Câu hỏi này khá phức tạp và đã gây ra nhiều tranh cãi cũng như nhiều hiểu lầm. Vì thế, để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cần phải đi từ từ, từng bước một.
Trước tiên, chúng ta hãy điểm lại những đoạn văn Kinh Thánh liên quan đến vấn đề này. Kế đó, chúng ta sẽ theo dõi những lời giải thích các đoạn văn trong lịch sử Giáo Hội. Sau cùng, chúng ta thử rút ra vài hệ luận thực hành.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đọc lại những đoạn văn Tân Ước nói đến tội không thể tha thứ. Đoạn văn nổi tiếng nhất nằm trong Tin Mừng nhất lãm liên quan đến tội nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần. Vài tác giả còn trưng dẫn một đoạn trong thư gửi Do Thái và một đoạn trong thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ.
Đoạn văn về tội chống lại Chúa Thánh Thần được ghi lại trong cả ba Tin Mừng nhất lãm.
Matthêu 12,31-32: “Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói lời chống lại Con Người thì sẽ được tha, còn ai nói
chống lại Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau”.
Marcô 3,28-30: “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.
Luca 12,10: “Bất cứ ai nói lời chống lại Con Người, thì sẽ được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”.
Chúng ta nhận thấy rằng tuy lối hành văn có thay đổi đôi chút (Luca ngắn nhất), nhưng về nội dung thì giống nhau, đó là “tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần”. Rất nhiều bút mực đã chảy ra chung quanh việc chú giải đoạn văn này.
Trong Thư gửi người Do Thái (ngày nay dịch là thư gửi Hipri) chúng ta thấy phán quyết khá gay gắt về tội chối đạo ở chương 10, 26: “Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa, mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa”.
Cuối cùng, một tư tưởng tương tự được gặp thấy ở Thư thứ nhất Thánh Gioan 5,16: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy”.
Thực ra, ở đây, Thánh Gioan không nói đến tội không thể tha được, mà chỉ nói đến tội đưa đến cái chết. Đối với thứ tội này, thì không nên cầu nguyện làm gì: từ đó người ta kết luận rằng cái tội ấy không thể tha được. Nhưng điều gây thắc mắc là: tội gì đưa đến cái chết? Rất nhiều ý kiến được đưa ra.
Thánh Gioan Kim khẩu (Comm. in Ps 48,7) cho rằng đó là tội bị cổ luật Do Thái kết án tử hình (chẳng hạn như ở sách Đnl 22,26; Ds 18,22). Trong những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, vài giáo phụ như Tertullianô (De pudicitia 19,2) còn xác định rõ hơn và kể ra 4 tội: sát nhân, thờ ngẫu tượng, chối đạo, lộng ngôn phạm thượng. Dĩ nhiên, đó là nói đến các tội phạm sau khi đã gia nhập đạo.
Ý kiến khác cho rằng Thánh Gioan nói đến những tội mà ta cố tình phạm, chứ không phải vì vô tình hay không biết. Dù sao, phải nhận rằng tư tưởng của Thánh Gioan không được rõ cho lắm, bởi vì tác giả không khẳng định là “những tội này không thể tha thứ được” mà chỉ nói là “đừng cầu nguyện cho họ nữa”; biết đâu đó chỉ là một biện pháp kỷ luật dành cho kẻ nào đã bỏ đạo, hoặc xa lìa cộng đoàn?
Tóm lại, trong các đoạn văn của Tân Ước đề cập đến tội không thể tha thứ, thì rõ ràng nhất là các đoạn văn Tin Mừng nhất lãm nhắc đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần.
Thánh Tôma (Summa Theologica, II-II, q.14) đã tóm tắt các lời giải thích của các giáo phụ vào ba nhóm chính:
1/ Nhóm thứ nhất (Athanasio, Hilario, Ambrosiô, Hierônimô, Gioan Kim Khẩu) cho rằng đó là lối nói lộng ngôn, xúc phạm đến chính Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã thực hiện các phép lạ do quyền năng của Chúa Thánh Thần; thế mà các đối thủ lại cho đó là việc của tướng quỷ; như thế họ đã đồng hóa Thánh Thần với tướng quỷ.
2/ Nhóm thứ hai, tượng trưng bởi Thánh Augustinô, cho rằng tội chống lại Chúa Thánh Thần là sự cố chấp trong tội lỗi cho đến lúc chết. Tội này không phải chỉ phạm qua miệng lưỡi (lộng ngôn), nhưng nhất là ở trong tâm hồn. Họ chống lại Chúa Thánh Thần là Đấng ban ơn tha thứ. Tuy những đối thủ của Đức Giêsu chưa đến tình trạng ấy (bởi vì họ còn sống chứ chưa chết), nhưng Người đã cảnh báo họ rằng thái độ của họ có thể dẫn tới tình trạng cố chấp ấy.
3/ Nhóm thứ ba giải thích rằng tội chống lại Chúa Thánh Thần là tội chống lại lòng nhân từ, là một đặc trưng của Người.
Người ta phân biệt ba đặc trưng nơi ba ngôi Thiên Chúa: đặc trưng của Chúa Cha là quyền năng, đặc trưng của Chúa Con là khôn ngoan, đặc trưng của Thánh Thần là nhân hậu. Tội phạm đến Chúa Cha là tội do sự yếu đuối; tội phạm đến Chúa Con là tội do u mê lầm lạc; tội phạm đến Thánh Thần là tội do cố tình ác ý. Người ta phạm tội do ác ý khi người ta khước từ những gì ngăn cản người ta phạm tội. Thánh Tôma đi theo lối giải thích này, và tác giả thêm rằng : ta phạm tội đến Chúa Thánh Thần khi ta loại bỏ những gì giúp cho chúng ta khỏi phạm tội.
Điều này có thể xảy ra qua ba cách: một là coi nhẹ Thiên Chúa, nghĩa là quên đi Người là Đấng công bình và thương xót, Đấng ban thưởng việc lành và phạt kẻ có tội;
hai là coi nhẹ các hồng ân của Thiên Chúa, nghĩa là không đếm xỉa đến các chân lý đức tin, ngõ hầu dễ phạm tội hơn, hoặc không coi trọng ơn sủng của Chúa;
ba là mất ý thức về tội lỗi, nghĩa là không còn coi tội lỗi là điều xấu xa, và rồi cũng chẳng hổ thẹn vì đã phạm tội.
Danh sách những hình thức tội phạm đến Chúa Thánh Thần theo Thánh Tôma hơi dài, vì thế sách Giáo Lý của Thánh Piô X (xuất bản năm 1905) đã tóm lại vào 6 hình thức chính như sau:
1/ Thất vọng vì ơn cứu rỗi (nghĩa là không tin rằng Thiên Chúa khoan nhân sẽ cứu mình).
2/ (tình trạng ngược lại): cho rằng ta có thể được cứu rỗi mà không cần đến tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.
3/ Chống cưỡng lại chân lý mặc khải về Đấng Cứu Thế (nghĩa là Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ nơi Đức Giêsu).
4/ Ghen tị vì ơn huệ mà Chúa ban cho người khác.
5/ Ngoan cố trong tình trạng sai lầm tội lỗi.
6/ Không ăn năn tội vào lúc chết.
Theo Thánh Tôma, chẳng có tội nào mà Chúa không thể tha được, bởi vì Chúa là Đấng toàn năng nhân hậu. Nhưng Người muốn đối xử với chúng ta như những hữu thể tự do: Người không muốn cưỡng bách chúng ta phải trở về với Người. Do đó, nếu chúng ta không tình nguyện trở về với Chúa thì tội chúng ta không thể tha thứ được. Nói cách khác, không phải là Chúa không tha thứ, nhưng tại vì chúng ta khước từ hồng ân tha thứ.
Có chứ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thông điệp Dominum et vivificantem về Chúa Thánh Thần (18-5-1986, cách đây 30 năm), số 46, đã trưng dẫn lời của Thánh Tôma. Đoạn văn ấy cũng được đưa vào Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1864, viết như sau: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời”.
Đúng như thế, và có lẽ cần thêm rằng: Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta không chỉ một lần, mà còn nhiều hơn nữa, hơn cả 70 lần 7, như có lần Chúa Giêsu đã nhắc nhở Thánh Phêrô. Tuy nhiên, đó là nói dưới khía cạnh thần học. Dưới khía cạnh Giáo Luật, Giáo Hội có thể quy định vài thủ tục trong việc ban ơn tha thứ trong bí tích hoà giải.
Tôi chỉ muốn lưu ý hai điểm:
1/ Thứ nhất, cha giải tội có thể khước từ ban phép xá giải khi nhận thấy hối nhân chưa thành thật thống hối hoặc chưa dốc quyết sẽ không tái phạm. Phải thú nhận rằng quy tắc này có thể áp dụng khá linh động, bởi vì khó thẩm định quyết tâm không tái phạm, xét vì tất cả chúng ta đều là những con người mỏng dòn.
2/ Thứ hai, Giáo Luật có thể dành riêng việc tha thứ một vài tội cho một thẩm quyền đặc biệt, chẳng hạn như: có những tội mà chỉ giám mục giáo phận mới có thẩm quyền tha, hoặc thậm chí có khi cần phải lên đến Tòa Thánh.
Trong cả hai trường hợp này, không phải là tội không thể tha thứ, nhưng hối nhân cần phải tuân hành vài điều kiện nào đó để được lãnh ơn tha thứ.
Trong văn chương Việt Nam, chữ “ba” có nhiều nghĩa. “Ba” có thể là con số đếm (1,2,3); nhưng có khi “ba” lại nhiều hơn ba, chẳng hạn như khi nói đến “ba hoa” thì hiểu là lắm lời (chứ không phải chỉ có ba cái bông hoa mà thôi). Thêm vào đó “ba” cũng có nghĩa là “sóng gió”, chẳng hạn như khi nói đến “ba đào” là sóng nhỏ, và “ba thu” (hoặc thu ba) có nghĩa là sóng lăn tăn vào mùa thu. Khi các tác giả tu đức nói đến “ba thù” thì phải hiểu là 3 kẻ thù của đời sống tâm linh. Ba kẻ thù đó là ai? Câu trả lời thay đổi tuỳ theo cái nhìn của mỗi người.
Không, bởi vì chính ma quỷ cũng là một trong số ba kẻ thù, đó là: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Dù sao, thiết tưởng cũng nên biết rằng trong lịch sử Kitô Giáo, không thiếu tác giả đã nhìn thấy ở nơi ba chước cám dỗ mà ma quỷ gợi lên cho Chúa Giêsu trong sa mạc, như là điển hình cho tất cả những cơn cám dỗ của nhân loại, đó là: tham ăn, tham tiền, tham danh.
Họ đã móc nối với đoạn văn trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông Đồ (chương 2 câu 16) nói về ba lòng tham của con người: “đam mê xác thịt, đam mê của con mắt, kiêu căng”; rồi từ đó, ba lời khấn của các tu sĩ nhằm kháng cự lại ba lòng tham đó, tức là: khiết tịnh, thanh bần, vâng lời. Dĩ nhiên đây là sự giải thích dựa theo lối suy tư của các đan sĩ mà thôi, còn các tác giả của sách Tin Mừng muốn nói gì qua ba cơn cám dỗ đó thì là một chuyện khác.
Theo vài nhà chú giải, ba cơn cám dỗ này nhắc đến những cuộc thử thách của dân Israel trong thời kỳ lữ hành trên sa mạc. Một số nhà chú giải khác thì cho rằng ba cơn thử thách này liên quan đến giấc mộng của Đức Mêsia vinh hiển của dân Do Thái vào thời Đức Giêsu. Người cũng bị lôi cuốn vào con đường phú quý vinh hoa, thay vì chọn con người khiêm hạ đau khổ. Ngoài ra, khi nghiền ngẫm cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu với ma quỷ, các tác giả đời sống tâm linh cũng liệt kê ba điều thực hành trong mùa Chay như là phương tiện chống cự các cơn cám dỗ, đó là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí.
Dĩ nhiên, con số kẻ thù có thể nhiều hơn hoặc ít hơn số ba vừa kể. Chẳng hạn như các sư phụ bên Đông Phương nói đến tám tà kiến, và sang Tây Phương thì rút xuống còn 7, quen gọi là 7 mối tội đầu (kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, ghen tương, tham ăn, nóng giận, biếng nhác), có lẽ vì liên tưởng đến 7 con quỷ mà sách Tin Mừng có lần nói đến, tỉ như ở Matthêu chương 12 câu 45 (nói đến thần ô uế sau khi xuất khỏi một người, lại đi kêu thêm 7 tên đồng minh, để chiếm cứ vị trí cũ).
Dù sao, danh sách ba kẻ thù - ma quỷ, thế gian, xác thịt - dựa trên dụ ngôn về người gieo hạt giống được Thánh Matthêu ghi lại liền sau đó cùng với lời giải thích (chương 13, câu 18): hạt giống Lời Chúa rơi trên vệ đường, rơi trên sỏi đá, rơi vào bụi gai.
Hạt giống rơi trên vệ đường ví như kẻ nghe Lời Chúa mà không hiểu gì, bởi vì ma quỷ đã cướp đi mất rồi.
Hạt rơi trên sỏi đá ví như kẻ nghe Lời Chúa thì vui vẻ đón nhận nhưng không đâm rễ sâu, vì thế khi gặp gian nan thì bỏ ngay (tạm gọi đây là xác thịt).
Hạt rơi trên bụi gai ví như kẻ nghe Lời Chúa nhưng bị lo lắng sự đời và bả vinh hoa bóp nghẹt (ta tạm gọi đó là thế gian).
Các tác giả còn trưng dẫn một đoạn văn nữa trích từ thư Thánh Phaolô viết cho tín hữu Êphêsô, nói đến tình trạng nô lệ của con người chưa nhận được ơn cứu độ như sau: “Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn”.
Đúng thế, cần phải xác định vấn đề cho rõ. “Xác thịt” (hoặc thân xác) không phải là kẻ thù của mình, bởi vì nó là bộ phận cấu tạo của ta. Nếu ta huỷ diệt thân xác thì cũng là diệt luôn mạng sống của mình nữa, và sự tự sát là điều trái với luân lý Kitô Giáo.
Khi nói đến xác thịt là kẻ thù, thì chúng ta nên hiểu về yếu tố tội lỗi của xác thịt. Thực ra, như Chúa Giêsu đã nhiều lần nói trong sách Tin Mừng, căn gốc của tội lỗi nằm trong con tim, chứ không phải trong cơ thể. Thí dụ khi tôi phạm tội mê ăn uống, thì tội không phải là tại cái lưỡi hay cái bụng, nhưng là tại cái tim của tôi, tại cái lòng thèm khát vô độ của tôi. Một cách tương tự như vậy, khi Chúa Giêsu nói đến tội dâm dục, thì tội của nó không phải do tay chân sờ mó đụng chạm hoặc tại con mắt liếc nhìn, nhưng mà tại con tim ngang trái. Vì thế khi nói đến “xác thịt” như là kẻ thù của đời sống đạo, thì chúng ta nên hiểu theo một nghĩa chuyên môn của luân lý, chứ không hiểu về cái thân thể của vật lý hay y khoa.
Nói cách chính xác hơn nữa, khi nói đến “xác thịt” như là kẻ thù của đời sống tâm linh, chúng ta hiểu theo lối nói của Thánh Phaolô, khi đối chọi hai lối sống: một bên là “theo xác thịt” và một bên “theo thần khí”, được đề cập trong thư gửi tín hữu Rôma và thư gửi tín hữu Galát.
Con người “sống theo xác thịt” có nghĩa là con người sống theo tính ích kỷ, đam mê, dục vọng. Ngược lại, con người “sống theo thần khí” có nghĩa là con người sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một cuộc sống xả kỷ vị tha. Thánh Phaolô không khuyên các tín hữu hãy huỷ diệt thân thể của mình, nhưng còn nhắc cho họ nhớ rằng thân thể là đền thờ của Thánh Thần, vì thế hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể của mình, dùng thân thể như dụng cụ để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Khi nói đến thế gian như là kẻ thù của đời sống tâm linh, chúng ta cũng cần phải phân biệt nhiều ý nghĩa của từ ngữ này, cũng tương tự như chúng ta vừa mới phân tích từ ngữ “xác thịt”.
“Xác thịt” không hoàn toàn đồng nghĩa với “thân thể, thân xác”. Một cách tương tự như vậy, “thế gian” không hoàn toàn đồng nghĩa với “thế giới, vũ trụ”.
Chúng ta vừa nói đến sự đối chọi giữa “xác thịt” với “thần khí” ở nơi các bức thư của Thánh Phaolô tông đồ. Còn sự đối chọi giữa “thế gian” với Chúa Kitô thì được nói nhiều ở nơi các tác phẩm của Thánh Gioan Tông Đồ. Nói đúng ra, nơi các tác phẩm của Thánh Gioan, danh từ “thế gian” được dùng theo bốn nghĩa khác nhau, và từ đó sinh ra nhiều hiểu lầm trong lịch sử Kitô Giáo.
Theo nghĩa thứ nhất, “thế gian” được hiểu về vũ trụ, thế giới. Hiểu theo nghĩa này, thế gian không có gì là xấu xa, bởi vì thế giới này do Thiên Chúa dựng nên. Ngay từ những chương đầu của Kinh Thánh, ta đã đọc thấy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng thế gian và Người đã khen rằng nó tốt lành. Thánh Gioan, ở chương đầu của sách Tin Mừng, còn thêm rằng thế gian này đã được tạo dựng nhờ Ngôi Lời (câu 3).
Theo nghĩa thứ hai, thế gian ám chỉ nhân loại, như khi Thánh Gioan viết rằng “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian”. Chính Chúa Giêsu cũng tự xưng rằng Người là ánh sáng của thế gian.
Đến đây, chúng ta bước sang nghĩa thứ ba, khi “thế gian” được hiểu như là lực lượng đối thủ với Chúa Giêsu. Thực ra thế gian ở đây không hiểu về trăng sao, cỏ cây núi rừng, đất đá (tức là thế giới, vũ trụ) cho bằng chính ma quỷ và những tay sai của nó.
Ở chương đầu của sách Tin Mừng, Thánh Gioan đã viết “Ngôi Lời ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (câu 10). Sự đối chọi này trở nên căng thẳng và quyết liệt hơn vào hồi Tử Nạn của Đức Giêsu. Dưới cái nhìn của Thánh Gioan, tấn bi kịch này do “thủ lãnh của thế gian” dàn dựng. Thủ lãnh của thế gian chính là ma quỷ (Ga 14,30). Vì thế thế gian bắt bớ Đức Giêsu và các đồ đệ của Người. Đối lại, các môn đệ đừng yêu mến thế gian, bởi vì ai mê thế gian thì không thể nào mến Chúa được, bởi vì kẻ mê thế gian là mê theo xác thịt, kiêu căng.
Tuỳ theo chúng ta hiểu thế gian theo nghĩa nào. Chúng ta không thể nào chống lại thế giới, thoát ly khỏi vũ trụ này, bởi vì đó là điều không thể thực hiện được. Chúng ta cũng không thể nào chống lại xã hội, rút lên rừng vắng hoặc tìm đến một hoang đảo để sống một mình.
Mặt khác, Chúa Giêsu không muốn cho các môn đệ tránh thế gian, hoặc chống thế gian, nhưng là Người muốn họ thánh hoá thế gian, đem Tin Mừng của tình yêu Chúa vào cho thế gian, như Thánh Gioan đã viết trong lời nguyện tư tế (trong chương 17): “Lạy Cha, con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho họ là những kẻ Cha đã ban cho con... Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con... Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần... Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ... Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”.
Vấn nạn vừa nêu lên đã trở nên đề tài cho nhiều cuộc tranh luận thần học chung quanh việc tha tội, dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Một câu hỏi xem ra đơn giản hơn cả là: phải làm gì để được Chúa tha tội? Có cần phải lãnh bí tích Giải Tội thì mới được tha tội hay không?
Tiến thêm một bước nữa, các nhà thần học tự hỏi: trong số các bí tích, phải chăng duy có bí tích Giải Tội mới mang lại hiệu lực tha tội, hay là còn có các bí tích khác nữa? Chúng ta đã chẳng tuyên xưng rằng “tôi tin có một phép rửa để tha tội” đấy ư, nghĩa là bí tích rửa tội cũng mang lại sự tha tội nữa chứ? Và phải nói gì đến bí tích xức dầu bệnh nhân: nó cũng có hiệu lực tha tội nữa.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận gay gao nhất là chung quanh hiệu lực tha tội của Bí tích Thánh Thể. Đạo lý của Hội Thánh đã chẳng dạy rằng Thánh Lễ là sự tái diễn Hy Lễ Thập Giá đấy ư? Thế mà công hiệu chính của hy lễ thập giá là gì nếu không phải là xóa bỏ tội lỗi thế gian? Từ đó phải kết luận rằng Thánh Lễ cũng mang lại cho ta ơn tha tội nữa.
Nhiều Giáo Hội Tin Lành đã chủ trương như vậy đó. Nhưng mà chúng ta cần phải hiểu lý luận của họ. Một đàng, họ không nhìn nhận rằng Chúa Giêsu đã thành lập bí tích Giải tội. Đàng khác, thì như vừa nói, bí tích Thánh Thể diễn lại hy lễ thập giá, vì thế mà cũng mang lại công hiệu tha tội như là hy lễ thập giá vậy. Chính những lời chúc tụng đọc trên chén rượu cũng nhắc đến công hiệu: “Này là chén Máu Thầy. Máu Giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”.
Chúng ta không thể chối được rằng bí tích Thánh Thể mang lại ơn tha tội, như chúng ta sẽ thấy. Tuy nhiên, Hội Thánh Công Giáo đã không quên lời căn dặn của Thánh Phaolô ở thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 11 câu 27-29.
Sau khi đã kể lại việc thiết lập bí tích Thánh Thể, thánh tông đồ khuyên các tín hữu rằng: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
Ý thức như vậy, phụng vụ Đông Phương cũng như Tây Phương đều xen phần xét mình thú lỗi trước khi rước Mình Thánh Chúa. Nên biết là nghi điển Rôma đặt phần thú lỗi ở ngay khi bắt đầu Thánh Lễ, còn nhiều nghi điển khác đặt phần cáo lỗi sau phần phụng vụ Lời Chúa, trước khi dâng lễ vật.
Việc cáo lỗi không những chỉ xin Chúa tha thứ tội lỗi, mà còn nhằm hoà giải với anh em, dựa theo lời Phúc Âm: “Nếu con mang của lễ lên bàn thờ mà sực nhớ người anh em nào có mối bất hoà với con, thì con hãy để của lễ đấy, trở về giao hoà với người anh em đi đã, rồi sau đó con hãy trở lại dâng của lễ”.
Trong vấn đề tha tội, chúng ta cần phải phân biệt khía cạnh thần học và khía cạnh kỷ luật của Giáo Hội.
Xét dưới khía cạnh thần học, yếu tố quan trọng nhất để được Chúa tha tội là tấm lòng khiêm nhường thống hối. Ngược lại, nếu thiếu tâm tình đó thì chẳng có kinh nguyện hay bí tích nào có thể mang lại ơn xá giải cho chúng ta.
Xét dưới khía cạnh kỷ luật, thì nhà chức trách của Giáo Hội phân biệt những cách thức khác nhau để được lãnh ơn xá giải, tùy theo cấp độ của tội. Nếu ai ý thức rằng mình mắc tội trọng, thì cần phải lãnh ơn xá giải từ bí tích Giải tội. Do đó, người mắc tội trọng thì không thể lên rước Mình Thánh Chúa được. Tuy nhiên, vì đây là một biện pháp kỷ luật, cho nên bộ Giáo Luật chấp nhận những khoản trừ.
Điều 916 của bộ Giáo Luật nói như sau: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết xưng tội sớm ngần nào có thể”.
Nhà lập pháp không thể nào dự liệu được hết tất cả mọi tình huống trên đời, cho nên chỉ có thể đặt ra một nguyên tắc tổng quát, đó là “khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện xưng tội”. Nguyên tắc này có thể áp dụng vào rất nhiều tình huống khác nhau. Một thí dụ có thể dễ xảy đến hơn cả là một cha sở mắc tội trọng. Theo luật thì cha phải xưng tội, rồi mới được dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu chưa gặp được cha giải tội mà đã tới ngày Chúa Nhật, cha sở có bổn phận phải dâng Thánh Lễ cho bổn đạo, thì Giáo Luật cho phép cha được dâng lễ.
Tuy nhiên, Giáo Luật không thể chước chuẩn cho ta yếu tố cốt yếu để được tha tội, đó là phải thống hối trọn vẹn (quen gọi là ăn năn tội cách trọn). Việc thống hối bao gồm điều dốc quyết chừa tội cũng như điều dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.
Để tránh hiểu lầm, cần phải trở lại với sự phân biệt đã nói trên đây giữa khía cạnh kỷ luật và khía cạnh thần học. Dưới khía cạnh kỷ luật, thì quả thực là Giáo Luật không buộc người nào chỉ mắc tội nhẹ phải xưng tội trước khi rước lễ. Nhưng dưới khía cạnh thần học, thì không thể nói rằng cách đơn giản rằng ai mắc tội nhẹ thì cứ tự tiện lên rước lễ đi, chẳng phải bận tâm gì cả. Không phải vậy, tuy dù mình mắc tội nhẹ đi nữa, nhưng chúng ta buộc phải dọn mình xứng đáng trước khi tiến lên bàn thánh Chúa.
Tôi xin lấy một thí dụ để so sánh cho dễ hiểu. Khi chúng ta được mời đi dự một bữa tiệc (chẳng hạn như một đám cưới), thì yêu sách tối thiểu là chúng ta phải lo vệ sinh thân thể cũng như lo giặt giũ quần áo sạch sẽ. Nhưng chưa đủ: không lẽ chúng ta mặc bộ đồ vá trước vá sau? Không lẽ chúng ta không để ý đến mái tóc bù xù? Và không lẽ chúng ta không lo lục trong tủ để kiếm bộ áo nào sang nhất, cũng như tìm cách trang điểm cho thật duyên dáng?
Một cách tương tự như vậy, khi tiến tới rước Mình Thánh Chúa, chúng ta không những phải lo thanh tẩy các tội trọng mà kể cả những tội nhẹ cũng như tất cả những khuyết điểm tinh thần khác.
Đúng như vậy, nhưng mà không đúng hoàn toàn đâu! Bởi vì, như đã nói, điều cốt yếu để được Chúa tha tội là tâm tình khiêm nhường thống hối của chúng ta: nếu thiếu tâm tình đó thì đọc cả chục lời xá giải cũng chẳng ăn thua gì hết.
Đàng khác, chúng ta cũng nên nhớ rằng Giáo Hội cầu xin ơn tha thứ không phải chỉ vào lúc đầu lễ (lúc đọc kinh cáo mình và lời xá giải), nhưng còn kéo dài suốt Thánh Lễ. Chỉ cần phân tích các kinh đọc trong phần Thường lễ thì đủ thấy.
Ở kinh “Vinh danh Thiên Chúa”, chúng ta kêu van như sau: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”.
Sau khi công bố bài Phúc Âm, linh mục đọc thầm “Nhờ những lời Phúc Âm vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con”.
Sau khi tiến dâng bánh rượu, linh mục đọc thầm “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nhận lấy chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho lễ vật chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa”. Liền đó, linh mục cầu nguyện kèm theo cử chỉ rửa tay: “Lạy Chúa, xin tẩy rửa con sạch điều gian ác, và thanh luyện con khỏi mọi tội lỗi”.
Tiếc rằng đó là những kinh nguyện mà linh mục đọc thầm cho nên cộng đoàn không nghe thấy. Tuy nhiên, sang đến phần rước lễ, thì cộng đoàn cùng với chủ tế cùng xướng lên nhiều lời xin tha tội, bắt đầu là kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Ai ai cũng quá rõ là ở đây “nợ” không hiểu là nợ nần về tiền bạc mà là những lỗi phạm làm mất lòng nhau. Kế đó là 3 lần kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Lời khẩn nài “xin Chúa thương xót” kèm theo tước hiệu “Đấng xóa tội trần gian” bao hàm ý tưởng xin ơn tha thứ.
Và ngay trước khi rước Mình Thánh Chúa, tất cả cộng đoàn còn khiêm tốn van nài: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Những lời này cũng mang ý tưởng sám hối.
Nói cho cùng thì chẳng bao giờ mình sẽ chuẩn bị cho xứng đáng được hết. Nhưng không vì thế mà chúng ta phải tránh xa bàn tiệc thánh. Lý do bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói rằng: chính những người yếu đuối tật bệnh mới cần tới lương y, chứ người lành mạnh đâu cần tới thầy thuốc.
Chúng ta không bao giờ tự phụ là mình xứng đáng đón rước vào lòng. Nhưng đồng thời chúng ta là những bệnh nhân cần đón rước y sĩ đến để chữa trị các bệnh tật của ta. Nói cách khác, chính bí tích Thánh Thể mang lại công hiệu tha tội, như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhìn nhận ở số 1393-1394.
Chúng ta đừng nên coi tội lỗi như là cái vết nhơ mà chúng ta phải tìm thuốc giặt để tẩy trừ! Không phải thế. Tội lỗi tiên vàn là sự khước từ tình yêu. Do đó việc tăng cường tình yêu sẽ mang lại công hiệu khử trừ xóa bỏ tội lỗi. Và đây là một trong những hoa trái chính yếu của bí tích Thánh Thể. Chúng ta xin Chúa tăng cường tình yêu trong tâm hồn chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể quảng đại kính mến Chúa và yêu thương tha nhân.