Trong những thập niên gần đây, người ta đã đặt lại nhiều vấn đề chung quanh cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Những vấn nạn được nêu lên vừa thuộc tính cách lịch sử và nhất là vừa thuộc tính cách thần học.
Dưới khía cạnh lịch sử, trình thuật về biến cố này được ghi lại 3 lần trong sách Tông Đồ Công Vụ (9,1-20; 22,1-21; 26,2-23) với nhiều chi tiết không hoàn toàn đồng nhất. Tại sao có sự khác biệt đó? Nên biết là dựa theo nhiều bức hoạ, chúng ta quen hình dung ông Saulô đang cỡi ngựa và bị ngã; nhưng đó là óc tưởng tượng của các hoạ sĩ. Tân Ước chỉ nói là ông bị ngã (Cv 9,4), nhưng không hẳn là ngã ngựa! Vì thời giờ eo hẹp, tôi không muốn đi sâu vào cuộc tranh luận này, bởi vì muốn chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh thần học. Vấn nạn được đặt ra như thế này: biến cố này phải được đặt tên là “sự trở lại” hay là “ơn gọi”?
Có ít là hai lý do chung quanh vấn đề từ ngữ.
Lý do thứ nhất, từ “trở lại” thường bao hàm nghĩa hoán cải từ nếp sống bê tha sang nếp sống đức hạnh (thí dụ như khi nói đến tình trạng của một người rượu chè trác táng nhận biết lầm lỗi của mình, và dứt bỏ đường cũ); hoặc thay đổi tín ngưỡng, từ chỗ đi theo một tà đạo sang chỗ chính đạo (như chúng ta thường hiểu về việc “trở lại đạo”).
Thử hỏi hai nghĩa đó có thể áp dụng cho ông Saulô không? Đang khi đó, đây là lý do thứ hai, chính Thánh Phaolô trong các thư của mình (đặc biệt là Galat 1,11-17), thường đánh giá biến cố xảy ra tại Đamascô như là việc Chúa Kitô hiện ra với ông để kêu gọi làm tông đồ. Vì thế, thay vì nói đến cuộc “trở lại” của ông Saulô, cần phải nói là “ơn kêu gọi Phaolô” thì mới đúng.
Đúng thế. Chính Thánh Phaolô trong các thư của mình cũng thú nhận rằng trước đây mình đã lầm lẫn, và được Chúa thương mở mắt cho ông thấy sự thật, thí dụ như 1Timôthêô 1,12-16. Hiểu như vậy thì quả thật đã có một cuộc “trở lại” hoặc “cải hoán” hay “thay lòng đổi dạ” quan trọng trong đời ông Saulô với biến cố Đamascô.
Tuy nhiên, như đã nói trên đây, tiếng “trở lại” thường áp dụng cho hai hoàn cảnh đặc biệt. Thứ nhất, cho người trước đây sống bê tha và nay quay về với đức hạnh (điều này không đúng cho Saulô); thứ hai, hoặc cho người thay đổi tín ngưỡng (chẳng hạn từ đạo Phật sang đạo Kitô). Liệu có thể áp dụng ý nghĩa thứ hai cho ông Saulô hay không?
Chắc chắn rồi, ông Saulô đã nhìn nhận Đức Kitô như là Đạo, theo nghĩa là con đường (dựa theo Công vụ tông đồ 9,2 và 22,4). Tuy nhiên, chúng ta đừng vội nghĩ rằng ông Phaolô đối chọi đạo Do Thái với đạo Kitô như là hai tổ chức hoàn toàn đối lập như đen với trắng, bắt buộc mình phải lựa chọn một trong hai chứ không thể nào bắt cá hai tay. Không phải thế, Thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo cũng như trong các lá thư, đều thâm tín rằng Đức Kitô là Đấng đến để thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ Do Thái. Vì thế ai chấp nhận Đức Kitô thì sẽ trở thành người Do Thái chân chính. Ngược lại, nếu người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô thì sẽ thành “giáo gian”.
Tiếc rằng đó là điều mà ông Phaolô bị chụp mũ, khiến cho ông buồn rã rượi, tuy vẫn xác tín rằng một ngày nào đó, người Do Thái sẽ nhìn nhận Đức Kitô (như chúng ta đọc thấy trong chương 11 của thư gửi Rôma). Vì thế, theo ông Phaolô, khi theo đạo Chúa Kitô thì không cần phải từ bỏ đạo Do Thái, bởi vì Chúa Kitô giúp cho mình hiểu sâu xa hơn giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với Môsê.
Thánh Phaolô không bàn đến vấn đề đó. Duy có điều là trên đường truyền giáo, Thánh Phaolô nhận thấy rằng đang khi người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô, thì những người ngoài Do Thái lại đón nhận Tin Mừng. Điều này khiến cho thánh nhân bắt đầu nghĩ ngợi (chương 9 thư gửi Rôma): phải chăng đó là kế hoạch của Thiên Chúa muốn cho mình dồn sức lực để đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Do Thái?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Việt, khi nói đến “dân ngoại” (hay người ngoại), chúng ta liên tưởng ngay đến người ngoại đạo (ở ngoài Giáo Hội), đôi khi mang nghĩa xấu: người ngoại đạo là người không biết Chúa, thờ bụt thần ma quỷ.
Sự đối chọi tương tự cũng gặp thấy giữa “lương dân” và “giáo dân”, tuy nguồn gốc có lẽ không tốt đẹp như chúng ta nghĩ. (Theo vài sử gia, sự đối chọi giữa lương dân và giáo dân bắt nguồn từ vua Tự Đức: lương dân có nghĩa là người lương thiện, tuân theo lệnh của vua; còn giáo dân là bọn ngang bướng đi theo tà đạo cho nên cần phải giáo hóa). Sự phân biệt “nội / ngoại” hoặc “lương / giáo” thuộc tư tưởng Việt Nam chứ không hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Kinh Thánh.
Thực vậy, nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải nói rằng Thánh Phaolô là “tông đồ của muôn dân” (apostolus gentium). Tiếng “gentes” trong La Tinh tương đương với ethnê trong Hy Lạp, chỉ có nghĩa là “dân tộc” (từ đó mà có ngành ethnologia: dân tộc học).
Thực ra, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nhiều lần chúng ta thấy có sự đối chọi giữa Israel (dân Thiên Chúa, laos), với các dân tộc khác (ethnê). Do những kinh nghiệm chua chát trong lịch sử, người Do Thái được lệnh cấm không được giao lưu với các dân tộc khác, bởi vì sợ lây nhiễm các tục lệ trái nghịch với giao ước, đặc biệt trong việc thờ ngẫu tượng.
Việc tiếp xúc với các dân tộc khác bị coi là ô uế, như ta còn thấy một trường hợp điển hình nơi Thánh Phêrô, được kể lại nơi sách Tông Đồ Công Vụ chương 10 và 11. Khi ông Phêrô đi vào nhà ông Cornêliô và trọ lại ở đây, thì ông bị một số tín hữu chỉ trích là nhiễm ô uế chiếu theo luật Môsê. Trong bối cảnh như vậy, các dân tộc không thuộc về dân Do Thái sẽ không được thông dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đúng thế. Biệt hiệu “tông đồ dân ngoại” (hay đúng hơn, “tông đồ của chư dân” hoặc của các dân tộc) không phải là do hậu thế đặt cho Thánh Phaolô nhưng là do chính người tự nhận như vậy (thí dụ Rm 1,5; 11,13; 15,16; Gl 2,8). Điều này giả thiết một ơn gọi riêng, mà Thánh Phaolô cho rằng mình đã lãnh nhận trực tiếp từ Chúa Kitô trên đường đi Đamascô. Ơn gọi này bao hàm một cái nhìn mới về lịch sử cứu độ, khác với cái nhìn của người Do Thái trước đây.
Như vừa nói, người Do Thái cho rằng họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng, và lãnh nhận giao ước cứu độ. Các dân khác không nằm trong kế hoạch này, đừng kể khi nào họ chấp nhận gia nhập đạo Do Thái, và tuân hành luật lệ Môsê. Nhưng Thánh Phaolô mở rộng nhãn giới ơn cứu độ ở hai điểm. Thứ nhất, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mở rộng đến hết các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà thôi. Thứ hai, để được lãnh hơn cứu độ không cần phải tuân giữ luật Môsê, nhưng chỉ cần tin Đức Kitô là Đấng Cứu thế. Điều kiện này cũng được đặt ra cho người Do Thái nữa. Như vậy, từ nay sẽ không còn phân biệt giữa “Do Thái” và “các dân” nữa, nhưng tất cả sẽ họp thành một Dân mới của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh.
Xem ra đó là hai kết luận đơn giản, nhưng quả thực là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn đối với Thánh Phaolô, nếu chúng ta biết rằng trước đây không những ông là người Do Thái nhưng còn là người Biệt phái, nghĩa là có thái độ bảo thủ trong việc tiếp xúc với người ngoại đạo. Do đó, biến cố tại Đamascô đánh dấu một cuộc chuyển hướng lớn trong cuộc đời của ông, một sự thay đổi não trạng (mà ta gọi là trở lại hay cải hoán cũng được) không thể giải thích được do sự nghiên cứu học hỏi, nhưng là nhờ mạc khải của Thiên Chúa.
Đối với Phaolô, ông lãnh nhận mạc khải này do chính Chúa Kitô trực tiếp trao cho ông (Gl 1,12). Để thi hành sứ vụ “tông đồ muôn dân”, như ta đã biết, Thánh Phaolô không những phải đương đầu với những khó khăn vất vả do những cuộc hành trình đầy gian truân, vượt núi trèo đèo, nhưng còn phải tranh đấu ngay trong cộng đoàn các tông đồ, để các tín hữu không buộc phải tuân hành các luật lệ Do Thái khi gia nhập Hội Thánh, như ta đọc thấy chứng tích trong chương 15 sách Tông Đồ Công Vụ và chương 2 của thư gửi Galát.
Hẳn là chị còn nhớ cách đây 8 năm, chúng ta mừng hai ngàn năm Chúa Giêsu giáng sinh. Vào dịp đó, một câu hỏi đã được nêu lên là: dựa vào đâu mà xác định ngày sinh của Giêsu? Nguồn sử liệu chắc chắn hơn cả là các sách Tin Mừng, cách riêng là Thánh Luca. Tuy nhiên, việc ấn định sinh nhật Chúa Giêsu vào năm 1 (khởi đầu một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại) là do một tu sĩ tên là Dionysius Exiguus, sống vào thế kỷ VI. Dựa theo các dữ kiện của Phúc Âm, ông tính rằng Chúa Giêsu ra đời vào ngày 25 tháng 12 năm 753 tính theo lịch Rôma; vì thế kỷ nguyên Kitô Giáo bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 754 tính theo lịch Rôma.
Tuy nhiên, ngày nay, các sử gia nhận thấy ông ta đã tính lộn ít là 4 năm: lý do là bởi vì vua Hêrôđê qua đời năm 4 trước Công Nguyên. Vua Hêrôđê truyền giết các trẻ em dưới 2 tuổi; như vậy có lẽ mà đoán rằng Chúa Giêsu sinh ra trong khoảng từ năm 4 đến năm 6 trước Công Nguyên.
Đó là nói về Chúa Giêsu, còn Thánh Phaolô thì sao: người sinh vào năm nào? Các nguồn sử liệu không được dồi dào cho lắm, vì thế đã có nhiều giả thuyết được đưa ra. Tài liệu chính về cuộc đời Thánh Phaolô là sách Tông Đồ Công Vụ và những đoạn tự thuật trong các lá thư mà người viết. Không có chỗ nào nói về ngày tháng năm sinh của ông; các học giả chỉ phỏng đoán dựa theo vài suy luận mà thôi.
Khi thuật lại cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô vào khoảng năm 36, tác giả sách Tông Đồ Công Vụ (7,58) nói đến Saulô như là một “thanh niên” (neanias), nghĩa là trạc độ 30 tuổi trở xuống. Như vậy, hiểu là ông sinh vào khoảng năm 6 đến năm 10. Trong lá thư gửi cho ông Philêmôn (câu 9), viết vào khoảng năm 62, Thánh Phaolô tự gọi mình là một “ông lão” (vào thời ấy, 50 tuổi đã là lão rồi). Từ những dữ kiện đó, người ta suy luận rằng Phaolô sinh ra vào khoảng từ năm 8 hoặc 10 thuộc Công Nguyên; nhưng không thể nào khẳng định chính xác hơn.
Dựa theo Tông Đồ Công Vụ (22,3.6; 21,39), ông khai rằng mình sinh ra tại Tarsus, một thành phố văn hoá thuộc miền Cilicia (ngày nay nằm ở miền nam nước Thổ-nhĩ-kỳ), cách Giêrusalem 800 cây số. Thành phố này được đặc quyền là các công dân mang quốc tịch Rôma; nhưng không chắc là Thánh Phaolô biết nói tiếng La Tinh. Điều chắc hơn là người biết tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, bởi vì các thư đều viết bằng tiếng Hy Lạp.
Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng khi còn trẻ, ông mang tên là Saulus, tên của vị vua thuộc cùng chi tộc Benjamin (dựa theo thư gửi Philippê 3, 4-5). Tuy nhiên theo sách Tông Đồ Công Vụ, từ sau khi quan Sergius Paulus, tổng trấn Rôma tại Cyprus trở lại đạo Kitô, thì ông Saulus đổi tên là Paulus, và không ai biết được lý do tại sao.
Xét về gia thế, chúng ta chỉ biết rằng ông có một cháu trai là con của bà chị, sống tại Giêrusalem vào năm 58 (được nói ở Tông Đồ Công Vụ 23,26). Ông Saulô tự hào rằng mình thuộc hệ phái Pharisêu (Cv 26,5; Gl 1,14). Tuy nhiên, đây không phải là chuyện cha truyền con nối, nhưng là sự lựa chọn cá nhân và đòi hỏi một giai đoạn huấn luyện lâu dài. Không hiểu ai thúc đẩy ông lựa chọn theo nhóm Pharisêu: rất có thể là do sự khuyến khích của thân sinh.
Dù lý do như thế nào đi nữa, việc gia nhập nhóm Pharisêu đã đưa chàng thanh niên Saulô lên Giêrusalem để thụ giáo với thầy Gamaliel (Cv 22,3), một sư phụ nổi danh thời ấy (vào những năm 10-50 thuộc Công Nguyên), với đầu óc cởi mở, như ta đọc thấy lời phát biểu ở chương 5 (câu 34-39) sách Tông Đồ Công Vụ. Không rõ Saulô lên Giêrusalem vào năm nào, và ở lại đó bao lâu. Người ta đoán rằng vào lúc ông lên 13-15 tuổi, nghĩa là vào khoảng năm 25 Công Nguyên. Vào lúc ấy, chắc là Đức Giêsu chưa nổi tiếng bởi vì chưa hoạt động, hoặc cũng chỉ mới bắt đầu thôi.
Có nhiều lý do để trả lời không. Như vừa nói, khi ông Saulô về Giêrusalem thụ giáo với ông Gamaliel, thì Đức Giêsu chưa hoạt động công khai. Tiếc rằng chúng ta không biết chính xác thời gian mà ông Saulô lưu học ở Giêrusalem, bởi vì biết đâu về sau này thì thiên hạ bắt đầu đồn thổi về Đức Giêsu. Dù vậy, có lẽ ông Saulô đang chú tâm vào việc học hành, cho nên không quan tâm đến các chuyện thời sự tôn giáo, kể cả những tiếng đồn về biến cố Đức Giêsu Nazaret.
Đó là những nghi vấn do các học giả đưa ra để cho thấy rằng Thánh Phaolô chỉ bắt đầu gặp gỡ Chúa Kitô khi ông được kêu gọi ở Đamascô trên đường đi bách hại các môn đệ của Chúa. Hơn nữa, có một câu nói do chính Phaolô tuyên bố ở lá thư thứ hai gửi cho giáo đoàn Côrintô (5,16) đã khiến cho nhiều học giả cho rằng Phaolô không biết Đức Giêsu.
Đoạn văn như thế này: “Từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm xác thịt nữa.Và cho dù tôi có biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây tôi không còn biết Người như vậy nữa”.
Nên biết là các học giả đã đưa ra nhiều lối giải thích câu văn này, nhất là cụm từ “biết Đức Kitô theo xác thịt”: phải chăng là Thánh Phaolô không biết, hay là không muốn biết, bởi vì không cần thiết? Dù sao, còn nhiều luận cứ khác để phủ nhận sự kiện Thánh Phaolô gặp gỡ Đức Giêsu. Thứ nhất, các lá thư của Thánh Phaolô không cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời Đức Giêsu. Lượm lặt đó đây rải rác trong 14 lá thư, chúng ta chỉ biết được rằng Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít, miêu duệ của ông Abraham, đã quy tụ một số môn đệ; ông bị lên án tử dưới thời quan Ponxiô Pilatô, chịu đóng đinh, chịu chết và mai táng, rồi sống lại vào ngày thứ ba và hiện ra với các môn đệ.
Có thể là như vậy, bởi vì Thánh Phaolô là nhà giảng thuyết chứ không phải là sử gia, cho nên ông không lưu tâm mấy đến các hoạt động của Chúa. Tuy nhiên, kể cả các lời giảng của Chúa Giêsu cũng không giữ điạ vị trọng yếu trong giáo huấn Thánh Phaolô.
Các thư của Phaolô không nhắc đến những đề tài quan trọng được nói đến trong Phúc Âm, chẳng hạn như: sứ điệp Nước Trời, các dụ ngôn, các cuộc tranh luận với nhóm Pharisiêu (mà ông Phaolô là thành phần). Đôi khi ông Phaolô nhắc đến một câu nói của Chúa Giêsu, nhưng ông không trích nguyên văn hay xuất xứ, chẳng hạn như: vợ chồng không được bỏ nhau (1 Cr 7,10), những lời đọc trên bánh rượu khi thiết lập bí tích Thánh Thể (1Cr 11,23), “Tất cả lề luật đều tóm vào giới răn yêu thương” (Gl 5,14), “Hãy chúc lành những kẻ bách hại anh em, chứ đừng chúc dữ” (Rm 12,14).
Trên đây, tôi đã trích dẫn câu nói của Thánh Phaolô ở 2 Cr 5,16: “Cho dù tôi có biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây tôi không còn biết Người như vậy nữa”; dựa theo lời tuyên bố này, có người nói rằng ông không biết, có người thì nói rằng ông không muốn biết. Ý kiến thứ nhất xem ra dễ hiểu, bởi vì hai bên không có cơ hội gặp nhau. Ý kiến thứ hai (nghĩa là: ông không muốn biết) đã trở thành đầu đề cho nhiều cuộc tranh cãi.
Người ta nghĩ rằng cho dù ông không hề gặp Đức Giêsu khi còn tại thế, nhưng nếu ông muốn tìm hiểu về Đức Giêsu thì có thể truy tầm nơi các môn đệ của Người, cụ thể là với ông Luca, tác giả sách Tin Mừng và là bạn đồng hành với ông. Như vậy, nếu ông không bàn đến cuộc đời của Đức Giêsu là tại vì ông không muốn đấy thôi.
Tại sao vậy? Có ý kiến cho rằng bởi vì ông muốn biện hộ cho ơn gọi đặc biệt của ông: ông đã được Chúa Kitô kêu gọi làm tông đồ trên đường đi Đamascô: Đức Kitô hiện ra với ông không còn như là một ngôn sứ ở Galilê nữa, nhưng như là Chúa hiển vinh; như vậy phải chăng một cách gián tiếp ông không muốn tỏ ra là mình thua các tông đồ kia. Lối giải thích này xem ra quá phàm tục.
Ý kiến khác cho rằng bởi vì ông Phaolô chú trọng vào chân lý nòng cốt của ơn cứu độ, đó là cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô (như ông đã định nghĩa ở đầu lá thư Rôma), cho nên ông muốn đào sâu chân lý ấy và rút ra những hệ quả cho cuộc sống các tín hữu, hơn là thuật lại các chi tiết về công cuộc rao giảng của Đức Giêsu.
Trong số các hệ luận của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta có thể nhận thấy việc các tín hữu thông dự vào các bí tích (Rửa tội, Thánh Thể) và lãnh nhận thần khí. Dù sao đi nữa, ta có thể thấy sự liên tục giữa lời giảng của Đức Giêsu với lời giảng của ông Phaolô ở chỗ trình bày Thiên Chúa là Cha (abba), và Phaolô thêm rằng Thiên Chúa là thân phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thiên Chúa yêu thương và cứu độ hết mọi người, chứ không giới hạn ơn cứu độ vào một dân tộc Israel.
Thánh Phaolô lên đường rao giảng chân lý ấy cho muôn dân, và đáng được gọi là tông đồ Dân Ngoại, nghĩa là các dân tộc không thuộc về Israel.
Thánh Phaolô đã gặp Đức Kitô mấy lần? Thiết tưởng nên phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của Đức Giêsu, trước và sau khi Phục Sinh.
Ông Phaolô (Saulô thì đúng hơn) có gặp Đức Giêsu khi Người còn giảng đạo ở Galilê và Giêrusalem không? Có lẽ không, bởi vì không những ông không đả động đến chuyện này mà còn khẳng định rằng mình không muốn biết Đức Giêsu theo xác thịt. Trong thư thứ hai Côrintô (chương 5, câu 16) ông viết như sau: “Từ đây, chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm xác thịt nữa.Và cho dù tôi có biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây tôi không còn biết Người như vậy nữa”.
Nên biết là các học giả đã đưa ra nhiều lối giải thích câu văn này, nhất là cụm từ “biết Đức Kitô theo xác thịt”: phải chăng là Thánh Phaolô không biết, hay là không muốn biết, bởi vì không cần thiết? Chúng tôi không muốn đi sâu vào câu hỏi này, và chỉ muốn chú trọng đến việc gặp gỡ Đức Giêsu phục sinh, nghĩa là trong giai đoạn hai của cuộc đời Đức Giêsu.
Biến cố được biết đến nhiều hơn cả là việc Chúa Giêsu hiện ra với ông Saulô trên đường đi Đamascô, được phụng vụ mừng ngày 25 tháng giêng với danh hiệu “lễ Thánh Phaolô trở lại” (In conversione sancti Pauli). Nên biết là ông Luca kể lại biến cố này ba lần trong Sách Tông Đồ Công vụ, và còn kể thêm vài lần khác Chúa Giêsu hiện ra với ông Phaolô nữa.
Biến cố ông Phaolô trở lại kể lại ba lần trong Sách Tông Đồ Công Vụ: 1/ lần thứ nhất như một câu chuyện thời sự của cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi (Cv 9,1-22); 2/ lần thứ hai trong bối cảnh ông Phaolô tự biện hộ vào lúc bị bắt ở Giêrusalem (22,6-11); 3/ lần thứ ba trong khi ông tự biện hộ trước mặt vua Agrippa (26,12-18). Tuy rằng hai lần sau được coi như lời tự thuật của ông Phaolô, nhưng không thiếu học giả cho rằng cả ba đều được bàn tay của thánh sử Luca hiệu đính.
Mặc dù có vài chi tiết khác biệt, nhưng nói chung trong ba trình thuật này đều trùng hợp ở vài yếu tố căn bản, theo trình tự như sau:
1/ Yếu tố thứ nhất. Ông Saulô là một kẻ bách hại các Kitô Hữu (ch.9,2; 22,4-5; 26,10-11).
2/ Yếu tố thứ hai. Chúa Giêsu hiện ra với ông, cuộc gặp gỡ diễn ra trong một thị kiến ngập ánh sáng. Bài trình thuật thứ nhất nói đến việc ông Saulô bị mù ba ngày; bài thứ hai kéo dài những lời của Chúa nói với ông; bài thứ ba thêm việc sai đi rao giảng.
3/ Yếu tố thứ ba: gặp ông Anania. Bài trình thuật thứ nhất nói đến hai thị kiến: một thị kiến của ông Anania về ông Saulô (qua đó Chúa mặc khải cho ông về ơn gọi của Saulô); một thị kiến của ông Saulô về ông Anania; và sau đó hai người đi gặp nhau. Bài trình thuật thứ hai không nói đến hai thị kiến nữa. Bài trình thuật thứ ba lại không nhắc đến ông Anania, bởi vì chính Chúa Giêsu trực tiếp mặc khải cho Saulô về sứ mạng tương lai. - Ngoài ra, bài trình thuật thứ hai còn nói đến một thị kiến trong đền thờ Giêrusalem ít bữa sau biến cố Đamascô (22,17)
Một lần tác giả nói đến Chúa hiện ra khi ông bị giam ở Giêrusalem (23,11). Rồi một lần tác giả còn thuật lại một thị kiến xảy ra trong chuyến truyền giáo lần thứ hai, hướng ông Phaolô sang Makêđônia (16,9). Sau cùng, tác giả nói đến thiên sứ (chứ không phải Chúa Giêsu) hiện ra với ông trên chuyến tàu đi Rôma (27,23).
Trong các thư của Phaolô, chúng ta thấy ông nói đến việc Chúa hiện ra với ông ở nhiều nơi, nhưng không xác định không gian và thời gian, mặc dù truyền thống vẫn hiểu về biến cố Đamascô. Những đoạn văn mô tả cuộc gặp gỡ Chúa Kitô thường được lồng trong bối cảnh biện hộ cho chức vụ tông đồ của mình: thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 9,1-18, ch.15; thư gửi Galát; thư gửi Êphêsô. Chúng ta hãy thử điểm qua những bản văn đó.
-1 Côrintô 9,1-18: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao?”
Tác giả trưng ra ít là hai cơ sở cho chức vụ tông đồ của mình: thứ nhất, bởi vì ông đã “thấy” Chúa, thứ hai, bởi vì ông đã đi giảng Tin Mừng và thành lập cộng đoàn. Việc ông Phaolô “thấy” Chúa (Kitô) cũng tương đương như các tông đồ khác được “thấy” Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra.
-1 Corintô 15,1-11. Thánh nhân nhắc lại sứ điệp Tin Mừng căn bản, đó là Đức Kitô đã chết và sống lại. Sứ điệp này được Phaolô cùng các thánh tông đồ loan báo, bởi vì ông đã được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra: “Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết Người đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Chúa”.
Những đoạn vừa rồi nhấn mạnh đến việc ông Phaolô được gọi làm tông đồ; những đoạn sau đây thì nói đến việc Mặc khải Tin Mừng:
-Galát 1,11-16: “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa.... Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”.
-Trong thư gửi Philipphê 3,2-14, ông Phaolô kể lại cuộc gặp gỡ Đức Kitô như là một cuộc chinh phục từ chỗ thành viên luật Môsê đến chỗ sứ giả Tin Mừng. Ông viết: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Bengiamin, là người Hipri con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật thì chẳng ai trách được tôi. Nhưng những gì xưa kia tôi cho là lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi và được kết hợp với Người”.
Mặc dù mạch văn mang tính cách bút chiến, nhưng tác giả nhận định cảm nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô như là một cuộc “chinh phục”, làm đảo lộn tất cả bậc thang giá trị. Tuy nhiên, tác giả cũng thêm rằng đó mới chỉ là khởi đầu của một hành trình thôi, bởi vì ông vẫn tiếp tục chạy cho đến khi đoạt giải (câu 12).
-Trong thư gửi Êphêsô, Phaolô nói đến việc được mặc khải mầu nhiệm Chúa Kitô (3,3) nhờ vậy ông trở thành người phục vụ Tin Mừng (3,7- 8). Tư tưởng này còn được lặp lại trong thư thứ nhất gửi Timôtê (1,11b-17). Đó là những gặp gỡ liên quan đến sứ vụ tông đồ, ảnh hưởng đến toàn Giáo Hội.
Ngoài ra, trong thư thứ hai gửi thứ hai gửi Côrintô, ông Phaolô còn thuật lại vài lần Chúa hiện ra với ông, mang tính cách huyền nhiệm. Ở đầu chương 12, ông kể lại một thị kiến xảy ra vào khoảng năm 40 tại Tarsô: ông được nhấc lên tầng trời thứ ba, và được chứng kiến những quang cảnh không thể nào mô tả được (2Cr 12,2-4). Nhưng liền đó, ông lại kể một lần Chúa hiện ra để đáp lại lời cầu xin được giải thoát khỏi cái dằm (một bệnh tật? một nỗi khổ tâm?): “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).
Đối chiếu giữa các bản tự thuật trong các thư của Phaolô với ba trình thuật của sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy có điểm tương đồng và khác biệt.
Tương đồng ở chỗ là ông Phaolô đã nhận được ơn gọi làm tông đồ do việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Sách Tông Đồ Công Vụ xác định thêm là biến cố này xảy ra trên đường đi Đamascô, dưới hình thức của một cuộc thị kiến (ánh sáng chói lòa). Nhưng ông Luca không coi biến cố Đamascô như là một cuộc hiện ra của Chúa phục sinh (khác với quan điểm của Phaolô ở 1 Cr 15).
Ngoài ra, theo Luca, ông Phaolô được đặt làm “chứng nhân” (Cv 22,15; 26, 16) chứ không phải là “tông đồ” (điều mà Phaolô nhấn mạnh trong các lá thư). Tuy nhiên, chúng ta đừng nên đối chọi giữa đôi bên, nhưng hãy tìm cách bổ túc cho nhau.
Thực vậy, theo quan điểm của Luca, vai trò chính của các thánh tông đồ là làm “chứng nhân” (Cv 1,8). Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta nên thay đổi quan điểm về việc Thánh Phaolô “trở lại”. Ông không trở lại theo nghĩa là ăn năn hối cải vì trước đây sống bê tha trác táng hoặc một tên hung đồ ác ôn. Không phải thế: ông Saulô là một người tuân giữ lề luật nghiêm túc. Ông ta cũng không trở lại từ đạo Do Thái sang đạo Kitô: đối với ông, đây không phải là hai tôn giáo khác biệt bởi vì đức Kitô đến để thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ; ông Phaolô không cắt đứt liên lạc với đạo Do Thái.
Sự thay đổi quan trọng nhất ở chỗ là ông đã được Chúa Kitô chinh phục: từ chỗ đi lùng bắt các tín đồ của Đức Kitô tới chỗ làm sứ giả Tin Mừng. Đây là một hồng ân của Chúa ban, được ông ý thức như là một sự kêu gọi làm tông đồ, một sự mặc khải về bản thân của Chúa Kitô. Ông đã cố gắng đáp trả lại hồng ân đó.
Khi nói đến các thư của Thánh Phaolô, chúng ta hiểu về những bức thư mang tính cách “công”, nghĩa là có liên quan đến đời sống của Hội Thánh, và được nhận vào sổ quy thư của Tân Ước. Như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ không bàn đến các lá thư “tư” (kiểu như những thư hỏi thăm sức khỏe cá nhân), và không ai biết được con số những lá thư này.
Hiện nay, trong danh mục các thư của Thánh Phaolô, chúng ta đếm được 14 lá thư, theo thứ tự như sau: Rôma, 2 thư gửi Côrintô, Galát, Êphêsô, Philipphê, Côlôsê, 2 thư gửi Têxalônica, 2 thư gửi Timôtê, Titô, Philêmôn, Do Thái.
Câu hỏi đầu tiên được đặt lên là: các thư vừa rồi được xếp theo thứ tự nào?
Các học giả cho rằng chắc là không theo thứ tự thời gian rồi. Một ý kiến thông thường cho rằng dựa theo tiêu chuẩn vật lý, nghĩa là cái nào dài nhất thì đứng đầu (đó là thư Rôma), rồi đi xuống dần cho đến cái ngắn nhất. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn này, thì phải dành chỗ cuối cùng cho thư gửi ông Philêmôn chứ sao lại đặt thư gửi Do Thái? Phải chăng tại vì có nghi vấn chung quanh lá thư này?
Thực vậy, ngày nay, mọi người đều nhận rằng thư gửi Do Thái không do Thánh Phaolô viết ra, nhưng do một bàn tay khác, và thậm chí nó không phải là một lá thư cho bằng một bài giảng. Nói khác đi, các ấn bản chính thức chỉ nhìn nhận 13 thư của Thánh Phaolô. Nhưng các nhà phê bình sử học còn muốn đi xa hơn nữa: có người muốn rút con số đó xuống, có người muốn tăng con số lên.
Như vừa nói, thứ tự các lá thư trong bộ Tân Ước không dựa theo tiêu chuẩn thời gian biên sọan, nhưng dựa theo tiêu chuẩn vật lý. Bây giờ giả như áp dụng tiêu chuẩn thời gian, thì ta sẽ thấy kết quả khác: có lẽ tác phẩm đầu tiên là thư gửi Têxalônica, chứ không phải là thư gửi Rôma. Hơn thế nữa, cần phải lọai những thư được viết sau khi Thánh Phaolô qua đời (vào khoảng năm 68).
Trong số những thư viết lúc còn sống, người ta còn lọc ra một số thư viết khi ngồi tù (chẳng hạn như Philipphê, Philêmon). Bên cạnh đó, còn nhiều tiêu chuẩn nữa được đề ra, chẳng hạn như sự phân biệt giữa tác giả và soạn giả (nghĩa là giữa lá thư do tác giả tự tay viết, hay đọc cho thư ký viết, hay chỉ gợi ý nhờ người khác viết giùm; trong trường hợp thứ ba này, lá thư chỉ phản ánh tư tưởng của tác giả, còn văn phong là của sọan giả).
Cũng dựa theo tiêu chuẩn thời gian, các học giả nhận thấy có sự thay đổi tư tưởng nơi các thư của Thánh Phaolô. Một thí dụ cho thấy rõ điều này: trong lá thư gửi Rôma và Côrintô, Thánh Phaolô nói đến sức mạnh của thần khí tác động nơi Tin Mừng của Đức Kitô, làm đảo lộn các cơ chế xã hội; đến khi chuyển sang các lá thư gửi cho Timôtê và Titô (quen gọi là thư gửi các mục tử), thánh tông đồ khuyên nhủ đồ đệ hãy bảo vệ đạo lý, đừng để hùa theo điều mới lạ.
Phải chăng khi Thánh Phaolô cũng mang tâm trạng giống như đa số nhân sinh, nghĩa là khi lúc còn trẻ thì thích quậy, còn về già thì trở nên bảo thủ? Hay phải nói rằng, các lá thư mục tử không phải do Phaolô viết ra, nhưng do một ai đó núp bóng của Phaolô thôi. Dĩ nhiên, đó là nói trên nguyên tắc, nhưng đến khi áp dụng vào trường hợp cụ thể, thì các nhà phê bình không nhất trí. Mọi người đều đồng ý là 7 lá thư sau đây là do Thánh Phaolô viết: thư thứ nhất gửi Têxalônica, hai thư gửi Corintô, thư gửi Galat, thư gửi Rôma, thư gửi Philipphê và thư gửi Philêmon.
Có hai tiêu chuẩn chính. Một tiêu chuẩn nội tại, nghĩa là dựa theo lời lẽ trong các thư của người; một tiêu chuẩn ngọai tại, dựa theo truyền thống.
Trước hết, dựa theo chính các thư của Thánh Phaolô, người ta thấy rằng trong thư thứ nhất gửi Côrintô (5,9), thánh nhân nhắc đến một lá thư đã gửi cho họ (nhưng không biết lạc đâu rồi); một cách tương tự như vậy, trong thư thứ hai gửi Côrintô (2,4), người đả động đến một lá thư “đẫm lệ” viết cho họ, nhưng không thấy vết tích nữa; rồi trong thư gửi Côlôsê (4,16), người yêu cầu cộng đoàn khi đọc xong thư này thì hãy trao đổi với cộng đoàn Laođikê vì người cũng viết một thư cho những người này.
Tiêu chuẩn ngọai tại dựa theo truyền thống. Ngày nay, đức thánh cha viết một thông điệp rồi nhờ đài Vatican loan báo cho khắp thế giới về văn kiện sắp hay vừa phát hành. Thánh Phaolô không có đài phát thanh để tuyên truyền, và tệ hơn nữa, người không viết một lá thư cho toàn thể Hội Thánh, nhưng chỉ gửi thư cho vài cộng đoàn hoặc cá nhân.
Ai đứng ra thu thập những lá thư đó? Câu trả lời đơn giản là “truyền thống”, theo nghĩa là các cộng đoàn trao đổi cho nhau các lá thư mà mình nhận được, và dần dần một bộ sưu tập được thành hình.
Thư thứ hai của Phêrô (3,15-16) đã nhắc đến một hợp tuyển các thư Phaolô. Vào giữa thế kỷ II, ông Markiô đã liệt kê danh mục 10 lá thư của Thánh Phaolô (theo thứ tự như sau: Galát, 1 và 2 Côrintô, Rôma, 1 và 2 Têxalônica, Êphêsô, Côlôsê, Philippê, Philêmon). Vào cuối thế kỷ II, Thánh Irenê đã trưng dẫn 12 lá thư (không kể thư gửi Philêmon).
Như vậy có thể suy đoán rằng trong thời gian sưu tập có nhiều tác phẩm được thêm vào và cũng có thể có những tác phẩm bị thất lạc. Từ đầu thế kỷ III, danh mục 13 thư của Thánh Phaolô đã trở thành cố định trong các giáo hội bên Đông và bên Tây. Riêng lá thư gửi Do Thái thì tuy đã được bên Đông (Alêxanđria) nhìn nhận từ đầu thế kỷ III (khoảng năm 200), nhưng mãi đến thế kỷ IV thì mới được bên Tây (Rôma) nhìn nhận, có lẽ do ảnh hưởng của Thánh Athanasiô.
Chúng ta đang đề cập đến truyền thống của các giáo đoàn địa phương, và như vừa nói, đã có sự chênh lệch giữa các giáo đoàn bên Đông và bên Tây. Vào năm 397, với công đồng Carthago III (Bắc Phi, thuộc bên Tây), một danh sách 14 tác phẩm của Thánh Phaolô được mô tả và được duy trì cho đến nay. Tuy nhiên, vài giáo hội địa phương vẫn giữ lưu truyền về vài tác phẩm nữa, quen gọi là “ngụy thư”.
Nên biết là trong nguyên ngữ “apocrypha” không có nghĩa là “ngụy tạo” nhưng chỉ có nghĩa là kín đáo, riêng tư. Sau khi Giáo Hội ấn định danh mục Sách Thánh, thì những tác phẩm khác trở thành “apocrypha” bởi vì không được phép sử dụng vào các buổi cầu nguyện phụng vụ, nhưng không tất nhiên là lầm lạc.
Trong số các tác phẩm apocrypha của Thánh Phaolô, đứng đầu là thư gửi Laođikê, dựa theo lời của thánh tông đồ trong thư gửi Colosê 4,16 “sau khi đọc thư này, thì hãy chuyển cho giáo hội Laođikê, và anh em hãy đọc thư nhận được từ Laođikê”.
Có người cho rằng thư gửi Laođikê là thư gửi cho Êphêsô; nhưng vào thời Trung Cổ, người ta lưu chuyển một thư bằng tiếng La Tinh mang tên là gửi Laođikê, với nội dung chắp nối rút từ thư gửi Philippê và Galát. Kế đó là thư thứ ba gửi Corintô. Điều thú vị ở đây là trước đó, các lãnh đạo cộng đoàn Côrintô đã viết bức thư cho Thánh Phaolô, và thư thứ ba được coi như hồi âm. Theo các nhà phê bình, thư thứ ba gửi Côrintô được viết vào khoảng năm 160 bên Syria, và được nhận vào danh mục Sách Thánh của giáo hội Syria và Armêni cho đến thế kỷ V. Nội dung không có gì đặc biệt, bởi vì phát triển chân lý về thân xác sống lại (đã được đề cập trong chương 15 thư thứ nhất gửi Côrintô).
Những thư vừa rồi tìm cách trám vào các lỗ hổng trong các thư của Thánh Phaolô. Thêm vào đó, vào thời Trung Cổ, người ta chuyền nhau một hợp tuyển gồm 14 lá thư qua lại giữa Thánh Phaolô và triết gia Seneca (8 của ông Seneca và 6 của Thánh Phaolô). Hình như Thánh Hiêrônimô đã biết đến hợp tuyển này, mà theo các nhà phê bình, được sọan ra vào giữa thế kỷ IV.
Trong số các ngụy thư của Tân Ước, ngoài các thư của Thánh Phaolô, còn có các “hoạt động của các tông đồ” (tiếng Việt dịch là “Công vụ các tông đồ”). Trong lọai này, có một tác phẩm mang tên là “Hoạt động của Thánh Phaolô” (Praxeis Paulou; Acta Pauli), được viết vào thế kỷ II và được ông Tertullianô nhắc đến (De baptismo 17,5).
Ông Tertullianô cũng thêm rằng tác giả của nó là một linh mục ở Tiểu Á, đã thêu dệt ra các chi tiết về cuộc đời của Thánh Phaolô và đã bị giáo quyền trừng phạt. Thực ra tác phẩm này nói đến hai nhân vật chính, đó là: bà Têcla và Thánh Phaolô.
Têcla là một thiếu nữ ở Iconiô, đã trở lại đạo sau khi nghe Thánh Phaolô giảng. Cô ta bỏ người hứa hôn, khấn giữ trinh khiết, đi theo thánh tông đồ để giảng Tin Mừng. Cô ta bị bắt và bị xử tử nhiều lần, nhưng đã được cứu thoát nhờ những phép lạ của thánh tông đồ. Sau cùng bà đến Rôma, bị bắt và chịu tử đạo dưới triều hoàng đế Nêrô.
Các chi tiết lịch sử trong tác phẩm này không có giá trị gì hết, bởi vì hoàn toàn thêu dệt. Tuy nhiên, các nhà phê bình muốn tìm hiểu dụng ý của người sáng tác ra nó. Có lẽ không phải vì muốn tò mò hiểu biết thêm về tiểu sử Thánh Phaolô cho bằng muốn đề cao một nếp sống mới cho các phụ nữ ở miền Tiểu Á: họ được mời gọi tận hiến và truyền giáo.