Ý tưởng này được nói đến nhiều sau Công đồng, nhưng thực ra đã có từ lâu trong Tin Mừng, khi Đức Ki-tô nói Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ mà chính là để “hầu hạ” người ta: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” . (Mc 10,45) Vì thế, Người mới dạy các Tông đồ rằng ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”(Mc 10,44)
Từ những ý tưởng trên mới nảy ra cặp từ autorité-service trong tiếng Pháp, nghĩa là quyền hành-phục vụ. Có quyền là để phục vụ hay hành quyền là phục vụ. Cũng vì tinh thần này mà các Đức Giáo Hoàng thường viết tắt hai chữ SS trước khi ký tên. Hai chữ này không phải là bí ngữ của công an xung phong Quốc xã đâu, mà là hai chữ Servus Servorum viết tắt, có nghĩa là tôi tớ của các tôi tớ. Rồi người ta chuyển sang các chữ khác mà viết là Sua Sanctitas trong tiếng La tinh, Sa Sainteté trong tiếng Pháp. Những chữ chuyển dịch này xa với ý nghĩa ban đầu của hai chữ Servus Servorum. Mà thật thế. Gíáo Hoàng tuy ký là “tôi tớ của các tôi tớ” , một kiểu nói khiêm nhường nhưng lại là một nhân vật được tôn kính hơn mọi người có quyền hành trên thế gian này. Người công giáo ở khắp nơi đều kính trọng và yêu mến Đức Giáo Hoàng. Chúng ta chỉ cần nhớ lại đám tang vô tiền khoáng hậu của Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II và lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI thì đủ hiểu. Rồi các danh xưng đối với các vị chức sắc trong Hội thánh. Người ta xưng với Hồng Y là Sua Eminentia, Son Eminence, với Giám Mục là Sua Excellentia, Son Excellence, với Bề Trên cao cấp trong các Dòng tu là Reverendissimus, Reverendissime, với linh mục là Reverendus, Révérend.
Tất cả những danh xưng đó từ bao đời nay đã làm lu mờ ý tưởng có quyền là để phục vụ hay hành quyền là phục vụ. Phải đợi mãi đến Công đồng Va-ti-ca-nô II mới có sự thay đổi. Bắt đầu là sự thay đổi trong giáo triều Roma: Đức Phao-lô VI không ngồi trên kiệu khi ra cử hành các lễ nghi tại đền thờ thánh Phê-rô nữa; người bỏ mũ giáo hoàng ba tầng và khi qua đời thì truyền lệnh phải đặt quan tài sát đất v.v…
Nhưng đối với người Việt Nam thì sự đơn sơ giản dị là hơi khó, vì xã hội chúng ta là một xã hội nặng về tôn ty đẳng cấp, và không có một nước nào mà cách xưng hô vừa phong phú lại vừa phức tạp như cách xưng hô của chúng ta. Đàng khác, dân chủ vẫn còn như là một thứ xa xỉ phẩm đối với phần đông đồng bào chúng ta. Người Việt Nam lại vốn thích danh vọng địa vị. Vì thế mới có những câu như “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” . Ngoài ra, thường làm gì tự nhiên ai cũng thích cho người khác biết đến. Như thế mới nở mày nở mặt với thiên hạ. Trước mặt xã hội, phải có danh vọng địa vị gì đó mới được, còn nếu chỉ là bạch đinh thì thường quá. Vì vậy, trước kia trong làng xã phải bỏ tiền ra mua một chức nào dó như ông nhiêu, ông xã và trong họ đạo cũng phải có danh phận gì như ông trùm, bà quản, ông câu, ông biện và ngày nay một chân nào đó trong Hội Đồng giáo xứ. Danh vọng, chức vị đường như đã là một cái gi cố hữu trong huyết quản của người Việt Nam rồi, nên gỡ bỏ đi thật là khó. Xã hội của chúng ta bây giờ bên ngoài vẫn thế. Chẳng may, người nhà đạo chúng ta lại cũng “nhập nhiễm” những thói này. Cứ nhìn vào cách thức thưa gửi trong nhà thờ vào các dịp lễ đặc biệt là đủ thấy ảnh hưởng rõ rệt của lối hành xử theo phần đời. Nhiều người nhà tu cũng không rũ bỏ được những thứ đó. Vì thế, lối hành quyền của chúng ta còn lâu mới là một cách thế phục vụ. Ở Việt Nam phải cố gắng và cảnh giác lắm mới sống theo tinh thần Phúc Âm trong vấn đề này được. Lề lối phong kiến ở ngoài đời cũng như trong đạo còn đè nặng trên vai chúng ta. Vậy phải làm thế nào ?
Trước hết phải ý thức rằng mọi quyền hành là do Chúa ban cho: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thỉên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13, 1) Vì là quyền được ban và trao cho, nên người lãnh quyền và hành quyền là do thiên mệnh để lo ích chung và công việc chung cho đoàn thể. Người La tinh có câu tục ngữ “honor onus”, vinh dự gánh nặng, nghĩa là được vinh dự đấy, nhưng cũng phải mang gánh nặng, gánh nặng của trách nhiệm đối với đoàn thể. Nếu không chu toàn trách nhiệm thì không phải là người điều hành tốt. Bởi thế, quyền hành đi đôi với điều hành là vậy. Nếu chỉ nắm quyền mà không biết hành quyền cho phải đạo thì thật là tai hại cho đoàn thể.
Thứ đến là bao lâu còn nắm quyền thì hành quyền, nhưng khi mãn nhiệm, hết quyền rồi thì không lưu luyến, bằng lòng trở về vị trí như những người khác. Trong các chế độ dân cử, hết nhiệm kỳ là thôi không còn cố bám lấy chức vụ và địa vị cũ nữa. Đó là điểm hay của các chế độ dân chủ. Người mãn nhiệm kỳ không đòi hỏi một đặc quyền hay đặc lợi nào, và cũng không làm gì, ra như kể công về những việc mình đã làm trong thời gian tại vị.
Cuối cùng, sau khi đã rời khỏi chức vụ hay hết quyền thì “xóa” mình đi, rút lui vào bóng tối cho người kế nhiệm dễ làm việc. Nếu được mời làm cố vấn hay được bàn hỏi thì giúp ý kiến, còn tự mình thì không tìm cách duy trì ảnh hưởng hay làm khó dễ cách nào đó cho người đến sau. Tốt hơn cả là làm thế nào để người kế nhiệm khỏi cảm thấy ngột ngạt, vì sự có mặt của người tiền nhiệm ở bên cạnh. Thời gian rời khỏi chức vụ có thể là một thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh, sau khi đã đầu tư thời giờ, sức lực, họat động tối đa trong thời gian tại chức. Thái độ nên có trong lúc này là thái độ của ông già Si-mê-on trong kinh Nunc dimittis, một thái độ bình an thanh thản sẵn sàng ra đi.
Nói tóm lại, nếu muốn hành quyền theo tinh thần Phúc âm thì phải thay đổi não trạng phong kiến và kiểu cách chung của người Việt Nam trong đạo cũng như ngoài đời, khi nắm giữ quyền hành trong tay. Xin nói lại: Có quyền là để lo cho ích chung. Ích chung phải là kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành động của người nắm quyền.