Như tôi đã có lần lưu ý, từ ngữ “Tin Lành” hay “Tin Vui, Tin Mừng, Phúc Âm” đều đồng nghĩa, nhắm đến trọng tâm sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô.
Vào thế kỷ XVI, phong trào Cải Cách của ông Lutêrô đã tự xưng là “tin lành” bởi vì muốn trở về với cội nguồn Kitô Giáo, loạt bỏ những thể chế cổ hủ đã xâm nhập vào Giáo Hội trải qua dòng thời gian. Sau khi đã tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội Tin Lành đã chứng kiến trong lòng nội bộ của mình nhiều cuộc Cải cách và ly khai liên lỉ, đến mức độ không ai đếm nổi nữa.
Năm 1991, nhà sử học Hoa Kỳ Marty đã tính ra tới 21,104 nhóm khác nhau, và trung bình mỗi tuần có thêm 5 nhóm mới ra đời (Martin E. Marty, Never the Same Again, in: “Sociological Analysis” vol.52, 1991, p.13-26). Thực ra thì sự phân mảnh nằm ngay trong bản chất của Giáo Hội học Tin Lành, nhấn mạnh tới cộng đoàn địa phương, chống lại các cơ cấu trung ương tập quyền.
Dưới một khía cạnh khác, các nhà sử học đã phân tích ngay chính trong phong trào Cải Cách nhiều luồng cải cách khác nhau, tóm lại trong 4 đợt.
Đợt đầu tiên hồi thế kỷ XVI, với ba khuynh hướng chính: Lutêrô (cũng gọi là Tin Lành), Calvinô (còn gọi là Cải cách hay Trưởng Lão, presbyteral), Anh Giáo (qua Hoa Kỳ đổi danh là episcopalian).
Đợt thứ hai vào thế kỷ XVIII, chống lại những khuynh hướng của các Giáo Hội Cải Cách càng ngày càng đóng khung trong bộ máy cơ chế, một phong trào mệnh danh là “revival” (phục hưng) chú trọng tới đời sống nội tâm cầu nguyện. Phong trào này mang tên là “pietism” ở các Giáo Hội Lutêrô, “methodist” ở bên Anh giáo, “baptist” ở các Giáo Hội Calvinô. Đồng thời các phong trào này thúc đẩy nhiệt khí truyền giáo.
Đợt thứ ba vào đầu thế kỷ XX tại Hoa Kỳ phản ứng lại những khuynh hướng tự do trong việc giải thích Kinh Thánh, và mang danh là “fundamentals” (tạm dịch là thủ cựu), gắn bó với những đạo lý cổ truyền về Kinh Thánh bất khả ngộ.
Đợt thứ bốn cũng trong thế kỷ XX tại Hoa Kỳ và Anh Quốc, đề cao chiều kích Thánh linh. Chính trong đợt này mà phong trào Ngũ Tuần ra đời.
Ngũ Tuần có nghĩa là 50. Thực ra trong nguyên gốc tiếng Anh, phong trào gọi là Pentecostalism, Pentecostal Movement bắt nguồn bởi danh từ “pentecost”, quen được dịch là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, diễn ra 50 ngày sau Lễ Chúa Kitô Phục Sinh. Phong trào này chủ trương hiện tượng lễ Ngũ Tuần không phải chỉ xảy ra vào lúc khai sinh Hội Thánh, nhưng còn tiếp diễn vào thời nay.
Xét về nguồn gốc của phong trào này, các nhà xã hội học nói tới hai trào lưu ra đời vào đầu thế kỷ XX: một trào lưu phát xuất từ Hoa Kỳ và một trào lưu từ Anh Quốc.
Bên Hoà kỳ, phong trào khởi đầu với ông Charles Parham, một Mục Sư Methodist sống tại Topeka (bang Kansas, Hoa Kỳ). Từ mùa thu năm 1900, ông đã mở một trường học Thánh Kinh (Bethel Bible School), nghiên cứu những đoạn văn liên hệ đến “phép rửa trong Thánh linh”. Vào tối ngày 31 tháng 12 năm 1900, lúc sắp bước sang một thế kỷ mới, trong một buổi học hỏi và cầu nguyện, cô Agnes N. Ozman, một thiếu nữ 18 tuổi, đã xin ông đặt tay lên đầu để khẩn cầu cho cô được lãnh “phép rửa trong Thánh linh”. Thế là cô đã cảm nhận được hậu quả của hiện tượng của lễ Ngũ Tuần được thuật lại ở đầu sách Tông Đồ Công Vụ, với ơn nói tiếng lạ và lửa hăng say làm chứng tá cho Đức Kitô. Trong vài ngày sau đó, ông Parham và các môn sinh cũng nhận được hậu quả tương tự.
Từ bang Kansas, phong trào Ngũ Tuần lan rộng sang Texas, và Los Angeles, nơi phong trào nhận bắt đầu phát triển mạnh mẽ nhờ tài giảng thuyết của Mục Sư William J. Seymour. Đó là nguồn gốc phong trào bên Hoa Kỳ.
Cũng vào thời đó, tại Anh Quốc, vào năm 1904, ông Evan Roberts, một công nhân thợ mỏ ở bên xứ Wales giảng thuyết tiên báo một cuộc can thiệp của Thánh linh. Điều này đã xảy ra với cuộc trở lại của hàng vạn công nhân, khởi đầu cho phong trào Ngũ Tuần bên nước Anh. Từ đó phong trào lan rộng trong các Giáo Hội Tin Lành khắp năm châu, đến nay đã có tới 60 triệu tín đồ.
Điều nên lưu ý là phong trào Ngũ Tuần (pentecostals) mang tính cách của một phong trào (hay là một luồng), hơn là một giáo hội quy củ với số thành viên nhất định. Về sau này, một số người đã tách rời ra khỏi phong trào đó và họp thành giáo hội dưới nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như Assembly of God, Pentecostal Church of God, Emmanuel Holiness Church.
Nói chung, các phong trào Ngũ Tuần chấp nhận những điểm đạo lý của Giáo Hội Tin Lành bàn về Kinh Thánh, sự công chính hóa nhờ đức tin. Đặc trưng của họ là nhấn mạnh đến sự thống hối cải hoán, cầu nguyện tự phát theo hứng khởi chứ không theo nghi điển, và nhất là đề cao tác động của Thánh linh, biểu lộ qua các đặc sủng nói tiếng lạ, lãnh nhận qua việc đặt tay lên đầu, được gọi là “phép rửa trong Thánh linh”.
Điểm lôi cuốn nhiều người vào phong trào này ở chỗ họ không bị ngăn trở bởi những đạo lý cao siêu nhưng họ được thu hút bởi những cảm xúc do việc cầu nguyện ca hát cộng đoàn, và họ có thể bộc lộ tất cả mọi nỗi vui buồn, lo sợ của mình, và được an ủi nhờ bầu khí đậm tình người trong cộng đoàn.
Giữa hai bên có khá nhiều liên hệ, xét về phía Tin Lành cũng như về phía Công Giáo. Trước hết là về phía Tin Lành, một số người muốn tiếp tục duy trì tính cách “phong trào” (chứ không chịu đóng khung trong một giáo hội) mà họ muốn quảng bá khắp nơi, kể cả sang các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống.
Nói cách khác, dường như họ muốn thực hiện một cuộc hợp nhất các Kitô Hữu dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Người ta đặt tên cho họ là luồng “tân ngũ tuần” (neopentecostalism), khởi đầu từ năm 1955.
Về phía Công Giáo, tại Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1966 và mùa xuân 1967, một nhóm sinh viên và giáo sư đại học Công Giáo Duquesne (Pittsburg, bang Pennsylvania), Hoa Kỳ, sau khi đã tiếp xúc và nghiên cứu với phong trào Ngũ Tuần, cũng đã lãnh nhận được “phép rửa trong Thánh Linh”. Từ đó nảy sinh phong trào “Ngũ Tuần Công Giáo” (Pentecotisme catholique; mouvement catholique néo-pentecostal), về sau đổi tên thành “canh Tân Đặc Sủng” (renouveau charismatique).
Nếu phân tích các dữ kiện thời sự thì có thể đi tới kết luận như vậy. Tuy nhiên, dưới khía cạnh thần học, thì việc tìm hiểu các mối liên hệ nhân quả phức tạp hơn nhiều. Đành rằng trong quá khứ, Giáo Hội Công Giáo ít nói đến Chúa Thánh thần, nhưng không hẳn là Chúa Thánh Thần hoàn toàn vắng mặt. Các sách tu đức đều nói tới 7 ơn Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, một sự kiện đáng được ghi nhận là vào đầu thế kỷ XX, Đức Lêô XIII đã phát động một phong trào kính Chúa Thánh thần trong Hội Thánh, đặc biệt là trong tuần cửu nhật từ lễ Thăng Thiên tới lễ Hiện Xuống.
Một sự kiện quan trọng hơn đó là khi triệu tập Công Đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII ước mong một lễ Hiện Xuống mới, (nghĩa là một lễ Ngũ Tuần mới). Các văn kiện của công đồng đã bàn nhiều về vai trò của Thánh Thần trong Hội Thánh, cách riêng qua việc ban phát các đặc sủng. Thánh Thần cũng là chủ động của công cuộc đại kết, duy trì các Giáo Hội liên kết với nhau tuy vẫn tôn trọng các sắc thái đa dạng. Chính bối cảnh đó đã gợi lên một môi trường thuận tiện để tiếp nhận “luồng” của phong trào Ngũ Tuần.
Vấn đề không đơn giản như vậy. Một đàng, như đã nói, có những người đã muốn thành lập thành giáo hội (gọi là Giáo Hội Ngũ Tuần: Pentecostal Church), và ở vài nơi bên châu Mỹ La Tinh, họ chống đối Giáo Hội Công Giáo ra mặt.
Đàng khác, xét như là một phong trào hay một luồng, thì các giám mục tại nhiều nơi cũng tỏ ra dè dặt. Nếu xét về căn gốc, phong trào Ngũ Tuần phát xuất từ Tin Lành, với vài nền tảng đạo lý khác biệt với Hội Thánh Công Giáo, chẳng hạn như về các bí tích (cách riêng về Bí tích Thánh thể), hoặc về phẩm trật Giáo Hội.
Ngoài ra phong trào Ngũ Tuần còn chịu ảnh hưởng của vài luồng “thiên niên” tại Hoa Kỳ hồi cuối thế kỷ XIX. Kể cả khi được du nhập vào Giáo Hội Công Giáo dưới dạng “Canh Tân Đặc Sủng” hay “Canh Tân Thánh Linh”, nhiều giám mục cũng cảnh cáo về những lệch lạc có thể xảy ra, chẳng hạn như sự nhấn mạnh quá đáng về cảm nghiệm cảm xúc khi cầu nguyện, hoặc chỉ để ý tới những hậu quả kỳ diệu của Thánh Linh (như là nói tiếng lạ, chữa bệnh) mà bỏ qua những hoa trái hoặc đặc sủng khác (tuy âm thầm nhưng không kém phần hữu hiệu). Dù sao, thái độ dè dặt không có nghĩa là bài trừ nhưng chỉ có nghĩa là cần sử dụng sự phân định.
Phải nhìn nhận rằng chính nhờ phong trào Ngũ Tuần và phong trào Thánh Linh mà thần học Công Giáo đã đào sâu hơn đạo lý về các đặc sủng (hay đoàn sủng: charisma) trong Giáo Hội.
Một hậu quả khác không kém phần quan trọng là phong trào này đã cổ võ sự cầu nguyện trong một xã hội dường như chỉ biết đánh giá kỹ thuật và hoạt động, chứ không đếm xỉa gì đến cảm xúc, tình nghĩa, tương quan, và nhất là đời sống tâm linh. Phong trào Canh Tân Thánh Linh đã tổ chức những buổi cầu nguyện, tĩnh tâm.
Trong tiếng Việt, chúng ta thấy việc sử dụng các từ ngữ “giáo phái”, “giáo hội”, “tông phái” không được chính xác cho lắm.
Ai ai cũng biết là trong Phật Giáo, có hai ngành (bộ phái) chính là Bắc Tông và Nam Tông, hoặc Đại thừa và Tiểu thừa, với đạo lý rất là khác biệt về bản thân Đức Phật, đến nỗi có thể ví được như là khuynh hướng hữu thần trong Đại thừa và vô thần trong Tiểu thừa. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định rằng bên nào đúng bên nào sai, bên nào là chính đạo bên nào là tà đạo. Cả hai tông phái đều thuộc về một đạo. Ngoài hai tông phái chính, chúng ta còn thấy những tông phái khác, chẳng hạn như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông.
Nhưng vào thế kỷ XX, ở miền Nam Việt Nam, ta thấy xuất hiện đạo Hoà hảo, cùng thời với đạo Cao đài: trước đây người ta gọi cả hai là giáo phái, có lẽ không phải chỉ ám chỉ một chi phái của một tôn giáo nhưng còn bao hàm một lực lượng vũ trang, một đảng chính trị nữa. Nhưng đó là sự phân biệt đặt ra về phía cơ quan an ninh của nhà nước, chứ không dựa trên tiêu chuẩn thuần túy tôn giáo.
Khác với Ấn Giáo và Phật Giáo, đạo Do Thái và đạo Kitô có một định chế khá rõ nét, với một cơ quan lãnh đạo và một học thuyết xác định. Vì thế những ai không đi phù hợp với đường lối chân chính thì bị liệt vào hạng lạc giáo, ly giáo. Chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình từ Kitô Giáo.
Đức Giêsu và các môn đồ của Người đều là tín đồ của đạo Do Thái. Họ cũng mang một niềm tin vào Thiên Chúa và tham gia các buổi cầu nguyện tại đền thánh Giêrusalem hay tại các hội đường giống như các tín đồ Do Thái. Chúng ta biết rằng trong đạo Do Thái cũng có những hệ phái, chẳng hạn như nhóm Biệt Phái hay nhóm Sađđuxê, nhưng họ vẫn chung sống với nhau.
Trên nguyên tắc, theo chủ trương đa nguyên của đạo Do Thái, thì các môn đồ của Đức Giêsu cũng có thể được chấp nhận như một hệ phái. Thế nhưng, chúng ta biết rằng vào cuối thế kỷ I, các môn đồ của Đức Giêsu đã ly khai ra khỏi đạo Do Thái, tự coi như là một đạo mới, đối lại với đạo cũ. Thế nhưng trước mặt nhà cầm quyền Rôma, thì các Kitô Hữu chỉ là một giáo phái của đạo Do Thái.
Câu hỏi này khó trả lời. Khó không phải vì thiếu tài liệu lịch sử cho bằng khó vì tiêu chuẩn phân biệt giữa đạo (hay tôn giáo) với giáo phái. Nói thế có nghĩa là các học giả đã đề ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Một tiêu chuẩn đơn giản nhất là số lượng các tín đồ: khi còn ít người thì gọi là giáo phái, đến khi số tín đồ tăng gia đông đảo thì gọi là tôn giáo. Tiêu chuẩn này có lẽ áp dụng được cho các tôn giáo bên Á Đông chứ không áp dụng được cho các tôn giáo phát sinh từ Kitô Giáo, nơi mà tiêu chuẩn đạo lý khách quan thì quan trọng hơn là tiêu chuẩn thống kê.
Đúng thế. Chúng ta dùng tiếng “giáo phái” để dịch tiếng La Tinh là secta (từ đó tiếng Pháp là “secte” và tiếng Anh là “sect”). Có người cắt nghĩa rằng “secta” gốc bởi động từ secari, có nghĩa là “cắt đứt, chặt lìa”. Vì thế những nhóm nào ly khai khỏi Giáo Hội thì được gọi là “secta”. Cho đến Công Đồng Vaticanô II, không thiếu sách gọi các nhóm Chính Thống và Tin Lành là các secta (dịch là giáo phái, bè phái).
Vấn đề không đơn giản như vậy.Trước Công Đồng Vaticanô II, một đàng các nhóm chính thống và tin lành bị gọi là “giáo phái”, có nghĩa là ly khai lạc đường; nhưng đàng khác, không thiếu sách vở (nhất là các sách lịch sử tôn giáo) đã coi chính thống và tin lành như là đạo: đạo chính thống, đạo tin lành, song song với đạo Công Giáo.
Điều này cũng xảy ra ở các sách xuất bản tại Việt Nam, với những từ ngữ đạo Thiên Chúa (hiểu là Công Giáo), đạo Tin Lành (còn đạo Chính Thống thì không có cho nên không được bàn tới).
Dù sao, từ Công Đồng Vaticanô II, chúng ta cần phải ghi nhận một sự thay đổi về từ ngữ trong các văn kiện của Tòa Thánh, với hai điểm đáng ghi nhận: 1/ Các nhóm chính thống và tin lành không còn gọi là giáo phái (secta) nhưng được gọi là giáo hội hay giáo đoàn; 2/ Từ ngữ giáo phái được áp dụng cho những nhóm gọi là “đạo mới”.
Tôi xin giải thích. Về điểm thứ nhất, các nhóm chính thống và tin lành không còn gọi là giáo phái nhưng là Giáo Hội hay giáo đoàn. Trước đây, với một quan điểm khá chật hẹp về Giáo Hội, thần học cho rằng chỉ có những tín đồ Công Giáo mới thuộc về Giáo Hội của Đức Kitô. Những ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, không thông hiệp với đức thánh cha thì cũng coi như ngoài Giáo Hội.
Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng ở ngoài Giáo Hội Công Giáo cũng có những yếu tố Giáo Hội, chẳng hạn như Lời Chúa, các bí tích, hàng phẩm trật; vì thế mà các anh em chính thống và tin lành cũng đáng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô.
Nỗ lực của phong trào đại kết là tiến tới sự hiệp thông trọn hảo về đức tin, bí tích cũng như về lãnh đạo. Trong tiến trình này, các văn kiện Tòa Thánh phân biệt hai cấp: giáo hội (ecclesia) và giáo đoàn (communitas ecclesialis).
Danh từ giáo hội được dành cho anh em Chính Thống, bởi vì họ có đầy đủ 7 bí tích và cơ cấu phẩm trật giám mục; còn giáo đoàn được áp dụng cho các nhóm Tin Lành: họ chỉ nhận 2 bí tích Rửa Tội và Thánh Thể; nhưng đặc biệt là họ không có bí tích Truyền Chức, không có hàng phẩm trật. Dù sao, điểm quan trọng là anh em Chính Thống và Tin Lành đều cùng chung một đạo (một tôn giáo) với chúng ta, đó là Kitô Giáo: tất cả chúng ta đều là môn đệ của Đức Kitô, được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Đây là một từ ngữ mà các nhà xã hội học đặt ra để thay cho tiếng “giáo phái” (secta) bao hàm ý nghĩa tiêu cực của ly khai lạc đạo. Trong tiếng Anh, “Đạo mới” là “new religions”, hoặc “new religious movements”, hoặc cũng còn gọi là “cult”.
Tại sao gọi là “mới”? Nói chung, tại vì họ không chấp nhận đạo lý cổ truyền. Duy có điều là họ không loại bỏ toàn bộ đạo lý cổ truyền, nhưng chỉ một vài điểm nào thôi.
Thực là khó nói, bởi vì có trăm ngàn dạng thức khác nhau. Khi ông Lutêrô chỉ chấp nhận 2 bí tích và loại trừ 5, thì cũng đủ để gọi là đạo mới rồi. Thế nhưng ngày nay các Giáo Hội Lutêrô chấp nhận đối thoại đại kết, và được gọi là giáo hội chứ không phải là giáo phái hay đạo mới; đang khi có nhiều giáo phái Tin Lành lại đả kích cuộc đối thoại đại kết.
Dù sao, bên cạnh tiêu chuẩn không chấp nhận đạo lý cổ truyền, các nhà xã hội học còn đề ra những tiêu chuẩn khác, tuy không thể áp dụng vào hết mọi trường hợp được. Thí dụ vào đầu thế kỷ XX, ông Ernst Troeltsche đưa ra tiêu chuẩn là cách đối xử với trần thế.
Các giáo hội chấp nhận trần thế (các thể chế chính trị, các cơ cấu kinh tế văn hóa xã hội) để hợp tác và truyền đạo; còn các giáo phái thì chủ trương sống đạo nguyên tuyền, không muốn nhiễm mùi đời, không tiếp xúc với các thể chế của đời. Cũng vì lý do đó, các giáo phái chỉ trích các giáo hội bởi vì quá gắn liền với cơ chế phẩm trật; các giáo phái muốn nhẹ nhàng về cách tổ chức, họp nhau thành cộng đoàn, cổ động tương quan huynh đệ hàng ngang hơn là quản trị bề dọc.
Các giáo hội thì chú trọng tới các lễ nghi phụng vụ, các giáo phái thì đề cao sự cầu nguyện tự phát, chú trọng tới tâm tình hơn. Thực ra, những tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho các phong trào đạo đức hay các dòng tu, nơi mà các thành viên khước từ các giá trị trần thế và đi tìm sự trọn lành.
Tuy nhiên, vấn đề mà các giáo phái đặt ra cho các nhà lãnh đạo giáo hội (cách riêng là Giáo Hội Công Giáo), ở chỗ không những họ chọn lọc và giải thích Kinh Thánh theo thị hiếu riêng, nhưng nhất là họ pha phôi niềm tin vào Thiên Chúa với niềm tin rút từ các tôn giáo khác (chẳng hạn thuyết luân hồi), hoặc họ thay thế việc cầu nguyện Kitô Giáo bằng những phương pháp suy niệm của các tôn giáo Á đông, hướng về cõi hư vô chứ không phải là kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Tệ hơn nữa là những giáo phái tuyên truyền những tin đồn về tận thế, hoặc hô hào tự sát tập thể để sang bên kia thế giới; hoặc sử dụng những thói tục cầu cơ lên đồng. Tất cả những điểm này trái với niềm tin Kitô Giáo chân chính, và thậm chí nguy hại cho phong hóa nữa.
Thái độ của Giáo Hội Công Giáo đối với các giáo phái đã thay đổi không ít. Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo không thể nào chấp nhận điều gì trái ngược với đức tin cổ truyền. Tuy nhiên, đứng trước hiện tượng của những tín đồ Công Giáo rời bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái, các giám mục thấy rằng việc lên án không phải là một biện pháp mục vụ hữu hiệu. Cần phải tìm hiểu những động lực nào thúc đẩy các tín hữu chạy theo các giáo phái: phải chăng tại vì tính tò mò hiếu kỳ? Phải chăng tại vì thiếu huấn luyện kỹ lưỡng về giáo lý? Phải chăng tại Giáo Hội không đáp ứng lòng khát khao sống đời tâm linh sâu đậm?
Nói cách khác, thay vì coi các giáo phái như là bọn lạc đạo, cần phải xem hiện tượng này như là một thách đố để duyệt xét đường hướng mục vụ.
Chắc chắn là không tôn giáo nào hay không tín đồ nào muốn bị gắn nhãn hiệu là “cực đoan”, và cũng chẳng ai dại gì mà tự xưng là cực đoan. Thực ra chúng ta gặp thấy khó khăn trong vấn đề dịch thuật. Cái mà gọi là “Hồi Giáo cực đoan” là dịch bởi “fundamentalist”. Tệ hơn nữa, có khi có nơi còn dịch là “cuồng tín, quá khích”.
Tôi cũng không biết phải dịch thế nào nữa cho chính xác. Điều cần thiết là phải hiểu rõ nó là cái gì đã.
Trước tiên nên biết rằng nguồn gốc của hiện tượng này bắt nguồn từ Kitô Giáo, rồi sau đó, các nhà xã hội học mới áp dụng cho các tôn giáo khác trên hoàn cầu. Xét về nguồn gốc lịch sử thì hiện tượng này bắt nguồn từ Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ XX, tại Giáo Hội Presbyterals (Calvinô). Nhằm chống lại các trào lưu giải thích Kinh Thánh theo khuynh hướng phóng khoáng cũng như chống lại các thuyết tiến hóa, một nhóm người đã quảng bá một số tài liệu mang tựa đề The Fundamentals, từ đó mà có tính từ Fundamentalist.
Tự nó, “fundamentals” chỉ có nghĩa là những điều căn bản (hay là cơ bản), được tóm trong 5 nguyên tắc sau đây: 1/ Kinh Thánh không thể sai lầm. 2/ Đức Giêsu sinh bởi Mẹ Maria đồng trinh. 3/ Các phép lạ kể lại trong Phúc Âm có thực. 4/ Đức Giêsu đã chết để chuộc tội cho chúng ta. 5/ Đức Kitô đã sống lại và sẽ quang lâm.
Như vừa nói, dịch “fundamentalist” là cực đoan hay quá khích thì không đúng. Chắc chắn là không ai hãnh diện rằng mình là tín đồ cực đoan. Thế nhưng, vào năm 1920, một phong trào được thành lập tại Chicago mang danh là Liên đoàn các Kitô Hữu Fundamentals. Tự nó, từ ngữ chỉ muốn nói rằng họ chấp nhận 5 nguyên tắc cơ bản của Kitô Giáo vừa nhắc tới.
Tuy nhiên, cần phải lồng hiện tượng này trong bối cảnh lịch sử của nó thì mới hiểu được. Trên lý thuyết, họ muốn bảo vệ các chân lý căn bản của Kitô Giáo chống lại những trào lưu duy lý, phủ nhận phép lạ, phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu. Nhưng phong trào này gắn liền với khuynh hướng bảo thủ trong các Giáo Hội Tin Lành Hoa Kỳ ở cuối thế kỷ XIX, chủ trương giải thích Kinh Thánh theo chữ đen, chống lại những phương pháp giải thích theo nghĩa lịch sử. Họ cũng nhấn mạnh đến chân lý Chúa quang lâm, thúc đẩy những cuộc ăn năn trở lại, bởi vì họ cho rằng thế giới này suy đồi, sắp tới ngày tàn. Nói cách khác, họ có cái nhìn rất bi quan yếm thế, coi thế giới này ở dưới sự thống trị của ma quỷ, và họ cầu mong Chúa quang lâm sẽ tiêu diệt sự dữ.
Tuy là một hiện tượng bắt nguồn từ Giáo Hội Tin Lành Hoa Kỳ nhưng dần dần, các nhà xã hội học cũng mở rộng sự đối chiếu với các tôn giáo khác trên hoàn cầu nữa. Như vừa nói, nguồn gốc của nó có một tầm khá hạn hẹp, nghĩa là trong lãnh vực giải thích Kinh Thánh, theo đúng nghĩa đen (chẳng hạn như Thiên Chúa thực sự dựng nên trời đất trong 6 ngày; ngày hiểu là khoảng thời gian 24 giờ). Khuynh hướng chú giải này cũng nhận thấy ở nơi cả các nhà thần học Công Giáo vào đầu thế kỷ XX.
Một cách tương tự như vậy, trong việc giải thích các tín điều đức tin, phong trào fundamentalist không chấp nhận có sự tiến triển về đạo lý. Hiện tượng này cũng thấy nơi nhiều nhà thần học Công Giáo ở đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, điều mà các nhà xã hội học muốn nêu bật là thái độ của tôn giáo đối với trần thế. Khuynh hướng fundamentalist coi trần thế này đồi trụy sa đoạ, vì thế mà không thể nào sống chung được.
Cả hai. Chị nên biết rằng Hồi Giáo có quan niệm rất chặt chẽ về Sách Thánh. Họ quan niệm rằng chính thiên sứ đã mặc khải các chân lý cho ông Mahomet. Cho nên vấn đề phê bình hay chú giải Sách Thánh không được đặt ra bởi vì Sách Thánh gồm những lời mặc khải từ trời, cứ thế mà tuân hành thôi.
Quan niệm về tổ chức xã hội cũng nghiêm khắc không kém. Không có chuyện phân biệt giữa hai lãnh vực đạo với đời: tất cả mọi thực tại đều đã được quy định trong Sách Thánh: các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội đều phải tuân theo luật đạo.
Các nhà xã hội học thú nhận là hiện tượng fundamentalist rất phức tạp. Chị chỉ cần biết rằng nếu trong Kitô Giáo người ta đếm được tới 20 phong trào, đa số thuộc các Giáo Hội Tin Lành nhưng mà cũng có nhóm thuộc Công Giáo (như nhóm của Lefèbvre) và Chính Thống (bên Nga), thì bên Hồi Giáo có tới 32 nhóm, thì đủ biết khó lòng mà mô tả các đặc trưng chung.
Chúng ta thử lấy Israel làm thí dụ điển hình. Tại đây có hai nhóm Hồi Giáo (Hamas và Jihad), cộng thêm với bốn nhóm của đạo Do Thái nữa. Nếu có những nhóm chủ trương bảo vệ luân lý cổ truyền (chống lại sự sa sút đạo đức), thì cũng có những nhóm liên hệ với lực lượng cách mạng với âm mưu lật đổ chính quyền.
Đó chỉ là một nhóm nhỏ. Chị nên biết là các nhóm Hồi Giáo fundamentalist hoạt động mạnh mẽ hơn tại những quốc gia mà hầu như toàn dân theo Hồi Giáo, chẳng hạn như tại Algerie, Ai Cập, Pakistan. Tại những nước này, đối tượng chống đối của họ không phải là các tôn giáo khác, nhưng chính là chính quyền quốc gia.
Như đã nói trên đây, Hồi Giáo có một quan điểm thần quyền về tổ chức chính trị xã hội. Tất cả mọi thể chế đều phải tuân theo luật của đạo; nói cách khác: chính quyền nằm trong tay giáo quyền. Thế nhưng từ những thế kỷ gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương, người ta muốn tách rời hai lãnh vực đạo và đời ra.
Đó là chưa nói tới những trào lưu khác liên quan tới giáo dục, khoa học, luân lý gia đình. Những nhóm “fundamentalist” cho rằng đây là một sự Tây hóa, đánh mất bản sắc văn hóa đạo đức cổ truyền. Họ coi văn hóa Âu Mỹ tương đương với phong hóa đồi trụy, vô thần. Vì thế không lạ gì mà các nhóm đó tranh đấu đòi trục xuất văn hóa lai căng, trở về với những giá trị đạo đức truyền thống. Trong bối cảnh này, nhóm “fundamentalist” bị đồng hóa với “bảo thủ” “thủ cựu”, nếu chưa nói là cực đoan.
Tôi không dám sử dụng các nhãn hiệu đó. Lý do là tại vì chúng ta đang ở trong lãnh vực phong hóa xã hội, chứ không phải là trong lãnh vực vật lý toán học. Trong toán học, 2 với 2 bằng 4: điều này quá rõ; vì thế ai bảo 2 với 2 bằng 5 là sai, và ai cứ khư khư với sự sai lầm của mình thì đáng gọi là ngoan cố. Trong vật lý, cũng tương tự như vậy: màu trắng thì khác với màu đen: không thể gọi trắng là đen và đen là trắng.
Khi bước sang các giá trị đạo đức, thì việc đánh giá đâu là phải đâu là trái, đâu là hay đâu là dở thì không tuyệt đối như vậy. Con cái vâng lời cha mẹ là một điều tốt. Nhưng nếu cha mẹ dốt nát mà cứ bắt con cái phải vâng lời thì không còn là điều tốt nữa; vả lại nếu khuyến khích con cái cãi lại cha mẹ thì chưa biết sẽ tốt hơn hay không.
Từ một tỉ dụ cỏn con như vậy, chúng ta có thể suy ra những thực tại khác: hầu như thực tại nào cũng có mặt trái mặt phải của nó. Chế độ dân chủ có cái hay mà cũng có cái dở; chủ nghĩa tư bản có cái hay mà cũng có cái dở. Có lẽ khuyết điểm của nhóm fundamentalist là thần thánh hóa tất cả các thực tại trong quá khứ, và tẩy chay tất cả những gì tân tiến. Chúng ta cũng liều mình rơi vào thái cực đối lập: tất cả cái gì mới thì đều tốt, và tất cả cái gì cổ thì đều đáng phải loại bỏ.
Phải nhìn nhận rằng, dưới khía cạnh tâm lý, thái độ của nhóm fundamentalist dễ hiểu hơn, bởi vì họ thấy truyền thống giá trị hàng ngàn năm là một bảo đảm chắc chắn; còn những cái mới thì chẳng biết sẽ tồn tại bao lâu. Các nhà xã hội học nhận thấy rằng nơi nào các cuộc thay đổi xảy đến quá nhanh thì nguy cơ fundamentalist càng lớn; điển hình là tại Hoa Kỳ, nơi bắt nguồn các phong trào fundamentalist.
Nếu thiếu các xác tín làm điểm tựa, thì con người dễ bị tha hóa, và có loạn thần kinh thì cũng không có gì lạ! Niềm tin cổ truyền mang lại một điểm tựa an toàn giữa những bập bềnh sóng gió của dòng lịch sử. Dĩ nhiên, đó không phải là lý tưởng. Lý tưởng không phải là cứ bám khư khư vào quá khứ, nhưng là cần biết phân biệt cái hay cái dở trong cái cũ cũng như trong cái mới.
Đây là điều mà thần học ngày nay gọi là sự phân định. Sự phân định là một đặc sủng của Thánh Thần ban cho cộng đoàn tín hữu: khi cùng nhau cầu nguyện, tìm hiểu ý Chúa, cộng đoàn sẽ nhận ra hướng đi của Chúa Quan Phòng trải qua dòng lịch sử.
Từ Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận rằng Kinh Thánh không chứa đựng hết tất cả các chân lý thuộc thiên văn, khoa học tự nhiên, chính trị, kinh tế xã hội. Trọng tâm của Kinh Thánh là những chân lý liên hệ đến ơn cứu độ.
Ngoài ra, lý trí có khả năng để khám phá những chân lý, qua việc áp dụng các phương pháp khoa học. Người tín hữu đón nhận các chân lý đó, cũng như sẵn sàng đối thoại học hỏi với các nền triết học, các nền văn hóa, các tôn giáo, về những gì hữu ích để nâng cao đời sống con người.