Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Robert là một trong những thiếu niên được bà Esther Thompson quý mến. Sau khi chồng bà qua đời, Robert giúp bà làm mọi việc vặt trong nhà như xúc tuyết, cắt cỏ. Từ đó một tình bạn nẩy nở giữa hai người.
Cũng vì lý do đó, bà Esther cảm thấy khó xử khi Robert mời bà đến dự lễ Thêm Sức của cậu. Trong cuộc đời, bà đã từng nghi ngờ đức tin của đạo Công Giáo, nhất là những nghi thức "huyền hoặc" của họ.
Sau khi ray rứt về lời mời của Robert, bà quyết định dẹp bỏ mọi nghi ngờ qua một bên và nhận lời tham dự lễ. Bà đã hoàn toàn không ngờ những gì đã xẩy ra. Sau này bà viết:
Nghi lễ Thêm Sức đã xoá tan đi sự nghi ngờ vô căn cứ của tôi trong những năm qua... Ðức tin Công giáo thật đẹp.
Ba năm trôi qua và giờ đây tôi trở thành một người Công Giáo. Tôi cám ơn Thiên Chúa hằng ngày, vì Người đã khiến Robert mời tôi đến dự lễ Thêm Sức.
Giả sử một người ngoại giáo hỏi bạn, "Bí tích Thêm Sức là gì, và tại sao người Công giáo lãnh nhận nó?" Bạn sẽ trả lời thế nào?
Trước khi Chúa Giêsu lên trời về với Chúa Cha, Người đã tỏ cho các môn đệ biết một điều thật lạ lùng. Người cho biết tuy Người không ở lại thế gian này bằng xương thịt, nhưng Người sẽ ở lại bằng một cách khác. Người nói:
Thầy không bỏ chúng con mồ côi, Thầy sẽ ở lại với chúng con...
Khi đến ngày ấy, chúng con sẽ hiểu biết Thầy ở trong Cha Thầy và chúng con ở trong Thầy, cũng như Thầy ở trong chúng con. Gio-an 14:18,20
Qua những lời này, Chúa Giêsu cho biết Người sẽ trở lại thế gian qua một đường lối mới. Bản chất chính xác của sự hiện diện mới mẻ này được giữ bí mật cho đến ngày Hiện Xuống.
Vào ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ngự trên những người theo Chúa Giêsu và cho họ sức mạnh thần linh để họ sống như “thân thể mầu nhiệm” của Chúa Giêsu, là Giáo Hội.
Hãy nhớ lại câu truyện của Thánh Phao-lô và cảm nghiệm của ông về sự hiện diện qua đường lối mới này. Ngày nọ, đang trên đường bắt bớ Giáo Hội, một luồng sáng bao phủ ông.
Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng phán rằng: "Sao-lê! Sao-lê! Tại sao ngươi bắt bớ Ta?"
Ông đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai?"
Có tiếng đáp lại: "Ta là Giêsu mà ngươi đang khủng bố." Tông Ðồ Công Vụ 9:4-5
Kinh nghiệm này giúp Thánh Phao-lô nhận biết được một điều vô cùng kỳ lạ: Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người là một thân thể (Ê-phê-sô 1:23). Khủng bố Giáo Hội tức là khủng bố Chúa Giêsu.
Và vì thế vào ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã tỏ ra cho các môn đệ một mầu nhiệm vô cùng quan trọng: Chúa Giêsu hiện diện trong thế gian qua một đường lối mới: qua "thân thể mầu nhiệm" của Người tức là Giáo Hội.
Trong ngày Hiện Xuống một sự lạ khác đã xẩy ra. Các môn đệ bắt đầu nhận thấy rằng không những Chúa Giêsu chỉ hiện diện trong Giáo Hội mà Người còn hoạt động qua Giáo Hội. Giáo Hội là thân thể mới của Người: bàn tay mới, bàn chân mới, và môi miệng mới của Người. Ðây là một đường lối mới mà Chúa Giêsu dùng để đến với mọi người cho đến phút cuối cùng của lịch sử.
Bấy giờ các môn đệ của Chúa Giêsu mới bắt đầu hiểu ý Người khi Người nói với họ, "Ai nghe anh em là nghe Ta" (Luca 10:16). Chúa Giêsu muốn nói rằng khi ngày đó đến Người sẽ dậy dỗ qua các tông đồ, tha thứ qua các ông, và chữa lành qua các ông. Vì thế một ngày nọ, lúc dân chúng sửng sốt ngạc nhiên khi Thánh Phê-rô chữa lành một người què, ông nói:
"Sao anh chị em bỡ ngỡ vì chuyện này? Sao anh chị em cứ chăm chú nhìn xem chúng tôi như thể chúng tôi đã dùng quyền phép hay nhờ lòng đạo đức riêng của chúng tôi mà làm cho người này đi được?" Tông Ðồ Công Vụ 3:13
Sau đó, Thánh Phê-rô cắt nghiã cho dân chúng rằng không phải ông, nhưng chính Chúa Giêsu hành động qua ông mà làm cho người què đi được.
Như thế, không những Chúa Giêsu chỉ hiện diện trong Giáo Hội mà Người còn hoạt động qua Giáo Hội. Những người trong Giáo Hội được liên kết với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần và được tiếp tục đóng góp vào sứ mạng của Chúa trong trần gian.
Khi nói về sự kết hợp mầu nhiệm của Chúa Giêsu và Giáo Hội, Thánh Augustin viết, "Khi Giáo Hội rửa tội, đó cũng chính là Chúa Giêsu rửa tội."
Vài năm sau ngày Hiện Xuống, những người theo Chúa dần dần nhận thức rằng có những nghi thức của Giáo Hội đặc biệt hơn những nghi thức khác. Thí dụ, họ nhận thấy rằng khi rửa tội cho những người mới vào đạo, hoặc khi cùng nhau cử hành nghi thức Thánh Thể, Chúa Giêsu tác động trong họ một cách đặc biệt hơn. Vì thế, họ gọi những nghi thức này bằng một tên đặc biệt: bí tích.
Một trong những lần sử dụng chữ này đầu tiên được tìm thấy trong văn bản cổ xưa của một người Kitô giáo tên Tertullian. Ông ta so sánh việc rửa tội với chữ sacramentum mà người La Mã dùng để nói về nghi thức được cử hành cho những người mới gia nhập vào quân đội La mã. Cũng với tư tưởng này, những người Kitô Hữu đã được mời gia nhập vào Thân Thể của Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội.
Từ đó chữ này bắt đầu được dùng trong Giáo Hội. Nhưng không may một số Kitô Hữu đã dùng chữ này để gọi những nghi thức không mấy quan trọng trong Giáo Hội. Có lúc người ta có thể liệt kê ra 30 nghi thức của Giáo Hội được gọi là bí tích.
Dần dần, Giáo Hội dành chữ bí tích cho 7 trường hợp mà Chúa Giêsu Phục Sinh hành động qua cộng đồng dân Chúa một cách đặc biệt. Bẩy bí tích này được phân chia như sau:
Bí tích tháp nhập: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể.
Bí tích chữa lành: Hoà Giải, Xức Dầu Thánh.
Bí tích tuyên hứa: Hôn Phối, Truyền Chức Thánh.
Ðiểm này đưa ta đến ý nghĩa chính yếu của bí tích.
Chúa Giêsu không còn đến với mọi người hoặc gặp gỡ họ qua những hành động thể xác, vì Người không còn hiện diện giữa chúng ta qua thân xác loài người. Nhưng Chúa Giêsu hiện diện qua thân thể mầu nhiệm. Và chính qua những bí tích của thân thể mầu nhiệm này mà Chúa tiếp tục gặp gỡ mọi người.
Vì thế, mỗi bí tích có thể diễn tả là sự gặp gỡ cụ thể với Chúa Kitô phục sinh. Qua chữ cụ thể chúng ta muốn nói về sự liên quan đến xúc giác của chúng ta. Và qua chữ gặp gỡ chúng ta muốn nói về cuộc gặp gỡ mà trong đó Chúa giao tiếp với mọi người một cách riêng tư--cũng như Chúa đã giao tiếp với dân chúng trong thời Kinh Thánh.
Mấy chục năm về trước, nhà nhân chủng học Thor Heyerdahl đưa ra một giả thuyết là người tiền sử Nam Mỹ có thể di dân đến Polynesia bằng bè. Họ chỉ cần để cho dòng nước cuốn bè của họ trôi đi. Ðể chứng minh giả thuyết này, ông đóng một chiếc bè nhỏ và để nó trôi từ Nam Mỹ đến Polynesia.
Ðiều rất ngạc nhiên trong câu truyện này là ông Thor có một thời rất sợ nước! Làm sao một người đã từng sợ nước có thể vượt qua 4 ngàn dặm trên biển bằng một chiếc bè nhỏ?
Một sự kiện đã xẩy ra trong đời khiến ông không còn sợ nước. Một ngày nọ trong cuộc di hành của quân đội, chiếc ca-nô của ông bị lật gần một thác nước. Ông bị chìm xuống đáy sông. Khi chìm trong nước, ông bắt đầu cầu nguyện. Một sức mạnh dâng trào trong người ông, và ông vùng vẫy lên tới mặt nước. Sau đó, ông chiến đấu với dòng nước đang cuốn ông về thác nước. Vài phút sau ông tiến được vào bờ.
Kinh nghiệm này đã thay đổi con người ông Thor. Ở chỗ nào đó giữa dòng sông, con người cũ, tên Thor sợ nước đã chết và một người mới, tên Thor can đảm đã sinh ra. Nước của dòng sông đó là một tác động của sự chết và là một tác động của sự sống cho ông Thor.
Kinh nghiệm vào sinh ra tử của ông Thor đưa chúng ta đến một đề tài quan trọng trong Kinh Thánh:
Nước là một tác động của sự chết
và là một tác động của sự sống mới.
Sách Sáng Thế thuật lại trận đại hồng thuỷ tiêu hủy tất cả nhân loại ngoại trừ gia đình ông Nô-e. Như thế, nước của trận lụt đó hành động như một tác động của sự chết (của một thế giới tội lỗi) và cũng là một tác động của sự sống mới (của một thế giới ân sủng).
Cũng một ý tưởng này, sách Xuất Hành thuật lại câu truyện của dân Is-ra-en trốn từ Ai Cập vượt qua Biển Ðỏ. Vậy nước biển đây hành động như một tác động của sự chết (của đời nô lệ) và cũng là một tác động của sự sống mới (của cuộc sống biết sám hối).
Tóm lại, Kinh Thánh thường dùng nước như một biểu tượng: là một tác động của sự chết của đời sống cũ và cũng là một tác động của sự sống của đời sống mới.
Chúa Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, một thân hào Do Thái, trừ khi con người được rửa tội ("tái sinh bởi nước và Thánh Thần"), người ấy không thể vào được Nước Trời. Chúa Giêsu còn nói thêm, "Những người được cha mẹ sinh ra bằng xác thịt là xác thịt, những người được sinh ra bởi Thánh Thần là thần linh" (Gio-an 3:6).
Và vào cuối đời, trước khi lên trời về với Cha Người, Chúa Giêsu dặn bảo các môn đệ: "Vậy các con hãy đi rao giảng cho muôn dân và hãy làm phép rửa cho họ: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." Mát-thêu 28:19
Hai điều dậy bảo căn bản này đặt nền móng cho sự hiểu biết về Bí Tích Rửa Tội. Nghi thức Rửa Tội bao gồm hai nghi thức chính yếu:
dìm người vào nước (hay đổ nước lên người) trong khi
đọc những lời: "Ta rửa ngươi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần."
Nước dùng trong bí tích Rửa Tội cũng có một ý nghĩa như được dùng trong Kinh Thánh: Tác động của sự sống và sự chết. Nó là biểu tượng cho giai đoạn đi từ sự chết đến sự sống.
"Tội đã vào thế gian và theo sau tội là sự chết.
Kết quả là sự chết đã lan tràn khắp nhân loại vì mọi người đã phạm tội." Rô-ma 5:12
Tội nguyên thủy đã làm suy đồi nhân loại. Niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là Thiên Chúa đã hứa thương xót và cứu độ chúng ta. Và thật sự Thiên Chúa đã thể hiện điều đó.
Thiên Chúa đã gởi Con Một của Người xuống trần gian để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã trở thành con người, đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại (đời sống mới). Ðề cập đến cái chết và sự phục sinh để cứu chuộc của Chúa Giêsu, Thánh Phao-lô viết:
"Vì tội một người mà án phạt đã được tuyên bố cho mọi người thế nào, thì nhờ công phúc của một người mà ơn công chính ban sự sống cũng được phân phát cho mọi người như thế." Rô-ma 5:18
Qua bí tích Rửa Tội, Chúa Giêsu Phục Sinh nối kết chúng ta với Người và chia sẻ với chúng ta đời sống mới mà Người đã chiến thắng qua sự chết và sự sống lại của Người.
Và vì thế, nước được dùng trong bí tích Rửa Tội. Nước tượng trưng cho hành trình từ cái chết tinh thần đến sự tái sinh tinh thần trong Chúa Kitô. Nước tượng trưng cho đời sống tinh thần đang chết và đang sống lại với Chúa Kitô. Thánh Phao-lô viết:
"Bởi phép rửa... chúng ta đã được mai táng với Người trong sự chết; như vậy, Chúa Kitô nhờ vinh quang Chúa Cha mà sống lại từ các kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng được hưởng một đời sống mới như thế.
Bởi đã kết hợp mật thiết với Người và đã chết như Người, chúng ta sẽ được sống lại như Người."
Rô-ma 6:4-5
Những lời của Thánh Phao-lô đã giải thích lý do tại sao những Kitô hữu đầu tiên đã rửa tội những người tân tòng bằng cách nhúng họ vào một hồ lớn có nước luân lưu. Hình thức này được Giáo hội ngày nay chấp nhận và khuyến khích áp dụng, vì phương cách này tiêu biểu cho sự tham dự của họ vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu hơn cả. Một bài viết của Kitô hữu thời xưa diễn tả biểu tượng này như sau:
Các bạn được dẫn tới trước hồ nước thánh, giống như Chúa Kitô đã được mang xuống khỏi cây thánh giá và được đặt trong mồ...
Các bạn bị dìm vào trong nước...
Ðối với các bạn, lúc đó như ban đêm và các bạn không thể thấy gì.
Nhưng khi các bạn trồi lên, giống như đang tiến vào ánh sáng bao la của ban ngày.
Trong cùng lúc đó, bạn đã chết và đã được sống lại; nước cứu chuộc vừa là ngôi mộ (tác động của sự chết) và vừa là bụng cưu mang (tác động của sự sống.) Giáo lý Giê-ru-sa-lem
Do đó bí tích Rửa Tội có thể diễn tả như một gặp gỡ cụ thể với Chúa Giêsu Phục Sinh, trong đó Người kết hợp chúng ta với chính Người, cho chúng ta tham dự vào cái chết và sống lại trong đời sống mới của Người, tha tội chúng ta và cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa.
"Ðộc Sỉ" là một ông già ở Tân Guy-nê. Ông có cái tên này vì ông chỉ còn một cái răng ở hàm trên. Ðộc Sỉ mới trở lại đạo và hàng ngày ông dùng một ít thời giờ đọc Phúc Âm cho những bệnh nhân ở phòng đợi của một nhà thương miễn phí.
Một ngày kia, mắt của ông bị đau nên đọc rất khó. Ông đến bác sĩ để khám mắt. Bác sĩ cho ông biết một tin rất thảm khốc: ông sắp bị mù!
Hôm sau Ðộc Sỉ không đến phòng đợi của nhà thương như thường lệ. Người ta cũng không thấy ông trong những ngày tiếp đó.
Về sau, họ mới biết ông về một vùng bỏ hoang của bán đảo. Vị bác sĩ đến tìm gặp ông. Khi gặp lại, Ðộc Sỉ giải thích tại sao ông lại rời bỏ nơi ông ở:
"Kể từ khi bác sĩ cho hay tôi bị mù, tôi đã dành hết thời giờ để đọc và học thuộc lòng những phần quan trọng của Phúc Âm. Tôi thuộc lòng việc Chúa sinh ra, những phép lạ và những dụ ngôn quan trọng, sự chết và sự sống lại của Người. Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần để chắc chắn thuộc lòng những điều ấy.
Thưa bác sĩ, tôi sẽ trở lại nhà thương một ngày rất gần để nói về Chúa Giêsu cho những bệnh nhân ở đó."
Câu truyện trên đây rất thích hợp cho phần mở đầu của bí tích Thêm Sức. Nó làm sáng tỏ sự kiện là việc Thêm Sức tiếp tục tháp nhập chúng ta vào cộng đồng Giáo Hội qua việc Chúa Thánh Thần đổ tràn sức mạnh trên chúng ta
để làm chứng cho Chúa Giêsu, và
để tiếp tục công việc của Người.
Trước khi tìm hiểu việc Thêm Sức được cử hành như thế nào, chúng ta cùng đào sâu nguồn gốc Thánh Kinh của bí tích này.
Trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu bảo các môn đệ trở lại Giê-ru-sa-lem và nói rằng:
"Hãy đợi món quà mà Thầy đã nói với anh em, quà tặng mà Cha Thầy đã hứa ban... Trong một ít ngày nữa, anh em sẽ được thanh tẩy bởi Chúa Thánh Thần... Khi Chúa Thánh Thần đến trên anh em, anh em sẽ được tràn đầy sức mạnh, và anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất."
Sách Tông Ðồ Công Vụ 1:4-5,8
Vào ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái, các tông đồ với bà Maria, Mẹ Chúa Giêsu và một ít môn đệ đang tụ họp cầu nguyện tại một căn nhà ở Giê-ru-sa-lem.
Bỗng chốc từ trời có tiếng động rất mạnh phát ra, giống như tiếng gió bão và vang dội khắp nhà đang họp... Tất cả tràn đầy Chúa Thánh Thần và họ bắt đầu nói được các tiếng kỳ lạ, tuỳ theo Chúa Thánh Thần ban cho họ để nói.
Sách Tông Ðồ Công Vụ 2:2,4
Các Tông Ðồ, đến phiên họ truyền ban Chúa Thánh Thần cho các người tân tòng.
Ðược tin xứ Samaria đã tin lời Chúa, các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem liền cử các ông Phê-rô và Gio-an tới đó. Khi đến nơi, hai Tông Ðồ cầu nguyện cho họ để họ nhận lãnh Chúa Thánh Thần... Ông Phê-rô và Gio-an đặt tay trên đầu họ, và họ liền nhận lãnh Chúa Thánh Thần.
Sách Tông Ðồ Công Vụ 8:14-15,17
Chính trong bối cảnh Kinh Thánh này mà chúng ta tìm hiểu bí tích Thêm Sức. Nhờ bí tích này mà chúng ta được lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần như các Tông đồ đã lãnh nhận vào dịp lễ Hiện Xuống.
Những người tân tòng tiếp tục tháp nhập vào đời sống Kitô hữu bằng việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Phụng vụ về bí tích Thêm Sức gồm ba việc chính:
đặt tay xức dầu trên trán người tân tòng
đọc, "Hãy nhận lấy ấn tín Chúa Thánh Thần."
Ðặt Tay Trên Ðầu
Việc đặt tay trên đầu một người bắt nguồn từ Cựu Ước. Chẳng hạn khi Chúa chọn Joshua thay thế Mai-sen, Người nói với Mai-sen:
"Hãy nhận Joshua, con của Nun... và hãy đặt tay ngươi trên đầu Joshua. Hãy chuyển ban cho Joshua một số quyền bính của ngươi, để toàn thể Israel sẽ tuân lời Joshua..."
Mai-sen đã làm như Thiên Chúa đã truyền cho ông...
Mai-sen đặt tay lên đầu Joshua và tuyên bố Joshua là người kế vị ông.
Sách Dân Số 27:18, 20, 22-23
Do đó nghi thức đặt tay trên đầu một người biểu tượng sự mời gọi và việc thêm sức cho người đó để kiện toàn một công việc phục vụ đặc biệt.
Xức Dầu
Việc xức dầu cho một người cũng bắt nguồn từ Thánh Kinh. Chúa nói với Mai-sen:
"Ðây là điều ngươi hãy làm cho Aaron và các con của ông ta. Hãy thánh hiến họ như các thầy cả... Hãy khoác cho Aaron phẩm phục của thầy cả... Rồi lấy dầu và xức cho Aaron."
Sách Xuất Hành 29:1,5,7
Cũng thế, Chúa bảo Samuel xức dầu cho David để làm vua Israel. Người nói:
"Hãy lấy dầu ô-liu và đi đến Bethlehem, gặp một người tên Jesse, vì Ta đã chọn một trong những người con của hắn để làm vua."
Jesse cho người mời David...
Thiên Chúa nói với Samuel, "Ðây là kẻ được chọn, hãy xức dầu cho nó!"
Samuel lấy dầu ô-liu và xức dầu cho David.
Sách Samuel 16:1,12-13
Sau hết, Thánh Kinh nói đến các tiên tri được "xức dầu." Thiên Chúa nói với Ê-li-a:
"Hãy xức dầu cho Ê-li-sa... để kế vị ngươi là tiên tri."
Sách Các Vua Quyển I 19:16
Vì vậy nghi thức xức dầu trên đầu là một biểu tượng. Việc này đánh dấu sự mời gọi và ban sức mạnh trên tiên tri và thầy cả, hoặc vua để thực hiện một sứ vụ đặc biệt cho cộng đồng.
Các vua thời xưa xâm vào tay của binh lính một dấu hoặc "ấn tín." Dựa vào cách thực hành, một đoạn văn thời xưa đã nói về các Kitô hữu mới như sau:
Người lính được tuyển để phục vụ... nhận lãnh trên tay mình một dấu chỉ cho biết anh ta sẽ phục vụ cho vua nào. Ðối với các bạn cũng vậy, các bạn được chọn để phục vụ cho vua trên trời, và do đó sẽ mang dấu ấn của Người.
Và một đoạn văn khác đề cập đến những người Kitô hữu mới này:
Hãy đến và nhận lãnh dấu bí tích để nhờ đó các con được Thầy nhận diện.
Những thí dụ trên giúp chúng ta hiểu câu "Hãy nhận ấn tín của ân sủng Chúa Thánh Thần." Những chữ này có nghĩa là-
cũng cùng một Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ, thì bây giờ cũng được truyền lại cho chúng ta, và
sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là dấu chỉ đặc biệt, "ấn tín," cho biết chúng ta thuộc về Chúa Giêsu và chúng ta được mời gọi và được thêm sức để làm chứng nhân cho Người và để tiếp tục công việc của Người.
Vào ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ và kết hợp họ lại thành một thân thể, với Chúa Giêsu là đầu của thân thể (Colossians 1:18). Từ giây phút đó, Chúa Giêsu phục sinh không những chỉ hiện diện trong Giáo Hội nhưng còn hoạt động qua Giáo Hội. Bẩy hoạt động của Chúa Giêsu được gọi là bí tích. Hai bí tích này là Rửa Tội và Thêm Sức.
Rửa Tội có thể coi như là sự gặp gỡ cụ thể với Chúa Giêsu phục sinh mà trong đó Người nối kết chúng ta với Người, cho chúng ta chia sẻ trong sự chết và sự sống lại của Người, tha thứ tội lỗi chúng ta, và nhận chúng ta làm con Thiên Chúa.
Thêm Sức có thể coi như là sự gặp gỡ cụ thể với Chúa Giêsu phục sinh mà trong đó chúng ta được đóng dấu ân sủng tràn đầy của Chúa Thánh Thần, được kêu gọi và được thêm sức để làm chứng cho Chúa Giêsu và tiếp tục công việc của Người.