Hồi Giáo (Islam) là truyền thống tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với trên một tỉ tín đồ. Tuy thế giới Hồi Giáo bao gồm các quốc gia theo Hồi Giáo kéo dài từ Bắc Phi cho tới Ðông Nam Á, nhưng rất đông người Hồi Giáo (Muslim) có thể tìm thấy ở rải rác trên khắp thế giới.
Về phương diện lịch sử, Hồi Giáo thường được coi là một truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ thế kỷ thứ bảy ở Ả Rập với ngôn sứ Muhammad (570-632) và sự mặc khải mà ngôn sứ nhận được từ Thiên Chúa được ghi chép lại trong kinh Quran. Tuy nhiên, thật quan trọng để biết rằng người Hồi Giáo không coi đạo Hồi như một tôn giáo mới. Người Hồi Giáo tin rằng Ðức Allah (tiếng Ả Rập có nghĩa "Thiên Chúa") thì cũng chính là Ðấng đã tự tỏ mình ra cho ông Abraham, Môisen, và Ðức Giêsu. Do đó, người Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo là các tín đồ của cùng một Thiên Chúa--bà con trong cùng một gia đình với cùng một tổ phụ, là Abraham. Người Hồi tin rằng kinh Quran là sự mặc khải sau cùng và hoàn tất những gì mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Tâm điểm mà người Hồi thờ phượng là Ðức Allah. Thiên Chúa trong kinh Quran thì duy nhất và siêu việt, người sáng tạo và duy trì vũ trụ, và là sự lưu tâm trổi vượt của tín đồ. Chữ "Islam" có nghĩa "quy phục"; một người Hồi Giáo là người quy phục Thiên Chúa, họ là tôi tớ của Thiên Chúa. Ðiều này không có nghĩa thụ động, đúng hơn, đó là sự quy phục Ý Chúa, một nhiệm vụ tích cực để nhận ra ý Chúa trong lịch sử. Do đó, kinh Quran dạy rằng Thiên Chúa đã ban trái đất cho con người như một "sự ủy thác thánh thiêng" và bổn phận cũng như sứ vụ của con người, tôi tớ của Thiên Chúa, là cố gắng thể hiện Ý Chúa.
Ơn gọi được ủy thác cho người Hồi có tính cách cộng đồng cũng như cá nhân. Cộng đồng hay quốc gia Hồi Giáo (ummah) là một phương tiện truyền bá năng động để thực hiện ý Chúa, và như thế, nó được coi như gương mẫu cho toàn thế giới vì toàn thể nhân loại được mời gọi để thờ phượng và phục vụ một mình Thiên Chúa. Ngày nay, trong cộng đồng Hồi Giáo có hai nhóm chính tạo thành sự tranh giành quyền lãnh đạo kế vị Muhammad, nhóm Sunni chiếm khoảng 85% người Hồi Giáo, và nhóm Shii rải rác trên khắp thế giới.
Trước tiên, người Hồi Giáo phải nhìn đến kinh Quran mà trong đó chứa đựng mệnh lệnh của Thiên Chúa, và sau đó họ nhìn đến gương mẫu (sunna) của ngôn sứ Muhammad là hiện thân các giá trị Hồi Giáo, là gương mẫu sống động cho cộng đồng. Các truyền thống hay các tường thuật (Hadith) về hành động cũng như lời nói của vị ngôn sứ này được ghi chép và gìn giữ bởi cộng đồng Hồi Giáo tiên khởi. Dựa trên hai nguồn khởi điểm này mà lối sống của người Hồi Giáo được hình thành và được diễn tả toàn diện trong Shariah--Luật Hồi Giáo. Chữ Shariah có nghĩa "đường lối," đó là con đường hay phương cách mà mọi người Hồi Giáo phải theo. Luật Hồi Giáo cho thấy đạo Hồi là một lối sống tuyệt đối mà trong đó có sự tương giao về tổ chức giữa tôn giáo, chính trị và xã hội.
Ðạo Hồi nhấn mạnh đến lối sống hơn đức tin. Hậu quả là, luật lệ, chứ không phải thần học, luôn luôn là lãnh vực quan trọng mà người Hồi lưu tâm, vì nó đem lại "đường lối ngay thẳng" (Shariah) mà người Hồi phải theo để thể hiện Ý Chúa. Tâm điểm của luật lệ này gồm năm bổn phận chính tạo thành năm cột trụ của đạo Hồi: 1) tuyên xưng đức tin, 2) thờ phượng, 3) bố thí, 4) chay tịnh, và 5) hành hương đến Mecca.
Tín đồ Hồi Giáo là người tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa, và Muhammad là sứ giả của Thiên Chúa. Ðạo Hồi xác nhận thuyết độc thần căn bản mà trong đó thuyết duy nhất tính của Thiên Chúa thì chiếm ưu thế. Thiên Chúa là người sáng tạo, cầm quyền, và xét xử thế giới. Ngài khoan dung và trắc ẩn, nhưng Ngài cũng là quan toà chính trực. Vào ngày tận thế, Ngài sẽ xét xử từng người tùy theo hành động của họ, tất cả những điều này được viết trong Sách Hành Vi.
Phần thứ hai của việc tuyên xưng đức tin là xác nhận rằng Muhammad là sứ giả của Thiên Chúa, là ngôn sứ sau cùng và cuối cùng, được coi như gương mẫu của cộng đồng Hồi Giáo. Dù rằng vị này là lý tưởng của người Hồi Giáo như một người chồng, người cha, người lãnh đạo, và người xét xử, ông là con người chứ không phải thần thánh.
Người Hồi Giáo được nhắc nhở cầu nguyện mỗi ngày năm lần (bình minh, trưa, chiều, hoàng hôn, và buổi tối) bởi một thầy tu đứng trên đỉnh tháp đền thờ. Trước khi cầu nguyện, người Hồi thanh tẩy, tắm rửa thân mình, để chuẩn bị diện kiến Thiên Chúa. Hướng về thành thánh Mecca, người Hồi thờ lạy qua các động tác đứng, quỳ và phủ phục trong khi đọc kinh Quran. Vào ngày thứ Sáu, giờ cầu nguyện buổi trưa được coi là thích hợp ở đền thờ cùng chung với giáo đoàn. Vào những lúc khác, cầu nguyện ở bất cứ đâu cũng được; đền thờ không phải là một cơ sở được thánh hiến mà chỉ là nơi tụ họp. Vì Hồi Giáo không có giáo sĩ và các bí tích, nên bất cứ người Hồi Giáo nào cũng có thể chủ sự việc cầu nguyện cũng như chủ tọa lễ cưới, tang lễ, v.v. Tuy không có hàng giáo sĩ, giới tăng lữ đã được hình thành gồm các nhà luật học (ulama) và các lãnh tụ tôn giáo địa phương (mullah).
Việc bố thí hay chia sẻ tài sản nhằm thể chế hóa ý thức trách nhiệm xã hội qua sự đóng góp 2% của cải. Người có lợi nhuận nhiều bị đòi hỏi phải chia sẻ cho những người kém may mắn hơn trong cộng đồng Hồi Giáo.
Mỗi năm một lần, đạo Hồi ra lệnh ăn chay khắc khổ một tháng được gọi là tháng Ramadan, tháng thứ chín trong lịch Hồi Giáo. Trong thời gian này, người Hồi Giáo trưởng thành và lành mạnh phải kiêng cữ ăn uống và giao hợp (từ bình minh cho đến hoàng hôn). Tầm quan trọng không phải là sự hành xác và chay tịnh, nhưng đúng hơn là kỷ luật tự giác và suy niệm. Tháng Ramadan được kết thúc bằng một buổi lễ (Id al-Fitr).
Bất cứ người Hồi Giáo nào trưởng thành, lành mạnh và có khả năng tài chánh đều được mong đợi thi hành bổn phận hành hương (Hajj) một lần trong đời. Cũng như năm lần trong ngày, người Hồi Giáo trên toàn thế giới được kết hợp lại khi họ hướng về Mecca trong sự cầu nguyện, thì hàng năm nhiều người đã đích thân đến Mecca, thành thánh của đạo Hồi, để du hành về phương diện tâm linh. Tính cách bình đẳng của người hành hương được thể hiện qua chiếc áo ihram, mầu trắng và một mảnh, thay vì quần áo thường ngày.
Như vậy, đạo Hồi đem lại cho các tín đồ một lối sống thánh thiện, hòa nhập được tiết lộ bởi Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Môisen, và Ðức Giêsu cho Muhammad lần sau cùng và được ghi chép lại trong kinh Quran. Là các tín hữu trong cùng một Thiên Chúa và là hậu duệ của Abraham, người Do Thái, người tín hữu Kitô, và người Hồi Giáo không chỉ chia sẻ nguồn gốc địa lý chung ở vùng Trung Ðông. Thách đố của họ ngày nay là làm sao hiểu biết hơn về di sản tôn giáo chung này và được thu hút đến gần nhau hơn, không chỉ trên phương diện cá nhân mà còn cộng đồng tín hữu, là những người đang phải đương đầu với nhiều khó khăn tương tự trong thế giới ngày nay và có chung một mục đích--đó là sự hoà bình và công chính trên thế giới.
Mọi cuộc đối thoại phải được bắt đầu với sự xác nhận rằng người Hồi và người Công Giáo cùng chia sẻ một di sản đức tin. Họ cùng tin vào một Thiên Chúa, tin các sứ vụ của ngôn sứ, và sự mặc khải, cũng như chú trọng đến đạo đức xã hội và cá nhân.
Trong bất cứ cuộc đối thoại nào, người Công Giáo phải nhớ hai điểm. Thứ nhất, nhiều người Hồi Giáo cho rằng hầu hết người Hoa Kỳ không biết gì về đạo Hồi và nhiều người, có ý thức hay vô ý thức, hiểu biết đạo Hồi với một kiến thức dựa trên các hình ảnh tiêu cực và có thành kiến. Thứ hai, vì phản ứng với điều mà họ cho là sự thống trị về văn hóa và chính trị tây phương, và vì họ muốn tái khẳng định di sản Hồi giáo, nhiều người Hồi Giáo ngày nay ít nghiêng về cuộc đối thoại "có tính cách thần học"; hơn thế nữa, họ coi đạo Hồi như sự mặc khải sau cùng, trọn vẹn và tuyệt hảo của Thiên Chúa. Họ thông cảm hơn với những trường hợp mà trong đó đạo Hồi được hiểu biết tốt hơn hay trong những chương trình làm việc chung về các vấn đề xã hội, tỉ như, gia đình, thành kiến về tôn giáo hay chủng tộc, và sự nghèo đói. Các đề tài có thể thảo luận gồm: sự đe dọa của vô thần, sự tục hóa, và sự duy vật hóa di sản và các giá trị chung về tôn giáo, nhất là các giá trị về gia đình.