Trong tiếng Việt, từ “tòa” mang nhiều nghĩa. Có khi nó là một kiến trúc nào nổi bật (chẳng hạn như tòa nhà), hoặc một đồ vật nào được đặt nơi cao để tôn kính, và tôi nghĩ đó là ý nghĩa của “tòa của Chúa, tòa Đức Mẹ”, và có lẽ chúng ta lấy lại từ các tôn giáo khác (chẳng hạn như: tòa sen, tòa Phật).
Một ý nghĩa khác, “tòa” ám chỉ trụ sở của một cơ quan hành chánh của nhà nước, chẳng hạn như trước đây, trong cung vua có các bộ, các tòa, các ty; rồi trong tổ chức chính quyền dưới thời Pháp, chúng ta có các tòa thống sứ, tòa đô chính, tòa tỉnh trưởng, cũng như tòa án. Tôi nghĩ rằng về phía Công Giáo, đó cũng là ý nghĩa của “tòa giám mục”.
Nhưng khi nói đến tòa giám mục, thì chúng ta nên lưu ý đến hai ý nghĩa khác nhau bởi vì được dùng để dịch những thuật ngữ khác nhau trong tiếng La Tinh.
1/ Một bên là “Tòa giám mục”, nghĩa là trụ sở các văn phòng hành chánh giáo phận như vừa nói, có nơi cũng đặt tên là “trung tâm mục vụ giáo phận”, dịch hạn từ curia dioecesana trong Giáo Luật.
2/ Bên kia là nhà thờ “chánh tòa”, dịch hạn từ ecclesia cathedralis; ở đây, tòa được hiểu là “tòa giảng” hay nếu muốn dịch sát hơn thì phải nói là: “ghế giảng”; cái ghế (cathedra) là biểu tượng của việc dạy dỗ tại các đại học châu Âu thời Trung Cổ. Cũng theo nghĩa đó mà chúng ta có lễ kính “tòa Thánh Phêrô” vào ngày 22 tháng 2, nghĩa là kính vai trò giáo huấn của Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm trong cương vị lãnh đạo Hội Thánh.
Trong tiếng Việt có sự lẫn lộn trong việc dịch thuật. Một đàng, cơ quan trung ương của Giáo Hội được gọi là “giáo triều Rôma”, ví như một triều đình, đang khi mà trong nguyên ngữ La Tinh là Curia Romana mà nếu thiết tưởng có thể dịch là “Phủ Giáo hoàng” (cũng tương tự như chúng ta có Phủ Tổng Thống, Phủ Thủ Tướng). Tuy nhiên, danh từ “Tòa Thánh” dùng để dịch hạn từ Sancta Sedes (tiếng La Tinh; Saint Siège tiếng Pháp, Holy See tiếng Anh); nếu dịch sát thì nói là cái “ghế thánh” (sedes: cái ghế ngồi cũng tượng trưng cho sự giảng dạy).
Trên thực tế, Sancta Sedes được hiểu theo hai nghĩa:
1) nghĩa thứ nhất, ám chỉ chính bản thân của đức thánh cha, thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo. Người tượng trưng cho một uy tín tinh thần, chứ không phải là một quyền lực chính trị hay quân sự. Điều này được chứng tỏ qua việc các quốc gia cử đại diện ngoại giao “bên cạnh Tòa Thánh”, nghĩa là đến với vị lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo;
2) nghĩa thứ hai, Tòa Thánh bao gồm tất cả các cơ quan phụ giúp đức thánh cha trong việc điều khiển Giáo Hội toàn cầu, nghĩa là tương đương với Giáo Triều Rôma, hoặc Phủ Giáo Hoàng.
Khi bước chân vào một nhà thờ, chúng ta gặp thấy nhiều thứ tòa khác nhau. Trước hết, chúng ta có thể gặp thấy các bàn thờ kính Chúa Giêsu hoặc kính Đức Mẹ, kính các thánh (gọi là tòa Thánh Tâm, tòa Đức Mẹ, tòa thánh Giuse). Ngoài ra chúng ta có thấy tòa giảng. Trước đây, khi chưa có hệ thống micro, thì người ta cất một bục cao ở giữa nhà thờ, để vị giảng thuyết lên trên đó nói cho tất cả cộng đồng nghe. Dĩ nhiên, tòa giảng được đặt ở giữa lòng nhà thờ, chứ không phải ở gần bàn thờ.
Kế đó, chúng ta gặp thấy các tòa giải tội. Tòa giải tội được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng.
1/ Theo nghĩa đen, tòa giải tội được hiểu như một chỗ để các hối nhân đến lĩnh bí tích thống hối. Tùy theo kiến trúc, nó có thể mang hình thù giống như là một trạm điện thoại, hoặc như phòng khám bệnh. Nên biết là những tòa này mới được đặt trong nhà thờ từ thế kỷ XVI, do sáng kiến của Thánh Carolô Borromêô. Trước kia, các hối nhân đến xưng tội với linh mục trước bàn thờ. Thánh Carolô nghĩ ra môt bức phên chắn, qua đó hối nhân đến xưng thú tội lỗi, nhờ vậy, bảo đảm được tính cách kín đáo hơn.
2/ Theo nghĩa bóng, tòa giải tội ám chỉ một tòa án, nơi mà linh mục giữ cương vị của một thẩm phán để xét xử. Từ đó, có lối nói: linh mục “ngồi tòa giải tội”, hàm ngụ ý tưởng của một quan tòa ngồi xử kiện.
Phần nào dựa trên những lời mà Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô và các tông đồ: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi “(Mt 18,18).
Theo sự giải thích thời Trung Cổ, “cầm buộc hoặc tháo cởi” là chức vụ của một thẩm phán xét xử: tuyên án phạt hoặc tuyên bố trắng án. Nơi tin mừng của Thánh Gioan (20,23), chúng ta cũng đọc thấy những lời tương tự: “các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.
“Tha thứ hoặc cầm giữ” là một phán quyết. Tuy nhiên, ngày nay, lý luận này đang bị xét lại. Bởi vì, tuy linh mục giữ nhiệm vụ tương đương như một thẩm phán xét xử, nhưng tòa giải tội không phải là một tòa án theo nghĩa chặt của nó. Lý do bởi vì hối nhân tự ý đến xưng tội, chứ không phải bị điệu đến để điều tra hoặc hỏi cung. Thêm vào đó, hối nhân tự ý xưng thú tội của mình, chứ không có một cơ quan công tố đứng ra buộc tội. Sau cùng, linh mục không kết thúc việc xét xử bằng một bản án luận phạt, nhưng là lời xá giải tha tội.
Nói cách khác, linh mục không chỉ là dấu hiệu của sự phán xét của Thiên Chúa nhưng còn là dấu hiệu của lòng nhân ái của Thiên Chúa nữa. Người không kết án kẻ ăn năn vì lỗi lầm của mình, nhưng ban ơn tha thứ cho người ấy.
Hai từ ngữ “tòa trong / tòa ngoài” dịch bởi tiếng La Tinh “forum externum / forum internum”. Trong tiếng La Tinh thời cổ, forum có nghĩa là “hội chợ”, nơi trao đổi hàng hóa. Thêm vào đó, forum cũng là nơi xét xử các vụ kiện tụng. Từ đó, forum cũng có nghĩa là “tòa án”.
Nhưng vào thời Trung Cổ, các nhà Giáo Luật phân biệt hai phạm vi của tòa án, và đây là một một đặc trưng của Giáo Hội. Thông thường, các tòa án xét xử các cuộc tranh chấp liên quan đến đời sống xã hội. Nhưng trong Giáo Hội, đặc biệt trong bí tích thống hối, có những tội diễn ra trong lương tâm, nơi gặp gỡ sâu xa và tư riêng nhất giữa Thiên Chúa và con người: Giáo Hội được Thiên Chúa ủy cho việc tha thứ các tội ấy, phần lớn là thầm kín.
Như vậy việc xét xử trong Giáo Hội bao hàm hai phạm vi:
1/ phạm vi xã hội, giữa các phần tử trong cộng đồng, giống như các tòa án khác trên đời này;
2/ phạm vi lương tâm, kín đáo, trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người.
Đó là nền tảng cho sự phân biệt giữa “tòa ngoài” với “tòa trong”, và áp dụng trong việc tha thứ các hình phạt. Có những sự tha thứ chỉ có hiệu quả ở toà trong mà không có hiệu lực ở tòa ngoài.
Trong tiếng Việt, “vạ” có nghĩa là điều gì tai họa (tai bay vạ gió); trong ngành luật học, nó được dùng cho các thứ hình phạt bằng tiền. Trong Giáo Luật “vạ” được dùng để dịch từ “censura” trong tiếng La Tinh.
Trong quá khứ, danh từ này mang nhiều ý nghĩa, nhưng ngày nay trong bộ Giáo Luật, nó được hiểu về ba hình phạt được xếp vào loại “chữa trị” (poenae medicinalis), nghĩa là nhằm việc trị liệu medicina), giúp cho hối nhân sửa mình, đó là “tuyệt thông, cấm chế, và huyền chức”.
Nói một cách khái quát, tội có ảnh hưởng đến tương quan giữa con người với Thiên Chúa, còn vạ thì liên quan tới mối tương quan đối với Hội Thánh. Đối với một số tội nặng, Giáo Luật ra hình phạt, nghĩa là một số biện pháp kỷ luật. Trong xã hội, các hình phạt có thể là ngồi tù (hạn chế tự do đi lại) hoặc phạt tiền (gây ra tổn thiệt đến các tài sản vật chất).
Đời xưa, Giáo Hội cũng có nhà tù hoặc những hình phạt liên quan đến tài sản vật chất. Thời này, hầu hết các hình phạt chỉ liên quan đến các tài sản thiêng liêng, nghĩa là ơn huệ của bí tích. Cụ thể, các hình phạt tuyệt thông và cấm chế ngăn cản người tín hữu không được cử hành hoặc nhận lãnh các bí tích; còn hình phạt huyền chức ngăn cản việc thi hành các chức vụ trong Giáo Hội.
Trong tiếng latinh, tuyệt thông là excommunicatio , có thể cắt đứt sự hiệp thông. Đời xưa, sự cắt đứt này mang theo hiệu quả trong tương quan xã hội; ngày nay, hầu như chỉ còn giới hạn trong lãnh vực bí tích.
Người bị hình phạt tuyệt thông không được phép cử hành và tham dự các bí tích, kể cả bí tích thống hối. Xem ra đây là cái vòng luẩn quẩn. Một người có tội trọng và mắc vạ tuyệt thông thì trước hết cần phải được giải vạ đã, rồi sau đó mới có thể được lãnh bí tích thống hối. Duy có điều là hầu hết các linh mục đều có năng quyền để giải tội, nhưng việc giải vạ được dành riêng cho một số nhà chức trách trong Giáo Hội, và thậm chí có khi phải lên đến Đức Thánh Cha.
Đó là tôi nói đến việc giải vạ; còn việc ra vạ là chuyện khác. Xét về việc thiết lập hình phạt, thì chỉ người có quyền lập pháp mới có thể thiết lập vạ tuyệt thông hay cấm chế gắn liền với một tội phạm nào đó.
Còn việc áp dụng hình phạt thì khác: có thể là cơ quan hành pháp, tư pháp, và thậm chí có thứ án phạt đương nhiên mắc khi phạm tội, gọi là hình phạt tiền kết. Tuy nhiên, nên lưu ý, “vạ” giả thiết một tội trọng; vì thế nếu ai không phạm tội trọng (chẳng hạn vì thiếu ý thức, thiếu tự do) thì cũng không mắc vạ. Và hiểu ngậm là chỉ vạ dành cho từng cá nhân, chứ không có vạ tập thể.
Trong tiếng Việt, tiếng “dứt phép thông công” (hay đôi khi gọi tắt là “tuyệt thông”) hơi hàm hồ. Đôi khi nó chỉ có nghĩa là ngăn cấm lãnh bí tích Thống Hối và Thánh Thể (nói nôm na là cấm xưng tội và rước lễ), đôi khi ám chỉ một thứ vạ nặng hơn của Giáo Luật.
Theo đ.1331, ai mắc vạ tuyệt thông thì không những không được nhận lãnh hai bí tích vừa kể, nhưng còn bị cấm cử hành và tham dự bất cứ bí tích và á-bí-tích nào. Ngoài ra, còn bị cấm giữ các chức vụ trong Giáo Hội nữa. Trong các bộ luật cũ, thì còn cấm các tín hữu khác phải tránh không được giao lưu với người đó nữa. Có lẽ đây là nguyên nghĩa của tiếng tuyệt thông (excommunicatio), nghĩa là không những cấm người bị vạ không được thông dự vào bí tích Mình Thánh Chúa, mà không được thông hiệp với cộng đoàn các tín hữu nữa.
Muốn trả lời điều đó thì phải hỏi chính cha sở, chứ tôi không thể trả lời thay cho cha ấy được. Tôi chỉ có thể nói rằng cha sở không có thẩm quyền dứt phép thông công của ai hết.
Lý do đơn giản là tại vì Giáo Luật không cấp cho cha sở thẩm quyền để thiết lập hình phạt hay để tuyên hình phạt. Cha sở không có quyền thiết lập hình phạt, theo nghĩa rằng người không có quyền ấn định rằng ai phạm tội nào đó (thí dụ hút thuốc phiện) thì sẽ mắc vạ tuyệt thông.
Theo đ.1315 chỉ có ai có thẩm quyền lập pháp mới có thể thiết lập luật hình, hoặc theo đ. 1319 ai có quyền tài phán thì mới có thể ra mệnh lệnh hình luật.
Trong giáo phận, chỉ có đức giám mục giáo phận mới có quyền lập pháp (chứ đức cha phụ tá hay cha tổng đại diện thì không có quyền lập pháp); còn quyền tài phán thì các bản quyền đều có, nghĩa là đức giám mục, cha tổng đại diện, cha đại diện giám mục, hoặc các bề trên cao cấp trong các Dòng tu giáo sĩ thuộc luật Giáo Hoàng.
Đó là nói về việc thiết lập luật hoặc mệnh lệnh hình sự. Còn khi nói tới việc áp dụng hình phạt, (tức là tuyên xử án phạt), thì theo đ.1341, hoặc là bản quyền hoặc là toà án giáo phận mới có quyền tuyên án, chứ cha sở cũng không có thẩm quyền gì hết. Đó là nói theo Giáo Luật. Rất có thể xảy ra là vì giao thông khó khăn tại vài nơi, nên đức giám mục ủy quyền cho cha sở được thi hành vài công tác mà luật đành cho bản quyền; nhưng đó là luật trừ!
Đúng. Khi bàn về việc lãnh nhận hai bí tích Thánh Thể và Thống hối, Giáo Luật có dự trù những trường hợp cần phải khước từ ban bí tích ấy cho những người không chuẩn bị xứng đáng.
Khi bàn về bí tích thống hối, đ.980 nói rằng nếu thấy hối nhân đã chuẩn bị đích đáng và xin lãnh ơn tha thứ, thì cha giải tội không được khước từ hay hoãn lại. Hiểu ngược lại, ta có thể nói rằng nếu hối nhân không được chuẩn bị đích đáng thì cha giải tội có thể khước từ ban ơn hoà giải.
Thế nào là không được chuẩn bị đích đáng? Đó là trường hợp không thống hối thực tình, không dốc quyết sửa mình, tới nỗi nói được là vừa ra khỏi toà giải tội thì lại tái phạm: thí dụ một người sống trong hoàn cảnh sa ngã thường xuyên, như là sống chung với người không phải là vợ hay chồng của mình. Trong trường hợp này, không phải là cha giải tội phạt hối nhân không cho người đó lãnh bí tích, nhưng là vì người đó không hội đủ điều kiện để lãnh bí tích: nếu chúng ta muốn xin Chúa tha tội, thì việc đầu tiên là chúng ta phải hối hận vì tội đã phạm, và hứa sẽ cố gắng không tái phạm nữa; chứ nếu xưng tội xong rồi lại đi phạm tội như cũ thì có khác gì trêu giỡn Chúa.
Còn đối với bí tích Thánh Thể ta cũng có thể lập luận tương tự. Điều 915 nói rằng không được trao Mình Thánh Chúa cho những người đã bị tuyên án tuyệt thông và cấm chế, hoặc những người cố chấp sống trong một tội trọng công khai.
Đối với những người đã bị giáo quyền lên án tuyệt thông hay cấm chế thì vấn đề đã rõ rồi. Ta chỉ nên xét tới trường hợp sau, tức là người mắc tội trọng, công khai và cố chấp. Giáo luật đặt ra 3 điều kiện:
1/ Thứ nhất, là tội trọng, bởi vì nó đặt linh hồn trong tình trạng thù địch với Chúa; vì vậy mà sự rước lễ thay vì mang lại ơn thánh thì lại gia tăng thêm tội mới, tội phạm thánh;
2/ thứ hai, công khai. Thực ra chỉ có lương tâm mỗi người mới biết được tình trạng ân nghĩa với Thiên Chúa. Chúng ta không thể biết được người nào đó sống trong ơn nghĩa với Chúa hay không. Tuy nhiên, nếu người nào đã phạm một tội trọng công khai, hiển nhiên thì vấn đề đó là chuyện khác: việc trao Mình Thánh Chúa cho họ sẽ trở thành gương mù cho các tín hữu. Tuy nhiên, biết đâu họ đã ăn năn xưng tội rồi thì sao?
Vì vậy, Giáo Luật đòi hỏi thêm điều kiện thứ ba nữa, đó là tình trạng cố chấp, nghĩa là không có dấu hiệu gì đã ăn năn sửa mình, cứ cố chấp trong tội của mình, tỉ dụ một ông có bà hai bà ba; người cầm đầu một băng đảng cướp của giết người. Dù sao, thì như chị thấy, đây không phải là một hình phạt, nhưng là một lời cảnh tỉnh rằng đương sự chưa dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng; nguy cơ là thay vì bí tích làm cho họ nên thân thiết với Chúa thì lại càng làm họ xa cách Chúa.
Không phải chỉ có cha sở mà bất cứ cha giải tội nào hay thừa tác viên nào trao Mình Thánh Chúa đều có bổn phận khước từ. Bởi vì đây không phải là hình phạt theo nghĩa chặt, mà chỉ là lời cảnh tỉnh khuyên đương sự hãy cố gắng dọn mình nghiêm chỉnh hơn để lãnh bí tích, hay nói đúng hơn, để lãnh những công hiệu thiêng liêng của bí tích.
Như đã nói, đây không phải là một hình phạt với một hạn kỳ, nhưng mà chỉ là sự khuyến cáo đương sự hãy cố gắng chuẩn bị xứng đáng hơn. Do đó chừng nào đương sự đã hội đủ điều kiện ấy thì họ sẽ được lãnh nhận bí tích. Nói khác đi, họ sẽ được lãnh bí tích giải tội nếu họ thực tình thống hối và cố gắng sửa mình; cũng như họ sẽ được rước lễ nếu họ từ bỏ sự ngoan cố trong việc phạm tội công khai.
Luôn tiện, tưởng cũng nên biết một đặc điểm của hình phạt trong Giáo Luật (nghĩa là nói tới “vạ” theo nghĩa chặt) là nhắm giúp con người sửa trị: nhà lập pháp gọi nó là “hình phạt chữa trị” (medicinalis: như là thuốc để chữa bệnh thiêng liêng. Do đó chỉ có tuyên án người nào khi họ ngoan cố, không chịu sửa mình.
Thực vậy, theo các điều 1341, 1344, 1347, không nên xử dụng tới các vạ nếu đương sự chịu sửa mình. Ngoài ra, cũng ở đ.1347 nhà luật pháp đòi hỏi nhà chức trách phải cảnh cáo đương sự và để cho họ thời gian để suy xét và sửa mình.
Hơn thế nữa, dù đã tuyên vạ rồi vì không còn đường nào khác, cánh cửa của Giáo Hội vẫn còn rộng mở. Thực vậy, đ.1358 §1 nói rằng nếu đương sự đã tỏ dấu hối hận thì họ có quyền được giải vạ. Thiết tưởng lắm lần chính đương sự lẫn nhà chức trách Giáo Hội không ý thức đúng mức sự mất mát do việc không được lãnh bí tích thống hối và Mình thánh, bởi vì chúng ta không ý thức đúng mức thế nào là sống trong ơn nghĩa với Chúa hay thế nào là mất ơn nghĩa với Chúa.
Dù sao, bộ Giáo Luật đã dự trù những trường hợp đặc biệt ở đ.1357 §1, cho phép cha giải tội được giải vạ cho một hối nhân bức rức lương tâm vì không thể lãnh bí tích tha tội khiến họ phải kéo dài tình trạng mất nghĩa với Chúa; tuy nhiên sự giải vạ này phải tùy thuộc một số điều kiện. Nhưng nhất là trong trường hợp nguy tử, theo đ. 976, Giáo Hội tháo hết các tội các vạ, và cấp cho bất cứ linh mục nào (dù đã bỏ hàng ngũ linh mục) năng quyền giải tội và vạ, ngõ hầu giúp cho hối nhân an bình đến gặp Chúa khi bước sang thế giới bên kia.
Để kết luận, Giáo Hội chỉ không khước từ ban bí tích cho người nào nếu họ không được chuẩn bị xứng đáng, nhất là vì họ không thành thực sửa mình. Do đó biện pháp này chỉ được áp dụng cho từng cá nhân chứ không phải cho tập thể, có phải vậy không?
Đúng như vậy. Trước đây, Giáo Luật có dự trù hình phạt cấm chế cho cả một làng, một tỉnh, ngày nay không có hình phạt tập thể như vậy nữa. Do đó, tôi nghĩ là bất công nếu như thính giả đã nêu lên vấn nạn là cha sở nào đó dứt phép thông công cả một gia đình ở trong xứ. Giả như cha mẹ có tội nặng thì cha mẹ gánh chịu hậu quả, chứ không lẽ con cái cũng bị liên lụy nữa hay sao?
Khi quyển sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo mới in chưa khô mực, thì một vài ký giả đã góp nhặt và tung ra những chủ trương mà họ cho là lỗi thời, trong đó có vấn đề biện minh cho án tử hình. Vì thế, trong buổi giới thiệu quyển sách này với giới báo chí, Đức Hồng Y Ratzinger đã bị chất vấn về chuyện đó. Nhưng dư luận vẫn chưa thỏa mãn, và cuộc tranh luận vẫn tiếp tục.
Có điều là từ đó đến nay, người ta đã có thể đọc chính bản văn trong văn mạch của nó chứ không phải chỉ qua vài đoạn mà các ký giả đã lấy ra. Nhờ vậy người ta nhận thấy lập trường của Giáo Hội đối với án tử hình không tóm lại cộc lốc trong một tiếng “được” hay “không được”, nhưng đã được rào trước đón sau rất là kỹ lưỡng.
Tại vì trong thời gian gần đây, vấn đề duy trì hay bãi bỏ án tử hình đã trở thành sôi nổi trong dư luận tại Âu Mỹ. Những người đòi bãi bỏ nó đã viện dẫn nhiều lý do triết lý cũng như thần học; hay nói khác đi, những lý do xét theo lý luận tự nhiên và những lý do của Phúc Âm.
Chúng ta có thể nói được rằng những lý do này thường được viện dẫn trong giới luật gia cũng như trong các phong trào nhân đạo. Những lý do mà họ đưa ra thường là bẻ lại những luận cứ mà trước đây người ta đã dùng để biện minh cho án tử hình.
Lý do thứ nhất. Để biện minh cho án tử hình, người ta thường nại tới quyền tự vệ của xã hội: xã hội phải phòng ngừa các quân ác ôn khỏi gây rối an ninh. Trả lời: đồng ý, xã hội cần phải sử dụng biện pháp phòng ngừa những kẻ phá rối trị an; nhưng nói thế không có nghĩa là có thể nhắm mắt xài bất cứ biện pháp nào! Cần phải cân nhắc xem chúng có hữu hiệu hay không, và nhất là phải xét xem chúng có hợp với nhân đạo hay không.
Lý do thứ hai, xét về mục tiêu và ích lợi của án tử hình, người ta thấy rằng án tử hình không có công dụng gì hết. Có người cho rằng án tử hình nhằm ngăm đe những người khác: họ sẽ tránh phạm tội vì sợ mất mạng; tuy nhiên, các số thống kê cho thấy các số tội phạm không có giảm tại các nơi duy trì án tử hình, thí dụ như ngay chính tại Hoa Kỳ. Một mục tiêu khác của hình phạt là cải hóa sửa trị; nhưng án tử hình không giáo hoá sửa trị người lầm lỗi, vì đương sự đã toi mạng rồi còn mong chi có cơ hội sửa mình.
Lý do thứ ba chống lại án tử hình là vì nó bất công. Thực vậy, tuy rằng thoạt tiên nguyên tắc “mắt đền mắt, mạng đến mạng” xem ra hợp với lẽ công bằng; nhưng nếu phân tích ra, chúng ta thấy rằng nó không lặp lại sự công bằng được. Thí dụ như nếu tôi giết ông Xoài một người vô tội, thì việc xã hội giết lại tôi không trả lại công bằng cho xã hội tí nào, xét vì nó không làm cho ông Xoài sống lại mà lại giết thêm một mạng người. Đó là chưa kể trường hợp có người bị xử oan, vì bị vu cáo tư thù, và chắc chắn xã hội không có cách nào có thể trả lại sự sống cho người bị xử oan.
Sau cùng lý do căn bản nhất chống lại án tử hình là phẩm giá của con người: quyền sống của họ là cái gì thánh thiêng không ai có quyền đụng tới.
Chúng ta đang nói trong lãnh vực tự nhiên, về quyền sống của con người. Dĩ nhiên tôn giáo, đặc biệt là Kitô Giáo, sẽ còn nhấn mạnh đến quyền ấy hơn nữa, khi nói rằng chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống; còn chính chúng ta cũng không phải là chủ của mạng sống mình mà chỉ là người quản lý. Vì thế chúng ta lại càng không có quyền định đoạt cất mạng sống của người khác.
Như đã nói trên đây, những lý do thuộc lãnh vực tự nhiên được các giới luật học và các tổ chức nhân quyền nại ra để đòi bãi bỏ án tử hình. Riêng các người Kitô Hữu thì họ còn nại ra một số lý do khác nữa để yêu cầu Giáo Hội lên tiếng chống lại án tử hình. Lý do ấy dựa trên tinh thần Phúc Âm mà Chúa Giêsu đã mang lại cho nhân loại và đã được các Kitô Hữu đầu tiên thực hành.
Thực vậy, ngoài việc đề cao phẩm giá và kêu gọi tôn trọng mạng sống con người, Chúa Giêsu còn tiêm nhiễm vào xã hội loài người một tinh thần mới, tức là tình yêu tha thứ. Người đã thay thế nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” bằng yêu sách tha thứ, thương yêu kẻ thù theo gương Cha trên trời. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta loại khỏi con tim tất cả những tâm tình nóng nảy, giận ghét, căm hờn.
Các Kitô Hữu tiên khởi nhiều lần đã áp dụng lời Chúa một cách triệt để, khi không dùng khí giới để tự vệ trước kẻ tấn công mình, khi từ chối gia nhập quân đội vì sợ phải giết người ở chiến trường, khi tuyệt thông những đao thủ đã thi hành bản án tử hình.
Vấn đề án tử hình được đề cập tới khi giải thích về giới răn thứ năm: “Chớ giết người”, từ số 2258 trở đi. Sau khi đã giải thích về tính cách thánh thiêng của mạng sống con người, sách Giáo Lý khẳng định rằng: không ai được quyền hủy hoại trực tiếp sự sống của một người khác; việc tự ý giết một người vô tội là điều đi ngược lại phẩm giá con người, ngược lại luật vàng (hãy làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình) và ngược lại sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa.
Tuy nhiên, từ số 2263, sách Giáo Lý xét tới trường hợp tự vệ chính đáng. Đây không phải là một khoản trừ cho luật cấm giết người, mà chỉ là trường hợp của một hành vi với hai công hiệu: một bên là bảo vệ mạng sống của mình; bên kia là cái chết của người tấn công; chúng ta chỉ muốn công hiệu thứ nhất chứ không có chủ tâm muốn công hiệu thứ hai. Từ đó, ở số 2263, sách Giáo Lý nói rằng người bảo vệ mạng sống của mình không phạm tội giết người khi buộc phải gây ra cái chết cho người tấn công mình.
Chính trong chiều hướng tự vệ mà sách Giáo Lý bàn tới án tử hình ở số 2265. Sự tự vệ có thể quan niệm như là một quyền lợi và một nghĩa vụ. Sự tự vệ được coi như một quyền lợi vì là quyền bảo vệ mạng sống của mình; xét vì là một quyền lợi, thì đương sự vì lý do vị tha hay tôn giáo có thể khước từ: thà chấp nhận cái chết còn hơn gây cái chết cho người khác.
Nhưng có trường hợp mà sự tự vệ trở thành một nghĩa vụ, đối với người mang trách nhiệm đối với mạng sống của đời sống của tha nhân, với ích chung của gia đình hay xã hội. Từ đó, ở số 2266, sách Giáo Lý đề cập đến án tử hình như sau:
“Việc duy trì công ích của xã hội đòi hỏi phải đặt người tấn công vào thế không thể phá hoại được. Với danh nghĩa ấy, giáo huấn cổ truyền của Hội Thánh đã nhìn nhận nền tảng của nghĩa vụ và quyền lợi của công quyền hợp pháp được tuyên những hình phạt tương xứng với sự trầm trọng của tội phạm, kể cả tử hình trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng. Cũng vì những lý do tương tự, nhà cầm quyền có quyền đẩy lui bằng vũ lực những người tấn công cộng đồng mà họ lãnh trách nhiệm”.
Rào đón nhiều lắm chứ. Thứ nhất, nên nhớ là án tử hình được đặt trong viễn tượng của sự tự vệ, nghĩa là của hành vi với hai công hiệu: công hiệu chính là bảo vệ mạng sống, và công hiệu phụ là gây ra cái chết cho đối thủ.
Tuy nhiên để áp dụng nguyên tắc này, thì điều 2264 đã nhắc nhở rằng cần phải giữ sự cân xứng trong khi tự vệ. Luân lý không cho phép bảo vệ mạng sống mình bằng phương tiện tàn bạo quá mức cần thiết.
Từ nguyên tắc chung ấy, điều 2267 khẳng định như sau: nếu những phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ sinh mạng, trật tự công cộng và sự an toàn của nhân dân chống lại những người tấn công, thì nhà cầm quyền hãy tự hạn chế vào những phương thế ấy, bởi vì chúng thích hợp với những điều kiện cụ thể của công ích, và tương ứng với phẩm giá con người hơn.
Nói cách khác, án tử hình chỉ nên sử dụng như là khi lâm vào ngõ bí không có lối thoát khác nữa. Thực vậy, trước đó, sách Giáo Lý đã nhắc lại ba mục tiêu chính của hình phạt: thứ nhất, sửa chữa lại trật tự đã bị rối loạn do tội phạm; thứ hai bảo vệ trật tự công cộng và an ninh nhân sự; thứ ba, là vai trò sửa trị, giúp cho phạm nhân sửa mình.
Đúng vậy; vì vậy theo tôi nghĩ, tuy Giáo Hội dựa theo truyền thống, chấp nhận rằng chính quyền có quyền lên án tử hình; nhưng trên thực tế thì ra như can ngăn đừng xài tới nó, xét vì nó không đạt tới những mục tiêu mà hình phạt nhắm tới.
Dĩ nhiên, một trách nhiệm rất lớn được đặt cho các nhà cầm quyền (tiên vàn cơ quan lập pháp), phải cân nhắc xem có những phương tiện nào khác để bảo vệ xã hội và cải hóa phạm nhân hay không.
Dĩ nhiên sự trả lời tùy thuộc vào điều kiện văn hóa xã hội của mỗi quốc gia. Lịch sử cho thấy rằng công luận đã tiến triển rất nhiều trải qua dòng thời gian. Thí dụ như tại Âu Châu, trước đây người ta chấp nhận tuyên án tử hình vì tội truyền bá tư tưởng nguy hiểm (chứ chưa giết hại gì ai), nhưng ngày nay người ta đòi hỏi loại bỏ án tử hình khỏi các bộ hình luật: sự tiến triển ấy giả thiết cả một việc thay đổi não trạng, giáo dục, cũng như những chế độ lao tù.
Chúng ta cũng hy vọng rằng, với thời gian, khi ý thức về nhân phẩm càng ngày càng chín mùi hơn, tất cả các nền pháp chế trên thế giới sẽ loại trừ án tử hình khỏi bộ hình luật. Trong vấn đề này, chắc rằng giáo huấn của Sách Giáo Lý không phải là không thể cải tiến. Ta có thể thấy một thí dụ của sự tiến triển của giáo huấn của Hội Thánh quanh vấn đề tra tấn nói ở số 2298, nơi mà soạn giả nhìn nhận sự thiếu sót của Giáo Hội trong quá khứ.
[Lưu ý: trong ấn bản mới, năm 1997, dựa theo thông điệp Evangelium vitae số 56, sách Giáo Lý cho biết ngày nay án tử hình đã lỗi thời, bởi vì xã hội có những phương tiện khác để tự vệ và giúp cho tội nhân cải thiện]