“Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương.” (Is 43, 4)
Trước mặt Chúa ta thật quí giá, luôn được Người trân trọng, yêu thương, vì là công trình tuyệt hảo của Người. Hiểu như thế, ta càng phải trở nên chính mình hơn để cảm nghiệm thâm sâu chân lý đó.
Trở nên chính mình là công việc thường hằng của mỗi người, đặc biệt là những người luôn khao khát đời sống đích thực. Đó không chỉ là một đời sống đơn thuần tiếp nhận từ Đấng Tạo Thành, nhưng chủ yếu là một đời sống được tiếp nhận và lớn lên trong Thần Khí Chúa. Nhưng nó lại bao hàm một tính chất cụ thể và rất riêng tư nơi bản tính của mỗi người, là chính nhân cách của mình, hay nói cách khác, là cái vốn sống độc đáo của mình. Phát triển nhân cách hay cái vốn sống độc đáo của mình không đơn giản chút nào, đó là cả một nghệ thuật sống từ việc khám phá ra chính mình đến việc tiếp nhận chính mình, bao hàm các hành động: chấp nhận chính mình, đảm nhận chính mình, và sáng tạo đời mình để thưởng nếm niềm vui tuyệt diệu là trở nên chính mình trong tình yêu Chúa.
Không nhiều thì ít, ai cũng cảm nhận sự chênh lệch giữa “cái ta là” và “cái ta muốn là”. Nên chấp nhận chính mình - con người thật của mình - thì trước hết, phải là một thái độ bình tâm trong cái nhìn nhất quán của nhân vị: “thần trí, linh hồn và thân xác” (1 Tx 5, 23). Theo thánh Phaolô, con người trọn vẹn không chỉ linh hồn và thân xác, mà còn là thần trí, giúp ta hướng tới Thần trí của Thiên Chúa: “Thần trí Chúa thấm nhuần lòng ta và được biểu tỏ bằng tình yêu” (Rm 5, 55).
Đối với người Kitô hữu, mối nhất quán nhân vị đó được triển nở trong ân sủng để ta có thể hiện hữu trong Thiên Chúa. Chấp nhận chính mình là tiếp nhận mạc khải huyền diệu đó, hầu đem lại cho hiện hữu nhân sinh một chiều kích huyền nhiệm: là tin rằng định mệnh của ta trong cuộc sống này không phải là hệ lụy của một sự ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng là sự tương ứng nội tại với một nhãn giới thần linh, dù rằng cách xa nhưng không cách biệt. Và việc hòa nhập với tâm tình của Thiên Chúa không còn là một cách trở, nhưng là một cách thái; cũng không phải là một định thức nhưng là một định tâm.
Dù tin hay không, thì cuộc sống mỗi người là một ơn gọi rất thiêng liêng và cao cả để thực hiện một dự phóng cao siêu cho cuộc đời mình. Lộ trình ơn gọi cho dự phóng này phải dựa trên những dấu chỉ mà ta phải mò mẫm biện phân, bởi lẽ dòng sông đời ta luôn chảy qua những mê lộ vừa phong phú vừa mơ hồ, có khi rõ ràng, có khi ẩn tàng, có lúc đơn giản, có lúc quả là phức tạp do tính truyền sinh, tình trạng sức khỏe, cấu trúc tâm lý, khả năng trí thức và tâm linh. Khó khăn hơn nữa là nhiều khi truyền thống văn hóa, giáo dục và bối cảnh xã hội đã tạo nên trong ta một ý thức hệ, một cái nhìn cứng đọng, bất dung với chính mình.
Người ta kể chuyện nữ công tước Castiglione, gia sư của Napoléon đệ tam, luôn đội khăn khi đã cao niên để che giấu các vết nhăn trên khuôn mặt, vì không chịu nổi mình khi thấy sắc đẹp mình đã phai tàn. Chấp nhận xuống cấp trong mọi tình trạng thể chất cũng như khả năng tinh thần quả là điều nghiệt ngã. Chính trong tâm tưởng đó mà cha Teilhard de Chardin dâng lên lời kinh tuyệt vời:
“Khi trên thân xác con - và nhất là trong linh hồn con – bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của tuổi già, khi sự dữ đè nặng trên con hay nảy sinh trong con, vào giờ phút con đớn đau, cảm nghiệm sự yếu đuối, nhất là khoảnh khắc cuối cùng, thấy mình chẳng còn thuộc về mình, mà tuyệt đối lệ thuộc vào bàn tay mạnh mẽ vô hình vốn đã dựng nên con, thì lạy Chúa, vào những lúc tối tăm đó, xin cho con hiểu rằng, chính Chúa đã xót xa gỡ bỏ những vướng mắc khỏi hữu thể con, để Người đi vào tận não tủy của hồn con và đưa con về bên Chúa”.
Chấp nhận không có nghĩa là cam phận, mà là bình tâm đón nhận những gì mình đã được trao ban, đồng thời cảm nghiệm về một sự sống mới luôn phát sinh và hình thành trong ta, vì Thiên Chúa luôn sáng tạo không ngừng trên những gì Người đã sáng tạo. Dù trong tình trạng nào thì con người vẫn nằm trong tiến trình mở rộng và vươn lên theo một định hướng của Thiên Chúa. Sự chuyển biến này đòi hỏi sự lột bỏ hay lột vỏ, cả những tính chất bên trong nữa, khi các khả năng suy yếu dần. Điều đó nhiều khi làm ta nhức nhối và cay đắng, muốn phản kháng lại dưới nhiều hình thức. Nên nhớ rằng, tiến trình vươn lên có những cột mốc ta phải vượt qua, nên cũng cần phải có một cái nhìn đức tin để thấy được ý nghĩa từng chặng đường của cuộc đời mình. Cuộc vượt qua càng gay cấn khi đích điểm càng gần.
Trong ý nghĩa đó, việc chấp nhận chính mình không cho phép ta giới hạn các khả năng, không được khép kín bản thân hay có những định kiến về mình. Không thể lý sự rằng: “Tôi là vậy đó, không thể khác hơn”. Tất nhiên mỗi người đều có một tính khí không thể biến đổi hoàn toàn, nhưng có thể bào mòn những vết đen đủi hay thô nhám nơi cá tính. Cho dù những thúc đẩy của bản năng vẫn còn đó, nhưng nếu biết xoay trở về hướng tích cực thì mọi sự sẽ ra khác. Bao người đã nên thánh do sự chuyển hướng đời mình, không chỉ trong hướng toàn thể, mà còn trong hướng của cái nhìn, của suy tư, hiểu biết và cảm nhận.
Lý trí phải luôn có bổn phận tìm hiểu, và ý chí phải có trách nhiệm quyết định. Biết là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện khác. Phân tâm học cho ta hiểu biết về thần kinh, những ám ảnh, những ẩn ức, những mặc cảm... nhưng không vì thế mà ta có ý chí thực hiện. Biết bao người vẫn cứ ngồi gặm nhấm một quá khứ đã được phân tâm học hóa giải. Biết bao người không ngừng than vãn, trách móc, nuối tiếc là mình đã không sống như phải sống. Biết bao người đã tự khinh miệt, tự phủ nhận, tự làm khổ mình, có khi tự hủy diệt chính mình. Làm như vậy là ta không nhận ra được chiều kích sâu thẳm của đời mình, vì không biết chính Đấng đang ngự trị trong mình, như Bernanos đã nói: “Không tự khinh bỉ mình mà lại không khinh bỉ Thiên Chúa”. Quả là ngặt nghèo và bi tráng!
Chấp nhận chính mình giả thiết ta phải hòa giải với mình từ chính thâm tâm. Từ chính sự hòa giải bên trong mình, mà bí tích Hòa giải trở nên kiến hiệu, phát sinh ân sủng, bình an và sự sáng suốt trong tâm hồn để làm nên cuộc đời mới. Nói gì đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là luôn quay về với bầu khí tĩnh lặng, trong suy tư, cầu nguyện. Lúc đó ta mới trở nên uyển chuyển hơn với chính mình. Đôi khi phải mất nhiều năm để chấp nhận mình đã quá ích kỷ để có thể tha thứ; nhiều năm để tiêu hóa một thất bại, buồn tủi, rồi mới phấn khởi có được bộ mặt mới. Chấp nhận mình cũng phải thường xuyên khởi đầu lại để tiến lên, vì người khác cũng luôn thay đổi.
Chấp nhận chính mình là ta đang sống Đức Tin. Tôi chấp nhận tôi như tôi là, vì tôi tin vào Thiên Chúa, Đấng đã tin vào tôi. Tôi nhìn tôi qua cái nhìn yêu thương mà Chúa dành cho tôi. Tin vào Chúa khiến tôi biết tin vào mình, vì Người ban cho tôi đức tin đó để sống cuộc đời mình. Chấp nhận chính mình như thế là đang tiến bước đi lên. Con đường đi lên không phải là con đường thẳng tắp, nhưng luôn gập ghềnh, khúc khuỷu, không thiếu những cản trở và nguy hiểm, nên có giai đoạn hai là đảm nhận chính mình.
Đã chấp nhận chính mình thì không thể so sánh với hay đòi hỏi giống như bất cứ ai. So sánh làm ta xa rời chính mình, và đòi hỏi làm ta xa lạc bản thân. Mỗi người được dựng nên cho chính mình, nên không thể hòa lẫn hay nhập nhằng với tính cách của người khác, dù rằng có những tương quan, tương ứng, tương đồng và tương trợ lẫn nhau, nhưng không thể nào bằng mọi khả năng và những diễn biến trong đời. Có những điều tương khắc nhưng lại tương sinh, tương phản nhưng lại tương tựu. Chính vì thế mà cuộc sống trở nên đa dạng, làm phong phú cho những ai biết khôn ngoan vận dụng và tinh chế tình thế để luôn làm mới mẻ cho cuộc đời mình.
Theo thói thường, khi sự việc không diễn tiến như lòng mình mong ước, ta thường đổ lỗi cho số phận, hoàn cảnh, tha nhân... hoặc vì kém may mắn. Thực ra, nhiều khi chính mình đã gây ra bất hạnh cho mình, hay ít nữa đã dự phần vào đó do phản ứng tiêu cực hay thái độ thụ động của mình. Điều đó kêu gọi ta phải đảm nhận chính mình, nghĩa là phải có trách nhiệm toàn thể về cuộc đời mình, về tất cả những gì xảy đến cho mình, mà không gán ghép, chụp mũ lên người khác hay những gì bên ngoài mình. Không thể có thái độ ngồi gặm nhấm nỗi buồn đau, hoặc nhả ra những giọng điệu cay đắng, hằn thù lên người khác. Cần nhìn lại quá khứ và biết đọc lại đời mình để nhận ra sợi chỉ xuyên suốt đã gây ra những hệ lụy trước mắt. Đảm nhận là tự mang lấy gánh nặng để tiến lên, không phải như một người hùng đơn độc, mà bằng sự liên kết rộng rãi với mọi người quanh ta.
Trong tiếng Anh, Đảm nhận = Assume, gần giống Assumption = Lên Trời, (Lễ Đức Mẹ lên trời), như mời gọi sự vươn lên của ta trên trái đất. Đảm nhận mình vượt xa hơn việc chấp nhận mình, và đạt tới đỉnh cao của khả tính nơi mình. Nhờ biết đảm nhận chính mình nên ta:
Chỉ khi biết đảm nhận đời mình cách đúng đắn, người ta mới thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành, để làm nên một nhân vị và nhân cách đúng nghĩa. Chúa đã trao phó cho ta chính mình ta khi dựng nên ta, và trao phó chính mình Người cho ta khi cứu chuộc ta. Đó là điều mà ít khi ta chiêm nghiệm để rồi biết đảm nhiệm đời mình với tất cả tình yêu và sức mạnh đã được trao ban. Vì thế, không thể coi mình là dụng cụ bung xung giữa dòng đời nghiêng ngửa. Thật ra, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu vì chịu ảnh hưởng của nền tu đức thời đó, nên thích tự ví mình như một trái banh trong bàn tay Thiên Chúa, mặc tình cho Người sử dụng. Điều đó cũng đúng thôi, vì muốn nhấn mạnh tinh thần phó thác. Nhưng ngày nay ý niệm đó dễ hướng tới chỗ giản lược con người thành một thứ phương tiện để Thiên Chúa khoe khoang ân sủng của Người. Hình ảnh về một Thiên Chúa như vậy, dễ làm người ta vấp phạm, mà thực tế, chủ thuyết Nhân bản đã từng đả phá. Thiên Chúa chân thật không hành động như thế, nhưng kêu gọi và tạo điều kiện hết mức trong chương trình quan phòng của Người để ta biết chủ động đảm nhiệm lấy chính mình (x. Ga 15,1-2).
Đúng là con người phải cộng tác với ơn Chúa để có thể làm nên những điều tốt đẹp, nhưng điều đó không có nghĩa là chính Chúa mới tuyệt diệu, còn ta thì vô tích sự. Nói thế là không thực. Tại sao lại phải khiêm tốn kỳ quặc như thế? Khi ta làm được điều gì tốt, thì đó là công của Chúa; còn khi làm điều xấu, đó là lỗi của ta. Phải chăng ta chỉ là con rối làm điều lành, và chỉ là kẻ tội đồ làm điều ác? Thế thì trách nhiệm cá nhân và quyền làm chủ mà Chúa ban cho chỉ là trò đùa? Chỉ khi thực sự đảm nhiệm chính mình, ta mới thấy được chương trình quan phòng kỳ diệu của Chúa trong cuộc đời mình.
Đảm nhận chính mình là ta đang sống Đức Cậy. Tôi đảm nhận chính mình vì tôi trông cậy vào Thiên Chúa, Đấng đã trông cậy nơi tôi. Nhờ vậy tôi vượt qua những rào cản để trực diện với một tương lai khả hữu. Đó là sự sống vĩnh cửu mà Chúa hứa cho những ai đang hết lòng trông cậy. Không phải một đức cậy dễ dãi, mà là một đức cậy dám đảm nhận mọi thử thách, “vì biết rằng thử thách đem lại lòng kiên nhẫn và kiên nhẫn đưa tới trông cậy” (Rm 5, 4). Sự cậy trông đó không làm ta thất vọng, bởi vì Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng, chứ không phải bất cứ thần linh nào. Đó là Đấng có diện mạo con người và là Đấng yêu thương chúng ta đến cùng. Chính tình yêu Người ban cho chúng ta khả năng kiên vững ngày qua ngày, mà không đánh mất đi nhiệt tình của niềm hy vọng trong một thế giới không hoàn thiện tự bản chất. Đồng thời tình yêu của Người bảo đảm cho sự hiện hữu của sự sống “đích thực” mà ta vẫn trông đợi, [1] [2] để từ đó ta mới phấn khởi và say mê sáng tạo đời mình.
Sáng tạo đời mình không có nghĩa là tạo ra một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh hiện tại đã được hình thành theo ơn gọi và trách nhiệm của mình, cũng không nhất thiết phải dẹp bỏ tất cả để làm nên tất cả. Những gì bên ngoài không hiển nhiên thay đổi tình trạng bên trong, điều chủ yếu vẫn là làm nên một tâm thái mới. Do đó, sáng tạo đời mình là sắp đặt căn phòng nội tâm cho thích hợp với mình hơn, không nhằm mục tiêu vị kỷ, nhưng nhằm tìm được một sự quân bình mới, một sự tự do đích thực giúp ta sống thích đáng hơn với chính mình, với Chúa và tha nhân. Điều này không có nghĩa là không có những đứt đoạn trên phạm vi tâm lý cũng như những tình trạng bên ngoài.
Thay đổi chương trình, giờ giấc, cách thức, hướng sống, mục tiêu, cũng là một cách đứt đoạn để khám phá và sáng tạo một cách sống mới cho phù hợp với phẩm tính, tư chất và ơn gọi hiện diện của mình. Cũng có những đứt đoạn sâu xa và đau đớn hơn mang tính chủ quan hay khách quan như: chia tay, tang thương, ly biệt, vỡ mộng, suy sụp sự nghiệp, hoặc xa rời một lối sống, một kiểu cách, một tâm trạng gây cản trở đời mình. Tất cả những xáo trộn đó là những cơ hội để thay đổi tầm nhìn, cách nhìn, hướng nhìn, hầu khám phá một chân trời mới: một chân trời của sự thanh tịnh và hồn nhiên để vươn cao tỏa sáng cuộc đời mình. Trong tâm thế đó, ta biết tương đối hóa mọi sự, giảm thiểu những toan tính đè nặng tâm tư, giải thoát mình khỏi một số bất tất, và mở rộng ngưỡng cửa cho tâm hồn được thanh thoát. Đó là những nét đẹp của một con người biết sáng tạo đời mình.
Một cách tiệm tiến và thâm sâu hơn trong việc sáng tạo đời mình chính là “hoán cải”. Hoán cải để quay về với những giá trị nhân bản hầu đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Với người Kitô hữu, còn đi xa hơn: hoán cải để trở về với Phúc Âm (x. Mc 1, 15). Đó không chỉ là sự mời gọi thân tình, nhưng còn là sự bó buộc nghiêm trọng: “Nếu các ngươi không hoán cải... các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt như thế” (Lc 13, 3). Hoán cải là con đường hẹp, vì “đường thênh thang thì đưa đến diệt vong” (Mt 7, 13). Sáng tạo đời mình phải nhất thiết diễn tiến trên con đường hẹp, con đường hoán cải trong hy sinh và từ bỏ để hướng tới sự sống đích thực. Đó là đường hướng của Thiên Chúa và cũng là lộ trình của Đức Kitô. Không ai có thể sáng tạo đời mình theo kiểu cách hoặc đường hướng khác được.
Có những trường hợp đặc biệt nhờ ân sủng đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một số người trong chốc lát. Còn bình thường, hoán cải là một vận hành lâu dài qua từng ngày. Hoán cải là một nỗ lực quay về của bản thân ta, nhưng cũng chính là hành động của Thánh Linh trong ta. Chính Thánh Linh sẽ hoán cải ta thành con người mới trong Đức Kitô, Đấng mà chúng ta hằng khao khát và yêu mến như Người đã từng khao khát và yêu mến chúng ta (Ga 19, 28); Đấng mà chúng ta phải bước đi theo Người cho tới khi tính cách và Lời của Người thấm nhập vào lối sống của ta, như kinh nghiệm của thánh Phaolô là “chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Trong tiến trình này phải kiên nhẫn ngày từng ngày với chính mình; biết tin tưởng nơi mình như mình đã tin tưởng nơi Chúa; biết chờ đợi Chúa như Chúa đã chờ đợi ta. Cứ để cho mình uốn theo chiều gió của Thánh Linh dưới sự thôi thúc và tác động của Người. Cứ phải buông mình theo ân sủng để Người ban cho ta một quả tim mới. Trong tinh thần đó, sáng tạo đời mình là chấp nhận đồng hành với Đấng sẽ mở ra cho ta con đường chân phúc, như trên đường Emmau ngày xưa. Càng biết lên đường ta càng rời bỏ một lối sống nhạt nhẽo, tầm thường: nặng tính cách qui ước của xã hội và nhiều khi của Giáo hội nữa, đang đè nặng trên mình, để có thể tự do đón lấy niềm vui và hạnh phúc của một con người đã được gặp Chúa. Gặp Chúa, trở nên giống Chúa hơn, mới thực là đích điểm trong từng chặng của việc sáng tạo đời mình. Điều đó giúp ta dẹp bỏ trên cuộc hành trình của mình những ảo ảnh về một thứ hạnh phúc theo cung cách sở hữu.
Ở đây, cũng cần ghi nhận cách tinh tế hơn về tính cách “hiện hữu” (être) và “sở hữu” (avoir). Thật ra, không nên đối kháng giữa hai từ này, kẻo lại rơi vào lập trường nhị nguyên, gây ra lệch lạc. Tôi không thể là mình nếu không có một khả năng tri thức và đạo đức, cũng như một số của cải vật chất nào đó. Ngay cả sức khỏe, tài năng, tình cảm, ý chí, cũng là những di sản làm thành một “sở hữu”. Tôi cũng không thể sống cho ra sống, nếu quá thiếu kém tiền bạc, quần áo, lương thực và những phương tiện cần thiết đề làm việc, học hành và phát triển. Tất cả những thứ đó đều là một “sở hữu”. Điều quan trọng là tùy cách tôi sử dụng chúng mà tôi có thể hình thành hay hủy diệt nhân cách của mình. Cái “sở hữu” là một thành phần của bản ngã, thậm chí còn là cái làm thành bản ngã của ta: Tôi là cái tôi có.
Cũng vậy, khi coi “là” với “làm”, hay “hiện hữu” với “thể hiện” ở thế đối kháng nhau, là ta đã phủ nhận tính nhất quán của nhân cách. Bởi lẽ, điều tôi làm, sẽ làm thành tôi... làm cho tôi trở thành một hữu thể có trách nhiệm. Hơn nữa, cái mà tôi thể hiện ra bên ngoài cũng biểu tỏ một cái gì thuộc bản ngã sâu xa của tôi. Chỉ khi nào ta ý thức và phát huy mối nhất quán nhân vị đó cách quân bình (thể xác-tinh thần, hiện hữu-thể hiện, tự nhiên-siêu nhiên, nếu không dám nói là cả tội lỗi-ân sủng), ta mới thực sự đang đi trên con đường sáng tạo đời mình, một sự sáng tạo của tự do nội tâm: không lệ thuộc vào các thần tượng bên ngoài, không để cho các phương tiện truyền thông và các “mốt” sống mới tô tạo nên mình, không trở thành sản phẩm hay phiên bản của các kiểu mẫu mà xã hội muốn áp đặt.
Như vậy, sáng tạo đời mình là tiến bước trong cảm thức về nét đặc thù của mình, không bị lôi kéo theo những khát vọng bất thường và tầm thường của xung năng (compulsion). Để từ đó, ta biết tự khai mở bản thân mình trong ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa và của tha nhân: nhờ vào những tài năng mà Thiên Chúa trao phó cho ta, và những điều mà tha nhân mang đến cho ta – dù tích cực hay tiêu cực, thuận lợi hay bất lợi – để ta làm cho sinh hoa kết quả theo ý Chúa (x. Ga 15, 8).
Sáng tạo đời mình cũng đòi ta cũng phải dám phiêu lưu vào những nguy cơ của cuộc sống: nguy cơ tự mất mình để tìm lại chính mình một cách trọn vẹn và tròn đầy, vì: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25).
- Tự mất mình vì Chúa: vì sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải là điều đương nhiên, lòng nhân từ của Người cũng không phải là cái hiển nhiên, và thánh ý Người cũng chẳng thể hiện minh nhiên. Sự toàn năng và quan phòng của Người cũng vẫn là vấn nạn nhức nhối khi bao nhiêu bất hạnh, bất công và bóng tối sự dữ vẫn lan tràn trên mặt đất. Ta không thể sáng tạo ra đức tin trước những điều đó, nhưng phải sáng tạo ra cách sống đức tin của mình giữa lòng đời, và trong một Giáo hội không ngừng bị khuynh đảo bởi quyền lực và các ý thức hệ. Thiếu sáng tạo, ta dễ trở nên con cờ của bàn cờ thế cuộc, của cơ chế, của phẩm trật (ngay cả cách ru ngủ mình trong một số hình thức đạo đức mà không còn tác dụng gây cảm ứng và biến đổi), làm ta vong thân, đánh mất chính mình ở một tư thế nhân vị không được mất. Cái tự mất mình vì Chúa theo tinh thần của Phúc Âm mới là điều chính đáng để ta tìm thấy sự sống mới.
- Tự mất mình vì tha nhân : vì có những lúc người khác đòi hỏi ta quá đáng, làm ta cảm thấy quá mệt mỏi và nặng nề, không biết sao cho vừa. Cũng vậy, ngay cả việc tự hiến cho người khác phải được thực hiện cách sáng tạo và khôn ngoan, nếu không, ta sẽ bị rối đầu và khốn đốn trước những con người chỉ biết sống cậy, sống nhờ. Hoặc khi ta bị khuynh đảo bởi những kẻ giảng đạo đức mà thiếu đạo đức, để rồi ta sống thứ đạo đức mà họ đã tô vẽ nên cho ta, làm mất tính cách đạo đức chân thực mà đáng lẽ ta phải tự tạo nên cho mình. Tự hiến thế nào để mình đừng bị vướng mắc trong sự biển lận, trong vòng kìm tỏa của vô minh, và trong cạm bẫy của tâm trạng ngụy tín. Tự hiến luôn đầy tự do, nhưng cũng phải toàn diện, vô điều kiện và đến cùng. Sáng tạo đời mình là làm sao biết cách hài hòa những tính cách đó, để giữ mình luôn quân bình hầu có thể trao ban luôn mãi. Cái tự hiến mình vì tha nhân phải được học hỏi nơi Chúa Giêsu trong tâm tình và tính cách của Người: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10, 18).
Sáng tạo đời mình là ta đang sống đức mến. Tình yêu chắp cánh cho tôi để tôi sáng tạo những gì Thiên Chúa đã sáng tạo nơi tôi. Tình yêu là động lực lớn lao và là sức mạnh tuôn trào để tôi say mê sáng tạo tất cả những gì Chúa muốn làm nên cho tôi, và cho anh em tôi. Trong sự sáng tạo đó có những khám phá thật bất ngờ và đầy thú vị, vì tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn mới mẻ trong mọi nơi, mọi người, và mọi sự, cũng như trong chính bản thân tôi. Cuối cùng, tôi sáng tạo đời tôi để đi tới chỗ tự yêu mến chính tôi. Đó cũng là câu hỏi được nêu lên của triết gia Finkelkrant:
“Nếu tôi không yêu mến chính tôi thì ai làm việc đó?
Nhưng nếu tôi chỉ yêu mến tôi thì tôi là người thế nào?”
Nghe nói tới việc “yêu mến chính mình” làm chúng ta thấy có vẻ chói tai và khó chấp nhận, nhất là vào thời đại mà người ta quá nghiêng chiều về việc tuyên dương cá nhân chủ nghĩa, thêm vào đó là những thành kiến cố hữu về “Cái tôi thật đáng ghét” (Le moi est haissable – Pascal). Điều đó đã làm cho “cái tôi” bị ghét bỏ đến nỗi nhiều người đi tới chỗ sống co cụm, bị thất đoạt, tìm cách che giấu tình trạng không thể yêu mình bằng sự nhiệt tình đối với người khác. Yêu mình bị coi là xấu xa, đó là thái độ bi quan và phản lại chính mình gắn liền với phái Jansénisme, một đường hướng tu đức lệch lạc đã bị Đức Innocentô X kết án năm 1653, và năm 1656 lại bị Đức Alexandrô VII lên án một lần nữa. Điều đó đã chi phối phần nào suy tư triết học và cả lối sống đạo cho tới ngày nay.
Yêu mến chính mình là điều mà Chúa Giêsu đã ban ra như một lệnh truyền: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến anh em như chính mình." (Lc 10,27). Yêu mến như chính mình là điểm qui chiếu của tình mến Chúa yêu người. Nói cách khác, phải bắt đầu bằng việc yêu mến chính mình rồi mới biết cách và có khả năng yêu Chúa yêu người.
Từ chỗ đó, mạc khải của Chúa Giêsu đề nghị với ta một sự vượt thoát: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13, 34). Đừng lẫn lộn điểm qui chiếu về chính mình và mẫu mực là như Thầy. Phải chấp nhận đi từ chỗ lấy mình làm điểm qui chiếu cho tình mến Chúa yêu người, để vươn tới chỗ lấy Thiên Chúa làm mẫu mực cho tình yêu của mình. Chẳng phải ta đã được dựng nên theo hình ảnh Người sao? Nét giống nhau đó là ở tình yêu, khi ta yêu như Thiên Chúa yêu. Nếu như vậy, ta có thể nói rằng: cũng như Thiên Chúa là Tình yêu, mọi tầm vóc tương ứng với con người cũng là Tình yêu. Nhưng nét khác biệt với Thiên Chúa là tình yêu nơi ta có thể xuống cấp và suy đồi, biến thành hận thù và bạo lực.
Tuyên xưng Đức Kitô là mẫu mực không chỉ đơn thuần là bắt chước Người, nhưng còn phải cởi mở trước nhân tính đầy ân sủng của Người mà Người đã thông ban cho ta. Người đã là mẫu mực của tình yêu trong nhân tính của ta mà Người đã mặc lấy, và nhờ quyền năng Phục sinh, Người đã làm cho nó trở thành phổ quát nơi mọi người dưới hình thức ân sủng. Trong mẫu mực đó, yêu mến chính mình chỉ được triển nở trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và tận hiến cho tha nhân. Đây là những việc làm bao hàm sự hy sinh và từ bỏ. Như Đức Kitô đã chịu chết và sống lại để trao ban sự sống của Người, chúng ta cũng được mời gọi đi vào cảm nghiệm đó. Yêu mình đòi phải chết cho chính mình, ngõ hầu thủ đắc sự thăng tiến của niềm vui vì được phong phú nhờ tha nhân, qua chính hồng ân mà ta có thể làm cho chính mình.
Như vậy yêu mến chính mình dứt khoát không phải là tự coi mình như cái rốn của vũ trụ, hay tự giam hãm mình trong vỏ kén của cái tôi ích kỷ. Lại càng không thể là thứ yêu mình của thuyết khoái lạc, chìm đắm trong hưởng thụ, là lối sống hủy diệt nhân cách và phẩm giá của con người, vì con người đã được dựng nên cho chính họ theo hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ thuộc về Người (x. Rm 14, 7-8).
Yêu mình là chuyện không dễ, vì luôn có những cám dỗ làm ta chán ngán, thậm chí còn bất mãn với chính mình. Trong một lúc nào đó, có thể ta không còn chịu nổi những giới hạn của thể xác: bệnh tật, tuổi già, sức yếu, sự suy dần các khả năng làm cho “lực bất tòng tâm”, như tự thấy xa lạ với chính mình. Do đó, phải luôn xác tín rằng: mình vẫn mãi mãi là hình ảnh của Thiên Chúa, mãi mãi được Thiên Chúa yêu thương, và tình yêu đó sẽ nâng ta lên làm một với Người trong sự sống muôn đời. Đó là điều làm ta trở nên mạnh mẽ để sống ba nhân đức Tin, Cậy, Mến là: Chấp nhận mình, đảm nhận mình và sáng tạo đời mình, để có thể yêu mến chính mình, yêu thương tha nhân, bằng chính tình yêu mà Thiên Chúa đã đem lại cho ta, hầu hoàn thành một định mệnh cao cả mà Người đã khởi đầu nơi ta.
Lạy Chúa, kỳ diệu thay bàn tay Chúa trên cuộc đời con!
Huyền diệu thay tình yêu Chúa trong mọi ngõ ngách đời con!
Tuyệt diệu thay quyền năng Chúa trong mọi diễn biến đời con!
Dù con là một là một loài thụ tạo thấp hèn, nhưng Chúa lại coi là quí giá;
với bao cái đáng khinh, nhưng Chúa vẫn tôn trọng;
với bao điều đáng ghét, nhưng Chúa vẫn yêu thương.
Từ trong hư vô Chúa đã kêu gọi con hiện hữu và hiện diện
với một tính cách rất riêng biệt, để cùng với mọi anh em làm nên cuộc sống mình, bằng khuôn mặt và tấm lòng của Chúa.
Xin cho con biết chấp nhận chính mình như một ân ban độc đáo;
biết đảm nhận chính mình như một quà tặng Chúa hiến trao;
biết sáng tạo đời mình như một kỳ công của Chúa.
Xin biến đổi đời con thành lời chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn ngàn đời. Amen.