Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Cha của Mai sửa soạn đến công sở. Và như thường lệ, ông đi sớm nửa giờ. Mai nói: “Ba, tại sao ba không nghỉ thêm nửa tiếng ở nhà mà đến sở làm gì sớm vậy?” Cha cô trả lời: “Ba không đến thẳng sở làm. Ba đi sớm để kịp lễ 8 giờ tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi.”
Mai cảm thấy ngạc nhiên. Sau này cô nói, “Tôi thấy cảm kích. Ðôi lúc tôi thường hay phàn nàn với ba tôi vì ông cứ nhấn mạnh đến việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật như đó là một sinh hoạt gia đình. Vậy mà ba tôi không bao giờ kêu gào: 'Này, Mai, ba vẫn đi lễ thường ngày thì ít ra con cũng phải dự lễ Chúa Nhật với gia đình chứ!'”
Cha mẹ bạn nghĩ gì về tính cách thường xuyên của việc bạn tham dự Thánh lễ?
Thánh lễ là một cuộc hội họp Dân Chúa, là những người đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức. Việc cử hành Thánh lễ làm trọn vẹn giai đoạn tháp nhập bằng cách hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô và với nhau một cách sung mãn hơn.
Ðể hiểu Thánh lễ, chúng ta cần trở lại thời đại của Phúc âm. Trong thời gian đó, dân Do Thái thường thờ phượng ở các hội đường hay trong Ðền Thờ. Các hội đường thì ở khắp mọi thành thị, nhưng chỉ có một Ðền Thờ ở Giê-ru-sa-lem.
Cả hai nơi đều có những phụng vụ riêng rẽ và đặc biệt. Nguyên thủy, hội đường là nơi để cầu nguyện và để giảng dậy. Dân chúng đến tụ họp để nghe Lời Chúa. Trong khi Ðền Thờ chính là nơi cầu nguyện và cúng tế. Dân chúng tụ họp nơi đây để dâng cúng của lễ cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu thi hành việc thờ phượng ở cả hội đường và Ðền Thờ (Luca 2:46,4:16).
Thánh lễ phản ảnh cả hai phần phụng vụ tại hội đường và tại Ðền Thờ. Phụng vụ tại hội đường được phản ảnh trong phần đầu của Thánh lễ, gọi là phần Phụng Vụ Lời Chúa. Phụng vụ ở Ðền Thờ cũng được cử hành trong phần hai của Thánh lễ, được gọi là phần Phụng Vụ Thánh Thể.
Chúng ta bắt đầu với phần Phụng Vụ Lời Chúa. Phần này gồm ba nghi thức:
Nghi thức Xum Họp
Nghi thức Sám Hối/ Hòa Giải, và
Nghi thức Ðọc Lời Chúa.
Thánh Lễ là tâm điểm của đời sống Công Giáo. Thánh Lễ diễn tả, nhắc nhớ và kiên cường sự kết hợp giữa chúng ta với Chúa Kitô và với nhau. Thánh Lễ là tâm điểm của tất cả những gì chúng ta tin, những gì chúng ta làm và những gì chúng ta trông cậy.
Ðể đáp lời mời gọi của Chúa trong Bữa Tiệc Ly, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” chúng ta họp nhau trong mỗi Chúa Nhật (Ngày của Chúa):
để hồi tưởng và để được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Bữa Tiệc Ly, và
để rao truyền cho thế giới “tin mừng” là “Chúa Kitô đã chết, đã sống lại, và Người sẽ trở lại lần thứ hai.”
Thánh Lễ bắt đầu bằng Nghi Thức Xum Họp. Tất cả mọi người tham dự cùng đứng và hát trong khi chủ tế và những thừa tác viên cùng tiến vào cộng đoàn Dân Chúa. Tâm điểm của việc cung nghinh là Sách Thánh mà chúng ta sẽ đọc trong phần nghi thức Phụng Vụ Lời Chúa. Sách Thánh được nâng cao để mọi người nhìn thấy.
Dân Do Thái khi xưa thường cất giữ cuộn sách (scroll) Lời Chúa bên cạnh ngai toà của họ. Các tướng lãnh Do Thái thường mang cuộn sách ấy vào mặt trận. Dân Do Thái ngày nay rước cuốn ấy đi chung quanh hội đường trước khi đọc. Theo tinh thần của truyền thống xưa này mà sách Lời Chúa được nâng cao và tôn kính trong lúc cung nghinh vào nhà thờ.
Sau khi đoàn rước đã đến cung thánh, sách ấy được đặt trên giá cách cung kính.
Vị chủ tế lúc bấy giờ hôn bàn thờ, dấu chỉ Chúa Giêsu Kitô, rồi đến chỗ ngồi của vị chủ tế. Ở đó vị chủ tế mở đầu chào mừng “mọi người” và dẫn họ cử hành Nghi Thức Xám Hối.
Nghi Thức Xám Hối là để thể hiện điều Chúa Giêsu giảng dậy trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta tụ họp để thờ phượng trong khi chưa tha thứ cho anh chị em của chúng ta, thì hãy đi tha thứ cho kẻ ấy trước đã. Sau đó chúng ta mới khởi sự thờ phượng được (Mát-thêu 5:23-24).
Mục đích của Nghi Thức Xám Hối là để tha thứ cho nhau, và xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta.
Kế đó, vị chủ tế hướng dẫn chúng ta qua những bài hát cảm tạ và ngợi khen. Ðược gọi là Kinh Vinh Danh và bắt đầu như sau:
Vinh danh Thiên Chúa trên cao
Bình an dưới thế cho con dân Ngài
Tôn lậy Chúa, là Vua trên trời là Chúa và là Cha quyền năng cao cả.
Chúng con tôn thờ, chúng con cảm tạ, chúng con ca tụng vinh quang của Ngài.
Sau đó vị chủ tế kết thúc bằng lời nguyện Khẩn Cầu để xin Chúa phù trợ trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Ví dụ, vị chủ tế cầu nguyện như sau:
Lậy Chúa toàn năng, là Cha thương yêu vô bờ, sự chăm sóc của Cha vượt khỏi biên giới của mọi dân tộc và mọi quốc gia để đến với tâm hồn của tất cả mọi người đang sống.
Xin cho những bức tường ngăn cách chúng con vì thành kiến sẽ tan vỡ dưới bóng tay yêu thương của Cha.
Chúng con xin vì danh Chúa Kitô, Chúa chúng con.
Sau đó chúng ta đáp, “Amen,” theo tiếng Hebrew có nghĩa là “Mong được như vậy.” Lời đáp Amen chuẩn bị cho chúng ta đến một nghi thức cuối cùng và quan trọng nhất của phần Phụng Vụ Lời Chúa.
Ðoạn Phúc Âm sau đây của Thánh Luca diễn tả Nghi Thức Ðọc Sách tốt đẹp nhất:
Chúa Giêsu đứng dậy (trong hội đường) đọc Sách Thánh.
Một người trao cho Người sách Tiên Tri Isaiah.
Người mở cuộn sách và thấy ngay chỗ viết rằng: “Thánh Thần của Chúa ở cùng tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi. Chúa sai tôi đem tin lành cho kẻ nghèo khó, an ủi kẻ buồn phiền, báo cho các tù nhân biết họ được tha, cho các người mù biết họ được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức biết họ được tự do. Và tuyên bố ngày giờ Chúa đến để cứu thoát dân Người.”
Chúa Giêsu gấp sách lại và trao trả cho người giúp việc, rồi ngồi xuống.
Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn.
Chúa nói: “Hôm nay, đoạn Kinh Thánh anh chị em vừa nghe đã được ứng nghiệm.”
Mọi người đều tin nhận Chúa và khen ngợi Chúa vì các lời Chúa giảng rất hấp dẫn.
Luca 4:16-22
Ðoạn thánh kinh trên bao gồm những diễn tiến trong phần Phụng Vụ Lời Chúa:
Lắng nghe Lời Chúa: Một linh mục hay thầy phó tế dẫn giải ý nghĩa của Lời Chúa.
Chúng ta áp dụng Lời Chúa vào đời sống hằng ngày.
Bài đọc đầu thường lấy từ Cựu Ước (Kinh thánh cổ Do Thái). Những lời chúng ta nghe cũng là những lời đã đánh động tâm hồn Chúa Giêsu khi Người nghe tại Na-gia-rét.
Sau bài đọc một là phần hát thánh vịnh đáp ca. Chúng ta gọi đáp ca bởi vì chúng ta thường chấm dứt và nhấn mạnh bằng một câu đáp, như: “Ôi lậy Chúa, Lời Chúa là đèn soi bước tôi đi.” Câu thánh vịnh trên được coi như một lời nguyện để suy niệm về bài đọc một.
Bài đọc hai được trích từ Tân Ước (Kinh thánh Kitô giáo), thường là những thư của Thánh Phao-lô. Những lá thư này đề cập đến những vấn đề của người Kitô hữu tiên khởi, mà một cách lạ lùng, nó cũng giống với vấn đề của chúng ta ngày nay.
Bài đọc ba là cao điểm của Phần Phụng Vụ Lời Chúa. Nó thường được trích từ một trong bốn cuốn Phúc Âm. Tầm quan trọng của bài đọc này được biểu lộ qua hai phương cách sau đây:
mở đầu bằng một câu xướng, và
đứng lên và làm dấu trước khi Lời Chúa được rao truyền đến chúng ta.
Việc làm dấu có từ thời Kitô giáo tiên khởi. Nó gồm việc vẽ một dấu thánh giá nhỏ trên trán, miệng và ngực. Khi làm dấu, người Công Giáo thường thầm đọc những lời sau:
Nguyện xin Lời Chúa ở trong trí tôi, trên miệng tôi và trong tim tôi, để tôi xứng đáng rao truyền Lời Chúa bằng lời nói và đời sống gương mẫu.
Việc công bố Phúc Âm giúp chúng ta gần gũi với Chúa Giêsu, và đưa chúng ta là những Kitô hữu đến gần với những gì chúng ta tin.
Sau Phúc Âm là bài giảng: dẫn giải và áp dụng Lời Chúa trong đời sống chúng ta.
Bài Giảng thường gặp trở ngại vì hai lý do. Lý do đầu tiên là hầu hết các cộng đoàn thường gồm nhiều thành phần rất khác nhau về nhu cầu, tuổi tác và trình độ. Vì thế các bài giảng khó áp dụng được cho tất cả mọi người trong cộng đoàn. Lý do thứ hai là không phải các vị giảng thuyết đều có tài hay có ơn giảng hay.
Do đó bài giảng không phải lúc nào cũng lôi cuốn và hấp dẫn như chúng ta mong muốn. Nhưng chúng ta phải nhìn đến ý nghĩa trong bài giảng và nên nhớ câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người rằng: “Ai lắng nghe anh em là lắng nghe Thầy” (Luca 10:16). Vì thế, nếu chúng ta nghe bài giảng với một tâm hồn cởi mở, chúng ta sẽ được linh hứng. Thật vậy, qua bài giảng Chúa Giêsu đặc biệt nói với chúng ta bằng một phương cách khác thường.
Phần Phụng Vụ Lời Chúa được kết thúc bằng Kinh Tin Kính và Lời Nguyện Giáo Dân.
Kinh Tin Kính là sự tuyên xưng đức tin vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, và tuyên xưng những gì mà người Công Giáo chúng ta tin. Hãy nghĩ về Kinh Tin Kính như sau: Nếu có ai hỏi chúng ta tóm lược đức tin của người Công Giáo trong vòng 60 giây, chúng ta có thể làm được không? Câu trả lời là “Vâng, có thể.” Ðó chính là Kinh Tin Kính: một lời chính xác về đức tin Công Giáo.
Lời Nguyện Giáo Dân là sự diễn đạt những nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới. Ví dụ, chúng ta cầu nguyện:
cho những trẻ em bị ngược đãi được chữa lành và biết tha thứ cho những người ngược đãi các em. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
cho nạn nhân của thành kiến không bị mất phẩm giá và sự toàn vẹn bởi những hành động trả thù tội lỗi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
Sau đó, Chủ Tế sẽ kết đoạn Lời Nguyện Giáo Dân qua những lời nguyện sau:
Lậy Chúa là Cha chúng con, Chúa Giêsu, Con Cha đã dậy chúng con đừng nguyền rủa sự tối tăm của thế giới chúng con, nhưng hãy thắp lên ngọn nến để soi sáng bóng tối. Xin giúp chúng con thực thi lời Chúa dậy.
Chúng con cầu xin vì danh Đức Kitô, Chúa chúng con.
Ông Charles Butler đi thăm con trai ông đang làm việc ở vùng thung lũng Amazon, Ba Tây. Khi đến Ba Tây, ông dùng máy bay nhỏ để đến một thị trấn trong vùng. Ở đó ông và người phi công vào một quán cà-phê địa phương để dùng bữa.
Một khách hàng quen thuộc của quán cà-phê đến gợi chuyện với anh phi công. Rồi hai người nhận ra rằng họ là người cùng tỉnh ở Ba Tây. Và rồi họ lại nhận ra rằng họ ở cùng một căn phố.
Khi Charles và anh phi công ăn xong, người khách nói đùa với anh phi công rằng: “Anh biết không, nếu tiếp tục nói chuyện, không chừng chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng mình cùng xuất thân từ một gia đình.”
Câu chuyện trên là một lối dẫn rất thích hợp cho Phần Phụng Vụ Thánh Thể. Trong Phần Thánh Thể, người Kitô hữu khám phá ra rằng chúng ta cùng thuộc về một gia đình trong phương cách đặc biệt. Chúng ta cử hành và thắt chặt sự hợp nhất của chúng ta như anh chị em: những phần tử của Một Thân Thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói về Bữa Tiệc Thánh Thể như sau:
Vì có một ổ bánh, tất cả chúng ta, dù nhiều, cũng chỉ là một thân thể,
vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ một ổ bánh.
1 Corinthians 10:17
Ðể thấu hiểu và quý trọng mầu nhiệm trọng đại trong Phần Phụng Vụ Thánh Thể, chúng ta cần trở về Bữa Tiệc Ly, là bữa ăn Vượt Qua cuối cùng mà Chúa đã ăn cùng với các môn đệ Người. Thánh Luca đã viết như sau để diễn tả những gì xẩy ra trong bữa ăn đó:
Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn cùng với các môn đệ... Rồi Người cầm lấy bánh, cảm tạ Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói:
”Ðây là mình Thầy, Thầy trao cho các con.
Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.”
Cùng thể thức đó, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén, trao cho họ và nói:
”Chén này là giao ước mới của Thiên Chúa, được dấu ấn bằng máu của Thầy,
sẽ được đổ ra cho các con.”
Luca 22:14,19-20
Lối diễn tả của Thánh Luca về Bữa Tiệc Ly cho chúng ta hiểu Bí Tích Thánh Thể là gì. Ðó là bữa tiệc thánh nhắc nhớ lại Bữa Tiệc Ly, giúp chúng ta cử hành và hiệp nhất với Chúa Kitô mật thiết hơn, và chúng ta mong đợi được tham dự vào bữa tiệc hằng sống trong Nước Chúa trên thiên đàng.
Lời kể của Thánh Luca cho thấy Bữa Tiệc Ly có ba chiều kích. Ðó là:
một bữa tiệc tưởng niệm (ăn Giỗ)
một bữa tiệc hy sinh, và
một bữa tiệc giao ước.
Chính ba chiều kích này được tìm thấy trong Thánh Lễ.
Khi dân Do Thái dùng bữa Vượt Qua, như Chúa Giêsu và các môn đệ Người dùng Bữa Tiệc Ly, họ không chỉ đơn giản tưởng nhớ đến biến cố giải thoát tổ tiên họ khỏi vòng nô lệ. Qua đức tin họ đem biến cố đó vào trong hiện tại. Họ làm sống lại và dự phần trong biến cố đó, như thể họ đã có mặt trong biến cố nguyên thủy. Trong cách tưởng niệm này, họ đã chia sẻ trong ân sủng nguyên thủy.
Chính sự “tưởng nhớ” đặc biệt này mà Chúa Giêsu đã nghĩ đến khi Người nói với các Tông Ðồ rằng “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể để tưởng niệm Chúa Giêsu, chúng ta đem “mầu nhiệm vượt qua” (Sự khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu) vào trong hiện tại qua hình thức của một bí tích. Chúa Giêsu hiện diện thực sự, và chúng ta làm sống lại và dự phần với Người trong mầu nhiệm này.
Ngày nay, chữ hy sinh khó được hiểu cho đúng nghĩa. Ðể có ý niệm về chữ này, hãy nghe câu chuyện của Mẹ Têrêsa kể khi nhận Giải Hòa Bình Nobel bên Oslo, Na Uy. Mẹ nói:
Một hôm kia tôi nhận được 15 đồng của một người đàn ông. Ông đã liệt giường khoảng 20 năm qua. Ông chỉ có thể cử động được cánh tay phải của ông thôi. Và người bạn đồng hành duy nhất của ông là điếu thuốc lá. Ông nói với tôi rằng:
”Con không hút thuốc hơn một tuần nay, để con gửi tiền này cho mẹ.”
Ông ta chắc phải hy sinh kinh khủng lắm... Và với số tiền đó, tôi đã mua bánh mì cho người nghèo đói...
Ông ta đã cho đi, và người nghèo đã nhận lãnh.
Với câu chuyện này, hãy nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh trong Bữa Tiệc Ly: “Ðây là Mình Thầy, đã trao ban cho anh em.” Cũng hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu khi Người cầm lấy chén: “Chén này là giao ước mới của Thiên Chúa được dấu ấn bằng máu Thầy, được đổ ra cho anh em.”
Cả hai hành động này nói lên nghĩa hy sinh. Nói lên việc “cho đi” cái gì đó cho người khác. Ý nghĩa toàn vẹn của Bữa Tiệc Ly là hy sinh. Nó trực tiếp nối liền với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, được xẩy ra trong ngày kế tiếp. Khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thực sự hiện diện với chúng ta. Cùng với Người, chúng ta hồi tưởng và dự phần vào sự hy sinh của Người. Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ ý nghĩa này khi Người nói:
Chén mà chúng ta lãnh nhận trong Bữa Tiệc của Chúa... khi chúng ta uống chén đó, chúng ta đang chia sẻ Máu Thánh của Ðức Kitô.
Và tấm bánh mà chúng ta bẻ đây: khi chúng ta ăn, chúng ta chia sẻ Mình Thánh Chúa Kitô.
1 Corinthians 10:16
Hy tế thánh thiện của Thánh Lễ, Bữa Tiệc Thánh Thể, cũng rất giống như trong Bữa Tiệc Ly mà Chúa Giêsu đã khởi đầu. Trong phương cách nhiệm mầu nào đó, chúng ta đã mang nó vào hiện tại. Và chúng ta dự phần trong đó với Chúa Giêsu một cách sốt sắng như thể chính chúng ta đã từng ở trong Bữa Tiệc Ly.
Giống như chữ hy sinh, ngày nay chữ giao ước cũng bị hiểu sai lầm. Khi Chúa Giêsu nói, “Chén này là giao ước mới của Thiên Chúa được dấu ấn bằng Máu Thầy,” Người đã làm việc này trong truyền thống phong phú của Do Thái về giao ước, đó là biểu tượng và là sự diễn tả mối tương quan độc đáo giữa dân Do Thái với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hẳn đã ý thức về giao ước mới mà Thiên Chúa đã hứa qua tiên tri Jeremiah: “Ta sẽ làm một giao ước mới với dân Israel và dân Judah... Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta... Ta sẽ tha thứ tội lỗi của chúng, và ta sẽ không nhớ đến những sai lầm của họ.”
Jeremiah 31:31-34
Chính giao ước mới này mà Chúa Giêsu đã khai mạc ở Bữa Tiệc Ly. Chính giao ước mới này mà chúng ta cử hành trong mỗi Thánh Lễ.
Khi Chúa Giêsu nói “được dấu ấn bằng máu của Thầy,” lời nói của Người nhắc lại giao ước đầu tiên mà Thiên Chúa đã hứa với dân Israel tại Núi Sinai. Giao ước đó được dấu ấn bằng máu súc vật. Sách Xuất Hành nói:
Ông Môsê đem xuống một cuốn giao ước... và đọc lớn tiếng cho mọi người nghe... Rồi Môsê lấy máu từ trong chén và rắc lên mọi người. Ông nói, “Ðây là máu đã ghi ấn giao ước của Thiên Chúa hứa với anh em”
Xuất Hành 24:7-8
Giao ước mới mà Chúa Giêsu đã khai mạc trong Bữa Tiệc Ly đã được “dấu ấn” không phải bằng máu súc vật, nhưng bằng chính máu của Chúa Giêsu.
Vì thế ta có thể cắt nghĩa Thánh Lễ như một bữa tiệc thánh thiện để tưởng niệm Bữa Tiệc Ly, để cùng tham dự và đi sâu vào sự hiệp nhất với Chúa Kitô, và trông đợi một bữa tiệc hằng sống nơi Nước Chúa trên Thiên Ðàng.
Bây giờ chúng ta có thể quay về Phụng Vụ Thánh Thể mỗi khi tham dự Thánh Lễ.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, tạ ơn Thiên Chúa, bẻ ra, và trao cho (các Môn Ðệ Người), và nói, 'Ðây là Mình Thầy...' Cùng một nghi thức ấy, Người trao cho họ chén rượu sau bữa ăn tối” (Luca 22:19-20). Chúng ta cũng cử hành nghi thức này đúng như Bữa Tiệc Ly trong Phần Phụng Vụ Thánh Thể.
Linh mục, đóng vai trò vị đại diện của cộng đồng, cầm lấy bánh và rượu và chuẩn bị bữa tiệc. Chúng ta gọi phần này là Nghi Thức Chuẩn Bị.
Kế đến, linh mục thánh hoá bánh và rượu. Chúng ta gọi phần này là Lời Nguyện Thánh Thể.
Sau hết, linh mục phân phát bánh và rượu (bây giờ là Mình và Máu Chúa Kitô) cho cộng đồng. Chúng ta gọi là Phần Rước Lễ.
Những gì Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly được đối chiếu với hình thức sau đây trong ba phần chính của Thánh Lễ:
Phụng Vụ Thánh Thể --------- Bữa Tiệc Ly
Nghi thức Chuẩn Bị ------------- Chúa Giêsu cầm lấy
Nghi thức Truyền Phép --------- Chúa Giêsu làm phép
Nghi thức Rước Lễ -------------- Chúa Giêsu bẻ bánh và trao đi.
Nghi Thức Chuẩn Bị
Phần Phụng Vụ Thánh Thể khởi sự giống như Phần Phụng Vụ Lời Chúa: với đoàn rước. Những người đại diện của cộng đồng đem bánh và rượu tiến lên bàn thờ. Những bánh và rượu này được trao cho vị chủ tế, rồi ngài dọn cho họ một Bữa Tiệc Thánh Thể. Người cầm lấy bánh trong tay và cầu nguyện:
Hãy chúc tụng Thiên Chúa, là Chúa muôn loài thụ tạo. Vì Chúa rộng ban cho chúng ta bánh này, là hoa mầu ruộng đất, và lao công của con người. Chúng ta dâng lên Chúa, để trở nên của bánh nuôi sống chúng ta.
Cùng một thể thức trên, chủ tế dọn chén rượu. Rồi ngài mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện cho lễ vật bánh và rượu (tượng trưng cho chính chúng ta và đời sống chúng ta) được Thiên Chúa chấp nhận. Chúng ta cùng cầu nguyện:
Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay Cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng tôi, cùng toàn thể Hội Thánh Người.
Sau đó, vị chủ tế hướng dẫn mọi người trong phần Cầu Nguyện Trên Lễ Vật, như sau:
Lậy Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Xin cho bánh và rượu mà Chúa đã ban cho chúng con, làm của ăn nuôi sống chúng con trên thế gian này trở nên Bí Tích sự sống đời đời.
Chúng con xin vì danh Chúa Kitô, Chúa chúng con.
Giai đoạn này đưa chúng ta đến tâm điểm của Phụng Vụ Thánh Thể
Nghi Thức Nguyện Thánh Thể
Nghi Thức Nguyện Thánh Thể khởi đầu bằng vị chủ tế mời gọi chúng ta nâng tâm hồn lên và tạ ơn Chúa.
Cao điểm của lời nguyện là khi vị chủ tế cầm bánh trong tay và nói:
Trước khi (Chúa Giêsu) chịu chết, cái chết mà chính Người đã tự chấp nhận, Người cầm lấy bánh và tạ ơn Chúa. Người bẻ bánh, trao cho các môn đệ và nói:
”Tất cả các con hãy cầm lấy bánh mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.”
Sau đó vị chủ tế cầm lấy chén rượu trong tay và nói:
Sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén. Rồi Người đọc lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy chén này. Và uống. Ðây là chén Máu Thầy. Máu của một giao ước mới và vĩnh cửu. Sẽ được đổ ra trên các con và toàn thể mọi người, để được tha tội,n các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Trong bài kinh nguyện này, toàn thể cộng đồng hiệp nhất với Chúa Giêsu để nhận biết kỳ công của Chúa Cha và để dâng của lễ hy sinh.
Vị chủ tế tiếp tục phần Lời Nguyện Thánh Thể bằng cách tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Ðoạn ngài kết thúc qua hình thức nâng cao Mình và Máu Chúa Kitô, và nói:
”Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, cùng với Chúa Thánh Thần,
mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa, là Cha toàn năng muôn muôn đời.”
Cộng đồng cùng đáp lại trong sự hân hoan: “Amen.”
Nghi Thức Rước Lễ
Nối tiếp là phần rước Mình và Máu Thánh. Vị linh mục khởi sự phần này bằng cách mời gọi cộng đồng dân Chúa cùng hiệp dâng lời cầu nguyện qua Kinh Lậy Cha. Kinh này là một phương cách thích hợp đặc biệt để chuẩn bị cộng đồng dân Chúa dọn mình rước Mình và Máu Thánh, vì câu “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày...” gợi lại những câu khó quên mà Chúa Giêsu đã dùng:
”Thầy là bánh hằng sống, là bánh từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh này, người ấy sẽ sống đời đời.
Bánh Thầy ban là Thịt của Thầy, để cho thế giới được sống... Ai ăn Thịt Thầy và uống Máu Thầy sẽ được sự sống đời đời, và Thầy sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày tận thế”
Gioan 6:51-54
Những gì xẩy ra khi chúng ta ăn bánh và uống rượu đã được thánh hiến thì trái ngược với những gì xẩy ra khi chúng ta ăn bánh và uống rượu trong bữa ăn thường ngày. Trong bữa ăn hằng ngày, những gì chúng ta ăn uống trở thành một phần của thân thể chúng ta. Trong khi Rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta trở nên phần tử của những gì chúng ta ăn, đó là Thân Thể của Chúa Kitô.
Vị chủ tế chấm dứt Phần Nghi Thức Rước Lễ bằng lời nguyện sau đây:
Lậy Chúa,
Ngài đã nuôi sống chúng con bằng bánh bởi trời.
Xin cho chúng con được tràn đầy Thánh Thần Chúa,
và cho chúng con nên một trong bình an và tình yêu.
Chúng con xin vì danh Chúa Kitô, Chúa chúng con.”
Thánh lễ được kết thúc qua việc giải tán cộng đồng dân Chúa. Vị linh mục hoặc phó tế khuyến khích chúng ta sống những gì mà chúng ta vừa cử hành, và nói với mọi người: “Hãy đi trong bình an và phục vụ Thiên Chúa.” Nhà văn Ernest Southcott đã nói về giây phút trang nghiêm này của phần kết lễ như sau:
Giây phút thánh thiện nhất của thánh lễ là giây phút khi dân Chúa --
được kiên cường bởi lời giảng và bí tích--
ra khỏi cửa nhà thờ để đi vào trong thế giới là Giáo Hội.
Vị chủ tế và các thừa tác viên ra đi theo đoàn rước, trong tiếng hát của cộng đồng dân Chúa.
Thánh Lễ gồm hai phần chính: Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể.
Phụng Vụ Lời Chúa có thể coi như gồm ba phần: Nghi Thức Xum Họp, Nghi Thức Sám Hối, Nghi Thức Ðọc Sách. Cao điểm của phần này là đọc Phúc Âm.
Phụng Vụ Thánh Thể cũng có thể coi như gồm ba phần: Nghi Thức Chuẩn Bị, Nghi Thức Nguyện Thánh Thể, Nghi Thức Rước Lễ. Cao điểm của phần này là khi linh mục cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu nói những lời Chúa Giêsu đã nói ở Bữa Tiệc Ly:
Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn: này là Mình Thầy...
Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống: đây là chén Máu Thầy.