Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên nhắc cho các thính giả biết thế nào là 6 điều răn Hội Thánh. Trước đây, trong các nhà thờ tại Việt Nam, trước khi cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, các tín hữu có thói quen đọc kinh Mân Côi, kế đó ôn lại 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội Thánh, 7 mối tội đầu, 14 việc thương người, 8 mối phúc thật. Trong những năm gần đây, thói tục ấy dần dần bị bỏ rơi và vì vậy mà nhiều người chẳng biết gì đến 10 điều răn Đức Chúa Trời, huống chi là 6 điều răn của Hội Thánh.
Sáu điều răn của Hội Thánh là:
- thứ nhất, dâng lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc;
- thứ hai, chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng những ngày lễ buộc;
- thứ ba, xưng tội trong một năm ít là một lần;
- thứ bốn, chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh;
- thứ năm. giữ chay những ngày Hội Thánh buộc;
- thứ 6, kiêng thịt ngày thứ 6 cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.
Có thể ít hơn 6 điều nữa, như câu hỏi đã nêu lên ở lúc đầu, xét vì sách Giáo Lý Công Giáo chỉ nói có 5 điều răn. Dù sao thì “điều răn” không phải là Giáo Luật. Tiếng “điều răn” Hội Thánh làm cho ta liên tưởng tới các “điều răn” của Đức Chúa Trời, dường như tiếp nối các điều răn của Chúa, hay ít là áp dụng các điều răn Chúa vào một vài hoàn cảnh cụ thể. Thế nhưng, trong các từ ngữ Âu Châu, ngoài tiếng “commandement” (điều răn), đôi khi người ta cũng dùng tiếng “précepte”, mà ta có thể dịch là mệnh lệnh.
Trong Giáo Luật tiếng precepta thường được hiểu về một lệnh cụ thể, khác với “luật” (lex) thường có tính cách phổ quát hơn. Cách riêng, trong sách Giáo Lý của Hồng Y Gasparri xuất bản năm 1930 ở Rôma, có sự phân biệt giữa 10 “mandata” (điều răn) của Thiên Chúa, và 5 “precepta” (mệnh lệnh) của Hội Thánh.
Xét về lịch sử thì các điều răn của Hội Thánh ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XV trong các sách giúp các cha giải tội và các hối nhân xét mình xưng tội.Tỉ dụ như trong quyển sách Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Antôninô, dòng Đaminh, giám mục Firenze ở Italia năm 1486. Sang thế kỷ sau, nó đi vào các sách giáo lý của Thánh Phêrô Canisius (1556) và Robertô Bellarminô (1598) Dòng Tên. Có điều lạ là tuy công đồng Trentô, trong sắc lệnh về việc kiêng thịt giữ chay và lễ trọng ban hành năm 1563, đã nhắc nhở phải tuân giữ các điều răn Hội Thánh; thế mà trong quyển Giáo Lý của công đồng Trentô ra đời năm 1566 (nghĩa là 3 năm sau đó) thì không thấy nói đến danh sách các điều răn Hội Thánh. Phải chờ tới thế kỷ XVII thì mới thấy nói tới chúng trong các sách giáo lý.
Con số này cũng co dãn. Các sách giáo lý của Canisius và Bellarminô kể ra tới 5; nhưng sách giáo lý tục gọi là của Đức Piô V thì chỉ có 4; còn các sách thần học luân lý, tựa như của Thánh Antôninô nói trên đây nhiều khi kéo dài tới số 10.
Thường thì trong tất cả các bản văn, ta đều thấy có các điều răn sau đây: dự Thánh Lễ và thánh hóa ngày Chúa Nhật; xưng tội hằng năm; rước lễ trong mùa Phục Sinh; ăn chay kiêng thịt. Ngoài những điểm chung ấy ra, thì nơi này nơi khác có thêm một vài điều nữa: tỉ như: đóng thuế thập phân cho Giáo Hội dưới thời vương chính nước Pháp, hoặc trợ giúp hàng giáo sĩ, như bên các nước Bắc Mỹ; hoặc không được cưới hỏi trọng thể trong mùa Chay; cấm kết hôn với người ngoại đạo; không lai vãng với những người đã bị lên án tuyệt thông; không tham dự bí tích do các linh mục có tư tình cử hành, vân vân.
Bản văn 6 điều răn mà chúng ta quen đọc ở các nhà thờ Việt Nam nói được là giống với bản văn được áp dụng tại nước Pháp từ năm 1945: Nên biết là tại Pháp danh sách các điều răn Hội Thánh ra đời từ thế kỷ XV, và đã được đặt thành vè phổ thông. Trải qua 5 thế kỷ, chúng đã được nhiều lần thay đổi, và lần cuối cùng vào năm 1931 và 1945.- Đang khi ấy, tại Rôma sách Giáo Lý Công Giáo của Hồng Y Gasparri xuất bản năm 1930 chỉ kê khai có 5 điều răn:
1) Dâng lễ và kiêng việc xác vào ngày Chúa Nhật và lễ buộc;
2) Kiêng thịt và ăn chay vào những ngày Hội Thánh định;
3) Xưng tội trọng ít là mỗi năm một lần;
4) Rước lễ ít là mỗi năm một lần trong mùa Phục Sinh;
5) Giúp đỡ các nhu cầu của Giáo Hội và các giáo sĩ.
Thực ra tuy được gọi là điều răn Hội Thánh, nhưng Tòa Thánh không bao giờ tuyên bố một danh sách chính thức về các điều răn cả. Các bản danh mục do các tác giả của những sách giáo lý, hay các nhà thần học soạn ra, thường là nhằm để nhắc nhở các tín hữu về những nghĩa vụ liên can tới việc phụng tự. Sách Giáo Lý Công Giáo mới ban hành đã xếp chúng trong chương nói về vai trò của quyền Giáo Huấn của Giáo Hội đối với đời sống đạo đức của người tín hữu, cách riêng với mục tiêu bảo đảm cho người tín hữu được duy trì mức tối thiểu trong việc cầu nguyện, và cố gắng tăng trưởng trong lòng mến Chúa yêu người (số 2041). Đó là mục tiêu; còn sự phát biểu và tầm bó buộc thì có thể thay đổi tùy nơi tùy thời.
1) Dâng lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc; 2) Xưng tội một năm ít là một lần; 3) Rước lễ trong mùa Phục Sinh; 4)Thánh hóa các ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng; 5) Ăn chay kiêng thịt vào những ngày luật định. Ta có thể nhận thấy tuy thứ tự và con số có hơi khác với danh mục mà chúng ta quen đọc tại Việt Nam, nhưng nội dung thì như nhau.
Bộ Giáo Luật đã bàn về những điểm đó trong quyển 4, nói về nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng trích dẫn những khoản luật ấy, nhưng đồng thời cũng giải thích ý nghĩa của chúng tại những chương khác nhau. Ta có thể bàn vắn tắt về ý nghĩa của từng điều răn, dựa theo thứ tự đọc ở các nhà thờ tại Việt Nam như sau.
Hai điều răn thứ nhất và thứ hai có thể gom lại làm một, xét vì cả hai đều liên can đến nghĩa vụ phải giữ trong các ngày Chúa Nhật và lễ buộc, tức là: tham dự Thánh Lễ và nghỉ việc xác. Xét theo lịch sử, thì việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật nói được là đã có từ thời các thánh Tông Đồ; các tín hữu tụ họp nhau để cử hành Thánh Thể vào ngày tiếp theo ngày Sabbat của người Do Thái, từ nay được gọi là ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày thứ nhất trong tuần dành để kính nhớ ngày Chúa sống lại. Tham dự Thánh Lễ xong thì người ta lại trở về công việc thường nhật; mãi tới thế kỷ IV, khi Kitô Giáo được nhìn nhận là quốc giáo ở Rôma, thì mới có luật của nhà nước buộc ngưng việc lao động.
Dần dần, Giáo Hội thêm một số ngày lễ trọng coi ngang với ngày Chúa Nhật. - Trong quá khứ, nhiều lần người ta rơi vào chế độ vụ luật, từ đó đặt ra không biết bao nhiêu là câu hỏi chi li, tỉ như: phải xem lễ từ phần nào tới phần nào khi chu toàn nghĩa vụ? Ngày Chúa Nhật, được phép làm việc gì, kiêng việc gì? vân vân. Ngày nay, Giáo Hội muốn cho chúng ta khám phá ra tinh thần nguyên thủy của ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày tưởng niệm Chúa sống lại, ngày các tín hữu hội họp nhau để cầu nguyện, chia sẻ; ngày nghỉ ngơi để nói lên điều kiện tự do thoải mái mai sau trên Nước Trời, vânvân.
Nói tóm lại, thay vì nói đến việc giữ luật về ngày Chúa Nhật, cần nhấn mạnh đến chỗ “thánh hóa ngày Chúa Nhật”, nếu chúng ta không muốn rơi vào vết xe cũ của người Pharisêu về luật Sabbat đã bị Chúa Giêsu lên án.
Điều răn thứ ba, xưng tội mỗi năm ít là một lần. Nghĩa vụ này do Công Đồng Lateranô IV, năm 1215, đặt ra. Nghĩa vụ này đặt ra đối với những người đã phạm tội trọng, xét vì tội nhẹ có thể được tha thứ qua các việc bác ái khác. Dĩ nhiên đây là mức tối thiểu, chứ phàm ai đã ý thức mình phạm tội trọng thì hãy đi xưng tội càng sớm càng hay, để luôn có thể sống trong ơn sủng với Thiên Chúa. Cách riêng, trước khi đi rước lễ, thì phải xưng thú các tội trọng.
Việc rước lễ một năm một lần vào mùa Phục Sinh (điều răn thứ bốn) cũng là một biện pháp kỷ luật do Công Đồng Lateranô-IV năm 1215 đặt ra: đây là một điều tối thiểu, nhằm giúp cho đời sống thiêng liêng khỏi chết yểu. Thực vậy, biện pháp kỷ luật được đặt ra vào lúc mà tinh thần đạo đức đã sa sút; chứ còn vào thời buổi đầu, các tín hữu rước lễ thường xuyên vào lúc họ đi tham dự Thánh Lễ, nghĩa là ít là hằng tuần.
Sau cùng, việc ăn chay kiêng thịt trải qua lịch sử đã có những lúc chìm nổi, và không thiếu lần rơi vào tính cách vụ luật. Sau Công Đồng Vaticanô II, Đức Phaolô VI đã duyệt lại kỷ luật trong ván đề này với tông hiến “Poenitemini” (17/2/1966), nhằm nêu bật mục tiêu của việc ăn chay kiêng thịt, đó là thống hối đền tội, chế ngự các đam mê, đồng thời với sự chia sẻ số phận nghèo đói của hàng bao nhiêu triệu con người. Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là kiêng thịt, nhưng nếu cần, có thể kiêng rượu, thuốc lá, hay cái sở thú nào đó để bày tỏ tinh thần hãm mình đền tội; ngoài ra sự tiết kiệm do việc kiêng khem có thể dùng vào việc bác ái.
Tôi không dám so sánh kỷ luật chay tịnh của Kitô Giáo với các tôn giáo khác, bởi vì không biết có nên dừng lại ở khía cạnh lý thuyết hay cần phải kiểm chứng cả phương diện thực hành nữa.
Thực ra, khi đọc Phúc Âm, chúng ta đã thấy ngay từ thời của Chúa Giêsu, đã có người nêu vấn nạn rồi, bởi vì xem ra các môn đệ của Người ăn chơi, đang khi các môn đệ của ông Gioan thì ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại đoạn sách Tin Mừng Thánh Marcô, chương 2 câu 18-20: “Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà các môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời như sau: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được, nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó”.
Qua câu nói vừa rồi, ta thấy Đức Giêsu đi xa hơn các ngôn sứ một bước. Thực vậy, trong Cựu Ước, các ngôn sứ (tựa như ông Isaia, ở chương 58) đã đặt việc ăn chay trong bối cảnh của tất cả đời sống luân lý, nghĩa là không chỉ kiêng ăn uống mà còn phải kiêng phạm tội, kiêng xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.
Chúng ta đã nghe đoạn văn này trong Thánh Lễ ngày thứ 6 và thứ 7 đầu mùa Chay. Chúa Giêsu thì mở thêm một chiều kích khác, chiều kích huyền bí của việc ăn chay: việc ăn chay mang một ý nghĩa tang chế bởi vì mất đi một người yêu.
Chính vì thế mà trong mùa Chay, Giáo luật buộc ăn chay vào hai ngày thứ Tư lễ tro và thứ Sáu tuần thánh. Việc ăn chay vào thứ tư lễ tro mang tính cách sám hối đền tội; còn việc ăn chay thứ Sáu tuần thánh thì mang màu sắc tang chế.
Thiết tưởng nên phân biệt: một bên là luật buộc, một bên là khuyến khích. Tôi không dám quyết chắc rằng ở Việt Nam có tôn giáo nào buộc phải ăn chay hay không, hoặc là chỉ khuyến khích mà thôi. Trong lịch sử Kitô Giáo, thì ta thấy có sự phân biệt này, tuy trải qua thời gian, đã có sự tiến triển trong cả hai khía cạnh.
Như chị đã biết, những tài liệu về các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo không được phong phú cho lắm. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các tín hữu đã giữ ấn tượng sâu đậm về việc Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày vào lúc khai mạc sứ vụ, một điều mà Cựu Ước cũng đã ghi nhận nơi hai vị đại ngôn sứ Môsê và Êlia.
Sách Tông Đồ Công Vụ cũng thuật lại rằng Thánh Phaolô đã ăn chay 3 ngày sau khi trở lại (chương 9, câu 9), và khi lãnh sứ mạng làm tông đồ dân ngoại (chương 13 câu 2-3). Những cuộc ăn chay này xem ra mang tính cách huyền nhiệm, nghĩa là chuẩn bị để gặp gỡ Chúa, chứ không mang tính cách đền tội hoặc tang tóc.
Từ thế kỷ II và III trở đi thì có nhiều tài liệu cho biết các tín hữu giữ chay vào hai ngày thứ 6 và thứ 7 tuần thánh, như là dấu hiệu tang tóc. Hơn thế nữa, Thánh Irênê, trong thư gửi cho Giáo Hoàng Victor, cho biết rằng các tín hữu ở bên Đông Phương giữ chay suốt tuần thánh. Sang thế kỷ IV, thì thấy nhiều giáo phụ bên Tây và bên Đông, nói đến tục lệ giữ chay suốt 40 ngày.
Không hoàn toàn đúng như vậy. Một đàng, ngày nay lịch phụng vụ bắt đầu mùa Chay từ thứ Tư lễ tro, nghĩa là 46 ngày chứ không phải 40 ngày. Lý do là tại vì một tục lệ khá cổ ngưng giữ chay vào các ngày Chúa Nhật, do đó phải tính trội thêm 6 ngày cho đủ số 40. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng hơn nữa là ở chỗ nội dung việc giữ chay. Chắc chị biết những quy định của Giáo Luật hiện hành về việc giữ chay chứ?
Tạm chấp nhận như vậy đi. Cần nói thêm rằng Giáo Luật chỉ ấn định phải giữ chay 2 ngày, đó là thứ Tư lễ tro và thứ Sáu tuần thánh. Thời xưa, các tín hữu phải giữ chay 40 ngày, chứ không phải chỉ có 2 ngày mà thôi. Và còn một sự khác biệt quan trọng nữa, đó là ngày chay thì không được ăn uống gì hết!
Tôi xin lặp lại, vào thời xưa, trong suốt 40 ngày, các tín hữu không được ăn uống gì hết. Nhưng đó không phải là tuyệt thực. Trong suốt ngày, họ không được ăn uống, nhưng khi mặt trời lặn (nghĩa là hết ngày, và đêm về) thì họ được phép ăn một bữa.
Tôi không biết luật của Hồi Giáo đã quy định thế nào về việc giữ chay, nhưng các Kitô Hữu cổ thời kèm theo việc giữ chay với việc kiêng thịt, kiêng rượu, kiêng đồ béo. Vì thế khó mà tưởng tượng được rằng họ được phép đánh chén sau khi mặt trời lặn!
Theo các sử gia, sự chuyển hướng xảy ra vào thời Trung Cổ, vào lúc mà lòng nhiệt thành bắt đầu suy giảm, đồng thời óc vụ luật bắt đầu len lỏi vào đời sống đạo. Vào các thế kỷ đầu tiên, khi các tín hữu giữ chay vào thứ Sáu tuần thánh, thì việc chay tịnh mang tính cách huyền nhiệm và phụng vụ, theo nghĩa là các tín hữu dành hôm đó vào việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ.
Đến khi mùa Chay kéo dài ra 40 ngày, thì dĩ nhiên là không thể nào ngồi trong nhà thờ suốt trong thời gian đó. Còn bao nhiêu công việc khác phải làm nữa chứ, và nếu bụng đói thì làm sao cuốc đất được? Từ đó, người ta tìm cách nào giải thích luật theo nghĩa co dãn.
Như đã nói trên đây, thời xưa, các tín hữu không được ăn uống gì trong suốt ngày giữ chay. Việc chấm dứt ngày chay không được đánh dấu bằng việc mặt trời lặn, nhưng là với Kinh Chiều. Để tôn trọng tục lệ cổ, người ta đọc Kinh Chiều liền sau giờ Chín (nghĩa là 3 giờ chiều), và từ thế kỷ XIV thì đọc kinh trùng với bữa ăn trưa!
Ngoài ra, dựa theo chứng tích của Thánh Tôma Aquinô, người ta biết rằng cho đến thế kỷ XIII, việc giữ chay bao trùm luôn cả việc kiêng uống (chứ không phải chỉ kiêng ăn); Thánh Tôma thì nới rộng hơn một chút, khi cho rằng việc uống nước không phá chay (II-II, q.147, a.6).
Theo các sử gia, tục ăn thêm bữa phụ bắt nguồn từ các đan viện. Nên biết là luật Giáo Hội thời xưa chỉ buộc giữ chay trong mùa Chay (nghĩa là 40 ngày trước lễ Phục Sinh), còn trong các Dòng tu, thì ngoài luật phải kiêng thịt suốt đời, họ còn phải giữ chay từ lễ suy tôn Thánh Giá (14 tháng 9) cho đến lễ Phục Sinh năm sau (nghĩa là hơn kém 7 tháng).
Xét vì các đan sĩ phải làm việc đồng áng chứ không chỉ ngồi trong nhà thờ đọc kinh, cho nên họ được phép uống một ly rượu vào ban tối, sau khi nghe đọc sách Collationes của Cassiano. Dần dần, bên cạnh ly rượu còn thêm tí bánh. Từ đó, bữa lót lòng được gọi là “collations”. (Ngày nay trong tiếng Ý, bữa điểm tâm được gọi là colazione). Từ thế kỷ XIV, các giáo dân cũng được phép dùng bữa lót lòng vào những ngày giữ chay. Thế rồi từ chỗ điểm tâm lót lòng, kỷ luật giữ chay được nới rộng dần dần cho đến kỷ luật hiện hành.
Cần phải phân biệt hai khía cạnh: một bên là kỷ luật, một bên là tinh thần. Xét về kỷ luật, thì khi so sánh với các thế kỷ đầu tiên, quả thật việc ăn chay ngày nay chỉ còn là chuyện ăn chơi. Tuy nhiên, nếu xét về mặt tinh thần, thì việc phê bình đối chiếu thật không đơn giản.
Việc giữ chay chỉ là một phương tiện khổ chế đền tội cũng như là một phương tiện bày tỏ ý chí cải hoán. Từ thời các giáo phụ, Giáo Hội không hề tách rời việc ăn chay với các phương tiện khác nữa để đạt đến cùng một mục tiêu, đó là: sự cầu nguyện, thực hành nhân đức, đặc biệt là đức bác ái. Vì thế để đánh giá trình độ đạo đức của một cá nhân hay một thời đại, chúng ta không thể chỉ đo lường qua mức độ nghiêm khắc của kỷ luật ăn chay, nhưng còn phải đối chiếu với việc thực hành các công tác từ thiện bác ái, các hành vi tự kiềm chế tính kiêu ngạo ích kỷ, cũng như thái độ từ tốn trong cách cư xử với Thiên Chúa và tha nhân nữa.
Dù sao, trong vấn đề này chúng ta cần dung hoà cả hai khía cạnh: kỷ luật và tinh thần. Kỷ luật nghiêm khắc mà không có tinh thần thì dễ rơi vào thái độ bôi bác giả hình. Tinh thần mà không có kỷ luật thì có nguy cơ tan biến ra khói!
Trước hết, nên lưu ý tới việc sử dụng từ ngữ. Tiếng “ăn chay kiêng thịt” gợi lên cho chúng ta hai điều: một điều cấm (kiêng) và một điều khuyến khích. Điều cấm là kiêng thịt; điều khuyến khích là ăn chay. Chắc chị đã biết rằng ở Việt Nam có vài tôn giáo đã hiểu như vậy: ăn chay có nghĩa là ăn đồ chay, những đồ lạt, không mặn. Còn đối với Kitô Giáo, ăn chay có nghĩa là kiêng ăn. Như thế, ngoài chuyện kiêng thịt lại còn thêm chuyện kiêng ăn nữa.
Vì vậy nếu muốn diễn tả cho đúng tư tưởng thì thay vì nói “ăn chay kiêng thịt”, chúng ta phải nói “kiêng ăn kiêng thịt” hoặc là “chay ăn chay thịt”! Nếu đặt lại vấn đề như vậy thì câu hỏi “tại sao phải kiêng thịt” đã được giải quyết một phần rồi, nghĩa là chúng ta kiêng thịt không phải tại vì thịt nó xấu xa, cũng như chúng ta kiêng ăn không phải tại vì sự ăn uống xấu xa: sự ăn uống cần thiết cho sự sống; nếu ai tuyệt thực hoàn toàn thì sẽ sớm qua bên kia thế giới.
Vấn đề kiêng thịt không phải là cái gì riêng của Kitô Giáo. Nó đã có một truyền thống lâu đời ở các tôn giáo trên thế giới, tuy với những lý do và động lực khác nhau. Chẳng hạn như các tín đồ Phật Giáo kiêng thịt bởi vì họ tin vào thuyết luân hồi: khi giết các súc vật, biết đâu ta đã giết chính ông bà của mình bị phạt đầu thai làm kiếp súc vật!
Dĩ nhiên, Kitô Giáo đã đặt ra kỷ luật kiêng thịt không phải tại vì tin theo thuyết luân hồi nhưng dựa theo một động lực khác. Trong Cựu Ước, ta đã thấy có những luật về kiêng thịt với những chi tiết khá phức tạp, thí dụ trong chương 11 của sách Lê vi, phân biệt những thú vật ô uế với vật tinh tuyền.
Các nhà chú giải Kinh Thánh không trả lời được. Có lẽ tác giả của sách Lêvi đã lấy lại một tập tục có từ xa xưa mà không còn ai nhớ rõ gốc gác. Cho dù lý do phân loại thế nào đi chăng nữa, đến khi bước sang Tân Ước, ta thấy có những cuộc cách mạng quan trọng. Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa các vật tinh tuyền và vật ô uế. Sự tinh tuyền và ô uế nằm ở trong lòng của mình chứ thú vật chẳng có tội tình chi cả (Mc 7,15).
Tuy nhiên, xem ra các Kitô Hữu tiên khởi (phần lớn gốc Do Thái) không thể thay đổi não trạng nhanh chóng, thí dụ như ở chương 10 của sách Tông Đồ Công Vụ, ta thấy Thánh Phêrô còn sợ chưa dám ăn một vài thứ chim trời đã bị xếp vào hàng ô uế; lật qua chương 15 (câu 20 và 29) ta còn thấy Thánh Giacôbê muốn đòi buộc các tín hữu tân tòng phải kiêng tránh vài thức ăn. Nhưng Thánh Phaolô đi mạnh mẽ hơn, nhất là vì người để ý tới dân ngoại hơn là tới dân Do Thái.
Thực vậy, Thánh Phaolô chấp nhận hoàn toàn giáo lý của Đức Kitô, theo đó chẳng có lương thực nào là ô uế hết. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là có được ăn đồ cúng hay không? Trong thư gửi Rôma 14,14-16 Thánh Phaolô đã phân biệt như thế này: tự nó, đồ cúng hay đồ không cúng chẳng có gì khác nhau, cho nên các tín hữu không phải kiêng cữ. Tuy nhiên, nếu có người non nớt bị vấp phạm vì việc người tín hữu ăn đồ cúng, thì mình phải tránh.
Nói khác đi, mình kiêng ăn đồ cúng không phải tại vì nó là đồ ô uế nhưng mà mình phải tránh gây gương xấu cho người anh em mình; đây là một bổn phận thuộc giới răn bác ái yêu thương.
Thánh Phaolô không bao giờ xúi các tín hữu ăn uống say sưa; trái lại, người đã hơn một lần khiển trách những ai lấy cái bụng làm chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn huấn luyện lương tâm của các tín hữu, hãy tìm hiểu cái lý do của các luật lệ, chứ không phải chỉ giữ luật lệ cách máy móc. Tất cả các lương thực đều tốt bởi vì do Chúa dựng nên cho con người. Chúng ta hãy hưởng dụng để ngợi khen Người.
Việc ăn uống có thể trở thành cơ hội để chúc tụng tạ ơn Chúa như chúng ta đọc thấy ở thư gửi Rôma 14,6. Tuy nhiên, cần có chừng mực. Hơn thế nữa, Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy tiến thêm một bước nữa, biết hy sinh cả những cái gì được phép làm: việc kiêng cữ những điều tốt nằm trong chương trình thao luyện tinh thần giống như các lực sĩ tập luyện ở thao trường (1Cr 9,27), nhất là để hoạ theo gương của Đức Kitô chịu thụ nạn trên thập giá vì yêu thương chúng ta.
Như tôi đã nói ở đầu, trong Việt ngữ, vì đã quá quen với thành ngữ “ăn chay kiêng thịt” cho nên chúng ta chỉ giới hạn sự kiêng vào chuyện ăn thịt. Vấn đề kiêng cữ bao hàm việc kiềm chế hết những gì đem lại thỏa mãn thích thú, nhằm giúp cho ý chí chế ngự được bản năng.
Theo một vài sử gia, trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội phải mệt với những phe khắc khổ hơn là với phe phóng túng. Phe khắc khổ đòi Giáo Hội phải ra luật buộc tất cả các tín hữu phải giữ chay. Nhưng mà Giáo Hội đâu có thể bắt hết mọi người phải trở thành nhà khổ tu được. Mặt khác, trong số các vị khổ tu thời đó, không thiếu những người chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ giáo, coi xác thịt và hôn nhân là tội lỗi. Dù sao, việc khổ chế vào những thế kỷ đầu hoàn toàn mang tính cách tự nguyện. Nếu có luật lệ thì cũng chỉ giới hạn cho từng địa phương chứ không bao trùm toàn thể Giáo Hội.
Việc kiêng khem tuyệt đối thường được dành cho ngày thứ 6 tuần thánh, rồi dần dần kéo dài ra các ngày thứ 6 hằng tuần. Nhưng dần dần kỷ luật kiêng khem tuyệt đối (chay ăn) được gia giảm bởi vì nhiều tín hữu phải làm việc lao động nặng nhọc, cần ăn uống để lấy sức.
Mức độ châm chế được thay đổi tùy vùng tùy nơi. Bên Trung Đông, người ta kiêng cả sữa, bơ, trứng; nhưng bên Tây Phương, người ta chỉ đòi kiêng thịt. Từ thời Trung Cổ, sự khổ chế tự nguyện biến thành khổ chế bắt buộc, nghĩa là trở thành luật buộc. Ngoài ra việc chay tịnh cũng là một hình phạt đền tội dành cho những hối nhân.
Việc soạn thảo một bản văn pháp lý đòi hỏi phải xác định tỉ mỉ các chi tiết của nghĩa vụ. Hậu quả là người ta trở lại với não trạng của các luật sĩ vào thời Chúa Giêsu, với đủ thứ vấn nạn được nêu lên: luật kiêng thịt buộc phải kiêng những thứ gì? Có phải kiêng mỡ heo, kiêng sữa bò, tiết canh hay không? Các giống động vật nào phải kiêng: máu nóng hay máu lạnh? Thú vật trên bộ hay là dưới nước? Ngan, ngỗng, vịt, lươn, rùa, sò ốc nhái có phải kiêng không? Các chuyên gia về luân lý tha hồ mà nghiên cứu tranh luận về các loại thịt. Tiếc rằng người ta đã mất đi cái động lực của nó là tinh thần khổ chế lúc đầu. Vì thế có cảnh ngược đời là có người mong tới ngày thứ Sáu để có dịp đi ăn ở nhà hàng thủy sản thập cẩm. Đối lại là cái cảnh chảy nước mắt của bao dân nghèo phải chi tiền nhiều hơn vào ngày thứ Sáu, khi mà cá mắc hơn thịt.
Bộ Giáo Luật hiện hành vẫn còn duy trì luật kiêng thịt, tuy nhiên với một tinh thần mới của Công Đồng Vaticanô II mà Đức Phaolô VI đã muốn tiêm nhiễm với tông hiến Poenitemini (17/2/1966). Tinh thần đó có thể tóm lại 3 điểm sau:
1) Tiên vàn là phải kiêng những gì xấu xa, tức là kiêng phạm tội; nói khác đi việc chay ăn chay thịt phải được lồng trong tinh thần thống hối cải hoán.
2) Ngoài sự kiêng cái xấu, chúng ta hãy gắng tiến thêm một bước để kiêng cả cái tốt: sự kiêng cái tốt cũng nằm trong tinh thần đền tội và tu đức, để tập kiềm chế những đòi hỏi của bản năng dục vọng. Dưới khía cạnh này, lãnh vực kiêng khem rất rộng: từ kiêng ăn uống cho tới kiêng thuốc lá, tivi, các thứ tiêu khiển giải trí, các thứ tiêu pha hoang phí.
3) Bước thứ ba nữa là ngoài tính cách tiêu cực (kiêng lánh) cần thêm tính cách tích cực: nhịn ăn nhịn mặc để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, tỏ tình tương trợ với người thiếu ăn thiếu mặc.
Đó là động lực của việc kiêng khem. Các Hội Đồng Giám Mục sẽ tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương mà đề ra những hình thái cụ thể trong việc áp dụng luật ăn chay kiêng thịt chiếu theo đ.1251 và 1253 của bộ Giáo Luật.