðiều này đưa chúng ta đến biểu tượng thứ hai: ăn trái cấm. Chúng ta nhớ rằng con rắn nói với người đàn bà là nếu bà ăn trái này bà sẽ biết được sự tốt và sự xấu. Con rắn nối kết việc ăn và biết. Ðể hiểu sự liên hệ này, một lần nữa, chúng ta phải nhớ đến tính cách lịch sử của văn bản mà câu truyện tạo dựng được viết.
Vì phần lớn dân chúng thời xưa không biết đọc cho nên nguồn mạch sự hiểu biết là những cảm nghiệm của cá nhân. Ðiều này giải thích sự liên hệ giữa ăn và biết. Ăn có nghĩa là biết bằng cảm nghiệm. Nói cách khác hai ông bà đã biết sự xấu bằng cách cảm nghiệm sự xấu. Họ đã "nếm thử" sự xấu. Họ trở thành xấu. Họ đã phạm tội.
Sau khi hai ông bà phạm tội, Kinh Thánh kể rằng họ nhận biết mình trần truồng (Sáng Thế 3:7). Ðể hiểu tại sao tác giả lại đề cập đến việc này chúng ta phải nhớ rằng trước khi họ phạm tội "người nam và người nữ trần truồng nhưng họ không cảm thấy xấu hổ" (Sáng Thế 2:25).
Vì thế sự nhận biết mình trần truồng sau khi phạm tội muốn nói rằng tội đã thay đổi họ. Họ không còn thấy bình an với chính họ. Cái gì đó đã sai đi trong con người của họ. Tội đã làm "hư hỏng" họ.
Việc trục xuất khỏi vườn địa đàng kết thúc câu truyện phản-tạo dựng. Y¨ nghĩa của việc trục xuất thì rõ ràng. Nó có nghĩa là tội lỗi đã chia cắt hai người với Thiên Chúa.
Và tội nguyên thủy này không những đã đem sự xấu vào thế gian mà còn làm "hư hỏng" hai người và "chia cắt" hai người với Thiên Chúa. Tội nguyên thủy còn tệ hại hơn nữa. Nó mở cửa cho những tội lỗi khác. Chẳng bao lâu tội lỗi đã lan tràn khắp thế gian (Sáng Thế 11: 1-9). Loài người bị hủy diệt.
Bi thảm do tội nguyên thủy gây ra thường được gọi là tội tổ tông. Có nghĩa là tội tổ tông đã:
đưa sự xấu vào thế gian
làm hư hỏng loài người, và
hủy diệt sự sống của họ.
Và như thế câu trả lời của những tác giả Kinh Thánh về cách sự xấu đã đến thế gian như sau: Sự xấu đến trong thế gian qua tội của hai người nam nữ đầu tiên, và tội này đã làm hư đi và hủy diệt con cái của họ.
Sau khi tổ tông đã phạm tôi, hy vọng duy nhất của loài người là được Thiên Chúa can thiệp và cứu chúng ta khỏi bị diệt vong. Và đó chính là điều mà Thiên Chúa quyết định làm. Người quyết định tái-tạo dựng loài người.
Thiên Chúa cứu độ và tái-tạo dựng loài người bắt đầu với một người tên là Abram.
Một ngày nọ Chúa nói với ông Abram:
"Ngươi hãy bỏ quê hương, họ hàng, và nhà cha ngươi, và đi đến miền đất mà Ta đã dành cho ngươi...
"Ta giao ước với ngươi một điều này: Ta sẽ làm cho ngươi nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Tên ngươi sẽ không còn gọi là Abram, nhưng là Abraham, bởi vì Ta sẽ làm cho ngươi trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc...
"Ngươi sẽ không còn gọi vợ ngươi là Sarai; bắt đầu tự bây giờ tên của nàng sẽ là Sarah. Ta sẽ chúc phúc cho nàng, và Ta sẽ cho ngươi một con trai do nàng sinh hạ... Ngươi sẽ gọi đứa bé này là Isaac."
Sáng Thế 12: 1,17:4-5, 15,16,19
Và như thế lời giao ước của Thiên Chúa với Abram và Sarai đã thay đổi hoàn toàn đời sống của họ. Lời giao ước này biến đổi Abram thành:
một con người mới: người được Chúa chọn
sứ mạng mới: cha của nhiều dân tộc
Hiển nhiên Sarah đã sinh Isaac. Ông lớn lên và lấy bà Rebecca, và có hai người con: Esau và Jacob.
Một đêm nọ, trong khi Jacob đang ngủ dưới bầu trời đầy sao, Chúa phán với ông:
"Tên của ngươi là Jacob, nhưng từ bây giờ ngươi sẽ được gọi là Israel"
Sáng Thế 35:10
Israel trở thành cha của mười hai người con, những người này là tổ tiên của 12 chi tộc dân Israel (Do Thái).
Người con cưng nhất của Jacob là Joseph. Một ngày nọ, những người anh của ông Joseph trong cơn ghen tức đã bán ông cho những lái buôn người Ai Cập. Từ Ai Cập Joseph đã trở thành một người nổi tiếng vì ông đã đoán trước được nạn đói và giúp dân Ai Cập chuẩn bị cho tai ương này.
Joseph mời toàn thể gia đình ông đến Ai Cập. Họ đến và làm ăn phát đạt, và trở thành một thiểu số được trọng vọng trong nước Ai Cập. Khi ông Joseph chết đi, dân Israel bị mất đi sự ưu đãi và sự mến mộ của người Ai Cập. Họ bị người Ai Cập bắt làm nô lệ. Sau cùng, một thủ lãnh tên Môsê đã đứng lên và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập.
Môsê đã đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập tới chân núi Sinai. Ở đây Chúa đã giao ước với họ và cho họ trở nên một
dân tộc mới: một dân tộc được Chúa chọn.
sứ mạng mới: là men cho những dân tộc khác.
Dân Do Thái đã trở thành Dân Ðược Chọn của Thiên Chúa, vì Chúa đã chọn họ trở thành men (hoặc công cụ) để sửa soạn những dân tộc khác cho sự tái tạo loài người của Thiên Chúa.
Sau khi giao ước với dân Do Thái, Chúa đã dậy dỗ họ trong sa mạc, và sau cùng đưa họ đến miền đất mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham của họ.
Trong miền "đất hứa" này, Chúa đã đào tạo dân Do Thái thành một cường quốc. Chúa cũng cho họ một nhà lãnh đạo tài ba để dẫn dắt họ. Người này là vua Ða-vít.
Ða-vít chọn Giê-ru-sa-lem là thủ đô của nước Do Thái. Và bỗng nhiên một sự lạ thường đã xẩy đến. Thiên Chúa hứa với Ða-vít:
"Nhà ngươi sẽ luôn luôn có con cháu nối dõi, và Ta sẽ cho nước ngươi tồn tại mãi mãi. Triều đại ngươi sẽ không bao giờ cùng"
2 Samuel 7:16
Ðây là một trong những lời hứa quan trọng nhất trong Kinh Thánh, vì nó khởi đầu cho những lời hứa kế tiếp được gọi là "lời tiên tri về đấng thiên sai." Những lời tiên báo này nói về một vị vua (Ðấng Thiên Sai) từ dòng dõi Ða-vít và vương quốc người (Nước Trời) sẽ "tồn tại muôn đời." Như thế lời giao ước của Thiên Chúa với vua Ðavít đã biến ông ta thành một:
vị vua mới: vị vua được Chúa chọn.
sứ mạng mới: là tổ phụ của Ðấng Cứu Thế.
Sau khi vua Ðavít băng hà, một cuộc nội chiến chia đôi đất nước: Israel (bắc) và Judah (nam).
Qua các thế hệ, dân Israel đã bị đô hộ và tiêu diệt. Nhưng thế kỷ sau đó, Judah cũng bị đô hộ và bị đầy làm nô lệ ở Babylon. Trong 50 năm dân Judah đã sống trên xứ người. Nhưng nhờ có những tiên tri như Ezekiel đã giúp họ giữ vững niềm tin. Sau cùng, một ngày kia dân Judah đã được trở về và xây dựng lại quê hương cũ.
Trong những thế kỷ tiếp đó, quốc gia nhỏ bé này đã phải trải qua nhiều thử thách. Ðây là những thử thách đức tin của dân Judah với Thiên Chúa. Họ tự hỏi rằng, "Lời giao ước của Thiên Chúa với chúng ta có còn không? Còn lời hứa sẽ có Ðấng Thiên Sai thì sao? Và một vương quốc hùng mạnh thì sao?"
Sách Cựu Ước chấm dứt mà không có đoạn kết. Chấm dứt với cảnh dân chúng chờ đợi Thiên Chúa hành động. Chấm dứt với cảnh dân chúng sốt sắng cầu xin sự ngự đến của Ðấng Cứu Thế và vương quốc của Người.
Và như thế dân chúng tụ tập vào những ngày Sabát trong các đền thờ để đọc Thánh Thư và chờ đợi Chúa tiếp tục công việc "tái-tạo dựng" của Người. Họ không bao giờ mất hy vọng.
Ðể giải thích bốn mươi sáu cuốn sách của Sách Thánh Do Thái (Cựu Ước) cách chính xác, chúng ta cần phải chú trọng đến nội dung hơn là chữ viết.
Nội dung Cựu Ước có thể chia làm ba phần: câu truyện tạo dựng (Thiên Chúa tạo nên chúng ta), câu truyện phản-tạo dựng (chúng ta phạm tội), và câu truyện tái-tạo dựng (Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta).
Câu truyện tái-tạo dựng gồm những giao ước với Abram, Israel, và Ða-vít. Giao ước của Thiên Chúa với Đa-vít bắt đầu những chuỗi tiên tri gọi là lời tiên tri về đấng thiên sai. Những lời tiên tri này nói về một vị vua (Ðấng Cứu Thế) từ dòng dõi David, vương quốc của Người (Nước Trời) không bao giờ cùng.