Trong một cuộc tĩnh tâm dành cho các linh mục, Ðức Cha Fulton Sheen đã đưa ra năm bước thang đã đưa Thánh Phêrô đến việc chối Chúa, rồi Ðức Cha đã so sánh với sự sa ngã của linh mục thời nay. Năm bước ấy là gì?
Bước đầu tiên là việc không cầu nguyện. Trong đêm thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã đem Phêrô, Giacôbê và Gioan với Người vào Vườn Cây Dầu (Mc. 14:33, Mt. 26:37). Ở đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, đã nghĩ đến cuộc tử nạn và sợ hãi đến đổ mồ hôi máu. Cầu nguyện xong, Chúa trở lại với các môn đệ, những tưởng rằng sẽ được an ủi và khích lệ, ai ngờ các ông đang ngủ. Chúa nói với Phêrô: "Simon, con ngủ đấy à? Con không thức nổi với Thầy một giờ sao? Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác thì yếu đuối". ( Mc. 14: 37-38).
Chắc chắn có nhiều linh mục muốn dậy vào lúc sáng sớm và thức tỉnh với Chúa Giêsu bằng việc làm giờ thánh trước khi dâng lễ, nhưng tinh thần thì hăng hái, thể xác thì yếu đuối! Tuy nhiên, nếu linh mục biết dành một giờ nào nhất định để cầu nguyện và đừng bao giờ bỏ, thì việc lười cầu nguyện sẽ khó xảy ra.
Thay vì thức tỉnh với Chúa Giêsu, Phêrô đã ngủ. Nhiều khi và rất nhiều khi tôi đã cố gắng làm giờ thánh. Khi đồng hồ đánh thức, tôi đã vặn lại và tiếp tục thiu thiu ngủ. Tôi rất hăng hái muốn có một giờ thánh với Chúa Giêsu, nhưng rồi tôi thức quá khuya và dậy sớm không nổi.
Một lựa chọn thay thế vào đó là có thể thay đổi giờ thánh tùy vào lúc nào rảnh trong ngày, nhưng cũng không thể. Mặc dù có ý hướng tốt, nhưng cả ngày như lu bu công việc, bao nhiêu chuyện cứ làm ngăn trở giờ cầu nguyện. Do đó, tôi đã cố gắng hết sức dậy sớm mỗi ngày để cầu nguyện trước giờ lễ. Sự quyết định đó đã giúp ích tôi rất nhiều.
Cha Chautard trong cuốn sách danh tiếng của người, "The Soul of the Apostolate" (Hồn Tông Ðồ), đã lập đi lập lại rằng nên xếp đặt một giờ nhất định cho việc cầu nguyện, khi chưa có việc gì cản trở chúng ta, và cứ nhất quyết giữ như vậy hàng ngày; nếu không, chúng ta sẽ mất đời sống nội tâm, và rồi sẽ chỉ là tiếng kèn tiếng não bạt um sùm mà thôi. Chúa Giêsu đã nói rõ: "Không có Thầy, chúng con không làm được gì" (Gioan 15:5)
Hầu hết các trường hợp rời bỏ chức linh mục, đều có những nguyên nhân giống nhau: giảm bớt hoặc bỏ cầu nguyện. Nếu không dành thời giờ cầu nguyện, chúng ta sẽ bỏ đọc sách nguyện dễ dàng, và bỏ thường xuyên hơn. Việc đọc Giờ kinh Phụng Vụ cũng gần giống như việc dâng lễ, chúng ta bỏ dần dần. Và cả việc lần chuỗi kính Ðức Mẹ là Mẹ các linh mục nữa.
Ðức cha Fulton Sheen đã nói đến cuộc điều tra hàng giáo sĩ bên Anh, xem họ đã dành bao nhiêu thời giờ để cầu nguyện. 25 năm trước, câu trả lời là sáu phút rưỡi một ngày!
Bước thứ hai dẫn đến việc sa ngã của linh mục cũng có liên hệ đến bước thứ nhất, là lấy cớ phải làm việc mục vụ để thay thế cầu nguyện. Linh mục thường nói: "Tôi không có giờ để cầu nguyện. Tôi bận quá!" Có nghĩa là linh mục ấy muốn bỏ cầu nguyện rồi đó!
Rất đúng, người quá bận với việc mục vụ, và giờ cầu nguyện hằng ngày đã bị hy sinh dành cho việc họp hành của giáo xứ. Vâng, công việc hành chánh của nhà thờ, công việc mục vụ của giáo xứ, người này người kia gọi điện thoại cần được giúp đỡ... làm cho cha bận rộn. Nhưng lấy cớ là bận rộn thì bao giờ cha mới có giờ cầu nguyện? Sau 53 năm linh mục, đến khi nghỉ tuổi già, tôi mới nhìn ra là mình đã phí quá nhiều thời giờ họp hành, làm báo cáo, và sửa máng nước nhà thờ!
Bước thứ ba của Phêrô là sự nhận xét trong phúc âm Mátcô sau khi Chúa Giêsu bị bắt: "Phêrô theo Người xa xa" (Mc 14:54). Phêrô không dám đi gần Chúa Giêsu vì sợ người ta nhận ra mình là môn đệ của Chúa. Cái hậu quả của việc không thức với Chúa, là bây giờ Phêrô nhát đảm, không dám đứng ra bênh vực cho Chúa. Phêrô đã từng bốc đồng rút gươm ra, nhưng Chúa đã ngăn cản việc làm vô ích đó.
Một linh mục sống với đời cầu nguyện sẽ không bao giờ sợ hãi phải giảng về những đòi hỏi gay gắt của Phúc Âm; sẵn sàng nói ngược lại với những suy nghĩ dễ dãi của những ý kiến quá tự do, thí dụ như việc ngừa thai nhân tạo.
Bước thứ bốn là tìm kiếm những an ủi của loài người. Phêrô có thể đi vào vườn nhà ông Caipha vì Gioan - người đã đi gần Chúa Giêsu sau khi Chúa bị bắt - có thể gặp Phêrô ngay ở cổng và dắt ông vào, vì Gioan đã từng bán cá cho nhà Caipha và quá quen đường lối chung quanh nhà Caipha.
Ðêm hôm đó hơi lạnh. Phêrô đã đốt lửa để sưởi ấm khi Thầy đang bị hành hạ trong dinh. Phêrô còn đang thích thú với những dễ chịu của hơi ấm, đang thụ hưởng những tiện nghi cuộc đời hơn là lưu tâm đến những gì đang xảy ra cho Thầy mình. "Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác thì yếu đuối"!
Nếu không dành giờ cầu nguyện hằng ngày, chúng ta có thể đặt ngược thứ tự ưu tiên và thụ hưởng những tiện nghi dễ chịu nơi nhà xứ, nơi quầy rượu dưới bếp hoặc xem những chương trình truyền hình, coi trận đấu thể thao, nhiều phim mới... và một số những thứ đó có thể gây ra nhiều cám dỗ không lành mạnh cho chúng ta.
Bước thứ năm đưa tới việc Phêrô chối Chúa là ông quá để ý tới những người trần gian. Có 3 người đầy tớ gái trong sân, và Phêrô có lẽ đã nhìn họ hoặc đã để ý họ cách nào đó, chứ nếu không, họ đã chẳng đến mà nói chuyện với Phêrô làm gì! Một trong ba cô đã hỏi Phêrô: "Ông cũng biết ông Giêsu này mà, phải không?". Phêrô trả lời ngay lập tức: "Ðâu có!" Người đã từng đứng bên cạnh Chúa bây giờ chối phăng!
Cô gái khác lại hỏi: "Ông đã từng theo ông ta mà, phải không?" Phêrô từ chối cách cương quyết: "Không!". Rồi một cô gái khác nhận ra giọng Phêrô là người Galilê, liền đến và hỏi ông cùng một câu:"Ðúng là ông cũng thuộc bọn đó! Cứ nghe giọng của ông là biết liền mà!" Tới đây thì Phêrô cảm thấy đã bị dồn vào góc tường rồi, thế là ông liền la lối và thề độc địa, và nghĩ rằng phải làm như thế để mấy đứa con gái này đừng hỏi mình những câu hỏi cắc cớ ấy nữa!
Ngày nay, cái câu hỏi đôi khi thừa thãi: "Ông có phải là linh mục không?" Và trong ý nghĩ, linh mục trả lời: "Không! Tôi không muốn bị nhận diện trong trường hợp này, trong hoàn cảnh này." Và người không muốn lên tiếng hay ra mặt để người khác biết người là linh mục.
Sau khi Ðức Cha Fulton Sheen đưa ra 5 bước dẫn đến sự sa ngã của linh mục, người lại đưa ra 3 bước linh mục có thể đứng lên sau khi vấp ngã.
Bước thứ nhất không phải là điều gì quá tự nhiên. Ðó chỉ là một việc bình thường, là sự bừng tỉnh của lương tâm khi có một điều gì nhắc nhở rằng mình đã lầm lỗi. Trong trường hợp của Phêrô, đó là tiếng gà gáy. Thật vậy, mỗi lần Phêrô nghe tiếng gà gáy sau cái sáng sớm của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ấy, ông đều nhớ đến giây phút bồng bột đã khiến ông nói trong Bữa Tiệc Ly: "Dù có phải chết với Thầy, con đây cũng không bỏ Thầy!" (Mc 14:31).
Chúa Giêsu biết rõ hơn ai hết. người nói: "Thầy nói thật cho con biết: nội ngay đêm nay, khi gà chưa gáy hai lần thì con đã chối Thầy ba lần!" (Mc 14:30).
Suốt cuộc đời còn lại, tuy mỗi lần nghe tiếng gà gáy là mỗi lần Phêrô đau thắt ruột lại, nhưng tiếng gà gáy đã đưa ông trở lại với Chúa.
Bước thứ hai là, sự trở lại của Phêrô xảy ra ngay tại sân nhà Caipha. Khi Chúa Giêsu bị điệu qua sân, ngang qua Phêrô, Chúa quay lại nhìn Phêrô. Phêrô thấy trong đôi mắt ấy lòng thương xót vô bờ, nguồn ơn nghĩa bất tận và tình yêu mến vô biên. Phêrô đã ra ngoài và khóc thảm thiết.
Phêrô đã khóc với những giọt nước mắt hối hận. Như linh mục hối hận khi nhìn thấy nỗi đau đớn trong đôi mắt của một người giáo dân đạo hạnh sau khi người đã vấp ngã. Bây giờ người đã bắt đầu kinh nghiệm sự ăn năn. Nhưng sự ăn năn của Phêrô chưa hoàn hảo.
Bước thứ ba của sự trở về của Phêrô xảy ra khi Phêrô đi đánh cá sau khi Chúa sống lại. Niềm tin của Phêrô chưa đủ mạnh để hiểu ra ý nghĩa của sự sống lại mà Chúa đã nói, và ông không biết tương lai của ông sẽ đi về đâu. Phêrô hiểu rằng ông luôn luôn có thể trở về với công việc đánh cá để sống như mọi người. Ông nói: "Tôi đi đánh cá đây". Và nhiều tông đồ đã đi theo ông.
Sau khi không bắt được con cá nào hết, các ông thấy Chúa Giêsu đứng trên bờ hồ, mặc dù đầu tiên, họ không nhận ra người. người bảo họ cứ thả lưới ở bên phải mạn thuyền, và rồi họ bắt được đầy lưới toàn cá là cá!
Tới lúc này, Gioan mới nhận ra Chúa và kêu lên "Thầy đó!" Sau đó, các ông liền vội vã vào bờ với Chúa.
Khi Phêrô vào bờ rồi, chắc là ông ngượng ngùng lắm khi thấy Chúa đã sắp sẵn lửa than hồng ở đó. Sự kiện đó nhắc ông nhớ đến ngọn lửa ông đã sưởi ở nhà Caipha, nhắc ông đến việc chối Thầy mình.
Thật không dễ khi một linh mục có thói quen nghiện rượu và phải đến viện phục hồi sức khoẻ để chữa trị. người coi đó như là nơi không xứng đáng, hoặc bị coi khinh. Có lẽ vì thế mà nhiều nơi đã sửa sang lại đẹp đẽ như một khách sạn sang trọng hạng nhất để người cảm thấy được tôn trọng, để giúp người đối diện thẳng thắn với vấn đề của người và giúp người lấy lại phẩm giá của người.
Phêrô đã đối diện với Chúa sáng hôm ấy. Và để bù lại ba lần ông chối Chúa, Chúa đã hỏi lại ông ba lần để ông được xác định rằng ông yêu mến Thầy. Ông đã cảm thấy được tha thứ, cũng giống như bất cứ một linh mục nào đã xưng tội sau khi đã vấp ngã.
Rồi sau đó, lòng thương xót hải hà của Chúa đã tuyên phong Phêrô là đầu của Giáo Hội, là vị Giáo Hoàng thứ nhất của Hội Thánh, nhưng ông phải chờ mãi đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống để được đầy ơn thiêng để thi hành nhiệm vụ của mình.
Dĩ nhiên Phêrô biết Chúa đã tha thứ cho ông, nhưng ông không bao giờ quên được rằng ông đã nhận ra tiếng gọi của Chúa, ngay khi ông vừa sa ngã. Phêrô đã sám hối ăn năn trong suốt cuộc đời của ông. Có lẽ điều làm cho ông hối hận nhiều nhất, đó là nguyên nhân đã làm cho ông sa ngã. Nguyên nhân đó chính là vì ông đã không thức được với Chúa Giêsu một giờ trong Vườn Cây Dầu.