Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Lời mời gọi của Người đã trở thành yếu tố cốt lõi, nền tảng của đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, đây chính là ơn gọi của mỗi Kitô hữu – dù ở bất cứ cương vị nào trong giáo hội. Thế nhưng, xem ra việc đáp lại lời mời gọi này của Người lại không dễ dàng chút nào. Trong thân phận yếu đuối của con người, mỗi chúng ta đều đã và đang cảm nhận được sự khó khăn trong tiến trình vươn tới sự hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn. Điều này làm cho mỗi chúng ta ngần ngại bước tiếp hành trình. Từ góc nhìn của tâm lý học, xin chia sẻ một đôi cảm nhận đã khiến cho tiến trình này có những khó khăn.
Động cơ là một trong những vấn đề được các nhà tâm lý học quan tâm nghiên cứu từ lâu. Theo các nhà nghiên cứu, nó là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của con người. Thiếu vắng một động cơ, con người cũng sẽ thiếu vắng những dấn thân, hoạt động trong mọi lĩnh vực. Trong cuộc sống tâm linh cũng thế! Người Kitô hữu cũng sẽ chẳng bao giờ dấn thân cách tích cực cho tiến trình nên hoàn thiện của mình, nếu họ thiếu vắng một động cơ nên thánh của bản thân.
Theo A. Maslow, động cơ của con người gắn liền với nhu cầu của mỗi cá nhân. Ông đưa ra thang bậc nhu cầu của con người từ thấp đến cao như sau: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu thuộc về (yêu và được yêu), nhu cầu sự quý trọng (tự trọng và sự quý trọng), nhu cầu tự thể hiện bản thân. Theo ông, con người khi đã đạt được hay thỏa mãn nhu cầu bậc thấp sẽ nảy sinh nhu cầu bậc cao hơn trong thang bậc nhu cầu này. Lẽ dĩ nhiên, việc thỏa mãn mỗi thang bậc nhu cầu này sẽ tùy thuộc vào từng mỗi cá nhân. Bởi thế, có những người dù rất nghèo về vật chất, ở trong một môi trường thiếu sự an toàn nhiều thứ… vẫn có thể đạt tới nhu cầu ở thang bậc cao nhất của con người.
Đàng khác, trong cách lý giải của ông, khi một người đạt tới sự thỏa mãn ở thang bậc cao nhất là tự thể hiện bản thân, họ có những đặc tính như: nhận thức thực tại cách chính xác và đầy đủ, biết chấp nhận mình và người khác, có sự đánh giá liên tục để đổi mới, có những kinh nghiệm thần bí, quan tâm tới mọi người,….Đây chính là những phẩm chất chúng ta thấy không thể thiếu nơi các vị thánh trong hội thánh Công giáo. Điều này gợi nhắc mỗi chúng ta rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên hoàn thiện ngay trên nền tảng của con người rất nhân văn của mỗi chúng ta.
Vấn đề đặt ra cho mỗi người suy nghĩ là chính chúng ta đang thiếu mất một sự khát khao, một nhu cầu, một động cơ nên “hoàn thiện như Cha trên trời”. Bao lâu chúng ta còn thiếu vắng điều này, bấy lâu con đường nên hoàn thiện vẫn còn là điều gì đó xa vời, và đầy khó khăn của chúng ta. Trái lại, bao lâu chúng ta đã có được một khát khao cháy bỏng, một nhu cầu ở tầng bậc cao,… chính lúc đó, chúng ta đã và đang ở trong tiến trình nên hoàn thiện mỗi ngày.
Dù chúng ta đã bước vào tiến trình nên hoàn thiện với một động cơ mãnh liệt, chúng ta vẫn cảm thấy con đường phía trước vẫn quá xa vời. Và đàng khác, chúng ta vẫn đã và đang cảm thấy một hố sâu khó vượt qua khi đối diện với sự thật của con người chúng ta và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đã không ít người, dù có một động cơ đích thực vẫn phải bỏ dở hành trình này bởi lý do trên.
Alfred Adler – nhà phân tâm học – trong học thuyết “Siêu đẳng và bù trừ”, đã cho rằng: mỗi cá nhân đều mang những cảm giác thiếu hụt trong đời sống của mình khi khám phá ra sự thật về con người mình. Chính sự nhận biết về cảm giác này đã khiến nhiều người đã nỗ lực để bù trừ lại cho những thiếu hụt của bản thân. Sự nỗ lực và kiên trì này đã giúp họ thành công và trở thành những cá nhân vượt trội về chính điều mà họ thiếu hụt trước đó. Trái lại, có không ít người, khi nhận biết cảm giác thiếu hụt của bản thân, thay vì nỗ lực và kiên trì để bù lấp khoảng trống đó, họ lại bỏ cuộc và rơi vào mặc cảm tự ti về sự thiếu hụt của bản thân mình.
Trong tiến trình nên hoàn thiện của chúng ta, khi đối diện với Thiên Chúa – khuôn mẫu của sự thánh thiện – cảm giác thiếu hụt sự thánh thiện của chúng ta sẽ không thể lấp đầy bằng sự nỗ lực và kiên trì theo cách lý giải của A. Adler. Sự nỗ lực và kiên trì của chúng ta là rất cần thiết nhưng chưa đủ. Tiến trình nên thánh cần phải được hỗ trợ và lấp đầy bởi chính Đấng là sự Toàn Thánh. Thiếu vắng sự lấp đầy này, nỗ lực và sự kiên trì của con người khó có thể đạt được đích điểm của sự toàn thiện.
Đọc lại tiểu sử các vị thánh trong giáo hội, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra điều này. Không có vị thánh nào không nhận ra cảm giác thiếu hụt sự thánh thiện của mình khi hiện diện trước Thiên Chúa. Động cơ nên thánh mãnh liệt đã thúc đẩy các đấng nỗ lực và kiên trì suốt dọc tiến trình nên thánh của các đấng. Nhưng điều quan trọng hơn, khi ý thức sự khốn cùng của bản thân, các đấng liều mình để lao vào với Đấng Toàn Thiện và để Người lấp đầy sự thánh thiện trên các đấng.
Bước vào tiến trình nên hoàn thiện không gì khác hơn chính là bước vào trong con đường tình mang tên Giêsu. Con đường tình này không chỉ được thiết lập một lần thay cho tất cả, nhưng đó là một tiến trình cần được tiếp tục làm sinh động. Nói cách khác, trong cuộc tình của mình, mỗi người cần phải biết luôn sáng tạo để tạo nên vẻ đẹp mới của tương giao tình yêu của họ.
Erich Fromm trong cuốn “phân tâm học tình yêu” đã cho rằng tình yêu là một nghệ thuật. Bởi chính vì là nghệ thuật mà những người đang yêu chính là những người người nghệ sĩ, người có khả năng sáng tạo chứ không bắt chước hoặc sao chép của người khác.
Trong hành trình của cuộc tình mang tên Giêsu, Thiên Chúa – Người Tình, luôn có những cách thức rất riêng tư và độc đáo để diễn tả tình yêu của Người. Phần còn lại là mỗi chúng ta sẽ tạo nên những cách thức yêu độc đáo và riêng tư của chúng ta như thế nào. Cách thức độc đáo đó được diễn tả trong cách mà những người đang yêu hẹn hò, gặp gỡ và sống tương giao riêng tư với nhau. Kinh nguyện và cử hành phụng vụ là cách thức diễn tả rất quan trọng và cần thiết để thiết lập nên tương giao với Chúa trong cuộc tình này. Thế nhưng, điều đó chưa đủ để làm nên một cuộc tình. Bởi lẽ, chúng ta có thể ví von những điều này như những “lệ luật” để chúng ta thuộc về “gia đình chồng/vợ”. Chúng chưa đủ để làm nên một cuộc tình thực sự vì nó chưa diễn tả đủ chiều kích riêng tư giữa “những người đang yêu”. Bởi thế, rất cần có những sáng tạo để tạo nên những khoảnh khắc riêng tư giữa ta với Người.
Đàng khác, nhịp đều đặn của đời sống kinh nguyện chung cũng có nguy cơ làm chúng ta “bão hòa” cảm xúc. Sự bão hòa này có thể làm cho chúng ta mất đi những cảm xúc mới mẻ để có thể phát triển thành những nét độc đáo, mới mẻ trong tương giao cuộc tình với Chúa. Những cách thức riêng tư của từng mỗi người với Thiên Chúa luôn là điều cần thiết và chỉ từng mỗi cá nhân mới có thể thiết lập cho riêng mình cuộc hẹn hò với Người. Chính những cuộc hẹn hò riêng tư, cùng với những kinh nguyện chung sẽ góp phần làm nên một cuộc tình trọn vẹn. Nói cách khác, nó góp phần dẫn mỗi người đi sâu hơn vào trong tiến trình nên hoàn thiện.
Trong thuyết “Tam diện của Tình yêu”, Robert Sternberg cũng cho rằng, một tình yêu đích thực và hoàn hảo phải có đủ ba yếu tố: sự thân tình, giao ước và sự say đắm. Thiên Chúa, trong cuộc tình với con người cũng đã từng diễn tả một tình yêu với đủ ba yếu tố này. Phần chúng ta, bước vào trong tiến trình của cuộc tình này cũng không thể thiếu một trong ba. Những Bí tích của giáo hội là con đường tuyệt hảo để mỗi người góp đủ ba yếu tố của tình yêu đích thực này. Nói cách khác, con đường nên hoàn thiện của mỗi chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thiện nếu thiếu vắng các bí tích trong tiến trình này. Bởi lẽ, theo R. Sternberg, không đủ ba yếu tố, tương giao đó sẽ chỉ là những dạng thức bất thường của tình yêu với những tên gọi như: sự thích nhau, tình yêu bầu bạn, tình yêu trống rỗng, tình yêu ngây ngô, tình yêu gắn bó, tình yêu lãng mạn.
Trong đời sống thiêng liêng, khi chúng ta đang sống trong tương giao bất thường của tình yêu với Chúa, chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ đi vào trong tiến trình của con đường nên thánh thực sự. Những gắn kết thực sự với các bí tích sẽ giúp chúng ta kết dệt một tình yêu đích thực với Thiên Chúa. Và hơn thế nữa, đó chính là một tương giao để Thiên Chúa đổ tràn sự thánh của Người vào trong cõi lòng mỗi chúng ta.
Hành trình nên hoàn thiện không kéo chúng ta ra khỏi thực tại đời sống con người. Sự thánh thiện của mỗi người cũng không thể xây dựng trên những con người sống ảo nhưng trên nền tảng của con người thật. Tiến trình này phải khởi đi từng bước: thành nhân – thành công – thành thánh. Sự đóng góp của tâm lý học không phải là thừa trong tiến trình này. Đọc lại đôi gợi ý từ tâm lý học cho tiến trình này cũng là lúc chúng ta được mời gọi để bắt đầu lại cho tiến trình nên thánh của chúng ta. Vấn đề cần thiết cho khởi đầu mới của chúng ta lúc này sẽ là: xác định lại một nhu cầu, sự khát khao và động lực cần thiết cho tiến trình này; mở rộng cõi lòng để Thiên Chúa lấp đầy sự thánh thiện của Người trong mỗi chúng ta; và từng bước đi vào trong tiến trình hoàn hảo của cuộc tình giữa Người với ta trong nhịp chảy chung của mẹ Giáo hội.
Mong thay!