Phật Giáo cho rằng tình yêu là ái nghiệp, là một trong tám nguyên nhân trọng gây ra sự đau khổ. Theo Phật Giáo, muốn giải thoát khỏi đau khổ thì người phật tử phải đoạn ái, nghĩa là cắt bỏ tình yêu, hay nói cách khác là diệt trừ ái nghiệp để giải thoát khỏi đau khổ. Thái tử Tất-Đạt-Đa sinh ra trong một gia đình Ấn Độ Giáo, (vua Tịnh-phạn và hoàng hậu Ma-gia). Sau khi đã thành Phật, giáo lý đầu tiên của Đức Thích Ca là Tứ Diệu Đế.
Trong Tập Đế, giáo lý nầy nói đến 08 nguyên nhân của sự đau khổ: Sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ, ngũ ấm thạnh khổ (b).
Vì cho rằng tình yêu là ái nghiệp, một nguyên nhân của đau khổ, Phật Giáo dạy các phương pháp tiêu diệt tình yêu thương trong mọi loài; gọi là diệt ái, hay đoạn ái nghĩa là cắt bỏ mọi sự ràng buộc của tình yêu. Ví dụ người xuất gia thì từ bỏ tình yêu cha mẹ, tình yêu gia đình ruột thịt, gọi là cát ái từ sở thân. Và dần dần, người tu hành là người thực hiện sự đoạn diệt tình yêu để thoát khỏi sự ràng buộc của tình cảm; gọi là đoạn ái, dứt trừ ái nghiệp, hay ái dục (dục vọng của yêu thương vợ chồng). Giáo lý nầy chỉ nhìn vào nét tiêu cực trong tình cảm. Với giáo lý diệt ái dục, người Phật Tử quan niệm rằng "con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo."
Để giải thoát khỏi ái dục, nhà Phật dạy thực hiện pháp môn bố thí bất nghịch ý, hay còn gọi là bố thí ba-la-mật. Nghĩa là bố thí tất cả, kể cả vợ con mình cũng đem cho người khác để đoạn trừ ái nghiệp, đoạn trừ ngã chấp.
Đức Thích Ca đã từ bỏ tình cha con, tình vợ chồng, tình họ hàng, tình đồng bào để xuất gia tìm đạo. Vì thế, sau khi thành Phật, Đức Thích Ca đưa ra những giới luật nghiêm khắc để tiêu diệt ái dục. Hàng tăng chúng phải sống độc thân, cắt đứt mọi tình cảm gia đình, họ hàng (cát ái từ sở thân) và cắt đứt mọi khả năng tính dục, vì cho rằng đó là nguyên nhân gây ra sinh lão bịnh tử.
Giáo lý Phật Giáo thường lên án sự chấp ái. Đó là sự chấp chặt vào những đối tượng mà con người yêu thích. Sự ham thích, đam mê đối với người, vật hay, ý tưởng, nghệ thuật hay vật dụng mà con người có được… đều bị xếp vào ái nghiệp. Để đạt đến sự giải thoát, người tu hành thực hiện pháp môn đoạn ái. Đoạn ái là cắt bỏ tất cả tình cảm, hoặc loại bỏ mọi lệ thuộc của tình yêu như tình cha con, tình thầy trò, tình vợ chồng, tình anh em, tình bạn bè, tình quê hương, tình đồng bào, đồng loại để giải thoát rốt ráo: thành Phật.
* Ghi chú: Đức Thích Ca được gọi là Đức Từ Bi. Từ Bi là yêu thương. Nhưng hai chữ "yêu thương", hay "từ bi" trong Phật Giáo chỉ được xem là phương tiện. Một trong những giáo lý cao siêu của Phật Giáo là giáo lý Phương Tiện. Nếu đọc kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa do Đức Thích Ca giảng dạy, chúng ta sẽ tìm thấy Phẩm Phương Tiện. Phẩm kinh nầy dạy rằng mọi hình thức, mọi ý nghĩa, mọi giáo lý của nhà Phật đều là phương tiện giúp chúng sanh tu hành đạt đến sự giác ngộ. Giáo lý nhà Phật chỉ là phương tiện để giúp con người thực hiện các pháp môn tu như đoạn tuyệt ái dục, ái nghiệp để thành Phật.
Khi chúng sanh chưa thành phật, thì lòng yêu thương, hay lòng tư bi chỉ là phương tiện dắt dẫn tạm thời để giúp sự tu hành học đạo. Sau khi đã thành Phật rồi, mọi trạng thái yêu thương hay từ bi không còn ý nghĩa gì nữa. Thành Phật là đã trở thành cái KHÔNG tuyệt đối. Giáo lý Phật giáo cho rằng yêu thương hay từ bi là trạng thái tình cảm giữa vô thường, giữa vòng đối đãi của sinh tử luân hồi. Vì yêu thương mà sinh ra ái dục, vì ái dục sinh chấp ái, và gây ra ái nghiệp để tiếp tục đau khổ, phiền não…
Làm người thì ai cũng có kinh nghiệm vui, buồn, sướng, khổ trong mọi ràng buộc của sự yêu thương. Khả năng hiểu biết của con người về mọi mặt (nói chung), về tình yêu (nói riêng) vẫn còn hạn hẹp. Con người chúng ta quen nhận thức với cảm tính hơn là nhận thức với sự thật khách quan.
Một cách khách quan, chúng ta thấy rằng sau khi đã thành phật, đức Thích Ca cũng không hề đoạn ái như giáo lý mà người đã dạy. Vì những lời dặn dò của người trước khi tắt thở, những tình cảm thiêng liêng giữa Đức Phật và hàng tăng chúng qua tang lễ và những lời giảng dạy tiếp theo; kể cả phần tro bụi của thân thể của Đức Thích Ca cũng được trân quý, được cho là ngọc Xá Lợi để thờ lạy suốt mấy ngàn năm đến giờ. Lịch sử nhân loại chưa có một người nào nhờ áp dụng giáo lý nhà Phật mà được thành phật như Đức Thích Ca; cũng chưa có một ai thật sự thành công về nổ lực đoạn ái hay tiêu trừ ái nghiệp.
Sách Châm Ngôn 16:25, "Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng nó thành ra cái nẻo của sự chết." Có những con đường mà loài người nghĩ ra trên lý thuyết nghe có cái vẻ hay hay, nhưng khi thực hành mới thấy sai trật. Phải chăng trong tâm thức sâu thẳm của mỗi người vốn có sự mặc cảm tự ty & tự tôn diễn ra cùng một lúc? Tự ty về sự bất toàn của mình trước vạn vật vô biên; nên che đậy mặc cảm tự ty bằng mặc cảm tự tôn: cho rằng mình có thể làm được mọi sự như là tự mình giải thoát khỏi vòng sanh tử, giải thoát khỏi sự ràng buộc của tình yêu để vượt ra ngoài vòng "sanh hóa" và đạt đến Phật quả (thành Phật). Mặc cảm tự tỵ và mặc cảm tự tôn điều khiển tâm thức của mỗi người cho đến bao giờ một cá nhân nhìn biết Đấng Tạo Hóa bằng đức tin vào Đấng đã dựng nên vạn vật và nhân loại, hầu thiết lập mối liên hệ với người một cách riêng tư.
Trong bức thư gởi các tín hữu tại thành phố Cô-lô-se, chương 2, câu 23; thánh Phao-lô xác nhận tình trạng bất lực của người tu hành rằng "Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng khắc khổ thân thể mình, nhưng không ích chi để chống lại lòng dục của xác thịt."
Câu Kinh Thánh nầy xác nhận những kinh nghiệm tu hành của tôi ngày xưa. Sau nhiều năm tu hành trong phật Giáo, tôi khám phá ra một sự thật đáng buồn, ấy là con người không thể nào tu hành để tự tiêu diệt cái bản tính tham dục của mình được. Phật Giáo cho rằng ý muốn thành Phật cũng là ý muốn tham dục. Thật vậy, con người có thể thay đổi một số phong cách bề ngoài, nhưng không thay đổi được bản chất tham dục bên trong. Nếu có ai tu thành thật thì sẽ giác ngộ một chân lý đáng buồn, ấy là con người không thể nào tự thay đổi bản chất tham dục, tham ái của mình. Và nếu người tu hành thiếu thành thật thì trở thành kẻ đạo đức giả, để rồi đạt tới một thói quen tự lừa dối mình rất tinh vi. Bề ngoài tỏ ra đang đoạn diệt ái dục, nhưng bề trong thì nung nấu ái dục một cách thầm kín. Ái dục càng bị đè nén thì sự thèm khát của nó càng gia tăng nóng bỏng.
I Corinto 13:1…."Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay chập chõa vang tiếng….Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi…."
1Giăng 4:8 „Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương."
Trong Thánh Kinh tiếng Hy Lạp, có ba từ ngữ khác nhau được dùng để diễn tả ba loại tình yêu khác nhau.
Là bản năng cảm tính được ban cho trong loài vật. Loài vật có tình mẫu tử, tình giòng giống, nhưng chỉ là bản năng sinh tồn bất di bất dịch. Loài vật không có trí tuệ để học tập, để tiến bộ, nên bản năng cảm tính của loài vật di truyền trong nhiều giòng giống riêng biệt. Hàng ngàn năm trước con chim ấp trứng, nuôi con như thế nào thì ngày nay con chim vẫn ấp trứng và nuôi con như thế. Con ong biết làm tổ rất tinh vi mà loài người không thể bắt chước được. Nhiều loài vật còn biết trước thời tiết. Loài chó, loài ngựa có khả năng nhớ và nhận biết mùi mà loài người không thể học được. Ngay cả loài khỉ được xem là có hình dạng gần loài người, nhưng bản năng sinh sống, bản năng tình cảm của khỉ vẫn không thay đổi như con người. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời ban cho loài vật bản năng tình cảm, gọi là eros. Bản năng nầy hoàn toàn khác với bản tính tình cảm, hay tình yêu được ban cho trong loài người. Đức Chúa Trời dựng nên loài vật gồm xác và hồn có giới hạn cấp thấp, và không có linh. Loài vật chết là hết cả xác lẫn hồn. Khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời hà hơi sinh linh vào loài người. Đức Chúa Trời dựng nên loài người giống như ảnh tượng của Người, vì vậy, loài người là loài thiêng liêng, có sự sống đời đời (xem Sáng thế ký 1:26-27.)
Tình yêu Philos chỉ được ban cho loài người. Tình yêu nầy rất phong phú, đa dạng; nhưng vẫn chưa tuyệt đối hoàn hảo. Phong phú đa dạng như tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh chị em ruột thịt, tình họ hàng, tình quê hương, tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật, yêu chân lý, yêu tư tưởng, niềm tin, cá nhân, đoàn thể, công đồng, quốc gia, dân tộc, đồng loại… Tình mẫu tử trong con người thật là cao quý, nhưng cũng có khi phụ bạc và oán thù nhau.
Tình yêu philos có trí tuệ, nhưng vẫn không tuyệt đối hoàn hảo. Tình yêu philos có sự khôn ngoan để học tập để tiến bộ, có phân biệt điều thiện và điều ác, có đạo đức và có tội ác. Tình yêu philos giúp con người thích nghi và tiến bộ, có khả năng phân biệt và biến đổi từ tính chất bên trong ra đến phong cách bên ngoài theo từng thời đại, từng miền văn minh, văn hóa, học thức khác nhau một cách rõ rệt giữa cá nhân và cộng đồng qua sự hiểu biết, niềm tin, tình và nghĩa. Nhưng tình yêu philos không đem đến sự giác ngộ tuyệt đối hoàn hảo, vì sau khi tổ tiên loài người đã phạm tôi, bản tính tội lỗi của Satan hiện diện trong loài người. Tình yêu philos trong con người còn có tính hướng thượng. Tính hướng thượng là phần luơng tâm mà Đức Chúa Trời ban cho con người để con người hạn chế điều ác, đồng thời hướng về điều lành, và hướng đến một tình yêu cao siêu hơn tình yêu con người, đó là tình yêu thiêng liêng vô lượng mà tiếng Hy-lạp gọi là tình yêu Agape (tình yêu thiên thượng).
Tình yêu thiên thượng thuộc bổn tính thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Kinh thánh dạy rằng " Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương" (1Giăng 4:8).
Tình yêu thiên thượng là tình yêu Đức Chúa Trời dành cho nhân loại dù mỗi người trong chúng ta vốn là tội nhân từ trong bản tính cho đến hành động: tham lam, ích kỷ, bất hiếu, ganh ghét, hận thù, lừa dối, bất nghĩa, bạc tình, dèm pha…Nhưng Đức Chúa Trời vẫn cho mỗi người còn được sống, được ăn, được thở, còn cơ hội để ăn năn tiếp nhận ơn tha thứ của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus Christ dạy rằng „ Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình, song ta nói cùng các ngươi rằng : Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời, bởi vì Người khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác." (Mathiơ 5: 43-45).
Đức Chúa Trời yêu nhân loại một cách vô điều kiện và muốn nhân loại trở về cùng Người để tiếp nhận tình yêu thiên thượng, hầu cho nhân loại biết yêu nhau như Người đã yêu Nhân loại.
Bởi tình yêu thiên thượng, Đức Chúa Trời đã từ bỏ thiên đường để hiện ra làm một người giữa vòng nhân loại để chịu tội thế cho nhân loại, hầu cho ai ăn năn tiếp nhận ơn cứu chuộc của Người thì được tái sinh trong Đức Thánh Linh và được mặc lấy tình yêu thiêng thượng, tức là mặc lại bổn tính yêu thương của Người. Chúa Jesus Christ phán: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thế gian nhận biết các ngươi là môn đồ ta." (Giăng 13:34-35).
* Kết luận:
Tình yêu Eros là tình yêu bản năng không có trí khôn. Tình yêu Philos là tình yêu nhân loại, tuy có trí khôn, nhưng vẫn còn bất toàn. Tình yêu Agape là tình yêu thánh trọn vẹn. Một người có lòng hướng về điều lành, chắc chắn người đó nhận ra sự bất toàn của mình, vì thế mà sẵn sàng tìm kiếm sự tốt hơn. Một người như thế là người nghe được ơn gọi của Đức Chúa Trời để trở về ăn năn tiếp nhận ơn tha tội của Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus Christ, được tái sinh, được sống một đời sống đắc thắng điều ác để vui với điều lành, được hưởng phước hạnh đời nầy, và đời sau trong nước trời vĩnh viễn.
Bất cứ ai đã tiếp nhận tình yêu thiên thượng đều có cuộc sống vui vẻ, vị tha, yêu thương, và hơn nữa, bổn tánh nhân đức phát triển với tình yêu thiên thượng để yêu tha nhân, để sống thanh bình, hạnh phúc với người lân cận; chứ không bị đau khổ vì "ái nghiệp" như quan niệm của đạo Phật.
Trong tình yêu thiên thượng, con người không chấp nhận những giáo lý sai lạc như thế gian từng cho rằng con là nợ , vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo. Thánh Phao-lô cũng đã từng nhắc các tín hữu rằng: "Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng." (Cô-lô-se 2:8).
Khác với giáo lý tiêu cực của Phật giáo, Kinh Thánh dạy rằng:
"Nhà cửa và tài sản là cơ nghiệp của tổ phụ để lại; còn một người vợ khôn ngoan do Đức Chúa Trời ban cho." (Châm ngôn 19:14).
"Mão triều thiên của người già, ấy là con cháu; còn vinh hiển của con cái ấy là người cha." (Châm ngôn 17:6).
"Kìa con cái là cơ nghiệp bởi Đức Chúa Trời ban mới có được; bông trái của tử cung người mẹ là phần thưởng. Con trai sanh trong buổi đang thì khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ." (Thi-thiên 127:3-4).
Tại sao Phật Giáo có quan điểm tiêu cực về tình yêu, trong khi hàng ngàn năm trước khi Chúa Jesus Christ xuất hiện, Kinh Thánh Cựu Ước đã dạy về sự phước hạnh và tình yêu thương mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại từ gia đình, dòng dõi, tài sản, cơ nghiệp?
Chúng ta biết rằng mặc dù Đức Thích Ca đã tu thành Phật, nhưng người vốn là một con người thọ tạo của Đức Chúa Trời. Ví thế, sự hiểu biết của Đức Thích Ca vẫn còn hạn chế nên giáo lý nói trên của ngài vẫn chưa hoàn hảo. Trái lại, Kinh Thánh là Lời Chúa, được viết ra bởi Đức Thánh Linh, vì vậy từ xưa đến nay Kinh Thánh là Chân Lý. Nếu Đức Thích Ca có đọc Thánh Kinh Cựu Ước, ắt ngài đã hiểu lẽ sống mầu nhiệm trong sự tạo dựng của Đức Chúa Trời, nhất là nhận biết về tình yêu như Lời Chúa đã bày tỏ. Chúng ta nhờ Lời Chúa và sức sống phục sinh của ngài để thoát khỏi những quan niệm tiêu cực: như con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.
Sau khi có đức tin để tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận biết ý nghĩa của ba loại tình yêu mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng trong vạn vật và trong nhân loại để yêu quý vợ con, yêu tha nhân. Xưa nay, những vĩ nhân như Đức Thích Ca, Khổng Tử, Lão Trang… vì thiếu Lời Chúa nên sự hiểu biết của họ bị hạn chế trong vòng tri thức nhân loại mà thôi. Lời Chúa và ơn soi sáng của Đức Thánh Linh giúp chúng ta từng bước nhận biết sự mầu nhiệm diệu kỳ, cũng như nếm trải tình yêu thiêng liêng của Đúc Chúa Trời ban cho chúng ta, đó là tình yêu Agape.