Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Ba học sinh trung học leo núi Hood ở Oregon được bốn ngày. Ðang khi ở độ cao bốn ngàn bộ, một cơn bão tuyết đã bất ngờ xẩy đến. Không thể tiến lên hoặc lùi xuống, họ phải chui vào một hầm tuyết lớn để chờ cơn bão đi qua.
Một tuần lễ trôi qua, và cơn bão vẫn tiếp tục.
Các học sinh tiêu thì giờ bằng cách đọc Phúc Âm mà một em đã mang theo trong túi. Trong hầm không đủ ánh sáng nên thật khó đọc. Ðó là một quang cảnh lạ thường: một em nằm trên cái túi-ngủ (sleeping-bag) đọc cho hai em khác nghe. Thỉnh thoảng chúng ngưng lại để cầu nguyện, đôi khi cả bọn, đôi khi chỉ một người cầu nguyện trong im lặng.
Khi cơn bão tuyết tiếp tục kéo sang tuần thứ hai, bữa ăn hằng ngày của mỗi em ít dần cho đến khi chỉ còn hai muỗng bột mì.
Bây giờ các em không thể chờ đợi lâu thêm nữa. Các em mất sức khoẻ; mất niềm tin; mất hy vọng.
Sau cùng, vào ngày thứ mười sáu, thời tiết sáng sủa hơn. Các em bò ra khỏi hang và thật khó nhọc mới đứng thẳng người lên được. Chính lúc đó các em thấy nhóm cứu cấp lên đến nơi.
Tình trạng của các học sinh, khi họ chờ đợi và chờ đợi, cho chúng ta cái nhìn về tình trạng của dân Do Thái trước khi Chúa Giêsu giáng sinh. Họ cũng bắt đầu mất hy vọng khi họ chờ đợi và chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Một số người cũng đã mất đức tin khi họ chờ đợi đấng mà các tiên tri đã nói:
Thiên Chúa phán, “Giờ đã đến khi Ta sẽ chọn một miêu duệ công chính của David... như một vị vua. Người sẽ được gọi là 'Thiên Chúa Giải Thoát Chúng Tôi'”
Giêrêmia 23:5-6
Chính trong khung cảnh này chúng ta bắt đầu đọc Tân Ước theo Phúc Âm Thánh Mát-thêu. Thánh Mát-thêu đã hết sức cẩn thận ghi lại sự giáng sinh của Chúa Giêsu để chúng ta thấy chính Chúa Giêsu là người đã được nói đến trong những lời tiên tri của Cựu Ước. Thánh Mát-thêu bắt đầu câu truyện bằng đoạn sau đây:
Ðức Giêsu Kitô giáng sinh như sau:
Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi hai ông bà chung sống, thì bà đã có thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.
Mát-thêu 1:18
Thánh Mát-thêu sau đó tiếp tục cho chúng ta biết sự thụ thai lạ thường của Ðức Maria đã làm cho Thánh Giuse thật bối rối. Nhưng một thiên thần đã hiện đến với ông trong giấc mơ và nói:
”Hỡi Giuse, dòng dõi vua Ðavít, chớ ngại đón Maria về làm vợ. Vì bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông sẽ đặt tên con là Giêsu--vì Người sẽ cứu dân của Người khỏi tội lỗi.”
Mát-thêu 1:20-21
Và Thánh Mát-thêu kết luận rằng:
Mọi việc đã xẩy ra đúng như lời tiên tri rằng, “Một Trinh Nữ đã thụ thai và sinh con trai, và được đặt tên là Em-ma-nu-en, (nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta)”
Mát-thêu 1:23
Sau đó Thánh Mát-thêu kể cho ta một câu truyện liên quan đến sự giáng trần của Ðức Giêsu. Ông thuật lại việc Ba Nhà Thông Thái từ “phương Ðông” đến Giêrusalem, tìm kiếm “một hài nhi sẽ là vua dân Do Thái” (Mát-thêu 2:2). Khi họ tìm thấy hài nhi Giêsu, họ dâng Người những lễ vật, gồm có vàng, nhũ hương và mộc dược (Mát-thêu 2:11).
Người Kitô hữu thường coi lễ vật này là những biểu tượng của Chúa Giêsu. Vàng là “vua của kim loại,” vì thế nó biểu hiệu cho vương vị của Chúa Giêsu. Nhũ hương thường được dùng trong các cuộc tế lễ của các tôn giáo, vì thế nó biểu hiệu cho thần tính của Chúa Giêsu. Và sau cùng, mộc dược được dùng để liệm xác người chết, vì thế nó biểu hiệu cho nhân tính của Chúa Giêsu. Bàn về câu truyện Ba Nhà Thông Thái và những biểu tượng của lễ vật, một nhà văn đã viết:
Ba nhà thông thái kinh ngạc chăm chú nhìn:
trời trong đất, đất trong trời, người trong Chúa, Chúa trong người...
Họ nhìn, tin ngay và không thắc mắc gì, vì những của dâng là bằng chứng:
Vàng cho vua, nhũ hương cho Chúa và mộc dược cho người chết.
Peter Chrystologus
Câu truyện Chúa Giêsu giáng sinh của Thánh Mát-thêu là phần dẫn nhập cho cuốn kinh thánh của người. Nó dọn đường để người giới thiệu Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế mà những lời tiên tri trong Cựu Ước đã nhắc đến.
Thánh Mát-thêu bắt đầu chứng minh Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế bằng một câu truyện xẩy ra bên bờ sông Jordan.
Một ngày nọ, một người thánh thiện tên là Gioan đến từ vùng sa mạc và bắt đầu rao giảng cho dân chúng. “Anh em hãy thống hối vì nước trời đã gần!” (Mát-thêu 3:2)
Dân chúng đến với ông từ Giêrusalem, từ toàn vùng Giu-đê, và các miền phụ cận sông Jordan. Họ thú tội mình và được ông làm phép rửa trong sông Jordan.
Mát-thêu 3: 5-6
Chúng ta có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên của ông Gioan khi, bỗng dưng, thấy Ðức Giêsu đi đến bờ sông để được chịu phép rửa. Ông nói với Ðức Giêsu:
”Thầy rửa cho tôi mới phải...”
Nhưng Ðức Giêsu trả lời: “Bây giờ hãy thi hành như thế đã, có như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính.”
Mát-thêu 3:14-15
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, một sự kỳ lạ đã xẩy ra.
Trong khi Người cầu nguyện, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người, như hình chim bồ câu. Và có tiếng tự trời phát ra,
”Người là Con rất yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người”
Luca 3:21-22
Có ba hình ảnh đáng được chú ý trong sự diễn tả này:
các tầng trời mở ra
một hình như chim bồ câu ngự trên Người,
tiếng tự trời xác định Chúa Giêsu.
Ðể hiểu những hình ảnh này, chúng ta cần xem xét chúng trong khung cảnh của thời đó.
Ðể hiểu hình ảnh này, chúng ta cần biết quan niệm của người Do Thái xưa về vũ trụ. Họ coi vũ trụ được chia làm ba tầng chồng lên nhau:
Thế giới của Thiên Chúa (tầng trên cùng)
Thế giới của loài người (tầng ở giữa)
Thế giới của người chết (tầng chót)
Sau khi hai ông bà tổ tiên phạm tội, tội lỗi đã xâm chiếm thế giới sự sống. Những người thánh thiện cầu xin Thiên Chúa từ thế giới của Người đến dẹp tan tội lỗi.
Chính tiên tri Isaiah cầu nguyện với Chúa rằng: “Sao Người không xé bầu trời và ngự đến?” (Isaiah 64:1). Và thánh vịnh cũng viết: “Lạy Chúa, hay xé mở bầu trời và ngự xuống.” (TV 144:5).
Chính trong khung cảnh này chúng ta mới hiểu được hình ảnh các tầng trời mở ra. Nó có nghĩa Thiên Chúa đã nghe lời kêu xin của dân Do Thái và bước vào thế giới của họ (qua Chúa Giêsu) để diệt trừ các tội lỗi.
Vì thế các tầng trời mở ra tượng trưng một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Một lần nữa khung cảnh thì quan trọng. Chúng ta phải hiểu chim bồ câu trong khung cảnh của Sáng Thế Ký. Trong sách này, các tác giả thuật lại việc thánh linh hay “quyền lực của Thiên Chúa... đang di chuyển trên mặt nước” trong buổi ban đầu tạo dựng vũ trụ (Sáng Thế 1:2). Những giáo trưởng thời đó so sánh “quyền lực của Thiên Chúa... di chuyển trên mặt nước” với chim bồ câu lượn trên đàn con của nó.
Trong khung cảnh này chúng ta có thể giải thích hình chim bồ câu trên Ðức Giêsu tượng trưng như một sự tạo dựng mới (”tái-tạo dựng”) đang xẩy ra. Những gì mà tiên tri Isaiah tiên đoán đã thành sự thật:
Chúa phán, “Ta đang tạo dựng một thế giới mới...
Hãy vui mừng và hoan hỉ trong những gì Ta sáng tạo.”
Isaiah 65: 17-18
Hình ảnh sau cùng: tiếng từ trời nói về Ðức Giêu: “Con là Con yêu dấu của Ta.”
Cũng thế, ở đây khung cảnh thì quan trọng. Trong câu truyện sáng tạo Sáng Thế Ký thuật lại việc Chúa dựng nên ông A-Dong là người đầu tiên của gia đình nhân loại. Ông là con đầu lòng của Thiên Chúa. Với sự hiểu biết này chúng ta giải thích hình ảnh sau cùng.
Trong ý nghĩa này Ðức Giêsu được trình bầy như một A-Dong mới. Người là đứa con đầu lòng của Thiên Chúa trong sự “tạo dựng mới.” Khi so sánh giữa A-Dong đầu tiên và A-Dong sau cùng (Ðức Giêsu), Thánh Phao-lô nói:
”Người đầu tiên, A-Dong được dựng nên là sinh vật.”
Nhưng A-dong sau cùng (Ðức Giêsu) là Thần Linh phát sinh sự sống...
Người đầu tiên bởi đất mà ra thì thuộc về đất; người thứ hai đến từ trời....
Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất thế nào,
thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của Người đến từ trời như vậy.
1 Cô-rin-tô 15: 45,47,49
Ðể tóm lược, ba biến cố xẩy ra sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tượng trưng cho những điều sau đây:
tầng trời mở ra: một thời đại mới bắt đầu
hình bồ câu: một sự sáng tạo mới bắt đầu
tiếng tự trời: một A-dong mới đã sinh ra
Và giây phút chờ mong này đã đến. Công cuộc “tái-tạo dựng” thế giới của Thiên Chúa đã bắt đầu. Ðấng Cứu Thế đã đến để khai mạc cho vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa.
Ngay sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu bắt đầu khai mở Nước Trời trên trần gian. Một trong những nét đặc sắc trong việc rao truyền Nước Trời là những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm.
Những tác giả Tân Ước đã dùng ba chữ khác nhau khi nói về phép lạ: teras, dynamis, semeion. Mỗi chữ Hy-Lạp này (sách Tân Ước nguyên thủy được viết bằng tiếng Hy-lạp) giúp chúng ta thấy được nhiều khía cạnh của phép lạ.
Teras có nghĩa là “kỳ diệu.” Phép lạ là một điều gì ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Nó khiến chúng ta sửng sốt và kinh ngạc. Và chúng ta không thể cắt nghĩa bằng sự hiểu biết thông thường.
Dynamis có nghĩa là “quyền lực.” Phép lạ là cái gì đó đầy sức mạnh và có công lực phát ra. Nó có thể làm cho người điếc nghe được.
Semeion có nghĩa là “dấu chỉ.” Phép lạ tương tự như cái đèn báo. Ðiều quan trọng không phải là cái đèn mà là điều nó biểu thị. Tương tự như vậy, những phép lạ của Chúa Giêsu tự nó không quan trọng, nhưng những gì phép lạ biểu thị mới quan trọng.
Thánh Gioan rất thích dùng chữ semeion khi nói về phép lạ của Chúa Giêsu. Người dùng chữ này vì nó cho ta thấy hai điểm quan trọng về phép lạ. Nó là những dấu chỉ cho ta thấy:
Ðức Giêsu chính là Ðấng Cứu Thế, và
Ðức Giêsu khai mở Nước Trời.
Ðể hiểu làm thế nào mà những phép lạ của Ðức Giêsu chỉ về Ðấng Cứu Thế, chúng ta cần phải để ý đến dữ kiện mà trong đó phép lạ xẩy ra.
Tiên tri Isaiah đã nói trước rằng sẽ có những dấu chỉ xẩy ra để mọi người nhận biết được sự ngự đến của Ðấng Cứu Thế.
Những người mù sẽ được thấy và người điếc sẽ được nghe.
Người què sẽ nhẩy mừng, và những người câm sẽ ca vang trong hạnh phúc.
Isaiah 35: 5-6
Một ngày nọ có vài người hỏi Chúa Giêsu rằng, “Ông có phải là Ðấng mà Gioan đã nói đến, hay chúng tôi còn phải đợi một người khác?,” Chúa Giêsu trả lời:
”Kẻ mù xem thấy, người què được đi, người cùi được khỏi, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại.”
Luca 7:19, 22
Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu nói cho họ biết rằng những dấu chỉ mà tiên tri Isaiah đã nói trước thì đang xẩy ra. Nói cách khác, Chúa Giêsu đang cho những người này biết, “Chính Ta là Ðấng mà Thiên Chúa hứa gửi đến.”
Một lần nữa, để hiểu tại sao những phép lạ của Chúa Giêsu cho thấy sự ngự đến của Nước Trời, chúng ta cần nhớ lại những gì đã xẩy ra trong lịch sử loài người.
Tội đầu tiên của hai ông bà A-dong và E-và đã mở cửa cho những tội lỗi khác tràn ngập trên thế giới. Loài người đã sa vào ảnh hưởng của tội lỗi. “Vương quốc Satan” đã bao trùm trái đất.
Chính trong khung cảnh lịch sử này Kinh Thánh thuật lại uy quyền và thần lực của Chúa Giêsu trên ma quỷ. Thí dụ, một ngày nọ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ ở Capernaum.
Bấy giờ trong hội đường, có một người bị tà thần ám, kêu la rằng:
”Hỡi ông Giêsu Na-gia-rét, chúng tôi có liên hệ gì với ông? Ông đến để hủy diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi, ông là đấng thánh của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu nghiêm khắc quở trách: “Hãy im đi và ra khỏi người này.”
Quỷ vật ngã người ấy xuống đất giữa hội đường, đoạn xuất ra mà không làm hại gì người này.
Dân chúng đều sửng sốt...
Bởi đó danh tiếng Chúa Giêsu đồn ra khắp khu vực ấy.
Luca 4:33-37
Qua hành động này, Chúa Giêsu cho thấy rõ ràng quyền lực của Satan trong thế giới này đang bị tiêu diệt. “Vương quốc Satan” đã giam cầm loài người bao nhiêu thế kỷ, nay đã được thay đổi bằng “Vương quốc Thiên Chúa” (Luca 11:20).
Chúa Giêsu đã so sánh Nước Trời như một hạt giống gieo dưới đất. Sau khi được gieo, nó cần thời gian để mọc lên và sinh hoa trái (Mt 4: 26-29). Nước Trời đã được “gieo” xuống đất, nhưng cũng cần thời gian để phát triển và sinh hoa trái. Và vương quốc Satan sẽ không bị dẹp tan ngay tức khắc, và trước khi bị tiêu diệt nó sẽ chiến đấu đến cùng.
Như thế những phép lạ trong Phúc Âm là những dấu chỉ rằng-
Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế, và
Ðức Giêsu khai mở Nước Trời.
Một thông tín viên của hãng Associate Press có thể diễn tả cái chết của Chúa Giêsu vào ngày thứ Sáu tuần thánh như sau:
Tin Giê-ru-sa-lem (AP)- Hôm nay, Giêsu người Na-gia-rét đã bị tử hình ở ngoại ô thành phố cổ kính này. Ông ta chết vào khoảng 3 giờ chiều. Thình lình một cơn mưa bão đổ xuống đã làm đám người đứng xem phải giải tán, và đánh dấu đoạn kết của một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng nhiều sóng gió của nhà thuyết giáo đến từ đồng quê Ga-li-lê. Xác ông đã được mai táng ngay sau đó. Mộ ông đã được canh giữ chặt chẽ để ngăn ngừa những chuyện không hay có thể xẩy đến. Ông chết đi để lại một bà mẹ.
Những biến cố xẩy ra thứ Sáu hôm đó đã làm các môn đệ của Ðức Giêsu xúc động mãnh liệt. Ðức tin của họ đã bị rúng động đến tận gốc. Những phép lạ mà Ðức Giêsu làm không phải là những dấu chỉ Người là Ðấng Cứu Thế hay sao? Không lẽ những dấu chỉ cho ta biết Người là người đến để khai mạc Nước Trời trên trần gian này lại sai sao? Nếu vậy, ai có thể cắt nghĩa được những sự việc xẩy ra vào hôm thứ Sáu đó? Ðột nhiên, tất cả mọi hy vọng và mơ ước đều như bị chôn theo Ðức Giêsu.
Nhưng khi ngày Chúa Nhật Phục Sinh đến.
Vào ngày Chúa Nhật sau thứ Sáu Tốt Lành (Thứ Sáu Tuần Thánh) có một vài bà đi thăm mộ. Họ đã không ngờ những gì họ thấy: một ngôi mộ trống! Ðang khi họ sững sờ đứng đó: hai người đàn ông mặc áo trắng xuất hiện và nói:
Sao các bà tìm người sống nơi chỗ chết?
Người không còn ở đây, Người đã sống lại rồi.
Luca 24:5-6
Những bà này thật bối rối và không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Vì thế họ chạy về báo cho các tông đồ biết những gì họ đã thấy và đã nghe.
Ông Phê-rô chạy vội ra mồ, ông cúi mình để nhìn, nhưng ông chỉ thấy những khăn liệm, ông ra về, rất bỡ ngỡ về việc đã xẩy ra.
Luca 24:12
Ðức Giêsu đã sống lại! Người đã làm một việc mà từ trước đến giờ chưa ai có thể làm được. Người đã sống lại từ cõi chết.
Chữ sống lại không có nghĩa là trở lại cuộc sống giống như trước khi chết, như những câu truyện của ông La-gia-rô, của người goá phụ vùng Na-in, hay của con gái ông Giai-rút. Nó không có nghĩa cải tử hoàn sinh. Nhưng nó còn trăm vạn lần hơn thế nữa.
Chữ sống lại nói lên một bước nhẩy vọt vào một đời sống hoàn toàn mới lạ. Nó là một cảm nghiệm mà chưa một người nào trên thế gian này được trải qua. Nói một cách khác, thân xác của Ðức Giêsu phục sinh trong ngày Chúa Nhật hoàn toàn khác với cái xác đã chôn vào ngày thứ Sáu Tốt Lành.
Thánh Phao-lô so sánh thân xác được “vùi” trong mộ với hạt giống vùi trong đất.
Thân thể khi chôn thì hư nát; khi sống lại thì sẽ bất tử.
Khi chôn, nó xấu xa và yếu đuối, khi sống lại, nó đẹp đẽ và khoẻ mạnh.
Khi chôn, nó là xác thể, khi sống lại, nó là một thân thể có thần khí.
1 Cô-rin-tô 15: 42-44
Sự sống lại đã đem cho Ðức Giêsu một sự liên hệ hoàn toàn mới mẻ với những người theo Người. Kết quả là, bây giờ Người có thể gửi Thánh Thần xuống trên họ, như Người đã hứa (Gioan 14:16-17).
Sau khi Thánh Thần xuống trên các môn đệ của Ðức Giêsu, họ đã tiến bước để loan truyền tin mừng của Chúa Giêsu cho toàn thế giới.
”Ðức Giêsu người Nagiarét là một con người mà quyền năng Thiên Chúa được chứng tỏ rõ ràng... bởi những phép lạ và những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thể hiện qua Người...
”Người đã được đưa lên bên hữu Thiên Chúa, Cha của Người, và đã nhận Thánh Thần từ Chúa Cha như Người đã hứa.
Ðiều mà anh em đang thấy và đang nghe là những ơn huệ mà Người đang đổ xuống chúng ta...
”Mỗi người trong anh em phải từ bỏ tội lỗi và được rửa tội trong danh Chúa Giêsu Kitô, như thế tội anh em sẽ được tha; và anh em sẽ được nhận ơn huệ của Thiên Chúa, là Thánh Thần.”
Công Vụ 2:22, 33, 38
Hai mươi bẩy cuốn sách trong Tân Ước đã bắt nguồn từ Cựu Ước và đã hoàn tất bộ Kinh Thánh.
Phép rửa của Đức Giêsu cũng như các dạy dỗ và phép lạ đã xác định Người là Ðấng Cứu Thế như đã hứa, Người đến để khai mạc vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa trên trần gian.
Vì sự chết và sự sống lại của Người, Chúa Giêsu bắt đầu mối liên hệ mới với những kẻ theo Người. Người hứa ban Chúa Thánh Thần cho những ai theo Người. Sự ngự đến của Chúa Thánh Thần đã giúp cho các môn đệ của Chúa Giêsu hoàn tất công việc xây dựng Nước Trời trên trần gian (tái tạo một thế giới mới).