Hiện ra với các tông đồ buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Kitô thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ " (Ga 20, 22 - 23).
Thánh Thần là Hồng ân của Chúa Cha và của Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa Kitô Phục Sinh tràn đầy Thần Khí, chia sẽ Thần Khí cho tất cả chúng ta. Chúa Cha sai Người đến trần gian để cứu độ trần gian, ban cho trần gian sự sống của Thiên Chúa. Sự Sống ấy là Thần Khí của Thiên Chúa và của Đấng Chúa Phục Sinh; chúng ta chỉ có thể đón nhận Thần Khí từ Chúa Phục Sinh. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh là điều tối quan trọng đối với Hội Thánh và đối với mỗi người, vì là sự gặp gỡ mang lại sự sống.
Theo sách Giáo Lý Chung, trong ngày lễ Hiện xuống, Hội Thánh được Thiên Chúa ban tràn đầy Thánh Thần và giới thiệu cho thế giới. Ngày lễ Hiện Xuống cũng là ngày Chúa Nhật, ngày mà Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe (Cv 2, 33).
Hồng ân Thánh Thần khai mở một thời đại mới trong chương trình cứu độ: thời đại của Hội Thánh; thời mà Chúa Kitô biểu lộ, hiện diện và thông ban ơn cứu độ qua Phụng Vụ của Hội Thánh cho tới khi Người lại đến (SGLC số l076).
Theo tông thư Dies Domini, ngày Chúa Nhật còn là ngày của ân sủng Thần Khí. Lễ Vượt Qua hằng tuần, trở thành Lễ Hiện Xuống hằng tuần, trong đó, người Kitô-hữu sống lại kinh nghiệm vui mừng của các tông đồ gặp được Đấng Phục Sinh và để cho làn hơi Thần Khí của Người làm cho sống động (xem Dies Domini số 28).
Nếu làm nổi bật được chiều kích thánh linh học của ngày Chúa nhật, khoa mục vụ về ngày Chúa Nhật sẽ trở nên phong phú và sống động hơn. Vai trò của Chúa Thánh Thần, nếu được thể hiện rõ nét trong Phụng Vụ ngày Chúa Nhật, thì Dân Chúa sẽ được phấn khởi hân hoan trong ngày ấy.
Trong Phụng Vụ, Chúa Thánh Thần là nhà giáo dục đức tin của Dân Chúa. Chúa Thánh Thần mong muốn cho chúng ta được sống bằng chính sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh, và Người hoạt động mạnh mẽ để thể hiện điều đó. Hãy để cho Chúa Thánh Thần dùng Phụng Vụ ngày Chúa Nhật mà giáo dục Dân Chúa. Hãy cộng tác mật thiết với Chúa Thánh Thần trong việc tổ chức Phụng Vụ ngày Chúa Nhật.
Trước hết chúng ta phải biết thật rõ ràng vai trò của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ và làm cho Dân Chúa được biết. Trong Phụng Vụ bí tích, Chúa Thánh Thần cũng hoạt động như trong lịch sử cứu độ.
Cần phải nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị này và sự cộng tác của các thừa tác viên, của nhiều thành phần khác trong Dân Chúa vào công việc hết sức trọng đại là cử hành ngày Chúa Nhật. Chúng ta càng tích cực bao nhiêu trong công việc chuẩn bị, thì càng hợp tác chặt chẽ với Chúa Thánh Thần bấy nhiêu. Nhờ sự hợp tác của chúng ta, mà Phụng Vụ trở nên công trình chung của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.
Mọi sự đều góp phần vào công trình chung ấy, từ việc tập hát của ca đoàn, đến việc chuẩn bị các bài đọc Kinh Thánh, từ việc dọn bài giảng đến việc soạn các lời nguyện tín hữu. Nhưng việc chuẩn bị quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tâm hồn cho chính mình và cho người khác. Sách Giáo Lý Chung nhấn mạnh nhiều đến việc chuẩn bị này: Cộng đoàn phải được chuẩn bị để gặp gỡ Chúa của mình, phải là một dân đã sẵn sàng. Chuẩn bị tâm hồn là công việc chung của Chúa Thánh Thần và của cộng đoàn, nhất là của các thừa tác viên. Chúa Thánh Thần ban ơn khơi dậy đức tin, hoán cải tâm hồn và giúp người tín hữu gắn bó với thánh ý Chúa Cha. Người tín hữu phải được chuẩn bị như thế, mới có thể đón nhận những hoa trái của Sự Sống mới mà phụng Vụ mang lại (SGLC số 1098).
Chúa Thánh Thần là Ký Ức Sống Động của Giáo Hội. Không có Chúa Thánh Thần, mọi sự rơi vào quên lãng, hay chỉ thuần túy là quá khứ, không liên hệ gì tới hiện tại. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu biến cố cứu độ mà chúng ta cử hành; Người làm cho Lời Chúa được loan báo trở thành lời ban sự sống. Người giúp cho chúng ta lắng nghe, đón nhận và sống Lời Chúa. Người ban cho người đọc và người nghe hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của lời Kinh thánh.
Chính Lời cứu độ nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn tín hữu; chính đức tin này khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu. Việc công bố lời Chúa không dừng lại ở lời giảng dạy, nhưng mời gọi người nghe đáp trả bằng đức tin, nghĩa là họ phải ưng thuận và dấn thân vào giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Cũng chính Chúa Thánh Thần ban ơn đức tin và giúp đức tin lớn lên và vững mạnh trong cộng đoàn (SGLC số 1102).
SGLC nói rất rõ là khi chúng ta cử hành thánh lễ, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô được cử hành, chứ không phải được lặp lại. Chúng ta lập lại việc cử hành, và mỗi lần như thế Chúa Thánh Thần hiện tại hóa mầu nhiệm độc nhất này (số 1104).
Lời cầu xin ban Thánh Thần là lời nguyện vị tư tế dâng lên Chúa Cha, để Người cử Thánh Thần thánh hóa đến làm cho lễ vật trở nên Mình và Máu Chúa Kitô và làm cho các tín hữu cũng trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa khi họ rước Mình và Máu Thánh (SGLC số 1105).
Chính Chúa Thánh Thần kitô-hóa bánh rượu, làm cho Chúa Kitô hiện diện đích thực và bản thể ở giữa chúng ta. Nhưng mắt phàm chúng ta không thấy mà phải dùng đức tin; chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần.
Nếu người Kitô-hữu hiểu rằng chính Chúa Thánh Thần làm cho họ gặp được Chúa Ki tô Phục Sinh trong Thánh Lễ, thì ngày Chúa Nhật sẽ là ngày vui mừng phấn khởi nhất cho họ.
Trong mọi hoạt động phụng vụ, Chúa Thánh Thần được cử đến để giúp chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô nhằm hình thành thân thể người. Như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, Chúa Thánh Thần trổ sinh hoa trái nơi các thánh (SGLC số 1108).
Trong mọi thánh lễ chúng ta cử hành, nhất là trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, Hội Thánh đạt được mục tiêu của mình là nên một với Chúa Kitô. Mỗi người Kitô-hữu cũng thế, đều đạt được mục đích đời sống của mình trong thánh lễ ngày Chúa Nhật. Họ thật là hạnh phúc trong thánh lễ và nhờ thánh lễ. Chúa Thánh Thần là ơn Thông Hiệp làm cho cả Hội Thánh và từng người Kitô-hữu thực hiện được điều đó.
Đó là một điều siêu nhiên, cao vời, nhưng có thực. Những ai ý thức rằng Thánh Lễ là một công việc thần thiêng, công việc siêu nhiên quan trọng nhất của Hội Thánh sẽ cảm nghiệm được chân lý ấy. Sống thánh lễ là sống ơn thông hiệp trong chính lúc cử hành, để rồi ân sủng của buổi cử hành tiếp tục tác động trên cuộc sống hằng ngày.
Truyền thống Giáo Hội đông phương coi Phụng Vụ và nhất là việc cử hành Thánh Lễ, vừa như bài thi ca của Chúa Thánh Thần, vừa như lời khẩn nguyện của Giáo Hội xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần nhờ công nghiệp Chúa Kitô.
Giáo Hội đông phương còn nhấn mạnh đến Thánh Thần trong Mình và Máu Thánh Chúa:
Lửa và Thánh Thần trong Dạ của Mẹ Người
Lửa và Thánh Thần trong nước sông Giođan
Lửa và Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội
Lửa và Thánh Thần trong Bánh và Chén (Ephrem).
Trong nghi lễ Byzantin, trước khi linh mục rước Mình và Máu Thánh Chúa và phân phát cho dân chúng, có nghi thức gọi là Zeon: phó tế rót một chút nước nóng vào chén Máu Thánh.
Chúa Thánh Thần được các giáo phụ đông phương coi là Hạnh Phúc, Niềm Vui, Hoan Lạc của Thiên Chúa và ở trong Thiên Chúa. Ngày Chúa Nhật là ngày mà Chúa Thánh Thần thích dùng để làm hoan lạc lòng người, vì là ngày của Chúa Phục Sinh, ngày hát Allêluia để chúc tụng Thiên Chúa.