Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Những giọt mưa chẩy dài trên cửa sổ nhà thương nơi cô Linh đang nằm. Sau cuộc giải phẫu, cơn mưa càng làm tăng thêm sự cô đơn và buồn bã của Linh. Lát sau, một cô y tá bước vào phòng và đưa cho Linh một lá thư. Cô mở ra đọc:
Linh mến,
Lớp học sắp bắt đầu, nhưng thầy phải viết vội vài dòng trước khi sinh viên vào lớp. Từ khi em bị bệnh, thầy luôn nhớ nụ cười và lối vẫy chào của em vào mỗi buổi sáng. Thầy cầu nguyện cho em chóng bình phục...
Không có em, thế giới này sẽ ít vui đi.
Vài dòng chữ trong thư còn mạnh hơn tất cả những liều thuốc trên trần gian. Nó xóa tan sự cô đơn và buồn bã của Linh và nó còn phấn khởi tinh thần của Linh.
Câu truyện của Linh cho ta thấy một điều mà ta hay quên. Căn bệnh lâu dài không những làm thân xác yếu đi mà nó còn ảnh hưởng đến tinh thần nữa. Bệnh tật làm ta cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Nó có thể đưa chúng ta đến trạng thái sa sút tinh thần, làm đức tin yếu đi, và ảnh hưởng đến cách cư xử của ta đối với Thiên Chúa và những người chung quanh.
Tại sao bệnh tật thường làm cho ta thấy cô đơn và bị bỏ rơi?
Tại sao sút kém tinh thần có thể làm suy yếu đức tin và ảnh hưởng đến cách đối xử với Thiên Chúa và người chung quanh?
Ông Giang đã được 80 tuổi và sống một mình. Vào mỗi Chúa Nhật cái ghế xích đu của ông đong đưa nhanh hơn bình thường khi ông trông chờ một người đặc biệt. Người đó là Mai, một thừa tác viên Thánh Thể trong xứ đạo. Một trong những nhiệm vụ của cô là mang Mình Thánh Chúa cho người bệnh.
Khi Mai đến phòng của ông Giang lúc 11 giờ, cô bắt đầu nghi thức bằng đọc bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần đó. Kế đến, cô tóm lược cho ông Giang bài giảng mà cô đã nghe trong Thánh Lễ lúc 10 giờ. Sau cùng, cô và ông Giang cầm tay và cùng đọc Kinh Lậy Cha để chuẩn bị cho ông Giang rước Mình Thánh Chúa.
Sau khi rước lễ, cô Mai đọc một đoạn trong sách cầu nguyện. Ông Giang rất thích đoạn này:
Lậy Chúa, là Cha Cực Thánh..
Xin hãy giải thoát đầy tớ Ngài khỏi mọi bệnh tật, hãy phục hồi sức khoẻ của đầy tớ Ngài, hãy dùng cánh tay Ngài nâng con lên, hãy gia tăng sức mạnh cho con bằng quyền lực của Ngài, hãy bảo vệ con với sức mạnh của Ngài, và cho con tất cả những gì cần cho cuộc sống, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Sau lời cầu nguyện, ông Giang và cô Mai chia sẻ với nhau những cảm nghiệm của họ trong tuần qua.
Khi cô Mai hôn từ giã ông Giang, cô chợt nhận ra một điều thật đẹp. Cô thấy rằng không những cô chỉ mang Mình Thánh Chúa đến cho ông rước lễ nhưng cô còn cho ông sự bảo đảm yêu thương để ông biết rằng còn có người nghĩ đến ông.
Khi nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, bệnh nhân được kết hợp với Thiên Chúa, và được đoàn tụ lại với cộng đồng thánh thể mà cơn bệnh đã ngăn cách họ với cộng đồng.
Phần Dẫn Nhập Bí Tích Xức Dầu, 51
Câu chuyện giữa ông Giang và cô Mai nhấn mạnh rằng, theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội dành một tình yêu đặc biệt cho những người già và bệnh tật.
Phúc Âm đầy dẫy những câu truyện Chúa Giêsu chữa lành người bệnh tật. Chúng ta hãy đọc một đoạn sau đây:
Lúc ấy, mẹ ông Phê-rô nằm liệt giường vì sốt rét, và ngay khi Chúa Giêsu đến, Người đã được cho biết về điều này.
Chúa đến gần, cầm tay đỡ bà dậy, tức thì bà ấy khỏi sốt...
Ban chiều lúc mặt trời đã lặn, dân chúng đem các người bệnh và các kẻ bị quỷ ám đến cùng Chúa. Tất cả dân chúng trong thành tụ tập trước cửa nhà.
Chúa chữa nhiều người mắc bệnh... và Chúa cũng trừ nhiều quỷ.
Mác-cô 1:30-34
Và chúng ta hãy đọc tiếp một thí dụ thật cảm động về lòng thương xót của Chúa Giêsu với một số người bị bệnh và bị xã hội ruồng bỏ.
Một người phung hủi đến quỳ xuống xin Chúa giúp: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể chữa tôi lành.” Chúa Giêsu động lòng thương xót, đưa tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn anh được khỏi.”
Mác-cô 1:40-41
Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành những người bệnh tật, Người còn giao phó sứ vụ này cho các môn đệ Người.
Chúa Giêsu tập họp mười hai tông đồ lại và ban cho họ quyền trừ các ma quỷ và chữa các bệnh tật. Rồi Chúa sai họ đi giảng về Nước Trời và chữa các kẻ bệnh tật...
Các tông đồ ra đi: họ vào các làng, các trại, rao giảng Tin Mừng và chữa các kẻ đau yếu.
Luca 9:1-2,6
Từ giây phút đó trở đi, phục vụ những người bệnh tật trở thành một vai trò quan trọng trong Giáo Hội. Một lá thư gửi cho giáo hữu thời sơ khai đã chỉ bảo họ như sau:
Nếu có ai ốm đau, hãy mời các thầy cả của Giáo Hội đến để cầu nguyện và nhân danh Chúa, xức dầu cho mình. Lời cầu nguyện bởi lòng tin sẽ cứu bệnh nhân và Chúa nâng đỡ kẻ ấy; nếu kẻ ấy có tội, thì tội sẽ được tha.
Gia-cô-bê 5:14-15
Một cựu chiến binh Việt Nam đang dưỡng bệnh tại nhà thương Walter Reed ở Hoa Thịnh Ðốn. Trong một bức thư gửi bạn, ông ta thuật lại một kinh nghiệm phi thường ngay sau khi ông bị trúng đạn pháo kích ở chiến trường. Ông viết:
Chỉ một giây sau khi bị trúng đạn, tôi hoàn toàn cô đơn. Tôi đã từng nghe nói, nhưng chưa bao giờ cảm thấy... khi người ta sắp chết, họ sẽ không có ai và thật cô đơn. Chỉ có mình họ thôi. Tôi bị thương nặng, nặng lắm; một trái đạn 4.2 ly rớt sau lưng tôi khoảng 6 feet và cắt đứt chân trái của tôi, tay trái của tôi cũng lìa ra, những mảnh đạn đâm vào lưng, đầu, hông, và mắt cá chân. Tôi muốn ngất đi ngay lúc đó, nhưng tôi cố chống lại--vì tôi biết rằng nếu ngất đi tôi sẽ không bao giờ tỉnh lại được.
Lúc ấy có ba bốn người cứu thương vây quanh tôi, mọi người đều có vẻ khẩn cấp, cố gắng giúp tôi...
Tôi cố cầu nguyện nhưng không được. Tôi nhờ những người chung quanh nói chuyện với tôi để giúp tôi tỉnh táo, và nhất là nếu có ai đó giúp tôi cầu nguyện. Nhưng tôi thấy tôi chỉ có một mình; tôi chỉ nghe giọng nói của những người chung quanh nói chuyện với nhau.
Tôi không chết vì cứng đầu và nhiều may mắn (nhờ thần hộ mạng), tôi vẫn còn sống khi họ mang tôi lên trực thăng sau hai tiếng đồng hồ bị thương.
Sau khi được đưa đến trạm cứu thương, tôi thấy có bốn năm người đang lau chùi thân thể tôi ở nhiều chỗ. Ðiều này khiến tôi mở mắt ra và thấy được trong khoảng nửa thước--nhưng không được rõ lắm. Dầu sao, có một người ghé vào tai tôi và bắt đầu cầu nguyện. Tôi không biết chắc là ai, nhưng có lẽ là linh mục tuyên úy; mũi của ngài gần như chạm vào mũi tôi. Sau khi ngài để tay trên trán, tôi bắt đầu ngất đi--tôi nghĩ đây là phút cuối trong đời.
Khi muốn nói, với tất cả tàn lực tôi chỉ có thể rên khe khẽ. Khi tôi sắp sửa bất tỉnh, mắt tôi nhắm lại và tôi nghe cha nói,
”Con có hối lỗi về những tội đã phạm không?”
Tôi rên khe khẽ, “Dĩ nhiên là có!”
Và sau đó, chỉ trong khoảng khắc trước khi ngất đi, tôi cảm thấy dầu đổ trên trán. Và một điều lạ lùng xẩy ra mà tôi không bao giờ quên được--Có một điều gì đó mà tôi chưa bao giờ cảm nhận trong đời! Bỗng nhiên, tôi không còn chiến đấu để giữ lại từng giây phút cuối cùng; người tôi như nổ tung ra với một niềm vui sướng vô biên... Tôi thấy như mình vừa được chích cả chục mũi thuốc an thần. Tôi đang ở Chín Tầng Mây.
Tôi thấy như linh hồn mình thoát khỏi xác và bay bổng lên cao. Sau sự kiện này, trong mười ngày kế tiếp tôi đã tỉnh lại khoảng ba bốn lần; tôi không còn sợ chết nữa.
Sự thật thì tôi đang sẵn sàng chờ đợi thần chết.
Lá thư của người lính diễn tả một kinh nghiệm tuyệt vời của anh ta về việc cử hành Bí Tích Xức Dầu. Qua bí tích này, chính Chúa Giêsu nhân từ, đã từng chữa lành nhiều người trong thời Tân Ước, vẫn còn tiếp tục chữa lành chúng ta cho đến ngày nay. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là phương cách Người dùng để chữa chúng ta.
Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu chữa lành chúng ta qua những hành động cụ thể của thân xác loài người của Người. Người chạm vào họ và cầu nguyện trên họ qua thân xác của Người. Ngày nay, Chúa Giêsu chữa lành con người qua bí tích, hoặc nghi thức của thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội.
Nhìn kỹ lại kinh nghiệm của người thương binh về bí tích Xức Dầu Thánh, ta thấy có ba điểm chính. Anh thuật lại việc linh mục
cầu nguyện trên người anh ta,
đặt tay trên anh ta, và
xức dầu trên trán anh ta.
Ba hành động này dẫn chúng ta vào nghi thức của bí tích Xức Dầu Thánh.
Bí tích Xức Dầu có thể được cử hành ở bất cứ nơi nào: tại nhà, ở bệnh viện, trên chiến trường. Thời gian và chỗ tốt nhất để cử hành nghi thức này là lúc cử hành Thánh Lễ Bí Tích Xức Dầu.
Lý do để cử hành bí tích trong thánh lễ được giải thích như sau. Việc cử hành bí tích không phải là một hành động riêng tư giữa linh mục và người bệnh. Nhưng đây là một hành động chung liên quan đến toàn Thân Thể của Chúa Giêsu. Như Thánh Phao-lô đã viết:
Như thế không có sự chia rẽ giữa các bộ phận... Nếu có bộ phận nào đau yếu thì các bộ phận khác cũng chung phần đau đớn.
I Cô-rin-tô 12:25-26
Nói cách khác, thân thể của Giáo Hội cũng giống như thân thể của con người. Nếu một chi thể bị đau, thì cả thân thể đều bị ảnh hưởng. Vì thế, thật hợp lý để những người khác (nhất là những người thân và bạn bè của người bệnh) nên có mặt khi cử hành bí tích này.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tình trạng của người bệnh không cho phép họ tham dự nghi thức Xức Dầu trong thánh lễ. Trường hợp này, thông thường bí tích sẽ được cử hành như sau.
Trước hết, linh mục chào đón người bệnh, rẩy nước thánh trên người họ, nói vắn tắt về mầu nhiệm của bí tích này, và mời mọi người cử hành nghi thức sám hối ngắn gọn.
Kế đến, đọc một đoạn Kinh Thánh và linh mục giảng về đề tài liên quan đến trường hợp của những người có mặt ở đó.
Nghi thức Xức Dầu thực sự bắt đầu bằng lời cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện xong, vị linh mục thinh lặng đặt tay lên đầu của người bệnh. (Người có thể mời những người có mặt đặt tay chung với người). Cử chỉ này là hành động Chúa Giêsu đã làm khi Người chữa những người bệnh (Mác-cô 6:5).
Sau cùng vị linh mục lấy dầu, tạ ơn, làm phép dầu, và xức lên trán người bệnh, cầu nguyện như sau:
Qua việc xức dầu thánh này xin Thiên Chúa, trong tình yêu và sự thương xót của Người, giúp con với ân sủng của Chúa Thánh Thần
Sau đó vị linh mục xức dầu lên tay người bệnh, cầu nguyện:
Xin Thiên Chúa, người đã giải phóng con khỏi tội lỗi, cứu giúp và nâng con lên.
Phần Dẫn Nhập Bí Tích Xức Dầu, 124
Sau mỗi lời cầu nguyện, người bệnh thưa, “Amen.”
Nếu người bệnh không rước Mình Thánh Chúa, nghi thức được kết thúc với kinh Lậy Cha và vị linh mục đọc lời nguyện cuối.
Nếu người bệnh rước Mình Thánh Chúa thì sau kinh Lậy Cha vị linh mục sẽ cho rước lễ.
Nếu người bệnh muốn nhận bí tích Hòa Giải thì vị linh mục sẽ giải tội trước khi cử hành bí tích Xức Dầu.
Cha Joe được bệnh viện Los Angeles báo cho biết có một bà tên Gladys cần được xức dầu. Bà đã bị hôn mê và không còn sống được bao lâu nữa. Khi cha Joe đến, ngài gặp gia đình của bà Gladys, bác sĩ, và y tế đang có mặt ở trong phòng. Cha mời mọi người đứng quanh giường bệnh và sau khi đọc một đoạn trong Phúc Âm, cha nói mọi người đặt tay trên bà Gladys trước khi ngài xức dầu cho bà. Bà Gladys sau đó được khỏi bệnh.
Câu truyện có thật này đưa đến thắc mắc về bí tích Xức Dầu: Ai được phép nhận bí tích này?
Một số người Công Giáo ngạc nhiên khi thấy bà Gladys được nhận bí tích Xức Dầu khi bà còn hôn mê. Họ không biết rằng Giáo Hội ban bí tích này cho chúng ta khi tỉnh, cũng như lúc hôn mê hoặc bất tỉnh. Giáo Hội cho rằng nếu chúng ta có sự chọn lựa chúng ta sẽ muốn được Xức Dầu Thánh.
Một điều nữa mà một số người Công Giáo ngạc nhiên là bí tích Xức Dầu được ban cho người đã được rửa tội, cho dù người này không phải là Công Giáo. Ðiều quan trọng là người này muốn và tin rằng chính Chúa Giêsu hành động qua bí tích này.
Nói chung, bí tích Xức Dầu được ban cho những người sau đây:
bệnh nặng, bị yếu vì tuổi già,
sắp sửa qua một cuộc giải phẫu nguy hiểm,
“bệnh ngày càng nặng” hoặc nhiễm phải bệnh nguy hiểm, dù rằng họ vừa nhận bí tích này cách đây vài hôm.
Bệnh nặng không có nghĩa phải là bệnh nan y. Nó cũng không có nghĩa là bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nặng có nghĩa là bệnh làm hại đến sức khoẻ của con người.
Những người bị bệnh nặng thường lo âu, khủng hoảng. Họ có thể bị cám dỗ mất đi niềm tin nơi Chúa. Với những người này, bí tích Xức Dầu là một cơ hội để ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần đến với họ.
Với ơn sủng này toàn thể con người họ sẽ được giúp đỡ và được gìn giữ, được vững niềm tin trong Chúa, và được thêm sức chống trả những cơn cám dỗ... và những lúc tinh thần khủng hoảng... Nhờ vậy, không những người bệnh được can đảm chịu đựng, mà còn thêm sức chống trả bệnh tật. Vì thế sau khi nhận bí tích này người bệnh có thể lành bệnh... Nếu cần, bí tích này cũng giúp người bệnh được tha tội
Kết luận thích hợp cho bài này là đoạn Cầu Nguyện mở đầu trích từ thánh lễ bí tích Xức Dầu:
Lậy Cha, Cha đã nâng thập giá của Con Cha thành dấu hiệu của sự sống và sự chiến thắng. Xin cho những người cùng chia sẻ trong sự đau khổ của Con Cha được tìm thấy trong bí tích này nguồn sức mạnh và sự chữa lành.
Chúng con cầu cùng Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Người hằng sống hằng trị cùng Chúa, với Chúa Thánh Thần, muôn đời.
(đoạn 136)
Giáo Hội có một sứ vụ đặc biệt với những người bệnh tật và những người già yếu. Qua sự chữa lành những người bệnh và người già yếu, Chúa Giêsu cho ta thấy một thí dụ điển hình của tình yêu và sự săn sóc mà chúng ta phải dành cho những người này. Sứ vụ chữa lành những người bệnh của Chúa Giêsu được Giáo Hội tiếp tục qua bí tích Xức Dầu.
Mầu nhiệm của bí tích Xức Dầu được cử hành cách thích hợp nhất là trong thánh lễ với sự hiện diện của gia đình, bạn hữu, và những người trong cộng đoàn. Nhưng mầu nhiệm này cũng có thể được cử hành bất cứ lúc nào và nơi nào tùy theo hoàn cảnh của người bệnh.