Xin trả lời ngay là Thánh Phaolô không viết cuốn sách Tin Mừng nào hết, bởi vì Tin Mừng tự nó không phải là một cuốn sách, nhưng là một sứ điệp. Nếu tôi không lầm, hạn từ “Tin Mừng” mới được thông dụng ở Việt Nam chừng vài thập niên gần đây thôi. Trước Công Đồng Vatican II, trong Thánh Lễ, nhiều nơi vẫn còn giữ nguyên cái gốc La Tinh của nó, bài “E-vang”, mặc dù đã có những bản dịch mang tựa đề là “Phúc âm”, bên cạnh một từ ngữ tương đương khá quen tai là “Tin Lành”; đó là chưa kể đây đó có người dịch là “Tin vui”.
Tất cả những từ “Phúc âm, Tin Lành, Tin vui, Tin Mừng” đều tương đương với từ evangelium tiếng La Tinh, hay nói chính xác hơn, eu-angelion tiếng Hy Lạp, có nghĩa tin vui, hỉ tín.
Như vừa nói, evangelium gốc tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ của Tân Ước. Tuy nhiên, dù nguyên bản của Cựu Ước là tiếng Do Thái nhưng cũng đã được dịch sang tiếng Hy Lạp, và người ta thấy từ ngữ này đã xuất hiện nhiều lần.
Khác với thông tục Việt Nam, Tin Mừng (hỉ tín) trong Cựu Ước không áp dụng cho việc sinh con hoặc cưới hỏi, nhưng được sử dụng trong lãnh vực quân sự và chính trị. Tin Mừng (hay tin vui) được áp dụng cách riêng cho sự thắng trận.
Trong quyển 2 sách Samuel, ta thấy nhiều lần nói đến “Tin vui” bởi vì nhà vua đã diệt được quân thù (thí dụ ở chương 18, câu 19). Sách Isaia (từ chương 40 đến chương 66) mở rộng tầm nhìn hơn nữa, khi áp dụng từ “Tin vui” vào sự chiến thắng của Thiên Chúa trên mọi lực lượng sự dữ, cách riêng vào thời Đấng Mêsia.
Chính trong bối cảnh này mà chúng ta đọc thấy đoạn văn (chương 61, câu 1) được Đức Giêsu trích dẫn tại hội đường Nadarét: “Thần Khí của Giavê là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Giavê đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân”. Đức Giêsu chú giải thêm: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời quý vị vừa nghe”.
Như vậy, dường như Đức Giêsu đồng hóa tất cả cuộc đời của mình với “Tin Mừng”, nghĩa là Thiên Chúa thiết lập sự chiến thắng các lực lượng sự dữ nơi thân thế của Đức Giêsu.
Khi Người giáng trần tại Bêlem, các thiên sứ đã loan báo cho các mục đồng như là khởi đầu cho Tin Mừng (Lc 2,10). Thánh Marcô cũng đồng ý như vậy khi thuật lại rằng Đức Giêsu khai mạc sứ vụ của mình với việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, và nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14).
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên theo dõi một nhận xét mà các học giả đã ghi nhận liên quan đến việc sử dụng từ ngữ. “Tin Mừng” là một danh từ (evangelium). Danh từ này được gắn với một động từ (evangelizare): loan báo Tin Mừng, và một tác vụ (evangelista), kẻ loan báo tin mừng.
Việc phân tích từ ngữ đưa đến vài nhận xét thú vị như thế này: Tin Mừng là một sứ điệp (bản tin) để loan báo, chứ không phải là một cuốn sách. (Việc áp dụng “Tin Mừng” cho cuốn sách là về sau này, hồi thế kỷ II).
Evangelista không phải là người viết Tin Mừng, nhưng là người loan báo Tin Mừng (thí dụ Cv 21,8; Ep 4,11; 2Tm 4,5). Trở về với chính danh từ evangelium, người ta nhận thấy rằng danh từ này xuất hiện 76 lần trong Tân Ước, trong đó 60 lần trong các thư của Thánh Phaolô (nghĩa là hơn 75%); tiếp đó là Thánh Luca (25 lần, tính chung cả hai tác phẩm), trong khi đó Thánh Gioan không bao giờ dùng danh từ này trong các tác phẩm của mình. Riêng đối với Thánh Phaolô, danh từ Tin Mừng được áp dụng vừa cho tác vụ rao giảng, vừa cho nội dung của việc rao giảng.
Nội dung của Tin Mừng được Thánh Phaolô rao giảng là Đức Giêsu Kitô, được gọi là “Tin Mừng của Chúa Kitô” (Rm 1,9; 15,19; 1 Cr 9,12; Gl 1,7, vv). Tuy nhiên khi nói về Đức Kitô, Thánh Phaolô không quan tâm đến các lời giảng và phép lạ của Đức Giêsu, cho bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người, nhờ đó nhân loại được cứu độ.
Có hai đoạn văn súc tích tóm tắt nội dung Tin Mừng, đó là Rm 1,1-4 và 1 Cr 15,1-4. Thư gửi Rôma mở đầu như thế này: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.... Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”.
Còn đoạn văn thư thứ nhất gửi Côrintô thì nói: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh”.
Xét về nội dung thì không có gì khác biệt, nhưng chỉ khác biệt về cách thức trình bày thôi.
Khi nói đến “Tin Mừng của Thiên Chúa” (cụm từ này xuất hiện 7 lần: Rm 1,1; 15,16; 1 Tx 2,2.8-9; 1 Tm 1,11), thì Thánh Phaolô không hiểu về nội dung cho bằng về nguyên uỷ. Tin Mừng (tức là ơn cứu độ) bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ sáng khởi của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa mặc khải.
Tuy nhiên, có lúc “Tin Mừng của Thiên Chúa” được hiểu về nội dung, cách riêng khi đối chiếu giữa các tà thần với Thiên Chúa chân thật: trước đây, người Galat thờ ngẫu tượng, bây giờ nhờ Tin Mừng, họ biết được đây là Thiên Chúa thật (Gl 4,8).
Chắc chắn là Thánh Phaolô không hiểu về cuốn sách do mình biên soạn, và cũng không hiểu về những lá thư mà ông đã viết. Cụm từ “Tin Mừng của tôi” (xuất hiện 3 lần Rm 2,16; 16, 25 và 2Tm 2,8) hoặc “Tin Mừng của chúng tôi” (2 lần: 1Tx 1,5; 2 Tx 2,14) được hiểu Tin Mừng mà ông rao giảng (Gl 2,2).
Chắc chắn là ông Phaolô không rao giảng chính mình, nhưng là rao giảng Đức Kitô, như ông đã khẳng định ở 2Cr 4,5. Đôi khi, Phaolô cũng đồng hoá việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô với rao giảng “Lời Chúa” (1 Tx 1,6.8; 2,13). Ông sống chết cho sứ vụ này; ông tự coi như là “tôi tớ của Tin Mừng” (Pl 2,22), và thậm chí còn nói mạnh hơn nữa: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Và trong thư thứ hai gửi Corintô, chương 11, ông thuật lại bao nhiêu nỗi vất vả mệt nhọc khi thi hành việc loan báo Tin Mừng.
Ta có thể trả lời từ hai phía: về phía cá nhân của ông và về phía đối tượng Tin Mừng.
Về phía cá nhân, ông Phaolô thâm tín rằng Chúa Kitô đã thương ông, đã kêu gọi và tuyển chọn ông, đã uỷ thác cho ông sứ vụ này. Vì thế ông muốn thi hành đến nơi đến chốn, để đáp lại ân huệ đó.
Xét về phía đối tượng, bởi vì Tin Mừng không phải là một thứ thông tin giải trí, nhưng liên quan đến hạnh phúc của con người. Tin Mừng liên quan đến ơn cứu độ: Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ cho loài người nhờ Đức Kitô. Vì thế cần phải công bố cho mọi người biết tin vui đó, và mời gọi họ đón nhận hồng ân bằng việc tin nhận Tin Mừng.
Việc tin nhận Tin Mừng mang lại cho con người ơn cứu độ (Rm 1,16; Ep 1,13), và cũng được diễn tả như là bình an, vì thế ông gọi là “Tin Mừng bình an” (Ep 6,15), “Tin Mừng hy vọng” (Cl 1,23), Tin Mừng mang lại ánh sáng, sự sống, trường sinh (2 Tm 1,10). Dĩ nhiên, về phía người nghe, việc chấp nhận Tin Mừng không phải là chuyện đơn giản, bởi vì nó đòi hỏi sự thay đổi não trạng và nếp sống. Điều này không phải chỉ khó khăn cho những ai quen sống buông thả theo tập quán xấu (say sưa, dâm đãng) mà kể cả đối với người Do Thái vốn trung thành với việc giữ luật lệ, cũng như đối với các nhà hiền triết Hy Lạp. Họ không thể chấp nhận Tin Mừng cứu độ được biểu lộ qua thập giá ô nhục.
Trước hết tôi xin bắt đầu với câu hỏi thứ hai bởi vì xem ra hấp dẫn hơn, rồi sau đó tôi sẽ đề cập đến giáo huấn của thánh Phaolô về đời sống gia đình. Câu hỏi thứ hai như thế này: Thánh Phaolô có lập gia đình hay không?
Đây không phải là thắc mắc liên quan đến kinh nghiệm đời sống gia đình của thánh tông đồ (ai đã lập gia đình thì mới biết được mặt trái mặt phải của nó), nhưng là câu hỏi được đặt ra nhằm hiểu rõ hơn thân thế và sự nghiệp của người.
Từ khi được Chúa kêu gọi, người đã hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng, không hề đả động đến chuyện vợ con gì nữa. Còn trước đó thì sao? Ông đã lập gia đình hay chưa? Phải chăng vợ ông đã chết? Hay là ông đã bỏ vợ để đi giảng đạo? Thật là thích thú khi thấy nảy lên hai ý kiến đối nghịch: một ý kiến cho rằng ông không hề lập gia đình; một ý kiến cho rằng ông đã có vợ.
Trong cuộc tranh luận này, ý kiến cho rằng Thánh Phaolô không hề lập gia đình xem ra dễ chấp nhận hơn, bởi vì các tác phẩm Tân Ước không bao giờ nói đến chuyện vợ con của ông, và truyền thống cũng im lặng về vấn đề này. Vì thế chỉ có ý kiến chủ trương Thánh Phaolô có lập gia đình phải lo tìm kiếm bằng cớ để chứng minh.
Các bằng cớ này dựa trên ba luận cứ: thứ nhất là theo tục lệ, thứ hai là theo truyền thống, và thứ ba là dựa trên vài bản văn của chính Phaolô.
Luận cứ theo tục lệ mang tính cách suy đoán, nghĩa là dựa theo tập tục của xã hội Do Thái thời đó, người thanh niên đến tuổi 18 tuổi phải lập gia đình. Việc kết hôn và sinh con được coi như là mệnh lệnh của Chúa. Nhóm Biệt phái chấp nhận một luật trừ cho ai đang theo học làm rabbi: đương sự có thể hoãn lại việc lấy vợ cho đến lúc ra trường.
Các rabbi cần phải nhớ mệnh lệnh của rabbi Eliezer nói rằng: “Ai mà không lo chuyện sinh con, thì cũng giống như kẻ đổ máu”. Thoạt tiên xem ra câu nói có vẻ ghê tởm, nhưng ta đừng quên rằng trong luân lý cổ truyền bên Đông Phương, trong ba tội bất hiếu, thì nặng hơn cả là tội không có con nối dõi tông đường (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).
Thiết tưởng ông Phaolô không thoát ra định luật chung này, mặc dù xã hội cổ thời cũng ghi nhận vài trường hợp tình nguyện độc thân vì lý do tôn giáo. Chúng ta có thể trưng dẫn hai chứng tích: một từ văn hoá Hy Lạp và một từ văn hóa Do Thái.
Bên Hy Lạp, ông Epitectus (một triết gia thuộc trường phái Stoa, sinh khoảng năm 55 công lịch) viết rằng tuy một thanh niên muốn truy tầm chân lý vẫn có thể lấy vợ, miễn là bà vợ cũng đồng chí hướng; nhưng trong tình cảnh hiện nay, điều này khó xảy ra, bởi vì công chuyện gia đình chiếm đoạt nhiều lo lắng và thời giờ, không thể chú tâm vào những chuyện cao siêu nữa (Diatrib. 3,22,66-72).
Trong xã hội Do Thái vào thời Công Nguyên, theo như sử gia Josephus Flavius kể lại, thì những thành viên của nhóm Esseni sống độc thân. Ngoài ra rabbi Johanan ben Zakai (sinh khoảng năm 30 trước CN), sáng lập viên của học viện Jamnia, cũng khước từ lập gia đình, viện lẽ là để dồn tâm lực vào việc nghiên cứu Torah.
Ở đây truyền thống dựa theo một lưu truyền được hai giáo phụ thuộc trường phái Alêxandria ghi lại, đó là Clêmentê và Origène, cả hai sống vào đầu thế kỷ III. Cả hai ông đều dựa một đoạn văn của Thánh Phaolô gửi Philipphê để khẳng định rằng Thánh Phaolô nhắc đến bà vợ của mình.
Thánh tông đồ viết như thế này ở chương 4 câu 2: “Tôi khuyên chị Evođia và khuyên cả chị Sintikhê: xin hai chị hãy sống hoà thuận với nhau. Tôi xin Syzigos, người bạn của tôi, giúp đỡ các chị ấy.”
Bản dịch tiếng Việt của nhóm Giờ kinh phụng vụ dịch là “anh Xi-di-got”, nhưng trong nguyên ngữ, không rõ đây là anh hay là chị. Vì thế có người cho rằng Phaolô đang nói đến người bạn trăm năm của mình (syzygos không phải là tên riêng, nhưng là “người bạn”), và nhờ bà đứng ra giúp cho hai bà kia làm hoà với nhau. Tuy nhiên, ông Clêmentê (Stromata 3,53) cho rằng bà vợ của Thánh Phaolô đang sống ở Philipphê, còn ông Origène cho rằng Thánh Phaolô đã bỏ vợ để dấn thân đi truyền giáo.
Đúng thế, luận cứ vừa rồi dựa theo bản văn Philipphê chương 4 câu 2, nhưng giải thích từ “người bạn” theo nghĩa là bà vợ. Ông Ernest Renan còn táo baọ hơn khi quả quyết rằng người bạn (người vợ) tên là Lyđia, được nói đến trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 16 (câu 14-15 và 40). Khi đến giảng đạo ở Philipphê, ông được bà Lyđia mời trọ ở nhà mình. Chắc là bà này không có chồng, cho nên mới dám mời Phaolô về trọ ở nhà mình. Nhưng để tránh tiếng đồn xì xèo, ông Phaolô lấy bà Lyđia làm vợ.
Nói chuyện nghiêm túc đấy. Bởi vì trong lá thư thứ nhất cho các tín hữu Côrintô, chương 9 câu 5, ông viết rằng: “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống? Phải chăng tôi không có quyền đem theo một phụ nữ như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa hay như ông Kêpha (nghĩa là ông Phêrô)?”
Đại khái mạch văn như thế này: ông Phaolô đi giảng Tin Mừng cho các tín hữu thì có quyền được các tín hữu chu cấp, không những cho cá nhân mà cả cho người cộng sự nữa. Nhưng Thánh Phaolô đã không muốn theo đường lối đó: bản thân của ông tay làm hàm nhai, chứ không nhờ sự đóng góp của các tín hữu, lại càng không muốn bắt họ phải nuôi thêm một người giúp việc! Các tông đồ khác mang theo bà vợ với mình, còn ông Phaolô thì không. Như vậy là ông có vợ nhưng đã bỏ vợ để đỡ đi một gánh nặng kinh tế cho giáo đoàn.
Hầu hết đều nói rằng ông đã lấy vợ khi còn trẻ, trước khi được Chúa gọi. Chỉ có vài người nói rằng ông lấy bà Lyđia khi đi giảng đạo ở Philippê. Dù nói thế nào đi nữa, khi đọc sách Tông Đồ Công Vụ cũng như khi đọc các lá thư của Thánh Phaolô, ta thấy rằng ông không đem vợ theo mình trong các cuộc hành trình truyền giáo. Đến đây, một vấn nạn được đưa ra: ông để vợ của mình ở đâu? Phải chăng bà đã qua đời (và ông trở thành goá vợ), hay là ông đã đồng tình chia tay bà vợ?
Cuộc tranh luận xoay quanh việc chú giải đoạn văn viết trong thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 7. Ở câu 7, Thánh Phaolô viết thế này: “Tôi ước muốn cho mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt”.
Thế nào là “cứ ở vậy như tôi”: độc thân như tôi hay là goá như tôi? Chưa hết, trước đó (ở câu 5), ông đã nhắc đến trường hợp hai vợ chồng đồng ý kiêng cữ ái ân để chuyên lo cầu nguyện; rồi ở các câu 12-16, ông còn cho phép người vợ có chồng ngoại đạo được ly dị nếu người này làm ngăn cản việc sống đức tin (điều mà ngày nay Giáo Luật gọi là “đặc ân Thánh Phaolô”).
Từ đó người ta đưa nhiều giả thiết: có thể rằng ông Phaolô độc thân, có thể ông goá vợ, có thể ông đồng tình ly thân để lo việc truyền giáo (giống như trường hợp của các tông đồ khác), và cũng có thể ông ly dị bởi vì bà vợ không chịu trở lại đạo.
Vì thời giờ ngắn ngủi tôi chỉ xin trả lời vắn tắt thế này. Thánh Phaolô đã để lại nhiều lời khuyên răn về cách cư xử giữa vợ chồng với nhau, và giữa cha mẹ với con cái, giữa chủ nhà với đầy tớ cách riêng là trong hai đoạn văn: thư gửi Côlôsê 3,18-4,1 và thư gửi Êphêsô 5,22-6,9, được đặt tên là “luật gia đình”.
Nói chung, xét về nghĩa vụ thì không có gì mới lạ: Thánh Phaolô tôn trọng trật tự gia đình, với đẳng trật trên dưới, theo như tập tục xã hội thời đó. Ông không tranh đấu cho nam nữ bình quyền, hoặc xóa bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, một điều mới của Phaolô đó là biến đổi gia đình cổ truyền trở thành gia đình Kitô Giáo bằng cách du nhập một cái nhìn mới: các mối tương quan cổ điển được đặt dưới một cái nhìn mới, đó là trong Chúa Kitô: vợ chồng hãy đối xử với nhau như là Chúa Kitô đối xử với Hội Thánh.
Chuyện quan trọng không phải là ai điều khiển ai, nhưng cả đôi bên đều gắn bó chung thuỷ với nhau, thậm chí đến nỗi hiến mạng sống của mình vì người yêu. Một cách tương tự như vậy, cha mẹ hãy dạy dỗ con cái giống như Chúa Giêsu vậy. Và mối tương quan giữa chủ nhà với đầy tớ cần được lồng trong bối cảnh của thân phận con người trước mặt một Chủ tể trời đất.
Ngoài việc đặt các mối tương quan trong bối cảnh hướng về Thiên Chúa, Thánh Phaolô còn du nhập một nguyên tắc ảnh hưởng lâu dài đến các phong trào giải phóng cận đại, đó là kêu gọi hết mọi phần tử hãy hoạt động với ý thức trách nhiệm. Thánh Phaolô không những chỉ nói đến nghĩa vụ của ông chồng đối với bà vợ, mà cả của bà vợ đối với chồng, cũng như nghĩa vụ giữa cha mẹ với con cái và ngược lại. Đôi bên đều có nghĩa vụ hỗ tương, chứ không phải chỉ về một phía.
Khi đọc sách Tông Đồ Công Vụ, người ta nhận thấy rằng tuy Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ hãy mang Tin Mừng đi khắp thế giới, nhưng xem ra các đấng đi về phía Tây hơn là đi về phía Đông. Cụ thể là Thánh Phêrô và Phaolô giảng Tin Mừng và chịu tử đạo tại Rôma, thủ đô của Đế quốc. May thay, truyền thống cũng nói tới một tông đồ thực hiện chuyến Đông du, đó là Thánh Tôma. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt đâu là dữ kiện dựa theo Tân Ước và đâu là lưu truyền của ngụy thư.
Tân Ước cung cấp rất ít dữ kiện về thân thế và sự nghiệp của Thánh Tôma Tông Đồ. Danh sách 12 tông đồ đều liệt kê tên của ông, tuy với thứ tự khác nhau: Matthêu (10,3) đặt ông ở hàng thứ 7; Marcô (3,18) và Luca (6,15) đẩy ông xuống hàng thứ 8; may thay sách Tông Đồ Công Vụ (1,13) cho ông lên hàng thứ 6.
Dù sao phúc âm thứ bốn dành nhiều chỗ cho ông hơn cả. Ông còn có biệt hiệu là Điđimô, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sinh đôi” Ga 11,16; 20,24; 21,2). Một lần ông lên tiếng để bày tỏ vấn nạn khi Chúa Giêsu quyết định đi Betania để chữa bệnh cho Ladarô bất chấp đe đoạ ám sát. Ông nói: “Chúng ta hãy cùng đi vào chỗ chết với Thầy” (11,16).
Lần thứ hai lên tiếng cũng để nêu thắc mắc sau khi nghe Chúa nói ở nhà Tiệc Ly rằng Người sẽ ra đi dọn chỗ cho các môn đệ. Ông hỏi ngay: “chúng con nào biết Thầy đi đâu” (14,5).
Cuộc phát biểu nổi tiếng hơn cả là thái độ hoài nghi của ông sau khi nghe các môn đệ khác thuật lại việc Chúa Giêsu phục sinh, được đọc trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, khiến cho Thánh Tôma trở thành biểu tượng cho những người hoài nghi, tuy dù chính ông đã để lại lời tuyên xưng bất hủ vào Đức Kitô như là Chủ tể và Thiên Chúa.
Ông còn được Thánh Gioan nhắc đến lần chót trong số những bạn chài được Chúa Phục Sinh hiện ra ở Genesaret (21,2). Rồi từ đó, không ai biết ông đi đâu, làm gì, chết lúc nào.
Đúng thế. Nhiều lưu truyền về thân thế và sự nghiệp của ông Tôma đã được dựng lên, với giá trị khả tín không đồng đều. Sử gia Eusebiô Cesarêa (đầu thế kỷ IV) kể lại lưu truyền về việc ông Tôma đi giảng đạo ở Ba tư và tử đạo tại đây (HE III,1; III,39,4). Sau đó không lâu, Thánh Grêgôriô Nazianzô thuật lại lưu truyền về Thánh Tôma đi giảng đạo và chịu chết bên Ấn Độ. Dù sao, trong khoảng thời gian đó, vài tác phẩm đã được xuất bản và được gán cho Thánh Tôma, gồm có: một sách Phúc Âm (về thời thơ ấu của Chúa Giêsu), một sách Công vụ, và một sách Khải Huyền. Hành trình của Thánh Tôma sang Ấn Độ được thuật lại tỉ mỉ trong sách Công Vụ.
Thực ra dịch là Công Vụ thì không đúng. Nguyên tiếng La Tinh “actus” có nghĩa là những “việc làm, hoạt động”, (cũng tựa như sách “hoạt động các thánh tông đồ” Actus apostolorum, quen gọi là “Tông Đồ Công Vụ”). Trong quy điển Tân Ước, chỉ có một sách mang danh là “hoạt động các thánh tông đồ”, tuy thực sự chỉ chú trọng đến hai Thánh Phêrô và Phaolô; nhưng trong các ngụy thư thì còn nhiều sách “hoạt động” kể lại chuyện các tông đồ khác, chẳng hạn như: Phêrô, Phaolô, Gioan, Anrê, Tôma. Dĩ nhiên ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở sách “hoạt động của Thánh Tôma”, được truyền lại với nhiều phiên bản khác nhau.
Nội dung có thể tóm lại như thế này. Ông Tôma, tên gọi là Điđimô có nghĩa là “sinh đôi”. Sinh đôi với ai? Tác giả nghĩ rằng sinh đôi với Chúa Giêsu, như vậy ông là em ruột của Chúa. Vì thế ông cũng đã học nghề làm thợ mộc từ Thánh Giuse.
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ họp nhau và phân chia công tác đi rao giảng Tin Mừng khắp thế giới. Ông Tôma được phái đi Ấn Độ, nhưng ông từ chối không đi, lấy cớ là vì không biết ngôn ngữ và phong tục của dân Ấn. Thế là Chúa Giêsu lại hiện ra, quở trách ông, và bán ông làm nô lệ cho Abban, một thương gia được vua Gunđaphar bên Ấn Độ phái đi tuyển thợ mộc để cất cung điện. Tôma đi theo ông Abban về Ấn Độ. Trên đường đi, ông dừng chân ở Adrapolis, vào lúc hoàng triều vừa tổ chức lễ thành hôn cho một công chúa. Khi nghe ông Tôma giảng Tin Mừng, cô ta cảm hoán và khấn giữ khiết tịnh, bỏ luôn ông chồng mới cưới. Nhà vua tức giận ra lệnh tống giam ông vào ngục, nhưng ông thoát được cách lạ lùng.
Ông tới kinh đô của vua Gunđaphar, và được ủy thác việc xây cung điện. Thế nhưng ông dùng tiền đấu thầu phân phát cho người nghèo. Tới ngày đã hẹn mà cung điện vẫn chưa xong, nhà vua tống giam ông. Nhưng vua được thiên thần hiện đến trong cơn mơ báo tin về cung điện của vua được xây ở trên trời, vua tỉnh ngộ và trả tự do cho Thánh Tôma.
Ông rời lãnh thổ của vua Gundaphar, và đi giảng đạo cho vương quốc của vua Misdaeus. Bà hoàng hậu nghe giảng tin mừng đã trở lại, và bỏ chồng. Nhà vua tức giận ra lệnh giết ông Tôma bằng giáo đâm. Đó là tóm tắt những nét chính. Các phiên bản còn thêm nhiều chi tiết khác nữa.
Nếu dựa theo sách “hoạt động Thánh Tôma” thì câu trả lời hẳn là như vậy. Thậm chí một truyền thống còn xác định là mộ của người ở Mailapur (Mylapore), ngoại ô thành phố Madras ở Đông-nam Ấn Độ ngày nay. Truyền thống này được nhiều giáo phận bên Ấn Độ bảo vệ, bởi vì họ tự hào là được thánh Tôma giảng đạo từ năm 50 hay 52, khi cập bến Malabar.
Tuy nhiên, từ thế kỷ IV đã có một truyền thống khác cho rằng mộ Thánh Tôma ở Eđessa (nay là Urfa bên Thổ nhĩ kỳ). Dĩ nhiên, các sử gia đã tranh luận rất nhiều về tính cách xác thực của các nguồn sử liệu này.
Trước hết, sách “hoạt động thánh Tôma” do ai viết, viết lúc nào, trong khung cảnh nào? (Các nhà phê bình cho rằng nó được viết vào thế kỷ III).
Thứ đến, các dữ kiện nói trong sách Hoạt động Thánh Tôma có trùng hợp với lịch sử hay không, (thí dụ tên các nhân vật và địa lý bên Ấn Độ). Một chi tiết khác nữa không thể bỏ qua là tên “Ấn Độ” ở các thế kỷ đầu tiên ám chỉ vùng nào? Chị đừng nên quên rằng vào thời cận đại, các thổ dân bên Mỹ châu được gọi là indios bởi vì ông Cristoforo Colombo tưởng lầm là đất Ấn Độ. Và nước Việt Nam ta cũng được đặt tên là miền đất Indo-chine, nghĩa là giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Vì thế rất có thể là các tài liệu cổ nói đến việc Thánh Tôma giảng đạo bên Syria hay Ba-tư (Iran) chứ không hẳn là Ấn Độ ngày nay. Phải chờ đến thế hệ kế tiếp thì Tin Mừng mới được mang từ Syria sang miền Tây Ấn.
Trước khi trả lời câu hỏi, cần xác định phải hiểu “Việt Nam” theo nghĩa nào. Việt Nam trở thành quốc hiệu kể từ năm 1802. Vào đầu Công Nguyên, nước ta được gọi là Giao chỉ. Hồi đó, lãnh thổ Giao chỉ hẹp hơn lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, khi hỏi Thánh Tôma có đặt chân đến Việt Nam hay không, thì phải xác định cho rõ: Thánh Tôma có đến giảng đạo cho dân Giao chỉ không? Hay là: Thánh Tôma có đặt chân lên bán đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay không?
Câu hỏi về lãnh thổ xem ra dễ trả lời hơn. Vào đầu Công Nguyên, những cuộc giao thương giữa Ấn Độ và Trung Hoa không phải là hoạ hiếm, bằng chứng là kinh Phật được mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa, trải qua đất Giao chỉ. Vì thế, nếu Tin Mừng đã được mang đến Ấn Độ được, thì đâu khó gì mà chẳng sang tới đất Việt Nam?
Truyền thống Giáo Hội Ấn Độ nói đến việc Thánh Tôma đã đi tới biên cương Trung Hoa. Thực ra, trong các sách viết về lịch sử Giáo Hội Việt Nam, đã có một lưu truyền về thái thú Sĩ nhiếp (Sĩ vương: 187-226) trở lại đạo. Dù sao, giả như Tin Mừng đã được đưa đến Việt Nam từ Thánh Tôma hay từ một môn đệ của thánh tông đồ đi nữa, thì công trình đó chẳng còn để lại dấu vết gì cho hậu thế.
Mãi đến thế kỷ XVI, với những cuộc trao đổi thương mại giữa Tây Phương và Viễn Đông, ta mới tìm thấy những sử liệu nói đến việc truyền giảng Tin Mừng.
Nếu nói đến dân tộc Việt Nam thì biến cố của giáo sĩ I-nhê-khu đặt chân đến Ninh cường năm 1533, mà năm nay chúng ta mừng kỷ niệm 470 năm. Nếu nói đến lãnh thổ Việt Nam hiện nay, thì cần thêm những hành trình của các thương gia và giáo sĩ Bồ-đào-nha trên miền đất Xiêm La và Chân Lạp cũng vào thế kỷ đó, chẳng hạn như năm 1523, thương gia Duarte Coelho cất một thánh giá ở Cù-lao Chàm. Năm 1550, Cha Gaspar da Cruz, dòng Đaminh Bồ Đào Nha đặt chân lên Cần Cáo (Hà Tiên ngày nay).
Trước khi bàn về ý nghĩa của “việc tông đồ” hoặc “hoạt động tông đồ”, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của tiếng “tông đồ” đã. Thường các tông đồ được hiểu là các môn đệ được Chúa Giêsu tuyển lựa. Ý tưởng này khá rõ khi phân tích từ ngữ Hán việt “tông đồ”, trong đó “đồ” có nghĩa là học trò, người theo học (tựa như khi nói: đồ đệ, môn đồ). Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng “tông đồ” được dùng để dịch tiếng “apostolus” ở trong tiếng La Tinh, hoặc nói chính xác hơn, từ nguyên gốc Hy Lạp apostolos. Tự nó, từ này có nghĩa là: người được cử đi, phái đi làm chuyện gì đó.
Trong Tân Ước, ta thấy từ này có lúc được dùng theo nghĩa rộng, áp dụng cho những ai được phái đi (thí dụ như ở Ga 13,16), có lúc được coi như một đoàn sủng được ban cho Giáo Hội (chẳng hạn như trong thư 1Cr 12,28), có lúc lại áp dụng theo nghĩa hẹp, chẳng hạn như Lc (6,13).
Trong lịch phụng vụ kính 14 thánh tông đồ, nghĩa là cộng thêm Thánh Phaolô và Thánh Barnabê. Dù sao, thường thường dựa theo từ ngữ tiếng Hy Lạp, các tông đồ được hiểu là những người được Chúa Kitô Phục Sinh sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, như chúng ta đọc thấy ở cuối cả ba Tin Mừng nhất lãm.
Quan niệm về “công tác tông đồ” được mở rộng dần dần. Vào thời buổi khai sinh Giáo Hội, thì quả thực công tác của các tông đồ là rao giảng Tin Mừng, như chúng ta đọc thấy ở sách Tông Đồ Công Vụ, chẳng hạn như trong bài hiệu triệu của Thánh Phêrô trước khi bầu cử người thay thế cho ông Giuđa Iscariot (chương 1, câu 22), hoặc trước khi bầu 7 người phục vụ việc phân phối lương thực (chương 6, câu 2).
Thế nhưng khi bước sang Thánh Phaolô, thì ngoài công tác rao giảng Tin Mừng, chức vụ tông đồ còn bao gồm thêm việc thành lập và điều khiển các giáo đoàn nữa (thí dụ như 2 Cr 8,23). Dù sao, như chúng ta đã biết, thế hệ các tông đồ qua đi, và các đấng phải chọn lựa những người tiếp nối sứ mạng của mình, vừa làm chứng cho Chúa Kitô bằng lời giảng và bằng việc chuyển thông hồng ân cứu độ, vừa để điều khiển cộng đoàn.
Nói cách khác, các thánh tông đồ đã truyền lại sứ mạng của mình cho các giám mục, mà truyền thống gọi là “những người kế vị các tông đồ”.
Như vừa nói, quan niệm về “công tác tông đồ” được mở rộng dần dần. Hơn thế nữa quan niệm về “kế vị các tôg đồ” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa.
Trước hết, xét về sự “kế vị các tông đồ” cần ghi nhận một sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống một bên, với bên kia là các Giáo Hội Tin Lành. Giáo Hội Tin Lành cho rằng toàn thể Hội Thánh kế vị các thánh tông đồ, cách riêng qua việc trung thành duy trì giáo huấn của các thánh tông đồ. Còn Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống thì còn thêm rằng việc kế vị còn bao gồm các giám mục, tức là những người giữ tác vụ điều khiển giáo đoàn và cử hành các bí tích.
Tuy nhiên, tôi xin miễn đi sâu vào vấn đề này, để dành thời gian bàn về một khía cạnh khác, đó là hoạt động tông đồ. Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, công tác quan trọng nhất của các tông đồ là rao giảng Tin Mừng. Điều này không có chi khó hiểu, bởi vì dựa trên các bản văn của Tân Ước.
Nhưng đến khi đời sống đan tu ra đời (từ cuối thế kỷ III) thì người ta nêu bật nhiều khía cạnh của các thánh tông đồ. Thánh Antôn tu hành, tổ phụ đời đan tu bên Ai Cập, tự nhận là mình bắt chước các thánh tông đồ khi rút vào rừng vắng. Thoạt tiên, điều này xem ra ngược đời, bởi vì Chúa Kitô sai các thánh tông đồ đi khắp nơi giảng dạy cho muôn dân. Tuy vậy, khi viết hạnh Thánh Antôn, thì giám mục Athanasiô giải thích rằng việc bắt chước các tông đồ không nằm ở chỗ đi giảng đạo, nhưng ở chỗ đi theo Chúa Giêsu qua việc từ bỏ tài sản, chấp nhận nếp sống khó nghèo, dựa theo lời mời ngỏ với người thanh niên (Mt 19,21).
Đến khi nếp sống cộng đoàn phát triển, thì ta lại đọc thấy nơi các bản luật (chẳng hạn như Pacômiô, Basiliô, Augustinô) một ý tưởng khác về sự bắt chước các thánh tông đồ. Các thánh tông đồ không những bán hết tài sản để đi theo Chúa Kitô nhưng họ còn họp thành một cộng đoàn sống chung quanh Chúa. Điều này lại càng rõ rệt hơn ở nơi cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem, khi mà mọi người sống hoà hợp thương yêu nhau, một lòng một ý chúc tụng Chúa, và chia sẻ chung với nhau tất cả mọi tài sản vật chất và tinh thần.
Như vậy, chúng ta thấy rằng vào hồi thế kỷ IV-V trở đi, các đan sĩ quan niệm rằng không phải là khi đi rao giảng Tin Mừng thì mình mới bắt chước các thánh tông đồ, nhưng tiên vàn là phải từ bỏ mọi sự để làm môn đệ Chúa, và thương yêu nhau.
Rất có thể là các đan sĩ muốn bổ túc cái nhìn một chiều về Kitô Giáo, theo nghĩa là Kitô Giáo không phải chỉ gồm những chân lý cần rao giảng mà còn cần phải diễn tả tấm gương sống động của Chúa Giêsu nữa. Dù sao, chúng ta biết rằng các đan sĩ bên Tây Phương cũng như bên Đông Phương đều đã góp phần rất lớn trong việc truyền bá Phúc Âm trong thiên niên kỷ thứ nhất.
Qua thời Trung đại, thì ta thấy một cái nhìn đầy đủ hơn về sứ mạng tông đồ ở nơi dòng Đaminh và dòng Phansinh. Họ đọc lại Tin Mừng, cách riêng là những đoạn văn Chúa Giêsu phái các môn đệ đi giảng đạo (Luca chương 9 câu 2-5 và chương 10,1-9). Các tông đồ không những nhận được sứ mạng đi rao giảng, nhưng còn nhận được chỉ thị về cung cách đối xử khi đi giảng, đó là tư thế khó nghèo “không mang gậy, không mang bị, không mang lương thực, không có tiền bạc”.
Các tu sĩ Đaminh và Phan sinh muốn kết hợp hai quan niệm về sứ vụ tông đồ: một bên là rao giảng Tin Mừng (quan niệm đã có từ thời nguyên thủy), một bên là nếp sống siêu thoát (quan niệm của các đan sĩ), được thể hiện qua ba lời khấn dòng.
Sang đến cận đại, người ta ít nói đến “sứ mạng các tông đồ” hoặc “đời sống các tông đồ” cho bằng “hoạt động tông đồ” (hay là việc tông đồ). Mặt khác, các hoạt động tông đồ cũng không còn hạn chế vào những việc mà các thánh tông đồ đã làm hồi xưa, nhưng được mở rộng đến tất cả mọi hoạt động nhằm xây dựng Nước Chúa, Nước của tình yêu, của công bằng, của sự thật.
Nói cách khác, hoạt động tông đồ bao trùm toàn thể sứ mạng của Hội Thánh, tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Hiểu như vậy, tất cả mọi tín hữu được mời gọi tham gia vào việc tông đồ: họ được sai vào thế giới để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa. Hiểu như vậy, một đàng kể cả các giáo dân cũng được tham gia vào hoạt động tông đồ (chứ không phải chỉ dành riêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ), - từ đó có từ ngữ “tông đồ giáo dân” (chủ đề của một văn kiện Công Đồng Vaticanô II).
Đàng khác, hoạt động tông đồ cũng rất đa dạng: ngoài công việc rao giảng (thí dụ như dạy giáo lý), các công tác từ thiện bác ái cũng được kể vào hoạt động tông đồ nữa. Thế rồi, chúng ta còn nghe nói đến các hội đoàn “tông đồ cầu nguyện” nghĩa là làm việc tông đồ qua sự cầu nguyện; “tông đồ đau khổ” đặc biệt hướng đến các bệnh nhân liệt giường liệt chiếu (họ cũng có thể tham gia vào việc xây dựng Nước Chúa, tuy dù họ không cử động gì được).
Tôi nghĩ có thể hiểu như vậy, bởi vì Thánh Phaolô đã có lần viết rằng: “dù nói gì dù làm gì, thì anh em hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Bất cứ việc nào cũng có thể trở thành cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng.
Trên thực tế, thiết tưởng nên lưu ý hai điều.
(1) Thứ nhất, nhiều người vẫn còn hạn chế những hoạt động tông đồ vào việc cộng tác trực tiếp với hàng giáo phẩm, đó là giảng giáo lý và cử hành bí tích, phụng vụ. Tôi nghĩ điều này cũng đúng thôi.
(2) Nhận xét thứ hai quan trọng hơn, đó là ta đừng quá chú trọng đến “công tác” hay “hoạt động”, nhưng cần lưu ý đến “tinh thần”. Nói khác, thiết tưởng nên chú ý đến “tinh thần tông đồ” hơn là “việc tông đồ”.
Tinh thần tông đồ được hiểu là lòng nhiệt thành giống như các thánh tông đồ, gắn bó với Chúa Giêsu, yêu mến Người và muốn cho Người được mọi người yêu mến. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ở số 864, sau khi đã nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo Hội, đã thêm rằng hậu quả của việc tông đồ, dù là của giáo sĩ hay là của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hiệp khắng khít với Chúa Kitô. Linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là đức mến, được múc kín cách riêng từ bí tích Thánh thể.