Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu, khi nói về người mục tử, đã định nghĩa và phân biệt hai loại mục tử, mục tử nhân lành và kẻ chăn thuê: “Mục Tử nhân lành hy sinh tính mạng cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuôc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10,11-13). Là một linh mục, hay bất kì chức vụ nào khác trong Hội Thánh, có lẽ mỗi người ít nhiều đã không thể quên điều nhắc nhở của Thầy Giêsu. Tuy nhiên, có thực sự mình đang là những mục tử nhân lành?
Tình cờ đọc được cuốn sách có tựa đề “The Top 10 Distinctions between Entrepreneurs and Employees” của tác giả Keeith Cameron Smith viết cho các nhà lãnh đạo, bản thân là một linh mục – người lãnh đạo cộng đoàn – tôi cũng cảm thấy “nhột nhột” với cảm giác hình như mình cũng đang nằm trong nhóm chăn thuê (?). Lật mở lại những dòng giáo huấn của Tin Mừng và của Hội Thánh để thêm một lần khám phá và chia sẻ cùng mọi người đang cùng trách nhiệm mục tử từ góc nhìn của tác giả Smith.
Quá trình đào tạo trong Đại Chủng Viện xây dựng chúng ta thành những mục tử như lòng Chúa mong muốn. Tuy nhiên, việc trở thành mục tử nhân lành hay kẻ chăn thuê lại là việc của từng người khi bắt đầu sứ vụ linh mục trong việc “biết chiên” và “chiên biết” (Ga 10,14), như chính Thầy Giêsu đã nói về mình. Điều này, thôi thúc chúng ta ưu tiên dành nhiều thời gian cho việc học tập như thường huấn và tự thường huấn. Nhưng chúng ta sẽ phải học điều gì? Đó mới là vấn đề!
Trước hết, để có thể “biết chiên” và “chiên biết”, người mục tử nhân lành khi bắt đầu sứ vụ không thể không học và không ngừng học khám phá đàn chiên của mình. Điều này cũng hàm chứa một đòi hỏi khám phá chính bản thân mình. Đó là con đường của gặp gỡ và đối thoại không ngừng nghỉ với thái độ khiêm tốn và khôn ngoan. Học biết giao tiếp và lắng nghe không luôn là điều dễ và cũng không thể thực hiện một lần thay cho tất cả.
Bên cạnh đó, sự trợ giúp của khoa học nhân văn như: tâm lý, xã hội,… cũng là những đối tượng cần được tài bồi. Điều này đã được Công đồng Vaticano II khuyến cáo: “Trong phạm vi mục vụ, phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn” (GS, 62).
Hơn nữa, trong tư cách là một nhà lãnh đạo, linh mục, nếu thiếu những kiến thức nhất định về khoa học lãnh đạo, sẽ không thể có khả năng truyền cảm hứng cho “đàn chiên". Kết quả khó tránh được là vị ấy sẽ thiên về sự thúc ép quá đáng hoặc sẽ rơi vào thái độ chán nản, sống khép kín và buông xuôi.
Quan trọng hơn, mục tử nhân lành dẫn dắt đàn chiên đi tới nguồn sống đích thực để chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những kiến thức giáo lý, thần học, những định hướng từ giáo huấn của Hội Thánh nếu không liên tục cập nhật, người mục tử khó có thể dẫn lối cho đàn chiên mình.
Bởi thế, báo chí, truyền hình, internet… và nhiều thứ tiêu khiển khác là cần thiết, nhưng tất cả chỉ có thể là những trò tiêu khiển; những phút giây thư giãn, nếu không biết sử dụng một cách khôn ngoan để rút tỉa từ đó sự am hiểu về thế giới, con người, những vấn đề của con người và cuộc sống hiện tại... Đó không phải là con đường của học tập. Điều đó cũng có nghĩa là một sự cản trở cho tiến trình trở thành mục tử nhân lành khi chúng ta tiếp tục bám vào đó. Đó là con đường của kẻ chăn thuê.
Thất bại không đơn thuần là một thất bại nhưng là một cơ hội mở ra những kinh nghiệm và những bài học vô giá cho một khởi đầu mới. Theo tác giả Smith, thất bại là một động từ chứ không phải là một danh từ, nó là hành động của ta chứ không phải là bản thân ta.
Đối với những mục tử nhân lành, đón nhận thất bại như là một phần sứ vụ của mình là điều giúp họ mở ra một tiến trình mới của việc tự giáo dục. Mỗi một thất bại đều có hai chiều kích, một đàng, họ nhận ra những khiếm khuyết cần được bổ túc; đàng khác, họ thấy được những hướng đi khác cho sứ vụ. Bên cạnh đó, việc dám chấp nhận thất bại cũng nói lên thái độ khiêm hạ của người mục tử nhân lành. Từ chấp nhận chính thất bại của mình mở ra một thái độ khiêm hạ chấp nhận những thất bại của anh chị em mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giáo lý về Tuần Thánh và Thánh Giá ngày 16/4/2014 đã xác tín với kinh nghiệm của vị mục tử nhân lành: “Chúng ta trông mong Thiên Chúa, trong sự toàn năng của Ngài, đánh bại bất công, sự dữ, tội lỗi và đau khổ bằng một cuộc chiến thắng khải hoàn thần diệu. Thay vào đó, Thiên Chúa cho chúng ta thấy một chiến thắng khiêm tốn, bị coi như là thất bại trước mắt loài người. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa chiến thắng trong thất bại!...
Khi tất cả dường như bị thất bại, khi không còn ai vì chúng đánh “chủ chăn, và đàn chiên sẽ bị phân tán” (Mt 26,31), thì chính khi đó, Thiên Chúa can thiệp với quyền năng Phục Sinh. Sự Sống Lại của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tốt đẹp của một câu chuyện thần tiên, không phải là kết thúc có hậu của một cuốn phim, nhưng là sự can thiệp của Thiên Chúa Cha, và ở nơi mà niềm hy vọng của con người bị sụp đổ. Vào lúc mà tất cả dường như bị mất hết, trong lúc đớn đau, trong đó nhiều người cảm thấy cần phải xuống khỏi thập giá, chính là lúc gần sự sống lại nhất. Đêm trở nên tối hơn ngay trước khi buổi sáng bắt đầu, trước khi ánh sáng bắt đầu. Trong lúc đen tối nhất thì Thiên Chúa can thiệp và sống lại”.
Trong khi đó, kẻ chăn thuê có thể sẽ đổ lỗi, quy trách nhiệm, than phiền… và bỏ cuộc khi mọi thứ trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Bởi lẽ, họ nhìn thất bại bằng con mắt tiêu cực và đánh mất niềm hy vọng vào một thứ quyền năng của sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa (1Cr 1, 25).
Theo tác giả Smith, giải quyết vấn đề trước mắt là cách làm của người thiển cận. Đó là cách làm của kẻ chăn thuê, vì họ không suy nghĩ theo hướng loại bỏ triệt để vấn đề, không coi đó thuộc về phần trách nhiệm, nên không hy sinh thời gian của mình cho việc giải quyết này. Họ bộc lộ rõ ý tưởng đùn đẩy, cứ để đó, người sau sẽ làm. Nói cách khác, đó là một sự lẩn tránh trách nhiệm.
Trong khi đó, mục tử nhân lành ý thức rõ vấn đề của cộng đoàn mình cần phải được giải quyết tận gốc rễ của nó. Dù họ biết rằng trước mắt, điều đó làm cho họ hao tổn sức khỏe, thời gian, đụng chạm…, nhưng sẽ đem lại hiệu quả cho sự phát triển và thăng tiến cộng đoàn ở tương lai. Họ ý thức rất rõ, dù chưa thể tìm ra giải pháp cho vấn đề ngay lúc này, nhưng họ tin sẽ giải quyết được nó trong tương lai. Đó là một cam kết dấn thân với sự tin tưởng và cả phó thác của người mục tử nhân lành. Bởi lẽ, cộng đoàn mà họ được trao phó là một phần cuộc đời của họ. Thế nên, việc giải quyết vấn đề của cộng đoàn sẽ là công việc trước tiên khởi đi từ việc giải quyết vấn đề của chính bản thân họ. Tác giả Smith nhận định, việc tìm giải pháp lâu dài trước tiên là kỷ luật cá nhân, sau đó, mới là hệ thống. Chỉ khi bình an trong tâm hồn, người mục tử nhân lành mới có được trạng thái đầy sức mạnh và sáng suốt để sáng tạo một con đường.
Mục tử nhân lành là người có kiến thức phổ quát, cái nhìn của họ bao quát nhiều lĩnh vực. Điều này cho phép họ thực sự thấy vấn đề nào quan trọng hơn; và nhờ đó, họ có được cái nhìn quân bình hơn về mọi sự. Nói cách khác, họ có cái nhìn tổng thể về cộng đoàn của họ và biết cần phải giải quyết điều gì trước, điều gì sau.
Trái lại, kẻ chăn thuê thường trầm trọng hóa vấn đề, bởi góc nhìn của họ hẹp, thiếu bao quát. Vì biết ít, họ nghĩ tưởng rằng mình quan trọng hơn so với thực tế. Điều này luôn khiến họ trở nên bối rối trong cách xử lý các vấn đề và thường không thành công.
Động viên và sửa lỗi không chỉ là một vấn đề tâm lý trong tương giao người với người, nhưng đó là một đòi hỏi thiết yếu của Tin Mừng. "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em” (Mt 18,15).
Với Chúa Giêsu, đó không chỉ là tiến trình từng bước mà trong tư cách Mục Tử Nhân Lành, Người đã ứng xử theo nguyên tắc: sửa sai và khích lệ, động viên. Trong câu chuyện về hai anh em nhà Giêbêđê xin xỏ địa vị (Mt 20, 20-23), trước tiên, Chúa Giêsu chấn chỉnh họ (c.22); kế đến, Người làm cho họ thực tế hơn khi gieo vào trong lòng họ ước muốn (c.22b), và sau cùng, Người khích lệ họ (c.23). Mặt khác, đó cũng là thái độ kiếm tìm và tha thứ của người mục tử nhân lành. “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5).
Trái lại, kẻ chăn thuê chẳng tha thiết gì với việc động viên và sửa lỗi, nếu không nói là họ từ chối việc sửa sai người khác. Họ chủ trương không dại gì “dây vào” với những người lỗi lầm vì chính họ cũng không muốn thăng tiến bản thân mình. Họ sợ bị “lật mặt nạ”, sợ người khác biết tư cách chăn thuê của họ. Thế nên, việc chọn lựa thái độ “phớt lờ” của thứ chủ nghĩa “makeno” sẽ là giải pháp cuối cùng của kẻ chăn thuê chỉ mong tìm sự “bình an” cho mình.
Không chỉ là chấp nhận người khác trong sự thật về họ để trân trọng, yêu thương và trợ giúp, chính bản thân người mục tử nhân lành cũng ý thức rất rõ về thân phận đầy yếu đuối của mình. Bởi thế, họ can đảm nhận lấy những lỗi lầm của mình: “Lỗi tại tôi”. Họ ý thức được rằng, sự thay đổi của cộng đoàn sẽ không bao giờ có thể diễn ra khi chính bản thân họ chưa thay đổi. Ý thức lỗi lầm của mình sẽ là bước đầu tiên cho tiến trình đổi thay này.
Trái lại, với kẻ chăn thuê, những gì đang xảy ra trong cộng đoàn không phải là tại họ nhưng do bởi ai đó. Họ đổ lỗi cho người khác, và không chấp nhận biến đổi mình. Vì vậy, việc thăng tiến của cộng đoàn là trách nhiệm của ai khác chứ không phải là của họ.
Khi chưa trở thành linh mục, tôi vẫn nghe nói, làm linh mục giáo phận, muốn giàu là giàu, muốn nghèo là nghèo, muốn sướng là sướng và muốn khổ là khổ… Thú thực lúc ấy, tôi chẳng thể hiểu nổi điều này. Nhưng khi trở thành linh mục rồi, tôi bắt đầu “ngộ” ra. Và đây cũng là điều mà tác giả Smith đề cập đến để phân biệt mục tử nhân lành hay kẻ chăn thuê.
Cách đây ít lâu, một cụ ông chia sẻ: “Con xin cho bà cụ nhà 30 thánh lễ, cha xứ bảo con còn thiếu tiền, vì bằng này chưa đủ 30 lễ…(!!!)”. Một giáo dân khác kể: “Cha xứ con thông báo xin một thánh lễ giá là….. (!!!)”. Một chị giáo dân ấm ức: “Có người nhờ con chuyển dùm lễ với số tiền…, nhưng nhiều cha không nhận…(???)”… và nhiều nhiều tình huống khác tương tự. Buồn! nhưng rõ ràng vẫn còn không ít mục tử đang là kẻ chăn thuê để kiếm tiền. Cho dù lý giải khéo đến đâu đi chăng nữa, rõ ràng đây là thực tế khó chấp nhận trong tư cách mục tử nhân lành.
Điều mà tác giả Smith đề cập tới không phải là sự giàu có về vật chất. Sự giàu có mà mục tử nhân lành xây dựng chính là một cộng đoàn tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu một người chủ không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền, nhưng còn tìm cách làm cho công ty của mình phát triển mạnh mẽ, thì một mục tử nhân lành đích thực cũng thế, phải tìm cách để làm cho cộng đoàn của mình phát triển toàn vẹn mọi mặt trên nền tảng của chính cộng đoàn mình. Điều này thể hiện trước tiên trong tiến trình “làm giàu” của chính bản thân mục tử. Nếu chỉ dừng lại ở việc tích góp tiền của, mục tử có nguy cơ trở thành kẻ chăn thuê, nhưng khi hướng tới việc “làm giàu” cho bản thân, là cho bản thân thăng tiến toàn diện, mục tử sẽ trở thành mục tử nhân lành đích thực đồng thời cũng sẽ tìm ra một con đường khả dĩ dẫn lối cho cộng đoàn của mình!.
Kẻ chăn thuê, vì chủ trương kiếm tiền, sẽ có thể bỏ đàn chiên khi nơi đó không thể kiếm tiền dồi dào được nữa, hoặc họ sẽ “mọc rễ” thật chắc và thật sâu tại những nơi ‘béo bở”. Mục tử nhân lành thì khác, vì lo lắng cho sự “phồn vinh và giàu có” của đàn chiên, của cộng đoàn, họ tiếp tục khám phá và xây nền trên chính sự thực của cộng đoàn họ.
Tác giả Smith quả quyết, nếu muốn trở thành vĩ đại, bạn phải chơi cùng những người vĩ đại. Nếu muốn hạnh phúc, bạn phải ở bên cạnh những người hạnh phúc. Điều quả quyết này gợi nhắc, một mục tử muốn trở thành “nhân lành”, phải biết kết thân và sống với những mục tử nhân lành. Nói cách khác, linh mục, trong tư cách là mục tử, chỉ có thể trở nên “Nhân Lành” khi bắt đầu biết quay về học và khám phá cách mà Mục Tử Nhân Lành mang tên Giêsu đã sống chết với đàn chiên của mình. Những kiến thức khoa học về lãnh đạo, tâm lý nhân sự… cần cho người mục tử nhưng chưa đủ, họ cần sống tương giao đích thực với Mục Tử Nhân Lành Giêsu mới mong hoàn thành sứ vụ của mình.
Trái lại, những kẻ chăn thuê chỉ cần áp dụng quyền tài phán thô thiển theo cảm tính, những thứ “đắc nhân tâm” rẻ tiền như những kim chỉ nam để dẫn dắt đàn chiên. Có thể nói chính xác hơn, họ dùng thứ quyền lực của pháp lý hơn là thứ quyền lực nội tại trong chính nhân cách của họ. Họ học biết và ứng xử theo những nhà lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền kiểu thế quyền. Con đường quyền lực pháp lý một khi không thành công, việc xử dụng các biện pháp cưỡng chế, ép buộc… là khó tránh khỏi. Điều này hoàn toàn trái ngược với mẫu của mục tử nhân lành: “biết chiên và chiên biết”.
Một nhà lãnh đạo đích thực không thể thiếu một tầm nhìn. Tầm nhìn là khả năng có thể nhìn thấy một bức tranh tốt đẹp cho tương lai. Chúa Giêsu trong vai trò của một Mục Tử Nhân Lành đã xác định một tầm nhìn rõ ràng của Người với mọi người khi Người công khai rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người mở ra một nhãn giới tràn đầy hy vọng cho sứ vụ của Người cho những kẻ theo Người cũng như cho những ai tiếp bước hành trình của Người. Suy ngẫm về quá khứ là điều cần, nhưng với mục tử nhân lành, họ không dừng lại với quá khứ mà từ kinh nghiệm quá khứ, họ hoạch định một tầm nhìn cho tương lai.
Trái lại, kẻ chăn thuê không thấy sự cần thiết của một tầm nhìn. Họ “chạy gạo từng bữa” với sứ vụ của mình. Tệ hơn, họ chỉ nhìn vào quá khứ “để ca ngợi mãi và tiếc nuối cho thời “vàng son” đã qua, để than phiền hoặc để “gặm nhấm nỗi đau” về những khiếm khuyết, những tội lỗi hay sự xấu hổ….. Họ không chỉ cảm thấy thất vọng về cộng đoàn của mình mà chính họ đang thất vọng về (chính) bản thân mình nữa.
Một trong những khác biệt giữa người lãnh đạo và người quản lý là người lãnh đạo tìm kiếm sự thay đổi, còn người quản lý tìm kiếm sự an toàn. Linh mục, với tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn cũng sẽ được thẩm định bằng ý tưởng của tác giả Smith. Mục tử nhân lành không thể là người quản lý nhưng phải là nhà lãnh đạo. Điều này hàm chứa rằng, mục tử nhân lành không bao giờ chọn sự an toàn. Để có thể bảo vệ đàn chiên, mục tử nhân lành phải can đảm và tin tưởng để chấp nhận những rủi ro. “Anh ta đi trước và chiên đi theo sau” (Ga 10, 4). Sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để bảo vệ đàn chiên, kể cả hy sinh tính mạng là đặc điểm của Mục Tử Nhân Lành (x. Ga 10,11). Đàng khác, sự tin tưởng của mục tử nhân lành cũng hàm chứa ngay trong sự tự tin và sự tin tưởng với từng con chiên trong đoàn. “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Ga 10,9).
Trái lại, kẻ chăn thuê sẽ không bao giờ sẵn sàng liều chết vì đàn chiên. Với anh ta, mạng sống mình bao giờ cũng quý hơn đàn chiên. Bởi lẽ, đàn chiên không thuộc về anh ta, mạng sống của anh ta mới là của anh ta. Chính vì thế, anh ta sợ hãi trước những nguy hiểm và bất trắc trong hành trình của mình và đàn chiên. Anh ta chọn những nơi, những con đường, những cách thế… an toàn cho anh ta hơn là cho đàn chiên. Có thể chọn lựa đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho đàn chiên, nhưng với anh ta, điều đó không quan trọng. Bản thân anh ta mới là quan trọng số một và “anh ta không thiết gì đến chiên” (Ga 10, 13).
…
“Ném phao lại!”
Đọc lại những điều trên để một lần nữa, “Xuất phát lại từ Đức Kitô”. Tiến trình để trở thành mục tử nhân lành sẽ không được và không thể làm một lần thay cho tất cả. “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi!”. Hãy “ném phao lại” từ chính đời sống của mình để bắt đầu lại cho một hành trình mới của sứ vụ.
Mong thay!