Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Cha John Powell, giáo sư Ðại Học Loyola theo dõi những sinh viên đang bước vào lớp thần học của cha trong ngày khai giảng. Ðó là lần đầu tiên cha gặp Thái.
Thái đang chải mái tóc dài xuống quá vai. Cha biết những gì ở trong đầu -- chứ không phải ở trên đầu -- mới đáng kể. Nhưng cha không ngờ có một sinh viên như Thái. Bởi thế cha coi anh ta là một người xa lạ--rất xa lạ.
Ðối với Cha John, Thái trở nên một người ”vô thần,” nhưng cả hai đều cố sống chung vui vẻ. Vào cuối niên khoá, Thái hỏi cha câu hỏi thật chua chát, ”Cha có nghĩ là con có thể tìm thấy Thiên Chúa không?”
Cha cố ý trả lời, ”Không, cha không nghĩ là anh có thể tìm thấy Thiên Chúa, nhưng cha biết chắc rằng Thiên Chúa sẽ tìm thấy anh.” Thái nhún vai và bỏ đi. Cha hơi thất vọng vì Thái có vẻ không hiểu điều cha muốn nói.
Khoảng một năm sau, Cha Powell biết Thái bị ung thư nặng. Cha kể:
Trước khi tôi tìm được anh,
anh đã đến gặp tôi.
Khi anh bước vào văn phòng,
thân hình anh thật tiều tụy,
và mớ tóc dài của anh đã rụng nhiều
vì sự chữa trị bằng hoá chất...
“Thái, cha nghĩ nhiều về con. Cha nghe nói con bị đau!” Tôi vồn vã hỏi.
“Dạ, đau rất nặng. Con bị ung thư. Chẳng còn sống bao lâu nữa.”
“Con có thể nói cho cha nghe được không?”
“Ðược chứ. Cha muốn biết gì?”
”Khi mới 24 tuổi mà đã phải chết thì điều đó như thế nào?”
“Thì, có thể là điều đáng buồn.”
“Như điều gì?”
“Như một người năm mươi tuổi
mà không có giá trị hoặc tư tưởng gì,” Thái nói,
”năm mươi tuổi mà chỉ nghĩ những điều bậy bạ,
dụ dỗ phụ nữ, và kiếm tiền là những gì 'vĩ đại' trong đời họ.
“Nhưng điều mà con đến gặp cha
là những gì cha đã nói với con vào ngày cuối niên khoá.
Con hỏi cha có nghĩ là con tìm thấy Thiên Chúa không
và cha nói, 'Không!' khiến con ngạc nhiên.
Rồi cha nói, 'Nhưng Chúa sẽ tìm con.'
“Con nghĩ nhiều về điều đó,
dù rằng lúc đó con không thực sự muốn tìm kiếm Thiên Chúa.”
Thái tiếp tục gặp Cha Powell và nói cho cha biết rằng sau khi bác sĩ giải phẫu lấy cục bướu trong háng ra, anh thật sự muốn tìm Thiên Chúa.
”Con thật sự bắt đầu đập cánh cửa bằng đồng của thiên đàng. Nhưng chẳng thấy gì xẩy ra cả.
Một ngày kia sau khi con thức dậy,
thay vì lại tiếp tục trút mọi sự giận dữ lên Thiên Chúa
là Ðấng có thể hiện diện hay không hiện diện, con bỏ cuộc...
“Con quyết định dùng thì giờ còn lại để làm những gì có ích lợi hơn.
Con nghĩ đến một vài điều mà cha đã nói:
'Thật buồn nếu sống mà không có tình yêu.
Nhưng cũng bi thảm không kém nếu chúng ta chết mà không nói được
với những người thân yêu rằng chúng ta thương yêu họ.'
“Vì thế con bắt đầu với người khó tính nhất: cha con.
Con đến với ông khi ông đang đọc báo.
“'Ba, con muốn nói chuyện với ba.'
“'Gì, cái gì đó.'
“'Con muốn nói, một điều rất quan trọng.'
“Tờ báo tụt xuống một chút. 'Cái gì đó?'
“'Ba, con thương ba. Con chỉ muốn ba biết như vậy thôi.'
“Tờ báo rơi xuống sàn.
Rồi cha con làm hai điều mà con nhớ là chưa từng bao giờ ông làm.
Ông khóc và ôm lấy con.
Và chúng con nói chuyện cả đêm, mặc dầu ngày mai ông phải đi làm sớm.
“Với mẹ và em con thì dễ hơn.
Họ cũng khóc với con nữa, và chúng con ôm nhau,
chia sẻ những điều đã giữ kín từ bao năm nay.
“Chỉ tiếc một điều là con đã chờ đợi quá lâu.
Con đang ở đây, trong bóng tối sự chết,
và con mới chỉ bắt đầu mở lòng ra
cho những người mà con thật sự thấy gần gũi.”
Thái chia sẻ với Cha Powell những gì xẩy ra sau đó. Ðó là điều mà Thái chưa bao giờ biết. Thái nói, ”Khi con quay lưng đi thì Chúa đã ở đó... Cha nói đúng. Người đã tìm con.”
Thái khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn ở đó đợi anh. Trong khi anh ”đập cánh cửa bằng đồng của thiên đàng,” Thiên Chúa kiên nhẫn gõ cánh cửa tâm hồn anh. Và vì thế, khi Thái mở lòng để yêu thương, anh tìm thấy Thiên Chúa đang đứng đó.
Cha Powell im lặng một chút. Rồi, với giọng nhẹ nhàng, xúc động, cha nói:
”Thái...
Cha nghĩ những gì con nói thật bao la hơn điều con có thể nhận biết.
Con nói rằng cách chắc chắn nhất để tìm thấy Thiên Chúa
là đừng biến Người thành của riêng mình
hay chỉ trong những khi cần tìm sự an ủi,
nhưng tốt hơn bằng cách mở lòng yêu thương.
Con biết, Thánh Gioan nói:
'Thiên Chúa là tình yêu,
và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở trong họ!'
Thái! con có thể giúp cha không?
Con đến lớp thần học của cha và nói cho những sinh viên nghe những gì mà con đã nói với cha?”
Dù mọi chuyện đã sẵn sàng
nhưng Thái không bao giờ thực hiện được...
Trước khi anh chết, chúng tôi nói chuyện với nhau lần cuối.
”Con không đến lớp cha được,” anh nói.
”Cha biết mà, Thái.”
”Cha nói giùm con được không? Cha nhé...
nói với cả thế giới giùm con nghe cha?”
“Cha sẽ làm, Thái. Cha sẽ nói với họ.”
Câu truyện thật tuyệt về hành trình đức tin của Thái cho thấy điểm quan trọng về đức tin. Ðức tin cũng như tất cả những gì trong đời sống, được sinh ra và lớn lên qua các giai đoạn. Ba tiến trình chính mà qua đó đức tin của chúng ta phát triển gồm:
thời thơ ấu / đức tin bởi cha mẹ.
thời niên thiếu / đức tin biến chuyển.
thời trưởng thành / tin bởi chọn lựa.
Trong những giai đoạn này thời niên thiếu thường là giai đoạn khó khăn nhất và đau khổ nhất. Nó là bước khó khăn vì trong thời gian này chúng ta bắt đầu có những thay đổi quan trọng, từ một Kitô hữu bởi truyền thống (do cha mẹ) đến một Kitô hữu bởi xác tín (chính mình chọn).
Tương tự như thế, thời niên thiếu là giai đoạn đau khổ nhất vì trong giai đoạn này đức tin thơ ấu của chúng ta phải chết đi để đức tin trưởng thành được nẩy sinh. Sự chết đi của đức tin thơ ấu là nguyên do khiến chúng ta đau khổ.
Cuốn The Restless Believers của John Kirvan có đoạn rất hay về sự đau khổ trong thời thơ ấu. Ông viết về một người trẻ nói rằng:
”Tôi không biết có gì sái quấy, nhưng tôi chỉ không còn tin những gì tôi đã tin.
Khi tôi ở bậc tiểu học và một vài năm đầu trung học, tôi thật đạo đức,
nhưng bây giờ dường như tôi chẳng còn quan tâm điều gì cả.”
Cái chết của giai đoạn đức tin thơ ấu khiến chúng ta thấy bệnh hoạn trong tâm hồn--ngay cả cảm thấy tội lỗi. Ðó là điều không may, vì đức tin chúng ta chỉ trải qua giai đoạn tăng trưởng quan trọng. Nó chuyển đổi từ giai đoạn đức tin do truyền thống sang đức tin bởi sự xác tín.
Biến chuyển từ một Kitô hữu bởi truyền thống (do cha mẹ) đến một Kitô hữu bởi xác tín (chính mình chọn) là một tiến trình từ từ. Hơn nữa, đó là giai đoạn mà không bao giờ hoàn toàn chấm dứt. Nó kéo dài trong suốt cuộc đời chúng ta.
Biến chuyển từ đức tin thơ ấu sang đức tin trưởng thành xẩy ra ở ba cấp bậc: trí khôn, tâm hồn, và linh hồn. (Linh hồn có nghĩa chiều kích sâu thẳm nhất của một người.)
Trước khi chúng ta tìm hiểu cặn kẽ mỗi một cấp bậc, cần làm sáng tỏ đức tin là gì.
Trước hết, đức tin bao gồm sự tin tưởng một ai đó, chứ không phải một điều gì. Thánh Phao-lô viết:
Tôi sống bởi tin vào Con Thiên Chúa,
Ðấng yêu thương tôi và đã hy sinh mạng sống vì tôi.
Galatians 2:20
Thứ hai, đức tin cũng gồm sự tin tưởng vào những gì Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta và hy sinh mạng sống cho chúng ta, chúng ta tín thác vào Người. Bởi thế, đức tin bao gồm không những niềm tin vào Chúa Giêsu mà còn tin những gì Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về Cha của Người. Chúa Giêsu nói:
”Thầy đã nói cho anh em tất cả những gì Thầy nghe từ Cha Thầy...
Thầy nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em,
và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”
Gioan 15:11
Sau cùng, đức tin bao gồm quyết định tiến đến sự tương giao bằng hữu với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói:
”Thầy yêu mến anh em cũng như Cha Thầy yêu Thầy...
Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì Thầy nói cho anh em biết tất cả những gì Thầy biết từ Cha Thầy.”
Gioan 15:9
Và như thế đức tin cũng gồm việc chấp nhận --
Chúa Giêsu (Thiên Chúa Nhập Thể),
Sự dậy dỗ của Chúa Giêsu, và
Lời mời trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu
Bây giờ chúng ta hãy nhìn cặn kẽ vào ba cấp bậc mà sự chuyển tiếp xẩy ra từ đức tin thơ ấu sang đức tin trưởng thành.
Người trẻ thường thắc mắc về đức tin mà họ đương nhiên có. Thí dụ, họ hỏi: ”Có Chúa thật không, hay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng?” ”Ðức Giêsu có thật là Con Thiên Chúa, hay chỉ là một người lãnh đạo đáng kính?” ”Giáo Hội có thật là Thân Thể của Chúa Kitô, hay chỉ là một tổ chức con người?”
Những thắc mắc trên không những có thể hiểu được mà còn cần thiết nữa. Thắc mắc về đức tin không có nghĩa là không có Thiên Chúa. Nó chỉ có nghĩa là nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa (hay Chúa Giêsu và Giáo Hội) thường không đầy đủ và đôi khi sai lạc. Do đó Leon Tolstoy đã nhận xét chính xác rằng:
Khi một người man rợ không còn tin tưởng vào Thượng Ðế bằng gỗ của hắn,
điều này không có nghĩa là không có Thượng Ðế,
nhưng chỉ có nghĩa rằng Thượng Ðế thật thì không làm bằng gỗ.
Nói cách khác, thật cần thiết để thắc mắc về cái nhìn thơ ấu của chúng ta về Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng quan trọng không kém, chúng ta phải mở lòng ra với cái nhìn trưởng thành về Thiên Chúa. Và đây là lúc cần một thái độ phóng khoáng, không thành kiến, dù rằng điều này không luôn dễ dàng. Vì sự khai sinh những tư tưởng mới thường khó khăn và đau khổ cũng giống như việc khai tử những gì cổ lỗ.
Sự biến chuyển sang đức tin trưởng thành không những bao gồm việc mở trí khôn để nhận biết sự thật, nhưng còn mở lòng cho tình yêu.
Cha Powell nói như thế này: ”Cách chắc chắn để tìm thấy Thiên Chúa là... mở lòng cho tình yêu. 'Thiên Chúa là tình yêu, và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ.” Câu truyện sau giúp sáng tỏ điều ngài muốn nói.
Albert Schweitzer là một dương cầm gia ở Âu Châu. Ông bỏ nghề và trở thành một nhà truyền giáo ở Phi Châu. Nói về sự quan trọng của việc mở lòng cho tình yêu, ông nói:
Bạn có thực sự tin nơi Chúa Giêsu không?
Nếu vậy bạn phải làm điều gì đó cho Người.
Trong thời đại đa nghi này thì không còn cách nào khác hơn.
Và nếu vì Chúa Giêsu... bạn cho tha nhân một mẩu bánh hay một ngụm nước hay một chút quần áo--Chúa đã hứa chúc phúc cho những hành động tử tế nhỏ bé đó như thể bạn đã làm cho chính Người.
Và như vậy Người sẽ ở gần bạn hơn, như một người sống động.
REVERENCE FOR LIFE
Nói cách khác, khi mở lòng yêu thương tha nhân thì cũng như chúng ta tự động mở lòng cho Thiên Chúa. Như trong trường hợp của Thái, anh không thể tìm thấy Thiên Chúa nếu không mở lòng cho tình yêu.
Trong ba cấp bậc biến chuyển đến đức tin trưởng thành, cấp bậc linh hồn khó hiểu nhất. Vì hành trình đức tin là một bí ẩn của ơn sủng và của tự do. Câu truyện sau đây sẽ cho thấy điều này.
Bà Dorothy Day chết năm 1980 khi tám mươi tư tuổi. Tường trình về cái chết của bà, tờ New York Times gọi bà là một trong những người Công Giáo có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Khi bà chết, đã có một phong trào xin phong thánh cho bà vì đời sống và những công việc bà làm cho những người nghèo và người bần cùng ở Nữu Ước.
Trong quyển Từ Union Square Ðến Rô-ma, bà Dorothy diễn tả hành trình tìm kiếm Thiên Chúa của bà. Về bước quan trọng nhất của hành trình, bà viết:
Nhiều buổi sáng sau khi ngồi cả đêm ở trong quán... Tôi đi lễ sáng sớm ở nhà thờ Thánh Giuse trên đại lộ số Sáu. Nó ở ngay góc đường là chỗ tôi trú ngụ, và tôi bị lôi cuốn khi thấy người ta tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Họ đang tìm kiếm gì ở đó?
Tôi ao ước có đức tin như họ.
Chính đời sống của tôi thì nhơ nhớp tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ về chân thiện mỹ.
Vì thế tôi thường đến quỳ ở cuối nhà thờ Thánh Giuse.
Ðiều này cho chúng ta thấy hành trình đức tin là một bí ẩn của ơn sủng và sự tự do.
Trước hết, đức tin là một bí ẩn của ơn sủng mà trong đó Thiên Chúa--
chuẩn bị chúng ta cho cuộc hành trình
mời chúng ta nhập cuộc, và
ấp ủ chúng ta trong mọi bước hành trình.
Thứ đến, đức tin là một bí ẩn của sự tự do mà trong đó Thiên Chúa không ép chúng ta phải nhận ơn sủng (món quà) đức tin. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Thật như vậy, điều này có nghĩa chúng ta tự do đáp lời mời của Thiên Chúa để bước vào một tương giao yêu thương và tín thác. Hay chúng ta tự do khước từ điều đó.
Nói tóm lại, hành trình đức tin là một nỗ lực cộng tác giữa: một bí ẩn của ơn sủng (phần của Thiên Chúa) và sự tự do (phần của chúng ta).
Và như thế sự biến chuyển từ đức tin thơ ấu đến đức tin trưởng thành xẩy ra ở ba cấp bậc:
trí khôn: mở lòng cho sự thật
tâm hồn: mở lòng để yêu thương, và
linh hồn: mở lòng để tin.
Câu truyện của bà Dorothy khai mào cho chúng ta đến sự năng động của đức tin. Nó khai mào cho chúng ta đến cách cảm nghiệm đức tin khi đức tin lớn lên và trưởng thành. Cách vắn tắt, chúng ta cảm nghiệm đức tin:
trong sự mạo hiểm
trong tiến trình lâu dài, và
trong giai đoạn tăm tối
Thí dụ rõ ràng nhất cho đức tin trong sự mạo hiểm là hôn nhân. Khi hai người lấy nhau, không ai tuyệt đối quả quyết rằng người kia luôn trung tín. Nói cách khác, họ không tuyệt đối biết được người kia sẽ đối xử ra sao. Ðây là một sự mạo hiểm. Nhưng họ chấp nhận sự mạo hiểm này vì họ yêu nhau và tin tưởng lẫn nhau.
Ðức tin cũng giống như thế. Nó cũng bao gồm sự mạo hiểm, không phải với ý nghĩa là Thiên Chúa sẽ bất trung (Thiên Chúa luôn luôn trung tín). Nhưng đúng hơn, mạo hiểm trong ý nghĩa là chúng ta không rõ đức tin sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Và sự mạo hiểm chỉ có thể vượt thắng được bởi sự tín thác như sự tín thác của hai người yêu trao cho nhau.
Ðiều lầm lẫn lớn nhất là nghĩ rằng một lúc nào đó chúng ta sẽ ”có đức tin” và không cần phải lo lắng gì nữa. Ðể hiểu điều này, hãy đọc đoạn văn sau của một thiếu nữ:
Ngày kia tôi quyết định đặt Chúa Giêsu là tâm điểm của đời tôi.
Quyết định này đã đem đến cho tôi niềm vui và bình an khôn xiết.
Nhưng hai ngày sau, tôi thấy tôi đang làm những gì mà một người thật sự theo Chúa Giêsu không nên làm.
Tôi kết luận rằng tôi chưa thực sự dâng mình cho Chúa Giêsu gì cả.
Tôi chỉ lừa dối chính mình với ý nghĩ như thế.
Và rồi tôi nhận thức được điều gì đó thật quan trọng.
Tôi nhận thức là khi chúng ta dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu, chúng ta chỉ dâng một phần của chúng ta phần mà chúng ta có thể ý thức ngay lúc đó.
Ðó là tất cả những gì chúng ta có thể làm.
Cảm nghiệm của thiếu nữ này làm sáng tỏ những gì mà các tâm lý gia đã nói: phần quan trọng hơn của một con người thì nằm trong tiềm thức. Nó chỉ lộ ra dần dần qua những cảm nghiệm mới.
Ðiều này dẫn chúng ta trở về với lý do tại sao đức tin bao gồm trong tiến trình. Vì là con người nên chúng ta tiến triển và thay đổi không ngừng. Do đó, chúng ta phải liên tục tái thề hứa với Thiên Chúa khi chúng ta tiến triển và thay đổi. Ðức tin của chúng ta không thể là một quyết định một lần là đủ. Nó phải là một quyết định liên tục, một tiến trình kéo dài suốt cuộc đời.
Ðức tin có lúc tỏ lúc mờ. Ðiều tỏ tường bây giờ lại trở thành lu mờ ngay sau đó. Tệ hơn nữa, là khi đức tin dường như sau đám mây mù và tan biến trong tăm tối. Sự tăm tối thường do bởi một trong ba điều sau:
bản tính con người,
chính cá nhân chúng ta,
ý muốn Thiên Chúa
Trước hết, bản tính con người hay thay đổi, có lúc ”lên” lúc ”xuống.” Nói cách khác, sự tăm tối chỉ phản ảnh những thay đổi tự nhiên, hay tâm tính khác thường, trong đời sống hằng ngày của con người. Nói về những tâm tính thay đổi này, Anthony Padovano viết:
Vào một ngày, đời tuyệt đẹp...
Chúng ta quý trọng bất cứ gì và bất cứ ai...
Những ngày như thế thật khó để thấy rằng đời là bể khổ.
Nhưng vào một ngày khác, chẳng có gì đúng...
Ðó là lúc chúng ta đếm được nhiều kẻ thù và thấy được lỗi lầm của bất cứ người bạn nào.
Những ngày như thế thật khó để hiểu tại sao đời lại vui.
Belief In Human Life
Ðức tin chúng ta cũng giống như thế. Nó cũng có tâm tính khác thường. Những thay đổi này đi theo bản tính của con người.
Thứ đến, quãng thời gian trong tăm tối có thể do bởi chính chúng ta. Chúng ta có thể tạo ra sự tăm tối bởi quên đi đức tin. Ðó là, khi chúng ta để đức tin èo uột trong tội lỗi hay thiếu nuôi dưỡng tinh thần. Nói cách khác, cũng như thân xác chúng ta èo uột vì sự lạm dụng hay thiếu chất bổ dưỡng, thì linh hồn chúng ta cũng èo uột vì tội và vì thiếu của ăn tinh thần.
Thứ ba, và sau cùng, giai đoạn tăm tối có thể bởi Thiên Chúa. Ðó là khi Thiên Chúa thử thách để kiên cường và giúp đức tin chúng ta sâu đậm thêm. Nói cách khác, Thiên Chúa dùng những thử thách đức tin để giúp chúng ta lớn lên trong đức tin (Sáng Thế 22:1-12).
Không kể đến những nguyên do của giai đoạn tăm tối, sự đau khổ có thể rất lớn. Trong cuốn The Devil's Advocate của văn hào Morris West, một người cảm nghiệm sự ”tăm tối” hỏi rằng:
Làm sao tìm lại được đức tin?
Chính tôi cố lý luận tìm về... cha mẹ...
Mọi đứa trẻ đều có cha mẹ... Tôi mò mẫm đến Chúa nhưng không tìm thấy Người.
Tôi cầu xin Chúa... và Chúa không nhận lời.
Tôi khóc hằng đêm vì mất Chúa.
Những giọt nước mắt vì mất mát và đau buồn vì uổng công vô ích.
Rồi một ngày kia, Chúa lại ở đó...
Tôi có cha mẹ và Chúa từng biết tôi...
Ðến lúc đó tôi mới hiểu được ý nghĩa của câu ”món quà đức tin.”
Hành trình đức tin là sự bí ẩn của ơn sủng (thuộc về Chúa) và của sự tự do (phần của chúng ta). Ðức tin là một hành động tự do của toàn thể con người chúng ta để đáp lại--
Chúa Giêsu (Thiên Chúa bằng xương thịt)
Những dậy dỗ của Chúa Giêsu, và
Lời mời gọi làm bạn của Chúa Giêsu.
Nhiều người trẻ cảm nghiệm những thử thách của đức tin vì đức tin của họ đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Ðó là sự thay đổi từ đức tin do truyền thống (tin do cha mẹ) đến sự xác tín (tin bởi sự chọn lựa).
Giai đoạn chuyển tiếp là khi người trẻ mở trí tuệ (cho sự thật), mở tâm hồn (cho tình yêu), và mở linh hồn (cho đức tin).
Hành trình đức tin của chúng ta không bao giờ cùng, nhưng tiếp tục cho đến khi chết. Nó gồm sự mạo hiểm (tin vào Chúa), liên tục (luôn tái thề hứa), và giai đoạn tăm tối (lúc nghi ngờ).