Thực sự Đức Maria như thế nào? Có lẽ không thể nào chúng ta biết được, nhưng các cuộc nghiên cứu mới về lịch sử của người có thể giúp cho cuộc tìm kiếm của chúng ta.
Mỗi thế hệ và mỗi nền văn hóa đều có những dẫn giải khác nhau về Đức Maria. Bạn có thể chìm ngập trong biết bao truyền thống khác nhau khi vinh danh Đức Maria! Thử nghĩ đến các tranh vẽ, tượng ảnh, âm nhạc, phụng vụ, lễ kính, các văn bản tâm linh, các hệ thần học và các học thuyết chính thức. Mới đây, George Tavar viết một cuốn sách mang tựa đề rất đúng: Hàng Ngàn Diện Mạo của Trinh Nữ Maria.
Dường như dung mạo của Đức Maria cho phép trí tưởng tượng của Kitô Hữu vẽ ra một cách rất khác biệt và rất sáng tạo về người. Nhưng bây giờ đến lượt chúng ta, thế hệ của ngày hôm nay. Chúng ta phải suy nghĩ thế nào về Đức Maria (hoặc Miriam, như trong tiếng cổ Do Thái)?
Chúng ta biết rất ít về Miriam ở Nagiarét về phương diện tiểu sử. Trong khung cảnh này, người có liên đới với biết bao người qua các thế hệ, nhất là những người nghèo, mà đời sống của họ chẳng có gì đáng để ghi nhận lại. Chúng ta cũng phải tôn trọng sự khác biệt có tích cách lịch sử của người với chúng ta theo thời gian và nơi chốn. Người là một phụ nữ Do Thái sống trong thế kỷ thứ nhất; người không phải là một phụ nữ của thế kỷ 21. Và sự khác biệt đó phải được tôn trọng.
Bốn cuốn Phúc Âm miêu tả người trong các kiểu cách khác nhau, phản ánh sự khác biệt về thần học của các tác giả. Thoạt mới nhìn, Máccô có quan điểm tiêu cực về mẹ Đức Giêsu. Cùng với những người khác, người đến khi Đức Giêsu đang rao giảng, và khi đám đông nói với Đức Giêsu là mẹ Người muốn gặp, Đức Giêsu trả lời: "Ai là mẹ tôi và anh em tôi?... Bất cứ ai thi hành thánh ý Thiên Chúa là anh em tôi và mẹ tôi" (Mk 3:31-35). Và Đức Maria vẫn ở bên ngoài. Quan điểm của Máccô không phải là một cái nhìn tích cực để nói rằng Đức Maria là một môn đệ.
Quan điểm của Mátthêu thì trung lập hơn nhờ sự so sánh. Mátthêu đưa người vào phả hệ của Đấng Cứu Thế, cùng họ hàng với bốn phụ nữ khác mà họ hoạt động ở ngoài cơ cấu họ nhà chồng, do đó trở nên các cộng tác viên bất ngờ của Thiên Chúa trong chương trình lời hứa-và-thực hiện. Tuy nhiên, trong Phúc Âm Mátthêu, Đức Maria không lên tiếng, và mọi chú trọng vào câu truyện sinh hạ đều nhắm đến Thánh Giuse.
Luca miêu tả Đức Maria như một phụ nữ có đức tin, được Thần Khí rợp bóng khi thụ thai Đức Giêsu và vào lúc khởi đầu Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Người là người đầu tiên đáp ứng với Lời Chúa và gìn giữ lời ấy. Đây là một thí dụ mang tính cách hình ảnh về tinh thần môn đệ theo quan điểm thần học của Luca. Đó là một quan điểm tích cực về Đức Maria mà từ đó chúng ta có được hầu hết các truyền thống về người.
Sau cùng, Gioan hơi kiểu cách khi miêu tả mẹ Đức Giêsu, và đó là danh xưng khi Gioan đề cập đến Đức Maria--Gioan không bao giờ cho biết tên của mẹ Đức Giêsu. Trong Phúc Âm Gioan, Đức Maria được nhắc đến hai lần, trong đoạn đầu và đoạn cuối, ở Cana và ở dưới chân thập giá. Và một lần nữa, người ở đó đáp ứng một cách tiêu biểu cho tinh thần môn đệ đối với Ngôi Lời-nhập thể.
Cũng như hình ảnh của Đức Giêsu trong Phúc Âm, những miêu tả đa dạng này không ăn khớp với nhau. Mỗi cách miêu tả đem lại một chi tiết riêng biệt.
Để nhìn ra chân dung thực của Đức Maria qua các văn bản này thì thật khó khăn. Bây giờ, chúng ta nhờ đến sự trợ giúp của các cuộc nghiên cứu mới về cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của nước Palestine vào thế kỷ thứ nhất. Các cuộc nghiên cứu mới này giúp chúng ta lấp đầy cuộc đời Đức Maria trong một đường nét khoáng đạt.
Hầu hết những hiểu biết về hoàn cảnh mà Đức Maria đã sống là nhờ ở các công trình tìm hiểu về Đức Giêsu trong lịch sử. Nhưng công trình ấy cũng giúp chúng ta tìm hiểu về con người của Đức Maria trong quá khứ. Vậy chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu về Miriam ở Nagiarét -- như một thôn nữ Do Thái có đức tin.
Là một phần tử của dân tộc Israel, Maria thừa hưởng đức tin Do Thái Giáo nơi một Thiên Chúa hằng sống, bắt đầu từ Abraham và Sara trở đi. Người cầu xin với một Thiên Chúa là Đấng đã nghe tiếng kêu than của người nghèo, đã giải thoát người Do Thái khỏi nô lệ và đã giao ước với họ. Dựa vào sự hiểu biết rõ ràng cũng như đời sống đức tin Do Thái Giáo của Đức Giêsu, như được viết lại trong Phúc Âm, thật hợp lý để cho rằng Maria, với chồng là Giuse, cũng sống đức tin Do Thái Giáo. Chắc chắn người tuân theo Lề Luật Torah, giữ ngày Sabát và các ngày lễ khác, ngâm nga kinh kệ, đến hội đường và đốt nến bàn thờ theo như tục lệ ở Galilê.
Vào cuối đời Đức Giêsu, Luca miêu tả những năm về già của Đức Maria như một thành viên của cộng đồng Giêrusalem tiên khởi, người cùng cầu nguyện với 100 người đàn ông đàn bà khác ở Phòng Tiệc Ly trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần. Từ sự kiện này chúng ta thấy Đức Maria đã tham dự vào cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi ở Giêrusalem. Giờ đây, trong ý nghĩa của sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, cộng đồng tín hữu này tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến. Nhưng điều đó không cách chi khiến họ nghĩ rằng đây là một nguyên do để từ bỏ tôn giáo cũ; họ vẫn tiếp tục đến Đền Thờ, và vân vân.
Trong nhiều năm, các Kitô Hữu tiên khởi rao giảng Tin Mừng cho người đồng hương Do Thái cốt để thuyết phục họ tin rằng lời Chúa hứa đã được thực hiện, trước khi được Phaolô và các tín hữu khác thúc giục đem Tin Mừng cho dân ngoại. Nếu dùng danh từ do các học giả đặt ra, thì Đức Maria là một Kitô Hữu Do Thái Giáo--người tín hữu Kitô tiên khởi--trước khi Kitô Giáo tách khỏi hội đường. Đức Maria chưa bao giờ là một người Kitô Hữu Rôma, chưa bao giờ là một người dân ngoại. Do đó, nếu tách biệt Đức Maria khỏi nguồn gốc Do Thái thì điều đó chẳng vinh dự gì cho người. Về phương diện dân tộc, chúng ta đã thực sự biến đổi người từ diện mạo ngăm đen của một người Do Thái trở thành một người mắt xanh, da trắng tóc hoe vàng. Và trên phương diện tôn giáo, chúng ta cũng đã thay đổi nguồn gốc sùng tín Do Thái Giáo của Đức Maria trở thành một người Công Giáo hiện đại. Người thực sự không như vậy.
Đức Maria sống trong một làng quê vùng Địa Trung Hải là Nagiarét, mà phần lớn dân số là nông dân làm việc đồng áng và thủ công nghệ để thoả đáp nhu cầu căn bản. Lập gia đình với một người thợ mộc bản xứ, người trông nom việc nhà.
Như vậy, trong căn nhà ấy có bao nhiêu người con? Hiển nhiên, người con trai đầu lòng là Đức Giêsu đã sống ở đây. Nhưng chúng ta cũng đọc trong Phúc Âm Máccô là người mẹ và các anh chị em cũng sống ở Nagiarét. Và những người em trai được kể tên trong chương Sáu gồm: Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon (Mc. 6:3). Máccô không kể tên các em gái, đó là điều thường tình đối với các phụ nữ trong Tân Ước.
Các cuốn ngụy phúc âm giải thích rằng những người này là con trước của ông Giuse. Nhưng bất kể bao nhiêu người trong nhà, chúng ta cũng có thể biết rằng, trong hoàn cảnh của Đức Maria, người lúc nào cũng lam lũ như bao phụ nữ khác để lo lắng việc ăn uống, giặt giũ, quét dọn. Cũng như các phụ nữ khác trong làng thời ấy, có lẽ Đức Maria không biết đọc và không biết viết.
Tình trạng kinh tế của gia đình này là vấn đề được bàn cãi. Các học giả như John Meier xếp họ vào loại lao động chân tay, trong khi các học giả khác như John Dominic Crossan lại cho họ là nông dân, phải vất vả vật lộn với ba hệ thống thuế khóa là Đền Thờ, vua Hêrốt và Rôma.
Hoàn cảnh nào đi nữa, đó là thời kỳ khó khăn. Ngôi làng này là một phần của quốc gia bị chiếm đóng dưới gót giầy của đế quốc Rôma. Bầu khí cách mạng lúc nào cũng âm ỉ. Sự bạo động và nghèo đói thật thịnh hành. Chúng ta mắc nợ các thần học gia nữ giới của Thế Giới Thứ Ba vì họ đã nhận ra điểm tương tự giữa đời sống Đức Maria và đời sống của các phụ nữ nghèo hèn, ngay cả trong ngày nay. Hãy để ý rằng cuộc hành trình lên Bêlem để kiểm tra dân số của Đức Maria cũng giống như việc di cư của các người nghèo ngày nay, họ phải xa quê cha đất tổ chỉ vì nợ nần và thuế khóa.
Hãy để ý rằng việc lánh nạn sang Ai Cập của Đức Maria cũng song song với các cuộc di dân trong thế giới ngày nay: đàn ông đàn bà cùng với trẻ con cố thoát khỏi các cuộc tàn sát của lực lượng quân sự. Hãy để ý rằng cảm nghiệm của Đức Maria khi mất con vì sự bất công của nhà nước cũng giống như nhiều phụ nữ mất con cháu trong các chế độ độc tài. Đức Maria là một người chị, người đồng cảnh ngộ với đời sống đau khổ của các phụ nữ ở ngoài lề xã hội trong hoàn cảnh bị áp bức. Thật không vinh dự gì cho Đức Maria nếu chúng ta đưa người ra khỏi hoàn cảnh lịch sử và thần tượng hóa người thành một phụ nữ trung lưu, sang trọng trong chiếc áo bào mầu cẩm thạch.
Đức Maria bước đi bởi lòng tin, chứ không bởi mắt thấy. Như một thần học gia đã nói, "Đức Maria không có tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được đóng khung và treo trên tường nhà bếp." Người có những thắc mắc. Người suy gẫm những điều ấy trong lòng. Đây là những gì mà Kinh Thánh đã viết lại. Và người tiếp tục trung thành với đức tin ấy ngay cả khi sự muộn phiền như dao đâm vào tâm hồn.
Người giữ sự tương giao với Thiên Chúa một cách sâu đậm. Lúc bấy giờ, dân chúng hy vọng sự giáng lâm của Đấng Cứu Thế sẽ bao gồm cả việc giải phóng người nghèo khỏi sự đàn áp của chế độ. Phần tường thuật của Luca cho chúng ta thấy lòng tin của Đức Maria khi đưa người vào vị trí của một cộng tác viên với Thiên Chúa để dẫn đến một sự kiện lịch sử. Khung cảnh Truyền Tin, như được phân tích ngày nay, diễn tả việc người được mời gọi để trở nên một cộng tác viên của Thiên Chúa trong công trình cứu độ, cũng giống như Môisen được mời gọi ở bụi gai bốc lửa.
Đó là lời mời có tính cách tiên đoán, lời mời gọi để trở thành một cộng sự viên với Thiên Chúa trong công trình vĩ đại này. Đức Maria đã tự do đồng ý, từ đó khởi đầu một cuộc phiêu lưu mà người không biết kết quả sẽ ra sao. Người bước đi bởi lòng tin, chứ không bởi mắt thấy. Quả thật, việc người mang thai được xảy ra qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Sự trinh khiết của Đức Maria thường được dùng để chế nhạo những phụ nữ không còn trong trắng, như thể họ không tuyệt hảo như trinh nữ Maria. Nhưng, một lần nữa, biến cố này thực sự có ấn tượng mạnh mẽ nơi các phụ nữ. Bà Sojourner Truth, một người nô lệ thuộc thế kỷ 19, được mời lên tiếng trước một cử tọa mà trong đó các giáo sĩ áo đen đang bàn cãi xem bà có quyền đăng đàn hay không. Bà nghe họ xì xào và bà nói, "Các anh yêu quý, Đức Kitô của các anh từ đâu mà đến? Người xuất thân từ đâu vậy? Người xuất thân từ Thiên Chúa và một người phụ nữ. Đàn ông các anh chẳng có dính dáng gì!"
Bỏ qua kiểu cách bình thường, kể cả một hôn nhân phụ hệ, Thiên Chúa đã hậu thuẫn cho người phụ nữ trẻ trung mang thai ngoài hôn nhân (chửa hoang), là điều rất nguy hiểm cho tính mạng của người. Thiên Chúa hậu thuẫn cho người để bắt đầu thể hiện lời hứa của Thiên Chúa. Giờ đây tính cách cộng sự đầy tin tưởng của Đức Maria trong công trình cứu độ được ca vang trong lời cầu nguyện thật tráng lệ, được gọi là Kinh Ngợi Khen (Luca 1:46-55). Đó là một chuỗi ngôn từ dài nhất chưa từng được bất cứ phụ nữ nào trong Tân Ước cất lên.
Nhưng thật kỳ quặc, đó lại là lời cầu nguyện không được thấy trong Thánh Mẫu Học cổ xưa nhất. Đây là quang cảnh: Đức Maria mới mang thai; bà Êligiabét là người bà con, một phụ nữ lớn tuổi, đang mang thai được sáu tháng; ông Giêkaria, chồng bà Êligiabét, bị câm vì thiếu đức tin; và vì thế không có tiếng nói của người đàn ông trong quang cảnh này. Căn nhà thật vắng tiếng đàn ông. Đức Maria đến. Bà Êligiabét, được ngập tràn Thần Khí, đã ôm lấy Đức Maria và hát lên rằng, "Em thật có phúc hơn mọi người nữ." Cũng được tràn đầy Thần Khí, Đức Maria đột nhiên ứng khẩu thành một bài diễn đạt mới của đức tin. Người đã cất tiếng hát một bài theo khuôn mẫu của các bà Miriam, Deborah, Huldah và Hannah, là những người hát thánh vịnh nổi tiếng trong Cựu Ước, và Đức Maria đã mở đầu bằng lời chúc tụng Thiên Chúa. Thần khí của Đức Maria thật hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc của người.
Mặc dù người nghèo khổ và không đáng kể trong xã hội, Thiên Chúa toàn năng, hằng sống, thánh thiện đã làm cho người những điều trọng đại. Và Thiên Chúa không chỉ thi hành điều này cho riêng người, nhưng còn cho tất cả những người nghèo khổ: lật đổ những người quyền uy, nâng kẻ thấp hèn lên, ban no đầy cho những người đói khát, cho người giầu có trở về tay không--và tất cả những điều này là để chu toàn lời hứa xưa. Và chính trong con người Đức Maria, điều ấy đang xảy ra, vì người đang mang trong mình một người không thuộc về thế gian này, nhờ con người ấy mà Thiên Chúa độ lượng cứu chuộc.
Và trong bài ca ngợi khen, Đức Maria cũng đề cập đến tương lai, khi sự bình an công chính ăn rễ sâu trong phần đất của dân tộc. Đây là một lời cầu nguyện vĩ đại; đó là một bài ca cứu độ có khí khái cách mạng. Như văn sĩ kiêm nhạc sĩ Bill Cleary nhận xét, "Bài ca ấy cho thấy Đức Maria không chỉ đầy ơn sủng mà còn đầy quan điểm chính trị."
Bài ca của Miriam có những ẩn ý chính trị, cấp tiến xã hội. Với một bà mẹ như vậy, không lạ gì lời đầu tiên của Đức Giêsu trong Phúc Âm Luca là lời loan truyền rằng Người đến để giải thoát kẻ tù đầy và đem tin mừng cho người nghèo khó. Cây nào sinh trái nấy!
Như thế, Đức Maria sống liên kết với chương trình giáng thế của Thiên Chúa với ý định hàn gắn, cứu chuộc và giải thoát. Thật không vinh dự gì cho Đức Maria nếu chúng ta hạ cấp đức tin của người xuống thành loại đạo đức cá nhân. Tệ hơn nữa, đôi khi được thấy trong Thánh Mẫu Học cổ xưa, là hạ cấp đức tin của người xuống thành sự tương giao giữa mẹ và con thật nhỏ bé. Người đã nghe lời Chúa và giữ lời ấy.
Điều tôi muốn đưa ra là, trước khi sinh hạ Đức Giêsu, Đức Maria đã có sự tương giao với Thiên Chúa mà sự tương giao ấy không nhắm đến Đức Giêsu. Ngay cả sau khi Đức Giêsu chết đi và sống lại, Đức Maria là một phần tử của cộng đồng tuyên xưng Người như Đấng Cứu Thế. Khuôn khổ đức tin của người vẫn trong sự hy vọng của một người Do Thái trông chờ Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa là Người đã xuống thế và sẽ tái giáng lâm để đem lại sự công chính cho toàn thể trái đất.
Người đã nghe lời của Chúa và giữ lời ấy. Và trong ý nghĩa này, người là người chị của chúng ta trong đức tin, như Đức Phaolô VI đã viết trong Marialis Cultus. Chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy tiềm năng này trong các khung cảnh khác của Phúc Âm. Khi chúng ta luôn nhớ rằng người là một thôn nữ Do Thái đầy lòng tin thì chúng ta mới có thể giải thích các khung cảnh khác trong Phúc Âm mà Đức Maria xuất hiện và hàm ý đem lại cho chúng ta một hình ảnh của người phụ nữ tầm thường ngay trong xã hội và khung cảnh lịch sử của chính người. Và với tâm hồn đầy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, Đức Maria Nagiarét đã đem cho chúng ta một gương mẫu to lớn về đời sống đức tin dù những khó khăn của cuộc đời.
Chúng ta hãy tự hỏi, một quan điểm đầy đủ thần học, có sức mạnh tâm linh và phù hợp đạo lý về Đức Maria, người mẹ của Đức Giêsu Kitô, cho thế kỷ 21 là gì? Câu trả lời của tôi là hãy nhớ rằng Đức Maria là một người bạn của Thiên Chúa và là ngôn sứ trong cộng đồng các thánh. Và hãy để ký ức về người linh hứng và khuyến khích chúng ta trong đời sống chứng nhân của chính chúng ta.
Chúng ta phải liên hệ với Đức Miriam ở Nagiarét như một cộng tác viên trong niềm hy vọng, trong cộng đồng của tất cả những người thánh thiện đã ra đi trước chúng ta. Điều này có thể giúp chúng ta thêm sức mạnh khi nhớ đến người trong việc phục vụ những người nghèo và đau khổ. Gương mẫu đời sống của Đức Maria có thể giúp chúng ta tương giao sâu đậm hơn với Thiên Chúa hằng sống và hoạt động mạnh mẽ hơn cho thế giới ngày nay.
Khi cộng đồng Kitô Hữu hiểu biết về Đức Maria theo quan điểm thần học này, mắt chúng ta sẽ mở ra để thấy những viễn ảnh linh thiêng cho một tương lai khác biệt. Chúng ta được mạnh mẽ để trở nên tiếng nói cho thế giới đầy khó khăn hôm nay. Như Đức Maria, chúng ta sẽ vui mừng trong Thiên Chúa Cứu Chuộc của chúng ta và hân hoan công bố cho mọi người biết là sự công bằng sẽ được thể hiện./.
Chị Elizabeth Johnson là một Nữ Tu của dòng Thánh Giuse, là giáo sư thần học tại Đại Học Fordham, và là cựu chủ tịch Tổ Chức Thần Học Công Giáo Hoa Kỳ. Chị có bằng tiến sĩ của Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và diễn thuyết khắp nơi trên thế giới.
Vào năm 1975, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết một tông thư về Đức Maria, Marialis Cultus (Để Vinh Danh Đức Maria). Lá thư được mở đầu bằng việc người quan sát rằng, với nhiều người ngày nay, việc sùng kính Đức Maria không những mơ hồ mà còn khiếm khuyết. Một trong những lý do mà người đưa ra là vì cách tiếp cận của chúng ta đối với Đức Maria phản ánh những tư tưởng cổ hủ thời Trung Cổ và giai đoạn Phản-Cải-Cách của Giáo Hội, là những quan điểm về Đức Maria không mấy hấp dẫn người thời nay. Thí dụ, người kể ra kiểu cách mà một số thần học gia trình bầy Đức Maria như người ngoan ngoãn dễ phục tùng và người nói rằng, kiểu cách này chỉ khiến các phụ nữ thời nay lánh xa.
Sau đó người nói Giáo Hội không thể bị giới hạn bởi những hình ảnh Đức Maria xưa cũ này. Người kết thúc bằng lời kêu gọi toàn thể cộng đồng Kitô Hữu cũng như các chủ chiên phải có hành động sáng tạo cho thời đại chúng ta cũng như cha ông chúng ta trong đức tin đã thể hiện cho thời đại của họ: có thể nói, phát triển một quan điểm hấp dẫn về Đức Maria thích hợp với văn hóa của chính chúng ta.
Để thi hành điều này, người đề nghị một hệ thần học phải có năm đặc tính sau:
1. Có nền tảng Kinh Thánh. Thần học về Đức Maria phải bắt nguồn từ các chứng từ trong Kinh Thánh.
2. Có tính cách phụng vụ. Nó phải hòa hợp với các niên lịch phụng vụ. Đức giáo hoàng đặc biệt kể ra Mùa Vọng, là khi Đức Maria cùng với Giáo Hội trông chờ sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế, và sau đó là lễ Hiện Xuống, khi Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội.
3. Có tính cách đại kết. Nó phải hài hoà với những điểm mà chúng ta đã đồng ý với các anh em Kitô Hữu khác. Thay vì trở thành điểm chia cách giữa Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành, nó sẽ là điểm kết hợp.
4. Có tính cách nhân loại. Đức Phaolô VI muốn nói rằng thần học này phải để ý đến sự thay đổi của vai trò người phụ nữ trong xã hội. Khi ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các lãnh vực khác nhau, chúng ta không thể mong đợi họ quý trọng Đức Maria như một người thụ động và ngoan ngoãn dễ sai bảo.
5. Có tính cách thần học. Điều này có nghĩa Thiên Chúa là tâm điểm--với Đức Maria có thế đứng liên quan đến Đức Kitô và Giáo Hội.
Pt Giuse Tv Nhật lược dịch