Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Cuốn phim Laura nói về cái chết bí ẩn của một cô gái trẻ ngay trong căn phòng của cô. Nhà thám tử tên Mark đã được chỉ định để điều tra về cái chết bí ẩn này. Mark bỏ nhiều thì giờ trong căn phòng của Laura tìm kiếm những dấu vết. Anh ta phủi bụi tìm dấu tay, lục soát tất cả những đồ dùng của cô Laura, và anh đọc cả nhật ký của cô. Nói tóm lại, không còn một vật gì trong căn phòng nhỏ mà anh chưa đụng đến.
Sau một thời gian ngắn, một sự việc kỳ lạ bắt đầu xẩy đến cho anh. Khi Mark càng biết nhiều về cô Laura thì anh càng cảm thấy mến cô. Anh ao ước cô ta còn sống để có dịp gặp người con gái này.
Một đêm nọ. Mark đang ngồi trong phòng của Laura trầm tư suy nghĩ về người con gái ấy. Bên ngọn đèn nhỏ, anh thấy thật mệt mỏi. Và anh ngủ thiếp đi.
Bỗng nhiên, một tiếng động mạnh đánh thức anh dậy. Mark mở mắt thật to, và trước ngưỡng cửa là một cô gái thật xinh. Mark không thể tin vào mắt mình. Người đó chính là Laura!
Và câu truyện kỳ lạ được từ từ bật mí. Laura về quê nghỉ mát vào cuối tuần. Trong thời gian này, cô ta không đọc báo, không nghe radio. Vì thế cô không biết gì về cái tin cô đã chết. Theo lời Laura kể lại thì lúc ấy Mark mới biết rằng cô gái bị giết trong phòng này chỉ là một người quen đến tạm trú trong vài ngày. Cuốn phim kết thúc thế nào? Chắc ai cũng đoán được. Laura và Mark bắt đầu quen nhau và yêu nhau. Sau đó họ lập gia đình và chung sống hạnh phúc cho đến ngày răng long tóc bạc.
Khi bàn về cuốn phim này, một giáo sư thần học đã nói “Laura là một câu chuyện ngụ ngôn về Thiên Chúa, về chúng ta, và về chương trình của Người dành cho chúng ta.” Giả như lời giáo sư này đúng, chúng ta sẽ tự hỏi rằng, Làm thế nào được?
Giống như Mark, chúng ta đang ở trong một căn phòng (căn phòng của Thiên Chúa là vũ trụ này). Cũng như Mark, chúng ta có bộ óc sáng suốt để biết về Laura qua căn phòng nhỏ của cô. Và cũng như Mark thấy cảm mến Laura, thì chúng ta cũng có thể cảm mến Thiên Chúa qua căn phòng của Người. Sau cùng Mark đã yêu Laura và sống hạnh phúc với nàng. Chính Chúa cũng muốn chuyện tình của Người và chúng ta kết thúc như vậy.
Nhưng vũ trụ này chỉ có thể cho ta một nhận biết nhỏ về Thiên Chúa. Nó chỉ có thể cho ta một cái nhìn đơn sơ về Thiên Chúa. Nó không thể vẽ cho ta thấy một cách chính xác hình ảnh của Thiên Chúa. Tiến sĩ Mortimer Adler, một triết gia thời nay, đã đưa ra điểm này trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Bill Moyers. Ông nói:
Nếu sự suy luận có thể giúp tôi biết tất cả về Thiên Chúa,
thì Người không phải tỏ mình ra...
Sự suy luận không thể là một cái cầu nối giữa một Thượng Ðế tối cao vô cùng... với một con người công chính, nhân từ, và yêu thương...
Cái khoảng cách này phải được nối bằng chính Thiên Chúa. Và Người đã tỏ mình ra qua Kinh Thánh.
Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta cần phải nhớ là những sách này được viết ra cho những người thời xưa với cuộc sống rất đơn sơ và gần với thiên nhiên. Vì thế, sự mặc khải của Thiên Chúa được tỏ ra qua những hình ảnh thật đơn sơ, thường rút ra từ thiên nhiên. Chúng ta hãy đọc một vài đoạn sau đây:
Những ví dụ trên đây là một vài hình ảnh mà Kinh Thánh dùng để “phác hoạ chân dung” của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn hai hình ảnh: Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo và Thiên Chúa là người Cha.
Bốn ngày trước Giáng Sinh 1968, phi thuyền Apollo 8 được phóng đi từ Mũi Kennedy. Trên đó có những phi hành gia Frank Borman, Bill Anders, và Jim Lovell.
Ba ngày sau, vào Ðêm Giáng Sinh, Apollo 8 mất mọi liên lạc với dưới đất khi nó ẩn khuất sau mặt trăng. Hàng triệu người dán mắt vào máy truyền hình, chờ đợi và cầu nguyện cho phi thuyền được an toàn.
Và giây phút huy hoàng đã đến. Khi phi thuyền bay quanh mặt trăng và xuất hiện trở lại, các phi hành gia đã thay phiên nhau đọc câu truyện tạo dựng trong Sáng Thế Ký.
Câu chuyện của phi thuyền Apollo 8 và việc đọc truyện tạo dựng trong Kinh Thánh là một dẫn nhập thật hay về “Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo.”
Trong Kinh Thánh chúng ta thấy Chúa có một kế hoạch trong chương trình sáng tạo trái đất của Người. Mọi sự đã được an bài cách tốt lành và thứ tự. Cao điểm trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa là lúc Người dựng nên con người đầu tiên. Kinh Thánh thuật lại như sau:
Và Thiên Chúa lấy một nắm bùn từ dưới đất và nắn thành hình người;
Người thổi hơi thở sự sống vào mũi của người này và ông ta bắt đầu có sự sống...
Sau đó Thiên Chúa khiến người đàn ông chìm vào một giấc ngủ thật say, và trong khi ông ngủ, Người lấy một xương sườn của ông và lấp thịt vào. Từ xương sườn này Người nặn ra người đàn bà.
Sáng Thế 2: 7,21-22
Việc sáng tạo loài người của Thiên Chúa cho thấy sự gần gũi mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người. Nó cho thấy Thiên Chúa đã chia sẻ cho ta một phần của Người: cái “hơi thở của sự sống.”
Ðể có thể hiểu rõ được tư tưởng táo bạo này, chúng ta hãy nhớ là câu truyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký được viết vào thời mà tất cả các tôn giáo khác đang nhấn mạnh về sự cách biệt giữa thượng đế của họ và con người. Ngược lại, những người viết sách Sáng Thế đã phác họa một Thiên Chúa gần gũi với loài người như là một người mẹ kế cận bên con mình. Ðiều này giải thích tại sao Thiên Chúa đã nói qua tiên tri Isaiah rằng:
”Có người mẹ nào có thể quên con mình và không thương đứa con mình đã sinh ra?
Cho dù người mẹ có thể quên con mình, Ta sẽ không bao giờ bỏ ngươi...
Ta đã viết tên ngươi trên bàn tay của Ta.”
Isaiah 49:15-16
Nói tóm lại, hình ảnh Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo cho ta thấy Người là Ðấng tạo dựng muôn loài. Sự tạo dựng có thể so sánh như phim ảnh trên màn xi-nê, và Thiên Chúa có thể sánh như máy chiếu phim. Cũng như hình ảnh sẽ không hiện diện nếu không có máy chiếu, thì sự tạo dựng sẽ không hiện hữu nếu không có Thiên Chúa.
Thiên Chúa không chỉ tạo nên mọi sự. Thiên Chúa còn duy trì mọi sự hiện hữu. Không có Thiên Chúa, tạo vật sẽ không thể hiện hữu được. Nói cách khác, tạo vật lệ thuộc vào Thiên Chúa để hiện hữu.
Hãy lấy thí dụ những hình ảnh trên màn ảnh xi-nê. Máy chiếu phim không những làm cho hình ảnh xuất hiện mà còn giữ cho những hình ảnh ấy hiện diện. Nếu máy chiếu phim tắt ánh sáng đi, các hình ảnh sẽ không còn. Chúng sẽ tan loãng vào hư không.
Sự tạo dựng cũng giống vậy. Nếu Thiên Chúa không duy trì mọi sự hiện hữu, tất cả sẽ tan vào hư không.
Ngoài việc sáng tạo và duy trì, Thiên Chúa còn hiện diện trong những gì Người dựng nên, nhất là con người, vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh của Người. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện trong thế gian qua những gì Người tạo nên.
Sự hiện diện của Thiên Chúa qua những gì Người sáng tạo đưa ta đến một điểm quan trọng. Thiên Chúa ngự trị trong thế gian qua nhiều hình thức và nhiều cấp độ:
qua tạo vật, vì Người đã dựng nên
qua Kinh Thánh, vì Người đã mặc khải
qua Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở nên loài người như chúng ta.
Một thí dụ có thể giúp thấy sự liên hệ này rõ ràng hơn. Một đứa bé có thể hiện diện với người mẹ qua nhiều cách và nhiều mức độ:
qua tấm tranh riêng tặng cho mẹ;
qua những lá thư gửi cho mẹ;
qua con người, ngồi bên cạnh mẹ.
Sự hiện diện của đứa con qua tấm tranh phù hợp với sự hiện diện của Thiên Chúa qua tạo vật của Người. Sự hiện diện của đứa con qua lá thư gửi mẹ phù hợp với sự hiện diện của Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Và sự hiện diện của đứa con bên cạnh mẹ phù hợp với sự hiện diện của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.
Qua những cách mà Thiên Chúa hiện diện trong thế gian, một người đã viết trong thánh vịnh:
Ði đâu tôi có thể trốn được Người?
Trốn đâu tôi có thể tránh xa sự hiện diện của Người?
Nếu tôi lên trời, Người đã ở đó...
Nếu tôi bay qua phương đông hoặc sống ở miền viễn tây xa xôi,
Người đã ở đó để dẫn dắt tôi, Người đã ở đó để giúp đỡ tôi.
Thánh Vịnh 139: 7-10
Mười mấy năm về trước, lúc Lois Olson mới mười tuổi cô bị mắc bệnh bại liệt. Cả nửa người bị băng bột cứng ngắc. Một đêm nọ, cơn bão bất thình lình thổi tới. Căn phòng cô nằm bị rung chuyển như muốn sập. Nằm trên giường Lois cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Chính lúc đó cha cô xuất hiện ở ngưỡng cửa và bế cô chạy xuống nhà dưới.
Khi ông vật lộn với sức nặng của thân thể băng bột của cô, Lois có thể thấy được những giọt mồ hôi trên vầng trán và những đường gân nổi lên hai bên thái dương.
Thiên Chúa giống như vậy, Người là một người cha luôn săn sóc và lo lắng cho con cái. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này hơn 177 lần trong Kinh Thánh để diễn tả Thiên Chúa. Thật vậy, lời nói đầu tiên và cuối cùng của Chúa Giêsu được ghi lại trong Kinh Thánh là lời gọi Thiên Chúa như một người cha. Lúc Chúa Giêsu 12 tuổi, Người đã nói với bố mẹ nuôi rằng, “Thầy mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao?” (Luca 2:49). Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói, “Lậy Cha! Con phó linh hồn con trong tay Cha!” (Luca 23:46).
Chúa Giêsu còn gọi Thiên Chúa là “Abba.” Những trẻ em người Palestine vẫn còn dùng chữ này để gọi cha của chúng. Nếu dịch một cách trung thực chữ này có nghĩa là “Bố hay Ba.” Như thế Chúa Giêsu đã dậy chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa như một đứa bé tin tưởng vào cha mẹ mình. Nhưng tình yêu Thiên Chúa không bị giới hạn như tình yêu của cha mẹ loài người. Thiên Chúa là tất cả yêu thương. Peter van Breeman cắt nghĩa sự khác biệt giữa tình yêu của Thiên Chúa và cha mẹ loài người như sau:
Tình yêu của chúng ta bị phân chia.
Chúng ta rất thích một người nào (90%)
hay chỉ thích vừa thôi (50%)
hay là thích rất ít (20%)
Thiên Chúa không đo lường tình yêu.
Thiên Chúa chỉ có thể yêu một cách trọn vẹn (100%).
Nếu chúng ta nghĩ Thiên Chúa có thể chia tình yêu của Người,
tức là chúng ta không thực sự nghĩ về Thiên Chúa,
nhưng chúng ta đang nghĩ về chính chúng ta...
Chúng ta có tình yêu, nhưng Thiên Chúa là tình yêu.
As Bread That Is Broken
Ðiểm chính được nêu lên ở đây là: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu không bờ bến. Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn gấp trăm vạn lần tình yêu của cha mẹ dành cho chúng ta. Và Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta hơn cả chính chúng ta yêu chúng ta nữa.
Tóm lại, riêng lý lẽ không thể cho ta biết “chân dung” thật sự của Thiên Chúa. Chỉ có Kinh Thánh mới có thể diễn tả được chân dung này. Kinh Thánh dùng nhiều hình thức khác nhau để vẽ “chân dung” của Thiên Chúa. Một trong những hình ảnh này là Ðấng Sáng Tạo và Người Cha.
Hình ảnh Thiên Chúa như Ðấng Sáng Tạo cho thấy chính Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, duy trì sự tạo dựng, và hiện diện trong thế giới qua sự tạo dựng.
Hình ảnh của Người Cha cho thấy Thiên Chúa thương yêu chúng ta như cha mẹ yêu con mình và còn hơn thế nữa.