Theo tôi nghĩ, giữa “truyền giáo” và “loan báo Tin Mừng” không khác gì về nội dung và mục đích. Tuy nhiên, những từ ngữ khác nhau giúp chúng ta ý thức hơn sự phong phú của một thực tại, mà có lẽ chúng ta thường chỉ có một khái niệm lơ mơ trong đầu.
Ngoài ra, như chị đã biết, những từ ngữ thần học bắt nguồn từ tiếng La Tinh, và không phải lúc nào cũng tìm được một danh từ tương đương trong tiếng Việt. Tôi xin bắt đầu bằng từ “truyền giáo” trước. Tôi nghĩ rằng từ này không có gì khó hiểu: truyền là trao lại, đưa đi; truyền giáo là truyền bá giáo lý, lời dạy dỗ. Đôi khi người ta cũng dùng từ “truyền đạo, giảng đạo”.
Điều thú vị là một từ ngữ “truyền giáo” được dùng để chuyển dịch hai từ ngữ khác nhau trong tiếng Tây Âu, đó là “propaganda fide” và “missio”. Chẳng hạn khi nói Bộ Truyền Giáo hay trường Truyền Giáo ở Rôma, thì phải hiểu là propaganda fide; còn khi nói ngày Truyền Giáo hoặc sắc lệnh Truyền Giáo của Công Đồng Vaticano II, thì phải hiểu là “missio”.
Có chứ. Tự nó từ propaganda fide có nghĩa là: “truyền bá (hay quảng bá) đức tin”, nghĩa là làm cho đức tin được mở rộng. Bằng cách nào? Thưa rằng bằng việc giảng dạy, phụng tự, những công tác bác ái.
Còn missio (tiếng La Tinh, mission tiếng Pháp, mission tiếng Anh) có nghĩa là việc “cử đi, phái đi, gửi đi, sai đi”. Từ này được sử dụng rất rộng rãi, kể cả ngoài phạm vi tôn giáo, thí dụ như các phái đoàn chính phủ được cử thi hành một công tác nào thì cũng được gọi là “missio”: phái đoàn, phái bộ.
Trong thần học Công Giáo, từ này có một lịch sử lâu dài với nhiều nghĩa khác nhau. Tân Ước, đặc biệt là trong Tin Mừng Thánh Gioan, nói đến nhiều phái vụ (hay ngày nay thường dịch là “sứ vụ”, gọi nôm na là “sai đi”). Trước tiên, Chúa Cha sai Đức Giêsu đến thế gian để cứu độ nhân loại. Sau khi phục sinh, đến lượt Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, và Người cũng hứa sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Linh đến với các môn đệ. Vì thế ta có thể nói đến ba cuộc sai đi: thứ nhất, Chúa Cha sai Chúa Con; thứ hai, Chúa Cha sai Thánh Linh; thứ ba, Chúa Kitô sai các tông đồ.
Không phải. Có ba sự sai đi nhưng chỉ có một cuộc truyền giáo. Nói đúng hơn, người ta chỉ gọi việc Chúa Giêsu sai các tông đồ là công cuộc truyền giáo, còn những việc Chúa Cha phái cử Chúa Con và Thánh Linh thì không gọi là truyền giáo. Như vậy “truyền giáo” thì hẹp hơn là “sai đi”. Tuy nhiên, vào thời cận đại, người ta còn thu hẹp từ missio hơn nữa, đó là áp dụng từ truyền giáo vào những vùng chưa có đạo, được đặt dưới thẩm quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin.
Đúng thế. Người ta muốn tìm cách trình bày một thần học mạch lạc hơn về missio. Như vừa nói, missio có nghĩa là sai đi. Tức khắc nhiều câu hỏi được nêu lên và phải tìm cách trả lời: ai sai? sai ai? sai làm gì?
Sắc lệnh Ad gentes đã tìm cách trả lời cho các câu hỏi đó. Ai sai? Thưa: Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giêsu và Thánh Linh. Sai ai? Thưa: sai Hội Thánh đến với muôn dân.
Sai làm gì? Thưa: để truyền thông ơn cứu độ cho hết mọi người. Những câu trả lời này đòi hỏi phải sửa lại một não trạng, làm sao nêu bật rằng truyền giáo là công việc của toàn thể Hội Thánh, chứ không phải chỉ dành riêng cho vài nhà truyền giáo quen gọi là các “thừa sai”. Mặt khác, phạm vi truyền giáo bao gồm toàn thể địa cầu, chứ không phải chỉ có vài khu vực được đặt dưới sự điều khiển của Bộ Truyền Giáo.
Như đã nói lúc nãy, trong tiếng Việt, chúng ta dùng cùng từ ngữ “truyền giáo” để dịch hai từ trong tiếng La Tinh “missio” và “propaganda fide”. Lẽ ra phải dịch Propaganda Fide là quảng bá đức tin, và đây chính là danh xưng của Bộ Truyền Giáo.
Sau cuộc cải tổ giáo triều vào năm 1968, danh xưng của Bộ được đổi tên là Pro Gentium evangelizatione. Tại sao phải đổi tên như vậy? Tôi không biết lý do đích xác, nhưng tôi đoán là bởi vì trong ngôn ngữ hằng ngày bên châu Âu, propaganda mang nghĩa không đẹp, đó là: tuyên truyền, cách riêng là các ý thức hệ. Vì thế, để tránh hiểu lầm việc truyền giáo như là một công tác tuyên truyền, người ta thay thế bằng một từ ngữ bộc lộ nội dung cách chính xác hơn, đó là evangelizatio, mà khi dịch sang tiếng Việt, có người nói là: Loan báo Phúc Âm, Truyền giảng Phúc Âm, Phúc Âm hóa, Loan báo Tin Mừng.
Xét về từ ngữ trong tiếng Việt thì chắc chắn là khác rồi. Truyền giáo chỉ có nghĩa thông truyền một giáo lý, một tôn giáo, một đạo. (Đạo gì thì không biết). Còn Loan báo Tin Mừng thì nói rõ nội dung hơn.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, tin mừng đối lại với tin buồn hoặc là “tin tức” (theo nghĩa là tin gây tức tối). Như vậy tin mừng đồng nghĩa với “tin lành, tin vui”. Tuy nhiên, Tân Ước đã dùng thuật ngữ này theo một nghĩa chuyên môn khi gắn với lời giảng và sứ điệp của Chúa Giêsu.
Thánh Marco đã thuật lại cuộc đời công khai của Chúa Giêsu như sau: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galile rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).
Tin Mừng ấy như thế nào? Thánh Luca đã áp dụng những lời của ngôn sứ Isaia cho Người: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Như vậy, theo như Thánh Luca giải thích, thì Tin Mừng được hiểu như là sự giải phóng con người khỏi hết mọi thứ nô lệ. Ý nghĩa này trở thành rõ rệt hơn sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Người sai các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Nội dung của Tin Mừng ấy được Thánh Phaolô tóm tắt ở trong thư thứ nhất gửi Corinto chương 15: “tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo . Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, rồi Người được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy”.
Cốt lõi của Tin Mừng ngắn lắm, bởi vì tập trung vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, qua đó Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho loài người. Nhưng dựa theo cốt đó, các thánh tông đồ khai triển thêm về thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu, cũng như lời mời gọi đón nhận Tin Mừng với những yêu sách của nó. Đó là nguồn gốc của các sách Tin Mừng (hay là sách Phúc Âm).
Đúng thế. Nhưng cần phải nói thêm rằng công tác truyền giáo không thể nào chỉ giới hạn vào việc đọc hay rao giảng sách Tin Mừng. Tin Mừng không phải là một cuốn sách, nhưng là một nhân vật sống động, đó là chính Chúa Giêsu Kitô. Hội Thánh loan báo Tin Mừng bằng việc rao giảng, nhằm nói cho thiên hạ biết về Chúa Kitô. Hội Thánh cử hành Tin Mừng, khi cống hiến những ân huệ cứu độ của Chúa qua các hành vi phụng vụ.
Điều khó hơn nữa là Hội Thánh phải thực thi những lời mà mình rao giảng, thực hành những lời mời gọi của Chúa, được Thánh Matthêu cô đọng trong bài giảng trên núi. Điều này đòi hỏi Hội Thánh không ngừng phải hoán cải và trở về với Tin Mừng, ngõ hầu có thể làm chứng tá cho Tin Mừng.
Đây chỉ là những sự phân biệt mang tính cách chiến lược. Không bao giờ Hội Thánh tự hào là mình đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Có những người chưa bao giờ nghe giảng Tin Mừng, và Hội Thánh phải mang Tin Mừng đến cho họ, (điều mà trước đây chúng ta gọi là truyền giáo).
Có những người đã nghe giảng Tin Mừng, đã tin theo Tin Mừng, nhưng dần dần không còn sống hợp với Tin Mừng nữa; vì thế cần phải “tái rao giảng Tin Mừng”.
Như đã nói, Tin Mừng không phải là một cuốn sách nhưng là chính Chúa Kitô: Giáo Hội luôn luôn cần trở về với Chúa để hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, và tìm những phương thế mới để đem Chúa đến với thế giới hôm nay.
Nếu đọc kỹ lá thư của hội đồng giám mục Việt Nam, thì chúng ta thấy rằng Năm Thánh không chỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm (với tông hiến Venerabilium Nostrorum ngày 24/11/1960), nhưng còn kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngòai và Đàng Trong (Sắc chỉ Super Cathedram 9/9/1659 của đức Alêxanđre VII). Thú vị hơn nữa là bức thư mời gọi nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo hộ (1533-1659), 300 năm Tông Tòa (1659-1960) và đặc biệt là 50 năm chánh tòa (1960-2010).
Trong lịch sử nước Việt Nam, chúng ta biết rằng khi xâm chiếm nước ta, nước Pháp đã thiết lập chế độ Bảo Hộ (Protectorat) ở Bắc kỳ và Trung kỳ, và chế độ thuộc địa ở Nam kỳ (hòa ước 1884). Vì thế khi nghe nói rằng Giáo Hội Việt Nam đã ở dưới thời bảo hộ, thì tôi không hiểu người đọc sẽ có cảm nghĩ thế nào: thời bảo hộ của ai? Tôi nghĩ là việc dịch thuật có hơi lủng củng.
Patronato tiếng Tây Ban Nha và Padroado tiếng Bồ Đào Nha đều bắt nguồn từ tiếng La Tinh patronatus. Từ này được hiểu nhiều nghĩa: quyền làm chủ (hoặc quyền sở hữu), hoặc việc đỡ đầu, việc bảo trợ (thí dụ Thánh Giuse là bảo trợ hoặc quan thầy của Giáo Hội).
Tuy nhiên, trong Giáo Luật, danh từ patronatus có một nghĩa đặc biệt. Từ thế kỷ V, Giáo Hội bên Đông cũng như bên Tây đã cấp quyền lợi dành cho những giáo dân đã xây cất một nhà thờ được đề cử lên giám mục một giáo sĩ phụ trách thánh đường đó (nếu đó là nhà thờ giáo xứ, thì đó có nghĩa là quyền tiến cử cha xứ). Giáo luật gọi đó là quyền bảo trợ (ius patronatus).
Dần dần quyền này được mở rộng cho các ông hòang đã khai trương các vùng đất mới, hoặc giành lại cho Giáo Hội những vùng đất đã bị Hồi Giáo chiếm đóng, tựa như trường hợp Tây Ban Nha. Hoàng triều Tây Ban Nha được quyền tiến cử không những các cha xứ mà cả các giám mục nữa. Đây là đặc ân do Tòa Thánh cấp, mang tên là patronato regio.
Năm 1492, sau khi ông Cristoforo Colombo khám phá châu Mỹ, hoàng triều Tây Ban Nha xin được giữ độc quyền trên lục địa này: độc quyền không những về việc khai thác tài nguyên mà còn bao gồm cả việc thiết lập các tòa giám mục. Những đặc ân này được xác định trong nhiều chiếu chỉ của đức giáo hòang, đặc biệt là Alexandrô VI vào những năm 1493 và 1494. Hoàng triều được coi như thay mặt cho Tòa Thánh trong những vùng bảo trợ (bulla Inter caetera). Nước Bồ Đào Nha cũng được hưởng những đặc ân tương tự đối với vùng Phi Châu và Á Châu do hòa ước ký ngày 7/6/1494 tại Tordesillas.
Tuy nhiên, về sau, hai khỏan trừ được thêm vào: bên Mỹ châu, nước Brasil thuộc Bồ Đào Nha; đối lại bên Á Châu, nước Philippin thuộc Tây Ban Nha. Tiếc rằng nước Bồ Đào Nha không quan tâm đến việc truyền giáo cho bằng chuyện thương mại, vì thế trong miền Á Châu, họ chỉ thiết lập các tòa giám mục ở Goa (1534), Malacca (1557), Macao (1576).
Trước tình trạng đó, Tòa Thánh mới đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, cách riêng với việc thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (S. Congregatio de Propaganda Fide), năm 1622, dưới thời Đức Thánh Cha Grêgôriô XV. Tuy nhiên, để khỏi vi phạm đặc ân bảo trợ dành cho nước Bồ Đào Nha, Tòa Thánh chỉ đặt các vị đại diện Tông Tòa (thay vì các giám mục chính tòa).
Dù sao, nói rằng việc truyền giáo ở Việt Nam bắt đầu với chế độ bảo hộ thì không đúng lắm, bởi vì các nhà truyền giáo tiên khởi đặt chân lên đất nước ta là các tu sĩ Dòng Đaminh, Dòng Phanxicô, Dòng Tên (nổi tiếng nhất là cha Đắc-lộ) không do hòang triều Bồ Đào Nha cử đến. Đây là điều khác với các đại diện tông tòa.
Theo nghĩa đen, chức “Đại Diện Tông Tòa” (vicarius apostolicus) có nghĩa là “thay mặt cho đức thánh cha” . Tuy nhiên trải qua lịch sử, chức vụ này được gán cho nhiều vai trò khác nhau.
1/ Vào thời xưa, chức “đại diện Tông tòa” được gán cho vị đặc sứ của ĐTC đi tham dự các công đồng hoàn vũ bên Đông (từ Nixêa I đến Constantinopolis IV). Kế đó, ám chỉ một giám mục được ĐTC cử đi kinh lược các giáo phận. Dần dần tước hiệu được dành cách thường xuyên cho một vài tòa giám mục cố định mang tước hiệu Primas, chẳng hạn: Taragona (517), Sevilla (520), Toledo (1088) bên Tây-ban-nha; Arles (545), Lyon (1079) bên Pháp; Trier (969) bên Đức.
Quyền hạn này chấm dứt từ thế kỷ XI, với sự thiết lập định chế “sứ thần Tòa thánh” (legatus apostolicus). Như vậy, vào thời xưa chức vụ “đại diện Tông Tòa” mang ý nghĩa tương đương với đặc sứ Tòa Thánh, với quyền hạn như Tổng giám mục trong một giáo tỉnh hay một miền.
2/ Sang thời Trung Cổ, với ĐTC Bonifaciô VIII (1294-1303), vicarius apostolicus ám chỉ giám mục được Tòa Thánh chỉ định để cai quản một giáo phận trống tòa (ngày nay gọi là “giám quản Tông Tòa”: administrator apostolicus).
3/ Vào thời cận đại, tước hiệu này ám chỉ một giám mục được Tòa Thánh đặt để điều hành một giáo đoàn.
Điều này xảy ra do ba hòan cảnh. Thứ nhất, vào thời phong trào Tin Lành nổi lên, nhiều tòa giám mục bị chiếm đóng, không còn giám mục Công Giáo nữa. Sau hơn một thế kỷ ‘trống tòa”, Tòa Thánh đặt một đại diện để cai quản. Điều này xảy ra cách riêng tại nước Hòa lan (1602), Anh và Scotland (1623), Đức (1645). Hòan cảnh thứ hai, từ thế kỷ XVII, tại miền Trung Đông, Phi Châu và nói chung những miền rơi vào tay Hồi Giáo, Tòa Thánh đặt các đại diện để điều khiển các giáo phận cổ xưa, thí dụ Algérie (1650). Hòan cảnh thứ ba, liên hệ trực tiếp đến chúng ta, đó là Tòa Thánh cử những giám mục đi thành lập những giáo đoàn mới tại các vùng ngọai đạo (in partibus infidelium). Định chế này bắt đầu với việc bổ nhiệm Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha Francois Pallu năm 1659.
Với việc bổ nhiệm hai vị đại diện Tông Tòa, có thể nói được là Tòa Thánh đã thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam rồi. Tuy nhiên, nên lưu ý 3 điều.
Thứ nhất, như vừa nói, hai vị này là giám mục của hai giáo phận không còn tồn tại nữa, mà chúng ta gọi là giám mục “hiệu tòa” (Đức Cha Pallu hiệu tòa Heliopolis, Đức Cha Lambert hiệu tòa Berytus) chứ không phải là giám mục Đàng Trong và Đàng Ngòai.
Thứ hai, lãnh thổ của hai vị bao gồm không chỉ lãnh thổ nước Việt Nam mà còn vài tỉnh bên Trung Hoa nữa (vùng Đàng ngoài bao gồm các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, cộng thêm nước Lào; vùng Đàng Trong thêm các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam).
Thứ ba, các đấng không có trụ sở cố định. Tình hình lưu động này sẽ còn kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX với việc chỉ định các tòa giám mục (3/12/1924).
Như đã biết, với dòng thời gian, con số giáo phận đã tăng dần, từ 02 đơn vị vào năm 1659 tăng đến 17 vào năm 1960. Thêm vào đó, kể từ năm 1933, đã có nhiều giáo sĩ người Việt được đặt cai quản các giáo phận. Tuy nhiên, các đấng chỉ là giám mục hiệu tòa và thay mặt Tòa Thánh để cai quản giáo phận. Với việc thiết lập hàng giáo phẩm, thì các đấng thực sự là giám mục sở tại (hay “chính tòa”). Thí dụ, Đức Cha Giuse Trịnh Như Khuê đã được tấn phong năm 1950 làm giám mục hiệu tòa Synaitana, đại diện Tông tòa cai quản giáo phận Hà Nội, nhưng kể từ ngày 24/11/1960 thì trở thành tổng giám mục Hà Nội.
Có thể đọc biến cố dưới 3 khía cạnh: Giáo Luật, thần học, chính trị.
1/ Cái nhìn đơn giản hơn cả là khía cạnh Giáo Luật. Trước đây, các giáo phận còn non trẻ thì được đặt dưới sự cai quản của những người đại diện Tòa Thánh; bây giờ thì đã trưởng thành rồi cho nên được điều hành bởi những quy tắc chung của luật giáo hội. Điều này có nghĩa là giáo phận được cai quản bởi giám mục riêng, với ban cố vấn là hội đồng kinh sĩ; kế đó các giáo phận được liên kết với nhau thành giáo tỉnh, đứng đầu là tổng giám mục. (Nên biết là cách đây 50 năm, Giáo Luật chưa biết đến định chế Hội Đồng Giám Mục).
2/ Cái nhìn thứ hai (tạm gọi là thần học), được Đức Thánh Cha Gioan XXIII trình bày trong thông điệp Princeps pastorum được ban hành cách đây đúng 50 năm (vào ngày 28/11/1959). Theo đó, công cuộc truyền giáo không chỉ nhằm tới việc rửa tội cho lương dân, nhưng còn nhắm đến việc thiết lập các cộng đoàn giáo hội (plantatio ecclesiae), với nhân sự (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) của người địa phương. Việc thiết lập hàng giáo phẩm nhìn nhận rằng giáo hội đã có nền tảng vững chắc tại địa phương đó.
3/ Văn kiện này cũng đề cập đến khía cạnh thứ ba, mang tính cách chính trị, tức là: khi giáo hội được cai quản bởi hàng giáo sĩ địa phương, thì người ngòai sẽ không có lý do để trách rằng đạo Công Giáo là đạo của người ngọai quốc, dưới sự điều khiển của thực dân. Thêm vào đó, theo tôi nghĩ, ta có thể nhận thấy một ý nghĩa chính trị trong bối cảnh Việt Nam vào năm 1960. Lúc ấy, đất nước bị phân đôi, dưới hai chính thể chính trị đặt thủ đô tại Hà Nội và Sàigòn. Việc thiết lập hàng giáo phẩm cho toàn nước Việt Nam nói lên sự thống nhất của dân tộc, và không bị lệ thuộc vào ranh giới chính trị, bởi vì việc phân 3 giáo tỉnh dựa theo ranh giới nhân văn (Bắc, Trung, Nam) chứ không theo biên giới chính trị (tuy rằng trên thực tế, giáo tỉnh Hà Nội bao trùm luôn cả miền Bắc bộ và Bắc Trung bộ).
Tiếc rằng việc thiết lập hàng giáo phẩm tại các miền truyền giáo không khởi sự từ Việt Nam. Nhiều quốc gia đã đi trước chúng ta. Riêng tại Á Châu, Nhật Bản đã có hàng giáo phẩm từ năm 1891 (mặc dù chỉ mới có một vài linh mục bản xứ) có lẽ bởi vì lúc ấy nước Nhật đã là cường quốc rồi. Gần chúng ta hơn là Trung Quốc (1946), Miến Điện và Mã Lai (1955); sau nước Việt Nam đến lượt Indonesia (1961), Nam Hàn (1962), Thái Lan (1965).
Muốn trả lời câu hỏi: “Miền truyền giáo ở chỗ nào?” thì trước tiên phải xác định “truyền giáo là gì?”, rồi kế đó mới vạch ra biên giới của “miền truyền giáo” và “miền không cần truyền giáo”.
Tiếc rằng vài khái niệm xem ra quá quen thuộc trên môi miệng, nhưng đến khi muốn phân tích sâu xa thì mới thấy là phức tạp, khiến chúng ta như bị lạc vào mê hồn trận, không tìm thấy lối ra. Chúng ta hãy bắt đầu bằng tiếng “truyền giáo”.
Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học định nghĩa “truyền giáo là truyền bá tôn giáo (thường nói về đạo Cơ Đốc)”. Định nghĩa như vậy thật là quá chính xác. Nhưng khi truy tầm lại nguyên gốc tiếng La Tinh, thì chúng ta có thể thấy rằng mình dịch sai. Từ “truyền giáo” dịch bởi tiếng La Tinh “missio” (và tiếng Pháp và tiếng Anh phiên âm thành mission). Thế nhưng, missio không phải là truyền giáo.
Trong tiếng La Tinh, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere có nghĩa là: gửi (thí dụ gửi một lá thư), cử đi, phái đi làm một công tác nào đó. Tân Ước đã sử dụng theo một nghĩa rất đặc biệt để nói đến sứ mạng của Đức Kitô và của Hội Thánh.
Ở đầu Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta thấy Thiên Sứ Gabriel được Thiên Chúa cử đến (missus est) Nazareth để báo tin cứu thế cho Đức Maria (Lc 1,26).
Sang chương 4, ta thấy Đức Giêsu vào hội đường Nazareth, mở Kinh Thánh, và áp dụng cho bản thân câu nói của ngôn sứ Isaia “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và phái tôi (misit me) rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18).
Tư tưởng này cũng gặp nơi Thánh Gioan, chẳng hạn như ở chương 10 câu 36, Đức Giêsu tự xưng rằng mình là kẻ được Chúa Cha thánh hiến và phái đến trần gian (misit in mundum). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Như Chúa Cha đã phái Thầy, Thầy cũng phái anh em”; sự phái-ủy này tiếp theo tác động thổi hơi trên các tông đồ, biểu trưng cho việc trao ban Thần Khí.
Thực vậy, tại nhà Tiệc ly, trong đêm Tử Nạn, Chúa Kitô đã hứa sẽ phái Thánh Linh đến với các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Người (Ga 16,7).
Tóm lại, missio trong Tân Ước có nghĩa là việc cử đi, phái đi; từ đó ta hiểu được tại sao trước đây được dịch là “thừa sai” (có nghĩa là: nhận sự sai khiến của ai, nhờ ai làm một việc gì đó); gần đây, có người dịch là “sứ vụ, sứ mạng”.
Ba từ “Sứ vụ, sứ mạng, thừa sai” gốc Hán, và tôi không dám chắc rằng tất cả mọi người có thể hiểu được nội dung của nó. Còn “truyền giáo” thì dễ hiểu hơn, nghĩa là truyền bá tôn giáo (đôi khi còn được gọi là “truyền đạo, giảng đạo”). Tôi xin để dành cho các nhà ngôn ngữ học phê bình ý nghĩa cũng như cách dịch thuật, và tôi chỉ dừng lại dưới khía cạnh thần học mà thôi.
Tôi thấy có sự khác biệt khá lớn ở chỗ là: khi nói đến “truyền giáo”, chúng ta nghĩ ngay đến một hoạt động của Giáo Hội: Giáo Hội có bổn phận truyền giáo. Còn từ ngữ “sứ vụ” khi gợi lên một tư tưởng khác, Giáo Hội được cử đi, có nghĩa là làm việc dưới sự điều khiển của ai khác. Nói khác đi, Giáo Hội chỉ đóng vai trò phụ, bởi vì chủ động là Thiên Chúa.
Đây là điều mà vài nhà thần học đã muốn nêu bật qua thuật ngữ “missio Dei”: chính Thiên Chúa giữ vai trò sáng khởi trong công cuộc cứu độ con người. Vì yêu thương con người, cho nên Chúa Cha đã cử Con Một là Đức Kitô đến với trần gian, để mời gọi con người đến chia sẻ tình yêu với Người. Thánh Thần tình yêu cũng được trút đổ xuống nhân loại, giúp cho họ có khả năng đón nhận tình yêu của Chúa Cha. Và Giáohội được mời gọi góp một phần vào công trình đó.
Góp phần cách nào? Đến đây ta lại thấy một sự khác biệt nữa giữa “sứ vụ” và “truyền giáo”. Nói đến truyền giáo, người ta dễ liên tưởng đến việc truyền bá một đạo lý, một giáo thuyết. Còn “sứ vụ” thì, như vừa nói, nhằm thông truyền tình yêu Thiên Chúa. Việc thông truyền tình yêu không chỉ giới hạn vào lời giảng, nhưng còn bao hàm cả hành động và nếp sống nữa.
Như đã nói, tôi chỉ nhận xét dưới khía cạnh thần học, chứ không muốn đi vào khía cạnh ngôn ngữ học.
Dưới khía cạnh thần học, thì toàn thể Hội Thánh chỉ có một sứ vụ duy nhất, đó là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, thông ban tình yêu của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Hiểu như thế, sứ vụ của Hội Thánh bao trùm khắp cả thế giới, chứ không thể nào phân chia “vùng sứ vụ” và “vùng phi sứ vụ” (hoặc “vùng truyền giáo” và “vùng không truyền giáo”).
Thế nhưng từ thế kỷ XVI trở đi, từ “missio” được sử dụng theo một nghĩa hẹp hơn, đó là công cuộc rao giảng Tin Mừng ở những miền ngoại đạo, quen gọi là “missio ad gentes, hay missio ad exteros”. Từ đó tiếng missio không còn ám chỉ toàn thể sinh hoạt của Giáo Hội nữa, nhưng được hạn hẹp vào công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, đặc biệt kể từ khi thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin (năm 1622).
Theo quan niệm thời đó, các vùng “dân ngoại” bao trùm không những là Á Châu, Phi Châu, và kể cả Bắc Mỹ và Bắc Âu, nghĩa là những nơi theo Tin Lành. Dĩ nhiên là có sự khác biệt về mục tiêu giữa các vùng vừa kể, bởi vì việc truyền giáo cho dân ngoại thì nhắm kêu gọi họ trở lại Kitô Giáo, còn việc truyền giáo cho những người Tin Lành (nghĩa là những người đã tin Chúa Kitô và đã rửa tội rồi) thì nhắm đến việc đưa về hợp nhất với Giáo Hội Kitô Giáo.
Như vậy ta thấy vào thời cận đại, danh từ “missio” đã bị thu hẹp vào hai lãnh vực: về lãnh vực nội dung, nó chỉ giới hạn vào việc giảng đạo cho người ngoại đạo; về lãnh vực địa lý, nó chỉ giới hạn vào lãnh thổ đặt dưới quyền của Bộ Truyền Bá Đức Tin. Tuy nhiên, một cuộc xét lại đã được đặt ra tại Công Đồng Vaticanô II.
Đúng một phần. Như vừa nói, trước đây người ta quan niệm rằng châu Âu đã hoàn toàn theo đạo Kitô rồi, vì thế mà “miền truyền giáo” được hiểu về các châu Á Châu Phi. Nhưng vào năm 1943, Cha Henri Godin đã xuất bản một quyển sách gây tiếng vang dữ dội: France, pays de mission? Nước Pháp, trưởng nữ của Giáo Hội, một nước đã cung cấp biết bao nhiêu hội dòng thừa sai, bây giờ trở thành xứ truyền giáo, trước tình trạng bỏ đạo của giới công nhân.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên có người giật tiếng còi báo động như vậy. Trong quá khứ, nhiều lần, những xứ vốn tự hào là “đạo dòng, đạo gốc”, nhưng thực sự chỉ có đạo trên danh nghĩa, chứ chẳng có sống đạo gì hết. Vì thế không lạ gì mà nhiều chiến dịch được tổ chức để hâm nóng đức tin của các xứ đạo, mang danh là “tuần đại phúc”(theo nguyên gốc La Tinh cũng mang tên là missiones, và điển hình hội dòng do Thánh Vinhsơn Phaolô thiết lập được mang tên là Congregatio missionis).
Một lần nữa, tôi thấy cần phải xác định lại phạm vi trao đổi. Tôi không muốn đi vào khía cạnh ngôn ngữ, nhưng chỉ bàn về khía cạnh thần học mà thôi.
Trong hậu bán thế kỷ XX, một cuộc tranh luận đã xảy ra chung quanh vấn đề mục tiêu của hoạt động truyền giáo. Có ý kiến cho rằng mục tiêu là kêu gọi lương dân trở lại Kitô Giáo, bằng việc gia nhập Giáo Hội. Ý kiến khác thì cho rằng mục tiêu của việc truyền giáo là thiết lập các giáo hội tại địa phương. Ý kiến nữa chủ trương rằng mục tiêu của việc truyền giáo là đối thoại tôn giáo, giúp cho họ khám phá cái tốt đẹp mà Thánh Thần đã gieo trong các nền văn hoá. Ý kiến thứ tư cho rằng mục tiêu của công cuộc truyền giáo là thăng tiến con người, giúp cho họ thoát khỏi cảnh lầm than của đói khổ, dốt nát, bệnh tật.
Danh sách các ý kiến còn dài nữa, nhưng tôi chỉ thêm một ý kiến thứ năm nữa thôi: đó là “mục tiêu của truyền giáo là không làm cái gì hết”. Chúng ta chỉ là chứng nhân thầm lặng cho tình thương của Thiên Chúa; kết quả ra sao thì chỉ có Chúa biết.
Theo tôi nghĩ, tất cả các ý kiến đó đều đúng, bởi vì công tác truyền giáo bao gồm tất cả các mục tiêu vừa nêu, tuy rằng có thể tùy nơi tuỳ thời mà người ta nhấn mạnh một điểm này hơn một điểm khác. Chẳng hạn như vào ngày mồng Một tháng Chạp vừa qua, phụng vụ kính nhớ Chân Phước Charles de Foucauld, một chứng nhân cho tình thương của Chúa Giêsu qua việc thờ lạy Thánh Thể và chia sẻ nếp sống với dân nghèo. Đó cũng là một phương thức truyền giáo. Chúng ta cũng đừng quên Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo, tuy chẳng bao giờ rời khỏi quê hương: chị nữ tu này thi hành sứ vụ chứng nhân cho tình yêu Chúa qua việc dâng hiến mình yêu mến Chúa thay cho mọi người.
Không. Vào lúc được thành lập, danh xưng của bộ này là Sacra Congregatio de Fide Propaganda, dịch sát nghĩa là “quảng bá đức tin”. Nhưng có lẽ trong ngôn ngữ Âu Châu hiện đại, Propaganda được hiểu là tuyên truyền (cách riêng là tuyên truyền chính trị); vì thế sau Công Đồng Vaticanô II, (năm 1968) Đức Phaolô VI đã đổi danh xưng là S. Congregatio pro Gentium evangelizatione. Có người đã dịch là “Bộ Phúc âm hoá các dân tộc”, nhưng theo tôi nghĩ, evangelizatio chỉ có nghĩa đơn giản là “loan báo Tin Mừng”, mặc dù trên thực thế, sứ vụ loan báo Tin Mừng bao gồm nhiều công tác, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã mô tả trong tông huấn Evangelii nuntiandi (số 17-24): chứng tá đời sống, rao giảng lời Chúa, cử hành phụng vụ.
Mục tiêu của sứ vụ này là để cho Tin Mừng thấm nhập vào tư tưởng nếp sống của cá nhân cũng như cộng đoàn. Nên lưu ý rằng sứ vụ này không bao giờ nói được là hoàn tất, không phải bởi vì còn có nhiều người chưa được nghe giảng Tin Mừng, nhưng còn vì chính chúng ta, các Kitô Hữu, vẫn còn sống xa các tiêu chuẩn do Tin Mừng đề ra, và do đó cần phải cải tạo tư tưởng dài dài.
Hạn từ “giám mục” có thể hiểu về chức thánh hoặc có thể hiểu về thẩm quyền cai quản. Nhìn dưới khía cạnh chức thánh thì chỉ có một chức giám mục; còn nếu nhìn dưới khía cạnh thẩm quyền cai quản, thì có thể nói đến nhiều cấp giám mục.
Trước tiên, chúng ta bắt đầu từ khía cạnh chức thánh. Trong nguyên ngữ Hy lạp, episkopos có nghĩa là: giám sát, giám thị, quản thủ, thanh tra, giám quản. Từ ngữ này đã xuất hiện trong Tân Ước, và có lẽ bắt nguồn từ chức vụ hành chánh bên Hy Lạp, khác với định chế presbyteros (kỳ mục) thịnh hành trong xã hội Do Thái.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của Thánh Phaolô, hai chức vụ vừa nói chưa được phân biệt rõ ràng, và người ta có cảm tưởng là các cộng đoàn được cai quản do một “ban giám sát” hoặc “ban kỳ mục”, chẳng hạn tại Ephêsô, như có thể đọc thấy ở sách Tông Đồ Công Vụ chương 20, câu 28.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ hai, nơi các thư của Thánh Inhaxiô tử đạo (viết khoảng năm 110), người ta mới thấy sự phân biệt giữa hai chức vụ: mỗi giáo đoàn do một giám sát đứng đầu (có thể dịch là giám mục) với sự cộng tác của ban kỳ mục (tức là linh mục) và các trợ tá (quen dịch là phó tế).
Mỗi giám mục lãnh đạo một giáo đoàn (hoặc giáo phận), và các giám mục đều ngang hàng với nhau. Tuy nhiên dần dần có một vài giám mục trổi vượt hơn các đồng nghiệp do những lý do khác nhau. Giám Mục Rôma được nhiều giáo đoàn tham khảo ý kiến về những vấn đề đạo lý hoặc kỷ luật, và đôi khi cũng được nhờ phân xử các cuộc tranh chấp. Lý do của thẩm quyền này bắt nguồn từ chỗ Rôma là nơi mà hai Thánh Phêrô và Phaolô đã làm chứng đức tin.
Vài giáo đoàn khác nổi vượt lên mà mang tên là “giáo đoàn mẹ” (metropolis) bởi vì đã có công đi giảng đạo và thiết lập các giáo đoàn mới, hoặc bởi vì trùng với thủ phủ của một “tỉnh” trong tổ chức hành chánh Rôma. Từ đó nảy sinh các “tổng giám mục” (hoặc giám mục tỉnh trưởng), chủ toạ các cuộc họp các giám mục trong một tỉnh.
Lên cao hơn nữa, công đồng Nixêa nhìn nhận quyền tài phán của ba tòa Alêxanđria, Antiôkia và Rôma trên một vùng đất rộng lớn hơn nữa: giám mục Alexandria có thẩm quyền trên toàn cõi Ai Cập và Lybia; giám mục Antiôkia có thẩm quyền trên các giám mục Tiểu Á; giám mục Rôma có thẩm quyền trên các giám mục ở Italia, Gallia, Hispania. Đây là nguồn gốc của định chế “thượng phụ” về sau này. Tuy nhiên, các tổng giám mục hoặc thượng phụ cũng chỉ là “giám mục” chứ không phải là “siêu giám mục”.
Ta có thể hiểu từ “siêu giám mục” theo hai nghĩa. Xét về bí tích, thì không còn chức thánh nào cao hơn chức giám mục nữa. Xét về nhiệm sở, thì không có chức vụ giám mục nào tách rời khỏi chức vụ giám mục giáo phận, và đây là một điều khác biệt với hành chánh dân sự.
Trong tổ chức hành chánh của nhà nước, ông tỉnh trưởng ở trên tất cả các ông xã trưởng (không ai vừa làm xã trưởng vừa làm tỉnh trưởng). Cơ cấu của Giáo Hội thì khác: tổng giám mục giáo tỉnh Hà Nội đồng thời cũng là giám mục giáo phận Hà Nội; hay nói ngược lại thì đúng hơn: đức giám mục Hà nội đương nhiên đứng đầu giáo tỉnh (chứ không có một tổng giám mục nào chơi vơi không phụ trách một giáo phận). Thậm chí đức giáo hoàng cũng là giám mục của giáo phận Rôma.
Chúng ta hãy trở về lịch sử Giáo Hội để hiểu rõ hơn sự tiến triển về chức vụ giám mục.
Từ thế kỷ thứ II, mỗi giám mục phụ trách một giáo đoàn. Sang thế kỷ III, vài toà giám mục trổi vượt lên bởi vì đã thiết lập những giáo đoàn mới, hoặc vì là thủ phủ của một tỉnh hay trấn trong Đế quốc Rôma, nhưng các vị đó không phải là “siêu giám mục”, như tôi vừa mới giải thích.
Cũng nên biết rằng trong các thế kỷ đầu tiên, mỗi giám mục phải gắn bó với giáo phận của mình cho đến chết, chứ không có chuyện thuyên chuyển từ toà này sang toà khác (vì như vậy là phạm tội “ngoại tình”, lỗi lời hứa chung thuỷ tượng trưng nơi chiếc nhẫn). Thế nhưng dần dần có những giám mục mất tòa, chẳng hạn ở miền Bắc Phi bởi vì họ bị trục xuất khỏi giáo phận sau khi đất nước bị người Hồi Giáo chiếm đóng. Các đấng được đón nhận ở bên châu Âu, và vẫn giữ tước hiệu giám mục bên Phi, và truyền lại cho người kế vị với hy vọng mai sau sẽ trở về cố hương. Tòa Thánh chấp nhận định chế ấy, và thậm chí còn bổ nhiệm các giám mục (hoặc tổng giám mục) hiệu toà, nghĩa là không cai quản một giáo phận nào hết, nhưng để thi hành một công tác của giáo triều hoặc có khi là một hàm danh dự, (tựa như ta thấy trong chính phủ có những ông “Bộ trưởng không bộ nào”, hoặc những người mang hàm đại sứ nhưng phục vụ tại Bộ Ngoại Giao).
Giám mục đứng đầu một giáo phận, được ví như vị mục tử của một đàn chiên. Dĩ nhiên, mỗi đàn chiên chỉ một mục tử, chứ không thể nào có đến hai ba. Vào những thế kỷ đầu tiên, Giáo Luật tôn trọng quy tắc “một giáo phận một giám mục” (cũng như “một thân thể một đầu”).
Nhưng dần dần xảy ra trường hợp nhiều giám mục hiện diện trong cùng một giáo phận bởi nhiều lý do. Một lý do vừa được nhắc đến là giáo phận đón nhận một giám mục đến tị nạn bởi vì giáo phận của người đã bị chiếm đóng; một lý do khác là giám mục đã già lão và cần một người trợ giúp, (đó là chưa kể các giám mục đi theo lạc giáo ly giáo, hoặc từ đó trở về).
Ngày nay Giáo Luật dự trù việc bổ nhiệm các giám mục phụ tá khi giáo phận rộng lớn, nhưng không thể tách ra thành các giáo phận nhỏ. Các giám mục phụ tá được tấn phong như là giám mục hiệu tòa, và được cử làm phụ tá cho một giám mục chính toà.
Giám mục phụ tá được bổ nhiệm xét vì nhu cầu khách quan của giáo phận, chẳng hạn như lãnh thổ quá rộng, hoặc số giáo dân quá đông. Một giáo phận có thể thường xuyên có nhiều giám mục phụ tá (đôi khi lên đến 5, 6 vị như ở các thành phố lớn: Paris, Milano, Rôma).
Giám mục phó được bổ nhiệm do một hoàn cảnh đặc biệt của giám mục chính (thí dụ già lão, ốm yếu); giám mục phó có quyền kế vị, do đó một giáo phận chỉ có thể có một giám mục phó mà thôi, và có tính cách tạm thời. Dù sao giám mục phó cũng có chức giám mục rồi, chứ không phải là “chuẩn giám mục” như trường hợp của phó tế.
Theo các sử gia, tục lệ này trở thành thông dụng từ thế kỷ XIII. Vào thời đó, các ông hoàng, các hiệp sĩ bắt đầu khắc huy hiệu và triện ấn; vài giám mục cũng bắt chước theo, bởi vì nhiều vị cũng xuất thân từ hàng quý tộc. Nói đúng ra, không có luật nào buộc giám mục phải vẽ huy hiệu; nhưng nếu đã vẽ huy hiệu thì buộc phải theo một vài nguyên tắc đã được luật lệ quy định.
Những luật lệ mới nhất được ban hành do tự sắc Pontificalia insignia của Đức Phaolô VI (ngày 21/6/1968). Nói chung trên huy hiệu của giám mục chúng ta gặp thấy nhiều yếu tố tượng trưng cho chức vụ được trao trong lễ truyền chức. Nổi bật nhất là “mũ gậy”.
Mũ của giám mục trong tiếng latinh được gọi là mitra (có lẽ gốc Hy Lạp có nghĩa là cái đai quấn); lúc đầu (thế kỷ XII) mang hình thức như mũ trùm đầu, nhưng dần dần đỉnh chóp được kéo dài và đàng sau thòng thêm 2 dải.
Vào thời Trung Cổ, Đức Innocentê III giải thích rằng hai chóp tượng trưng cho Cựu Ước và Tân Ước, còn hai dải tượng trưng cho chữ đen và tinh thần của Luật Chúa.
Gậy được gọi là pastorale, ám chỉ gậy của người chăn chiên. Nên biết là trong nghi thức chịu chức, tất cả các giám mục đều được trao gậy, nhưng việc sử dụng chiếc gậy thì được quy định ở trong sách nghi thức, bởi vì gậy tượng trưng cho chức vụ mục tử, do đó giám mục chỉ được sử dụng gậy trong giáo phận được trao cho mình coi sóc (nghĩa là đàn chiên của mình). Vì thế khi ra ngoài lãnh thổ thì phải xin phép của bản quyền sở tại mới được dùng gậy.
Ngoài ra chiếc gậy của giám mục thì đầu uốn cong; thoạt tiên xem ra không có gì đáng nói, bởi vì nếu chiếc gậy của các cụ cũng uốn cong cho dễ cầm (cán cây dù cũng vậy), nhưng theo các sử gia, sự uốn cong biểu lộ sự tuân phục: các giám mục không phải là Chúa tể vũ trụ, nhưng phải biết suy phục. Có tác giả giải thích rằng sự suy phục này không hiểu về mối tương quan với Thiên Chúa cho bằng đối với hàng phẩm trật, nghĩa là giám mục phải cúi đầu vâng phục đức thánh cha. Đó là lý do vì sao đức thánh cha không dùng gậy mục tử mà chỉ cầm cây thánh giá.
Vào thời Trung Cổ, ngoài biểu tượng của quyền hành, người ta còn nói đến ý nghĩa thiêng liêng của chiếc gậy như là khí cụ của kẻ lữ hành: giám mục dìu dắt đoàn chiên đến cõi trường sinh, nhưng đôi khi cũng gần phải dùng sức mạnh để lùa những chiên nào lạc đàn hãy đi vào hàng ngũ.
Tuy nhiên, sau huấn thị Ut sive sollicite của Hồng y Amleto Cicognani Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ngày 31/3/1969, các giám mục không còn để mũ gậy trên huy hiệu nữa, nhưng huy hiệu được dựa trên cây thánh giá được dùng để mở đầu các cuộc rước kiệu.
Nên biết là thánh giá của giám mục chỉ có một thanh ngang, còn tổng giám mục thì có hai thanh ngang. Ở trên huy hiệu là cái nón với những chùm tua thòng ra hai bên. Lúc đầu, xem ra 2 dây tua đó có mục đích thực tiễn là để buộc chặt vào cổ, nhưng dần dần mang tính cách biểu tượng đẳng cấp. Vì thế mũ hồng y thì mầu đỏ với hai chùm tua màu đỏ, mỗi chùm là 15 nút. Mũ tổng giám mục thì màu xanh, với hai chùm tua mỗi bên 10 nút. Mũ giám mục mang hai chùm tua màu xanh, mỗi bên là 6 nút. Sau cùng, mỗi giám mục chọn một khẩu hiệu được coi như kim chỉ nam cho mình.