Tâm lý học đã có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống con người. Nó thực sự góp phần vào công cuộc thăng tiến và phát triển con người. Công việc mục vụ nếu muốn thành công cũng cần sự góp phần của tâm lý học. Thế nhưng, khi đọc hiến chế Mục vụ của công đồng Vatican II, chúng ta không khỏi ngạc nhiên, khi trong một hiến chế dài hơn 50.000 từ ngữ, người ta chỉ thấy từ ngữ “tâm lý” xuất hiện 9 lần. Phải chăng các nghị phụ công đồng đã không chú ý đủ tầm quan trọng của tâm lý học đối với mục vụ? Không phải như thế! Vì đây là một văn kiện “Hiến chế’ mang tính mệnh lệnh và chỉ dẫn với mục đích chính là “trình bày sự hiện diện và sinh hoạt của Giáo hội trong thế giới” (số 2, đoạn 1) nên văn kiện không thể trình bày khác hơn. Thế nhưng, khi đọc văn kiện này, chúng ta có thể khám phá nhiều sắc màu của tâm lý học đàng sau những trình bày của bản văn. Trong bài viết này, chúng ta cùng khám phá một đôi nét sắc màu này, như một cách góp phần đọc, hiểu và thực hiện những chỉ dạy của “hiến chế” trong thực hành mục vụ ngày nay.
1. Ngay những dòng khởi đầu, hiến chế viết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (số 1). Đây là những minh định đầu tiên của các nghị phụ về lý do của những trình bày trong suốt hiến chế. Thế nhưng, không chỉ thế! Chúng ta có thể nói bằng ngôn ngữ của 50 năm sau, đây chính là những lời minh định về một giáo hội không vô cảm trước những vấn đề của thời đại.
Chính nơi những minh định này, chúng ta có thể đọc thấy một hàm ý về một lời mời gọi khám phá lại con đường giáo dục và phát triển trí tuệ cảm xúc cho các thành viên trong giáo hội của các nghị phụ. Nếu như tâm lý học phát triển khẳng định trí tuệ cảm xúc của con người đã phát triển từ rất sớm, trước khi trẻ chào đời; thì tâm lý học trí tuệ hiện đại cho rằng đó là khả năng mà con người cần tiếp tục được giáo dục để phát triển nó. Thiếu mất công cuộc giáo dục này, khả năng mai một của cảm xúc và có thể lệch lạc của cảm xúc có thể xuất hiện nơi từng mỗi con người. Kitô hữu cũng không nằm ngoài quy luật chung này. Nếu không được tiếp tục giáo dục cảm xúc, họ khó có thể sống điều mà hiến chế đã xác định ngay từ khởi đầu của bản văn. Dù không trực tiếp nói đến, các nghị phụ ngay từ khởi đầu đã nhắc nhở đến một con đường đào luyện thứ trí tuệ vô cùng quan trọng này, như con đường để các Kitô hữu dấn thân diễn tả đời sống đức tin của mình. Vấn đề không chỉ là của từng mỗi Kitô hữu giáo dân nhưng còn là một điểm nhấn mục vụ mà các nhà lãnh đạo mục vụ trong giáo hội cần phải được xem xét lại trong bối cảnh xã hội quá vô cảm và lệch lạc cảm xúc như hiện nay.
2. Mục tiêu tối hậu của khoa học tâm lý chính là làm thăng tiến đời sống của con người. Hiến chế cũng ghi nhận, “Những khoa học đang tiến bộ như sinh vật học, tâm lý, xã hội, không những giúp con người hiểu biết chính mình hơn, mà còn giúp con người biết lợi dụng những phương pháp kỹ thuật để trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống các xã hội” (số 5).
Mọi hành vi tâm lý không có khả năng dẫn con người đi vào trong tiến trình thăng tiến chỉ là thứ ứng xử “rẻ tiền”, “mì ăn liền” đội lốt tâm lý. Thậm chí, nó còn có nguy cơ dẫn con người đi vào trong vòng xoáy nô lệ đối với người khác. Hiến chế, dù không nói trực tiếp nhưng cũng nhận định, “Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó, lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý” (số 4).
Trong dòng lịch sử và thực tế hiện tại vẫn còn cho thấy những cách ứng xử mục vụ bằng những hành vi “đội lột tâm lý”. Những kiểu truyền giáo khởi đi từ việc đáp ứng nhu cầu cấp thấp trong đời thường đã không sinh nhiều hiệu quả; thậm chí còn có những tác hại ngược nữa. Ngay trong lý thuyết của mình, khi đề cập đến nhu cầu của con người, A. Maslow cũng nói tới sự phát triển trong nhu cầu của con người để đạt tới cấp độ cao nhất là tiến trình hoàn thiện đời sống. Việc phát triển này tùy thuộc vào chính cách thức của những nhà lãnh đạo, nhà giáo dục… hướng dẫn trên những người mình có trách nhiệm. Nhà lãnh đạo mục vụ chỉ dựa trên việc đáp ứng những nhu cầu cấp thấp của con người, như đời sống vật chất, danh vọng hão,… để đáp ứng và tìm kiếm kết quả mục vụ có thể sẽ đẩy con người đi vào trong những chiều hướng thoái lui hơn là phát triển.
3. Trong một xã hội đang tiến bộ không ngừng, nhiều lĩnh vực của đời sống con người trở nên vô cùng khó khăn. “Các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng” (47).
Con người rất cần những sự trợ giúp của các nền khoa học để có thể làm thăng tiến đời sống của mình. Hiến chế ghi nhận rằng, “các khoa học mệnh danh là khoa học chính xác phát triển tối đa óc phê bình; những nghiên cứu mới nhất về tâm lý học cắt nghĩa hoạt động của con người sâu xa hơn; các bộ môn sử học góp phần lớn lao giúp con người nhận định sự vật dưới khía cạnh biến đổi và tiến hóa; tập tục và cách sống ngày càng đồng nhất; hiện tượng kỹ nghệ và đô thị hóa cộng với những nguyên nhân khác đang phát huy đời sống tập thể tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh những cách cảm nghĩ, hành động và giải trí mới” (54).
Trong một xã hội đang có nhiều những biến chuyển về mặt tâm lý, xã hội… con người mọi giới cũng đang gặp không ít những khó khăn trong đời sống cá nhân cũng như trong tương giao sống của họ. Con đường giáo dục những giá trị nhân văn cũng như đời sống đức tin càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. “Sự thay đổi tâm thức và cơ cấu thường làm cho con người bất đồng ý kiến về những giá trị đã được chấp nhận, nhất là nơi những người trẻ là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại; hơn nữa vì lo âu, nên họ mới nổi loạn, và vì ý thức tầm quan trọng của riêng mình trong đời sống xã hội, nên họ mong muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Do đó, nhiều khi cha mẹ và các nhà giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận” (7).
Trong một bối cảnh như thế, vai trò của những nhà nghiên cứu trên các bình diện khoa học sẽ thật cần thiết để trợ giúp cho con người về mặt chuyên môn nhằm thúc đẩy sự phát triển đời sống của họ. “Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân, gia đình cũng như sự an bình lương tâm, nếu họ hiệp lực nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa về những điều kiện khác nhau giúp con người điều hòa sinh sản cách lương thiện” (52).
Đàng khác, chính bản thân của những người trưởng thành, dù họ cũng gặp phải không ít những khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình; nhưng họ cũng là những người góp phần không nhỏ cho sự thăng tiến đời sống cá nhân, hôn nhân và gia đình của họ. Hiến chế khẳng định rằng, “Tình yêu vợ chồng chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các vợ chồng Kitô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong niềm âu lo giáo dục con cái, nếu họ góp công hoạt động trong việc chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội, một sự chấn hưng cần thiết để đề cao hôn nhân và gia đình” (49).
Tất cả những điều ghi nhận trên rất cần có sự trợ giúp của các nhà lãnh đạo mục vụ. Bởi lẽ, khi một nhà lãnh đạo mục vụ không chú trọng đến sự phát triển và những yếu tố của tâm lý học tác động trên đời sống con người, họ sẽ không thể có được những đường hướng mục vụ có hiệu quả. Trái lại, khi nhìn nhận sự góp phần quan trọng của tâm lý học trong đời sống của con người, dù bản thân nhà lãnh đạo mục vụ không phải là nhà tâm lý, họ cũng luôn biết cách vận dụng những thành quả của tâm lý học trong công việc mục vụ của mình. Công đồng nhắc nhở, “Trong phạm vi mục vụ, phải thấu triệt và áp dụng không những các nguyên tắc thần học, nhưng cả những phát minh của các khoa học "đời", nhất là khoa tâm lý và xã hội học. Như thế, các tín hữu cũng sẽ nuôi dưỡng được một đời sống đức tin tinh ròng và trưởng thành hơn” (62).