Tôi có thói quen – mỗi khi nhận được thiệp mời lễ khấn dòng hoặc lãnh thừa tác vụ linh mục – đọc câu Lời Chúa được ứng sinh chọn lựa cho mình trước khi đọc nội dung thiệp mời. Những ngày vừa qua, số thiệp mời không ít; và dĩ nhiên, số câu Lời Chúa được chọn lựa cũng không ít. Thú thực, mỗi lần đọc là mỗi lần tôi bị chất vấn chút chút về sứ vụ của tôi. Những ngày này, cụm từ “Chạnh Lòng Thương” (Mc 6,34) được một tân linh mục chọn lựa gợi nhắc tôi nhiều nhiều về sứ vụ mà tôi đã gắn bó từ 17 năm qua.
Cách nay khoảng hai tháng, tôi tham dự một Thánh lễ do một linh mục trẻ cử hành. Trong Thánh Lễ, khi chia sẻ Lời Chúa (Ga13,16-20) cho thiếu nhi, người anh em linh mục đã chia sẻ với ý tưởng: linh mục là chính Chúa vì linh mục là Alter Chritus. Vì thế, khi cha đến nhà, chúng con đón tiếp cha là đón tiếp chính Chúa. Đây là điều mà Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay: “ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20).
Nghe chia sẻ của người anh em, tôi chợt cảm thấy sao sao đó! Cứ băn khoăn mãi về cách suy nghĩ này! Hôm nay, một người anh em chọn lựa tâm nguyện đời linh mục bằng câu “chạnh lòng thương”, tôi chợt như bừng sáng lên một con đường để trở nên Alter Christus: “chạnh lòng thương”.
Linh mục không phải là Chúa. Linh mục chỉ là một con người bình thường; thậm chí, có khi còn tầm thường nữa nhưng được Thiên Chúa yêu thương chọn gọi tham dự vào thiên chức linh mục. Chính trong tư cách một linh mục mà người linh mục được mời gọi trở nên giống như Chúa Kitô đến độ như một Alter Christus trong đời sống và sứ vụ của mình.
Dù trong Tin Mừng chỉ dùng trực tiếp 8 lần từ ngữ “chạnh lòng thương” để diễn tả cảm xúc của Chúa (Mt 9,36; Mt 14,14; Mt 15,32; Mt 20,34; Mc 1,41; Mc 6,34; Mc 8,2; Lc 7,12) và 3 lần gián tiếp (Lc 10, 33; 15,20 và Mt 18,28), nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng Chúa Giêsu – Vị Linh Mục Thượng Phẩm – đã thực thi toàn bộ sứ vụ của mình với con tim luôn “chạnh lòng thương” của Người. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm, từng lời giáo huấn, từng hành động Người thực hiện luôn tràn ngập bởi một cõi lòng “chạnh lòng thương”. Linh mục – người được thông phần với vị Linh Mục Thượng Phẩm Giêsu – cũng chỉ có một con đường duy nhất để trở thành Alter Christus đó là con đường “chạnh lòng thương” như Người.
Trong 8 lần Tin Mừng dùng cụm từ Chúa “chạnh lòng thương” chúng ta có thể nhận thấy: 4 lần kể lại việc Chúa thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, 1 lần chữa người phong hủi, 1 lần chữa hai người mù, 1 lần dạy phải cầu nguyện cho có thêm nhiều thợ gặt, và 1 lần phục sinh con trai bà góa thành Naim. Ba lần gián tiếp, Tin Mừng muốn giới thiệu khuôn mặt “chạnh lòng thương” cúi xuống nâng dậy kẻ khốn cùng, tha thứ cho kẻ mắc nợ, và đón tiếp kẻ tội lỗi quay về.
Động từ splanchnizesthai có nghĩa là “đau lòng, lòng quặn thắt”. Đây là một xúc cảm mạnh mẽ, như tâm tình của người mẹ thấy lòng dạ quặn thắt trước nỗi đau của người con. Một Thiên Chúa để cho ruột gan mình quặn thắt lại khi đứng trước mọi nỗi đau, sự khốn cùng của con người. “Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta; tình thương ngăn cản không để cho Chúa dửng dưng đối với những gì xảy đến cho chúng ta” (sứ điệp Mùa Chay 2015). Có thể nói, chính con tim “chạnh lòng thương” là động lực cho toàn bộ hành động của Chúa Giêsu.
Sự chạnh lòng thương ấy đã làm cho Người quan tâm tới bất kỳ con người khổ đau nào! Phải chăng Chúa Giê-su đã chú ý tới việc gìn giữ sức khỏe của mình? – Không! Người để cho mình bị lôi vào trong sự khổ đau và vào trong nỗi khốn cùng của con người, đơn giản, vì Người có thể và muốn “chạnh lòng thương“, vì Người có một con tim không biết xấu hổ khi “chạnh lòng thương” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng lễ tấn phong hồng y 15.2.2105).
Đời sống sứ vụ của linh mục cũng chỉ có thể đạt tới mức cần thiết khi người linh mục dấn thân với con tim “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu. “Chúa Giê-su đã không sợ hãi trước những rủi ro trong việc đón nhận nỗi đau khổ của người khác vào chính bản thân Người, nhưng Người trả giá cho họ đến cùng (xc. Is 53,4)“ (ĐGH Phanxicô, Bài giảng lễ tấn phong hồng y 15.2.2105). Chính động lực này giúp người linh mục dấn thân không mỏi mệt để “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10). Bởi lẽ đó, không chỉ là cử hành bí tích, sứ vụ của linh mục được thúc đẩy bởi con tim “chạnh lòng thương” sẽ mở ra tận vùng “ngoại biên”, ở mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội, văn hóa… mà con người đang trải qua kinh nghiệm khó khăn, đau khổ và khốn cùng. Có thể nói, chỉ với động lực thúc đẩy bởi con tim “chạnh lòng thương”, linh mục mới dám lên tiếng trước sự dữ và chết như chân phước Oscar Romero; hoặc không ngại lội trong lũ dơ bẩn để khơi dòng chảy cứu dân đến độ phải chết như cha Giuse Định (Đàlạt)…
Trước hết, để trở nên một linh mục “chạnh lòng thương”, bản thân người linh mục phải cảm nghiệm mình là người được Chúa “chạnh lòng thương”. Thiếu ý thức này, người linh mục sẽ khó có thể hoàn tất sứ vụ của mình như một Alter Christus.
Đức Thánh Cha Phanxicô, một vị giáo hoàng “chạnh lòng thương” trong đường lối và sứ vụ của ngài. Không phải chỉ trong sứ vụ của một giáo hoàng mà ngay từ khi còn là giám mục. Và có lẽ, ngay từ khi ngài là linh mục. Châm ngôn của đời giám mục và của sứ vụ giáo hoàng của ngài cho thấy, trước khi trở thành một con người “chạnh lòng thương”, ngài đã sống kinh nghiệm là người được “chạnh thương và kêu gọi” trong ơn gọi và sứ vụ của ngài.
Nhưng bằng cách nào? Thánh Kinh chỉ cho chúng ta những con đường như sau: (1). Đó là trở nên một con người tôn kính Chúa: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv102). (2). Một con người sống tinh thần thơ trẻ: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chốn tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo” (Tv 70,12); “Trời hãy reo hò, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng reo hò, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13). (3). Đó là con đường dành cho kẻ sám hối: “Ta sẽ gieo trồng nó làm của riêng Ta trong xứ sở, sẽ chạnh thương con bé “không được thương”, sẽ nói với thằng “không phải dân Ta”: “nguơi là dân Ta”. Còn nó sẽ thưa: “Thiên Chúa của con” (Hs 2,21); với xác tín vào Thiên Chúa: “Nhà Giuđa thì Ta sẽ chạnh lòng thương và sẽ cứu chúng nhờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng” (Hs 1,7)
Kế đến, người linh mục để có thể là con người biết “chạnh lòng thương” cần phải vượt qua những thói quen dửng dưng; thậm chí, cần đề phòng cả những mặt trái của sự dửng dưng đang ẩn dưới những những dáng vẻ của sự phục vụ con người và cộng đoàn. Một con tim biết “chạnh lòng thương” sẽ không bao giờ đi cùng với thái độ dửng dưng dù dưới hình thức nào. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Tình Yêu không thể chung chung, thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm dở dở hay chẳng nghiêng về bên nào! Tình Yêu thiêu đốt, gây phấn chấn, mạo hiểm và bao gồm! Vì Tình Yêu đích thực luôn luôn là nhưng không, vô điều kiện và tự do đáp lại (xc. 1Cor 13). Tình Yêu sẽ sáng tạo khi nó dẫn tới chuyện tìm ra ngôn ngữ thích hợp, để đón nhận mối tương quan với tất cả những người bị coi là không thể chữa lành và không thể đụng chạm tới“ (bài giảng 15.2.2015).
Cuối cùng, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định, “chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp” (Sứ điệp Mùa Chay 2015,3). Chính suy nghĩ này làm cho chúng ta có thể lẩn trốn con tim “chạnh lòng thương” của mình. Trong Tin Mừng, các trình thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy cản trở này nơi các tông đồ. Các ông không hề dửng dưng, các ông cũng có khả năng “chạnh lòng thương” cùng với Thầy Giêsu; nhưng rõ ràng, các ông sợ và lẩn trốn sứ vụ dường như vượt quá khả năng của các ông. Bởi thế, để có thể “chạnh lòng thương”, người linh mục cần có khả năng biết mình và biết Chúa để không lẩn trốn, nhưng sẵn sàng cộng tác với ân sủng để con tim “chạnh lòng thương” không ngưng nghỉ nhưng luôn sẵn sàng cho mọi người.
…
Mãi mãi và không ngừng nghỉ! Con tim của linh mục phải là con tim “chạnh lòng thương” như con tim của Chúa Giêsu.
Xin lỗi Chúa vì có không ít lần, trong sứ vụ, trái tim của linh mục chúng con đã không rung động, đã chẳng thể “chạnh lòng thương” với mọi người.
Xin Thánh Tâm “chạnh lòng thương” không ngưng nghỉ của Chúa chạm vào trái tim anh em linh mục chúng con để chúng con cũng có thể không ngưng nghỉ “chạnh lòng thương” như Chúa.