Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Pt Giuse Trần Văn Nhật

NHẬN XÉT VỀ VÀI CÂU KINH, BÀI HÁT & DANH XƯNG

Kể từ khi bước vào lãnh vực dịch thuật – lúc đầu như một thú tiêu khiển và sau đó trở thành một nghề nghiệp kiếm sống – tôi nhận thấy trong câu kinh, bài hát của người Công Giáo Việt Nam có nhiều đoạn cần được suy nghĩ và cần được thay đổi thay vì đọc theo thói quen. Nguyên do của bài nhận xét này là vì nghĩ đến giới trẻ ở hải ngoại. Phần đông họ là những người sinh trưởng ở hải ngoại, học tiếng Việt ở hải ngoại nên họ chú ý nhiều đến văn phạm và ý nghĩa của câu kinh hơn là những người lớn tuổi, sinh trưởng ở Việt Nam.

Câu Kinh

Trước hết là chuỗi Mai Khôi, trong mầu nhiệm thứ Hai mùa Thương, chúng ta đọc: “Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.” Thế nào là “hãm mình chịu khó bằng lòng”? Thú thật là tôi đã lúng túng khi phải giải thích câu này.

Có hai cách để hiểu câu trên. Thứ nhất, có thể cho rằng có ba động từ đi liền nhau: hãm mình, chịu khó, bằng lòng. Theo ý nghĩa của phần trước “Đức Giêsu chịu đánh đòn” thì người ta có thể giải thích như sau: hãm mình đừng chiều theo những khoái lạc, và chịu khó chấp nhận những nghịch cảnh, và bằng lòng với hiện trạng. Nhưng nếu đúng như vậy thì câu “hãm mình chịu khó bằng lòng” thiếu những dấu phẩy ở giữa ba động từ. Vì không có dấu phẩy, có người hiểu câu trên rằng: hãm mình, chịu khó với những gì họ bằng lòng! Nghĩa là với những gì họ không bằng lòng thì không có chuyện hãm mình, hay chịu khó! Dĩ nhiên là kiểu giải thích này không phù hợp với tinh thần của mầu nhiệm. Nhưng chúng ta có cách viết nào để dễ hiểu hơn không?

Cách giải thích thứ hai là đổi lại vị trí của ba động từ này, thay vì “Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng” thì đổi thành “Ta hãy xin cho được vui lòng chịu khó hãm mình”. Tương đối câu này dễ hiểu và không cần phải giải thích và tranh luận nhiều như câu nguyên thuỷ.

Tương tự như vậy là mầu nhiệm thứ Ba mùa Thương: “Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.” Thế nào là sự sỉ nhục bằng lòng? Sỉ nhục bằng lòng là những sỉ nhục mà chúng ta hài lòng? Dĩ nhiên, nó vô nghĩa, vì đã là sự sỉ nhục thì chẳng có ai hài lòng cả. Vậy câu này phải đổi như thế nào? Tôi thấy cách tốt nhất là đổi lại vị trí của chữ bằng lòng trong câu kinh để trở thành “Ta hãy xin cho được bằng lòng chịu mọi sự sỉ nhục”.

Sau khi chấm dứt các mầu nhiệm, chúng ta thường kết thúc với Kinh Lậy Nữ Vương, “Lậy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…”, nhưng khi đọc đến câu: “Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con…” thì nhiều người không thể giải thích được “Chúa bầu chúng con” là gì?

Hỏi một số người trẻ thì họ nghĩ rằng: “Bà là người mang bầu (thai) Chúa chúng con”! Có người lại tôn sùng Đức Mẹ hơn nữa với ý nghĩ rằng “Bà là người xếp sòng (chúa tể) cầu bầu cho chúng con”! Nếu đúng vậy thì chữ “Chúa” phải viết thường (chúa) chứ không nên viết hoa để dễ phân biệt.

Tìm sang tiếng Anh, tôi thấy có kinh Hail Holy Queen cũng được đọc sau khi kết thúc các mầu nhiệm và ý nghĩa giống hệt như Kinh Lậy Nữ Vương. Trong tiếng Anh, phần này họ viết “O most gracious advocate”, như vậy “Chúa bầu” là “người cầu bầu cùng Chúa” mà ai đó đã dịch quá sát nghĩa đến độ ngây ngô. Phải chi kinh tiếng Việt được đổi thành “Hỡi ơi! Bà là đấng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con” thì dễ hiểu hơn cho mọi người.

Bài Hát

Bước sang lãnh vực thánh ca, khi so sánh thánh ca Việt Nam với thánh ca Hoa Kỳ ai cũng thấy ngay là thánh ca của chúng ta nghèo nàn! Khi cần phải tìm một bài thánh ca có ý nghĩa phù hợp với phúc âm ngày lễ Chúa Nhật thì quả thật rất khó khăn. Các bài hát kết lễ cũng vậy, hầu hết là người Việt chúng ta sẽ hát bài kính Đức Mẹ, còn các bài hát đề cao việc sống Phúc Âm, thúc giục chúng ta đem đạo vào đời thì quả thật số bài ấy có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể ý nghĩa thần học đôi khi cũng không rõ.

Thí dụ, khi Chầu Thánh Thể, chúng ta có bài Thờ Lậy Chúa của Hoài Đức rất phổ thông. “Thờ lậy Chúa! Thờ lậy Chúa! Uy quyền khả ái…” Nhưng khi vào các tiểu khúc thì có sự lẫn lộn giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Tiểu khúc 1 viết “Hồi tưởng xưa kia Cha đã hy sinh nằm thánh giá… Mà nay Cha đến… Mình Cha…” Khi nghe đến chữ Cha, người Công Giáo thường nghĩ đến Chúa Cha, và chữ Con thường dùng để ám chỉ Chúa Giêsu. Do đó, Chúa Cha thì không hy sinh nằm thánh giá mà phải là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống thế làm người chứ không phải “Cha đến”. Và Bí tích Thánh Thể là Mình Chúa Giêsu chứ không phải “Mình Cha”. Dĩ nhiên, Ba Ngôi là một Thiên Chúa: Cha cũng như Con và Con cũng như Cha, nhưng vì mục đích giáo lý chúng ta nên thay đổi lời của bài hát hoặc chọn một bài hát khác với ý nghĩa tương tự.

Trong mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa thần học, tôi đề nghị đổi những chữ Cha thành chữ Chúa vả một vài chữ khác trong các tiểu khúc bài Thờ Lậy Chúa như sau: “Hồi tưởng xưa kia, Chúa đã hy sinh nằm thánh giá. Lòng nhân ái bao la, còn chưa thoả tâm can. Mà nay Chúa đến… Mình Chúa đây sẵn chờ… Chúng con xin thành tâm mến yêu.”

Một bài hát khác rất phổ thông khi Chầu Thánh Thể là bài Cầu Cho Đức Giáo Hoàng – không có tên tác giả. Có thể nói bất cứ ai thường chầu Thánh Thể thì đều thuộc lòng bài hát: “Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng …” Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao ở đoạn cuối tác giả lại viết rằng “Đừng trao người cho ác tâm quân thù”? Hồi nhỏ, mỗi lần hát đến đoạn này, tôi có cảm tưởng Thiên Chúa thì hung dữ và độc ác, bởi đó tôi sợ Chúa hơn là yêu mến. Vì nếu Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu thì tại sao lại “trao Đức Giáo Hoàng (người) cho ác tâm quân thù”? Trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ, tôi nghĩ, ngay cả một người đạo đức thánh thiện như Đức Giáo Hoàng mà còn bị Thiên Chúa trao cho ác tâm quân thù còn tôi thì sao? Tôi phải hiểu đoạn này như thế nào? Thành thật mà nói có điểm gì lúng túng ở đây. Nếu quả thật có sai sót thì tại sao Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không thay đổi? Trong khi chờ đợi Giáo Hội Việt Nam lên tiếng, tôi đề nghị đổi lời câu này thành: “Cầu cho người thêm sáng soi tinh thần” thay vì “đừng trao người cho ác tâm quân thù.”

Danh Xưng

Trong các bài viết, bài hát và đối thoại của người Công Giáo dường như chúng ta không phân biệt chữ “Ngài” và “Người” cách rõ ràng như trong sách Lễ Rôma và trong Phúc Âm. Chữ “Ngài” để xưng hô trực tiếp với Thiên Chúa. Tỉ như, Ca Nhập Lễ của thứ Ba tuần I mùa Chay: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài là chốn chúng con ẩn mình. Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.” Chữ “Người” để áp dụng cho đại từ ngôi ba, “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”

Trong Phúc Âm Gioan, chương 1, câu 1-4: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.”

Trong rất nhiều bài thánh ca, chữ “Ngài” và “Người” được dùng không phân biệt. Tỉ như trong bài Lên Đường Hành Hương của Mi Trầm (sáng tác 8/01/2025), điệp khúc viết: “Ta lên đường hành hương, ta đi tìm Thiên Chúa. Ngài là Đấng ta chờ mong, Ngài là Đấng ta hy vọng. Có Ngài đời ta vui tươi, có Ngài đời ta đổi mới…” Ở đây Thiên Chúa phải là đại từ ngôi thứ ba (Người - He) chứ không phải ngôi thứ hai (Ngài - You).

Hay Bài Ca Tin Yêu của linh mục Thành Tâm, cả 3 tiểu khúc đều dùng chữ Ngài thay cho chữ Người vì tác giả kêu gọi chúng ta yêu mến Thiên Chúa chứ không trực tiếp nói với Thiên Chúa. Thí dụ tiểu khúc 3 viết: “Hãy yêu thương Ngài đi! Hãy yêu thương Ngài thôi! Chính Ngài là Con Chúa thật đáng yêu. Yêu mọi người trong Chúa mến thương ai ghét ta đó là điều Ngài khuyên khi xưa.”

Dường như khi muốn tôn kính ai, chúng ta dùng chữ “Ngài” mà không cần biết đó là đại từ ngôi thứ hai hay thứ ba. Đây là một thói quen đã ăn sâu trong văn hóa, nhất là trong cuộc đối thoại. Khi nói về một linh mục, một giám mục hay một vị thánh, chúng ta dùng chữ “ngài” mà đúng ra phải dùng chữ “người.”

Dùng chữ người thay cho chữ ngài cũng có trở ngại trong văn viết, tỉ như, khi đề cập đến các thánh, hay các tông đồ, dùng chữ “các người” thay cho chữ “các ngài” thì nghe không xuôi tai. Tôi đề nghị chúng ta dùng chữ “các đấng” thì có lẽ êm hơn.

Một vài nhận xét nêu trên với hy vọng văn hóa Công Giáo sẽ rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn, nhất là cho những người trẻ và những ai mới gia nhập đạo.

Mục Lục

© 2025 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU