“Có người dạy thiên hạ thì thông minh.
nhưng vô tích sự đối với chính mình” (Hc 37,19)
Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Việc nhà thì gác, việc chú bác thì siêng”. Đúng ra, bổn phận quan trọng và trước tiên là đối với bản thân của mình. Tu thân, tề gia, trị quốc rồi mới bình thiên hạ. Mọi cái sẽ chẳng tới đâu nếu bản thân ta chưa sáng tỏ. Vấn đề ưu tiên không phải là những gì xung quanh mình, nhưng là chính mình. Vì thế, càng cần phải quan trọng hóa việc đối diện với chính mình. Có thể mình đã trở nên xa lạ với chính bản thân mình, không còn thực sự là mình giữa những công việc đa đoan và thói quen máy móc; giữa những lo lắng và toan tính hơn thua, danh, lợi; giữa những lôi kéo và cám dỗ hằng ngày, khiến mình bị biến dạng, và trong mức độ lệch lạc nào đó của nhân tính khiến mình bị biến thái.
Mình chỉ là mình khi luôn tạo được khoảng cách an toàn, tư thế độc lập và tính cách quân bình trong mọi sinh hoạt. Muốn được như vậy phải có khả năng tách rời chính mình để nhìn lại mình trong từng thời điểm nhất định, để thấy mình đang sống thế nào trước mọi tình huống. Trong sự thể hiện này, biết mình vẫn là đầu mối của mọi sự để ta có thể phát huy những tiềm năng của sự sống nơi chính mình.
Miền Bắc Hy lạp có một thị trấn nhỏ nằm trên bãi biển gọi là Delphi. Thị trấn này này có ngôi đền thờ thần Apollon, với phong cảnh thật đẹp nên thu hút rất đông du khách. Trên tường cao vút của đền thờ thần Apollon có khắc một câu châm ngôn: “Hãy nhận biết bản thân mình”. Đây có thể là lời khuyên tốt nhất, sâu sắc nhất của vị thần này dành cho loài người: Hãy nhận biết mình là cái gì? Mình cần phải là gì? Mình sẽ có thể là gì?
Điều này đặt ra vấn đề căn cơ đời sống làm người, để rồi từ đó mời gọi ta hãy đối diện với chính mình hằng ngày trong từng biến cố, từng hoàn cảnh, từng tâm trạng và từng biến chuyển trong cuộc sống.
Theo Mạnh Tử, con người có bốn tâm tính nồng cốt:
1) Lòng trắc ẩn (nhân ái--thương xót). Chúa Giêsu là mẫu mực tuyệt hảo cho chúng ta về vấn đề này. Lòng trắc ẩn của Người rất nhạy bén với từng con người. Toàn thể đời sống của Người là sự biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Trở nên hoàn thiện như Cha trên trời không có nghĩa là không còn chút lỗi lầm nào, mà là mở rộng lòng nhân ái vô giới hạn. Đó cũng là đức độ được suy tôn cao nhất trong đời sống làm người.
Lacordaire nói rằng: “Không phải tài năng, không phải danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quí của tâm hồn, mà chính là lòng nhân ái vậy”.
Bullwer Lytton cũng cho thấy: “Một con tim nhân từ còn quí hơn vạn đầu não trong thế gian”.
J. Chevalier minh định khả năng cao vượt của người có một tình yêu mến sâu rộng như sau: “Khi một người yêu Thượng Đế và mọi người một cách tha thiết, người ấy có thể làm điều mà mình muốn, vì rằng họ nương theo chân lý tối cao và tính nhân ái chí tôn, họ không thể ngã vào lầm lạc được”.
2) Tính biết hổ thẹn. Người tốt là người luôn biết hổ thẹn với lương tâm khi có những ý hướng và hành vi sai trái. Sự hổ thẹn là nét đẹp của tâm hồn, giúp người ta bảo toàn được tính cách thanh cao, hồn nhiên và trong sáng của mình khi đối diện với những gì đi ngược với sự thiện và sự thật. Cái đáng sợ nhất nơi một con người là không còn biết hổ thẹn với chính mình, có thể vì lương tâm đã ra chai lì và khô cứng, hoặc vì đã quen xử sự cách thô thiển, mất đi sự nhạy bén và tính phản xạ của một tâm hồn thiện hảo.
Tính biết hổ thẹn giúp người ta biết xa tránh đường nẻo gian tà để quay về với đường ngay nẻo chính, giúp người ta thấy không thể đồng hóa mình với lối sống tầm thường, kém cỏi để có thể sống cao đẹp cái phẩm giá làm người. Chính vì không còn biết đối diện và hổ thẹn với chính mình nên nhóm biệt phái, luật sĩ và kinh sư vẫn lầm lì trong lối sống bất chính, giả hình, ngụy tạo, vô đạo, mặc dù có đạo và là thành phần lãnh đạo tôn giáo (x. Lc 11, 42-47).
3) Tính nhường nhịn. Chính Chúa Giêsu đã đưa ra giáo huấn này: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.” (Mt 5, 38-40).
Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Giữ lấy cái đầu thì tốt hơn là giữ lấy cái mũ”. Đời sống chung không thể tồn tại nếu không có sự nhường nhịn lẫn nhau. Nhường thì mất, nhịn thì nhục. Thật ra đó cũng chỉ là cái nhìn nhỏ nhoi và hạn hẹp của tâm trí. Có những cái cần phải mất để được, phải chịu nhục để có thể khuất phục. Dưới cái nhìn từ ái và bao dung đại độ thì nhường chẳng hề mất, và nhịn chẳng hề nhục. Mà còn trái lại, đó là cách thế hữu hiệu trên đường cải hóa bản thân và cảm hóa tha nhân.
Có ai từ bỏ bằng Đức Giêsu, và có ai đã dám chịu nhục như Người. Dù Người có quyền năng để thay đổi mọi sự, nhưng Người đã không làm như thế. Đó là đường lối và tính cách cao vượt của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đối với loài người chúng ta. Đó cũng chính là cái dũng của thánh nhân và là cái đức của thánh hiền. Chỉ với một sức mạnh tinh thần cao độ, người ta mới có thể ung dung nhường nhịn và nhẫn nhục để đạt tới một cái gì lớn lao hơn cho cuộc đời này. Thánh Phaolô cho thấy đó mới là lòng yêu mến chân thực: “Đức mến… thì nhẫn nhục” (1Cr 13, 4).
4) Tính thị phi (biết phải trái). Ở đời có những người chẳng bao giờ biết nói lý lẽ và phân biệt thị phi, chỉ sống và hành động cách bộc trực theo cảm xúc trước sự việc xảy đến. Họ không biết rằng: “Lẽ phải là Thượng Đế của con người tự do” (Maxime Gorki), và “Sự khôn ngoan chỉ tìm thấy trong lẽ phải” (Goethe). Khi không dựa trên sự thật và lẽ phải để hành động, người ta trở nên bung xung và nô lệ theo cảm tính của mình. Khi không tha thiết kiếm tìm chân lý và sự thiện để thể hiện nhân cách, thì tâm hồn luôn nằm trong tình trạng vô minh và lầm lạc. Léon Tolstoi quả chí lý khi nói: “Cái biểu hiện tốt nhất của chân lý là sự giản dị và rõ ràng. Cái giả dối thường bao giờ cũng vờ vĩnh, rối rắm và hoa mỹ”.
Dường như người ta luôn muốn dùng tình cảm để hợp lý hóa tất cả các lý lẽ. Đang khi con đường thành nhân đòi hỏi phải hợp lý để có thể hợp tình. Lý lẽ thì chẳng bao giờ cho cùng, nhưng tình yêu và sự thật thì cùng ở trong nhau. Không thể có tình yêu mà không có sự thật, cũng không thể có sự thật mà bất chấp tình yêu. Chúng tương ứng, tương tác nhưng không tương đồng, nghĩa là không thể lấy cái này để thay thế cái kia: “Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11, 42).
Tình yêu làm cho con người nên vĩ đại, nhưng “không có cái vĩ đại nào mà thiếu sự thật ở đó cả” (G. E. Lessing).
Bốn tâm tính trên đều qui về lòng Nhân, là tính thiện vốn có nơi mỗi con người, là giềng mối của mọi nhân đức. Mạnh Tử cho thấy sự phát khởi của lòng Nhân làm phát sinh tác dụng của Nghĩa, Lễ, Trí:
“Trắc ẩn chi tâm, Nhân chi đoan dã.
Tu ố chi tâm, Nghĩa chi đoan dã.
Từ nhượng chi tâm, Lễ chi đoan dã.
Thi phi chi tâm, Trí chi đoan dã”.
(Lòng thương xót là đầu mối của Nhân.
Tính hổ thẹn là đầu mối của Nghĩa.
Tính nhường nhịn là đầu mối của của Lễ
Tính thị phi là đầu mối của Trí).
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí không phải là cái bên ngoài nung đúc cho ta, nhưng là cái đã sẵn có trong “Tâm”. Bởi vậy có cái không học mà có thể làm được, đó là lương năng; có cái không nghĩ mà biết được, đó là lương tri. Tuy nhiên, nếu cái “Tâm” ấy không được tu dưỡng và làm triển nở sâu rộng mỗi ngày một hơn, nó sẽ mai một và chìm sâu vào u tối. Với định hướng thành toàn của một con người, Mạnh Tử đã kết luận cách tổng quát về triết lý nhân sinh của mình:
“Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính dã, tắc tri Thiên hĩ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính. Sở dĩ sự Thiên dã”. (Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy).
Giữ được cái tâm, nuôi được cái tính là chuyện không dễ dàng chút nào giữa cảnh đời đổi trắng thay đen, do dục vọng nổi lên như những cơn sóng vỗ không ngừng, và nhất là do việc không nhận biết chính mình.
Truyện cổ Ấn Độ kể rằng có một chú chuột nhắt bị trầm uất thê thảm vì lúc nào cũng phập phồng lo sợ các chú mèo. Một pháp sư thấy vậy nên thương tình biến nó thành mèo. Thế nhưng chú mèo đó lại sợ chó. Pháp sư lại hóa phép cho nó thành chó. Sau khi đã thành chó, nó đâm ra sợ con báo. Thế là pháp sự phải biến nó thành một con báo. Bấy giờ nó lại sợ đám thợ săn. Tới như vậy rồi thì vị pháp sư cũng đành bó tay. Ông suy nghĩ và biến nó trở lại thành chú chuột nhắt như trước kia, và nói: “Tao có biến mày thành giống gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, bởi vì cái tâm của mày vẫn là cái tâm con chuột”.
Trong cuộc sống của con người cũng thế, điều quan trọng không phải là thay đổi hình thức, hình dạng hay tính cách bên ngoài, cũng không phải trở thành dòng giống khác, một hàng ngũ khác hay một hạng người khác, mà là trở nên chính mình như mình đã được dựng nên, đã được ban cho. Nói cách khác là giữ vững và phát sáng cái chân tâm của mình giữa cuộc sống đa đoan và nhiều bất ổn, là làm nên chính mình từ những cái mà người đời gọi là may mắn đến những cái rủi ro, thuận lợi cũng như bất trắc. Nếu biết thu dụng thì tất cả đều góp phần cho việc trở nên chính mình. Không phải những thay đổi bên ngoài làm cho ta đạt tới phẩm chất làm người, mà là những thay đổi bên trong từ chính thâm tâm của mình, một cái tâm được khơi trong gạn đục để nó trở thành sáng tỏ ngọn nguồn giữa những rối ren và phức tạp của cuộc sống.
Như vậy khi đối diện với chính mình đòi ta trước tiên biết nhận xét xem mình có còn đang phát huy tâm tính làm người? Nghĩa là có còn nhạy bén về lòng nhân ái không? Có còn biết hổ thẹn với những việc làm thiếu chân chính không? Có dễ nhường nhịn không? Có dám thể hiện sự chân thật không? Và hơn nữa, có còn là chính mình với một tâm hồn trong sáng và vững vàng trong sự thiện không?
Muốn đối diện với chính mình thì phải biết dừng lại để nhìn. Một văn sĩ đã viết: “Đời sống con người không phải là một xa lộ tốc hành nối liền từ cái nôi đến ngôi mộ”. Nhưng rồi nhiều lúc ta lại biến đời sống mình thành một cuộc chạy đua không đích điểm trên xa lộ ấy, chỉ lo được việc và đạt mục tiêu như cái máy vô hồn, chứ không hề sống cuộc đời mình. Cuộc sống sẽ biến ta trở nên lạnh lùng, giả tạo vì chỉ biết chạy mà không biết dừng. Không có điểm dừng thì cũng sẽ không có điểm tới. Chỉ có điểm tới cho ai có khả năng biết dừng lại: dừng lại trong từng ngày và trong từng biến cố để đối diện với chính mình. Đừng để áp lực của các biến cố đè nặng trên ta, làm tâm hồn ta khô cạn, khiến đời sống chỉ còn là một chuỗi bổn phận khô khan, chứ không còn là một sự dò tìm và khám phá những bí ẩn nơi chính mình.
Nhìn giỏi không phải là nhìn người khác mà là nhìn vào bản thân mình, để thấy được chính mình. Ai không nhìn thấy bản thân thì cũng chẳng nhìn thấy thực tế của tha nhân. Sự dừng lại là một khoảng trống khiến ta sợ hãi vì phải đối diện với chính mình, sợ thấy những điều mình không muốn thấy, nhưng lại là những điều nhất thiết phải thấy: thấy rõ bộ mặt của mình, thấy những cái đáng lo ngại trước lối sống và tình trạng của mình; thấy mặt trái nhân cách của mình; thấy không thể tiếp tục che giấu bộ mặt thực của mình với nhiều loang lỗ… Sự dừng lại để đối diện với chính mình vạch cho ta thấy những gì ta có thể trở thành, và những gì ta thiếu để có thể trở thành, như thi sĩ Mark Strand đã nói: “Dù tôi ở đâu, tôi là những gì tôi thiếu”.
Cũng vậy, nghe giỏi không phải là nghe người khác mà là nghe chính mình. Ai không nghe mình thì cũng chẳng hiểu người khác. Chẳng ai có thể hiểu được người khác thâm sâu khi chưa hiểu được chính mình. Có biết lắng nghe mình mới có yêu thương thực sự và trọn vẹn. Lắng nghe là bản chất hay chân tướng của Chúa Thánh Linh. Chính Người lắng nghe tiếng lòng thổn thức của chúng ta và dạy chúng ta biết lắng nghe Người qua sự vang vọng và thúc đẩy từ bên trong tâm hồn mình, nhờ đó mà ta được biến đổi dần dần.
Những sinh hoạt thiêng liêng trong đời sống tôn giáo là những chặng dừng cần thiết để giúp ta đối diện với chính mình. Các nghi lễ, kinh nguyện, những hình thức đạo đức, giáo điều, lề luật… đều là những phương tiện rất quí. Nhưng tất cả những điều đó chưa là gì cả nếu con người chưa ý thức về chính mình, chưa nhận dạng về tình trạng của bản thân mình. Đành rằng tất cả những điều đó giúp ta thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thờ phượng thế nào được khi tâm hồn ta còn bị bít kín và đầy những lo toan, ngờ vực, hơn nữa luôn bị cuốn xoay trong cơn lốc của sự đời. Vì thế, điều quan trọng trước tiên là phải đặt mình trong tất cả để có thể nghe được tiếng vang dội từ nơi thâm sâu của của lòng mình. Một sự thờ phượng đích thực chỉ có nơi một tâm hồn đang phơi bày một cách chân thực và an tĩnh. Mọi biến chuyển của tâm hồn sẽ bắt đầu từ đó để làm nên một cái nhìn mới, một tâm thái mới cho một cuộc sống mới.
Có nhiều u uẩn trong mọi ngõ nghách của tâm hồn. Ngày nào chưa nhận diện chúng rõ ràng thì đời sống vẫn còn nhiều bóng tối, và mọi việc đạo đức cũng chỉ là xoa dịu tạm thời, chẳng đưa ta tới đâu cả. Phải thiết lập những trạm dừng để hồi tâm, để can đảm đối diện và dò thấu chính mình. Không chỉ những khoảnh khắc nhất định nào đó thôi, nhưng còn phải tiến tới một sự phản tỉnh liên tục để thấy chính mình đang sống, đang hành động, đang nói năng, đang thể hiện tính cách qua từng công việc và mọi quan hệ…
Sự tĩnh lặng trong tâm hồn là một nghệ thuật đang bị đánh mất giữa một thế giới ngày càng nhiều những ồn ào và xáo động từ mọi phía. Âm thanh bên ngoài dường như chiếm cứ toàn bộ cuộc sống từ lúc thức dậy đến khi đêm về. Những âm thanh đó như bức tường che lấp và phủ kín âm thanh của tâm hồn, khiến ta không còn khả năng đối diện với chính mình. Điều đáng ngại hơn nữa là những lo lắng, toan tính và những tư tưởng ngổn ngang đang chồng chất trong não bộ làm khuấy động tâm tư. Một vị tổ phụ đã nói: “Cũng như mình không thể thấy khuôn mặt của mình trong dòng nước đục, thì tâm hồn nào còn vướng bận các tư tưởng xáo trộn cũng không thể nào cầu nguyện được”.
Sự tĩnh lặng không chỉ là điều kiện tối cần để cầu nguyện, để nhận ra dung mạo của bản thân, mà còn để nhận ra những tiếng gõ cửa mời mọc từ bên ngoài, những quyến rũ của môi trường xung quanh gợi lên ham muốn từ bên trong. Sự tĩnh lặng còn là chốn nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe thể xác và nghị lực tinh thần, hầu tiếp tục khơi sáng mọi vấn đề trong cái nhìn toàn diện và chân chính. Nếu cứ thả mình theo một lối sống ồn ào, thì ta càng trở nên nô lệ cho chính mình. Sự tự do để làm chủ bản thân không còn nữa thì còn đâu ý nghĩa của cuộc sống mình đang sống.
Chính sự tĩnh lặng là khoảng không gian không thể thiếu để Thiên Chúa ngõ lời với ta. Đó là khoảng trống của sự gặp gỡ giữa Chúa và tôi trong chính tâm hồn mình. Thiếu khoảng trống của sự tĩnh lặng đó thì Thiên Chúa không thể lên tiếng, vì bản thân tôi không muốn nghe hoặc chưa sẵn sàng nghe. Đó là con đường ngầm rất sâu kín mà tâm hồn tôi phải lặng lẽ đi xuống, để được gặp gỡ và chìm sâu trong Người. Và như vậy, đối diện với chính mình cũng là đối diện với chính Chúa, Đấng đang sống trong tôi, luôn chờ đợi tôi trong sự tĩnh lặng và thanh thản của tâm hồn, để làm cho cuộc sống tôi thêm sung mãn.
Một ngày không có sự tĩnh lặng là một ngày ta không hiện diện, không có mặt, không sống cuộc sống đích thực, và cũng là một ngày vắng bóng Thiên Chúa. Một ngày vắng bóng Thiên Chúa thì quả là trơ trọi, chẳng biết mình sống cho ai, vì ai, đi dâu, về đâu, chỉ còn lại bóng đêm và tăm tối trong căn nhà tâm hồn mình.
Tâm hồn ta sẽ trở nên loạn lạc khi mất đi khu vực tĩnh lặng. Khu vực này phải được bảo toàn hằng ngày, vì đó là quang cảnh thần thiêng mà bản thân ta và sự hiện diện của Thiên Chúa được phô bày cách linh nghiệm. Trong quang cảnh đó, ánh sáng nhiệm mầu của Chúa sẽ chiếu dọi, tâm hồn ta được thanh tẩy trong bình an và tình yêu của Người.
Bản tính con người thường muốn nhắm mắt làm ngơ trước những gì mình không muốn thấy, nhất là làm ngơ đối với những lầm lỗi của chính mình. Người ta kể chuyện về một chàng niên rằng, khi anh ta đang cạo râu, thấy bộ mặt mình trong gương, anh ta ngắm nghía, nhưng rồi thình lình lớn tiếng thốt lên: “À thì ra mày là một thằng khốn nạn, bẩn thỉu”. Và từ đó, anh ta trở nên một con người khác hẳn. Điều này gợi lại tình cảnh bệ rạc của người con trai hoang đàng khi anh ta thốt lên: “Tôi sẽ đứng dậy và trở về cùng cha tôi” (Lc 15, 17). Anh ta chỉ đứng dậy khi đã tỉnh trí sau đà thác loạn, khi biết đối diện với chính mình để nhận ra sự thật, để không còn ảo tưởng về chính mình, về cuộc sống, về con người.
Chắc rằng khi đối diện với chính mình sẽ không tránh được những đau buồn tê tái, những nhức nhối tâm can. Nhưng có buồn đau ta mới nhận được hạnh phúc trong đời, có bóng tối thì mới có ánh sáng. Ta phải can đảm vượt qua mọi trở ngại mới biến nỗi buồn thành niềm vui, biến ước mơ thành hiện thực.
Thật ra, cái cuối cùng mà người ta khao khát và chờ đợi cũng chính là tình yêu, để yêu và để được yêu cách sung mãn tràn trề. Tình yêu chân thật đó do ta đúc kết nên qua những sai lầm và cay đắng, qua những vấp váp và đau thương, qua những thất bại và thành công, qua những nhiễu nhương và ý chí kiên cường… Đời sống con người phi thường là thế. Có khổ đau và mất đi ta mới biết trân trọng cái mình đang là, đang có.
Không quá khó khi ta vượt qua chính mình, mà khó khăn nhất chính là có dám đối diện với mình không? Một sự đối diện được đặt dưới cái nhìn và tấm lòng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, để hướng chúng ta tới sự thành toàn cao đẹp nhất trong ơn cứu độ của Người.
Lạy Chúa, con vui vì hằng ngày được đối diện với chính mình dưới cái nhìn của Chúa. Dù nhiều khi sự đối diện này cho con thấy những lấm láp và hoen ố của đời sống con, nhưng con vẫn vui vì được phơi trần tất cả dưới ánh sáng chiếu soi của Chúa. Nhờ đó mà con được thanh tẩy mỗi ngày trong tình yêu Chúa, để lại bắt đầu phấn khởi làm nên cuộc sống mới.
Được kề cận bên Chúa để hiểu rõ bản thân mình thì còn gì quí báu và hạnh phúc hơn. Con tin rằng, trong tình thân thiết này, chính Chúa sẽ thấm nhập và làm nên cuộc đời con. Con không phải lo âu sợ sệt về tình trạng và nhiều vấn đề của bản thân con, nhưng con vui thỏa để ngắm nhìn chân dung Chúa, Đấng đang tái tạo và khởi sắc lại mọi sự trong cuộc sống này. Amen.