Trước hết cần xác định vài từ ngữ. Trong thần học, người ta phân biệt giữa mặc khải “công” và mặc khải “tư”. Nói đến mặc khải là nói đến việc Chúa bày tỏ mình ra cho nhân loại. Đối với Kitô Giáo, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại một cách đặc biệt nơi Đức Kitô. Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta biết kế hoạch cứu rỗi mà Thiên Chúa đã ấn định cho toàn thể nhân loại. Mặc khải của Đức Kitô được truyền lại cho chúng ta qua Thánh kinh và thánh truyền. Đó là mặc khải công bởi vì nhằm đến toàn thể nhân loại, và là nền tảng của mọi giáo huấn của Giáo Hội.
Đối lại với mặc khải công là mặc khải tư, nghĩa là những lần mà Chúa đã tỏ hiện cho người này người khác trong suốt dòng lịch sử Kitô Giáo. Những lần hiện ra của Đức Mẹ Maria cũng được xếp vào các mặc khải tư. Sự phân biệt giữa mặc khải công và mặc khải tư được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói đến ở số 67.
Rất nhiều, đếm không xuể! Chỉ nguyên từ năm 1900 cho đến năm 1990, Cha Bernard Billet đã tính được 295 lần Đức Mẹ hiện ra, trong 40 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các lần hiện ra ấy đều được Giáo Hội công nhận.
Đếm chưa hết 5 đầu ngón tay. Đó là: Fatima năm 1917, Beauraing và Banneux bên Bỉ năm 1933, Syracusa năm 1953. Tuy nhiên, cũng nên biết là đứng trước những tin đồn về Đức Mẹ hiện ra, thì Giáo Hội không phải chỉ tỏ thái độ là công nhận hay không. Ngoài những trường hợp công nhận vừa nói, đôi khi Giáo Hội còn lên tiếng tuyên bố phủ nhận, nghĩa là không coi đó như là Đức Mẹ hiện ra. Sự phủ nhận này đôi khi còn kèm theo lời kêu gọi các giáo dân đừng tổ chức những việc tôn kính thờ phượng, hành hương tới nơi ấy.
Cũng khá nhiều, đếm không xuể. Nên biết là trong những lần tuyên bố công nhận hay phủ nhận thì thẩm quyền thuộc về giám mục địa phương chứ không phải là Tòa Thánh. Một trường hợp lộ liễu hơn cả có thể được nhắc tới, đó là tại Palmar de Troya bên Tây Ban Nha (vào những năm 1968-71), khi ông Clêmentê Dominguez tuyên bố là Đức Mẹ đã hiện ra để phản đối Công Đồng Vaticanô II là lạc đạo. Nhờ có một giám mục Việt Nam truyền chức, ông tự phong làm Giáo Hoàng Clêmentê XV, và đặt 6 hồng y, 43 giám mục nhằm tổ chức lại Giáo Hội. Dĩ nhiên là không cần xét xem chuyện Đức Mẹ hiện ra có thực hư như thế nào, nguyên việc truyền chức bừa bãi đã đủ để cho bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố các án tuyệt thông rồi!
Vào thập niên 80, bộ giáo lý đức tin lại phải can thiệp vào một vụ khác, liên quan đến việc tôn kính các thiên thần mà danh tánh được mặc khải cho bà Gabriele Bitterlich. Khi bộ giáo lý đức tin lên tiếng thì hiểu là tình hình đã khá trầm trọng, bởi vì như đã nói, thẩm quyền tuyên bố công nhận hoặc phủ nhận các chuyện Đức Mẹ hiện ra là của các giám mục giáo phận, như trường hợp Medjugorie.
Những tin đồn về Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorie đã bắt đầu từ năm 1981. Giáo quyền địa phương đã tiến hành cuộc điều tra, với sự hợp tác của nhiều chuyên viên. Tiếc rằng ý kiến của các giám mục không đồng nhất. Dù sao cũng nên biết là, như vừa nói, giáo quyền không phải lúc nào cũng lên tiếng để công nhận hay phủ nhận. Đôi khi họ làm thinh, hoặc cho phép giáo dân họp nhau cầu nguyện, nhưng không đả động gì đến nội dung sứ điệp mặc khải.
Thần học đã phân biệt các cấp độ “tin”. Mỗi ngày chị đọc báo, biết được bao nhiêu tin tức, thì chị “tin” bởi vì giả thiết rằng mấy ông nhà báo nói thật (chứ không nói láo ăn tiền). Các mối tương quan xã hội dựa trên lòng tin nơi sự thành thực của nhau, có sao nói vậy. Nếu chúng ta cứ phải đi kiểm chứng hết mọi tin tức, hết mọi câu chuyện, thì không những chúng ta không có giờ, không có sức, mà rồi chúng ta cũng hết còn muốn sống trong một xã hội chuyên lường gạt lừa đảo. Lòng tin này, tuy rất quan trọng trong cuộc sống, nhưng dưới khía cạnh thần học, vẫn chưa có giá trị cho lắm: nó được gọi là “tin vào tình người” (fides humana), tin vào sự thành thực của con người.
Tin còn có một cấp độ cao hơn nữa, khi chúng ta dành cho Thiên Chúa (fides divina). Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, Người không lường gạt ai và không để cho ai lường gạt. Vì thế niềm tin vào Thiên Chúa được gọi là nhân đức tin, hoặc là nhân đức đối thần: tin vào Thiên Chúa, tin vì Chúa đã dạy.
Cần phải phân biệt hai cấp độ tin khi nói về mặc khải tư. Dĩ nhiên, khi Giáo Hội chưa lên tiếng về việc Đức Mẹ hiện ra hay đã phủ nhận về sự hiện ra, thì chúng ta có thể yên trí, coi như không có chuyện Đức Mẹ hiện ra. Nhưng thậm chí cả khi Giáo Hội đã công nhận việc Đức Mẹ hiện ra, chúng ta vẫn không buộc phải tin. Đây không phải ý kiến riêng của tôi mà là của chính Tòa Thánh, được lặp đi lặp lại nhiều lần từ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV, sống vào cuối thế kỷ XVIII (1740-1758).
Thoạt tiên xem ra hơi kỳ cục, nhưng nếu suy nghĩ lại thì không có chi là lạ hết. Tôi vừa nói với chị là phải phân biệt hai cấp độ tin. Có thứ “tin theo tình người” (tin nơi sự thành thực của con người, có sao nói vậy); nhưng còn có thứ tin ở cấp cao hơn, đó là nhân đức tin, tin vào lời Chúa phán. Thế nhưng chúng ta chỉ buộc tin vào lời Chúa khi nào nó được chứa đựng ở mặc khải công, qua Thánh Kinh và Thánh Truyền mà thôi. Ngoài mặc khải công ra, chúng ta không buộc phải tin bằng nhân đức đối thần.
Tôi xin đưa một thí dụ. Vào năm 1854, Đức Piô IX đã tuyên bố Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chân lý này nằm trong kho mặc khải công của Hội Thánh. Tất cả các tín hữu buộc phải tin nhận Lời Chúa. Ai không chấp nhận thì sẽ bị loại trừ ra khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh. Bốn năm sau, vào năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Bernadette ở Lộ đức, xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Giáo Hội đã nhìn nhận việc này, tuy nhiên Giáo Hội không buộc chúng ta phải tin theo nhân đức đối thần. Chúng ta chỉ cần tin theo tình người là đủ; và giả như ai có khước từ không tin việc Đức Mẹ hiện ra thì cũng chẳng có bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội.
Chúng ta không buộc tin các mặc khải do các thánh đã kể lại. Lý do là khi phong thánh, Giáo Hội xét tới việc thực hành các nhân đức của họ, chứ không phải tại vì họ đã nhận được mặc khải. Lý do khác nữa là vì rất nhiều thánh đã nói bậy, hay tiên tri sai. Tôi chỉ xin kể hai trường hợp trắng trợn hơn cả của hai vị đại thánh Dòng Đaminh.
Trường hợp thứ nhất là Thánh Catarina Siêna, tiến sĩ Giáo Hội. Trong một cơn xuất thần vào năm 1377, bà được Đức Mẹ hiện ra tuyên bố rằng người không vô nhiễm nguyên tội. Nên biết là vào lúc ấy, giữa các nhà thần học của dòng Đaminh và dòng Phanxicô đang có cuộc tranh luận về vấn đề này. Dĩ nhiên, bà Catarina đứng về phía dòng Đaminh, nhưng đó là ý kiến của bà chứ đâu phải của Đức Mẹ!
Trường hợp thứ hai là Thánh Vinhsơn “Ferrer”. Trong suốt 21 năm trường (1398-1419), người đã đi rao giảng khắp Âu Châu là tận thế đã gần kề; lời giảng còn được kèm theo các phép lạ để xác minh. Thế nhưng tận thế vẫn không xảy tới.
Chính từ những kinh nghiệm ấy mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đã tuyên bố là chỉ nên chấp nhận các mặc khải ở cấp “tin vào tình người”, và đồng thời người khuyến cáo rằng đừng sử dụng mặc khải tư mà chứng minh các cuộc tranh luận thần học và lịch sử. Chẳng hạn như không thể căn cứ vào mặc khải của Thánh Catarina Siena để quyết định về chân lý Đức Mẹ Vô Nhiễm; cần phải dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Một trường hợp tương tự như vậy cũng đã xảy ra khi thuật lại cuộc đời của Đức Mẹ. Bà thánh Brigitta kể lại rằng Đức Mẹ từ trần 15 năm sau khi Chúa lên trời. Bà Catarina Emmerich giảm xuống còn 13 năm. Nhưng mà bà Maria Agređa thì lại tăng lên 21 năm 4 tháng 10 ngày.
Tôi xin thú nhận là tôi không biết, bởi vì nếu mà tôi biết được thì đâu còn là bí mật nữa. Tuy nhiên, có nhiều sử gia đã đặt dấu hỏi về tính cách xác thực của bí mật này. Như vừa nói, trong lịch sử đã có nhiều vị thánh đã nói tiên tri sai, và không ai bảo đảm được rằng bí mật Fatima sẽ là một luật trừ. Điều khiến cho các sử gia nghi ngờ hơn cả là tại vì Chị Luxia đã viết lại 3 bí mật vào lúc thế chiến thứ hai sắp bùng nổ, 20 năm sau khi nhận được chúng.
Nên nhắc lại là Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917. Toà án điều tra kết thúc vào năm 1924; vào lúc ấy, tại sao chị không nói, mà chờ thêm 15 năm sau mới bổ túc thêm? Và cho dù chị có thành thực đi nữa, chúng ta cũng không nên quên rằng mỗi người chúng ta mang một lối hình dung chịu ảnh hưởng của văn hóa giáo dục. Tôi là người Việt Nam cho nên nếu Đức Mẹ hiện ra với tôi thì chắc là sẽ mặc áo dài và nói tiếng Việt; còn nếu hiện ra với một người ở Phi Châu thì khác. Đó mới chỉ nói đến hình dáng bên ngoài; khi đi sâu vào nội dung câu chuyện, tôi muốn cho Đức Mẹ trả lời cho những thắc mắc đang ám ảnh tâm tư của tôi, chứ sẽ không đặt ra những câu hỏi siêu hình trừu tượng. Nếu tính tôi vốn lạc quan thì tôi muốn cho Đức Mẹ mỉm cười với tôi, còn nếu tôi bi quan yếm thế thì sẽ nghe Đức Mẹ than trách tình hình sa đoạ của nhân loại.
Đây không phải là nhận xét cá nhân tôi, nhưng dựa theo lá thư mà Đức Gioan Phaolô II gửi cho giám mục Fatima cách đây 2 năm, ngày 1 tháng 10 năm 1997, nhân kỷ niệm 80 năm Đức Mẹ hiện ra. Đức Thánh Cha cho thấy rằng trong thế kỷ XX này, quả thực có nhiều dấu hiệu của sự sa sút, những khủng hoảng về đức tin và luân lý. Tuy nhiên, chúng ta không được phép bỏ qua những dấu chỉ thời đại, những tác động của Thánh Thần, gieo xuống biết bao nhiêu mầm mống thánh thiện. Mẹ Maria hiện đến để kêu gọi chúng ta hãy hoán cải, qua sự thống hối đền tội, cầu nguyện. Nhưng chúng ta sẽ bóp méo khuôn mặt của Thiên Chúa nếu chúng ta hình dung rằng Người sẽ nổi giận trừng phạt khủng khiếp các tội lỗi của con người, đang khi mà Người muốn tỏ ra là người cha chờ mong được ôm ấp đứa con hoang trở về.
Khi dịch các thuật ngữ thần học và Giáo Luật từ tiếng La Tinh sang Việt ngữ, chúng ta nhận thấy nhiều khi cũng một danh từ trong nguyên ngữ có thể chuyển thành nhiều từ khác nhau trong tiếng Việt. Một cách cụ thể, “bè rối” dịch bởi từ haeresis trong tiếng La Tinh; nhưng haeresis cũng được dịch là “rối đạo, lạc đạo, lạc giáo, tà đạo, dị giáo”. Nói chung, tất cả những từ ngữ vừa nói đều mang ý nghĩa tiêu cực, ám chỉ cái gì lệch lạc, sai trái, rối ren. Điều thú vị hơn nữa là ngay trong nguyên gốc Hy Lạp, danh từ haeresis cũng biến đổi ý nghĩa.
Nếu muốn truy về nguyên gốc thì phải bắt đầu từ tiếng Hy Lạp là hairesis, được Tân Ước và các giáo phụ cổ điển sử dụng. Kế đó nó được chuyển âm sang tiếng La Tinh là haeresis, và đi vào ngôn ngữ thần học và Giáo Luật. Các sinh ngữ khác chỉ phiên âm ra thôi, chẳng hạn như tiếng Anh là heresy, và tiếng Pháp là hérésie với cách viết chính tả khác biệt tí chút thôi.
Như vừa nói, trong nguyên ngữ Hy Lạp, ý nghĩa của danh từ này đã biến đổi rất nhiều. Tự nó, hairesis do động từ hairêo chỉ có nghĩa là: “cầm giữ, nắm bắt” và từ đó cũng hàm ngụ ý nghĩa là “đắn đo, lựa chọn”. Thời xưa, người Hy Lạp áp dụng danh từ này cho việc chọn lựa bất cứ một ý kiến, một quan điểm nào; và như vậy, chưa có đặt vấn đề “đúng hay sai, chính hay tà”.
Nói khác đi, tại Hy Lạp thời cổ (nơi phát triển nhiều triết thuyết), thì hairesis chỉ là một “trường phái, học phái”. Chúng ta thấy vết tích của lối sử dụng từ ngữ này trong sách Tông Đồ Công Vụ. Thánh Phaolô bị tố cáo ra trước nhà cầm quyền Rôma là đi theo nhóm đồ đệ ông Giêsu Nazaret, bị coi như một hairesis (Cv chương 24, câu 5). Thế rồi, ông Phaolô cải chính rằng ông theo một “Đạo”, chứ không phải là một hairesis (trường phái: Cv 24 câu 14).
Nhưng một lần khác, khi ra tòa, thì ông Phaolô tự xưng rằng mình vốn thành viên của nhóm Biệt Phái, cũng là một hairesis (Cv 26,5). Tuy nhiên, trong các thư gửi cho các giáo đoàn, thì Thánh Phaolô đã dùng danh từ hairesis theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là những ý kiến gây ra chia rẽ, những thuyết sai lạc, trái ngược với Tin Mừng (chẳng hạn như 1Cr 11,19; Gl 5,20). Dần dần, các giáo phụ cũng dùng từ hairesis theo nghĩa là “lạc thuyết hay tà thuyết”. Vào cuối thế kỷ II, Thánh Irênêô đã xuất bản một tác phẩm mang tựa đề Adversus haereses (Chống lại các lạc giáo).
Thật khó trả lời cho câu hỏi này, vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất về phía từ ngữ. Vào thời các thánh tông đồ, đã xuất hiện nhiều thuyết trái ngược với Tin Mừng, nhưng người ta không gọi đó là hairesis, bởi vì thời ấy danh từ này chỉ có nghĩa là trường phái hay học thuyết mà thôi.
Khi đi vào nội dung vấn đề, thì nếu phân tích các tác phẩm Tân Ước, chúng ta thấy các thánh tông đồ đã phải cảnh giác về nhiều lạc thuyết trái ngược với giáo huấn Tin Mừng. Mỗi vị nhấn mạnh đến một khía cạnh đặc biệt.
Chúng ta hãy lấy các thư của Thánh Gioan làm thí dụ, bởi tương đối ngắn ngủi. Thoạt tiên, xem ra ông thấy lạc thuyết nguy hiểm nhất là việc chối bỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; nhưng nếu đọc kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng Thánh Gioan cũng bận tâm không ít đến những lạc thuyết không nhìn nhận Đức Giêsu là người thật. Các sử gia gọi là “ảo thân thuyết” (docetismus), theo đó, Đức Giêsu chỉ xem có dáng vẻ con người, nhưng không phải là con người thực sự.
Đàng khác, chúng ta cũng biết rằng Thánh Gioan không ngừng nhắc nhở các tín hữu về giới răn căn bản nhất của Kitô Giáo là bác ái yêu thương. Vì thế ai không yêu thương anh em cũng là lạc đạo.
Tóm lại, trong những thế kỷ đầu tiên, tuy Giáo Hội phải đương đầu với nhiều điều sai lạc về tín lý và đạo lý, nhưng chưa chính thức đặt tên cho chúng là hairesis. Nói khác đi, cần phải phân biệt giữa nội dung và từ ngữ. Ngoài ra, thiết tưởng cần phải tiến thêm một bước nữa để phân biệt giữa lãnh vực thần học và lãnh vực pháp lý.
Sự phân biệt này lệ thuộc vào điều kiện lịch sử của Kitô Giáo. Kitô Giáo không phải chỉ là một tổng bộ những lý thuyết mà còn là một tổ chức xã hội với những cơ chế của nó. Thật vậy, nếu chỉ nhìn dưới phương diện tư tưởng thuần tuý thì việc tranh luận “đúng” hay “sai” là chuyện xảy ra thường ngày, và nói được là không cùng. Tuy nhiên, Giáo Hội ý thức rằng mình được Chúa Kitô uỷ thác rao giảng chân lý mang lại sự sống vĩnh cửu, cho nên việc đánh giá các lạc thuyết được nhìn trong bối cảnh khác.
Thứ nhất, tiêu chuẩn phê phán là chân lý mạc khải, được chứa đựng trong Thánh Kinh và được giải thích chính thức bởi giáo quyền.
Thứ hai, việc phủ nhận chân lý mạc khải liên quan đến sự sống vĩnh cửu, chứ không phải chỉ là những chân lý siêu hình trừu tượng; do đó, nhà chức trách của Giáo Hội có trách nhiệm lên tiếng nhắc nhở những ai đã đi ngược lại chân lý, hãy cảnh giác trước nguy cơ phá huỷ mối dây thông hiệp với Thiên Chúa.
Thứ ba, hệ luận là ai ngoan cố trong chủ trương sai lạc của mình thì sẽ bị chế tài, đó là họ sẽ bị khai trừ khỏi Giáo Hội. Hình phạt loại trừ đã được nói đến trong Tân Ước, chẳng hạn như trong Mt 18,17 và 1 Cr 5,5, và được công đồng Nicêa năm 325 áp dụng vào lãnh vực lạc giáo, cụ thể là trường hợp của ông Ariô.
Trải qua lịch sử Giáo Hội, đã có sự tiến triển về định nghĩa lạc giáo. Vào thời các giáo phụ tiên khởi, bất cứ chủ trương nào trái ngược với Tin Mừng cũng đáng bị coi là lạc giáo. Thế nhưng chúng ta biết rằng Tin Mừng không chỉ bao gồm các tín điều (những điều phải tin) nhưng còn gồm những điều phải tuân giữ nữa. Hiểu như vậy, thì ai lỗi điều răn bác ái thì cũng là lạc đạo rồi.
Dần dần, người ta thu hẹp lại phạm vi của lạc giáo, nghĩa là chỉ giới hạn vào lãnh vực tín lý mà thôi. Chưa đủ, các nhà thần học còn muốn chính xác hơn nữa, theo nghĩa là lạc giáo (hay lạc thuyết) chỉ áp dụng cho những ai phủ nhận một chân lý đã được tuyên bố là tín điều mà thôi.
Một thí dụ, đạo lý về Đức Maria Hồn Xác Lên Trời mới được tuyên bố là tín điều từ ngày 1 tháng 11 năm 1950, tuy điều này đã được dân Thiên Chúa tin nhận từ thời Trung Cổ. Vì thế trước ngày tuyên bố tín điều, nếu ai phủ nhận thì không thể nào bị tố cáo là lạc giáo được.
Dưới khía cạnh chuyên môn, thì lạc giáo khác với bội giáo. Hơn thế nữa, khi bàn về những tội trái nghịch với đức tin thì bộ Giáo Luật nói đến ba dạng thức khác biệt: lạc giáo, bội giáo, ly giáo.
Điều 751 của Bộ Giáo Luật đã cung cấp khái niệm của chúng như thế này: “Gọi là lạc giáo khi cố chấp phủ nhận, sau khi đã chịu phép Rửa tội, hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức tin thần linh và Công Giáo; gọi là bội giáo nếu chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô Giáo; còn ly giáo là từ bỏ sự tùng phục Đức Giáo hoàng hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Giáo Hội đang thụ quyền người”. Những định nghĩa này được trích lại trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở số 2089. Chúng ta hãy phân tích mỗi dạng thức vừa kể.
Thứ nhất là “lạc giáo”. Lạc giáo haeresis bao hàm một yếu tố khách thể và một yếu tố chủ thể. (a) Về khách thể, nó là sự chối bỏ hay nghi ngờ một tín điều; vì vậy, nếu ai chối một đạo lý chưa được tuyên bố là tín điều thì không thể bị quy là lạc giáo. (b) Về phía chủ thể, thì sự chối bỏ hay nghi ngờ phải mang tính cách cố chấp (pertinax), nghĩa là có ý thức và tự do, và kéo dài bền bỉ; vì thế một ý tưởng nghi ngờ thoảng qua đầu óc chưa đủ để cấu thành lạc giáo. Ngoài ra cũng nên biết là chỉ mắc tội lạc giáo sau khi đã rửa tội. Vì thế không thể kết tội lạc giáo cho một người Hồi Giáo không nhìn nhận Đức Kitô là Thiên Chúa.
Dạng thứ hai là “bội giáo” (apostasia, gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa từ bỏ, chống đối; vì thế cũng được dịch ra tiếng Việt là: phản giáo, bỏ đạo). Bội giáo thì nặng hơn lạc giáo, bởi vì không chỉ phủ nhận một vài chân lý, nhưng là chối bỏ toàn bộ tất cả các đạo lý Công Giáo.
Dạng thứ ba là “ly giáo” (schisma, gốc Hy Lạp có nghĩa là chia ra, xé ra, tách rời) thì không liên can tới các chân lý đức tin cho bằng sự thông hiệp bác ái: ly giáo là việc từ chối tuân phục và hiệp thông với đức giáo hoàng và những phần tử liên kết với người, hay nói cách nôm na là ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo. Như vậy có 3 yếu tố cấu thành tội này: a/ không phục tùng Đức Thánh Cha; b/ không thông hiệp với những kẻ phục tùng Đức Thánh Cha; c/ ý chí chống đối. Chỉ nguyên sự thiếu thông hiệp mà thôi thì chưa thành ly giáo, cần phải thêm ý chí khước từ thông hiệp nữa.
Trong quá khứ, Giáo Hội Chính Thống bị coi là ly giáo, và đối lại, Giáo Hội Chính Thống cũng coi Giáo Hội Công Giáo là ly giáo; thế rồi hai bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Nhưng Công Đồng Vaticanô II đã thay đổi lối nhìn, và không coi Giáo Hội Chính Thống là ly giáo nữa. Một phần có lẽ nhờ những khảo cứu lịch sử cho thấy rằng mỗi bên đều có lỗi đưa đến sự đoạn giao này. Đàng khác, không lẽ chúng ta được phép kết án những người thời nay vì những quyết định đã xảy ra từ 10 thế kỷ rồi. Nhận xét tương tự cũng có thể áp dụng cho các Giáo Hội Tin Lành.
Theo tôi nghĩ, tự nó “cậy” không xấu mà cũng chẳng tốt: “Cậy” chỉ có nghĩa nương dựa vào một thế mạnh nào đó. Nó trở nên xấu hoặc tốt tùy theo cái thế mà mình dựa vào. Hạng người “cậy thần cậy thế” bị chê bai là tại vì họ tỏ ra thái độ hống hách; nhưng tục ngữ cũng có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Đó là chuyện tự nhiên: khi mình thiếu khả năng thì mình phải nhờ cậy đến người khác giúp đỡ. Dù sao, tôi không muốn đi vào vấn đề phân tích ngôn ngữ Việt Nam, nhưng chỉ muốn tìm hiểu bản chất của nhân đức cậy.
Có lẽ bởi vì tiếng “cậy” hơi hàm hồ, cho nên khi nói nhân đức thì người ta thêm “trông cậy” (hay là cậy trông). Có một điều đáng để ý là từ “trông cậy” đã được dùng để dịch từ “spes” trong tiếng La Tinh. Nhưng khi dịch văn kiện của Công Đồng Vaticanô II “Gaudium et Spes”, thì không thấy ai dùng từ “Vui mừng và Trông cậy”, nhưng là “Vui Mừng và Hy Vọng”.
Nói cách khác, trông cậy hay là hy vọng đồng nghĩa với nhau. Duy có điều là tiếng “cậy” thì có vẻ xưa, hay là hàm hồ; còn tiếng “hy vọng” xem ra phổ thông hơn và gây ấn tượng hơn. Thực vậy, con người ta không thể nào sống mà không hy vọng. Hay nói ngược lại, nếu không có hy vọng thì không thể nào sống được.
Khi nói về hy vọng như một nhân đức, chúng ta nên lưu ý hai điểm. Thứ nhất, tuy hy vọng là một khuynh hướng tự nhiên của con người, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng duy trì được khuynh hướng đó. Thứ hai, hy vọng, xét như là một nhân đức đối thần, có một đối tượng đặc thù của nó.
Như chị đã biết, con người sống trong hy vọng. Chúng ta tin tưởng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Chính nhờ niềm hy vọng đó, mà chúng ta mới có nghị lực để khắc phục những khó khăn trong hiện tại, sẵn sàng thắt lưng buộc bụng, để xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, đó là nói trên nguyên tắc. Trên thực tế, không phải tất cả mọi người và bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng. Có những người sinh ra đã bi quan yếm thế rồi! Và thường tuổi già thì thích ngoảnh lại quá khứ để mà luyến tiếc thời vàng son, và rồi than trách tình trạng suy đồi ở chung quanh họ. Những hạng người như vậy đánh mất khuynh hướng hy vọng. Dù sao, tuy hy vọng là một khuynh hướng tự nhiên của con người, nhưng chúng ta cũng cần phải tập luyện, bởi vì không dễ gì mà duy trì được nó. Lắm lần chúng ta rơi vào tình trạng thất vọng nản chí, buông xuôi hay tuyệt vọng.
Đúng vậy. Thần học cổ điển nói tới hai cấp độ của nhân đức hy vọng. Cấp độ thứ nhất thuộc lãnh vực tự nhiên, cấp độ thứ hai thuộc lãnh vực siêu nhiên. Khi phân tích đối tượng của hy vọng, Thánh Tôma Aquinô đã nêu bật bốn đặc tính sau đây: nó là một điều tốt, thuộc về tương lai, cam go, nhưng có thể đạt được.
1/ Đặc tính thứ nhất: đối tượng của hy vọng phải là một điều tốt (điều lành). Bởi vì nếu là một điều dữ thì ta không mong cho nó tới, hoặc sợ khi thấy nó sắp tới. Xét vì đối tượng của hy vọng là một điều tốt, cho nên ta cũng qúy mến nó. Nói khác đi, thường đối tượng của hy vọng và yêu mến trùng hợp với nhau. Chúng ta hy vọng trông mong cái gì có ảnh hưởng tới chúng ta.
Thí dụ mỗi ngày ở ga xe lửa, có bao nhiêu hành khách tấp nập, kẻ đi người lại, nhưng mà chúng ta chẳng bận tâm gì hết. Nhưng mà nếu được tin một người thân sẽ đi chuyến tàu nào đó để đến thăm ta, thì ta mới cảm thấy nôn nao về tình hình chuyến tàu, giờ nào khởi hành, giờ nào tới, có bị trục trặc gì giữa đường không. Tóm lại, đối tượng của hy vọng là một điều tốt đối với ta, có mối liên hệ gì đó đối với cuộc sống của ta.
2/ Đặc tính thứ hai. Đối tượng của hy vọng thuộc về tương lai chưa tới. Đây là chuyện dĩ nhiên rồi, bởi vì nếu nó đã tới rồi (thuộc về hiện tại hay quá khứ) thì đâu có mong làm chi nữa?
3/ Điểm thứ ba. Đối tượng của hy vọng phải là cái gì cam go: hoặc là ta không biết chắc nó sẽ xảy đến hay không (vì thế mà phập phồng lo lắng), hay là không biết chắc mình có đủ khả năng để đạt được hay không. Thí dụ trong số hai anh học sinh cùng đi thi, chắc chắn rằng anh học kém hơn thì nuôi hy vọng lớn hơn sẽ được qua cầu, bởi vì anh cảm thấy nhiều rủi ro hơn! Ngược lại, điều gì quá dễ hay đương nhiên sẽ tới thì ta chẳng cần mong đợi làm gì!
4/ Sau cùng, tuy dù đối tượng có cam go, nhưng ta chỉ hy vọng khi mong có thể đạt được. Nếu thấy nó hoàn toàn vượt khỏi tầm tay của ta, thì chẳng thèm mơ ước nữa (có ai mong đi nghỉ hè sang năm trên Hỏa tinh đâu?), hoặc là sẽ tuyệt vọng (hầu hết các vụ tự tử vì tình hay vì tiền nằm trong loại này).
Vấn đề được đặt ra trong việc thực tập nhân đức ở đặc điểm thứ nhất và đặc điểm thứ tư. Đặc điểm thứ nhất liên quan tới điều tốt. Thế nào là điều tốt đối với tôi: công thành danh toại? Địa vị chức quyền? Vào những ngày tết, chúng ta đã nghe bao nhiêu lời chúc: phải chăng tất cả đều là những điều thực sự tốt lành? Còn về đặc tính thứ bốn, về khả năng đạt tới mục tiêu, thì vấn đề ở tại chỗ: tôi sẽ cương quyết phấn đấu để đạt tới mục tiêu, hay tôi phải cậy nhờ ai giúp đây? Liệu có nên theo đuổi sự nghiệp, hay tốt hơn nên bỏ cuộc cho rồi?
Chị biết rằng sống trên đời này, chúng ta nuôi dưỡng rất nhiều hy vọng; hay nói đúng hơn, chúng ta hy vọng rất nhiều điều. Mặt khác, chúng ta đã hơn một lần cảm nghiệm rằng trên đời này chẳng có gì bền vững: dù là tiền tài, địa vị, công danh, dù là những mối tình thân thiết cao thượng thân tín nhất, tất cả rồi cũng sẽ qua đi! Hoặc là họ rời ta hay ta phải rời họ. Thậm chí ta cũng không nắm chắc được chính mạng sống của ta nữa! Vì thế nảy lên trong ta một niềm khát vọng: làm sao không bao giờ mất được những điều thiện mà ta đang có hay sẽ có? Làm sao được hạnh phúc bền bỉ? Đó là điều hy vọng sâu thẳm nhất của con tim. Liệu đó là một hy vọng hay ảo vọng? Từ đối tượng hy vọng vào điều thiện tuyệt đối đó, mà thần học bước sang đề tài nhân đức siêu nhiên, nhân đức Trông Cậy.
Đúng vậy. Gọi là nhân đức đối thần bởi vì đối tượng của nó là chính Thiên Chúa; và bởi vì do Chúa ban cho ta chứ không phải do ta thủ đắc. Bản chất của nhân đức được tóm lại trong “Kinh Cậy” như sau: “Lạy Chúa tôi, tôi trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu thì Chúa sẽ ban ơn cho tôi giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng, đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Amen”.
Bản kinh trên đây gồm tóm đối tượng, động lực cũng như những đặc điểm của Đức Cậy.
1/ Đối tượng chính yếu là hạnh phúc Thiên Đàng, nơi mà chúng ta được hưởng kiến nhan Chúa (“lên Thiên Đàng xem thấy mặt Chúa, hưởng phước đời đời”). Đây là một điều thiện tuyệt đối (ai mà chẳng muốn được hạnh phúc?), thuộc về tương lai, cam go (vượt sức của chúng ta), nhưng có thể được (dựa vào ơn Chúa).
Ngoài ra, nhân đức Trông Cậy cũng bao hàm những đối tượng phụ thuộc nữa, theo nghĩa là để đạt được đối tượng chính yếu và cũng là mục tiêu tối hậu của đời người, chúng ta cũng hy vọng rằng Chúa sẽ ban cho ta những phương tiện hữu hiệu tương ứng. Một cách trực tiếp, chúng ta hy vọng rằng Chúa sẽ ban ơn cho ta luôn luôn sống trong ân nghĩa với Chúa ở đời này (“giữ đạo nên ở đời này”). Cách gián tiếp, chúng ta hy vọng rằng Chúa cũng sẽ ban cho ta những điều thiện khác nữa để sống (cơm áo, sức khỏe, danh dự, kiến thức, tiền bạc, vv).
2/ Nền tảng của Đức Cậy là chính Thiên Chúa, dựa trên ba ưu phẩm chính: toàn năng, yêu thương và trung tín. a/ Thiên Chúa toàn năng (“Chúa là Đấng phép tắc”): Người làm được hết mọi sự, kể cả những gì mà ta coi như không thể thực hiện nổi. b/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta (“Chúa lòng lành vô cùng”): Người là Cha, muốn cho con cái mình được hạnh phúc. c/ Thiên Chúa trung tín với lời hứa (“đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được”). Người đã hứa sẽ ban phần thưởng cho những tôi tớ trung tín. Người không đùa cợt hay hứa cuội!
3/ Đặc tính. Dựa trên các nền tảng vừa nói, đức Cậy mang tính cách: a/ Chắc chắn (không sai lầm): bởi vì nương tựa vào quyền năng của Chúa.- b/ Bền vững (không lung lay). Ta cũng thể thêm những đặc tính khác, qua những hoa trái mà nó mang lại cho ta, tựa như: lạc quan khi nhìn về tương lai; kiên nhẫn khi gặp gian truân thử thách; tin tưởng phó thác vì biết bàn tay của Chúa luôn đỡ nâng ta.
Vì thời giờ vắn tắt, tôi phải kết thúc nơi đây. Nếu muốn tìm hiểu thêm về đức cậy, chúng ta có thể đọc Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở các số từ 1817-1821.
Tóm lại, thoạt tiên xem ra “cậy” là một điều xấu, nhưng một khi nhận ra rằng cần phải hiểu về sự trông cậy (hy vọng), chúng ta thấy nó rất cần thiết cho cuộc sống. Không ai có thể sống nổi nếu thiếu hy vọng. Nó thúc đẩy hành động, nâng đỡ cố gắng, không bỏ cuộc khi gặp chướng ngại. Giữa bao nhiêu thử thách của cuộc đời, niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn sẽ giúp cho chúng ta nghị lực để phấn đấu, chứ không chịu thúc thủ. Cũng chính nhờ hy vọng thúc đẩy, mà bao nhiêu người đã đã dám xông pha mạo hiểm tới những chân trời mới! Nhất là chúng ta tin tưởng nơi tình thương của Thiên Chúa. Người muốn cho chúng ta được hạnh phúc, và dự liệu những phương thế hữu hiệu để chúng ta đạt tới mục tiêu đó. Cuộc đời của chúng ta không phải do số mạng mù quáng định đoạt. Đó là nguồn lạc quan tin tưởng cho các tín hữu, đặc biệt khi chúng ta bắt đầu một năm mới.