Theo nghĩa đen, “tin lành, Tin Mừng, Phúc Âm” cũng đều dịch bởi một danh từ gốc Hy Lạp “eu-angelion”, mà chúng ta còn thể dịch là: “tin vui, hỉ tín”. Tuy nhiên, trong lịch sử Kitô Giáo, danh từ này được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau.
Thánh Phaolô hiểu Tin Mừng là chính Đức Kitô bởi vì Người đã mang ơn cứu độ cho loài người, giải thoát họ ra khỏi tội lỗi, sự chết. Tiếp đó, các sách thuật lại công trình của Đức Kitô cũng được gọi là Phúc Âm hay Tin Mừng, như bốn quyển Phúc Âm trong Tân Ước.
Ngoài ra, trong lịch sử Giáo Hội, nhiều phong trào canh tân cũng kêu gọi trở về với Phúc Âm, được hiểu là trở về tinh thần đơn sơ khó nghèo của Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta có thể kể đến các tu sĩ vào số này: họ tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, có nghĩa là họ muốn bắt chước nếp sống của Chúa Giêsu.
Đúng thế. Tất cả mọi Kitô Hữu đều phải cố gắng lấy Tin Lành, tức là lấy Đức Kitô làm mẫu mực cho tư tưởng, lời nói, hành động. Tuy nhiên, khi bùng nổ phong trào Cải Cách của Lutêrô vào thế kỷ XVI, thì danh từ này trở thành như một nhãn hiệu để phân biệt với Giáo Hội Công Giáo.
Như vừa nói, tất cả mọi Kitô Hữu đều là Tin Lành, bởi vì phải lấy Chúa Kitô làm mẫu mực cho đời sống. Một cách tương tự như vậy, tất cả mọi Kitô Hữu đều là Cải Cách, bởi vì chúng ta luôn luôn phải canh tân đời sống, trở về với Tin Mừng. Đó làkhẩu hiệu mà Lutêrô xướng lên vào lúc bắt đầu phong trào Cải Cách (Reformatio), và dần dần nó trở thành tên gọi cho những phong trào phát xuất từ Lutêrô.
Tiếc rằng các đồng chí của ông Lutêrô (Zwingli, Calvin) đã có nhiều quan điểm khác nhau về thần học cũng như về cách tổ chức giáo hội, vì thế mà họ đã tách ra từng nhiều nhóm.
Nhóm chính thống của Lutêrô, với cơ sở đạo lý là bản tuyên xưng đức tin Augsburg (năm 1530) mang danh là Lutêrô, hay cũng gọi là Thệ phản. Thực ra, dịch là Thệ phản thì không đúng: người ta có thể cắt nghĩa rằng danh từ này do đối phương đặt ra để chế nhạo những kẻ đã “phản bội lời thề”. Sự thực không phải như vậy.
Chính họ tự xưng là “protestant”, có nghĩa là “phân trần, phản đối”. Từ ngữ này ra đời vào năm 1529, khi mà các một số ông tỉnh trưởng bên Đức ký vào bản tuyên ngôn “phản đối” lại tuyên ngôn đã ký kết 3 năm trước đó cho phép các tỉnh trưởng được quyết định cho nhân dân phải theo tín ngưỡng nào. Với sự phản đối này, họ đặt một nguyên tắc nền tảng của Hội Thánh Tin Lành là tự do lương tâm: mỗi người chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, chứ không phải lệ thuộc quyền bính nào, dù là giáo quyền hay chính quyền.
Danh từ Protestant đôi khi áp dụng chung cho tất cả các Giáo Hội Tây Phương ly khai khỏi Giáo Hội Rôma, đôi khi được áp dụng theo nghĩa hẹp cho các nhóm theo Lutêrô. Một cách tương tự như vậy, tiếng “các giáo hội cải cách” đôi khi được hiểu theo nghĩa rộng cho tất cả các cộng đoàn phát xuất từ phong trào Lutêrô, đôi khi chỉ áp dụng cho những nhóm theo Calvinô.
Các cộng đoàn theo Calvinô tự xưng là giáo hội cải cách (église reformée) bên Thụy sĩ và Hoà lan. Nhưng khi sang bên Scotland và bắc Mỹ thì mang danh là Presbyteral church, ở Việt Nam gọi là “Giáo hội trưởng lão”.
Xin đừng ai hiểu lầm “trưởng lão” là cụ già. Đúng ra, nếu xét theo nguyên ngữ thì presbyter dịch là bô lão là đúng. Tuy nhiên, trong lịch sử Kitô Giáo, tiếng presbyter mang một nghĩa chuyên môn.
Trong đạo Do Thái, các cộng đoàn địa phương được đặt dưới sự điều khiển của hội nghị các bô lão. Các cộng đoàn do Thánh Phaolô thiết lập cũng được điều khiển do một ban các bô lão, nhưng có lẽ tiếng presbyter không còn là cụ già mà dần dần mang nghĩa chuyên môn (kỳ lão, kỳ mục), sau này được gọi là linh mục.
Duy có điều là từ thế kỷ II, qua các thư của Thánh Inhaxiô tử đạo, chúng ta biết rằng đứng đầu mỗi giáo hội địa phương là giám mục với sự cộng tác của đoàn linh mục và các trợ tá. Các Giáo Hội Calvinô không chấp nhận hàng phẩm trật giám mục. Vì thế các cộng đoàn được đặt dưới sự điều khiển của một ban gọi là trưởng lão, nhằm nêu bật tính cách tập đoàn và bình đẳng giữa các nhân viên của Hội Thánh.
Đôi khi khuynh hướng này còn đi xa hơn nữa, theo đó mọi quyết định quan trọng đều cần có sự tham gia của tất cả các phần tử trong cộng đoàn. Đây là khuynh hướng bên Hoa Kỳ tạm dịch là “cộng đồng” (congregationalism).
Lutêrô chủ trương tất cả các tín hữu đều là tư tế, và do đó ông không chấp nhận hàng phẩm trật nào hết. Tuy nhiên, vào thế kỷ XX, nhờ những cuộc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội, ngày nay các Giáo Hội Lutêrô, đặc biệt là ở miền Scanđinavi, đã trở lại với phẩm trật giám mục.
Như đã nói lúc nãy, các từ ngữ để ám chỉ những giáo đoàn phát sinh từ phong trào Cải Cách Lutêrô không được thống nhất, ngay cả trong các ngôn ngữ châu Âu, chứ chưa nói gì khi dịch ra tiếng Việt. Vì thế mà các từ ngữ “Tin Lành, Cải Cách, Thệ Phản” đôi khi được dùng cho tất cả các nhóm, đôi khi được dùng để chỉ một nhóm đặc thù.
Khi ông Lutêrô đặt tên cho phong trào của mình là Tin Lành, ông muốn nhấn mạnh đến việc trở về với Phúc Âm, trở về với Kinh Thánh. Vì thế Kinh Thánh chiếm một chỗ đứng trổi vượt, khác với Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống, đặt nặng việc cử hành phụng vụ bí tích và đạo lý.
Các Giáo Hội Lutêrô chỉ hoạt động tại Đức và bắc Âu, chứ không bành trướng mạnh sang các nơi khác, bởi vì họ không đặt nặng việc truyền giáo. Còn phong trào Tin Lành bên Việt Nam bắt nguồn từ nhóm Evangelicals bên Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, phản ứng lại những phong trào cấp tiến trong việc giải thích Kinh Thánh.
Đặc trưng của phong trào Evangelicals là 5 nguyên tắc căn bản về đạo lý: 1/ Kinh Thánh là lời của Chúa linh ứng, và phải hiểu theo nghĩa đen. 2/ Đức Kitô sinh bởi Mẹ đồng trinh. 3/ Đức Kitô sống lại về thân xác. (Ba nguyên tắc này nhằm chống lại các trào lưu tiến hóa và thực nghiệm, chối bỏ thế giới siêu nhiên và phép lạ). 4/ Đức Kitô đã chết để chuộc tội cho chúng ta. (Nguyên tắc này chống lại thuyết tự do, chủ trương bản tính con người vốn tốt lành). 5/ Đức Kitô sắp quang lâm (Nguyên tắc này chống lại thuyết tiến hóa, chủ trương con người có thể phát triển văn minh đến chỗ thiên đường hạnh phúc). Năm nguyên tắc này được đề ra để phản ứng lại trào lưu khoa học thực nghiệm vô thần vào đầu thế kỷ XX.
Ngoài những nguyên tắc làm nên căn cước của phong trào Evangelicals, điều đáng chú ý hơn là những hệ luận cho việc sống đạo hàng ngày.
Điểm thứ nhất là học hỏi Kinh Thánh, tuy rằng việc giải thích Kinh Thánh dựa theo chữ đen hơn là theo nghĩa lịch sử.
Điểm thứ hai là chú trọng đến cảm nghiệm cá nhân; vì thế, họ coi nhẹ các cơ cấu của Giáo Hội và các bí tích. Các Hội Thánh Tin Lành không chấp nhận một phẩm trật bắt nguồn từ bí tích. Các mục sư giữ nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa hơn là điều hành cộng đoàn. Các cộng đoàn mang tính cách địa phương, nơi mà các phần tử quen biết nhau như trong một gia đình, chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn.
Riêng về các bí tích, đừng kể sự khác biệt thần học về bản chất bí tích, thường các Hội Thánh Tin Lành chỉ nhìn nhận 2 bí tích là: phép Rửa tội và Thánh Thể (gọi là “bữa tiệc của Chúa”). Các buổi hội họp được đánh dấu bởi việc đọc sách thánh, hát thánh ca chúc tụng, và những lời nguyện tự phát.
Điểm thứ ba, các bài giảng chú trọng đến việc kêu gọi sám hối cải hoán. Lời kêu gọi này dựa trên hình ảnh bi đát về sự sa đoạ của con người. Mặt khác, sự sám hối mang tính cách cá nhân, chứ không kèm theo sự dấn thân cải tiến xã hội.
Câu hỏi thật khó trả lời, bởi vì các Giáo Hội Tin Lành bị phân hóa thành rất nhiều hệ phái. Mặt khác, phải thú nhận rằng phong trào đại kết phát xuất từ các Giáo Hội Tin Lành, bởi vì chính họ là những người đầu tiên nhận ra sự phân mảnh Kitô Giáo trở thành phản chứng cho Tin Mừng tại các giáo đoàn trẻ.
Khác với các giáo hội chính thống, tuy cũng bị phân rẽ trải qua dòng lịch sử, nhưng vẫn duy trì đạo lý và phụng vụ của thời các giáo phụ, các Giáo Hội Tin Lành thì không cùng chia sẻ gia sản đó. Nói chung họ nhìn nhận kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinopolis (năm 381). Nhưng sự đồng nhất không đi xa hơn.
Sự phân hóa của các phong trào Tin Lành phần nào đã tiềm tàng trong chính những nguyên tắc của họ. Khi nhấn mạnh đến cảm nghiệm cá nhân trong việc giải thích cá nhân, phong trào Cải Cách không chấp nhận một huấn quyền quyết định quy chuẩn về đạo lý. Hậu quả là mỗi người tự do giải thích Kinh Thánh theo cảm nghiệm của mình, và nếu ai không đồng ý thì có quyền ly khai lập ra nhóm mới.
Vì thế mà cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Tin Lành tiến hành rất chậm chạp. Một đàng, Giáo Hội Công Giáo áp dụng phương pháp đối thoại song phương, nghĩa là gặp gỡ với từng giáo hội cụ thể, tỉ như Lutêrô, Calvin, Baptist. Đàng khác là đóng góp với Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội (World Council of Churches, conseil oecuménique des églises) trụ sở đặt tại Genève.
Trên đây, tôi đã nói là phong trào đại kết bắt nguồn từ các Giáo Hội Tin Lành; nhưng cũng phải thêm rằng không phải tất cả các Giáo Hội Tin Lành đều tham gia phong trào đại kết. Một cách cụ thể, các nhóm Tin Lành Hoa Kỳ thuộc khuynh hướng Evangelicals tẩy chay Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội ở Genève, bị tố cáo là có âm mưu thiết lập một quyền bính tối cao để chỉ huy các giáo hội (trái với tinh thần của phong trào Cải Cách); vì thế họ thành lập một cơ quan song hành, mệnh danh là Hội Đồng Quốc Tế các Giáo Hội Kitô (International Council of Christian Churches).
Mặt khác, người ta ghi nhận rằng các khuynh hướng Tin Lành Evangelicals đẩy mạnh công cuộc truyền giáo không những tại Á Châu và Phi Châu, mà còn tại Âu Châu và Mỹ Châu La Tinh, những nơi đã có tín đồ Công Giáo hoặc Chính Thống. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho hàng giáo phẩm Công Giáo và Chính Thống. Họ coi các nhóm Tin Lành Evangelicals là giáo phái tuyên truyền cho chính sách của Hoa Kỳ chứ không phải là Giáo Hội Kitô. Giữa hai bên không thể thiết lập sự đối thoại được. Thực là đáng tiếc.
Mặt khác, ít là về phía Công Giáo, người ta đã đặt lại vấn đề mục vụ. Thay vì chỉ trích các nhóm Tin Lành Evangelicals đã khuyến dụ tín hữu của mình bỏ đạo, các giám mục đã có can đảm tự vấn: tại sao các tín hữu của mình chạy theo nhóm Tin Lành? Phải chăng tại vì đức tin quá yếu ớt? Phải chăng điều này không tại sự thiếu sót mục vụ của chúng ta hay sao?
Thật khó biết được đích xác con số các hệ phái Tin Lành trên thế giới. Vào năm 1991, nhà sử học Martin Marty viết rằng có đến 21,104 hệ phái, và con số này tăng lên trung bình 5 nhóm mỗi tuần.
Theo báo cáo cách đây 1 năm của Center for the Study of Global Christianity, số hệ phái lên đến 44,000 (so với 18,800 vào năm 1970, và 34,200 năm 2000). Chỉ riêng tại Việt Nam, theo một tài liệu của Mặt Trận Tổ Quốc vào năm 2009, đã có 30 hệ phái Tin Lành, đó là chưa kể các tổ chức nhỏ.
Có nhiều lý do lắm. Năm 2017 tới đây (nghĩa là còn 3 năm nữa) sẽ kỷ niệm 500 năm biến cố của ông Martin Luther khởi đầu cuộc Cải cách. Vào lúc ấy, động lực của ông mang tính thần học, nghĩa là ông chủ trương trở về với đời sống tinh ròng của Tin Mừng.
Nhưng không bao lâu, nhiều nhóm khác cũng nổi lên, pha phôi nhiều động lực, tôn giáo lẫn chính trị. Từ đó bắt đầu nhiều tông phái nảy sinh như dây chuyền, trong đó một nguyên nhân chính là quan niệm về cơ chế giáo hội. Người ta quan niệm giáo hội như là một cộng đồng tự lập, và không có một quyền bính nào khác ở trên cấp địa phương nữa. Tuy nhiên, trước khi tiếp tục câu chuyện, thiết tưởng chúng ta phải dừng lại để phân tích tên gọi “Tin Lành”. Đây là một tên gọi khá hàm hồ.
Theo nguyên gốc Hy Lạp, “Tin lành” (eu-angelion) có nghĩa là “tin vui”, “tin mừng”, hay “phúc âm”. Từ này được dùng để gọi sứ điệp mà Chúa Giêsu rao giảng, hoặc là chính sứ điệp về Chúa Giêsu, đấng mang ơn cứu độ cho nhân loại, cũng như cuốn sách kể lại thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là một tên đặt cho một Hội Truyền Giáo đến từ Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XX, quen được gọi là “Hội Thánh Tin Lành”; thế rồi từ đó, chúng ta gọi chung tất cả các hệ phái Kitô Giáo ngoài Công Giáo là “Tin Lành”, mặc dầu họ chẳng có liên hệ gì với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Vấn đề trở thành rắc rối hơn nữa, khi chúng ta đặt một tên chung là “Tin Lành” cho tất cả các giáo hội phát xuất từ thời Martin Luther, mặc dù họ mang tên riêng khác, chẳng hạn như Protestant hoặc Reformation.
Trước đây, nhiều người dịch Protestant là «Thệ phản”, và thường được giải thích theo nghĩa tiêu cực là “phản bội lời thề, bội thề”, nhưng không đúng!
Thuật ngữ “Thệ phản” lấy từ tiếng Hoa “Thệ ước phản đối”, dịch sát với nguyên gốc của nó. Protester (tiếng Pháp) hoặc Protest (tiếng Anh) có nghĩa là: “phản đối, phản kháng, kháng nghị, kháng cách”; và được áp dụng cho những lãnh chúa theo phe ông Luther phản kháng những quyết nghị của quốc hội Đức họp ở Speyer năm 1529, bắt buộc những người theo Luther phải rút ra khỏi các vùng do những lãnh chúa Công Giáo kiểm soát; nghĩa là người dân buộc phải theo lãnh chúa. Vì muốn bảo vệ tự do của lương tâm cá nhân, 6 lãnh chúa và 14 thành phố phản đối quyết nghị đó. Thiết tưởng có thể dịch protestant là “phản kháng”.
Tự nó, Reformation (tiếng Pháp và tiếng Anh viết như nhau, chỉ đọc khác nhau thôi) có nghĩa là: “cải tổ, cải cách, canh cải, cải thiện”. Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều cuộc cải cách đã diễn ra trong toàn thể Giáo Hội (chẳng hạn như cuộc cải cách của Giáo Hoàng Grêgôriô VII vào cuối thế kỷ XI) hay là trong một dòng tu.
Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XVI, danh từ Reformation ám chỉ cách riêng phong trào Cải Cách (và có khi cũng được dịch là: cải lương, cảnh giáo, tân giáo) của Martin Luther. Điều trớ trêu là ngày nay tên gọi “Giáo Hội Cải Cách” (Reformed Church) được áp dụng cho hệ phái theo Calvin, chứ không phải cho “Giáo Hội Luther”. Giáo Hội Luther thường được gọi là “Phản Kháng” hay “Tin Lành”.
Như vừa nói, các từ ngữ Tin Lành - Tin Mừng - Phúc Âm đều dịch cùng một từ Hy Lạp evangelion. Ở Việt Nam, hồi đầu thế kỷ XX, từ Tin Lành dùng để dịch từ evangelical trong tiếng Anh.
Thực ra, trong lịch sử, từ evangelical được dùng theo theo bốn nghĩa khác nhau:
1/ Thứ nhất, theo một nghĩa rộng nhất, “evangelical” được hiểu là người theo phong trào phản kháng (protestant) của Luther, bởi vì họ chủ trương chỉ dựa vào Tin Mừng (Lời Chúa) như quy luật tối cao (evangelicalism).
2/ Thứ hai, vào đầu thế kỷ XIX, bên Hoa Kỳ và Anh, evangelical ám chỉ những phong trào chấn hưng (revival), lấy lại lòng nhiệt thành truyền giáo. Từ đó có rất nhiều Hội Truyền Giáo được thành lập, và Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam nằm trong luồng ấy.
3/ Qua thế kỷ XX, cũng bên Hoa Kỳ, từ evangelical mang thêm nghĩa thứ ba, đặt cho một luồng bảo thủ, chống lại khuynh hướng tự do (liberal) trong việc giải thích Kinh Thánh. Vì thế, đôi khi nhóm evangelical đồng nghĩa với fundamentalism (tạm dịch là “bảo căn”), giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen (về sự tạo dựng).
4/ Nghĩa thứ bốn, vào những thập niên gần đây, ở Nam Mỹ, evangelical được dùng như đồng nghĩa là pentecostal (Nhóm Ngũ Tuần).
Không phải thế. Giả như chỉ có bốn nhánh mà thôi thì đỡ quá, bởi vì trên thực tế có đến hơn 4 ngàn. Dĩ nhiên, các sử gia cố gắng tìm cách giải thích lý do của hiện tượng này. Và chìa khoá đểu tìm hiểu không phải là bắt đầu từ việc phân tích ý nghĩa của từ evangelical, nhưng là từ ý niệm protestant (phản kháng).
Như đã nói trên đây, khởi điểm của phong trào Cải Cách thế kỷ XVI là sự phản kháng của Lutherô. Ông đòi phải trở về với Lời Chúa, như là nguyên uỷ tối thượng của đời sống Kitô Hữu, nhằm phản đối lại sự đề cao truyền thống và phẩm trật ở trong Giáo Hội.
Nhưng chẳng mấy chốc, phong trào phản kháng của ông đã nảy sinh ra ba nhóm khác nhau, phần nào do yếu tố chính trị, đó là:
1- các giáo hội Luther ở miền Bắc nước Đức và các nước Bắc châu Au;
2- các giáo hội Cải Cách của Calvin ở Thuỵ sĩ, Pháp, và sau đó truyền sang Scotland, quen gọi là giáo hội presbyterian (trưởng lão) bởi vì được cai quản do hội đồng các trưởng lão chứ không phải do giám mục;
3- Giáo Hội Anh Quốc (Anglican Church), ly khai vì lý do xã hội hơn là vì lý do đạo lý.
Thế nhưng, sau một thời gian, cả ba giáo hội này trở thành nặng nề vì các cơ chế, cho nên sang thế kỷ XVII-XVIII, nảy lên một trào lưu phản kháng chống lại ba nhóm vừa kể.
Từ lòng giáo hội Luther nảy ra phong trào pietism; từ lòng giáo hội Cải Cách nảy ra nhóm baptist; từ lòng giáo hội Anh nảy ra nhóm methodist (và có nơi dịch là Giám Lý). Người ta gọi đây là đợt cải cách thứ hai, hoặc phong trào “chấn hưng”.
Nói chung, họ nhấn mạnh đến cảm nghiệm nội tâm. Đợt cải cách tiên khởi nhấn mạnh đến đức tin để được nên công chính. Đợt thứ hai thì cho rằng một khi mình đã được nên công chính thì cuộc đời mình cũng phải thay đổi. Cảm nghiệm này được đặt tên là “tái sinh” hoặc “thánh hóa”.
Baptist có nghĩa là người rửa tội. Nhưng họ nhấn mạnh đến việc chỉ rửa tội cho người lớn (chứ không rửa tội cho nhi đồng), và rửa tội bằng cách dìm mình xuống nước. Vì thời giờ vắn tắt, tôi xin đi tiếp.
Chúng ta đã nói đến đợt cải cách thứ hai vào thế kỷ XVII-XVIII. Sang thế kỷ XIX, ta thấy nảy ra đợt cải cách thứ ba, cũng lại chú trọng đến cảm nghiệm, được đặt tên là cảm nghiệm thánh thiện, cảm thấy mình được giải thoát khỏi tội lỗi. Đồng thời một luồng khác nhấn mạnh đến việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa văn tự, chống lại những trào lưu cấp tiến, muốn giải thích Kinh Thánh theo chiều hướng tôn giáo đối chiếu. Đó là khuynh hướng evangelical đã nói trên đây, được đặt tên là fundamentalist, bám sát vào những nền tảng đức tin.
Nhưng chưa hết, vào đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy ra một đợt cải cách thứ bốn, điển hình nơi nhóm Pentecostal (quen dịch là Ngũ Tuần), vì nêu bật hiện tượng phép rửa trong Thánh Linh, nói tiếng lạ và ơn chữa bệnh, giống như ngày lễ Ngũ Tuần. Một cách tương tự như vậy, có những phong trào cổ võ sự hợp nhất các giáo hội, tránh cảnh phân tán mỏng như hiện nay.
Thật khó xếp loại, bởi vì những phong trào loan báo ngày tận thế gần kề luôn xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội. Nhóm “Cơ Đốc Phục Lâm” ra đời vào cuối thế kỷ XIX và xác định ngày Chúa quang lâm vào năm 1843, nhưng rồi ngày ấy cứ liên tục điều chỉnh. Duy có điều là họ giữ ngày thứ bảy, thay vì ngày Chúa Nhựt. Vì thế người ta đặt vấn đề: không hiểu họ còn là thành phần Kitô Giáo nữa không.
Một cách tương tự như vậy, nhóm “Chứng Nhân Gieova” không thuộc về Kitô Giáo, vì thế cũng chẳng thuộc vào hệ phái Tin Lành nào hết.
Dù sao, cũng nên biết là không phải tất cả các hệ phái Tin Lành đều tha thiết với công cuộc đại kết. Họ hài lòng với tổ chức cộng đồng tự trị tại mỗi địa phương, theo chủ trương “Tam Tự” được nêu lên bởi chính các nhà truyền giáo từ cuối thế kỷ XIX: tự lập về tài sản, tự lập về quản trị, tự lập về truyền giáo.
Đối với tín đồ Công Giáo, thoạt tiên từ ngữ “Cơ Đốc Phục Lâm” xem ra gợi lên một tôn giáo huyền bí nào đó. Trên thực tế, Cơ Đốc Phục Lâm chỉ là sự chuyển dịch sang tiếng Hoa từ ngữ: Chúa Kitô quang lâm. “Cơ đốc” đồng nghĩa với Kitô; “phục lâm” hay quang lâm có nghĩa là trở lại trong vinh quang.
Trong kinh tin kính đọc trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Đức Kitô đã sống lại.., lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Khi nghiên cứu các phong trào ly khai trong lịch sử Kitô Giáo, chúng ta thấy nhiều cộng đoàn đã lấy một đặc tính chung của toàn thể Hội Thánh để đặt làm tên riêng biểu thị căn cước của mình, chẳng hạn: chính thống, cải cách, tin lành. Điều này cũng xảy ra cho từ ngữ Cơ Đốc Phục Lâm. Khác một điều là các từ ngữ chính thống, cải cách, tin lành bao trùm toàn diện đạo lý và nếp sống của Kitô Giáo, còn “Cơ Đốc Phục Lâm” (hay: Đức Kitô quang lâm) chỉ nói lên một tín điều cụ thể trong toàn bộ đức tin. Như tôi vừa mới nhắc đến, tín điều về Đức Kitô quang lâm nằm ở trong phần những lời tuyên xưng về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể, đã chịu khổ hình, chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Người đã sống lại hiển vinh, lên trời và sẽ trở lại trong vinh quang.
Thiết tưởng tín điều về Chúa quang lâm không phải là một trong những chân lý trụ cốt của đức tin, nếu đối chiếu với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
Lý do là tại vì nó bắt nguồn từ phong trào quang lâm (adventism) bên Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ XIX.
Vào năm 1834, ông William Miller (1782-1849), một nông dân ở Low Hampton, (bang Massachusetts) nhận được mặc khải phải đi loan truyền Chúa Giêsu sắp quang lâm vào năm 1843. Ông trở thành một nhà thuyết pháp nổi tiếng, và rất nhiều người đã tin theo ông. Thế nhưng khi ngày ấy trôi qua mà không có chuyện gì xảy ra, ông đã phải xê dịch ngày tận thế sang mùa xuân năm 1844, và định rõ ngày là 22 tháng 10 năm 1844.
Một lần nữa, hàng triệu người đã thất vọng khi ngày ấy qua đi. Tuy ông Millêr đã mất uy tín, nhưng phong trào quang lâm vẫn không suy giảm. Họ đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong các phong trào Tin Lành ở Hoa Kỳ, về những vấn đề cánh chung.
Vấn đề thứ nhất liên quan đến số phận con người sau khi chết. Có đến ba ý kiến khác nhau, gây ra ba khuynh hướng trong phe adventist. Khuynh hướng thứ nhất, Evangelical Adventists (chủ trương linh hồn bất tử, và sau khi chết sẽ lập tức lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục); khuynh hướng thứ hai, Advent Christian Church (các kẻ dữ sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn sau 1000 năm nước Chúa); Life and Advent (các kẻ dữ bị hủy diệt liền sau khi chết).
Vấn đề thứ hai là xác định ngày quang lâm. Tại sao Chúa không đến vào hồi năm 1844? Đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhóm evangelical adventist thú nhận rằng họ đã tính sai, và khuyến cáo rằng từ nay đừng nên tính toán gì nữa hết.
Một nhóm khác chấp nhận là sai, vì thế mà phải tính lại. Trong nhóm này, đã có rất nhiều sự ly khai, bởi vì họ đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau; thí dụ có người dịch ngày quang lâm vào năm 1853/54 hoặc 1873/1874.
Ý kiến thứ ba cho rằng không phải là tính sai nhưng đã chờ sai. Người ta mong đợi những biến cố kinh hoàng ở dưới đất này, nhưng điều đó không đúng: vào năm 1844, tận thế đã xảy ra trên trời, nghĩa là sổ những kẻ tuyển chọn đã được ghi vào sổ hằng sống. Nhóm này trở nên đông đảo nhất, dưới sự hướng dẫn của bà Ellen Gould White (1827-1915) cùng với chồng James White (1821-1881) thành lập một nhóm adventists vào năm 1846, và từ năm 1860 đội tên là Seventh-Day Adventists (Cơ đốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy).
Bởi vì theo họ, ngày thứ bảy là ngày của Chúa, dựa theo Cựu ước. Nên biết là trong Cựu Ước, “ngày của Chúa” không phải chỉ có nghĩa là ngày con người nghỉ ngơi để làm việc thờ phượng Chúa mà còn có nghĩa là ngày Thiên Chúa ngự đến xét xử thế giới. Phái Cơ Đốc Phục Lâm dời ngày nghỉ và ngày phụng tự từ Chúa Nhật (theo truyền thống Kitô Giáo) trở về ngày thứ bảy (theo truyền thống Cựu Ước).
Không, họ vốn tự nhận là Kitô Giáo, và cách cụ thể Kitô Giáo Tin Lành (khuynh hướng Evangelicals), mà đặc trưng là đề cao Kinh Thánh như quy tắc tối thượng của đời sống. Cơ Đốc Phục Lâm cũng chấp nhận nhiều đạo lý Kitô Giáo cổ truyền (tựa như: Thiên Chúa Ba Ngôi, thiên tính của Đức Kitô, Đức Kitô đã cứu chuộc nhân loại nhờ hy tế của Người, tội nguyên tổ, thân xác con người sẽ sống lại).
Hai điểm chính phần nào tạo nên căn cước của nhóm Cơ Đốc Phục Lâm, khác với các nhóm Tin Lành khác: một là quan điểm cánh chung; hai là giữ ngày thứ bảy.
Thực ra, không nên hiểu độc đáo theo nghĩa là do họ sáng chế ra cho bằng theo nghĩa là họ khác với các Giáo Hội Kitô cổ truyền ở hai điểm.
Thứ nhất, họ vẫn còn theo quan điểm nhân học của Do Thái, theo đó con người là một toàn bộ, chứ không phải là một tổng hợp gồm xác và hồn. Vì thế, khi chết là toàn thể con người chết, chứ họ không tin rằng linh hồn bất tử. Tất cả con người an giấc, và đến ngày tận thế sẽ sống lại, dĩ nhiên với số phận khác nhau tùy theo tư cách của họ (người công chính hay bất lương).
Điểm khác biệt thứ hai, là nhóm Cơ Đốc tin vào thuyết thiên niên. Thiên Chúa sẽ thiết lập triều đại công lý hoà bình trên trần thế này trong vòng một ngàn năm dành cho người lành. Sau một ngàn năm, các người lành sẽ vào chốn trường sinh; còn kẻ dữ thì sẽ bị hủy diệt. Vì thế đối với phái Cơ Đốc Phục Lâm, không có hỏa ngục; bởi vì kẻ dữ sẽ bị hủy diệt ra hư vô, chứ không phải là sẽ bị trừng phạt.
Không phải thế. Ngày thứ bảy họ họp nhau để cầu nguyện chứ không phải là chờ mong ngày tận thế. Về phụng tự của nhóm Cơ Đốc Phục Lâm, nên biết là theo truyền thống Tin Lành, họ nhìn nhận phép rửa (bằng cách dìm mình), và bữa tiệc của Chúa (mà người Công Giáo gọi là Thánh Lễ). Việc cử hành bữa tiệc của Chúa không diễn ra thường xuyên theo định kỳ, nhưng khoảng chừng 4-5 lần mỗi năm, vào những dịp hội họp. Họ dùng bánh không men, và rượu không men (bởi vì như sẽ thấy, họ chủ trương kiêng rượu). Trước khi tiến vào việc bẻ bánh, có nghi thức rửa chân.
Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, một nhân tố đã thu hút nhiều người có cảm tình với nhóm Cơ Đốc Phục Lâm không phải là các tín điều của họ cho bằng triết lý nhân sinh của họ. Xác tín rằng thân thể là đền thờ của Chúa, họ chủ trương rằng cần phải bảo vệ sức khỏe tinh thần cũng như thể lý. Đi vào cụ thể, họ chủ trương tránh ăn thịt; tránh dùng rượu và thuốc lá.
Nên biết là một trong những nhà tuyên truyền mạnh nhất của phái Cơ Đốc Phục Lâm là Bác Sĩ John H. Kellogg, chủ xí nghiệp chế tạo đồ ăn ngũ cốc, vẫn còn hoạt động đến nay. Sau khi ông Kellog bị khai trừ (năm 1907) bởi vì quan điểm thần học của ông không thể chấp nhận được, phái Cơ Đốc Phục Lâm đã lập ra những cơ sở khác để phổ biến triết lý về sức khỏe của họ: bằng sách báo, trường học, bệnh viện.
Như vậy, chúng ta thấy phái Cơ Đốc Phục Lâm khác với các phái Tin Lành khác ở chỗ họ dấn thân vào công tác xã hội. Các nhóm Tin Lành Evangelicals chỉ kêu gọi hoán cải cá nhân, và họ cho rằng mọi tội lỗi bất công trên đời bắt nguồn từ tội lỗi của con người. Vì thế mà cá nhân cải hoán thì trật tự xã hội cũng được cải tiến.
Phái Cơ Đốc Phục Lâm thì không dừng ở phạm vi cá nhân. Họ còn dấn thân vào các chương trình cải tạo xã hội. Như vừa nói, họ cổ động những chương trình bảo vệ sức khỏe qua việc giáo dục chế độ dưỡng sinh hợp với thiên nhiên. Họ cũng cổ động việc tôn trọng bảo vệ thiên nhiên. Họ còn cỗ võ chủ trương bất bạo động. Tuy họ chấp nhận luật pháp quốc gia, kể cả việc thi hành nghĩa vụ quân sự, nhưng họ khước từ không cầm súng giết người.
Thật khó mà biết được. Một đàng, phái Cơ Đốc Phục Lâm rất hăng say với việc truyền đạo. Họ ý thức rằng mỗi tín đồ đều mang trách nhiệm truyền đạo, dựa theo sự ủy thác của Đức Kitô. Vì thế mà họ đã có mặt khắp năm châu. Họ đã thâm nhập vào tận những nước Đông Âu kể cả dưới thời kỳ chế độ cộng sản.
Đàng khác, trong nội bộ phái Cơ Đốc Phục Lâm đã có nhiều vụ ly khai bắt nguồn từ sự khác biệt về sự giải thích những vấn đề cánh chung. Hơn thế nữa, chính phái Cơ đốc cũng có quan điểm rất là khoáng đạt về việc theo đạo. Họ chủ trương rằng đức tin là một chuyện thuộc về lương tâm và xác tín, chứ không phải chỉ tại vì mình gia nhập một hội thánh. Việc gia nhập Hội Thánh chỉ có ý nghĩa khi nó giúp ta gặp gỡ Chúa Kitô.
Thiết tưởng sự tôn trọng tự do lương tâm là một điều mà họ đã chịu ảnh hưởng của các nhà cải cách hồi thế kỷ XVI. Một đặc điểm khác về giáo hội học của phong trào Cải Cách là lấy cộng đoàn địa phương làm cơ bản (khác với quan điểm của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đi từ hàng phẩm trật mà xuống).
Các cộng đoàn địa phương liên kết với nhau thành liên đoàn (conference, federation) hay cũng gọi là “sứ bộ” (mission); các liên đoàn họp thành liên hiệp (union), và tất cả các liên hiệp (khoảng chừng 100) họp thành Đại Hội Nghị Cơ Đốc Phục Lâm (General Conference of the Adventist), họp nhau khoảng cách 3 hoặc 5 năm. Giữa các phiên đại hội, các cộng đoàn thuộc mọi cấp được điều hành qua các ủy ban chấp hành. Trụ sở trung ương đặt tại Washington.
Theo chỗ tôi biết, thì không có sự đối thoại cách chính thức. Phái Cơ Đốc Phục Lâm cũng không chính thức tham gia Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội. Một điều gây khó khăn cho cả đôi bên là tại vì phái Cơ Đốc chủ trương lấy ngày thứ bảy là ngày của Chúa, đang khi các giáo hội đều nhìn nhận rằng Kitô Giáo đã thay thế ngày thứ bảy của đạo Do Thái bằng ngày Chúa Nhật để kính nhớ sự phục sinh. Phái Cơ Đốc Phục Lâm sợ rằng họ sẽ bị áp lực phải trở về với ngày Chúa Nhật, và như vậy là mất đi căn tính của mình.
Tuy nhiên, ngoài những bất đồng về đạo lý và phụng tự, thiết tưởng không thiếu những điểm tương đồng giữa đôi bên, chẳng hạn như trong lãnh vực phụng sự nhân loại.
Chắc chị còn nhớ, một cuộc ly khai trầm trọng trong Hội Thánh đã diễn ra hồi thế kỷ XVI do phong trào Cải Cách mà ông Lutêrô đề xướng. Khi nói đến những nguyên nhân của phong trào Cải Cách, người ta thường chỉ để ý đến các vấn đề liên quan đến kỷ luật, phong hóa hay là quyền bính trong Giáo Hội, chứ ít ai nghiên cứu đến những vấn đề liên quan đến đạo lý đức tin. Thế nhưng, trên thực tế, ông Lutêrô không chỉ yêu cầu chấn chỉnh nếp sống kỷ luật và phụng tự, song ông đã đòi xét lại chính nền tảng đức tin Kitô Giáo.
Không phải ở điểm đó. Ông Lutêrô chấp nhận những tín điều căn bản của đức tin Kitô Giáo đã được các giáo phụ xác định, tiêu biểu nơi các tín biểu của Công Đồng Constantinopolis và Calxêđônia, về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, về mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.
Tất cả những mầu nhiệm này liên quan đến kế hoạch cứu độ nhân loại do Thiên Chúa ấn định, và được thực hiện nơi Đức Kitô, đặc biệt qua cuộc tử nạn và phục sinh. Vấn nạn của ông Lutêrô nêu lên liên quan tới cách thức lãnh nhận ơn cứu độ đó: làm thế nào để con người, (như chị và tôi), tiếp nhận được ơn cứu độ của Đức Kitô mang lại? Đó là căn gốc của vấn đề công chính hóa.
Có chứ. Để hiểu điều này, cần phải trở về với khái niệm về công chính. Từ “công chính” được dịch bởi từ “iustitia” trong tiếng La Tinh. Tuy nhiên, cần biết rằng từ “iustitia” cũng như các từ tương đương trong các ngôn ngữ Tây Phương, có thể dịch là công chính, công bằng, công lý, tùy theo mạch văn.
Khi bàn đến các mối tương quan trong xã hội, nó được dịch là “công bằng”, theo nghĩa là “của ai thì trả cho người đó”; đối lại là “bất công”. Để khiếu nại về tình trạng bất công và thiết lập công bằng, người ta nại đến “công lý”. Những ý nghĩa vừa nói chỉ giới hạn trong các mối liên hệ giữa con người với nhau mà thôi.
Còn trong Kinh Thánh, thì từ “iustitia” còn mang thêm một chiều kích khác nữa, đó là mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, ta có thể hình dung rằng Thiên Chúa công bằng vô cùng, không thiên tư ai hết; Người không bị đam mê dục vọng làm mù quáng khi xét xử. Chúng ta tạm gọi là Người công minh.
Theo lý luận tự nhiên thì quả đúng như vậy. Thế nhưng Đức Kitô đã mặc khải cho ta chân dung của Thiên Chúa Cha giàu lòng lân tuất. Thiên Chúa không xét nét các chi tiết vụn vặt của con người yếu đuối, nhưng Người đã lấy tình thương để tha thứ. Dù sao, trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta cần phải trở lại với khái niệm công chính đã.
Như vừa nói, trong mối tương quan xã hội, một người được coi là “công bằng” hay “bất công” tùy theo họ có tuân giữ công lý hay không. Còn trong tương quan với Thiên Chúa, thì con người có thể gọi là công chính khi sống theo luật của Người. Đối lại là tình trạng “bất chính”, chứ không phải là “bất công”.
Xét về từ ngữ, sự phân biệt giữa công bằng và công chính (hoặc bất công và bất chính) chỉ có trong tiếng Việt, chứ trong các tiếng Tây phương thì chỉ có một từ như nhau: justus và injustus. Như vậy, khi nói đến vấn đề “công chính hóa” thì chúng ta đang ở trong bối cảnh của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Nên biết vấn đề không phải là do ông Lutêrô gợi lên, nhưng là nằm trong thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma, bao gồm suốt 11 chương đầu, với luận đề được tóm lại ở chương 3 từ câu 21 đến 30.
Do tội lỗi, con người đã mất sự công chính trước mặt Chúa. Thế nhưng, làm mất sự công chính thì dễ chứ lấy lại sự công chính thì khó. Con người tội lỗi không thể nào tự mình trở lại tình trạng công chính nữa. Con người chỉ có thể được nên công chính nhờ ân sủng của Chúa. Ân sủng này được ban nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho chúng ta. Đức Kitô hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nhờ vậy mà chúng ta được trở nên công chính.
Đến đây chúng ta đi vào điểm gay cấn của vấn đề. Chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô đã đền tội thay cho nhân loại rồi. Thế thì con người có cần phải làm việc đền tội nữa hay không? Chắc hẳn là con người phải làm cái gì đó. Chúng ta tạm lấy ví dụ để giải thích.
Sau một thời kỳ đại hạn, chúng ta mong cho trời mưa xuống. Chúng ta không thể làm mưa được. Thế nhưng đến khi trời đổ mưa, thì điều kiện tối thiểu là chúng ta phải đem thúng đem chậu ra mà hứng, chứ nếu ta đào hầm trú ẩn bưng bít hết mọi ngóc ngách, thì làm sao mà hứng được nước mưa.
Một cách tương tự như vậy, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho chúng ta, nhưng chúng ta phải đón tiếp hồng ân đó thì chúng ta mới được cứu độ. Sự đón tiếp đó được gọi là tin. Điều này không những được Thánh Phaolô nói tới ở thư gửi Rôma, mà cả Thánh Gioan cũng nhấn mạnh, khi thánh sử ví Đức Kitô là ánh sáng được ban cho trần gian, nhưng có nhiều người ngại ra ánh sáng; họ thích đi trong tăm tối.
Đây là điểm đã gây chia rẽ giữa Công Giáo và Tin Lành trong quá khứ. Như vừa nói, Thánh Phaolô cũng như Thánh Gioan nhấn mạnh rằng “tin” như thái độ căn bản của con người để lãnh nhận ơn cứu rỗi. Thái độ này còn kéo dài ra suốt cuộc đời, đến nỗi có thể định nghĩa con người như là “tín hữu, tín đồ”.
Thế nhưng, phải hiểu tin như thế nào? Có người hiểu “tin” như là hành vi của lý trí chấp nhận một chân lý, có người hiểu “tin” như là một tâm tình tín thác. Đi thêm một bước nữa, cuộc đời của người tín hữu không chỉ dừng lại ở khía cạnh lý trí hay tâm tình, mà còn phải diễn ra hành động, tức là những việc bác ái yêu thương.
Trong Tân Ước, chúng ta đã nhận thấy có nhiều quan điểm khác nhau về việc tin, cũng như những lối diễn đạt khác nhau về mối tương quan giữa “tin” với “hành”. Chẳng hạn khi đọc thư của ông Giacôbê 2,14-26, ta có cảm tưởng là ông này hoàn toàn đi ngược lại với Phaolô. Cần phải kiên nhẫn đọc các bản văn trong bối cảnh của chúng thì mới thấy rằng chúng bổ túc cho nhau; hay nói đúng hơn, chúng ta thấy việc “tin” bao hàm nhiều góc cạnh khác nhau.
Phải. Một dấu hiệu cho thấy là tại Âu Châu, đã có bản dịch Kinh Thánh đại kết, nghĩa là do các ủy ban gồm cả Công Giáo lẫn Tin Lành. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng không phải tất cả mọi dị biệt đã được xóa bỏ. Ngoài mối liên hệ giữa đức tin và việc làm, còn một mối khó khăn khác nữa khi bàn về hậu quả của ơn cứu độ trong đời sống.
Chúng ta biết rằng nhờ đức tin và phép rửa, chúng ta được lãnh ơn cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta đã chết cho con người cũ, và đã mặc Đức Kitô, sống cuộc đời mới trong Thần Khí. Đồng thời, chúng ta vẫn còn cảm thấy hoành hành trong chúng ta những đam mê của tội lỗi. Tại sao vậy: các đam mê ấy đã chết chưa? Chúng ta đã bị hủy diệt chưa? Có gì thay đổi lúc chúng ta lãnh bí tích rửa tội hay không?
Phía Tin Lành cho rằng về phía chúng ta chẳng có gì thay đổi cả; chỉ thay đổi về phía Thiên Chúa thôi, nghĩa là Người không còn chấp nhất nữa. Phía Công Giáo thì nói rằng có sự thay đổi thực sự nơi chúng ta. Tội lỗi đã được tha thứ. Các đam mê không nhất thiết là tội lỗi: chúng có thể trở nên tốt hay xấu là tùy trách nhiệm tự do của chúng ta.
Nên biết là bản tuyên ngôn được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo với Giáo Hội Lutêrô, hay nói cho đúng hơn với Liên Đoàn Lutêrô Thế Giới, một cơ quan được thành lập từ năm 1947, hiện nay bao gồm 57,6 triệu trong số 61 triệu tín đồ Lutêrô trên thế giới.
Như vậy, Liên Đoàn này không thay mặt cho toàn thể các Giáo Hội Lutêrô, lại càng không đại diện cho tất cả các Giáo Hội Tin Lành phát sinh từ phong trào Cải Cách hồi thế kỷ XVI.
Bản tuyên ngôn gồm 3 phần. Phần thứ nhất trình bày những dữ kiện của Tân Ước về sự công chính hóa. Phần thứ hai ôn lại những lối giải thích khác nhau giữa Công Giáo và Tin Lành vào thế kỷ XVI. Phần thứ ba xác định những gì mà ngày nay hai bên đã đạt được sự thỏa thuận (đặc biệt ở số 15). Sau cùng trong phần thứ bốn, văn kiện bàn đến 7 điểm mà đôi bên còn có những cách giải thích khác nhau.
Dĩ nhiên có người nhấn mạnh tới phần thứ bốn, vạch ra những điểm khác biệt; có người thì chú trọng đến phần thứ ba, ở những điểm đồng nhất. Tuy nhiên, phần thứ hai không kém quan trọng, bởi vì cho thấy có những hiểu lầm trong quá khứ mà ngày nay đã vượt qua được. Một cách cụ thể là hai bên Công Giáo và Lutêrô đã rút lại những án tuyệt thông cho nhau cách đây 4 thế kỷ, vì lúc đấy không hiểu rõ quan điểm của bên kia. Đây là một bước tiến không nhỏ trên bước đường tiến về hợp nhất.
Chú thích
- Công đồng Trentô đã lên án lập trường của Lutêrô trong sắc lệnh về sự công chính hóa ngày 13/1/1547.
- Những cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Lutêrô đã bắt đầu từ năm 1967, nghĩa là liền sau khi bế mạc Công Đồng Vaticanô II. Ủy ban thần học song phương đã đạt đến vài tuyên ngôn chung liên quan đến Lời Chúa (Phúc Âm, Tin Lành, năm 1972), Thánh thể (1978), tác vụ (1981). Bản dự thảo tuyên ngôn về sự công chính hóa đã hoàn tất từ năm 1997, và được trao các cấp lãnh đạo duyệt xét. Về phía Công Giáo, Bộ Giáo Lý đức tin và Hội đồng đặc trách hợp nhất các Kitô Hữu đã nêu ra vài dè dặt trong thông cáo ngày 25/6/1998. Các nhận xét của cả hai phía được đúc kết đặt trong phần phụ lục của Tuyên ngôn.
- Bản văn của Tuyên Ngôn này được đăng ở L’Osservatore Romano, số 47 (24 Nov.1999).