Nói cách tổng quát, thì tội và lỗi là hai điều khác nhau, theo nghĩa là có thể mình có lỗi mà không có tội; và ngược lại, có thể là có tội mà không có lỗi. Nhưng nếu muốn phân biệt chính xác hơn, thế nào là tội thế nào là lỗi, thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì lối sử dụng ngôn ngữ thường ngày hiểu theo một nghĩa; ngôn ngữ của pháp luật hiểu theo một nghĩa khác; còn ngôn ngữ của thần học lại theo một nghĩa khác nữa.
Trong tiếng Việt, chúng ta thấy từ “tội” được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nói chung, tội có nghĩa là điều gì ngang trái, nó bao hàm một sự vi phạm luật lệ nào đó. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, “tội” cũng có lúc không bao hàm ý tưởng phạm pháp, mà chỉ nói lên cảnh xót xa đáng thương. Chẳng hạn như khi nói “bỏ thì thương, vương thì tội”, hay là khi buộc miệng than “tội nghiệp thay!” Có thể lối nói này chịu ảnh hưởng thuyết nhân quả của Phật Giáo, theo đó, nhiều thảm cảnh mà ta chịu bây giờ là một cái “nghiệp” do “tội” đã phạm ở kiếp trước!?
Dù sao, trong ngôn ngữ thông thường, nhiều khi sự phân biệt giữa tội và lỗi nhằm nêu bật mức độ nghiêm trọng của chúng. Lỗi ám chỉ sự sai nhẹ, còn tội thì nặng hơn. Chẳng hạn như khi đá banh, một cầu thủ đụng bàn tay vào quả bóng chỉ là một lỗi, chứ không phải là một tội. Một học sinh viết sai chính tả, thì gọi là “lỗi” văn phạm, chứ không gọi là tội; nhưng mà nếu cậu ta trốn học đi chơi thì không còn phải là lỗi nữa, nhưng là “tội”.
Từ khi dân tộc ta tiếp xúc với văn hóa Tây Phương, người ta cũng du nhập tư tưởng pháp lý của nước Pháp, đặc biệt là sự phân biệt giữa phạm vi hình sự và hộ sự. Từ đó mà có sự phân biệt giữa tội và lỗi. “Lỗi” thuộc về ngành luật dân sự, quy định việc bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác. “Tội” thì thuộc về lĩnh vực hình sự, nhằm trừng phạt sự bất tuân luật pháp quốc gia.
Có khi hai lãnh vực có liên hệ với nhau, thí dụ khi tôi lấy hòn đá ném vào đầu ông hàng xóm khiến ông bị thương, thì tôi vừa có tội vừa có lỗi. Tôi sẽ bị truy tố về hình sự bởi vì phạm tội đả thương; và ông hàng xóm kiện tôi ra toà dân sự để đòi bồi thường về những hậu quả do thương tích gây ra.
Tuy vậy, có nhiều lần hai lãnh vực có thể tách rời. Có trường hợp có lỗi mà không có tội. Chẳng hạn như con chó nhà tôi tuột xích, chạy ra đường cắn người hàng xóm: tôi phải bồi thường sự thiệt hại gây ra cho nạn nhân bởi vì tôi là chủ của con chó. Ngược lại, có thể là có tội mà không có lỗi, thí dụ như tội vi phạm đến an ninh quốc gia: tội nhân bị giam tù nhưng chẳng phải bồi thường gì cả.
Trong lãnh vực thần học, chúng ta thấy hai từ “tội lỗi” thường đi chung với nhau, và vì thế coi như là đồng nghĩa. Tuy nhiên đó là nói đến ngôn ngữ thần học trong các tiếng của châu Âu, chứ còn ở Việt Nam, chúng ta chưa có đạt được sự chính xác đó.
Một thí dụ cụ thể: trong tiếng Việt, chúng ta dùng tiếng “tội” cho cả hai lãnh vực hình luật lẫn luân lý. Nhưng trong các tiếng Tây Phương, có hai danh từ khác biệt nhau. Tội về hình luật (tạm gọi là tội phạm) được kêu là delictum trong tiếng La Tinh, délit tiếng Pháp, offence hay trespass tiếng Anh. Còn tội về luân lý (tạm gọi là tội lỗi) thì được kêu là peccatum tiếng La Tinh, péché tiếng Pháp, sin tiếng Anh.
Dĩ nhiên, giữa tội hình sự (tội) và tội luân lý(tội lỗi), có một vài điểm chung, chẳng hạn như trong cả đôi bên đều có yếu tố vi phạm một điều luật cấm, (từ đó mà tội bị coi là hành vi xấu, trái luật), và kèm theo những chế tài. Nhưng sự khác biệt ở chỗ: hình luật dựa theo luật do quốc gia ấn định, còn luân lý thì dựa theo luật của Thiên Chúa.
Có những trường hợp mà ta thấy có sự trùng hợp giữa hai bên, thí dụ như việc giết người vừa là một tội hình sự vừa là một tội luân lý. Nhưng mà có những trường hợp không trùng nhau. Thí dụ tại Việt Nam, việc phá thai không phải là tội hình sự, tuy là tội luân lý. Ngược lại việc rước kiệu ở ngoài nhà thờ mà không xin phép công an là một tội hình sự chứ không phải là tội luân lý.
Nói cách tổng quát, thì có thể chấp nhận sự phân biệt như vậy. Nhưng khi đi vào chi tiết thì vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Trong các nước dân chủ ngày nay, không phải bất cứ lúc nào sự vi phạm hình luật cũng cấu thành tội phạm. Các bộ hình luật đều dự trù những trường hợp giảm miễn hình phạt tùy theo mức độ ý chí của đương sự trong đó. Ngoài ra, có những trường hợp cố tình vi phạm luật nhà nước mà không phải là tội phạm, khi những luật đó đi ngược với hiến pháp, với luật quốc tế, và thậm chí ngược với luật luân lý.
Nhiều nền pháp chế dân chủ hiện đại chấp nhận trường hợp “vấn nạn lương tâm”, thí dụ đối với các quân nhân, các bác sĩ: họ có quyền khước từ không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên khi thấy trái ngược với lương tâm. Nhưng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này. Ở đây tôi chỉ xin nói qua về luật luân lý.
Như đã nói trên đây, ta tạm gọi “tội phạm” là sự vi phạm hình luật của quốc gia, còn “tội lỗi” là sự vi phạm luật Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự vi phạm luật Thiên Chúa cũng là tội lỗi. Chúng ta nhận thấy có sự tiến triển trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử của Giáo Hội về khái niệm tội lỗi, nhằm nêu bật yếu tố tự do trách nhiệm khi phạm tội.
Đúng thế. Khi giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy trong những chặng đầu tiên của Cựu Ước, quan niệm về tội lỗi không khác gì với quan niệm về tội phạm của hình sự: ai vi phạm một điều luật cấm sẽ bị trừng phạt tức khắc, không cần xét đến chủ ý của đương sự.
Chúng ta có thể thấy một trường hợp điển hình nói ở sách Samuel, quyển Hai, chương 6 câu 8. Khi Vua Đavít rước hòm bia thánh về Giêrusalem, trên đường đi, chiếc xe bị lắc lư, và hòm bia sắp bị đổ, ông Uzzia đưa tay ra đỡ, thế là ông bị phạt chết tươi, bởi vì đã có luật cấm không ai được phép chạm đến hòm bia thánh. Dĩ nhiên, luật cấm đó được đặt ra nhằm bảo vệ sự tôn kính dành cho đồ vật thánh; nhưng ông Uzzia chạm hòm bia đâu có phải vì ông ta khinh mạn đồ thánh, mà chỉ vì muốn bảo vệ cho nó khỏi bị rơi. Thế mà cũng bị coi là tội trọng!
Dần dần, nhờ các ngôn sứ, ta thấy dân Israel được giáo dục để có một ý thức rõ rệt hơn về tội. Họ đừng nên coi luật của Chúa như đồ nguy hiểm tựa như trái mìn hay như dòng điện, ai mà đụng tới là toi mạng! Chúa không có ra luật để mà ra oai thị võ cho con người phải khiếp sợ.
Luật của Chúa cần được lồng trong khung cảnh của giao ước tình yêu. Luật của Chúa nhằm duy trì tình nghĩa thiết giữa Thiên Chúa với con người, và chung quy cũng nhằm để bảo vệ con người mà thôi chứ Chúa chẳng được thêm lợi lộc gì hết! Vì thế, tội được nhìn không chỉ là sự vi phạm luật Chúa nhưng là sự bất tuân,cãi lệnh Chúa, phụ ơn bạc nghĩa, phản bội tình yêu vân vân.
Như vậy, các ngôn sứ đã giúp cho dân Do Thái tiến triển thêm trong quan niệm về tội lỗi. Một đàng, họ đừng coi luật Chúa như đồ nguy hiểm chết người, phải cẩn thận kiêng lánh đừng đụng tới kẻo mang hoạ vào thân, nhưng hãy coi đó như là món qùa của giao ước. Đàng khác, chỉ có tội lỗi khi có ý thức làm trái ý của Chúa.
Đúng như vậy. Về điểm này, chúng ta thấy có sự tiến triển trong dân Do Thái. Vào lúc đầu, Kinh Thánh có nói tới những tội phạm vì vô tình, vô ý thức. Thí dụ như sách Lêvi chương 4 nói tới hy lễ dâng lên để xin xá các tội phạm vì vô tình. Và thánh vịnh 19, câu 13-14, xin Chúa thứ tha cho những tội “phạm mà chẳng hay”, nghĩa là phạm mà không có ý thức, không biết!
Nhưng dần dần, thì vừa nói, các ngôn sứ đã dạy cho dân ý thức về yếu tố bất tuân, phản bội của tội lỗi. Nếu thiếu yếu tố ý chí bất tuân thì không phải là tội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cẩn thận khi nói đến “vô tình, không biết”. Có những tội do sự “vô tình không biết” gây ra, nghĩa là chính sự “không biết” là một tội. Chúng ta hãy lấy một thí dụ cụ thể.
Một người kia có cha mẹ già. Anh ta có thể phạm tội bất kính đối với cha mẹ khi anh ta đã nói những lời thất lễ với các đấng; chuyện đó rõ rồi. Nhưng anh ta cũng có thể bất hiếu với cha mẹ khi không chịu trông nom cha mẹ già. Có thể là anh ta sẽ bào chữa rằng mình không biết, và mình cũng chẳng làm điều gì vô lễ với các đấng ấy cả. Tuy vậy, sự “không biết không làm” cũng là lỗi với bổn phận hiếu thảo.
Chính vì thế mà các nhà luân lý cũng xét tới các trường hợp do sự không biết gây ra, khi mà sự không biết là hậu quả của sự lơ đãng biếng nhác. Thí dụ một linh mục không chịu học hỏi những điều thuộc về bổn phận của mình, đưa tới những quyết định sai lầm, hay là không chu toàn hết các bổn phận của một chủ chăn thì cũng có tội. Từ đó, chúng ta thấy trong kinh Cáo Mình ở đầu Thánh Lễ, Giáo Hội xin Chúa thứ tha không những là các tội đã phạm “trong tư tưởng, lời nói, việc làm” mà cả các tội phạm vì đã “thiếu sót bổn phận”.
Trong thần học luân lý hiện đại, ta thấy có khuynh hướng: những tội phạm do sự thiếu sót bổn phận, đặc biệt là trong lãnh vực tình liên đới với tha nhân, khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước bao nhiêu cảnh lầm than đói khổ của tha nhân, trước bao nhiêu cảnh bất công xã hội. Thậm chí có nhà thần học còn muốn nói đến “tội xã hội”. Tuy nhiên, ý niệm này cần được giải thích rõ ràng hơn.
Khi nói đến tội xã hội, thì không nên hiểu rằng trăm tội đều đổ cho xã hội, và chúng ta chỉ là nạn nhân. Nói đến tội xã hội, các nhà luân lý chỉ muốn nhấn mạnh rằng bất cứ hành vi nào của ta dù tốt dù xấu cũng đều có ảnh hưởng đến xã hội. Ta làm điều tốt thì xã hội được nhờ, ta làm bậy thì xã hội bị hư hỏng lây (Một con sâu làm rầu nồi canh).
Ngoài ra, khi nói đến tội xã hội, các nhà luân lý muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta đối với tình trạng xã hội, cách riêng những người lãnh đạo xã hội: sự lơ đãng bổn phận, sự nhút nhát của họ làm cho xã hội càng ngày càng thêm sa đoạ, thay vì phải được thăng tiến lên. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói đến yếu tố ý thức và vô tri trong khía cạnh tội lỗi ở số 1859-1860, và trách nhiệm xã hội ở các số 1868-1869.
Thời đại chúng ta giống như bất cứ thời đại nào khác của lịch sử, cũng mang những dấu vết mâu thuẫn riêng của nó. Thí dụ ngày hôm nay chúng ta nhạy cảm hơn với thế giới đại đồng, coi tất cả nhân loại như một gia đình. Vì thế chúng ta cảm thấy cần phải vượt lên các biên cương quốc gia. Tuy nhiên, cùng lúc ấy hơn lúc nào hết, chúng ta thấy gắn bó với văn hoá của dân tộc, thậm chí của địa phương và cương quyết duy trì nó, mà không chịu trà trộn, đồng hoá với các nền văn hoá khác.
Trong phạm vi luân lý cũng xảy ra trường hợp tương tự. Một đàng xem ra thời đại chúng ta bớt nhạy cảm hơn với vấn đề luân lý: ví dụ, có biết bao bà mẹ giết chết con mình ngay từ trong trứng nước, có biết bao người bỏ quên lời thề nguyền khấn hứa với Chúa, Giáo Hội hay người bạn trăm năm. Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, thời đại chúng ta tỏ ra nhạy cảm với một số vấn đề mà trước đây cha ông chúng ta coi là thường tình: ví dụ, bất bình đẳng giữa nam nữ, tính cách man rợ của cảnh tra tấn hay án tử hình, v.v… Trong khung cảnh ấy, chúng ta có thể thêm ý thức về cái gọi là “tội xã hội”. Cả hai hiện tượng về ý thức tội lỗi ấy được Đức Gioan Phaolô II đề cập đến trong tông huấn Hoà Giải và Thống Hối năm 1984.
Thực ra trong tiếng Việt, từ tội lỗi hơi hàm hồ. Bất cứ sự vi phạm luật lệ nào, dù là luật đi đường hay hình sự, đều bị coi là tội cho dù chính đương sự vô tình, bất cần. Đó là chưa nói đến tội của cha ông theo ảnh hưởng quả báo của Phật Giáo, theo đó thì một người có thể chịu hậu quả của một tội mà cha ông mình đã phạm, hoặc chính mình đã phạm từ kiếp trước.
Thêm vào đó là tiếng than “tội nghiệp” mà chúng ta thốt lên khi muốn chia sẻ sự thông cảm với nỗi rủi ro của một số người vô tội mà lại gặp nạn. Bởi vậy, khó mà nói được chúng ta đã tiến bộ hơn người Âu Mỹ về quan niệm tội lỗi hay không.
Trong ngôn ngữ Tây Phương, chỉ có một từ để chỉ các tội phạm hay lỗi lầm (faute, délit) về hình luật, và một từ khác để chỉ tội lỗi (péché) theo nghĩa luân lý. Theo luân lý, chỉ có tội lỗi (péché) khi chúng ta chống lại Thiên Chúa bằng một hành vi có ý thức và tự do. Nói khác đi, trong luân lý chúng ta phạm tội khi chúng ta lỗi giới răn Chúa, và lỗi ấy do trách nhiệm của chúng ta.
Cụm từ “tội xã hội” mới ra đời trong các sách thần học từ Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt là tại Mỹ Châu La Tinh. Các nhà thần học và các giám mục tại lục địa này nhận thấy rằng tội lỗi và sự dữ không những chỉ nằm trong thâm tâm của mỗi cá nhân, nhưng tội lỗi còn bám vào các cơ chế xã hội, và còn trong những cơ cấu tạo ra bất công xã hội nữa. Vì vậy, lời kêu gọi hoà giải thống hối cần phải nhắc đến các cơ cấu xã hội, chứ không phải chỉ đến cá nhân mà thôi.
Có một phần đúng mà thôi. Đúng theo nghĩa là xã hội cũng có thể phạm tội. Điều này đã được Kinh Thánh nói, ví dụ như khi nói đến tội của nhân loại, tội của dân Israel. Tuy nhiên các nhà thần học Nam Mỹ còn muốn nhấn mạnh thêm ở chỗ mỗi cá nhân chúng ta đều có trách nhiệm đối với các cơ cấu bất công của xã hội nữa.
Phải, và hậu nhiên trong việc thống hối cải thiện, không những chúng ta phải ăn năn đau đớn về tội đã phạm, nhưng còn phải cương quyết dấn thân bài trừ các bất công xã hội nữa. Nói khác đi, trong chương trình trở về với Thiên Chúa, chúng ta còn phải ghi thêm điểm thay đổi cơ cấu bất công xã hội, như: sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, nạn tham nhũng, nạn khủng bố, v.v…
Như chúng ta đã biết, tông huấn này được ban hành để đúc kết các cuộc bàn thảo của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1983.
Trong cuộc họp ấy, các nghị phụ không nhất trí về việc giải thích ý nghĩa của tội xã hội. Nó có thể gây hiểu lầm, ít là về hai điểm. Trước tiên người ta có thể hiểu là tội do xã hội phạm, và nói như vậy chỉ là một cách tránh né trút trách nhiệm, bởi vì xã hội đâu có ý thức, ý chí, lương tâm.
Thứ đến, nếu nói rằng mỗi cá nhân có phần trách nhiệm trước những bất công xã hội, thì có lẽ là nói hơi quá. Nhiều lần chúng ta chỉ là nạn nhân của các cơ cấu ấy. Mặt khác, không ai có thể phủ nhận rằng các cơ cấu bất công xã hội là do con người tạo ra, chứ không phải tự nhiên mà có như là tai ương thiên nhiên. Thế thì ai mang trách nhiệm và ai có bổn phận phải sửa đổi chúng? Đó là các câu hỏi được đặt ra nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.
Người giải thích điều đó ở số 16. ĐTC không chấp nhận việc giải thích tội xã hội theo nghĩa là tội do xã hội phạm, bởi vì xã hội không phải là một chủ thể có ý thức trách nhiệm. Nhưng “tội xã hội” có thể được hiểu theo ba nghĩa sau đây:
a) Thứ nhất, bất cứ tội nào, dù thầm kín đến đâu cũng ảnh hưởng đến xã hội;
b) Thứ hai, có một số tội khác gây xáo trộn đến xã hội, đó là những tội phạm đến tha nhân, như phạm đến tình yêu, công bằng, công ích, đặc biệt là khi chúng ta lơ là đối với các nghĩa vụ xã hội… nhất là nơi những người lãnh đạo;
c) Sau cùng, tội xã hội có thể hiểu về các mối tương quan lệch lạc giữa các nhóm trong xã hội, như sự đấu tranh giữa các giai cấp, sự xung đột giữa các quốc gia hay các khối ý thức hệ.
Trong cả ba ý nghĩa ấy, chủ thể trách nhiệm vẫn là cá nhân, nhưng mức độ trách nhiệm tuỳ theo vị trí của mỗi người. Đứng trước tình trạng bất công, dĩ nhiên các nhà lãnh đạo có trách nhiệm nặng hơn, tuy các công dân khác cũng có thể có phần trách nhiệm trong đó, qua sự thông đồng, biếng nhác, lơ là.
Đây không phải chỉ là một cuộc tranh luận thần học. Như đã nói trên, những bất công xã hội đang trờ trờ trước mắt, nhưng chúng không phải là thiên tai dịch tễ bỗng dưng rơi xuống, chúng là kết quả của tội lỗi con người, và vì vậy, con người phải có trách nhiệm sửa đổi chúng. Nhưng ai ra tay trước? Đó là vấn đề.
Khái niệm “tội xã hội” nhằm lôi kéo sự chú ý đến trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là của các Kitô Hữu trong việc cải tạo xã hội, cộng tác vào việc giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự dữ mà Đức Kitô đã bắt đầu. Mặt khác, ý niệm “tội xã hội” như đức thánh cha nói, lưu ý chúng ta về chiều kích xã hội của các hành vi của chúng ta. Một hành vi tốt không những giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, nhưng còn giúp xã hội tiến triển nữa.
Bảy tội đầu không phải là 7 tội đầu tiên mà ta phạm tội, hoặc ông bà nguyên tổ đã phạm, nhưng là bảy tội đầu sỏ, đầu mối của các tội khác. Trong tiếng La Tinh, chúng được gọi là peccata capitalia, gốc từ “caput” nghĩa là cái đầu. Nên biết thủ đô của một quốc gia là “capitale”, nghĩa là thành phố đứng đầu trong một quốc gia.
Trong văn chương Kitô Giáo, chịu ảnh hưởng của văn hóa Do Thái, số 7 là biểu tượng của sự viên mãn, đầy đủ. Một tuần có 7 ngày; rồi đến 7 bí tích, 7 ơn Chúa Thánh Thần, 7 nhân đức (ba nhân đức đối thần cộng thêm 4 nhân đức trụ). Từ đó, không lạ gì mà cũng có 7 mối tội đầu. Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1866, chúng được đặt tên là tội “đầu sỏ” bởi vì chúng là đầu mối sinh ra những tội khác. Chúng cũng được gọi là 7 “nết xấu” (vitia) nữa.
Việc liệt kê các nết xấu bắt nguồn từ văn chương đan tu cổ thời bên Đông Phương, được trình bày mạch lạc nơi tác phẩm Praktikós của đan sĩ Evagrio Ponticô (+399). Ông nói đến 8 tư tưởng xấu xa (logismoi) thúc đẩy ta phạm tội, được liệt kê theo thứ tự sau đây, đi từ nhẹ đến nặng: 1) mê ăn (gastrimargia); 2) dâm dục (porneia); 3) tham lam (philargyria); 4) buồn rầu (lypé); 5) nóng giận (orgé); 6) chán nản (akedía); 7) hư danh (kenodoxía); 8) kiêu căng (hyper-epiphaneia).
Nên biết là theo ông Evagriô, ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu là: mê ăn, tham lam, hám danh. Danh sách các tư tưởng xấu (hay 8 cơn cám dỗ) của đời đan tu Đông Phương được truyền bá sang Tây Phương nhờ ông Gioan Cassianus, vào đầu thế kỷ V.
Dù sao, người đã gây ảnh hưởng lớn cho thần học Tây Phương là Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (trong tác phẩm Moralia): số các nết xấu được rút xuống còn 7, được xếp đặt lại thứ tự dựa theo thứ tự đạo lý (nghĩa là từ nặng đến nhẹ). Vì thế danh xưng cũng được sửa đổi khi cần thiết. 1/ Đứng đầu là kiêu ngạo (superbia); sự hám danh (inanis gloria) được gộp chung với kiêu ngạo. 2/ Tham lam (avaritia). 3/ Dâm dục (luxuria). 4/ Nóng giận (ira). 5/ Ghen tương (invidia), thay thế cho buồn rầu (tristitia); tuy cũng có thể nói rằng ghen tương là một thứ buồn rầu vì điều tốt ở nơi người khác. 6/ Mê ăn (gula). 7/ Lười biếng (acedia).
Từ thời Trung Cổ, bảy nết xấu này được đặt tên là “tội đầu sỏ” . Thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica I-II, q.84, a.4) tìm cách giải thích nguyên nhân của chúng, cũng như xếp đặt chúng theo một thứ tự mạch lạc.
Theo sách Tôma, 7 tội đầu sỏ bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính yếu: một đàng là sự thu hút bởi một điều tốt nhưng một cách vô điều độ; một đàng là tránh né điều tốt vì thấy có sự dữ đi kèm. Như vậy, ta nhận thấy rằng chúng không phải là nết xấu từ bản chất, nhưng trở thành xấu tại vì không được sử dụng đúng chỗ.
7 mối tội đầu, được phân thành hai nhóm chính.
- Trong nhóm thứ nhất, ta có thể nói tới bốn điều tự bản chất là tốt nhưng trở thành xấu vì thiếu chừng mực:
1/ Ham muốn danh dự (một điều tốt tinh thần) đưa tới hám danh (kiêu ngạo).
2/ Bảo tồn sự sống qua việc ăn uống (mê ăn).
3/ Bảo tồn nòi giống qua việc truyền sinh (dâm dục).
4/ Của cải vật chất (tham lam).
- Trong nhóm thứ hai, ta có thể nói tới việc tránh né ba điều tốt:
1/ Điều tốt tinh thần đòi hỏi vất vả (lười biếng).
2/ Điều tốt của tha nhân làm cho ta bị sụt giá (ghen tương).
3/ Điều tốt của tha nhân lôi theo sự báo đáp (nóng giận).
Truyền thống tu đức mô tả bản chất bảy tội đầu như sau.
1/ Dựa theo đoạn văn sách Huấn Ca 10,13 (bản Vulgata: “initium omnis peccati est superbia”), đứng đầu các mối tội là tính kiêu ngạo (tự phụ), được đồng hóa với tính hám danh theo truyền thống đan tu Đông Phương. Hám danh (kiêu ngạo) là ham muốn được thiên hạ ca ngợi, tuy dù không đáng với công trạng của mình, hoặc vì mù quáng đến nỗi bỏ qua vinh danh Thiên Chúa và ích lợi tha nhân. Từ chỗ hám danh nảy ra các tật: khoe khoang, cãi cọ, tranh dành địa vị, ngoan cố.
2/ Thứ hai là tội Tham lam, nghĩa là ham muốn chiếm đoạt tài sản. Nguyên gốc là một nhu cầu tự nhiên để sinh tồn. Nó trở thành nết xấu khi sử dụng những phương pháp bất chính (trộm cắp, tham nhũng, lường gạt, gian lận), hoặc bo bo giữ của, không biết chia sẻ cho tha nhân (hà tiện).
3/ Tội thứ ba là Dâm dục, nghĩa là ham muốn khoái lạc nhục dục. Nó có thể đưa đến ngại ngùng khi phải chấp nhận hy sinh, bám víu vào những thú vui vật chất đến nỗi lãng quên các giá trị vĩnh cửu.
4/ Thứ bốn là tội Ghen tương, nghĩa là buồn phiền vì thấy điều tốt của người khác làm giảm bớt tiếng tăm của mình. Từ đó sinh ra tật lẩm bẩm, nói hành, hoặc vui thích khi thấy người khác gặp nạn và bực dọc khi thấy họ thành công.
5/ Thứ năm là tội Tham ăn là mê ăn uống quá độ. Từ đó sinh ra tật chè chén say sưa, nói năng to tiếng.
6/ Thứ sáu là tội Nóng giận, phát sinh do ước muốn trừ khử một điều gì ngang trái. Không phải lúc nào sự nóng giận cũng xấu, bởi vì Kinh Thánh không ngại nói đến sự thịnh nộ của Thiên Chúa, hoặc thuật lại cơn giận của Đức Giêsu khi chứng kiến cảnh buôn bán trong đền thờ (Mc 11,15tt). Nó trở thành nết xấu khi không được kiềm chế (xc. Ep 4,26), hoặc không nhằm đến sự khôi phục công lý mà chỉ nhắm tới việc hạ nhục đối phương, hậm hực tìm cách trả thù, hoặc cãi cọ chửi bới họ, đó là chưa kể việc sử dụng vũ lực.
7/ Sau cùng, thứ bảy tội Biếng trễ có thể áp dụng cho việc ngại ngùng làm việc (lười biếng) nói chung. Riêng trong đời sống tâm linh, các đạo sĩ Đông Phương gọi là akeđia, áp dụng cho tính thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh (xc.Kh 3,15). Đối với các đan sĩ, đây là ngăn trở lớn nhất cho đời tu. Từ đó sinh ra tật nguội lạnh trong việc giữ luật Chúa, biếng nhác trong việc thi hành bổn phận, sống buông thả theo cảm tính, ngại hy sinh hãm mình, và bỏ cuộc.
Dĩ nhiên, phàm ai dấn thân trên đường trọn lành phải cố gắng diệt trừ các nết xấu vừa nói, qua việc cầu nguyện, thực tập nhân đức (thí dụ chống lại tính kiêu ngạo bằng đức khiêm nhường, chống lại tình tham lam bằng đức thanh bần, vv).
Đó là ý nghĩa của bản kinh “cải tội 7 mối có bảy đức”, mà trước đây các tín hữu quen đọc ở nhà thờ trước thánh lễ ngày Chúa Nhật: thứ nhất, khiêm nhường chớ kiêu ngạo; thứ hai, rộng rãi chớ hà tiện; thứ ba, giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục; thứ bốn, hay nhịn chớ hờn giận; thứ năm, kiêng bớt chớ mê ăn uống; thứ sáu, yêu người chớ ghen ghét; thứ bảy, siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng. Tuy nhiên, các bậc thầy về đường tu đức cũng cảnh cáo chúng ta về bảy tật xấu len lỏi cả trong đời sống tâm linh.
Thiết tưởng vấn đề danh xưng không can hệ cho bằng thực chất. Ai mắc 7 tội đầu sỏ hoặc 7 nết xấu thì biết mình tội lỗi xấu xa. Nhưng khi nói đến 7 tật xấu thiêng liêng, thì các bậc thầy muốn cảnh giác rằng cả người đạo đức thánh thiện cũng mắc phải mà họ không ngờ.
Chỉ cần lược qua sự mô tả từng điểm thì sẽ thấyL
1/ Kiêu ngạo thiêng liêng: Họ tự mãn thích thú vì đã đọc kinh cầu nguyện, đã hy sinh hãm mình, giống như người Biệt Phái được Luca nói đến trong dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,11-12). Họ ưa lên mặt dạy đời, phê bình chỉ trích người khác. Họ cũng dễ bực bội khi ai vạch cho họ thấy những thiếu sót của mình. Họ không dám chấp nhận rằng mình còn bất toàn.
2/ Tham lam thiêng liêng. Họ thích thu thập các thứ ảnh tượng, xương thánh, đọc hết các sách dẫn đường trọn lành, nghe đủ các bài giảng huấn đức... nhưng bỏ qua việc thực hành nhân đức, không tìm cách thi hành ý Chúa.
3/ Dâm dục thiêng liêng. Trong đời sống tâm linh, họ thích tìm an ủi, khoái cảm, hoặc khi cầu nguyện, lãnh bí tích, hoặc là qua các “tình bạn thiêng liêng”.
4/ Nóng giận thiêng liêng. Họ tỏ ra hấp tấp muốn nên trọn lành trong thời gian ngắn. Họ lập danh sách khá dài về những điều quyết tâm phải làm để nên thánh, và đâm ra bực tức vì không thực hiện nổi. Họ cũng không thể chịu đựng những nết xấu của tha nhân, vì thế họ lên tiếng phê bình chỉ trích, tuy dễ quên rằng mình cũng chẳng khá hơn gì!
5/ Tham ăn thiêng liêng. Họ muốn chứng tỏ lòng quảng đại đối với Chúa bằng cách tăng gia thật nhiều các việc đạo đức: đọc kinh, chay tịnh, hãm mình đánh tội. Trên thực tế, họ muốn thỏa mãn nhu cầu của mình, chứ không chịu tuân theo sự hướng dẫn của bề trên hay linh hướng. Sự đi tìm an ủi thiêng liêng cũng được liệt vào tật “tham ăn”.
6/ Ghen tương thiêng liêng. Họ khó chịu khi thấy ai trổi hơn mình về đức hạnh; nhất là khi người đó được thiên hạ thán phục.
7/ Lười biếng thiêng liêng. Họ thích làm những công tác nào mang lại sự thỏa mãn, chứ không chủ trương tìm cách làm theo ý Chúa. Họ ngại ngùng khi phải bước vào con đường hẹp của Thập Giá.