Tờ Fortean Times là một đặc san lạ thường, nói thẳng và rất hay khi phúc trình về các hiện tượng lạ lùng đang xảy ra trên thế giới, trong đó bạn có thể đọc thấy những câu chuyện như người tuyết khổng lồ, tượng Đức Mẹ khóc, năm dấu thánh, chuyện ma quái và yêu tinh.
Bạn cũng có thể đọc được các chuyện về thiên thần, người ngoài không gian, các đĩa bay, các khu ruộng bị xén tròn cách lạ lùng, cũng như các câu chuyện về phép lạ và quái vật, về thần thoại và ma thuật. Điều đáng nói về đặc san này là nó phúc trình tất cả các điều lạ thường ấy với một thái độ pha trộn của sự diễu cợt, tin tưởng và hồ nghi.
Ban biên tập biết rằng có nhiều người khờ dễ tin. Họ cũng biết có nhiều người thích chơi xỏ, thích lừa bịp, dối gạt và cũng có những người muốn kiếm chác trên đám đông mê tín dị đoan. Thêm vào đó, cũng có những người thực sự khờ dại và có những người quá say mê. Dầu vậy, ban biên tập cũng hiểu rằng những điều kỳ lạ thực sự có xảy ra. Có thể đó là những trò bịp bợm và dối gạt, nhưng những điều ấy tin được chỉ vì chúng không thể giải thích được bằng khoa học tự nhiên.
Lập trường của Giáo Hội Công Giáo về siêu nhiên thì rất gần với ban biên tập tờ Fortean Times. Khi đối diện với hành động được coi là siêu nhiên, Giáo Hội không phủ nhận hay xác nhận. Giáo Hội không nói tất cả các tượng Đức Mẹ chảy nước mắt đều là bịp bợm, nhưng cũng không coi đó là phép lạ thực. Giáo Hội không quyết định. Khi có người cho rằng họ thấy khuôn mặt của Mẹ Têrêsa Calcutta trong ổ bánh mình hay hình Đức Trinh Nữ Maria trong tấm kính toà nhà cao thì Giáo Hội thường không phê bình gì cả.
Đối diện với những người được cho là có năm dấu thánh và được thị kiến, Giáo Hội không từ chối và cũng không xác nhận.
Khi một hiện tượng được coi là siêu nhiên quá nổi tiếng và Giáo Hội buộc phải lên tiếng thì Giáo Hội cũng chỉ khuyên là nên thận trọng. Chúng ta được bảo là phải nhìn đến những giải thích tự nhiên trước đã. Bởi thế, khi thi thể Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được khai quật và thấy chưa bị rữa nát, các viên chức Vatican nói rằng thi thể ấy "được lưu trữ một cách đặc biệt", và không đề nghị gì có liên quan đến phép lạ.
Giáo Hội giữ lập trường trung dung. Tương phản với quan điểm quân bình này, có hai thái cực trong xã hội. Người hoài nghi nói rằng không thể nào có phép lạ. Ngược lại, người dễ tin thì cho rằng mọi thứ đều là "phép lạ" mà không cần thắc mắc. Xã hội chúng ta tràn ngập với hai quan điểm thái quá này, và chúng ta rất cần đi theo một con đường trung dung hợp lý và đúng đắn.
Những người nặng về vật chất thì từ chối mọi sự siêu nhiên. Một số khoa học gia tin rằng các định luật cố định của khoa học có thể giải thích mọi sự, và như thế, không thể nào có phép lạ. Một số tâm lý gia cho rằng các biến cố siêu nhiên là xảy ra trong tâm trí--họ không đếm xỉa gì đến những hiện tượng siêu nhiên được hàng ngàn người chứng kiến. Các lý thuyết gia cởi mở hơn một chút thì thú nhận rằng có những điều lạ lùng xảy ra, nhưng nhấn mạnh rằng đó chỉ là các biến cố tự nhiên chưa giải thích được. Câu trả lời này thì khá hơn một chút, nhưng nó vẫn không giải thích được mọi sự kiện. Một số biến cố siêu nhiên thực sự lạ lùng, một loại phép lạ, và không thể nào giải thích được.
Lập trường của những người hoài nghi thường được củng cố bởi rất nhiều người sẵn sàng tin bất cứ hiện tượng "siêu nhiên" nào. Các thầy bói và chiêm tinh gia hái ra tiền với những khả năng được gọi là siêu nhiên của họ. Các nhà trị liệu và các nhà duy linh đang thu hút dân chúng vào các loại thờ cúng khác nhau. Các tiệm sách đầy những sách bùa chú và ma thuật. Siêu nhiên là một doanh nghiệp ăn khách, và hai câu sau đây thật đúng: "Lúc nào cũng có người khờ dại" và "Một khi người ta không tin vào Kitô Giáo thì họ không tin gì cả, họ tin đủ mọi thứ."
Đối diện với các dữ kiện này, quan điểm của Công Giáo thì hợp lý nhất. Cũng như tờ Fortean Times, người Công Giáo tin rằng "trên thiên đàng và dưới đất thì có nhiều điều hơn là các triết gia có thể nghĩ ra." Tuy nhiên, chúng ta không phải là người dễ tin. Chúng ta tin có phép lạ, nhưng không theo đuổi các phép lạ ấy. Chúng ta nghi ngờ khi đối diện với các tin tức về hiện tượng siêu nhiên. Chúng ta thú nhận là tâm trí loài người thì phức tạp và bí ẩn, và nhiều điều xảy ra tưởng là siêu nhiên thì rất có thể đó là hoạt động của tâm trí con người hơn là hoạt động của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta không từ chối tính cách khả dĩ của các phép lạ. Thật vậy, chúng ta trân quý các phép lạ lớn lao nhất mà thế giới chưa từng thấy: sự nhập thể của Thiên Chúa làm người và sự phục sinh của Người sau khi chết.
Từ chối phép lạ và dễ tin cả hai đều sai. Thay vào đó, chúng ta phải sống vui sướng với những điều có thể là phép lạ. Nếu chúng ta tin nơi một Thiên Chúa đã dựng nên trời đất, thì không có gì trở ngại để tin rằng Người có thể can thiệp vào thế giới mà Người đã dựng nên. Phép lạ không trái ngược với tự nhiên, nhưng đó là sự xác nhận rằng có ai đó vĩ đại hơn tự nhiên. Phép lạ nhắc nhở chúng ta rằng tạo vật đang sống động, bất cứ gì cũng có thể xảy ra, với Thiên Chúa thì không có gì là bất khả.
Người Công Giáo là những người có thể sống dễ dàng với những điều có thể là phép lạ, trong khi không bị ảnh hưởng bởi các điều đó. Thái độ của Thánh Tôma Aquinas cho thấy thái độ tốt nhất của người Công Giáo trước các biến cố siêu nhiên. Trong thời của ngài, một nữ tu nổi tiếng vì có thể bay bổng trên mặt đất. Thánh Tôma được cho xem thấy nữ tu ấy bay bổng lên trần nhà, và sau khi chứng kiến, ngài nhún vai và nói, "Tôi không ngờ là nữ tu ấy mang đôi giấy ống to như vậy."
Câu trả lời hóm hỉnh này là phương cách tốt nhất để đương đầu với các tin tức về siêu nhiên. Phải, chúng ta tin là những điều lạ lùng có xảy ra. Nhiều điều chúng ta không thể giải thích được. Một số điều có thể thực sự là hành động của Thiên Chúa. Nhưng nói cho cùng, chúng ta nên quay về với các phép lạ mà Người đã thể hiện và đang xảy ra trong đời sống chúng ta: phép lạ về sự sinh hạ của Người, và sự hiện diện lạ lùng của Người trong Thánh Thể.