Toà Thánh Phêrô khác với Tòa Thánh Vaticăng ở rất nhiều điểm. Điểm thứ nhất và có lẽ cũng là quan trọng nhất, đó là Thánh Phêrô là một con người, môn đệ của Chúa Kitô. Còn Vaticăng thì không phải một ông thánh (không có ông thánh nào tên là Vaticăng), nhưng là tên của một địa điểm ở thành phố Rôma, đại khái cũng tương tự Chí Hoà nằm ở trong thành phố Sàigòn.
Các sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên ngữ của nó. Có người cho rằng đây là tên của một vị thần Rôma, tên là Vaticanus; người khác cho rằng nó gốc bởi động từ vaticinare, có nghĩa là tiên đoán (bởi vì vùng này là nơi tụ tập của các thầy bói).
Dù sao, vào hồi đầu Công Nguyên Kitô Giáo thì tại đây có một nghĩa trang, và có một hí trường. Địa điểm này trở nên quan trọng đối với lịch sử Kitô Giáo, bởi vì sau khi Thánh Phêrô bị trảm quyết, thì người ta chôn cất ông tại nghĩa trang này. Vào thế kỷ IV, hoàng đế Constantinô đã xây cất một đền thờ kính vị thủ lãnh các thánh tông đồ. Rồi dần dần, người kế vị Thánh Phêrô cũng đặt trung tâm hành chánh của Giáo Hội tại đây. Từ năm 1929, một thoả ước được ký kết giữa Tòa Thánh và nước Italia, nhìn nhận lãnh thổ Vaticăng là một thực thể công pháp quốc tế, hoàn toàn độc lập khỏi nước Italia.
Chỉ có trong tiếng Việt mới gọi là “Tòa Thánh Vaticăng”, chứ trên văn bản pháp lý quốc tế thì không phải như vậy: có hai thực thể khác biệt nhau. Một đàng là “Tòa Thánh”, một thực thể mang tính chất tôn giáo; đàng khác là quốc gia châu thành Vaticăng (Stato della Città del Vaticano), ám chỉ một lãnh thổ rộng 0,44 Km2 (nghĩa là chưa được nửa cây số vuông).
“Tòa thánh” (Sancta Sedes) ám chỉ cá nhân của vị thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo. Các quốc gia cử đại sứ đến Tòa Thánh bởi vì nhìn nhận uy tín tinh thần của người, chứ không phải là đến quốc gia Vaticăng. Đối lại Tòa Thánh cũng cử các đại diện của mình đến các quốc gia có quan hệ ngoại giao, và các tổ chức Quốc Tế (đặt trụ sở ở New York, Genève, Bruxelles).
Còn Quốc Gia Vaticăng là một lãnh thổ tượng trưng cho sự độc lập của Toà Thánh, và cử đại biểu tham dự các hội nghị liên quan đến hành chánh Âu Châu (thí dụ quốc tịch, bưu điện, tiền tệ). Dĩ nhiên cả hai thực thể đều ở dưới sự lãnh đạo của đức thánh cha.
Trong tiếng Việt, xem ra Tòa Thánh là nói tắt của Tòa Thánh Phêrô, nhưng trong nguyên gốc La Tinh thì đó là hai danh từ khác biệt hoàn toàn. “Tòa Thánh” là Sancta Sedes, dịch sát là cái ghế thánh.
Sedes theo nghĩa đen là chỗ ngồi (tiếng Pháp là siège, và tiếng Anh là seat), nhưng ở đây, nó không ám chỉ cái “ghế” để an toạ nhưng tượng trưng cho quyền hành, (tương tự như trong chính quyền, người ta nói rằng một đảng nào đó chiếm được 40 ghế trong quốc hội).
Tuy nhiên, bên cạnh Tòa Thánh, còn một từ ngữ mang nhiều ý nghĩa thần học hơn đó là “Sedes apostolica”, dịch nghĩa đen là “toà tông đồ” (thường dịch ra tiếng Việt là “tông tòa”). Bộ Giáo Luật (điều 361) coi hai từ ngữ “tông tòa” và “toà thánh” như đồng nghĩa, nhưng xét về lịch sử và thần học, thì từ “tông toà” súc tích hơn nhiều, bởi vì nó nêu bật quyền bính bắt nguồn từ các thánh tông đồ.
Phúc Âm Matthêu 19,29 nói đến 12 tông đồ ngồi 12 toà để xét xử các chi tộc Israel vào thời cánh chung, chứ không nhất thiết nói đến sứ mạng truyền giáo.
Trong lịch sử Giáo Hội, vào thời cổ, “Toà tông đồ” được áp dụng cho các toà thượng phụ, mà tục truyền do các thánh tông đồ lập ra, cụ thể là 5 toà sau đây: Giêrusalem là toà của Thánh Giacôbê; Antiôkia (bên Syria) là toà của Thánh Phêrô tông đồ, Alexandria (bên Ai Cập) là toà của Thánh Marcô, môn đệ của Thánh Phêrô; Constantinopolis là toà của Thánh Anrê (em của Thánh Phêrô), và sau cùng là Rôma, tòa của Thánh Phêrô.
Theo một lưu truyền, thì Thánh Phêrô đã là giám mục Antiôkia rồi sau đó mới sang Rôma, nơi mà người đã chịu tử đạo. Dù sao thì vào cổ thời có ít là 5 “toà tông đồ” (5 tông toà); tuy nhiên do những hoàn cảnh lịch sử, các toà bên Đông Phương không còn ảnh hưởng mạnh bởi vì đã bị các nước Hồi Giáo thôn tính, cho nên sang thiên niên kỷ thứ hai, chỉ còn một toà tông đồ lớn là toà của Thánh Phêrô ở Rôma. Đó là lý do vì sao chỉ có một tông toà mặc dù có đến 12 thánh tông đồ.
Đến đây chúng ta lại đụng phải một vấn đề dịch thuật nữa. Như đã nói trên, trong tiếng Việt, người ta quen nói đến Tòa thánh Vaticăng, và đây là một điều không đúng: Tòa Thánh là một chuyện; Vaticăng là chuyện khác. Còn cụm từ “Toà Thánh Phêrô” cũng không chỉnh bởi vì từ “toà” rất hàm hồ. Tòa có thể là bục cao (chẳng hạn như ngai toà); toà có thể là trụ sở hành chánh (trước đây, ở miền Nam, người ta nói đến toà tỉnh trưởng, tòa hành chánh), và đặc biệt là toà án (thí dụ: bị điệu ra toà, đi hầu toà).
Riêng trong vấn đề đang bàn, khi nói đến “Tòa Thánh” (hoặc tông toà) và “toà Thánh Phêrô”, thì danh từ “toà” được dùng để dịch hai danh từ khác nhau trong nguyên gốc La Tinh. “Tòa Thánh” hay “Toà tông đồ” theo nguyên nghĩa sedes, nghĩa là cái ghế, tượng trưng cho quyền bính. Từ này cũng được áp dụng cho các chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội chứ không riêng gì cho đức thánh cha, thí dụ khi nói đến “trống toà” (sede vacante) ám chỉ giáo phận hiện thời không có giám mục, không có người cai quản. Còn khi nói đến “toà Thánh Phêrô” thì tiếng La Tinh là “cathedra”. Từ này (gốc Hy Lạp) cũng có nghĩa là cái ghế, nhưng hiểu về ghế giảng dạy hơn là ghế quản trị (dịch ra tiếng Pháp chaire và tiếng Anh là chair, được áp dụng cách riêng cho các giáo sư thực thụ ở các đại học). Vì thế lễ kính toà Thánh Phêrô không phải là kính quyền bính cai quản của vị thủ lãnh giáo hội, cho bằng kính quyền giảng dạy của Thánh Phêrô, mà ta gọi tắt là huấn quyền.
Chúng ta cần phải phân biệt hai khía cạnh: khía cạnh lịch sử và khía cạnh thần học của lễ kính vào ngày 22 tháng 2.
Theo các sử gia, lễ kính toà Thánh Phêrô ngày 22 tháng 2 bắt nguồn từ một lễ người Rôma giỗ tổ tiên. Vào ngày đó, họ ra mộ và cúng tế chung quanh cái “ngai” tượng trưng sự hiện diện của tổ tiên. Các Kitô Hữu đã thay thế tục lệ này bằng cách tưởng nhớ cái ngai của Thánh Phêrô, lãnh đạo của Giáo Hội. Đó là khía cạnh lịch sử của ngày lễ. Còn khía cạnh thần học thì khác.
Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đặt Thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh. Chức vụ nguyên thủ không nhắm đến việc cai quản cho bằng việc dạy dỗ đức tin. Thực vậy, Thánh Phêrô được uỷ thác chức vụ lãnh đạo sau khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Lời tuyên xưng của ông được coi như tiêu chuẩn cho đức tin tinh ròng của các môn đệ Chúa. Và Chúa Giêsu cũng hứa sẽ cầu nguyện cho ông được kiên vững trong đức tin để củng cố cho các anh em mình.
Chức vụ giáo huấn của Thánh Phêrô được coi như một hồng ân mà Chúa ban cho Hội Thánh. Thực vậy, mặc dầu nguyên thủ của Hội Thánh vẫn là Chúa Giêsu và thầy dạy của Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta cần có một khuôn mặt hữu hình để phát biểu đức tin chân chính, đó là Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm trong chức vụ giám mục Rôma.
Lúc nãy khi bàn về “tông toà”, tôi đã nói rằng có rất nhiều toà tông đồ, nhưng do những hoàn cảnh lịch sử, ngày nay chỉ còn còn có một tòa tông đồ là toà Rôma. Một cách tương tự như vậy, chức vụ giảng huấn đôi khi có thể áp dụng cho tất cả các giám mục, đôi khi được dành riêng cho giám mục Rôma.
Cần nhắc lại là trong tiếng La Tinh có hai từ ngữ “sedes” và “cathedra”, cùng được dịch ra tiếng Việt là “toà”. Chúng ta đang bàn về “cathedra”, nghĩa là ghế giảng dạy. Đây là một chức vụ của các giám mục, chủ chăn của các giáo phận. Biểu tượng của chức giám mục là toà giảng (cathedra); từ đó có từ ngữ ecclesia cathedralis (dịch là nhà thờ chính toà), nghĩa là nhà thờ nơi mà giám mục hành sử quyền giảng dạy.
Công Đồng Vaticanô II đã muốn trở lại ý nghĩa nguyên thủy này trong phụng vụ, khi ấn định rằng trong các nghi lễ chính thức, thì giám mục không ngồi trong các ngai bệ (baldacchino, như các vua chúa), nhưng ngồi trên ghế giảng (cathedra). Điều này muốn nêu bật chức vụ quan trọng nhất của giám mục là giảng dạy.
Tuy nhiên, khi nói đến việc giảng dạy một chân lý quan trọng như khi tuyên bố một tín điều, thì từ “ex cathedra” được dành riêng cho giám mục Rôma. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, thì đức thánh cha sẽ công bố một tín điều nào mà không bàn hỏi với các giám mục và thậm chí cộng đoàn Dân Chúa.
Nói cho cùng, chức vụ giảng dạy của các giám mục cũng là việc tuyên xưng đức tin, giống như Thánh Phêrô xưa kia: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lạy Thầy, ngoài Thầy ra, chúng con biết theo ai, bởi vì duy chỉ có Thầy mới ban lời hằng sống.
Thỉnh thoảng ở Việt Nam, có người đặt lại vấn đề: nên gọi “giáo hoàng hay giáo chủ?”, chứ không phải là: “đức giáo hoàng hay đức thánh cha”. Chắc chị còn trẻ, nên không còn được nghe các danh xưng được lưu hành cách đây 50 năm về trước, đó là “Đức Giáo Tông và Đức Thánh Phapha”. Tôi xin để dành việc tranh luận về Giáo hoàng và Giáo chủ cho những nhà chuyên môn ngữ học trong tiếng Việt, và ở đây tôi chỉ tìm hiểu ý nghĩa các danh hiệu trong tiếng La Tinh, hoặc đối chiếu với tiếng Ý khi cần.
Theo tôi nghĩ, trong các danh hiệu thân thương hơn cả, đứng hàng đầu là Papa, mà trước đây được phiên âm sang tiếng Việt là đức thánh phapha.
Tùy theo cách sử dụng ở mỗi nơi mỗi thời. Trong nguyên gốc Hy Lạp, pappas có nghĩa là cha. Tiếng La Tinh cũng vậy. Đến khi dịch sang các ngôn ngữ khác thì ta thấy không còn trùng hợp nữa. Thí dụ trong tiếng Pháp người ta phân biệt giữa “papa” được dành để gọi “bố, ba”, còn chức vụ giáo hoàng được dịch ra “pape”; đặc biệt là trong tiếng Ý, tuy cùng viết là “papa”, nhưng có hai đánh dấu khác nhau: pápa nếu là giáo hoàng, papá nếu là bố. Khi sang tiếng Anh thì không còn sự liên hệ nữa, bởi vì bố là “daddy” còn giáo hoàng là “pope”.
Mặt khác, có nhiều học giả đã giải thích rằng papa trong tiếng La Tinh không phải là một từ đơn thuần mà chỉ là viết tắt của một thuật ngữ dài dòng hơn, tựa như SIDA là viết tắt của 4 từ khác nhau trong tiếng Pháp, còn trong tiếng Anh là AIDS. Vì thế mà đôi khi chính các giáo hoàng cũng ký tên mình kèm theo hai chữ viết tắt “pp.”
Có đến ba cách giải thích. Một, viết tắt của 2 âm đầu pastor pastorum (mục tử của các mục tử). Hai, viết tắt của hai âm đầu pater patris (cha của các người cha, cha cả). Ba, viết tắt một danh hiệu dài hơn nữa Petri Apostoli Potestatem Agens (Giữ quyền hành của Phêrô Tông đồ).
Theo tôi nghĩ, lối giải thích thứ ba quá phức tạp. Thiết tưởng nên trở về với nguồn gốc Hy Lạp pappas có nghĩa là “cha”. Nên biết là các thượng phụ chính thống bên Ai Cập cũng mang tước hiệu papa.
Không phải, Đức Thánh Cha dịch từ Santo Padre tiếng Ý, (tương đương với Saint Père tiếng Pháp và Holy Father tiếng Anh). Như chị thấy, trong các tiếng châu Âu chỉ có 2 từ, còn sang tiếng Việt thì thêm tiếng “Đức” ở đầu để tỏ lòng tôn kính. Dù sao, cần phải phân biệt hai yếu tố: “Cha”và “Thánh”.
Cha là một từ ngữ được áp dụng cho các vị mục tử ngay từ cổ thời, trước là cho các giám mục thừa kế các thánh tông đồ, rồi đến các linh mục. Các vị đã sinh thành dưỡng dục chúng ta trong đời sống thiêng liêng bằng lời giảng và các bí tích. Bên Á Đông, ngoài các “dưỡng phụ”, chúng ta còn nghe nói đến các “sư phụ” nữa.
Còn tiếng Thánh thì phức tạp hơn. Theo các sử gia, biệt hiệu “thánh” được gán cho giáo hoàng không phải vì tôn kính đức độ (kiểu như “Đức” trong tiếng Việt: Đức Phật, Đức Khổng), nhưng chỉ là một tước hiệu đã được các hoàng đế Rôma sử dụng từ xưa. Điều này càng rõ rệt hơn nữa ở một tước hiệu chưa bao giờ dịch ra tiếng Việt: Sua Santità (Ý), Sa Sainteté (Pháp), His Holiness (Anh), một lối xưng hô dành cho các hoàng đế Rôma (đại khái cũng tương đương với từ “Thánh Thượng” trong tiếng Việt, dành cho nhà vua). Nên biết là các thượng phụ Chính Thống Giáo cũng được gọi là “Sua Santità”.
Không có danh hiệu nào chính thức tương đương với chức vụ “Vua” hết. Theo tôi nghĩ, có lẽ tiếng “giáo hoàng” dịch từ tiếng Pháp “Souverain Pontife”. Nhưng mà ở đây Souverain không có nghĩa là ông hoàng, nhưng là “chóp đỉnh”.
Thực vậy, khi truy sang tiếng La Tinh, ta thấy chức vụ này được gọi là Summus Pontifex (Chủ tế tối cao), một tước hiệu xưa mà các hoàng đế Rôma dùng vì họ tự xưng là “Giáo chủ tối cao”, bởi vì cũng như tại Việt Nam, trước đây các vua cũng chủ sự lễ tế trời. Khi đế quốc Rôma trở lại Kitô Giáo, các hoàng đế trao lại chức vụ “chủ tế tối cao” cho vị lãnh đạo của Giáo Hội, và chỉ giữ lại cho mình quyền cai quản chính trị mà thôi. Như vậy, tước hiệu này bắt nguồn từ tôn giáo Rôma cổ, chứ không phải từ Kinh Thánh.
Nếu muốn đi sát với Kinh Thánh hơn cả, thì có lẽ chỉ có danh hiệu “người kế vị Thánh Phêrô”. Thánh Phêrô được đặt làm đầu Hội Thánh của Chúa Kitô, vì thế ai kế vị Thánh Phêrô thì cũng làm đầu Hội Thánh.
Tiêu chuẩn là giám mục Rôma. Các giáo phụ đã lập luận như thế này. Thánh Phêrô đã đến Rôma và điều khiển cộng đoàn Kitô Hữu tại đây. Người đã chịu tử đạo ở Rôma. Vì thế Rôma là toà cuối cùng của người. Từ đó, các giám mục Rôma được nhìn nhận như là kế vị Thánh Phêrô; hay nói ngược lại cũng vậy: ai được đặt vào chức vụ kế vị Thánh Phêrô thì cũng làm giám mục Rôma.
Trên thực tế, danh hiệu cổ điển nhất để gọi đức giáo hoàng là “giám mục Rôma” (Romanus Pontifex), như còn thấy trong các văn kiện chính thức của bộ Giáo Luật (tiếng Anh: Roman Pontiff; tiếng Pháp: Pontife Romain). Các giáo hoàng tiên khởi vẫn ký tên là giám mục Rôma; mãi đến năm 385, mới thêm tước hiệu papa.
Như tôi đã nói, hai danh hiệu “Đức Thánh Cha” và “Đức Giáo Hoàng” không hoàn toàn trùng hợp với các danh hiệu trong tiếng La Tinh. Dù sao, trong các danh hiệu, chúng ta nên phân biệt hai thứ ngôn ngữ: ngôn ngữ hành chánh và ngôn ngữ thần học.
Ngôn ngữ hành chánh áp dụng cho các cơ cấu tổ chức hệ thống phẩm trật: ngôn ngữ này thay đổi tuỳ theo thời gian. Lúc nãy, tôi đã nói rằng Đức Thánh Cha kế vị Thánh Phêrô trong cương vị là giám mục Rôma. Nhưng nếu hỏi Thánh Phêrô: giám mục Rôma là gì, thì chắc là đương sự không trả lời nổi, bởi vì thời ấy chưa có sự phân chia tổ chức các giáo phận giáo xứ. Những cơ chế này được thành hình dần dần.
Theo cơ chế hiện hành, đức thánh cha là giám mục của giáo phận Rôma (trên thực tế người giao việc quản trị cho hồng y tổng đại diện), tổng giám mục giáo tỉnh Rôma, giáo chủ (primas) các giáo hội tại Italia. Theo ngôn ngữ thần học, ĐTC là người kế vị Thánh Phêrô, thủ lãnh tập đoàn các giám mục.
Trong nhiều văn kiện hành chánh, người cũng tự xưng là “tôi tớ các tôi tớ của Chúa” (servus servorum Dei). Nội dung của danh xưng này biểu lộ tính cách độc đáo của chức vụ trong Giáo Hội theo tinh thần Phúc Âm, đó là: ai lớn nhất thì phải trở nên kẻ làm đầy tớ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mt 20,26-27). Tuy nhiên, theo các sử gia, tước hiệu “tôi tớ các tôi tớ Thiên Chúa” được Đức Grêgôriô Cả sử dụng trong khung cảnh biện bác, nhằm đối lại Thượng phụ Constantinople xưng mình là “Thượng Phụ Giáo Hội Công Giáo”.
Đúng thế, người là đại diện hữu hình của Chúa Kitô để lãnh đạo Giáo Hội. Nhưng xét theo nghĩa thần học, thì người không độc quyền làm đại diện Chúa Kitô, bởi vì các giám mục và các linh mục cũng là đại diện Chúa Kitô khi các đấng rao giảng Lời Chúa và ban bí tích.
Thậm chí phải nói rằng tất cả các Kitô Hữu đều là đại diện Chúa Kitô, theo nghĩa là họ đã mặc lấy Đức Kitô khi lãnh bí tích rửa tội; do đó họ hãy ăn ở làm sao để cho người đời nhận ra Đức Kitô đang nói năng hành động nơi họ.
Việc đổi tên khi đắc cử làm giáo hoàng mang nhiều nguồn gốc. Có người muốn bắt chước các vua chúa khi lên ngôi thì lấy danh hiệu hoàng đế. Có người thì mang tên ngoại quốc hoặc tên ngoại giáo, vì thế khi lên ngôi thì chọn một danh hiệu từ một vị thánh Kitô Giáo theo lối đọc tiếng La Tinh.
Dù sao, việc chọn tên gọi trở thành tục lệ kể từ cuối thế kỷ X. Trong suốt 10 thế kỷ, các giáo hoàng chọn những tên đã có từ trước; mãi đến năm 1978, mới thêm một danh hiệu mới là Gioan Phaolô I, kế đến là Gioan Phaolô II. Trong số các tên hiệu, nhiều nhất là Gioan (23), rồi tới Grêgôriô và Bênêđictô (16), Clêmentê (14), Innocentê và Lêô (13), Piô được 12 vị, trong số này 3 vị thuộc thế kỷ XX. Nên biết là chỉ có 1 Phêrô và 6 Phaolô.
Chúng ta cần phải phân biệt nhiều vấn đề. Thứ nhất, tại sao gọi đức giáo hoàng là đức thánh cha? Thứ hai, đức giáo hoàng được gọi là thánh theo nghĩa nào? Thứ ba, có bao nhiêu giáo hoàng làm thánh?
Xin bắt đầu câu hỏi thứ nhất: tại sao gọi đức giáo hoàng là đức thánh cha? Trước khi trả lời cho câu hỏi này (phần nào gắn liền với câu hỏi thứ hai), thiết tưởng cần phải lưu ý rằng thuật ngữ “đức thánh cha” không chỉ dành riêng cho đức giáo hoàng. Thực ra trong tiếng Việt, chúng ta thêm chữ “đức” ở đầu để tăng vẻ kính trọng mà thôi, chứ trong các ngôn ngữ châu Âu, thì chỉ gọi là “thánh cha” hoặc “cha thánh”, chẳng hạn như Santo Padre (tiếng Ý), Saint Père (tiếng Pháp), Holy Father (tiếng Anh).
Thuật ngữ này tiên vàn được áp dụng cho Thiên Chúa Cha, như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Thánh Gioan chương 17 câu 11, đoạn văn quen gọi lời nguyện hiến tế. Chúa Giêsu cầu nguyện như sau: “Lạy Cha thánh, xin gìn giữ những người mà Cha đã ban cho con để họ được nên một như chúng ta”.
Vì thế không lạ gì phụng vụ cũng dùng thuật ngữ để mở đầu kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ: “Lạy Chúa là Cha thánh (tiếng Việt thêm: Cha chí thánh), Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là điều chính đáng và phải đạo”.
Ngoài ra, trong các dòng tu, các tu sĩ cũng gọi vị thánh lập dòng là “cha thánh” (thánh phụ), chẳng hạn như: cha Thánh Đaminh, cha Thánh Phanxicô.
Đến đây chúng ta lại gặp phải một vấn đề khác nữa liên quan đến việc dịch thuật. Trong tiếng Việt, chỉ một thuật ngữ “đức thánh cha”, tương đương với Saint Père hay Holy Father. Trong các ngôn ngữ Au châu, còn một từ ngữ khác nữa: Sua Santità, Sa Sainteté, His Holiness, và có thể dịch nôm na là “Đức Thánh”.
Tuy nhiên, thuật ngữ không chỉ dành riêng cho đức giáo hoàng mà còn áp dụng cho đức thượng phụ chính thống Constantinopolis nữa. Như vậy trong danh xưng của giáo hoàng, chúng ta thấy có hai ý niệm được gom lại: “cha” và “thánh”. Gọi người là “cha” thì không có gì khó hiểu.
Từ các thế kỷ đầu tiên, các giám mục đã được gọi là “cha” của các tín hữu, không chỉ vì là những mục tử lãnh đạo tôn giáo cho bằng vì đã sinh thành dưỡng dục về đời sống đức tin, nhờ lời giảng và các bí tích. Dĩ nhiên, từ “cha” cũng bao hàm ý nghĩa thân tình như trong gia đình, cư xử với nhau trong tình cha con. Điều này cũng được áp dụng cho các linh mục nữa.
Tuy nhiên, các giám mục và linh mục chỉ là “cha” chứ không phải là “thánh cha” (hay “cha thánh”). Điều này không có nghĩa là các đấng thua giáo hoàng về đường thánh thiện, nhưng bởi vì từ “thánh” mang một ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa cổ truyền.
Trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta hiểu sự thánh thiện theo nghĩa đức hạnh, nghĩa là xét về đời sống luân lý. Trong các xã hội đời xưa (kể cả tại Việt Nam), “thánh” được hiểu là cái gì khác thường, đối lại với “phàm tục”. Trong bối cảnh đó, các vua chúa được tôn phong là “thánh”, và tính từ này được gắn liền với đời sống của vua: “thánh thể” (thân thể, sức khỏe của vua), “thánh chỉ” (chỉ thị của vua), “thánh giá” (cỗ xe của vua).
Như vậy, “thánh” ám chỉ vị thế cao sang của nhà vua, khác biệt với dân hèn. Không lạ gì mà các hoàng đế Rôma cũng tự xưng mình là Đấng Thánh (siêu phàm). Khi Kitô Giáo du nhập các thể chế Rôma, thì tước hiệu “Đấng Thánh” (Sua Santità) cũng được áp dụng cho vị lãnh đạo tối cao, tức là giáo hoàng. Tước hiệu này ám chỉ điạ vị trổi vượt trong xã hội, chứ không nhất thiết bao hàm sự thánh thiện luân lý.
Chúng ta cũng có thể so sánh với thói tục tương tự trong tiếng Việt nam, gắn thêm “đức” cho các nhân vật nổi bật (đức vua, đức hoàng hậu, đức thầy), nhưng không nhất thiết nhìn nhận là những người ấy có nhiều đức độ.
Đúng thế. Thiết tưởng cần nêu bật hai ý tưởng được gói ghém trong từ “thánh”. Tự nó, thánh nói lên cái gì vượt bực, khác thường. Sự khác thường có thể hiểu về vị trí xã hội (các vua), về tài trí (thánh sư) và nhất là về đức độ (thánh nhân).
Như vừa nói, các giáo hoàng được gọi là “đức thánh” vì được tôn trọng như nhà vua. Đó là quan điểm của xã hội học. Còn trong thần học, “thánh” được hiểu về đời sống đức độ, phản chiếu phần nào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Dưới khía cạnh này, không phải tất cả các giáo hoàng đều là “thánh”: có thể trước khi làm giáo hoàng, có người sống đạo đức thánh thiện, nhưng đến khi lên giữ chức mục tử, họ phải bận rộn với trăm công ngàn chuyện (kể cả chính trị kinh tế), không còn thời giờ cầu nguyện, cho nên bỏ bê chuyện tu đức, và dần dần tính toán hành động theo não trạng thế gian chứ không theo tinh thần Tin Mừng.
Đây là điều mà chính thánh giáo hoàng Grêgôriô Cả đã than thở, như chúng ta đọc thấy trong giờ Kinh Sách ngày 3 tháng 9. Dĩ nhiên, không thiếu những người coi chức vụ giáo hoàng như một địa vị quyền hành, và họ tìm mọi thủ đoạn để tranh giành chức vị, chứ không hề nghĩ tới đức độ đạo nghĩa gì hết.
Tạ ơn Chúa, tỉ lệ các thánh trong hàng ngũ giáo hoàng khá cao, cao hơn bất cứ hàng ngũ nào hết, tuy rằng sự phân phối không đều đặn trải qua dòng thời gian.
Từ Thánh Phêrô cho đến thập niên thứ ba của thế kỷ VI (năm 530), tất cả các giáo hoàng đều được kính như thánh (trong số đó có nhiều vị tử đạo), chỉ trừ một vị là Đức Liberiô (352-366).
Trong vòng ba thế kỷ tiếp theo (nghĩa là cho đến năm 867) có 20 giáo hoàng làm thánh. Tổng cộng từ đầu Hội Thánh cho đến năm 867, có 72 trong số 105 giáo hoàng làm thánh. Tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, từ sau thánh Nicola I (858-867) cho đến nay, thì chỉ có 6 vị làm thánh và 10 vị chân phước. Sáu vị thánh là: Adriano III, Lêô IX, Grêgôriô VII, Celestinô V, Piô V và Piô X.
Nên ghi nhận là trong số 6 vị thánh, 3 vị sống trước thế kỷ XI, và 3 vị trong 9 thế kỷ về sau. Đức Celestinô băng hà năm 1294, và phải chờ đến 278 năm sau thì mới đến Thánh Piô V, rồi phải chờ 342 năm nữa mới đến Thánh Piô X.
Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ XIX đến nay, tỉ lệ xem ra lại lên dần. Đức Piô IX đã là chân phước, Piô X, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã là thánh, các đức Piô VII, Piô XII, Gioan Phaolô I, đã được tiến hành hồ sơ phong thánh.
Có phần dễ và có phần khó; khó nhiều hơn là dễ. Dễ, bởi vì giáo hoàng được nhiều người chú ý và biết đến, chứ một chị y tá tận tâm săn sóc các người phong cùi ở trên một hoang đảo thì đâu được ai biết (ngoại trừ Thiên Chúa).
Khó, bởi vì như đã nói trên đây, cuộc đời của giáo hoàng trăm công ngàn việc cho nên dễ bê trễ đời sống tâm linh, đó là chưa kể những phiền toái của công việc lãnh đạo. Thực vậy, dù tài giỏi mấy đi nữa, không ai có thể làm vừa ý tất cả mọi người được: cùng là một việc, mà kẻ thì khen người thì chê. Và tôi nghĩ điểm khó của thánh giáo hoàng là chỗ đó: thế nào là giáo hoàng tốt? Chỉ xin đưa ra một thí dụ cho dễ hiểu.
Khi muốn phong thánh cho một giáo sư như tôi, thì người ta không chỉ đòi hỏi tôi phải sống đức độ mà còn phải là một thầy giáo tốt (tuy không cần giỏi), nghĩa là tận tâm với bổn phận, chăm chỉ dọn bài, yêu mến học trò, vân vân. Một cách tương tự như vậy, một giáo hoàng tốt không chỉ là người sống đạo đức, mà còn là một mục tử sáng suốt tài khéo. Thế nhưng thế nào là “sáng suốt tài khéo”?
Một biện pháp có thể là cần thiết vào hôm nay, nhưng 10 năm sau thì lại bị phán đoán là sai lầm. Vấn đề trở thành phức tạp hơn nữa khi đụng đến chuyện chính trị, như chúng ta thấy trong trường hợp của Đức Piô IX và Piô XII. Thời giờ ngắn ngủi không cho phép tôi đi sâu vào vấn đề, và tôi chỉ muốn ghi nhận hai đề nghị hoàn toàn trái ngược nhau để kết luận.
Đề nghị thứ nhất của Đức Hồng Y Silvio Oddi (nguyên tổng trưởng bộ giáo sĩ) vào năm 2004 là phong thánh cho tất cả các giáo hoàng, bởi vì các đấng đã tận tâm phục vụ Giáo Hội, đã nêu gương sáng và giáo huấn cho các tín hữu về đường nên thánh.
Một đề nghị hoàn toàn trái ngược của ông Luigi Acattoli (Il Regno, 14 2005): yêu cầu đừng phong thánh cho các giáo hoàng nữa, bởi vì không những việc phê phán sự nghiệp của các đấng rất nhiêu khê, mà nhất là không đạt được mục tiêu. Theo ông, khi phong thánh cho ai, Giáo Hội muốn nêu lên một mẫu gương cho mọi người bắt chước; tuy nhiên việc bắt chước giáo hoàng thì rất hạn hẹp, bởi vì con số người nhận được ơn gọi làm giáo hoàng rất hoạ hiếm. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng tất cả tín hữu đều là “thánh”, họ đã được thánh hiến nhờ bí tích Thánh Tẩy. Thánh Phaolô gọi tất cả các tín hữu là “thánh” (Rm 1,7; 1 Cr 1,2; Cl 1,2); điều còn lại là chúng ta phải liệu sao để sống xứng với thiên chức của mình.
Những câu hỏi vừa nêu liên quan đến khá nhiều điểm trong cơ cấu tổ chức Giáo Hội. Thứ nhất, liên quan đến chức vụ hồng y. Trong tiếng Việt, “hồng y” có nghĩa là áo đỏ. Từ ngữ này chỉ nói lên sắc phục, chứ không nói lên chức vụ. Trong tiếng La Tinh, chức vụ này gọi là “cardinalis”, với ý nghĩa thay đổi nhiều trải qua dòng thời gian.
Điểm thứ hai liên quan đến tuổi tác của các chức vụ trong Giáo Hội. Điều này cũng thay đổi qua dòng thời gian. Bộ Giáo Luật hiện hành không ấn định tuổi tối thiểu để lãnh chức vụ hồng y, tuy nhiên xét vì hồng y phải là một linh mục (điều 351§1), cho nên hiểu ngậm là ít nhất phải được 25 tuổi (chiếu theo điều 1031§1). Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, hiện nay không có hồng y nào dưới 50 tuổi. Tuy nhiên, đó là theo Giáo Luật hiện hành, còn trong quá khứ thì khác, cách riêng vào thời Thánh Carôlô, sống trước Công Đồng Trentô.
Đến đây, chúng ta cũng phải phân biệt ít là ba khía cạnh: Một, khía cạnh từ ngữ: cardinalis có nghĩa là gì trong ngữ vựng thông thường? Hai, khía cạnh lịch sử: từ ngữ này đã được sử dụng để ám chỉ những chức vụ nào trong Giáo Hội? Khía cạnh thứ ba bàn đến chức vụ hiện hành trong Giáo Luật. Trước tiên, chúng ta xét đến khía cạnh từ ngữ.
Xét theo văn phạm cardinalis là một tính từ, và theo các nhà ngữ học, nó bắt nguồn từ danh từ cardo (là cái lề cửa, cái chốt để giữ cho cánh cửa được vững, tuy phải mở vô mở ra); từ đó, tính từ cardinalis ám chỉ cái gì là trụ cốt, then chốt, thí dụ bốn phương hướng (đông tây nam bắc) được gọi là bốn điểm trụ chốt (points cardinaux), tựa hồ bốn cột chống đỡ bầu trời; hoặc bốn nhân đức trụ cốt (vertus cardinales) chống đỡ toà nhà các nhân đức (khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ).
Đúng thế, vertus cardinales là “nhân đức trụ” chứ không phải là “nhân đức hồng y”. Ngoài ý nghĩa trong lãnh vực thần học tu đức, từ cardinalis còn được áp dụng trong lãnh vực Giáo Luật dành cho nhân sự, dành cho những nhân vật trụ cốt hay then chốt trong Giáo Hội. Từ tính từ, cardinalis trở thành danh từ.
Một số nhà sử học cho rằng nguồn gốc của nó là vị trí của họ trong lúc cử hành Thánh Lễ: họ đứng ở bốn góc của bàn thờ (ad cornua altaris), tượng trưng cho bốn hướng đông tây nam bắc.
Tuy nhiên, một ý kiến rằng đó là các giáo sĩ đã có vị thế chắc chắn, đối lại với những người lang thang nay đây mai đó. Vết tích của nó còn thấy trong Giáo Luật ngày nay, ở quy định về các giáo sĩ phải “nhập tịch” vào một giáo phận hay một dòng tu. Trong tiếng La Tinh “nhập tịch” là incardinatio, nghĩa đen là cắm chốt vào một nơi nào đó, nghĩa là trở thành “cardinalis” của một cộng đoàn.
Đã có ý kiến giải thích như vậy đó. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nữa, mà thời giờ không cho phép đi sâu. Tôi chỉ muốn ghi nhận hai điều này.
Thứ nhất, trong quá khứ, ở vài nơi, danh từ cardinalis đã có lúc được sử dụng để gọi một vài giáo sĩ cao cấp, nhưng dần dần được dành riêng cho một chức vụ ở giáo phận Rôma.
Thứ hai, nguồn gốc của chức vụ cardinalis hiện hành vào lúc đầu được giới hạn vào hàng giáo sĩ Rôma, nhưng dần dần được mở rộng để trở thành một chức sắc ở trong Giáo Hội.
Thoạt tiên, xem ra rắc rối, nhưng nếu ai theo dõi lịch sử thì sẽ dễ hiểu sự tiến triển của định chế các cardinalis”.
Trong những thế kỷ đầu tiên, giáo phận Rôma cũng giống như tất cả các giáo phận khác trên thế giới ở chỗ là đức giám mục có các linh mục và phó tế cộng tác trong công tác mục vụ. Giám mục Rôma cũng có các linh mục và các phó tế, với con số thay đổi theo đà phát triển.
Tuy nhiên, dần dần, chức vụ giám mục Rôma không chỉ giới hạn vào việc cai quản giáo phận Rôma nhưng mở rộng đến việc lãnh đạo toàn thể Giáo Hội. Từ đó, người cần đến những cộng sự viên không những trong công việc mục vụ của giáo phận Rôma mà còn đến nhu cầu của của Hội Thánh toàn cầu.
Vì thế không lạ gì mà vào lúc đầu chức vụ cardinalis ám chỉ hàng giáo sĩ của giáo phận Rôma, nhưng dần dần dành cho các chức sắc cao cấp phụ tá cho đức giáo hoàng.
Từ thế kỷ XI (chính xác hơn, từ năm 1059), duy các vị này mới có quyền bầu cử vị lãnh đạo Giáo Hội. Và nên biết là mãi tới năm 1246, ĐGH Innôcentê IV mới trao mũ đỏ cho các đấng. Hiểu là trước đó, phẩm phục của các đấng không hẳn là màu đỏ.
Chắc chắn rồi. Tuy nhiên, đã có thời người ta nhìn chức vụ cardinalis như một tước hiệu, kèm theo danh giá bổng lộc, thì việc tuyển chọn dựa theo tiêu chuẩn khác.
Cụ thể là hồi thế kỷ XV, nhiều giáo hoàng đặt các cháu của mình làm “hồng y đích tôn” (cardinale nepote), tựa như bí thư vậy. Đây là nguồn gốc của chức vụ hồng y quốc vụ khanh ngày nay, và theo nguyên nghĩa có nghĩa là hồng y bí thư của giáo hoàng (segretarius papalis).
Hiện tượng này bắt đầu từ Đức Callistus III (1455-58) đặt 2 cháu của mình làm hồng y, và kéo dài đến đời Đức Clêmentê X (1676), nghĩa là suốt 2 thế kỷ. Vì thế không lạ gì mà có những hồng y trẻ tuổi (nghĩa là dưới 20 tuổi), trong số đó có Thánh Carôlô Borrômêô. Tuy nhiên hồng y trẻ nhất là Giovanni de Medici lên hồng y khi mới được 14 tuổi, sau này làm giáo hoàng dưới danh hiệu Lêô X.
Không nói ai cũng biết, không phải tất cả những “con ông cháu cha” đều là những người xứng đáng. Có lẽ vì thế mà trong dự án canh tân Giáo Hội, Công Đồng Trentô đã ấn định tuổi tối thiểu để giữ các chức vụ trong Hội Thánh.
Công Đồng Trentô đã ấn định tuổi tối thiểu để giữ các chức vụ trong Giáo Hội tuỳ theo cấp: 23 tuổi lãnh chức phó tế, 25 tuổi làm linh mục, 30 tuổi làm giám mục. Tuổi làm hồng y cũng ngang với giám mục nghĩa là 30. Có điều thú vị là để làm bề trên dòng nữ (đan viện mẫu hay bề trên tổng quyền), công đồng Trentô nâng cao tuổi lên đến 40 tuổi đời và 8 tuổi khấn dòng.
Bộ Giáo Luật 1917 tôn trọng quy định này, nhưng bộ Giáo Luật hiện hành để cho hiến pháp mỗi dòng xác định tuổi làm bề trên. Tuy nhiên, ngày nay Giáo Luật không bận tâm đến tuổi tối thiểu của hồng y cho bằng tuổi tối đa, nghĩa là khi đến 80 tuổi thì mất quyền bầu giáo hoàng.
Thật khó nói đến tuổi các vị giáo hoàng từ Thánh Phêrô đến nay, xét vì vào những thế kỷ đầu, các tài liệu lịch sử không dồi dào lắm.
Có người cho rằng vị giáo hoàng trẻ nhất trong lịch sử là Đức Bênêđictô IX, lên giáo hoàng khi được 11 hay 20 tuổi; nhưng bị truất phế 3 lần (năm 1044; 1046, 1048), Đức Gioan XII đắc cử lúc 18 tuổi (vào năm 955) nhưng chỉ cai trị được 9 năm. Vào thời cận đại, các dữ liệu dồi dào chắc chắn hơn, và ta có thể tính thống kê kể từ thế kỷ XV cho đến nay.
Từ Đức Martinô V (1417-1431) đến Đức Piô VII (1800-1823), tuổi trung bình vào lúc đắc cử giáo hoàng là 62 tuổi: 6 vị dưới 50 tuổi (và một lần nữa, kỷ lục trẻ nhất là Đức Lêô X làm hồng y lúc 14 tuổi, đắc cử giáo hoàng lúc 38 tuổi, nhưng ở trên ngôi chỉ được 8 năm), ngoài ra Đức Clêmentê VII đắc cử lúc 45 tuổi; 14 vị khoảng giữa 51 và 60 tuổi; 17 vị giữa 61 và 70 tuổi, 9 vị trên 70 tuổi.
Vào thời cận đại (nghĩa là trong hai thế kỷ gần đây), tuổi trung bình của các giáo hoàng lên cao hơn, nghĩa là khoảng 66 tuổi. Chỉ có hai vị được bầu dưới 60 tuổi (đó là Đức Piô IX, 54 tuổi, và Gioan Phaolô II, 58 tuổi). Như đã biết, Đức Piô IX làm giáo hoàng 31 năm, còn Đức Gioan Phaolô II được 26 năm. Đối lại, có hai vị được bầu khi đã được trên 70 tuổi, đó là Đức Gioan XXIII làm giáo hoàng lúc 76 tuổi và trị vì 4 năm; Đức Bênêđictô XVI được bầu 3 ngày sau khi kỷ niệm sinh nhật tròn 78 tuổi.