Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Trong quyển Winning by Letting Go, Elizabeth Brenner diễn tả cách bắt khỉ của những nông dân vùng quê Ấn Ðộ.
Ðầu tiên họ khoét lỗ của một cái hộp. Rồi họ cho những hạt đậu thơm vào trong đó. Cái lỗ chỉ lớn đủ để con khỉ thò tay vào. Nhưng khi nó nắm hạt đậu, nắm tay nó rộng ra nên không rút tay ra được. Như thế con khỉ có hai lựa chọn: bỏ hạt đậu và chạy thoát, hay giữ hạt đậu và bị bắt.
Vì khỉ quá tham hạt đậu nên nó quyết định chậm chạp. Trong thời gian đó, nông dân kịp chạy ra tóm cổ nó.
Thật khó để quyết định. Nhất là khi quyết định có tính cách luân lý: quyết định xem điều gì phải, trái, hay tốt hơn để thi hành trong những trường hợp nào đó.
Hãy nhớ lại những lúc bạn không chắc điều gì đúng, hay sai, hay tốt hơn để thi hành trong vài trường hợp nào đó. Làm sao bạn có được quyết định về những vấn đề này?
Một cậu bé mười lăm tuổi và người cha đang lái xe trên đường ngang qua cái phi trường tí xíu trong một thị trấn nhỏ ở Ohio. Bỗng nhiên một chiếc máy bay đang bay ở độ thấp bị mất kiểm soát và đâm đầu xuống phi đạo.
Cậu bé kêu lên, “Bố! Bố! Ngừng xe lại!” Một lát sau cậu bé lôi người phi công ra khỏi máy bay. Ðó là người bạn của cậu. Hắn đang học cất cánh và đáp máy bay. Người này đã chết trong tay cậu bé.
Tối hôm đó cậu quá xúc động đến nỗi không ăn được cơm. Cậu lên phòng và nằm vật xuống giường. Cậu đang làm việc bán thời gian trong một tiệm thuốc. Cậu dùng tiền kiếm được để học lái máy bay. Mục đích của cậu là có được bằng lái máy bay khi lên mười sáu tuổi.
Cha mẹ cậu tự hỏi thảm kịch đó có ảnh hưởng gì đến việc tiếp tục học lái máy bay của cậu không. Ông bà bàn thảo với cậu và để cho cậu tự quyết định.
Hai ngày sau mẹ cậu trông thấy quyển nhật ký trong phòng cậu. Trên đầu trang là hàng chữ lớn “Ðặc tính của Chúa Giêsu.” Bên dưới liệt kê những đức tính:
Chúa Giêsu khiêm tốn,
Người bảo vệ người nghèo,
Người không ích kỷ,
Người gần Thiên Chúa.
Bà mẹ hiểu rằng con bà đã tìm đến Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện để được hướng dẫn khi quyết định.
Lát sau, bà hỏi con, “Con quyết định thế nào?” Cậu nhìn thẳng vào mắt mẹ và nói, “Với sự giúp đỡ của Chúa, con phải tiếp tục học bay.”
Cậu bé đó là Neil Armstrong. Và vào ngày 20 tháng Bẩy, 1969, ông là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Hàng triệu người thấy ông trên truyền hình mà không biết rằng Chúa Giêsu là động lực chính khiến ông có thể đi trên mặt trăng. Họ không biết rằng chính từ Chúa Giêsu mà ông có được sức mạnh và sự hướng dẫn để quyết định khi còn niên thiếu mà trách nhiệm đó đã đưa đến những gì ông đang làm bây giờ.
Câu truyện của Neil Armstrong cho thấy một điểm quan trọng: không phải tất cả những việc làm phù hợp luân lý thì dễ quyết định. Nói cách khác, có những lần chúng ta không biết phải làm gì. Khi có những khó khăn phải quyết định, chúng ta nên bắt chước ông Neil Armstrong. Chúng ta phải:
đắn đo suy nghĩ trong ánh sáng của Lời Chúa,
hỏi ý kiến của những người liên hệ,
cầu xin sự hướng dẫn.
Ba công việc trên phải được thi hành trước mỗi quyết định luân lý khó khăn.
Tổng quát, có ba loại quyết định luân lý khó khăn có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ bình dân sau đây:
những quyết định hiển nhiên,
những quyết định mù mờ,
những quyết định trái ngược.
Cuốn phim A Man for All Seasons được dựa trên cuộc đời của Thánh Thomas More. Lúc sinh thời, Thomas More được biết đến khi Vua Henry VIII chỉ định người làm quan Chưởng Ấn của Anh quốc vào năm 1529. Nhưng chẳng bao lâu thảm kịch đã đến với người.
Vua Henry ly dị hoàng hậu và tái hôn. Ðể cưỡng lại mọi chống đối từ phía tôn giáo cũng như dân sự về việc tái hôn, vua Henry ra lệnh cho các quan trong triều ký vào một văn kiện, thề rằng hôn nhân của vua với hoàng hậu bất thành và phải bị hủy bỏ. Vua Henry loan tin rằng nếu họ từ chối, họ sẽ bị coi là phản bội.
Thảm cảnh xẩy ra khi Quận chúa Norfolk đưa văn kiện cho Thomas More ký kết. Người từ chối. Norfolk kêu gọi người hãy suy nghĩ lại vì tình yêu gia đình và tình bằng hữu.
Nhưng người biết rằng một tình yêu quan trọng hơn có thể bị mất: đó là tình yêu Thiên Chúa của mình. Người không thể lấy danh nghĩa Thiên Chúa để thề những điều người biết là gian dối.
Không bao lâu, Thomas bị bắt. Sau khi bị cầm tù mười lăm tháng tại Tháp Luân Ðôn, người bị hành quyết vì tội phản bội.
Quyết định mà Thánh Thomas More phải đương đầu thì thật hiển nhiên và thật khó khăn đối với người. Người biết Chúa Giêsu dạy gì về vấn đề này. Người đã bàn thảo với gia đình và người đã cầu nguyện.
Ðiều cần thiết nhất là sự can đảm để thi hành những gì mà lương tâm buộc phải làm. Sự cầu nguyện đã giúp người có được sự can đảm này, và được nói rõ trong thư gửi cô con gái, tên Meg. Nói về hậu quả của sự sợ hãi, ngài viết:
Bố vẫn nhớ khi Thánh Phêrô sắp sửa chìm vì người yếu đức tin, và bố sẽ làm điều mà người đã làm: chạy tới Ðức Kitô và xin Chúa giúp đỡ.
Và bố tin rằng Chúa sẽ đặt bàn tay thánh của Người trên bố và trong cơn bão tố Chúa giữ bố khỏi chìm...
Và vì thế, hỡi con gái yêu quý của bố, con đừng quá bận tâm.
Như thế loại quyết định luân lý đầu tiên là loại có thể thấy được rõ ràng những gì chúng ta phải làm. Tuy nhiên, quyết định như thế có thể thật khó khăn vì phải trả bằng một giá rất đắt, như trường hợp của Thánh Thomas More.
Khi Hitler bắt đầu càn quét Âu Châu trong Thế Chiến II, Franz Jagerstatter là một nông dân trẻ người Áo. Ông có vợ và hai con nhỏ. Ông cũng là người duy nhất trong làng bỏ phiếu chống sự liên minh chính trị của Áo với Ðức Quốc Xã.
Vào tháng Hai 1943, Franz được lệnh trình diện nhập ngũ trong quân đội Ðức. Ông phải đối diện với một thảm trạng. Làm sao ông có thể chiến đấu trong một cuộc chiến mà ông coi là phản luân lý do một chính phủ vô luân gây nên?
Ông Franz hỏi ý kiến cha xứ và đức giám mục địa phận. Cả hai đề nghị ông phục vụ trong ngành quân y, giúp ông không phải mang vũ khí. Nhưng ông không cảm thấy thoải mái về điều này, ông nói rằng việc mang quân phục là dấu hiệu chấp nhận chính phủ và cuộc chiến đó.
Khi một luật sư của nhà cầm quyền hỏi ông tại sao không nhập ngũ trong khi hàng triệu Kitô hữu người Ðức đã tham gia, ông trả lời:
Tôi đoán là họ không có ơn trên để thấy được điều đó. Nhưng tôi có ân sủng để thấy được điều đó, bởi thế tôi không thể nhập ngũ.
Như vậy, sau khi suy nghĩ đắn đo Lời Chúa dạy, hỏi ý kiến của những người liên hệ, và cầu xin sự soi dẫn, ông Franz cảm thấy buộc phải theo tiếng nói của lương tâm ông.
Vào ngày 9 tháng Tám, 1943, ông Franz đã bị hành quyết. Lịch sử đã xưng tụng ông như một anh hùng và vị thánh.
Quyết định của Jagerstatter là thí dụ điển hình cho loại quyết định mù mờ. Nó là quyết định về một tình trạng quá phức tạp để có thể rõ ràng thấy được những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta làm.
Hãy lấy một thí dụ khác.
Giả sử rằng bạn là mẹ của ba người con nhỏ, tuổi từ sáu đến mười một. Bà nội tám mươi tuổi của các cháu đang sống với bạn. Bà là người có ý thức, dễ chịu và được các cháu quý mến. Nhưng bà bị bệnh phong thấp và cần được chăm sóc nhiều hơn. Ðiều này trở thành gánh nặng cho gia đình bạn.
Ngày kia, chồng bạn do dự đề nghị rằng có thể đây là lúc phải đưa “Nội” vào nhà dưỡng lão. Bỗng nhiên hai vợ chồng bạn nhận ra rằng bạn đang đối diện với một quyết định luân lý mù mờ, vì không rõ là loại tình thương nào (Chúa Giêsu dạy) bạn phải dùng để giải quyết trường hợp của bà nội các cháu.
Tiến trình thích hợp để quyết định là theo ba thứ tự đã đề cập ở trên. Bạn phải--
suy nghĩ đắn đo về sự dạy dỗ của Chúa Giêsu về vấn đề đó,
bàn hỏi những người liên hệ về vấn đề này, và
cầu nguyện để xin sự hướng dẫn.
Tiến trình thứ hai trong trường hợp của Nội thật quan trọng. Nó gồm việc bàn hỏi không chỉ ý kiến của Nội và ý kiến của các cháu mà còn ý kiến của những bác sĩ chuyên môn, và cha sở.
Một khi bạn đã qua những tiến trình này, với lương tâm trong sáng bạn có thể lựa chọn bất cứ gì mà sự phán đoán khôn ngoan, được hướng dẫn bởi ơn sủng, dường như đã tỏ ra cho bạn.
Quyết định luân lý khó khăn nhất là khi quyết định này khiến chúng ta đối nghịch với một điều luân lý đặc biệt nào đó của Giáo Hội. Ðây là quyết định luân lý nghiêm trọng nhất mà người Công Giáo phải đối phó. Ðể thấy lý do nghiêm trọng, hãy đọc những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người:
Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông:
”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Matthew 28: 18-20
Cũng hãy xem những lời Chúa Giêsu nói với Phê-rô:
”Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Ðá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Matthew 16: 18-19
Sau cùng hãy xem những gì Chúa Giêsu nói với các tông đồ trước khi Người về trời:
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến.
John 16: 12-13
Ðoạn Phúc Âm trên giải thích lý do tại sao một quyết định luân lý ngược với sự dạy dỗ chính thức của Giáo Hội thì thật nghiêm trọng. Ðó là vì đặc sủng gấp đôi mà Chúa Giêsu ban cho hội thánh. Người--
trao quyền và cho phép Giáo Hội dạy dỗ nhân danh Người, và
đảm bảo với Giáo Hội rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong vai trò dạy dỗ.
Nói cách khác, hành động ngược với điều dạy dỗ chính thức của Giáo Hội là hành động chống với đặc sủng mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội.
Tuy nhiên, khi nói điều này, chúng ta phải hiểu rằng Giáo Hội bao gồm con người, và theo đó Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội. Ðiều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần không bỏ qua sự khôn ngoan, tài trí, và kiến thức của loài người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội phù hợp với luật tự nhiên của con người. Như vậy Giáo Hội nhận được sự soi sáng trên những vấn đề luân lý và học thuyết cách dần dần và từng giai đoạn, tùy thuộc ở--
sự mở lòng cho Thánh Thần và
sự phức tạp của vấn đề.
Vì Giáo Hội không được soi sáng giống nhau trên tất cả mọi vấn đề luân lý và học thuyết, nên Giáo Hội dạy dỗ ở hai mức độ khác biệt.
Ðoạn kinh thánh chỉ về mức độ thứ hai của sự dạy dỗ trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô:
Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người -- nhờ Chúa thương -- đáng được anh em tín nhiệm.
1 Cor 7:25
Một thí dụ hiện đại về sự dạy dỗ ở mức độ thứ hai là sự dạy dỗ của Giáo Hội về việc ngừa thai nhân tạo, như được đề cập đến trong văn kiện Humanae Vitae (”Sự Sống Con Người”). Theo truyền thống, magisterium (huấn quyền: quyền dạy dỗ tối cao của Giáo Hội) đã và tiếp tục dạy rằng ngừa thai nhân tạo thì phản luân lý cách nặng nề.
Giáo Hội có trách nhiệm hướng dẫn về vấn đề này và những vấn đề luân lý khác--cũng như Thánh Phaolô có trách nhiệm hướng dẫn tín hữu Cô-rin-tô về một câu hỏi làm họ khó chịu.
Giống như thế, chúng ta có trách nhiệm phải “tán thành với đạo,” hơn là “tin nhận” trọn vẹn, đối với những dạy dỗ ở mức độ thứ hai của Giáo Hội. “Tán thành với đạo” có nghĩa chúng ta phải chấp nhận sự đáng tin cậy của lời dạy dỗ của Giáo Hội về những vấn đề như thế, bởi vì--
Chúa Giêsu trao quyền và cho phép Giáo Hội dạy dỗ nhân danh Người, và
đảm bảo với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo Hội trong vai trò dạy dỗ.
Vì hai lý do tôn giáo này, chúng ta chấp nhận sự đáng tin cậy của điều dạy dỗ. Ðó là ý nghĩa của câu “tán thành với đạo.”
Hành động nghịch với sự dạy dỗ của Giáo Hội về ngừa thai nhân tạo là vấn đề nghiêm trọng, vì điều đó có nghĩa chúng ta hành động chống với đặc sủng mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội để trợ giúp Giáo Hội trong sứ vụ giảng dạy.
Nó là vấn đề nghiêm trọng vì khiến chúng ta dễ dàng tự lừa dối mình để tin những gì chúng ta muốn tin. Thánh Au-gút-tinh đã biết điều này khi ngài viết:
Nếu bạn tin... những gì bạn muốn và từ khước những gì bạn không muốn, thì đó không phải là bạn tin Phúc Âm, nhưng tin chính bạn.
Tuy nhiên, Giáo Hội để chúng ta tự hình thành lương tâm của chúng ta. Có năm tiến trình trong việc hình thành lương tâm về những vấn đề luân lý khiến chúng ta ở vào tình trạng đối nghịch với sự dạy dỗ của Giáo Hội.
1. Chúng ta phải có lý do nghiêm trọng để làm như vậy.
2. Chúng ta phải cân nhắc sự dạy dỗ của Giáo Hội về vấn đề này và những lý do của nó.
3. Chúng ta đã tìm kiếm những giải pháp khác cho vấn đề lương tâm của chúng ta nhưng không thành công.
4. Chúng ta đã liên lỉ cầu xin sự soi dẫn.
5. Chúng ta không nghĩ là đang làm sai.
Như thế, có thể rằng sau khi đã theo năm tiến trình trên cách trung tín, một cặp vợ chồng Công Giáo có thể thành thật thấy rằng họ đang trong tình trạng tương tranh nghĩa vụ (thí dụ, điều hoà tình yêu vợ chồng với trách nhiệm làm cha mẹ, với việc học hành của các con, hoặc với sức khoẻ của người mẹ). Với những đôi vợ chồng như thế, các giám mục Gia nã Ðại viết rằng:
Phù hợp với những nguyên tắc về thần học luân lý đã được chấp nhận, nếu những người này đã thành thật tìm mọi cách nhưng không thành công để theo đuổi một lối sống thích hợp với những chỉ dẫn [sự dạy dỗ của Giáo Hội] họ được đảm bảo cách chắc chắn rằng bất cứ ai thành thật chọn phương cách nào mà họ coi là đúng thì hãy hành động như thế với lương tâm tốt lành.
Response to HUMANAE VITAE, September 27, 1968.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đọc đoạn văn trên của các giám mục Gia nã Ðại, phát ngôn viên của người đã cho các giám mục biết rằng Ðức Thánh Cha hài lòng với cách diễn tả.
Quyết định phù hợp luân lý là quyết định những gì đúng với luân lý để hành động trong trường hợp nào đó. Chúng ta có thể phân biệt ba loại quyết định phù hợp luân lý cách tổng quát:
những quyết định hiển nhiên, như Thánh Thomas More đã làm;
những quyết định mù mờ, như trường hợp của Jagerstatter;
những quyết định trái ngược, như trường hợp của đôi vợ chồng Công Giáo phải đối phó.
Mỗi một quyết định này có những khó khăn riêng. Mỗi trường hợp đòi hỏi sự nghiên cứu thận trọng, việc hỏi ý kiến với những người liên hệ, và cầu nguyện đặc biệt.