Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Nếu có một nhóm thông tín viên truyền hình tường thuật “sống động” ngay tại chỗ sau khi ông Môsê nhận được Mười Ðiều Răn từ Thiên Chúa, thì họ sẽ tường trình như thế nào?
Xướng Ngôn Viên: Kính chào quý vị. Tôi là Giang Tuấn. Ông Môsê, vị lãnh tụ của dân Do Thái, vừa từ trên núi xuống với một tin chấn động: Thiên Chúa ban Mười Ðiều Răn. Ðặc phái viên của đài chúng tôi, cô Nguyễn Kim, đã đến tận nơi để tường thuật về sự kiện này. Cô Kim, tình hình ở đó như thế nào?
Ðặc phái viên: Thật căng thẳng! Cái tin chấn động đó đã làm náo động quần chúng ở đây. Những người phò-lựa-chọn (pro-choice) gọi đó là sự chà đạp lên quyền tự do của con người.
Xướng Ngôn Viên: Những điều răn đó sẽ có ảnh hưởng gì đến những thường dân hả cô Kim?
Ðặc phái viên: Bây giờ khó mà đoán được, anh ạ. Nhưng một người thương gia đã nhận xét như thế này: “Mười điều luật này không đủ để thay đổi những thói quen và tập quán đã có từ hàng trăm năm nay.”
Xướng Ngôn Viên: Cô Kim này, việc này có ảnh hưởng gì đến sự lãnh đạo quần chúng của ông Môsê?
Ðặc phái viên: Như anh đã biết, sự tín nhiệm của dân chúng đối với ông ta gần đây đang sa sút thảm hại. Có lẽ đây là ván bài cuối cùng trong cuộc đời làm chính trị của ông. Ông có thể bị mất chức.
Xướng Ngôn Viên: Cám ơn cô Kim... Kính thưa quý vị, trong chốc lát, chúng tôi sẽ phân tích về những sự kiện đã xẩy ra hôm nay và ảnh hưởng của nó trong tương lai.
Một cô học sinh trung học đã hỏi thầy giáo như sau:
Mười Ðiều Răn thật khó hiểu đối với con. Thầy cho biết Thánh Phao-lô đã nói, “Từ nay chúng ta sẽ không bị cầm buộc bởi luật cũ, nhưng chúng ta phụng sự Thiên Chúa trong một đường lối mới của Chúa Thánh Thần”.(Romans 7: 6).
Sau đó thầy nói con đường mới này là tình yêu. Nếu thế thì Mười Ðiều Răn sẽ được dùng ở đâu? Mười Ðiều Răn sẽ còn có một mục đích gì vì bây giờ Chúa Giêsu đã đến?
Các bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
Có một lần người ta hỏi Chúa Giêsu, “Tôi phải làm gì để được đời sống vĩnh cửu?” Người đáp, “Hãy giữ những giới răn.” Người ấy lại hỏi, “Thưa Thầy, những giới răn nào?” Chúa Giêsu trả lời:
”Chớ giết người;
chớ gian dâm;
chớ trộm cướp;
chớ làm chứng dối;
hãy thảo kính cha mẹ;
hãy yêu thương anh chị em như chính mình.”
Mát-thêu 19: 18-19
Vào một lần khác, người ta hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, trong Lề Luật, điều răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu trả lời:
”'Hãy kính mến Chúa, là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, đó là điều răn thứ nhất và trọng nhất. Ðiều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy, là: 'Hãy thương yêu tha nhân như chính mình.'
Tất cả Lề Luật và lời tiên tri qui về hai điều răn này.”
Mát-thêu 22: 37-40
Kinh Thánh Tân Ước cho ta thấy rõ Chúa Giêsu không hủy bỏ những lề luật, nhưng Người kiện toàn những lề luật (Mát-thêu 5: 17) và đưa những lề luật lên bậc phục vụ cho tình yêu. Những lề luật này được dùng như-
lời mời gọi sống yêu thương và
là sự hướng dẫn đến tình yêu
Những điều răn được dùng như lời mời gọi sống yêu thương vì nó đòi hỏi tình yêu nơi chúng ta khi chúng ta không đối xử với nhau bằng tình yêu như Thiên Chúa mong muốn. Những điều răn này cũng được dùng như sự hướng dẫn đến tình yêu vì nó chỉ cho chúng ta cách hành động khi chúng ta phân vân không biết cách đối xử đúng với lời mời gọi sống yêu thương.
Vì thế, chúng ta nên nhìn những điều răn như: sự hướng dẫn tích cực (đến hạnh phúc) và sự mời gọi (để yêu); không như những giới hạn (tự do) tiêu cực.
Sau đây chúng ta hãy xem Mười Ðiều Răn được dùng để mời gọi và hướng dẫn chúng ta yêu thương nhau như thế nào--
Thiên Chúa (điều răn 1-3) và
tha nhân (điều răn 4-10).
(Chương này sẽ đề cập đến năm điều răn đầu. Năm điều răn kế sẽ được bàn tới trong chương sau)
Một phóng viên nhà báo hỏi Cecil B. DeMille, nhà đạo diễn cuốn phim Mười Ðiều Răn, “Ngày nay điều răn nào người ta thường vấp phạm nhiều nhất?” DeMille trả lời, “Ðiều răn thứ nhất: 'Không thờ Chúa nào trừ Ta.' Ðó là điều răn mà dân Do Thái đã phạm trước tiên, và nó cũng là điều mà chúng ta vẫn còn phạm nhiều nhất.”
Ngay sau đó, DeMille cắt nghĩa thêm rằng chúng ta không khắc tượng thần bằng kim loại hoặc bằng đá và thờ lậy chúng. “Ðúng hơn, chúng ta đã tạo nên các thần từ xác thịt và tiền bạc rồi thờ lậy chúng.”
Có một điều liên quan đến việc thờ lậy các thần tượng là việc tin dị đoan, có nghĩa là gán tính cách thần thánh cho những vật tầm thường. Trong thời đại khoa học và lý luận, không thể tin được rằng có những chiếc máy bay không có “hàng ghế 13” hoặc “chỗ ngồi 13,” và có những khách sạn có “lầu 12” đến “lầu 14” -- tất cả chỉ vì một số người cảm thấy lo ngại về số 13. Ðây là một bằng chứng cho chúng ta thấy tin dị đoan vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến đời sống của một số người.
Cũng liên quan đến việc tin dị đoan là bói toán, tức là tìm biết tương lai từ những nhà coi bói tay, coi vận mạng, và xem tử vi. Tất cả những việc này được coi là xấu trong Cựu Ước (Deuteronomy 18: 10-11) và trong Tân Ước (TÐCV 16: 16).
Và một hủ tục khác có liên quan đến điều răn thứ nhất là thông linh (cầu hồn), tức là tìm cách giao tiếp với những người chết qua việc cầu cơ. Một lần nữa, Kinh Thánh đã cấm những phong tục này (Leviticus 20: 27).
Nói chung, tội phạm điều răn thứ nhất thay đổi nặng nhẹ tùy theo hoàn cảnh.
Có người nói, “Khi tôi lạm dụng tên của Chúa, tôi không có ý gì cả, đó chỉ là thói xấu của tôi.” Thử dùng lời bào chữa này với nhân viên cảnh sát khi chạy xe quá tốc độ hoặc khi ông chủ bắt gặp bạn đến sở làm trễ giờ.
Ðiều răn thứ hai cấm ta không được làm ô danh Thiên Chúa. Những cách thông thường mà người ta làm ô danh Chúa (và gián tiếp xúc phạm đến chính Chúa) là nguyền rủa, thề thốt, và thề gian.
Nguyền rủa là kêu cầu Chúa để phạt hoặc làm hại một người nào đó. Ðây là điều nhục mạ Thiên Chúa vì dám coi Thiên Chúa ngang hàng với sự dữ. Tuy nhiên, chúng ta nên ghi nhận rằng câu “đồ trời đánh thánh vật” (God damn you) thường không dùng để kêu Chúa làm hại ai nhưng đó chỉ là một câu để diễn tả sự xúc động mạnh. Những câu như thế không phải là nguyền rủa.
Thề thốt có nghĩa là kêu cầu Chúa chứng dám cho một sự thật nào đó. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ của sự thề thốt trong Kinh Thánh (thí dụ, ông Abraham trong sách Sáng Thế 21: 24 và Phao-lô trong Romans 1: 9). Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị các tư tế Do Thái bắt thề nói sự thật (Mát-thêu 5: 34). Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy những người theo Người phải luôn luôn thành thật, vì như thế sự thề thốt sẽ không cần thiết. Chúa phán, “Ðừng thề chi hết” (Mát-thêu 5: 34).
Trong một xã hội nhiều dối trá, tòa án bắt buộc người dân phải thề là lời của họ đúng sự thật. Trong những trường hợp này, chúng ta được phép thề. Nói dối sau khi thề là phạm tội thề gian. Tội này xúc phạm tới Thiên Chúa vì chúng ta nhờ Người làm chứng cho sự gian dối.
Có một vài giáo phái thường phát những tờ truyền đơn nêu lên vấn đề người Kitô giáo nên giữ ngày Sabát thay vì ngày Chúa-nhật. Có một vài người Do-Thái trở lại đạo cũng nêu lên vấn đề này. Nhưng Thánh Phao-lô lại dạy ta giữ ngày Chúa-nhật (Colossians 2: 16).
Ðiều này nêu ra câu hỏi sau đây. Nếu điều răn thứ ba dạy ta “giữ ngày Sabát,” tại sao những người Kitô hữu tiên khởi đã đổi sang ngày Chúa-nhật?
Có nhiều lý do cho sự thay đổi này. Hai lý do chính là Chúa Giêsu sống lại vào ngày Chúa-nhật (Gioan 20: 1) và Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Chúa-nhật (TÐCV 2: 1). Hai biến cố này đã làm cho ngày Chúa Nhật có một ý nghĩa quan trọng mới. Nó báo hiệu cho hoàng hôn của thời Cựu Ước và bình minh của thời Tân ước. Và vì thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, những người theo Chúa đã chọn ngày Chúa Nhật là ngày cử hành lễ Tiệc Ly (TÐCV 20: 7-11) và gọi ngày này là Chúa Nhật (Khải Huyền 1: 10).
Từ lúc đầu, những giáo dân thời xưa đã giữ ngày Chúa Nhật theo một cách đặc biệt của Giáo Hội tiên khởi. Luật Giáo Hội thời nay đặt ra cách tuân giữ ngày Chúa Nhật như sau:
Vào ngày Chúa Nhật và những ngày lễ buộc, người tín hữu phải tham dự Thánh Lễ. Họ phải kiêng giữ không được buôn bán hoặc làm những điều gì có cản trở đến việc thờ phượng Thiên Chúa, niềm vui dành cho Ngày của Chúa (Chúa Nhật), hoặc sự cần thiết nghỉ ngơi của tinh thần và thể xác.
Giáo Luật 1247
Ngoài ngày Chúa Nhật, Giáo Hội cũng giữ một tập tục của thời xưa là dành riêng một số ngày lễ đặc biệt (lễ buộc) mà giáo dân phải tuân giữ. Trong nước Mỹ, những ngày dưới đây là lễ buộc --
Lễ Ðức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa (1 tháng Giêng)
Lễ Thăng Thiên (40 ngày sau lễ Phục Sinh)
Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám)
Lễ Các Thánh (1 tháng Mười Một)
Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8 tháng Mười Hai)
Lễ Giáng Sinh (25 tháng Mười Hai)
Khi họp mặt thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật và những ngày lễ buộc, chúng ta loan truyền cho thế giới biết những gì Chúa Giêsu đã từng rao giảng: chính Chúa là nguồn gốc và là cùng đích của đời sống chúng ta. Vì thế Thiên Chúa phải là trung tâm điểm của tất cả sinh hoạt và đời sống con người.
Trách nhiệm tuyên xưng của người Kitô hữu bó buộc chúng ta phải tuân giữ những ngày lễ này, trừ khi có lý do chính đáng. Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta luôn trung thành với việc tham dự Thánh Lễ, chúng ta không phải lo lắng hoặc cảm thấy có tội khi có điều gì đó xẩy ra (thí dụ, bị đau ốm, làm việc quá sức mệt nhọc, dịp nghỉ hè) làm chúng ta không thể dự Thánh Lễ ngày hôm đó được.
Ðiều răn thứ bốn --”Thảo kính cha mẹ”-- Hãy nhớ rằng chúng ta là sinh vật hợp quần hay xã hội. Ðiều này có nghĩa là chúng ta không sinh ra và lớn lên một mình. Chúng ta thực hiện được điều này qua sự giúp đỡ và hướng dẫn của hai cộng đồng:
gia đình và
quốc gia chúng ta.
Mấy năm về trước, Alvin Toffer đã nói lên một điều nghiêm trọng trong cuốn sách nổi tiếng của ông Future Shock:
Gia đình được gọi là “tấm nệm lớn hấp thu những chấn động” của xã hội--
là nơi mà con người bị thương tích và lảo đảo trở về sau khi tranh đấu với xã hội, gia đình là một nơi chắc chắn trong một môi trường ngày càng nhiều biến động.
Khi cách mạng siêu kỹ nghệ xẩy ra, chính “tấm nệm lớn hấp thu những chấn động” này sẽ bị chấn động.
Ðiều Alvin Toffer tiên đoán đã và đang xẩy ra. Và những chấn động làm rung chuyển cộng đồng gia đình quá mạnh mẽ đến nỗi các nhà xã hội học tuyên bố rằng nó đang đi về con đường “diệt vong.”
Không phải ai cũng đồng ý với lời nhận xét trên, nhưng tất cả đều đồng ý rằng hoàn cảnh bây giờ thật nghiêm trọng. Tất cả đồng ý rằng mọi phần tử trong gia đình có bổn phận--hơn lúc nào hết trong lịch sử --đóng góp cho sự bền vững gia đình.
Một cách cụ thể, những cha mẹ--hơn lúc nào hết--phải ghi khắc trong tim lời của Thánh Phao-lô, “Hãy dạy dỗ (con cái) theo đường lối và tinh thần công giáo” (Ephesians 6: 4). Và con cái phải ghi tạc trong lòng--hơn bao giờ hết--lời của Thánh Phao-lô, “Vâng lời cha mẹ... 'Kính trọng cha mẹ'” (Ephesians 6: 1-2).
Thiên Chúa muốn gia đình là một trong những hồng phúc và quà tặng vĩ đại nhất của Người. Quà tặng chúng ta trao lại cho Chúa là giúp đỡ gia đình trở nên điều mà Thiên Chúa đã tạo ra: đó là dấu chỉ và phương tiện mà nhờ đó gia đình nhân loại trưởng thành để đi vào nước Thiên Chúa.
Liên quan mật thiết với cộng đồng gia đình là những cộng đồng trong xã hội.
Vì chúng ta chia sẻ những đặc ân của cộng đồng xã hội, chúng ta có bổn phận trung thành với nó. Chúa Giêsu đã nêu lên một cách rõ ràng khi Người nói với các tông đồ, “Trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar” (Luke 20: 25).
Sau này Thánh Phao-lô truyền cho những giáo dân Roma vâng phục và kính trọng những người cầm quyền, bởi vì những người này được quyền cai trị từ Thiên Chúa (Romans 13: 1).
Mặt khác, chính quyền cũng phải tôn trọng quyền lợi của người dân. Không phải người dân được lập ra cho chính quyền; nhưng chính quyền được tạo ra cho người dân. Không chính quyền nào được phép chà đạp những quyền tự nhiên của một con người hoặc một gia đình. Nếu chính quyền vi phạm điều này, người dân không những có quyền mà còn có bổn phận từ chối tuân hành, và nói theo Thánh Phêrô, “Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là tuân lệnh người phàm.” (TÐCV 5: 29).
Ông Albert Diianni đã từng đi du lịch nhiều nơi như Nam Mỹ, Trung Mỹ, và những hòn đảo Phi-luật-tân. Những cuộc du lịch này đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với ông. Viết trong tờ America, ông nói:
Trong những lần thăm viếng Peru, Brazil, Mexico, và quần đảo Philiplines, tôi đã thấy những người dân và đất đai bị tàn phá bởi sự tham nhũng của những người cầm quyền và sự tham lam không thương xót của những công ty quốc tế.
Tôi đã rùng mình chứng kiến cảnh con nít chết vì cha mẹ không có trình độ sơ đẳng để cung cấp cho con cái mình sự vệ sinh tối thiểu hoặc thuốc men.
Những lời của ông Diianni làm sinh động bản thống kê lạnh lùng dưới đây:
2 tỉ người trên thế giới có lương thấp hơn $500 một năm,
900 triệu người mù chữ,
600 triệu người không có việc làm toàn thời gian,
450 triệu người bị đói và thiếu dinh dưỡng.
Chính vì hàng triệu mạng sống này mà các giám mục của Cộng Ðồng Vatican II đã viết:
Mọi người phải có những tiện ích... bất cứ những gì cần thiết để đem đến một đời sống thực sự nhân bản, như thực phẩm, quần áo, nhà cửa...
[Mỗi người] có bổn phận giúp đỡ những người nghèo khó, và thi hành bổn phận này không chỉ vì chúng ta có dư thừa...
Công Ðồng khuyên tất cả mọi người... hãy nhớ lời [của các tín hữu tiên khởi ]... “Hãy tiếp tế lương thực cho những người đang chết đói, bởi nếu các ngươi không cho họ ăn, tức là ngươi đang giết họ”
Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay 26, 69
Lời tuyên bố mạnh mẽ trên làm chúng ta giật mình tỉnh thức trong sự tự mãn của chúng ta. Nó giúp chúng ta nhận thức rằng khi những người anh chị em của chúng ta đang chết vì đói, chúng ta có bổn phận quan trọng là cho họ ăn, trong phạm vi khả năng của mình. Quay lưng và bỏ rơi những người này tức là chúng ta tiếp tay, một phần nào đó, vào chính lý do của sự đau đớn và thống khổ của họ--và ngay cả cái chết của họ.
Ðiểm này đưa ta đến điều răn thứ năm, liên quan đến sự kính trọng sự sống con người.
Tiêu diệt sự sống của một người vô tội được gọi là sát nhân và đây là tội nặng nhất mà con người có thể phạm. Không một người Kitô hữu nào thắc mắc về vấn đề này. Mọi người có quyền sống và quyền duy trì sự sống. Ðiều này bao gồm quyền giết người xâm lược bất chính, nếu đây là cách duy nhất để bảo tồn mạng sống.
Những gì đúng với mỗi cá nhân cũng đúng với cộng đồng của cá nhân, như một quốc gia. Vì thế, vào thời tiên khởi những Kitô hữu đã dung thứ cho chiến tranh trong những trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, nhiều Kitô hữu càng ngày càng cảm thấy khó dung thứ cho chiến tranh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ðiều này càng được nhận thấy rõ ràng hơn trong trường hợp các quốc gia ngày nay đang tích trữ những vũ khí nguyên tử, vũ khí hoá học, và vũ khí vi trùng. Với cái nhìn này mà các giám mục của Công Ðồng Vatican II đã nói về chiến tranh thời nay:
Bất cứ một hành động chiến tranh nào nhắm vào việc tiêu hủy cả một thành phố một cách mù quáng hoặc một khoảng đất rộng có dân chúng cư ngự là một tội chống lại Thiên Chúa và [gia đình nhân loại]. Nó phải bị lên án một cách rõ ràng và thẳng thắn...
Cuộc thi đua vũ khí là một cạm bẫy nguy hiểm cho nhân loại, và là điều làm tổn thương người nghèo đến mức độ không dung thứ được nữa...
Vì thế, bổn phận rõ ràng của chúng ta là phải dồn mọi nỗ lực để đạt đến một thời điểm mà lúc đó tất cả mọi cuộc chiến đều bị cấm cản với sự đồng lòng của quốc tế.
Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 80-82
Hơn lúc nào hết, người Kitô hữu đang nhận thấy bổn phận của mình là trở thành những người yêu chuộng hòa bình trong tinh thần của Bài Giảng Trên Núi:
Phúc cho những kẻ yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!
Mát-thêu 5: 9
Nếu chúng ta không thực sự ghi nhớ lời của Chúa Giêsu, thì lời cảnh cáo của Tổng Thống John Kennedy: 'chúng ta phải chấm dứt chiến tranh nếu không chiến tranh sẽ chấm dứt chúng ta,' sẽ trở thành một điều kinh hoàng.
Liên hệ mật thiết với việc lấy mạng sống người khác là việc lấy mạng sống của chính mình. Ðiều răn thứ năm cấm việc này. Tuy nhiên, một câu hỏi được nêu lên, liên quan đến việc tuyệt thực. Có ba loại tuyệt thực: Những loại khi mà người tuyệt thực-
không cố ý chết nhưng chấp nhận sự chết, nếu đây là điều cần thiết;
không cố ý chết nhưng dùng cái chết để “áp lực” phía bên kia;
cố ý chết để dùng nó là một phương tiện đạt đến mục đích.
Hai trường hợp đầu liên quan đến tự giết mình một cách gián tiếp. Chúng ta dùng chữ gián tiếp vì trong cả hai trường hợp người tuyệt thực không muốn chết. Nhưng thật ra người tuyệt thực hy vọng và cầu nguyện để nó đừng xẩy ra. Vì thế, cả hai trường hợp trên được cho phép khi sự quan trọng của mục đích cũng vừa tầm với sự nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, trường hợp thứ ba thì hoàn toàn khác biệt. Nó liên quan đến việc tự giết mình trực tiếp và việc này không thể bào chữa với bất cứ lý do gì.
Trong quá khứ, người ta thường coi tử hình là “giải pháp cuối cùng” mà xã hội dùng để tự bảo vệ đối với những tội nhân nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người Kitô hữu cảm thấy hình phạt tử hình ngày càng khó biện minh. Quan điểm này cho là hình phạt tử hình--
có khuynh hướng làm nhẹ đi việc tôn trọng sự sống và làm mất đi nhân tính của vấn đề;
có nguy hiểm là giết lầm người vô tội, nhất là những người nghèo không đủ khả năng mướn luật sư biện hộ (hơn một nửa những người bị kết án tử hình là dân thiểu số, phần lớn là người nghèo);
làm mất đi mục đích chính của hình phạt: sự hồi phục;
đưa đến nhiều đình trệ trong tòa án khiến giảm đi hiệu lực ngăn ngừa phạm pháp của tòa án.
Những người có quan điểm này cũng cho rằng những nhà tù thời nay đủ để bảo vệ xã hội một cách hữu hiệu đối với những tội nhân nguy hiểm.
Phá thai đã thường xẩy ra trong xã hội vô tôn giáo thời xưa. Giáo Hội sơ khai chống đối việc phá thai một cách kịch liệt. Thí dụ, khoảng 80 A.D., cuốn Didache, tài liệu xưa nhất của Kitô giáo ngoại trừ Kinh Thánh Tân Uớc, nói một cách thẳng thắn, “Chớ phá thai.”
Dưới ảnh hưởng của Kitô giáo, sau cùng phá thai cũng bị chính quyền cấm đoán. Cho tới thế kỷ 20 thì nó lại bắt đầu bộc phát một cách rộng rãi.
Lý do chống đối phá thai được đặt trên sự tin tưởng rằng cái trứng thụ tinh sẽ triển nở thành một con người và vì thế nó cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề phá thai có điểm phân biệt quan trọng.
Thứ nhất, có sự phá thai trực tiếp, đây là một hành động cố ý trực tiếp giết chết bào thai chưa sinh. Ðiều răn thứ năm cấm việc phá thai trực tiếp.
Thứ hai, có sự phá thai gián tiếp, đây là một hành động không cố ý giết bào thai nhưng là để cứu sống người mẹ. Thí dụ, giả sử để cứu mạng sống người mẹ, vị bác sĩ phải cắt đi tử cung bị nhiễm độc. Sự phá bào thai xẩy ra một cách gián tiếp sau cuộc giải phẩu là ngoài ý muốn và ngoài khả năng của vị bác sĩ.
Ðể nhấn mạnh ý định của sự phá thai gián tiếp, chúng ta cần thêm rằng mọi cố gắng để cứu bào thai đã được thi hành. Lấy bào thai ra trong trường hợp này được cho phép, tuy rằng nó gián tiếp đưa đến cái chết của bào thai.
Phá thai có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Ðề cập về vấn đề này, bác sĩ Bernard Nathason nói:
Sự phá thai tấn công vào trung-tâm-điểm của sự toàn vẹn của cơ cấu gia đình và đời sống tình dục. Nó có ảnh hưởng không nhiều thì ít đến mọi người trong đất nước này. Nó cũng phản ảnh tình trạng luân lý của xã hội ngày nay.
Chữ euthanasia phát xuất từ chữ Hy-Lạp euthanatos, nó có nghĩa là “chết dễ dàng.” Cũng như việc phá thai, điểm phân biệt quan trọng cần được nêu lên đây.
Thứ nhất, chết không đau đớn cách trực tiếp (thường được gọi là “mercy killing”). Ðây là một hành động cố tình (thí dụ, chích thuốc độc hoặc ngăn cản việc chữa trị) để cho một người chết, thường thường người này bị đau nặng trong tuổi già hoặc mắc phải bệnh nan y. Chết không đau đớn cách trực tiếp luôn luôn là sai, cho dù có ý tốt đến đâu đi nữa.
Thứ hai, điều mà một số người gọi là chết không đau đớn cách thụ động, hoàn toàn khác với chết không đau đớn cách trực tiếp. Thật vậy, nó không phải là cố ý kết thúc cuộc đời. Nó chỉ để xẩy ra điều mà luân lý cho phép để cho bệnh nhân già đi hoặc bị bệnh nan y chết một cách tự nhiên, còn hơn là kéo dài sự sống của họ một cách không cần thiết và vô hạn bằng những phương tiện khác thường.
Có một số tôn giáo coi việc uống rượu là có tội. Họ biện luận rằng chữ rượu trong tiếng Hy-Lạp mà những Kitô hữu thời tiên khởi dùng có nghĩa là không-có-chất-rượu.
Ðiều này tuyệt đối không có một căn cứ gì cả.
Sự nguy hiểm của uống rượu là lúc người uống lạm dụng hoặc dùng không đúng chỗ. Ðây là một tội rất nặng khi một người cố tình say sưa, làm tổn hại đến sức khoẻ và tinh thần. Sự khổ đau mà hành động vô ý thức này gây nên vẫn có thể thấy hằng ngày.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng sự lạm dụng rượu nhiều khi phát xuất từ chứng tửu-độc, mà ngành y khoa coi là một chứng bệnh. Những người mắc chứng bệnh này có bổn phận phải chạy chữa. Và chúng ta có bổn phận giúp đỡ họ bằng mọi cách.
Liên quan đến vấn đề lạm dụng rượu là vấn đề lạm dụng ma tuý. Một lần nữa, sự khổ đau vô cùng gây ra vì lạm dụng ma tuý là một trong những thảm trạng tang thương của xã hội ngày nay.
Việc lạm dụng thuốc để đầu óc lâng lâng hoặc để làm trò giải trí là tội nặng. Cũng như những người nghiện rượu, những người nghiện ma tuý, thuốc kích thích phải tìm sự chữa trị.
Mười Ðiều Răn được coi là lời mời gọi để yêu thương bằng cách đem hết tình yêu của chúng ta để đối xử với người khác. Nó được dùng như những hướng dẫn đến tình yêu bằng cách chỉ cho ta cách hành động khi ta phân vân không biết phải đối xử như thế nào cho đúng với lời mời gọi yêu thương.
Riêng về ba điều răn đầu tiên, nó mời gọi chúng ta đặt tình yêu Thiên Chúa làm trung tâm điểm của đời sống, và nó chỉ dẫn cho ta cách thi hành điều này.
Ðiều răn thứ bốn và thứ năm mời gọi chúng ta hãy yêu thương những người chung quanh như chính mình. Những điều răn này cũng chỉ rõ cho ta cách thực hiện điều này, nhất là khi liên quan đến sự vâng phục chính quyền và tôn trọng sự sống con người.