Nếu chỉ dựa trên từ ngữ tiếng Việt thì linh mục và mục sư không có gì khác biệt quan trọng, bởi vì đôi bên đều chung nhau một từ “mục” có nghĩa là chăn dắt. “Linh mục” nêu bật vai trò chăm sóc các linh hồn; còn “mục sư” thì đề cao chức vụ giảng dạy (sư là thầy dạy).
Tuy nhiên trong các từ ngữ Âu Tây và trong lịch sử Giáo Hội, thì giữa hai bên có sự khác biệt quan trọng. Nên biết là trong quá khứ, cách riêng kể từ Công Đồng Trentô, thần học Công Giáo cố gắng nêu lên những khác biệt giữa đôi bên, nhưng từ Công Đồng Vaticanô II, với những nghiên cứu lịch sử, người ta tìm cách bổ túc cho nhau. Dù vậy điều này không có nghĩa là ngày nay không còn sự khác biệt nữa. Chúng ta hãy bắt đầu từ những nhận xét bên ngoài từ thời nay, rồi từ đó chúng ta đi ngược lại lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt, để rồi cuối cùng tìm xem đôi bên bổ túc cho nhau như thế nào.
Sự so sánh này chỉ đúng một phần thôi, nhưng không phải là điều quan trọng. Các mục sư Tin Lành có vợ con, còn các linh mục Công Giáo thì sống độc thân. Tuy nhiên, nếu mục sư Tin Lành trở lại Công Giáo và muốn làm linh mục thì ông không buộc phải bỏ vợ. Nên biết là một vài Giáo Hội Đông Phương Công Giáo chấp nhận quy chế linh mục có gia đình, nhưng họ phải kết hôn trước khi chịu chức.
Trên thực tế thì đúng vậy, nhưng người ta đã muốn tìm những lý do sâu xa hơn. Độc thân không phải chỉ là không lấy vợ, nhưng nhất là đã dành trái tim cho ai khác. Điều này nằm trong lãnh vực của huyền nhiệm.
Bên Đông Phương cũng như bên Tây Phương, ngay từ thời xưa, các giám mục đều sống độc thân và đeo nhẫn để nhắc nhớ rằng mình đã kết hôn với giáo phận là hiền thê của Chúa Giêsu: vì thế vào thời các giáo phụ, các giám mục không được phép thuyên chuyển từ toà này sang tòa khác vì như thế là ngoại tình (thiếu chung thuỷ với người bạn trăm năm).
Đối với các linh mục, sự độc thân được giải thích theo chiều hướng huyền nhiệm của mối tương quan với Chúa Giêsu: họ đã được Chúa chọn làm bạn tri âm, và Người muốn họ dành trót cả trái tim để phục vụ Tin Mừng.
Dù sao, sự khác biệt quan trọng giữa linh mục và mục sư không phải ở chỗ độc thân, nhưng ở hai điểm cơ bản nằm trong chính bản chất về chức vụ, đó là phận vụ tư tế và ấn tích vĩnh viễn. Theo đạo lý Công Giáo, linh mục giữ chức vụ tư tế, và chức vụ này mang tính cách vĩnh viễn.
Như đã nói trên, trong tiếng Việt, linh mục và mục sư đều chung nhau ở từ “mục” nghĩa là chăn dắt. Trong tiếng La Tinh, linh mục được gọi là sacerdos (nghĩa là tư tế). Vào thời Cải Cách Tin Lành, ông Lutêrô đã chỉ trích từ ngữ đó, bởi vì Tân Ước không nói đến một hàng ngũ tư tế trong Hội Thánh (đây là một điều khác biệt với đạo Do Thái và các đạo khác). Theo ông Lutêrô, Tân Ước chỉ áp dụng danh từ “tư tế” cho Đức Kitô (Thượng Tế) và cho toàn thể dân Thiên Chúa (dòng dõi tư tế, như Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất, chương 2 câu 5 và 9). Vì thế các chức sắc không được gọi là “tư tế” mà chỉ là các “tác viên” (ministri), với vai trò là điều khiển cộng đoàn và giảng dạy Lời Chúa.
Từ đó, ta thấy một sự khác biệt khá nổi bật giữa các linh mục Công Giáo và các mục sư Tin Lành. Các mục sư chú trọng đến việc giảng Lời Chúa, các linh mục thì quan tâm đến việc cử hành các bí tích, cách riêng là bí tích Thánh Thể và Hoà Giải.
Câu trả lời không đơn giản, bởi vì tuỳ thuộc vào việc giải thích Kinh Thánh. Ông Lutêrô dựa theo nguyên tắc “chỉ có Sách Kinh Thánh mà thôi” (sola Scriptura) vì thế ông chỉ chấp nhận hai bí tích là Rửa Tội và Thánh Lễ.
Bên Công Giáo không chỉ dựa vào Sách Kinh Thánh nhưng còn dựa trên truyền thống nữa. Dù sao từ thời Cải Cách Tin Lành đến nay, đã có sự thay đổi quan điểm đáng kể về phía Giáo Hội Công Giáo.
Hồi thế kỷ XVI, đứng trước sự chỉ trích của ông Lutêrô, Giáo Hội Công Giáo giữ một thái độ tự vệ, nghĩa là phi bác ông ta. Hậu quả là không những thần học nhấn mạnh đến chức vụ tư tế của linh mục mà muốn làm nổi bật ngay cả trong lối kiến trúc thánh đường nữa. Khi bước vào một nhà thờ Công giáo, chúng ta thấy ở chính giữa là bàn thờ với nhà tạm chứa Mình Thánh Chúa; còn khi bước vào một nhà thờ Tin Lành, thì ta thấy gian giữa được dành cho toà giảng và Sách Kinh Thánh. Công Đồng Vaticanô II đã xét lại thái độ đó.
Công đồng nhìn nhận ông Luterô có lý khi nhận xét rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả các tín hữu đều được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô, nhờ đó họ được quyền tham dự tích cực vào phụng tự của Hội Thánh, và cách riêng họ được mời gọi hãy hiến dâng trót cuộc đời làm hy lễ tinh thần làm đẹp lòng Chúa.
Công đồng nói điều này ở Hiến Chế về Hội Thánh số 10 và được lặp lại trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 784. Tuy nhiên, bên cạnh hàng tư tế phổ quát (nghĩa là chung cho tất cả các tín hữu) còn có chức tư tế thừa tác nữa.
Trong Hán Việt, “thừa” có nhiều nghĩa: có khi là “dư thừa” (thừa thãi), có khi là “vâng chịu” (thí dụ: thừa hành, thừa lệnh) hoặc là “giúp đỡ” (thừa phái). “Tác” có nghĩa là “làm ra” (tác động, công tác). Còn trong tiếng latinh thừa tác là “ministeriale”, một tính từ gốc bởi ministerium, có nghĩa là một sự phục vụ, giúp đỡ.
Từ ngữ này muốn nêu bật tinh thần của các chức sắc trong Giáo Hội: không phải là tìm chức quyền địa vị, nhưng là sự phục vụ, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chức tư tế thừa tác nhằm trước hết là phục vụ các mầu nhiệm thánh (nghĩa là chính Chúa Giêsu), và kế đó là phục vụ các anh chị em của mình, khi trao ban cho họ hồng ân cứu độ.
Công Đồng Vaticanô II không chỉ nhấn mạnh đến chức vụ tư tế của các linh mục, nhưng còn nói đến vai trò rao giảng và mục tử nữa. Những nghiên cứu lịch sử cho thấy ông Lutêrô có lý khi ông đề cao chức vụ rao giảng, vào thời buổi mà các linh mục chỉ lo chuyện tế tự (giống như thầy cúng) chứ không lo chuyện rao giảng.
Nhằm bù đắp sự thiếu sót đó, Công Đồng Trentô đã quyết định thành lập chủng viện để đào tạo đạo lý cho các linh mục. Riêng về kiến trúc thánh đường sau Công Đồng Vaticanô II, người ta thấy nhiều nơi dành chỗ nổi bật cho toà giảng, bên cạnh nhà tạm đặt Mình Thánh Chúa, nhằm nêu bật hai bàn tiệc của Lời Chúa và Mình Chúa.
Ngoài ra, trong tông huấn Pastores dabo vobis tiếp theo Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về việc đào tạo linh mục (họp năm 1990), ĐTC Gioan Phaolô muốn tóm lược hình ảnh trụ cốt của linh mục vào chân dung của “mục tử”, theo gương của Chúa Giêsu mục tử nhân lành. Cũng như Chúa Giêsu, các linh mục hãy đến với các tín hữu với tâm tình yêu thương dâng hiến, dù khi rao giảng, dù khi cử hành bí tích hay giúp đỡ các nhu cầu tinh thần hay vật chất của họ.
Có thể có sự khác biệt trong tiếng Hán Việt, nhưng trong tiếng Âu châu không có gì khác biệt, bởi vì đều dịch bởi danh từ pastor (tiếng La Tinh và tiếng Anh). Tuy nhiên có sự khác biệt đáng kể trong cách giải thích và sử dụng từ này tại một vài nơi.
Nói chung, bên Công Giáo, các giám mục và linh mục đều ý thức rằng mình là mục tử, nhưng họ không được gọi bằng chức vụ này. Bên Tin Lành, các mục sư được gọi là pastor (ở Hoa Kỳ, các linh mục chánh xứ cũng được gọi là pastor). Dù sao, sự khác biệt cơ bản giữa Công Giáo và Tin Lành nằm ở chỗ nguồn gốc và thời hạn của chức vụ.
Bên Tin Lành, nguồn gốc của chức vụ là do cộng đoàn ban cấp, và khi mãn công tác thì cũng hết chức vụ (ta có thể ví như các chức vụ công cử: không ai làm thủ tướng mãn đời; khi hết chức vụ thì cùng lắm ông được tặng chức “cựu thủ tướng” mà thôi).
Bên Công Giáo, chức linh mục (và giám mục) được lãnh nhận qua bí tích, và in một ấn tích (character) suốt đời. Vì thế không những một linh mục về hưu vẫn là linh mục, mà kể cả một linh mục phá giới vẫn còn mang ấn tích ấy, và khi gặp một người sắp chết, người vẫn được phép ban bí tích Giải tội. Ấn tích được giải thích như là một dấu ấn của Chúa Kitô ghi vào linh hồn của con người linh mục, để nhân danh Chúa ban phát các mầu nhiệm thánh cho loài người.
Trong tiếng Việt, hạn từ “ngôn sứ” mới xuất hiện khoảng chừng mấy chục năm nay để dịch từ propheta, thay thế cho hạn từ “tiên tri”. “Tiên tri” thường được hiểu như biết trước, nhờ đó mà nói trước một sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.
Nếu phân tích nguyên gốc Hy Lạp, từ prophetes, gồm bởi “pro” (trước) và “phet” (nói), có nghĩa là“nói trước” (theo nghĩa thời gian), tức là tiên báo, tiên đoán. Thế nhưng hiểu như vậy thì không đúng, bởi vì cụm từ “nói trước” cần được giải thích theo nghĩa không gian, tức là nói thay nói thế (đứng vào chỗ của người khác), chứ không phải “nói trước” theo nghĩa thời gian.
Hạn từ tương đương trong tiếng Do Thái nabi được hiểu theo nghĩa đó : mõ, loa, kẻ phát ngôn. Vì thế proheta dịch là “ngôn sứ” thì sát nghĩa hơn: ngôn sứ có nghĩa là người nói thay; áp dụng vào lãnh vực tôn giáo, ngôn sứ có nghĩa là “người nói thay Thiên Chúa”. Các ngôn sứ là một thể chế của dân tộc Israel, và Kitô Giáo kế thừa thể chế đó.
Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy có một khối được gọi là sách “Ngôn sứ”, bên cạnh hai khối “Lịch sử” và “Khôn ngoan”. Mở đầu các sách ngôn sứ là Isaia; điều này dễ khiến ta lầm tưởng rằng Isaia là ngôn sứ đầu tiên. Sự thực không phải như vậy. Vị ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhất của dân tộc Israel là ông Mosê, như sách Đệ Nhị Luật đã nhìn nhận (18,15.18), bởi vì qua ông mà Chúa đã ban Lề luật cho dân.
Có thể nói rằng ông Mosê là khởi đầu cho một đường lối mới mà Chúa đã thực hiện đối với dân Israel, tức là Thiên Chúa dùng các nhân vật trung gian để bày tỏ ý định của Người. Các ngôn sứ trở thành một “định chế” của dân tộc, cũng tương tự các vua và các tư tế. Thật ra, định chế các vua ra đời muộn hơn các ngôn sứ, bởi vì trải qua một thời gian dài, dân tộc Israel được lãnh đạo không phải do nhà vua nhưng là do các “thủ lãnh” (hoặc cũng được dịch là: các thẩm phán, phán quan). Vai trò của các vị này cũng khá độc đáo, và cũng đáng được gọi là “ngôn sứ”.
Tại vì sau khi đã vào đất Canaan, dân Israel không còn một lãnh tụ nào cho toàn dân tộc như ông Giosuê. Xem ra mỗi bộ lạc được cai quản bởi một tù trưởng. Tình trạng này kéo dài khoảng 2 thế kỷ (từ năm 1200 đến năm 1025). Bình thường thì không sao, nhưng đến khi tổ quốc bị xâm chiếm thì không có ai cầm quân để chống đỡ. Tuy nhiên, đó là nói dưới khía cạnh quân sự.
Tác giả của Sách Thẩm Phán thì có cái nhìn khác: ông cho rằng việc Israel bị quân địch đô hộ là hình phạt vì tội bất trung với giao ước. Vì thế, khi Israel biết nhìn nhận tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa sẽ sai một “thủ lãnh” đến giải phóng dân tộc.
Cấu trúc tiểu sử của mỗi vị thủ lãnh (Otniel, Gedeon, Giepthe, Samson) hầu như y hệt, xoay quanh bốn điểm sau đây: “bất trung - hình phạt - hối cải - giải phóng” (xc. Tl 2,11-19). Các thủ lãnh này có thể được gọi là ngôn sứ, bởi vì họ được Chúa sai đến để kêu gọi dân Chúa hãy trở về với giao ước. Những ngôn sứ này “nói” hơn là viết, không như những tác giả của các sách ngôn sứ.
Ông Elia được Tân Ước coi là một đại ngôn sứ. Vì thế, khi Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, ta thấy hai ông Mosê và ông Elia hiện đến đàm đạo : hai vị này tượng trưng cho Lề Luật và Ngôn sứ.
Ông Elia là một ngôn sứ, và là ngôn sứ “nói” (chứ ông không viết sách). Tuy nhiên, ông Elia sống sau thời các “thủ lãnh” vừa được nhắc đến trên đây. Nói chính xác hơn nữa, ông sống vào thời mà dân Israel đã thiết lập chế độ quân chủ, nghĩa là đã có nhà vua.
Thật ra, ngay từ thời buổi đầu chế độ quân chủ, ta đã thấy xuất hiện các ngôn sứ, chẳng hạn như ôn Samuel vào thời vua Saulô, ông Nathan vào thời vua Đavit. Nhưng các ngôn sứ gia tăng từ khi các vua đã từ bỏ đạo cha ông; các ngôn sứ được gửi đến để cảnh cáo. Trước khi đi tiếp, chúng ta hãy dừng lại để nói đôi lời về ngôn sứ Elia.
Trước khi được Chúa cất về trời, ông để lại ông Elisa làm người kế thừa. Điều đáng nói là ở quyển Hai sách Các Vua, chương hai, ta thấy ông Elisa sống với một nhóm 50 người mang tên là “các con cái ngôn sứ” (có khi cũng được gọi là “đồ đệ ngôn sứ, phường ngôn sứ”). Tuy nhiên ở chỗ này, vai trò ngôn sứ không phải là loan báo lời Chúa, cho bằng cầu nguyện và xuất thần.
Hiện tượng này đã thấy xuất hiện vào thời ông Samuel, được thuật lại trong Sách Samuel quyển 1, ở chương 10, câu 5-6 và chương 19,20-24. Các học giả đã đưa ra những giải thích khác nhau về nguồn gốc của hiện tượng này, và không loại trừ phong tục đạo đức dân gian. Dù sao, có lẽ điều quan trọng cần được ghi nhận là trong lịch sử Kitô Giáo, Dòng Carmêlô đã được thành lập dựa theo gương của nhóm ấy, theo nghĩa là họ sống nơi cô tịch để cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa.
Cuộc đời các ngôn sứ vừa nói trên đây (Nathan, Elia) được kể lại trong khối các sách lịch sử. Các ngôn sứ “viết” thì được kể lại trong khối các sách ngôn sứ (nghĩa là ngôn sứ viết). Những người này xuất hiện muộn hơn, vào khoảng thế kỷ VIII. Nên lưu ý là các sách ngôn sứ được xếp theo thứ tự chiều dài (nghĩa là sách nào dài hơn thì đặt trước), chứ không phải theo thứ tự lịch sử.
Các sử gia đã xếp đặt lại thứ tự như thế này, chia làm ba giai đoạn: trước thời lưu đày, thời lưu đày, và sau lưu đày.
1/ Trước lưu đày: Amos, Hôsê, Isaia, Mica (tk.VIII); Nahum, Sophonia, Giêrêmia, Khabakuk (tk.VII-VI). 2/ Thời lưu đày: Edekiel, Hậu-Isaia. 3/ Sau lưu đày : Khaggai, Zacaria, Malaki, Giona, Đaniel.
Không phải như vậy. Nhiệm vụ của các ngôn sứ là “nói”, nghĩa là phục vụ Lời Chúa, thường là bằng lời giảng nhưng đôi khi cũng qua những cử chỉ, hành động. Sau đó, hoặc chính họ, hoặc các môn đệ mới ghi lại lời giảng và lưu lại thành sách.
Nói chung, sứ mạng của các ngôn sứ là nhắc nhở dân Israel (từ vua quan cho tới nhân dân) hãy nhớ lại giao ước mà họ đã hứa với Thiên Chúa. Trên thực tế, hầu hết các ngôn sứ được sai đến để tố cáo những tội lỗi bất trung của dân tộc, điển hình là tội thờ ngẫu tượng, cũng như những tội vi phạm công bằng xã hội. Họ cảnh cáo tội phạm, hăm doạ hình phạt nếu không hoán cải. Hình phạt nặng nhất là sự lưu đày.
Vào thời lưu đày, các ngôn sứ lại hứa hẹn sự khôi phục quốc gia, và cách riêng họ loan báo thời cuối cùng, khi Đấng Thiên Sai được gửi đến để mang lại sự giải phóng cho đất nước.
Trong Kinh Thánh, đôi khi ta thấy hai ngôn sứ cùng xuất hiện đồng thời, một ông nói trắng một ông nói đen, khiến cho lòng dân hoang mang, chẳng biết ai đúng ai sai. Một trường hợp điển hình có thể tìm thấy ở chương 28 sách Giêrêmia: ông này cảnh cáo tai họa sắp tới : đang khi ông Khanania lại tiên báo hoà bình.
Hiện tượng ngôn sứ “giả hiệu” cũng được Tân Ước nói đến, chẳng hạn như ở Tin Mừng Thánh Matthêu, chương 24 câu 24, và chắc chắn sẽ còn kéo dài cho đến tận thế. Làm thế nào phân biệt ai là chính hiệu, ai là giả hiệu?
Kinh Thánh đưa ra ba tiêu chuẩn, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được.
1/ Tiêu chuẩn thứ nhất là sự ứng nghiệm của lời tiên báo: nếu sự việc xảy ra đúng như lời tiên đoán thì ngôn sứ ấy nói thật. Tuy nhiên, điều này không dễ áp dụng, bởi vì có khi phải chờ cả chục năm hay cả trăm năm thì sự việc mới xảy đến; thử hỏi còn mấy người sống để kiểm chứng?
2/ Tiêu chuẩn thứ hai: lời nói có hợp với đạo lý chính thống không? Điều khó khăn là đôi khi các ngôn sứ được sai đến để cải tổ truyền thống, (điển hình là Đức Giêsu trong bài giảng trên núi), vì thế không lạ gì các đấng đã bị loại trừ.
3/ Tiêu chuẩn thứ ba: đời sống đạo đức. Tiêu chuẩn xem ra dễ kiểm chứng hơn cả, mặc dù một đàng, các ngôn sứ giả hiệu cũng có thể đội lốt chiên lành, như Chúa Giêsu đã cảnh báo (Mt 7,15), và đàng khác, các ngôn sứ thật cũng có lúc chán nản, tháo lui, như là ông Elia hoặc ông Giona.
Công Đồng Vaticanô II nói điều này trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh ở số 12, và được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trưng lại ở các số 783-785.
Nguyên văn như sau: “Dân Thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào phận vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Người, cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người”.
Thiết tưởng một từ ngữ tương đương là “làm chứng”. Làm ngôn sứ có nghĩa làm chứng cho Đức Kitô, bằng việc làm và bằng lời nói. Riêng về chứng tá bằng lời nói, bản văn của công đồng nói đến hai chiều: nói về Chúa trước mặt thế gian, nhưng cũng nói với Chúa, trong lời chúc tụng ngợi khen của kinh nguyện.
Theo tôi nghĩ, “thầy giảng” là một thuật ngữ riêng lưu hành trong nội bộ đạo Công Giáo. Trong xã hội, người ta nói đến “thầy giáo, thầy thuốc”, chứ không biết đến “thầy giảng”.
Tên gọi “thầy giảng” là do các cha Dòng Tên đặt ra khi đến truyền giáo ở Việt Nam cách đây 400 năm. “Thầy giảng” là nói tắt của “thầy giảng đạo”: vào lúc đầu có lẽ ám chỉ chính các nhà truyền giáo ngoại quốc đến Việt Nam giảng đạo Chúa, rồi sau đó chuyển sang để gọi những người bản xứ cộng tác với các đấng.
Việc các thừa sai chọn những người địa phương để cộng tác với mình đã được áp dụng tại nhiều vùng khác nhau, tựa như ở Mỹ châu La Tinh, Ấn Độ, Nhật bản. Những cộng sự viên này được gọi chung là “catechista” mà ngày nay dịch là “giáo lý viên”.
Thật ra, dịch catechista là giáo lý viên thì không hoàn toàn chính xác, bởi vì nhiệm vụ của những người này không chỉ giới hạn vào việc dạy giáo lý, nhưng còn được giao phó nhiều công tác khác nữa, chẳng hạn như chủ sự các kinh nguyện tại nhà thờ, đứng đầu các cộng đồng thiếu linh mục, vv. Tôi nghĩ rằng dịch là “thầy giảng” thì hay hơn, bởi vì muốn diễn tả vai trò chính là “giảng đạo”, chia sẻ trách nhiệm truyền giáo với các thừa sai.
Đúng thế. Các thầy giảng đã có mặt ở nhiều vùng truyền giáo trên thế giới, nhưng khi sang Việt Nam thì có mang thêm hai sắc thái độc đáo. Thứ nhất, các thầy giảng là những người độc thân và có lời khấn. Thứ hai, có nhiều cấp bậc thầy giảng.
Về điểm thứ nhất, chúng ta thấy các cha Dòng Tên (đặc biệt là cha Đắc Lộ) chỉ tuyển lựa những người độc thân làm thầy giảng; điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì những người không có gia đình mới có thể dành thời giờ cho việc giảng đạo.
Nhưng hơn thế nữa, các thầy giảng còn có lời khấn, tương tự như các tu sĩ. Lớp thầy giảng đầu tiên của cha Đắc Lộ tuyên khấn ba điều: a) không lập gia đình; b) để tài sản làm của chung; c) vâng phục người được cha đặt làm bề trên.
Lớp khấn đầu tiên diễn ra ở Hà Nội (thuộc Đàng ngoài) năm 1630 và ở Hội An (Đàng trong) năm 1643. Giữa hai thời điểm đó, Cha D’Amaral còn để lại một bản tường trình cho biết các thầy giảng phải khấn “vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh”.
Điểm đặc sắc thứ hai là có nhiều cấp bậc thầy giảng. Khi mới gia nhập thì họ được gọi là “kẻ giảng”; sau một thời gian có kinh nghiệm mới được phong làm “thầy giảng”. Chức “thầy” tỏ dấu kính trọng, dựa theo thứ tự trong xã hội thời xưa “quân - sư - phụ” (nghĩa là vua - thầy - cha). Không lạ gì mà bên Phật Giáo, các tu sĩ tu đạo lâu năm được gọi là “sư” (hoặc là thầy). Cũng nên biết là “thầy giảng” là một danh hiệu trao tặng cho những người từng trải; trên nữa là “thầy cả” (tức là linh mục), chứ không phải là “cha”, bởi vì như vừa nói, theo quan điểm Khổng Giáo, thầy đứng ở một vị trí cao hơn cha.
Vào lúc ban đầu, dưới thời Cha Đắc Lộ, các thầy giảng chỉ đi giúp các cha thừa sai. Sau đó, khi Tòa Thánh đặt hai vị giám mục làm Đại diện Tông tòa ở Việt Nam, thì các đấng bắt đầu truyền chức linh mục cho người bản xứ, và những người linh mục đầu tiên được tuyển từ các thầy giảng, đó là Giuse Trang và Luca Bền thuộc Đàng Trong thụ phong bên Thái Lan vào tháng 3 năm 1668, và ba tháng sau, cũng tại địa điểm ấy, hai thầy thuộc Đàng ngoài là Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền.
Tuy đã có một chủng viện được thiết lập ở Thái Lan để lo việc đào tạo giáo sĩ, nhưng trên thực tế, hầu hết các linh mục được đào tạo tại Việt Nam làm thầy giảng, rồi sau đó học thêm bổ túc vài môn học. Kể từ đó, ta thấy các thầy giảng không chỉ được phân biệt làm hai cấp “kẻ giảng” (trong thời gian đầu) và “thầy giảng” (sau khi đã có kinh nghiệm), mà còn có sự phân biệt giữa những thầy giảng tạm gọi là “vĩnh viễn” nghĩa là chỉ dừng lại ở tác vụ này, và những thầy giảng sẽ làm linh mục.
Đọc lại lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tôi có cảm giác là các vị giám mục quan tâm đến việc chuẩn bị những ứng viên linh mục, hơn là đào tạo các thầy giảng theo khuôn mẫu của các cha Dòng Tên trước đây.
Tôi nghĩ chỉ đúng một phần thôi. Câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Người ta thấy có sự khác biệt một bên là các địa phận của Dòng Đa Minh ở miền Đông Bắc phần, và bên kia là các địa phận khác tại Việt Nam.
Tại các địa phận của Dòng Đa Minh, các thầy giảng được sát nhập vào tổ chức Nhà Đức Chúa Trời, và sống tại nhà xứ bên cạnh các linh mục, và cùng hợp tác với các vị trong việc dạy giáo lý hoặc chủ trì các họ lẻ. Vì thế tại đây, tổ chức các thầy giảng còn được duy trì nói được là cho đến năm 1954.
Còn tại các địa phận khác, thì tổ chức các thầy giảng nói được là tan rã từ thế kỷ XVIII. Thường tên gọi “thầy giảng” được dùng để gọi các chủng sinh được cử về nhà xứ để thực tập mục vụ, trong đó có việc dạy giáo lý. Nhưng để bù lại, các linh mục tìm thấy những cộng sự viên mới ở nơi “hội đồng giáo xứ” (trước đây mang tên là “hội đồng quí chức”, hay “hội đồng chức việc” ,vân vân). Còn chính việc dạy giáo lý thì sẽ do linh mục hoặc chủng sinh đảm đương; đối với phụ nữ thì có các nữ tu phụ tá.
Vì thế vào đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy đội ngũ của các thầy giảng ở Việt Nam mang nhiều dạng thức.
1/ Dạng thức cổ điển nhất của cha Đắc Lộ để lại là những thầy giảng dấn thân cho việc truyền giáo: họ giữ độc thân và đôi khi cũng có lời khấn tư. Họ tuỳ thuộc đức giám mục giáo phận, tuy rằng bề trên trực tiếp của họ là cha xứ nơi họ được cử về.
2/ Dạng thức thứ hai là những người chuẩn bị làm linh mục; như vậy, thời gian làm thầy giảng chỉ có tính cách tạm thời.
3/ Dạng thức thứ ba là những người chỉ dạy giáo lý: những người này có thể là nữ tu, hoặc kể cả giáo dân nhưng họ không buộc phải giữ luật độc thân như trước.
Như vừa nói, dạng thứ nhất được duy trì nơi tổ chức nhà Đức Chúa Trời của các địa phận dòng Đaminh ở miền Đông Bắc phần. Ngoài ra, một vài giám mục hoặc giáo sĩ cũng lập ra những tu hội thầy giảng, mà ta thấy còn vết tích nơi các dòng Sư Huynh Chúa Kitô Vua (trước đây gọi là Dòng Thầy Giảng Cái Nhum), Dòng Sư Huynh Thánh Tâm ở Huế, Dòng Tiểu Đệ Thánh Giuse ở Qui Nhơn.
Tôi không biết rõ từ hồi nào danh từ “giáo lý viên” được lưu hành tại Việt Nam, nhưng tôi có thể đoán được lý do tại sao người ta không còn dịch là “thầy giảng”.
Lý do thứ nhất có lẽ tại vấn đề ngôn ngữ. Ở Việt Nam, người ta quen với tên gọi “thầy giáo”, chứ tên “thầy giảng” hơi xa lạ. Lý do thứ hai, tại vì không phải tất cả những người dạy giáo lý đều là “thầy”, có thể là “cô” nữa. Lý do thứ ba không kém quan trọng là ngày nay vai trò của các giáo lý viên là dạy giáo lý, trong khi mà vào thời cha Đắc Lộ, vai trò này còn bao gồm nhiều lãnh vực khác.
Thực ra, ngay trong bộ Giáo Luật hiện hành, danh từ catechista cũng được hiểu theo hai nghĩa khác nhau.
1) Trong quyển Ba, bàn về sứ vụ giảng dạy của Giáo Hội, khi bàn về việc huấn giáo, đ.776 và 780 đề cập đến catechista như là người dạy giáo lý (giảng viên giáo lý). Dĩ nhiên, các giảng viên giáo lý có thể phân chia thành nhiều hạng, thí dụ: dạy giáo lý cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ, hoặc dạy giáo lý cho người lớn dự tòng. Thêm vào đó, ta có thể kể các giáo viên hay giáo sư dạy giáo lý trong các học đường Công Giáo nói ở đ.804. Họ lãnh nhận một ủy nhiệm của giáo quyền để dạy giáo lý công khai ở nhà xứ, nhà trường, nhà thờ hoặc một cơ sở của Giáo Hội.
2) Trong thiên bàn về hoạt động truyền giáo, đ.785 nói tới một dạng catechista khác. Họ không những
đảm trách việc trình bày giáo lý, mà còn có thể được ủy thác điều hành các công việc phụng vụ và hoạt động bác ái. Vai trò của họ được mô tả như thế này:
§1. Trong việc thi hành các việc truyền giáo, nên dùng các giáo lý viên, tức là các giáo dân được huấn luyện đầy đủ và nổi bật về đời sống Kitô Giáo; dưới sự hướng dẫn của vị thừa sai, họ sẽ chuyên lo trình bày giáo lý Phúc Âm, điều hành các công việc phụng vụ và hoạt động bác ái.
§2. Các giáo lý viên cần được huấn luyện trong các trường dành chuyên biệt về giáo lý, hay, nếu không có trường, thì dưới sự hướng dẫn của các thừa sai.
Ngày 3-12-1993, Bộ Truyền Giáo đã ban hành một văn kiện tựa đề: “Hướng dẫn dành cho các giáo lý viên”, bàn về vai trò, sự huấn luyện của các giáo lý viên, cũng như trách nhiệm của Giáo Hội đối với họ. Bởi vì nếu họ làm việc toàn thời gian, thì phải nghĩ đến chuyện lương bổng để cung cấp sinh kế cho họ.
Như vậy, hình ảnh “thầy giảng” cổ truyền của Việt Nam vẫn còn được duy trì trong bộ Giáo Luật hiện hành, nhưng với vài thay đổi không nhỏ. Thứ nhất, họ không hẳn là người độc thân, nhưng có thể là người có gia đình. Thứ hai, họ không nhất thiết là người nam mà có thể là người nữ. Thứ ba, các thầy giảng là một tác vụ bền vững, chứ không phải là một bước để tiến lên chức linh mục. Chính vì những lý do ấy mà các giám mục ở miền truyền giáo thấy không cần phải thiết lập chức phó tế vĩnh viễn nữa. Những tác vụ của phó tế vĩnh viễn có thể được thi hành đắc lực bởi các giáo lý viên hiểu theo nghĩa thầy giảng.
“Chính Thống” theo Hán Việt có nghĩa là dòng dõi đích thực (“thống” là mối tơ nối kết), và chúng ta liên tưởng đến truyền thống chân chính. Nguyên gốc Hy Lạp orthodoxia, gồm bởi “orthos” (chân chính) và “doxa” (ý kiến, tư tưởng), nhằm nói lên đức tin chân chính. Có lẽ nhiều người hiểu ngay là danh xưng này được đặt ra để phân biệt với các giáo hội lạc đạo, cách riêng là Giáo Hội Công Giáo. Sự thực không phải như vậy.
Từ ngữ Giáo Hội Chính Thống được đặt ra hồi thế kỷ V bởi toà thượng phụ Constantinopolis (và trở thành phổ thông từ thế kỷ VIII) không phải để đối chọi với toà Rôma, nhưng là để đối chọi với những toà nào không chấp nhận bảy công đồng hoàn vũ tiên khởi, từ Công Đồng Nixêa I (năm 321) đến Nixêa II (năm 787).
Đúng vậy. Thậm chí phải nói rằng các bè phái chia rẽ trong Giáo Hội đã xảy ra ngay từ thời các thánh tông đồ.
Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho biết là tại đây đã nảy lên bốn bè: bè của Phêrô, bè của Phaolô, bè của Apollô, và bè của Đức Kitô nữa. Có thể nói là nạn bè phái gắn vào xương tủy của con người rồi, ở đâu và thời nào nó cũng có thể bộc phát được hết. Khác một điều là có những bè phái nổi lên rồi xẹp xuống, nhưng có những bè nổi lên lôi cuốn theo nhiều giáo đoàn rộng lớn.
Hiện tượng này bắt đầu xảy ra cho Kitô Giáo từ thế kỷ IV với lạc giáo Ariô, và nhất là từ thế kỷ V. Có thể lấy mốc điểm là hai công đồng hoàn vũ tại Êphêsô và Calxêđônia.
Công Đồng Êphêsô năm 431 tuyên bố: nơi Đức Kitô, thiên tính và nhân tính kết hợp với nhau thành một ngôi vị, ngôi vị của Lời Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của công đồng nhắm chống lại thuyết của ông Nestôriô. Tiếc rằng, nhân vật chủ chốt của Công Đồng Êphêsô là ông Cyrillô thượng phụ của Alêxanđria (Ai Cập), và đối thủ của ông là Nestôriô lại là thượng phụ của Constantinopolis và thuộc trường phái Antiôkia (Syria). Vì thế mà nhiều giáo đoàn bên Syria không chấp nhận Công Đồng Êphêsô, và tách rẽ ra họp thành các giáo đoàn Nestôriô, cũng còn gọi là Calđêa (bên Ba tư). Nên biết là các giáo đoàn này mở rộng biên cương truyền giáo sang Ấn Độ và Trung Hoa ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất.
Xưa nay chúng ta coi các giáo đoàn theo Nestôriô là lạc giáo. Nhưng nhờ những sự nghiên cứu lịch sử, người ta thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Ông Nestôriô không chấp nhận Công Đồng Êphêsô vì sợ rằng khi khẳng định Đức Kitô chỉ có một ngôi vị thì sẽ rơi vào thuyết nhất tính, một khuyết điểm của trường phái Alêxanđria. Trong trường phái này, đã có người chủ trương rằng nơi Đức Kitô, thiên tính đã thu hút nhân tính đến nỗi trở thành linh hồn của Đức Giêsu (Đức Giêsu không có linh hồn con người).
Thực tế điều đó đã xảy ra, vì thế Công Đồng Calxêđônia năm 451 đã long trọng tuyên bố rằng nơi Đức Kitô, hai bản tính giữ nguyên các đặc tính của mình, không trà trộn với nhau. Thế là nhiều giáo đoàn đã phản đối Calxêđônia, vì họ cho rằng công đồng này đã rơi vào lạc giáo Nestôriô. Họ họp thành các Giáo Hội Nhất Tính, và bành trướng tại Ai Cập, Etiôpia, Armênia.
Đúng như vậy. Các tín điều của hai công đồng Êphêsô và Calxêđônia đều xoay quanh mầu nhiệm Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Làm sao dung hoà hai bản tính khác nhau trong một chủ thể. Ở đây tôi không muốn đi sâu vào vấn đề thần học, nhưng chỉ muốn tìm hiểu những lý do của sự chia rẽ.
Tôi đã nhắc tới hai quan điểm khác nhau về thần học giữa hai trường phái Antiôkia và Alêxanđria, điển hình nơi hai ông Cyrillô và ông Nestôriô. Thêm vào đó là sự tranh chấp giữa hai toà thượng phụ Alêxanđria và Constantinopolis, cách riêng là sau Công Đồng Calxêđônia, toà Constantinopolis càng ngày càng lên mặt vì là thủ đô của đế quốc Rôma. Chính vì thế mà nhiều giáo hội muốn được thoát ly khỏi sự thống trị của toà này, thường bị chính quyền kiểm soát. Tiếc rằng từ thế kỷ VI trở đi, các giáo hội ở Ai Cập và Trung Đông đã bị xóa nhoà do sự tấn công của Hồi Giáo, cho nên chỉ còn toà thượng phụ Constantinopolis là nổi bật hơn cả.
Vào hồi thế kỷ V, người ta nói đến 5 toà thượng phụ trong toàn Hội Thánh: Rôma, Constantinopolis, Alêxanđria, Antiôkia, Giêrusalem. Nhưng đến cuối thế kỷ VIII, chỉ còn hai toà thượng phụ đứng vững là Rôma và Constantinopolis.
Thượng phụ dịch từ patriarcha trong tiếng Hy Lạp. Kinh Thánh đã dùng từ này để ám chỉ các vị tổ phụ của dân Do Thái, chẳng hạn như Abraham, Giacóp.
Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, danh từ này được áp dụng cho vài toà giám mục nổi bật trong Hội Thánh, thường gắn liền với một trung tâm văn hóa hay truyền giáo, ví được như là tổ phụ của một dòng dõi đông đúc.
Chẳng hạn toà Antiôkia (vốn là một trung tâm văn hóa) đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo sang Tiểu Á; một cách tương tự như vậy, toà Alêxanđria (cũng là một trung tâm văn hóa), đã truyền giáo cho Ai Cập và Etiôpia; toà Rôma vừa là toà của Thánh Phêrô Tông Đồ, vừa là toà giám mục nổi bật trong toàn thể miền Tây châu Âu.
Tuy rằng các Giáo Hội ở miền Ai Cập và Trung Đông bị xóa nhoà trước sự tấn công của Hồi Giáo, nhưng không có nghĩa là Kitô Giáo hoàn toàn bị tiêu diệt. Các giáo hội tại miền này tuy ít nhưng vẫn giữ các toà giám mục cổ truyền, đặc biệt là các toà thượng phụ, tuy thực quyền không được bao nhiêu.
Trên thực tế, con số các toà thượng phụ tăng chứ không giảm. Có ba yếu tố chính đưa đến sự tăng gia số thượng phụ. Yếu tố thứ nhất là ly giáo. Như đã nói trên, sau Công Đồng Ephêsô và Calxêđônia, có những giáo đoàn đã ly khai; vì thế mà tại một thành phố như Alêxanđria hay Antiôkia, có thể có tới 2 hay 3 thượng phụ.
Yếu tố thứ hai là truyền giáo. Toà thượng phụ Constantinopolis, (cũng gọi là Byzantin hay Chính Thống), bành trướng sang miền Đông Âu. Tại đây, khi các giáo đoàn lớn mạnh, toà giám mục thủ đô cũng đòi tước hiệu thượng phụ, chẳng hạn như toà Moscơva bên Nga. Con số tín hữu ở bên Nga đông cả mấy chục lần con số các tín hữu tại Constantinopolis, từ khi thành phố này rơi vào tay Hồi Giáo. Với dòng thời gian, nhiều giáo hội bên Đông Âu cũng đòi thiết lập toà thượng phụ (như Georgia, Rumania, Serbia, Bulgaria), bởi vì họ không muốn lệ thuộc vào cấp trên ở nước ngoài.
Yếu tố thứ ba là một số giáo hội bên Đông Phương hợp nhất với Toà Thánh Rôma, và cũng nhận được tước thượng phụ.
Chúng ta cần phải ghi nhận rằng nhiều từ ngữ được sử dụng theo quy ước, chứ không phù hợp với thực tại. Đông và Tây là hai hạn từ quy ước. Đối với Rôma thì Constantinopolis là Đông. Còn đối với Ấn Độ thì Constantinopolis là Tây. Sang tới Việt Nam thì chúng ta lại phải điều chỉnh ngôn ngữ lần nữa. Giả như chúng ta sang San Francisco, thì chúng ta sẽ thấy Việt Nam ở hướng Tây và Rôma ở hướng Đông.
Trở về lịch sử Kitô Giáo vào năm thế kỷ đầu tiên, sự phân biệt Đông và Tây dựa theo ranh giới của hai mạn của Đế quốc Rôma với hai trụ sở đặt tại Rôma và Constantinopolis. Tất cả các giáo hội dù ở bên Đông hay bên Tây đều là Công Giáo và Chính Thống, bởi vì tất cả đều chấp nhận các đạo lý của các thánh tông đồ được phát biểu nơi Kinh Thánh và bảy công đồng hoàn vũ đầu tiên.
Vào thế kỷ XI, hai toà Rôma và Constantinopolis tuyệt thông lẫn nhau, từ đó, người ta gọi những Giáo Hội bên Đông Phương là “Chính Thống” (bởi vì dựa theo nghi điển Bizantin); các giáo đoàn bên Tây, hiệp thông với toà Rôma thì mang hiệu là “Công Giáo”.
Từ thế kỷ XVI, một vài giáo đoàn bên Đông Phương hiệp thông với toà Rôma và mang danh là “đông phương Công Giáo”.
Những cuộc nghiên cứu lịch sử về Hội Thánh vào thời giáo phụ cho thấy rằng trong các thế kỷ đầu tiên, Kitô Giáo vừa đồng nhất vừa đa dạng: đồng nhất trong những điểm căn bản về đạo lý và bí tích, nhưng đa dạng về nghi lễ phụng vụ, về thần học, về cơ cấu tổ chức.
Như đã nói trên đây, các toà thượng phụ Alêxanđria, Antiôkia, Rôma tượng trưng cho sự đa dạng đó, bởi vì gắn liền với các trung tâm văn hóa cổ điển. Nói khác đi, các sự khác biệt đã có không những giữa Rôma và Constantinopolis, mà còn giữa Antiôkia và Alêxanđria nữa.
Trước Công Đồng Vaticano II, người ta quan niệm rằng sự hợp nhất trong Hội Thánh đồng nghĩa với sự duy nhất trong tín điều, thần học, phụng vụ, Giáo Luật. Nhưng Công Đồng Vaticanô II chấp nhận rằng có thể dung hoà giữa sự hợp nhất và sự đa dạng. Điều khó là làm thế nào thực hiện được sự dung hoà đó.
Có thể nói là các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo được nhìn như là một thứ trắc nghiệm. Các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo cũng giữ các truyền thống văn hóa, phụng tự, kỷ luật giống như các Giáo Hội Đông Phương Chính Thống; khác một điều là họ hiệp thông với Tòa Thánh Rôma.
Và về phía toà thánh Rôma cũng chấp nhận cho các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo một thứ tự trị, được xác định trong Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương, chẳng hạn như trong việc bầu giám mục. Các giám mục được bầu do công nghị của thượng phụ; Tòa Thánh phê chuẩn sự bầu cử đó qua thể thức “ban cấp thông hiệp”.
Dưới cái nhìn thần học thì quả thật như vậy. Nhờ những cuộc nghiên cứu lịch sử, người ta thấy những sự ly khai của các giáo đoàn thuộc phái Nestorianô và Nhất Tính hồi thế kỷ V bị lệ thuộc vào ngôn ngữ thiếu chính xác. Còn giữa các Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo thì mối thông hiệp đạo lý còn sâu xa hơn bởi vì đôi bên đều chấp nhận đạo lý của 7 công đồng hoàn vũ đầu tiên.
Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu lịch sử cũng cho thấy rằng đầu mối của các cuộc phân ly không chỉ là những lý do thần học mà còn nhiều lý do phàm tục khác, trong đó có quan điểm về quyền hành trong Giáo Hội.
Toà Rôma đề cao vai trò của giáo hoàng; các Giáo Hội Chính Thống thì nhấn mạnh tới vai trò của công đồng. Điều trớ trêu là chính các Giáo Hội Chính Thống cũng chưa đủ khả năng để triệu tập một công đồng liên chính thống, bởi vì không có thượng phụ nào có thẩm quyền trên các thượhg phụ khác. Đó là chưa nói đến các yếu tố chính trị tại Đông Âu và Trung Đông hiện nay, hoàn toàn khác với tình hình của Giáo Hội vào đầu thiên niên kỷ thứ hai.
Trong khi chờ đợi kết quả của những cuộc đối thoại để tái lập sự thông hiệp trọn vẹn, cũng nên biết là dưới phương diện mục vụ, Giáo Luật số 844 khoản 2-3 cho phép các tín hữu Công Giáo được tham dự các bí tích trong các Giáo Hội Chính Thống trong trường hợp không thể lãnh nhận các bí tích với các tác viên Công Giáo.