Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Nhà tâm lý học Eugene Kennedy đề nghị một “trắc nghiệm tình bạn.” Ông nói nếu chúng ta không thật sự vui thích khi ở với ai đó trừ khi chúng ta đang làm một điều gì--như chơi banh, hay đi xi-nê--thì người đó không thể là người bạn tốt như chúng ta nghĩ.
Ông Kennedy nói, trắc nghiệm thực sự về tình bạn là khi chúng ta không làm gì cả mà vẫn cảm thấy vui sướng. Nói cách khác, chúng ta thích nhau đến độ không cần phải có những sinh hoạt để nối kết chúng ta.
Trong mức độ từ một (hoàn toàn không) đến mười (hoàn toàn có), bạn đồng ý nhiều hay ít về trắc nghiệm tình bạn của ông Kennedy? Hãy giải thích. Thử nghiệm này có thể áp dụng đến mức độ nào cho hai người sắp sửa lấy nhau?
Trong cuốn phim Shadow of the Hawk, một cặp vợ chồng trẻ và người da đỏ dẫn đường đang đi lên một ngọn núi. Tại một chỗ, cô vợ trẻ ngồi bệt xuống đất và nói, “Em không thể đi nổi nữa.”
Anh chồng trẻ nâng vợ đứng dậy và nói, “Em ơi, chúng ta phải tiếp tục. Không còn lựa chọn nào khác.” Nhưng cô vợ lắc đầu và nói, “Em không thể nào đi được.” Người dẫn đường nói với anh thanh niên, “Hãy ôm cô ấy sát vào tim anh. Ðể sức mạnh và tình yêu từ thân thể của anh truyền sang thân thể cô ấy.”
Người thanh niên làm theo y như vậy, và chỉ vài phút sau, người phụ nữ mỉm cười và nói, “Bây giờ em đã sẵn sàng để tiếp tục.”
Tất cả chúng ta đều có liên hệ đến đoạn phim trên. Có những lúc chúng ta cũng nghĩ rằng không còn sức mạnh để tiếp tục. Và rồi có ai đó ôm lấy chúng ta, để sức mạnh và tình yêu của họ truyền sang thân thể chúng ta. Và chúng ta lại có thể tiếp tục.
Quyền lực số một của thế giới là tình yêu. Nhà thần học Teilhard de Chardin bị khích động bởi sự tin tưởng này khi ông viết:
Sẽ có ngày, sau khi làm chủ gió to, sóng cả, thủy triều, và trọng lực, chúng ta sẽ vì Thiên Chúa mà khai thác năng lực tình yêu và rồi, lần thứ hai trong lịch sử loài người, chúng ta sẽ khám phá ra lửa.
Sự khám phá ra lửa khoảng 80,000 năm trước đã giúp con người khỏi bị diệt chủng. Sự khám phá này đã gợi hứng cho cho Jean-Jacques Arnaud làm cuốn phim Quest for Fire (Tìm Lửa). Nó nhấn mạnh đến cách khám phá ra lửa và việc khai thác lửa để bảo vệ loài người khỏi bị tiêu diệt.
Cũng như nhiều người ngày nay, Teilhard de Chardin lo ngại rằng giống người lại bị nguy cơ diệt chủng. Lần này không bởi vì thiếu lửa. Ðúng hơn, vì thiếu một điều rất căn bản: tình yêu. Năng lực nguyên tử và sự bất lực của con người--hay thiếu thiện ý--để yêu thương tha nhân đang đe doạ sự sống còn trên quả địa cầu.
Trừ khi chúng ta tái khám phá ra tình yêu và khai thác năng lực của nó, có lẽ chúng ta không sống sót nổi qua thế kỷ tới. Những người lưu tâm tự hỏi:
Tám mươi ngàn năm sắp tới liệu sẽ có người nào thực hiện cuốn phim mang tên Tìm Tình Yêu để ghi dấu việc khám phá ra tình yêu--kịp thời cứu giống người?
Nếu chúng ta phải chọn một chữ để tóm lược sự dạy dỗ của Chúa Giêsu, thì đó là chữ yêu. Chúa Giêsu nói, “Hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu anh em” (Gioan 15:12).
Tình yêu là sức mạnh duy nhất của con người để gìn giữ và thay đổi thế giới. Nó là sức mạnh duy nhất có thể đảo ngược “làn sóng sự dữ” mà tội nguyên thủy đã gây ra. Thí dụ dưới đây cho thấy sức mạnh tình yêu vượt trên sự dữ.
Một phụ nữ sắp sửa bước lên chiếc xe “bus” đông người. Bỗng dưng có một ông chen lấn lên trước, và hầu như muốn xô bà ngã. Bà thực sự muốn chế nhạo ông này: “Xin lỗi vì tôi đã cản đường ông!” Thái độ của bà đã khiến ông sửng sốt và thực sự chân thành: “Tôi xin lỗi! Tôi quá thô bạo! Tôi không biết tôi đang nghĩ gì. Tôi thấy xấu hổ quá.”
Bây giờ đến lượt người đàn bà ngạc nhiên. Người đàn ông đã đáp trả lòng thương giả dối của bà như thể nó có thật. Và ông bị giao động.
Lát sau, người phụ nữ nghĩ lại. Và bà bị khích động. Tình yêu là sức mạnh lớn nhất của thế giới. Nó có thể chiến thắng cả tội lỗi. Nó có thể ngăn chặn làn sóng sự dữ trong thế gian và thay đổi thành làn sóng sự thiện (Rôma 12:21).
Tình yêu là ơn gọi của mọi con người. Ðời sống trần gian của chúng ta không được phán xét bởi danh tiếng chúng ta có hay tài sản chúng ta thu góp được. Nhưng đúng hơn, nó được phán xét bởi tình yêu mà chúng ta đã tỏ bầy. Mẹ Têrêsa đã nói:
Vào giờ chết khi chúng ta đối diện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ bị xét xử trên tình yêu; không phải chúng ta thành công nhiều hay ít nhưng là lòng yêu thương mà chúng ta thể hiện
Có nhiều loại tình yêu. Thí dụ, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bằng hữu, tình yêu nam nữ.
Tuy nhiên, có một tình yêu vượt trên tất cả. Ðó là tình yêu mà Chúa Giêsu chúc lành và nâng lên hàng bí tích. Ðó là tình yêu của người nam và người nữ trong hôn nhân.
Có một câu truyện cổ tích về chàng thanh niên đang gõ cửa một căn nhà. Tiếng nói từ trong nhà phát ra, “Ai đó?” Người thanh niên trả lời, “Con đây. Con đến để xin phép cưới con gái của ngài.” Giọng nói đáp lại, “Con chưa sẵn sàng, một năm sau hãy trở lại đây.”
Một năm sau người thanh niên đó trở lại và gõ cửa. Giọng từ trong nhà hỏi, “Ai đó?” Người thanh niên trả lời, “Ðây là con và con gái của ngài. Chúng con đến để xin phép ngài được kết hôn.” Giọng trong nhà đáp, “Bây giờ con đã sẵn sàng. Hãy bước vào.”
Hôn nhân là một “biến cố ân sủng” mà qua biến cố này Thiên Chúa kết hợp người nam và người nữ một cách rất mật thiết đến nỗi “hai người sẽ trở nên một” (Mác-cô 10:8). Ðây là một “biến cố ân sủng” mà Thiên Chúa hoà hợp hai cuộc đời một cách thật mật thiết để họ trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại.
Thánh Gio-an đã nói Thiên Chúa là tình yêu qua câu, “Thiên Chúa là tình yêu, và ai sống trong tình yêu sống kết hợp với Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Gio-an 4:16). Một nhà thơ đã đi xa hơn nữa và diễn tả Thiên Chúa là “tình yêu phát sinh sự sống.”
Nhà thơ này nêu lên một điểm rất hay. Bản chất tự nhiên của tình yêu là phát sinh sự sống. Vì thế, những nhà thần học đã nói về sự sáng tạo của Thiên Chúa phát xuất tự tình yêu của Người. Nói cách khác, tạo nên sự sống, nhất là sự sống con người, là một “bí tích” của tình yêu Thiên Chúa. Ðược gọi là bí tích vì nó là một “thể hiện bí ẩn và hiển nhiên” của tình yêu Thiên Chúa.
Nhưng Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả là “tình yêu phát sinh sự sống” qua một ý nghĩa khác: ý nghĩa “cứu chuộc”. Qua ý nghĩa này chúng ta muốn nói khía cạnh chung thủy và thứ tha của tình yêu Thiên Chúa. Khi loài người tự xa lìa Thiên Chúa bởi tội lỗi, tình yêu của Thiên Chúa đã được tỏ ra qua sự “cứu chuộc” cũng như sự “sáng tạo.” Thiên Chúa đã giao ước với dân Do Thái và từ giao ước này đã nẩy sinh sự giáng trần của Chúa Giêsu. “Thiên Chúa đã quá yêu nhân loại” đến nỗi Người sai Chúa Giêsu xuống thế gian “để trở thành đấng cứu chuộc loài người” (Gioan 3:16-17).
Trong Chúa Giêsu Kitô, tình yêu Thiên Chúa đã nhập thể (thành người và sống giữa chúng ta). Sự “cứu chuộc” này, giao ước tình yêu của Thiên Chúa vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Giêsu.
Chính trong bối cảnh này mà Giáo Hội hiểu bí nhiệm hôn nhân Công Giáo. Vì thế, trong nghi thức hôn nhân, Giáo Hội cầu nguyện:
Lậy Cha... qua Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con... Cha đã lập nên một giao ước mới với dân của Cha. Cha đã hồi phục chúng con qua hồng ân cứu chuộc. Cha cho chúng con chia sẻ trong cuộc sống thần linh qua sự kết hiệp chúng con với Chúa Kitô... Tình yêu dạt dào này trong giao ước mới của ân sủng được tượng trưng trong giao ước hôn nhân đã niêm yết tình yêu vợ chồng và phản ảnh chương trình tình yêu của Cha.
Chính qua mầu nhiệm hôn nhân Công Giáo này mà Thánh Phao-lô đã so sánh tình yêu vợ chồng với tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội (Ê-phê-sô 5:25).
Và vì thế hôn nhân Công giáo tượng trưng cho tình yêu “sáng tạo” của Thiên Chúa trong đó nó phát sinh sự sống, và nó cũng biểu tượng cho tình yêu “cứu chuộc” vì trong đó có sự chung thủy và tha thứ.
Như thế hôn nhân Công giáo liên quan đến ơn gọi cao cả là trưng ra cho thế gian nhận thấy giao ước tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người.
Hãy nhìn vào hôn nhân theo phương cách sau. Cũng như Chúa Thánh Thần kết hiệp những người theo Chúa Giêsu thành một thân thể, thì Người cũng kết hợp hai vợ chồng thành một “thân xác” trong Chúa Kitô (Mát-thêu 19:5). Và cũng như Chúa Thánh Thần kết hiệp những người theo Chúa Giêsu thành một “Giáo Hội Công Giáo,” (bí tích tình yêu của Thiên Chúa trong thế gian) thì Người cũng kết hợp hai vợ chồng thành một “Giáo Hội tại gia,” (bí tích tình yêu của Thiên Chúa trong gia đình).
Hãy nhớ rõ điều này trong cuộc sống hôn nhân.
Ngày nay người ta nói nhiều về “khế ước hôn nhân.” Nhưng không lẽ hôn nhân chỉ có thế--mỗi người bảo vệ tài sản, thời giờ, nghề nghiệp và những cái riêng của mình?
Hôn nhân không phải là khế ước nhưng là một giao ước. Một khế ước bảo vệ hai bên trong tương lai. Nó liệt kê tất cả những gì hai bên đã dự liệu. Giao ước thì không cần kê khai. Giao ước được đặt trên sự tín thác để yêu thương và phục vụ cho nhau. Giao ước là lời hứa giữa hai người sẽ trung thành với nhau mãi mãi: trong lúc vui cũng như lúc buồn, khi bệnh tật cũng như lúc khoẻ mạnh, khi thành công hay thất bại.
Hôn nhân Công giáo có hai mục đích: lớn lên trong tình yêu thương lẫn nhau và trong tình yêu Thiên Chúa, và cùng với Thiên Chúa tạo ra sự sống mới. Hoặc nói một cách khác, mục đích của hôn nhân vừa--
kết hợp: yêu thương và tha thứ, và
lưu truyền sự sống: sinh sản và nuôi dưỡng.
Trước hết, hãy suy nghĩ về sự kết hợp. Chữ kết hợp trong hôn nhân Công giáo có nghĩa trao ban-tình yêu. Tình yêu của đôi vợ chồng không bao giờ ngừng nhưng nó tiếp tục lớn lên trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, tình yêu của họ phản ảnh tình yêu bất tận của Thiên Chúa cho chúng ta. Chữ kết hợp trong đời sống hôn nhân cũng có nghĩa là tha thứ. Tức là, vợ chồng tha thứ những đau khổ họ gây ra cho nhau, cố tình hoặc vô ý. Nói cách khác, sự tha thứ lẫn nhau phản ảnh sự tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta.
Kế đến, hãy suy nghĩ về việc lưu truyền sự sống. Chữ lưu truyền sự sống trong hôn nhân Công Giáo có nghĩa trao ban-sự sống. Tức là, tình yêu vợ chồng đưa đến sự sống mới. Nói cách khác, tình yêu của họ noi gương tình yêu của Thiên Chúa mà nhà thơ trên đã diễn tả là “tình yêu phát sinh sự sống.” Lưu truyền sự sống cũng bao gồm ý nghĩa nuôi dưỡng sự sống. Tức là, nó tạo nên một môi trường yêu thương là gia đình mà trong đó cuộc sống mới này nẩy nở và trưởng thành trong tinh thần Công giáo.
Ðiểm này đưa đến một câu hỏi đáng buồn mà chúng ta thấy đang xẩy ra trong xã hội ngày nay.
Qua bao nhiêu thế kỷ, Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng sự kết hợp trong hôn nhân không bao giờ được tháo gỡ hoặc phá vỡ. Ðiều này được dựa trên lời dạy dỗ của Chúa Giêsu: Chúng ta “không được chia rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hợp” (Mác-cô 10:9).
Giáo Hội dung thứ cho hai vợ chồng được ly thân hoặc ly dị mà không tái kết hôn, nhưng chỉ trong trường hợp nghiêm trọng. Giáo hội cho phép tái kết hôn khi một trong hai người qua đời, hoặc khi xin và đã được vô hiệu hóa (annulment).
Người Công Giáo ly dị mà hôn nhân cũ chưa được vô hiệu hóa thì không có quyền tái kết hôn khi một trong hai người còn sống. Dưới cái nhìn của Giáo hội, họ vẫn kết hôn với nhau. Tuy nhiên, những người này vẫn được tham dự thánh lễ và vẫn có thể hoạt động trong giáo xứ, nhưng họ không được phép rước lễ.
Người Công Giáo ly dị nên bàn với một linh mục để tìm xem những lý do chính đáng cho việc xin vô hiệu hóa.
Mọi tôn giáo đều nhận thấy rằng hôn nhân giữa hai người khác tôn giáo là một điều thật nghiêm trọng. Hôn nhân giữa hai người khác tôn giáo chỉ nên tiến tới sau khi suy nghĩ thật chín chắn, thành thật đối thoại, và cầu nguyện để được sự dẫn dắt của ơn trên. Có rất nhiều vấn đề cần phải thành thật đương đầu trước khi kết hôn. Dưới đây là một thí dụ cụ thể.
Người Công giáo kết hôn với người khác tôn giáo phải khẳng định đức tin của mình với Giáo hội và phải chia sẻ đức tin này với con cái. Người bạn khác tôn giáo phải kính trọng giao ước giữa người bạn Công giáo và Giáo Hội, nhưng họ không phải ký kết gì cả.
Nếu mỗi bên đều có đức tin mạnh mẽ với tôn giáo của mình và muốn giáo dục con cái theo truyền thống tôn giáo của mình thì việc này có thể giải quyết được không? Nếu không giải quyết được, hai người nên suy nghĩ lại việc kết hôn. Họ nên bàn luận với nhau và suy nghĩ xem có nên kết hôn hay không.
Hôn nhân khác tôn giáo có thể được cử hành trong thánh đường Công Giáo hoặc một nơi thờ phượng nào đó của người khác tôn giáo. Vì chính đôi tân hôn trao nhau lời giao ước nên một vị linh mục, hoặc phó tế có thể cử hành nghi thức hôn phối.
Một điểm sau cùng cần được đề cập đến ở đây. Một người Công Giáo đã lập gia đình không theo nghi thức của Giáo Hội và muốn trở về với Giáo Hội, họ nên bàn luận với một linh mục để hợp thức hoá hôn nhân của họ trong một nghi lễ riêng.
Khi hai người quyết định kết hôn, họ nên liên lạc ngay với linh mục của giáo xứ. Bình thường, phần lớn các giáo xứ đòi hỏi sáu tháng để chuẩn bị. Thời gian này bao gồm:
cuộc phỏng vấn của linh mục hoặc phó tế vĩnh viễn
trình giấy tờ Rửa tội, Rước lễ Lần đầu, và Thêm Sức,
học giáo lý hôn nhân.
Giáo Hội yêu thương chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta bằng mọi cách. Ðây là lý do mà Giáo hội đòi hỏi những điều kiện trên. Chứng chỉ rửa tội xác định người đó là Công giáo. Chúng ta có thể xin được giấy tờ này bằng cách viết thư hay điện thoại cho giáo xứ nơi chúng ta rửa tội.
Vì hôn nhân là một trong những bước quan trọng nhất trong đời, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần lẫn tâm lý. Phần lớn các giáo xứ có mở những lớp dự bị hôn nhân để giúp chúng ta chuẩn bị cho tiến trình thật quan trọng này.
Phần lớn hôn nhân thường trải qua bốn giai đoạn. Hiểu được những giai đoạn này là yếu tố tiên quyết cho sự thành công hay thất bại trong hôn nhân.
Thứ nhất là giai đoạn thu hút: đây là giai đoạn mà hai người bị thu hút với nhau như “nam châm” và cuộc sống thì tràn đầy thú vị. Sự thu hút này xẩy ra ở bốn mức độ của con người: thể xác, tình cảm, lý trí và tinh thần.
Khó khăn của giai đoạn này là phải giữ cho quân bình bốn mức độ nói trên. Sự nguy hiểm là để cho một mức độ vượt khỏi sự kiểm soát và lấn át những mức độ kia. Nếu hai người vượt qua được khó khăn và thoát khỏi sự nguy hiểm này, sự thu hút giữa hai người sẽ giúp họ đi đến quyết định kết hôn.
Kế đến là giai đoạn kết hợp. Một khi hai người lấy nhau, họ bắt đầu giai đoạn cần thiết là hoà nhập sự sôi nổi của tình yêu vào đời sống thường nhật.
Khó khăn của giai đoạn này là giữ tình yêu lên hàng đầu. Ðừng để nó trở thành một thói quen. Sự nguy hiểm là coi thường tình yêu và đặt nó sau những sự việc khác.
Thứ ba là giai đoạn xung đột. Giai đoạn này bắt đầu khi hai người không vượt qua được khó khăn hoặc rơi vào sự nguy hiểm của giai đọan nói trên. Khi giai đọan này xẩy ra--và không ít thì nhiều trong đời sống hôn nhân-- sự tương giao của hai người bước vào giai đoạn nhậy cảm. Những lỗi lầm và khuyết điểm mà từ trước được bỏ qua, bây giờ trở thành mối xung đột. Người yêu “đáng tôn thờ” trở thành “kẻ thù hay mè nheo”.
Khó khăn của giai đoạn này là lèo lái sự xung đột vào đường hướng xây dựng. Sự nguy hiểm là tránh né hoặc đè nén sự xung đột thay vì cố gắng giải quyết vấn đề. Nếu sự xung đột bị đè nén, cuộc đối thoại giữa hai người trở thành vô hiệu và sự oán giận sẽ ngấm ngầm gia tăng.
Thứ tư là giai đoạn trưởng thành. Giai đoạn này bắt đầu khi hai người đồng ý giải quyết những xung đột trong tinh thần xây dựng và yêu thương. Giai đoạn này có thể trở thành một thời điểm đẹp nhất trong đời sống hôn nhân. Ðể dễ hiểu sự thành công của giai đoạn này, chúng ta hãy nhìn vào “chiều kích đàn hồi” của sự tương giao mật thiết của con người. Ông Andrew Greeney cắt nghĩa như sau:
Ðôi tình nhân trôi giạt ra xa, đó là vì chính họ tự đẩy nhau; nhưng mãnh lực còn lại của tình yêu vẫn đủ mạnh để kéo họ trở lại. Ngượng ngùng, vụng về, lúng túng, họ ngã vào vòng tay nhau, tha thứ cho nhau, và một lần nữa yêu nhau say đắm như tình yêu ban đầu.
Khó khăn của giai đoạn này phải biết tha thứ lỗi lầm của nhau và khám phá lại những cái tốt của nhau. Sự nguy hiểm của giai đoạn này là đầu hàng và để tình yêu chết đi thay vì hồi sinh. Nếu hai người vượt qua được sự khó khăn và nguy hiểm của giai đoạn này, mãnh lực tình yêu còn lại sẽ đưa họ vào một thế giới tình yêu đẹp hơn và thơ mộng hơn tình yêu ban đầu.
Sự dạy dỗ của Chúa Giêsu có thể được tóm gọn trong chữ: tình yêu. Trong tất cả những tình yêu của con người chỉ có một tình yêu được Chúa Giêsu nâng lên hàng bí tích đó là tình yêu vợ chồng.
Ðời sống hôn nhân có hai mục đích chính: kết hợp (lớn lên trong sự yêu thương lẫn nhau và yêu thương Thiên Chúa) và lưu truyền sự sống (cùng với Thiên Chúa tạo dựng sự sống mới). Vì hôn nhân là bước hết sức quan trọng trong đời người, nó phải được chuẩn bị bằng sự tìm hiểu lâu dài, suy nghĩ chín chắn, thành thật đối thoại, và cùng nhau cầu nguyện.
Phần lớn tất cả đời sống hôn nhân trải qua bốn giai đoạn: thu hút, kết hợp, xung đột và trưởng thành.