Bài này tóm lược 191 trang của Tông Huấn Laudato si’ và các điểm chính, cùng với một tóm lược từng chương của sáu chương. Tông Huấn kết thúc với lời cầu nguyện liên tôn giáo cho trái đất chúng ta và một lời cầu nguyện Kitô Giáo cho Tạo Vật.
“Loại thế giới nào chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu chúng ta là những người hiện đang lớn lên” (160). Câu hỏi này là tâm điểm của Laudato si’ (Xin tán dương Ngài), là Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Phanxicô được mong đợi về sự chăm sóc căn nhà chung. “Câu hỏi trên không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường và trong sự tách biệt; vấn đề này không thể được đề cập đến từng phần”. Câu hỏi này đưa chúng ta đến ý nghĩa của sự hiện hữu và giá trị của nó ở mức độ căn bản của đời sống xã hội: “Mục đích đời sống của chúng ta trong thế giới này là gì? Mục tiêu công việc làm và tất cả các nỗ lực của chúng ta là gì? Trái đất này cần gì nơi chúng ta?” “Trừ khi chúng ta trăn trở với các vấn đề sâu sa này – ĐGH nói – tôi không tin rằng sự lưu tâm của chúng ta về sinh thái sẽ đưa đến các kết quả có ý nghĩa.”
Tên của Tông Huấn được trích từ lời cầu của Thánh Phanxicô, “Lậy Chúa, xin tán dương Ngài”, trong “Bài Ca Ngợi của Các Tạo Vật” của thánh nhân. Nó nhắc nhở chúng ta rằng trái đất là căn nhà chung của chúng ta, nó “giống như một người chị mà chúng ta chia sẻ đời sống và là một người mẹ xinh đẹp mở rộng vòng tay ôm lấy chúng ta”. Chúng ta đã quên rằng “chính chúng ta chỉ là hạt bụi của trái đất; chính thân xác chúng ta được tạo dựng từ các nguyên tố của trái đất, chúng ta thở hít không khí của trái đất và nhận được sự sống và được tĩnh dưỡng từ nước của trái đất.”
Giờ đây, trái đất này, từng bị ngược đãi và lạm dụng, đang rên rỉ và than thở cùng với tất cả những người bị lãng quên trên thế giới. ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta hãy lắng nghe những than thở này, đức giáo hoàng thúc giục mỗi một và tất cả – cá nhân, gia đình, cộng đồng địa phương, các quốc gia và cộng đồng quốc tế – hãy “hoán cải về phương diện sinh thái”, theo như sự diễn tả của Thánh Gioan Phaolô II. Chúng ta được mời gọi để “đổi hướng” bằng cách đảm nhận công việc tốt đẹp là “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” và trách nhiệm của nó. Đồng thời, ĐGH Phanxicô nhận biết rằng “có sự gia tăng cảm nhận đối với môi trường và nhu cầu bảo vệ thiên nhiên, cùng với sự lưu tâm gia tăng, vừa chính đáng và lo buồn, về những gì đang xảy ra cho hành tinh của chúng ta”. Một tia hy vọng len qua toàn thể Tông Huấn mà rõ ràng nó đem lại một thông điệp hy vọng. “Nhân loại vẫn có khả năng cùng nhau làm việc để xây dựng căn nhà chung của chúng ta.” “Người nam và người nữ vẫn có khả năng can thiệp vào một cách tích cực.” “Tất cả không bị mất. Nhân loại, trong khi có thể tệ hại nhất, thì cũng có thể vượt trên chính mình, lại chọn sự thiện hảo, và làm một khởi sự mới.”
Chắc chắn ĐGH Phanxicô muốn nói đến các tín hữu Công Giáo khi trích lời của Thánh Gioan Phaolô II: “Về phần Kitô Hữu ‘hãy nhận biết trách nhiệm của mình trong các tạo vật, và nhiệm vụ của mình đối với thiên nhiên và Tạo Hóa, đó là một phần thiết yếu của đức tin’”. ĐGH Phanxicô đặc biệt đề nghị “hãy đi vào cuộc đối thoại với mọi người về căn nhà chung của chúng ta.” Cuộc đối thoại được nói đến trong toàn thể tài liệu này và trong chương 5, nó trở nên khí cụ để đề cập và giải quyết các vấn đề. Ngay từ đầu, ĐGH Phanxicô nhắc nhở rằng “các Giáo Hội và các cộng đồng Kitô Giáo khác – và cũng như các tôn giáo khác – cũng từng bày tỏ sự lưu tâm sâu xa và đã đưa ra những suy tư có giá trị” về đề tài sinh thái. Thật vậy, những góp phần như thế rõ ràng xuất hiện, khởi sự với “Thượng Phụ Bartholomew yêu dấu”, được trích dẫn rộng rãi trong các số 8-9. Sau đó, trong một vài trường hợp, ĐGH cảm ơn những người bênh vực cho nỗ lực này – cá nhân cũng như tổ chức và hiệp hội. Ngài nhận biết rằng “các suy tư của biết bao khoa học gia, triết gia, thần học gia và các nhóm dân sự, tất cả […] đã phong phú hóa tư duy của Giáo Hội về các thắc mắc này.” Người mời mọi người hãy nhận biết “sự đóng góp phong phú mà các tôn giáo có thể thực hiện đối với toàn bộ sinh thái và sự phát triển đầy đủ của nhân loại”.
Hành trình của Tông Huấn được vạch ra trong số 15 và được chia thành sáu chương. Mở đầu là phần trình bày hoàn cảnh hiện tại dựa trên những phát hiện khoa học tốt nhất có được ngày hôm nay, kế đến là nhìn lại Kinh Thánh và truyền thống Do Thái-Kitô Giáo. Căn nguyên của các vấn nạn trong kỹ thuật và trong việc tập trung quá đáng đến chính mình của nhân loại cũng được phân tích. Tông Huấn đề nghị một “toàn bộ sinh thái mà nó hiển nhiên tôn trọng chiều kích nhân bản và xã hội”, có liên quan chặt chẽ với vấn đề môi trường. Trong triển vọng này, ĐGH đề nghị hãy khởi sự một cuộc đối thoại thành thật ở mọi cấp bậc đời sống xã hội, kinh tế và chính trị mà nó đưa ra các phương pháp quyết định minh bạch, và người nhắc nhở rằng không đồ án nào có hiệu quả nếu không được thúc giục bởi một lương tâm chín chắn và có trách nhiệm. Các ý tưởng đã được đưa ra để giúp phát triển theo đường hướng này tại các cấp bậc giáo dục, tinh thần, giáo hội, chính trị và thần học. Tông Huấn chấm dứt với hai lời cầu nguyện: một được đưa ra để chia sẻ với bất cứ ai tin vào “Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng”, và một lời khác cho những ai tuyên xưng đức tin nơi Đức Giêsu Kitô, được nhấn mạnh bởi điệp khúc “Xin tán dương Ngài!” khi mở đầu và kết thúc Tông Huấn này.
Một vài chủ đề chính xuyên suốt tông huấn được trình bày từ nhiều quan điểm khác nhau, giăng ngang và nối kết Tông Huấn này: sự tương quan mật thiết giữa người nghèo và sự mong manh của hành tinh này, sự tin tưởng rằng mọi sự trong thế giới đều liên hệ với nhau, sự phê bình các mô thức và hình dạng mới của quyền lực xuất phát từ kỹ thuật, lời kêu gọi tìm kiếm các phương cách khác để hiểu biết về kinh tế và sự tiến bộ, giá trị thích hợp của từng tạo vật, ý nghĩa nhân bản của sinh thái, nhu cầu tranh luận thẳng thắn và thành thật, trách nhiệm nghiêm trọng của các chính sách quốc tế và địa phương, nền văn hóa phí phạm và đề nghị một lối sống mới.
Chương 1 – ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA CHO CĂN NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA (Ô nhiễm và thời tiết thay đổi; Ô nhiễm, từ chối và lối sống phung phí; Thời tiết như một ích lợi chung; Vấn đề nước; Mất tính cách đa dạng của sinh học; Sự suy thoái trong phẩm chất sự sống con người và sự đổ vỡ của xã hội; Sự bất công toàn cầu; Những phản ứng yếu ớt; Một vài quan điểm).
Chương này trình bày những phát hiện khoa học gần đây nhất về môi trường như một cách để lắng nghe tiếng kêu của tạo vật, “để trở nên đau đớn nhận thức, để dám biến đổi những gì đang xảy ra cho thế giới thành sự đau khổ cá biệt của chính mình và như thế khám phá ra điều mà mỗi người chúng ta có thể làm cho vấn đề này.” Vì thế chương này đối phó với “một vài khía cạnh của sự khủng hoảng hiện thời về sinh thái.”
Ô nhiễm và thời tiết thay đổi: “Thời tiết thay đổi là một vấn đề toàn cầu với những liên can nghiêm trọng, về môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và về sự phân phối tài nguyên; nó tiêu biểu cho một trong những thử thách lớn đang đối diện với nhân loại ngày nay.” Nếu “thời tiết là một lợi ích chung, lệ thuộc tất cả và có ý nghĩa cho tất cả”, ảnh hưởng lớn lao nhất của sự thay đổi này lại đổ trên người nghèo nhất, nhưng “nhiều người sở hữu các tài nguyên và quyền lực kinh tế hay chính trị lại dường như chỉ lưu tâm đến vấn đề che đậy các khó khăn hay giấu nhẹm các triệu chứng này.” “Việc chúng ta thiếu phản ứng với các thảm họa có liên quan đến các anh chị em của chúng ta cho thấy sự mất đi cảm nhận trách nhiệm đối với đồng loại mà trên đó mọi văn minh được thiết lập.”
Vấn đề nước: ĐGH nói rõ rằng “việc có được nước uống là một quyền căn bản và bao quát của con người, vì nó thiết yếu cho sự sinh tồn của con người và, như thế, là một điều kiện cho việc hành xử các quyền khác của con người.” Tước đoạt người nghèo quyền có được nước uống, điều đó có nghĩa từ chối “quyền lợi đối với một sự sống phù hợp với phẩm giá không thể chuyển nhượng của họ.”
Mất tính cách đa dạng sinh hóa: “Hàng năm có sự biến mất của hàng ngàn loại thực vật và động vật mà chúng ta sẽ không bao giờ biết, mà con cháu chúng ta sẽ không bao giờ thấy, vì chúng mất đi vĩnh viễn.” Chúng không là “nguồn năng” chỉ để khai thác, nhưng còn có một giá trị bên trong và tự bản chất. Trong quan điểm này “chúng ta phải biết ơn những nỗ lực đáng ca ngợi đang được thi hành bởi các khoa học gia và kỹ sư đang tận tụy tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề con người tạo ra”, nhưng khi sự can thiệp của con người chỉ để phục vụ cho tài chánh và chủ nghĩa tiêu thụ, “nó thực sự làm cho trái đất của chúng ta kém mầu mỡ và xinh đẹp, trở nên hạn hẹp và ảm đạm hơn.”
Sự suy thoái trong phẩm chất sự sống con người và sự đổ vỡ của xã hội: trong khuôn khổ của một lối xử thế của các tương giao quốc tế, Tông Thư cho biết làm thế nào một “món nợ sinh thái thực sự” hiện diện trong thế giới, với miền Bắc nợ miền Nam. Khi đối diện với sự thay đổi thời tiết, có nhiều “trách nhiệm phải phân biệt”, và trách nhiệm của các quốc gia phát triển thì lớn hơn.
Ý thức những khác biệt thâm sâu về các vấn đề này, ĐGH Phanxicô cho thấy chính người thực sự bị ảnh hưởng bởi “những phản ứng yếu ớt” của nhiều người và các dân tộc khi đối diện với thảm trạng này. Tuy không thiếu những thí dụ tích cực, cũng có một sự “tự mãn và khinh thường”. Một văn hóa đầy đủ thì thiếu sót cũng như không có sự sẵn sàng thay đổi lối sống, sự sản xuất và tiêu thụ, trong khi có những nỗ lực được thi hành “để thiết lập một khuôn khổ hợp pháp mà nó có thể đặt ra các ranh giới rõ ràng và đảm bảo việc bảo vệ các hệ sinh thái.”
Chương Hai – PHÚC ÂM CỦA SỰ TẠO DỰNG (Ánh sáng của đức tin; Khôn ngoan của các tường thuật Kinh Thánh; Bí ẩn của vũ trụ; Thông điệp của mỗi tạo vật trong sự hài hòa của sự tạo dựng; Sự hiệp thông hoàn vũ; Mục đích chung của những điều tốt lành; Ánh mắt của Đức Giêsu).
Để đối diện với những vấn nạn được minh họa trong chương trước, ĐGH Phanxicô chọn các tường thuật trong Kinh Thánh, cung cấp một cái nhìn toàn diện xuất phát từ truyền thống Do Thái-Kitô Giáo. Với điều này, người phát biểu rõ ràng về “trách nhiệm vô cùng lớn lao” của nhân loại đối với sự tạo dựng, sự liên hệ mật thiết giữa mọi tạo vật và sự kiện là “môi trường thiên nhiên là một tổng hợp tốt lành, là di sản của toàn thể nhân loại và là trách nhiệm của mọi người.”
Trong Kinh Thánh, “Thiên Chúa, đấng giải thoát và cứu độ, cũng là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, và hai phương cách hành động của Thiên Chúa thì có liên quan mật thiết và không thể tách rời”. Câu chuyện tạo dựng là tâm điểm để suy nghĩ về sự tương giao giữa con người và các tạo vật khác, và làm thế nào tội lỗi đã phá vỡ sự quân bình của mọi tạo vật trong sự toàn vẹn của nó: “Các tường thuật này gợi ý rằng sự sống con người được bám sâu vào ba chiều kích và chặt chẽ tương quan: với Thiên Chúa, với người chung quanh và với chính trái đất. Theo Kinh Thánh, ba sự tương quan sinh tử này đã bị đổ vỡ, cả bên ngoài lẫn bên trong chúng ta. Sự gián đoạn này là tội.”
Vì điều này, ngay cả nếu “Kitô Hữu chúng ta có lúc giải thích Kinh Thánh sai lầm, giờ đây chúng ta phải mạnh mẽ tẩy chay nhận thức rằng chúng ta được dựng nên trong hình ảnh của Thiên Chúa và được trao cho chủ quyền trái đất để bào chữa cho sự thống trị tuyệt đối trên các tạo vật khác”. Con người có trách nhiệm “cầy cấy và duy trì khu vườn của thế giới”, khi biết rằng “mục đích tối hậu của các tạo vật khác thì không được tìm thấy nơi chúng ta. Đúng hơn, các tạo vật đang tiến đến, với chúng ta và qua chúng ta, về một điểm chung, là Thiên Chúa”.
Vì con người không phải là chủ của vũ trụ, điều đó “không có nghĩa đặt mọi sinh vật ngang hàng với nhau và tước đoạt khỏi con người giá trị độc đáo của nó và trách nhiệm lớn lao kèm theo. Nó cũng không ám chỉ việc thần thánh hóa trái đất mà nó ngăn cản chúng ta không được làm việc trên đó và bảo vệ trái đất trong sự mong manh của nó.” Trong quan điểm này, “một cảm nghiệm hiệp thông sâu xa với phần còn lại của thiên nhiên thì không thể có thực nếu tâm hồn chúng ta thiếu sự ân cần, thương cảm và lưu tâm đến đồng loại của chúng ta.” Điều cần thiết là ý thức về sự hiệp thông hoàn vũ: “được gọi vào sự sống bởi một Chúa Cha. Tất cả chúng ta được liên kết với nhau bằng các mối giây vô hình và cùng nhau tạo thành một loại gia đình hoàn vũ, một sự hiệp thông siêu phàm mà nó ngập tràn chúng ta với sự tôn trọng thiêng liêng, trìu mến và khiêm tốn.”
Chương này chấm dứt với tâm điểm sự mặc khải Kitô Giáo: “Đức Giêsu trần thế” với “sự tương giao hiển nhiên và trìu mến với thế giới” thì “đã chỗi dậy và vinh hiển, và hiện diện trong khắp sự tạo dựng bởi Chủ Quyền hoàn vũ của Người “.
Chương ba – CON NGƯỜI LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ KHỦNG HOẢNG SINH THÁI (Kỹ thuật: sự sáng tạo và sức mạnh; Toàn cầu hóa mô thức kỹ trị [kỹ thuật làm chủ]; Khủng hoảng và ảnh hưởng của nhân trung thuyết hiện đại [lấy con người làm tâm vũ trụ]; Thuyết tương đối thực dụng; Nhu cầu bảo vệ công việc; Kỹ thuật sinh hóa mới).
Chương này đem cho một phân tích về tình trạng hiện thời, “để như thế không chỉ lưu ý đến các triệu chứng của nó nhưng còn các nguyên do sâu xa nhất”, trong một cuộc đối thoại với triết lý và các khoa nhân văn.
Những suy nghĩ về kỹ thuật là tâm điểm đầu tiên trong chương này: những đóng góp lớn lao cho việc cải thiện các điều kiện sinh sống thì được cảm kích. Tuy nhiên nó đem cho “những ai có kiến thức, và nhất là các nguồn kinh tế sử dụng chúng, một ưu thế đáng kể trên toàn thể nhân loại và toàn thể thế giới”. Chính tâm trạng ưu thế kỹ trị dẫn đến việc hủy hoại thiên nhiên và bóc lột người ta cũng như tầng lớp dân chúng yếu thế. “Mô thức kỹ trị còn có khuynh hướng chi phối đời sống kinh tế và chính trị”, nó không giúp chúng ta nhận ra rằng “thị trường, tự nó, không thể bảo đảm sự phát triển con người cách trọn vẹn và gồm cả xã hội.”
“Sự hiện đại được ghi dấu bởi một chủ thuyết nhân trung quá đáng”: con người không còn nhận ra vị trí đúng đắn của mình đối với thế giới và tự cho mình là trung tâm, chú ý quá đáng đến chính mình và quyền lực của mình. Điều này đưa đến các hậu quả trong kiểu cách “sử dụng rồi vất bỏ” mà nó bào chữa cho mọi loại phung phí, về môi trường cũng như con người, mà nó coi người khác cũng như thiên nhiên chỉ là các đồ vật và dẫn đến biết bao hình thức thống trị. Chính tâm trạng này dẫn đến việc bóc lột trẻ em, bỏ rơi người già, ép buộc người khác thành nô lệ và đánh giá quá đáng khả năng tự điều chỉnh của thị trường, việc buôn bán con người, bán da các con thú sắp bị tuyệt chủng và “các kim cương bằng máu”. Cũng chính tâm trạng này đưa đến các mafia, những người tham dự vào việc buôn bán cơ phận con người và ma túy và việc vứt bỏ các thai nhi vì chúng không đúng với những gì cha mẹ chúng muốn.
Trong phương diện này, Tông Huấn đề cập đến hai vấn đề nguy kịch của thế giới hôm nay. Trên tất cả là công việc: “bất cứ phương cách nào đối với sự toàn vẹn sinh thái, mà bởi định nghĩa không loại trừ con người, cần phải để ý đến giá trị của lao động,” bởi vì “khi ngừng đầu tư nơi con người, để được ích lợi tài chánh ngắn hạn nhiều hơn, đó là một sự kinh doanh xấu cho xã hội.”
Vấn đề thứ hai đối với những giới hạn của sự tiến bộ khoa học, hiển nhiên ám chỉ đến các GMO (Genetically Modified Organism – thay đổi gốc hữu cơ). Đây là một “vấn đề môi trường phức tạp”. Tuy “trong một số vùng việc sử dụng chúng đã đem lại sự phát triển kinh tế mà nó giúp giải quyết nhiều vấn nạn, nhưng vẫn còn một số khó khăn hiển nhiên không nên coi thường”, bắt đầu là “vùng đất mầu mỡ được tập trung vào tay của một vài chủ nhân”. ĐGH Phanxicô đặc biệt nghĩ đến các nhà sản xuất nhỏ và các nông dân, về tính cách đa dạng sinh hóa, và các hệ sinh thái. Do đó “một sự tranh luận rộng lớn, có trách nhiệm về khoa học và xã hội cần phải xảy ra, nó có thể xem xét đến mọi thông tin sẵn có và định danh chúng” khởi sự từ “cuộc nghiên cứu độc lập và đa ngành”.
Chương bốn – LIÊN ĐỚI SINH THÁI (Sinh thái môi trường, kinh tế và xã hội; Sinh thái văn hóa; Sinh thái của đời sống hàng ngày; Nguyên tắc của ích lợi chung; Công bằng giữa các thế hệ).
Tâm điểm điều Tông Huấn đưa ra là liên đới sinh thái như một mô thức mới của sự công bằng; một sinh thái “mà nó tôn trọng vị trí độc đáo của con người trong thế giới này và sự tương quan của chúng ta với chung quanh.” Thật vậy, “thiên nhiên không thể được coi như một điều tách rời khỏi chúng ta hay chỉ là một khung cảnh chúng ta sống trong đó.” Điều này thì đúng khi chúng ta tham dự trong vài lãnh vực: trong kinh tế và chính trị, trong các văn hóa khác nhau nhất là trong các văn hóa bị đe dọa nhiều nhất, và ngay cả trong mọi giây phút của đời sống chúng ta.
Quan điểm liên đới còn đưa các tổ chức sinh thái vào hành động: “nếu mọi thứ có liên quan thì sự lành mạnh của các tổ chức trong một xã hội có ảnh hưởng đến môi trường và phẩm chất đời sống con người. Mọi vi phạm đến sự đoàn kết và tình công dân sẽ gây thiệt hại cho môi trường.”
Với nhiều thí dụ cụ thể, ĐGH Phanxicô xác nhận sự suy nghĩ rằng “việc phân tích các vấn nạn môi trường không thể tách biệt với sự phân tích về con người, gia đình, các bối cảnh liên quan đến việc làm và đô thị, và các cá nhân tương quan với nhau thế nào.” “Chúng ta không đối diện với hai sự khủng hoảng tách rời, một về môi trường và một về xã hội, nhưng đúng ra là một khủng hoảng phức tạp gồm cả xã hội và môi trường.”
“Sinh thái con người không thể tách rời khỏi ý thức về ích lợi chung,” nhưng nó được hiểu một cách cụ thể. Trong bối cảnh hôm nay, trong đó, “sự bất công đầy dẫy và số người bị tước đoạt các quyền căn bản ngày càng gia tăng và có thể lan tràn”, tự quyết tâm với ích lợi chung có nghĩa việc lựa chọn sự liên đới được dựa trên “một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo nhất của anh chị em chúng ta.” Đây cũng là cách tốt nhất khi để lại một thế giới bền vững cho các thế hệ tương lai, không chỉ bởi sự công bố, nhưng bởi sự quyết tâm chăm sóc người nghèo ngày nay, như đã được nhấn mạnh bởi Đức Bênêđích XVI: “Ngoài một cảm nhận tốt hơn về sự liên đới giữa thế hệ còn có một nhu cầu luân lý cấp bách về một cảm nhận được canh tân là sự liên đới trong các thế hệ.”
Sự liên đới sinh thái còn bao gồm đời sống hàng ngày. Tông Huấn đặc biệt chú ý đến môi trường thành thị. Con người có khả năng lớn lao để thích ứng và “một sáng tạo đáng khâm phục cũng như sự độ lượng được thấy bởi những người và những nhóm mà họ phản ứng với những giới hạn của môi trường bằng cách làm vơi đi những ảnh hưởng không tốt của nơi chốn và học cách sống có hiệu quả giữa những rối loạn và bất ổn”. Tuy nhiên, sự phát triển đích thực bao hàm một sự cải tiến toàn diện về phẩm chất đời sống con người: nơi công cộng, nhà ở, chuyên chở, v.v.
Hơn nữa “việc chấp nhận thân xác chúng ta như quà tặng của Thiên Chúa thì quan trọng để đón nhận toàn thể thế giới như một quà tặng của Chúa Cha và như căn nhà chung của chúng ta, trái lại khi nghĩ rằng chúng ta được quyền tuyệt đối trên thân xác chúng ta, một cách tinh tế, nó thường trở thành ý nghĩ rằng chúng ta được quyền tuyệt đối trên sự tạo dựng”.
Chương năm – NHỮNG CÁCH TIẾP CẬN VÀ HÀNH ĐỘNG (Đối thoại về môi trường; Trong cộng đồng quốc tế; Đối thoại về các chính sách mới ở quốc gia và địa phương; Đối thoại và minh bạch trong sự quyết định; Chính trị và kinh tế trong cuộc đối thoại cho thành quả nhân bản; Tôn giáo trong sự đối thoại với khoa học).
Chương này đề cập đến vấn đề những gì chúng ta có thể và phải thi hành. Sự phân tích thì chưa đủ: chúng ta cần những đề nghị “cho cuộc đối thoại và hành động mà nó bao gồm mỗi cá nhân chúng ta kể cả chính sách quốc tế.” Chúng sẽ “giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoắn tự hủy diệt hiện đang nhận chìm chúng ta.” Với ĐGH Phanxicô đó là một mệnh lệnh khi hình thành các cách tiếp cận thực tế mà không chỉ được thi hành trong một phương cách lý tưởng, hời hợt hay thu hẹp. Vì điều này, sự đối thoại là thiết yếu, nó là một danh từ trên tựa đề của mỗi phần trong chương này. “Chắc chắn có những vấn đề môi trường mà không dễ để được nhiều người đồng ý. […] Giáo Hội không mạo muội giải quyết các thắc mắc khoa học hay thay thế chính trị. Nhưng tôi muốn khích lệ một cuộc tranh luận thành thật và cởi mở, như thế những quyền lợi hay các hệ tư tưởng nào đó sẽ không gây thiệt hại cho ích lợi chung.”
Trên căn bản này, ĐGH Phanxicô không sợ lên án các động lực quốc tế một cách nghiêm khắc: “Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Tế gần đây về môi trường đã không đáp ứng những mong đợi vì, thiếu quyết tâm về chính trị, họ không thể đạt được những thỏa thuận thực sự có ý nghĩa và hiệu quả về môi trường.” Và người hỏi “Tại giai đoạn này, điều gì xui khiến người ta bám víu lấy quyền lực mà họ chỉ được nhớ đến về sự thiếu khả năng hành động khi cấp bách và cần thiết phải làm như vậy?” Thay vào đó, điều cần thiết như ĐGH từng lập lại vài lần, bắt đầu từ “Pacem in terris” (hòa bình trên mặt đất), là những hình thức và khí cụ để cai quản toàn cầu: “một thỏa thuận về các hệ thống cai quản cho một chuỗi những điều được gọi là ‘dân chúng toàn cầu’”, khi thấy rằng “sự bảo vệ môi trường không thể được bảo đảm chỉ dựa trên những tính toán tài chánh về phí tổn và lợi ích. Môi trường là một trong những của cải mà không thể bảo vệ hay cổ vũ chỉ bởi các sức lực thị trường” (190, Bản Tóm Tắt Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội).
Trong chương năm này, ĐGH Phanxicô nhấn mạnh đến sự phát triển các tiến trình quyết định thành thật và minh bạch, để “phân định” những chính sách và khởi xướng kinh doanh nào có thể đem lại “sự phát triển toàn bộ đích thực”. Nhất là, một sự nghiên cứu ảnh hưởng môi trường thích hợp của “các kinh doanh và đồ án mới đòi hỏi các tiến trình chính trị minh bạch gồm sự trao đổi các quan điểm cách tự do. Đàng khác, các hình thức tham nhũng mà nó che giấu ảnh hưởng môi trường thực sự của một đồ án để đổi lấy các đặc ân thường tạo nên những thỏa thuận ở bề ngoài, nó không thông tin đầy đủ và không cho phép sự tranh luận đầy đủ.”
Lời kêu gọi quan trọng nhất được gửi đến những người có chức vụ chính trị, có như thế họ tránh xa “một não trạng ‘hiệu năng’ và ‘trực tiếp’ đang quá thịnh hành ngày nay: ‘nhưng nếu họ can đảm, họ sẽ sống thật với phẩm giá Chúa ban và để lại một chứng cớ của tinh thần trách nhiệm vị tha’.”
Chương sáu – GIÁO DỤC VỀ SINH THÁI VÀ TINH THẦN (Hướng đến một lối sống mới; Giáo dục cho một giao ước giữa loài người và môi trường; Sự hoán cải về sinh thái; Niềm vui và hòa bình; Yêu mến công dân và chính trị; Dấu chỉ bí tích và vui mừng nghỉ ngơi; Ba ngôi và những tương quan giữa các tạo vật; Nữ hoàng của mọi tạo dựng; Trên cả mặt trời).
Chương sau cùng mời mọi người đến tâm điểm của sự hoán cải sinh thái. Những nguồn gốc của các khủng hoảng văn hóa thì sâu đậm, và không dễ để uốn nắn lại các thói quen và lối đối xử. Giáo dục và huấn luyện là những thách đố chính: “thay đổi là điều không thể nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục” (15). Mọi khoản giáo dục đều phải tham dự, chính yếu “ở trường, trong gia đình, trong truyền thông, trong giáo lý và mọi nơi khác.”
Điểm khởi đầu là “nhắm đến một lối sống mới,” mà nó còn mở ra một khả dĩ là “tạo áp lực lành mạnh trên những ai đang nắm quyền chính trị, kinh tế và xã hội.” Đây là điều xảy ra khi những lựa chọn của giới tiêu thụ có thể “thay đổi đường lối doanh nghiệp hoạt động, buộc họ phải nghĩ đến vết tích môi trường và khuôn mẫu sản xuất của họ.”
Tầm quan trọng của việc giáo dục môi trường thì không thể coi thường. Nó có thể ảnh hưởng đến những hành động và thói quen hàng ngày, giảm bớt sự tiêu thụ nước, phân loại các đồ phế thải và ngay cả “tắt những bóng đèn không cần sáng”: “Một liên đới sinh thái còn được tạo nên bởi những hành động đơn giản hàng ngày mà nó phá vỡ sự bạo lực, bóc lột và ích kỷ.” Mọi sự sẽ dễ khởi sự hơn với kết quả chiêm niệm xuất phát từ đức tin: “là tín hữu, chúng ta không nhìn đến thế giới từ bên ngoài nhưng từ bên trong, ý thức về những ràng buộc mà qua đó Chúa Cha đã nối kết chúng ta với mọi người. Khi phát triển cá nhân chúng ta, các khả năng Chúa ban, một sự hoán cải sinh thái có thể linh hứng chúng ta đến sự sáng tạo và hăng hái hơn.”
Như được đưa ra trong Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Phúc Âm): “khi sống tự do và có ý thức, sự điều độ là giải thoát”, cũng như “hạnh phúc có nghĩa biết giới hạn một số nhu cầu chỉ làm chúng ta giảm bớt, và mở lòng đón nhận nhiều khả dĩ khác mà đời sống có thể đem lại.” Trong phương cách này “chúng ta phải lấy lại sự tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta cần lẫn nhau, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ với người khác và thế giới, và khi trở nên tốt lành và tử tế điều đó có giá trị.”
Các thánh cùng đi với chúng ta trong hành trình này. Thánh Phanxicô, được nêu ra một vài lần, là “tấm gương thượng hạng về việc chăm sóc người yếu đuối và về một liên đới sinh thái đã sống ngập tràn niềm vui và đáng tin”. Người là gương mẫu của “mối giây không thể tách biệt giữa sự lưu tâm đến thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, tận tụy với xã hội, và bình an nội tâm.” Tông Huấn cũng nhắc đến T. Bênêđích, T. Têrêsa Lisieux và Cp Charles de Foucauld.
Sau tông huấn Laudato si’, việc thường xuyên duyệt xét lương tâm, là phương tiện mà Giáo Hội luôn đề nghị để định hướng đời người theo ánh sáng của sự tương giao với Chúa, phải bao gồm một chiều kích mới, không chỉ nghĩ đến việc sống hiệp thông với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình, nhưng còn với mọi tạo vật và với thiên nhiên.
Pt Giuse Trần Văn Nhật lược dịch
theo http://www.news.va/en/news/overview-of-the-encyclical-laudato-si