Lời cầu xin này đã được giải thích theo nhiều chiều hướng. Xét về chủ thể, có thể hiểu về toàn thể Hội Thánh hoặc về từng cá nhân. Xét về đối tượng, có thể hiểu về chiều rộng hay chiều sâu.
Sở dĩ lời cầu xin có thể hiểu theo nhiều nghĩa là bởi vì những lời trong câu nói rất súc tích. Lời cầu xin cho “chúng con” ở số nhiều, và có thể hiểu về từng người một, hoặc cho toàn thể cộng đồng; một cách tương tự như vậy, “tin” có thể hiểu như là một hành vi của lý trí (nghĩa là hiểu biết chấp nhận một đạo lý), hay như là một hành vi của ý chí (nghĩa là gắn bó tín thác vào Chúa).
Tóm lại, câu nói có thể hiểu về bốn nghĩa. Chúng ta bắt đầu từ nghĩa thứ nhất xét theo chủ thể, đó là Hội Thánh. Hội Thánh xin cho được càng ngày càng khám phá sự phong phú của Lời Chúa. Lời Chúa đã mạc khải một lần cho tất cả, nhưng trải qua dòng thời gian, càng ngày Hội Thánh hiểu sâu hơn Lời Chúa, nhờ sự trợ giúp của Thánh Linh, như chính Chúa Giêsu đã hứa tại nhà Tiệc ly: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12).
Chắc rồi. Điều này đã được Công Đồng Vaticano II xác nhận trong Hiến Chế về Mạc khải số 8, và được sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích lại ở số 94. Bằng chứng là ngày nay chúng ta có cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dày cộm, đang khi ở các thế kỷ đầu tiên, người ta chỉ tóm gọn vào một tín biểu ngắn ngủi.
Điều này thì không ai dám khẳng định chắc chắn. Thật vậy, chúng ta không thể nào thần tượng hóa các thế kỷ đầu tiên, nhìn thấy toàn là tốt đẹp vào thời ấy, còn thời buổi hôm nay thì phong hóa suy đồi! Bằng chứng là trong các thư của các thánh tông đồ cũng như trong sách Khải Huyền, chúng ta thấy liệt kê đủ thứ tội lỗi trong đó, cách riêng là tội thờ ngẫu tượng. Tuy nhiên, ngược lại, chúng ta cũng đừng vội tự hào rằng thời đại chúng ta thánh thiện hơn thời xưa.
Thời nay, đừng kể tình trạng thờ ơ với đời sống đạo đức, chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy các ngẫu tượng mới tựa như: Công danh, Địa vị, Tiền tài, Hưởng thụ, vân vân. Nói cách khác, không những thời nào cũng có những người tốt người xấu, mà xét trong toàn thể, chúng ta cũng thấy thời nào cũng có những tia sáng và bóng tối. Vì thế Giáo Hội không ngừng xin Chúa thương xót tha tội, và ban sức mạnh để luôn luôn trung tín với Người.
Như vậy, xét về Hội Thánh, chúng ta đã giải thích hai nghĩa của lời cầu “xin tăng thêm đức tin cho chúng con”. Bây giờ chuyển sang từng tín hữu, chúng ta cũng có thể thêm hai nghĩa nữa. Chúng ta có thể nói đến sự tiến triển về hai chiều: chiều rộng và chiều sâu, hoặc là về lượng và về phẩm.
Tăng trưởng về chiều rộng hoặc về lượng là tăng thêm sự hiểu biết đạo lý đức tin. Dưới khía cạnh này, chúng ta có thể nói đến sự tăng trưởng nhờ học hỏi thêm giáo lý, nhờ vậy chúng ta có thể càng ngày càng biết Chúa nhiều hơn. Dù sao, chúng ta đừng quên rằng về khía cạnh này, sự hiểu biết các đạo lý đức tin không chỉ tùy thuộc vào sự cố gắng cá nhân, nhưng còn nhờ đến ơn Chúa nữa. Bằng cớ là Giáo Hội đã suy tôn nhiều vị thánh làm Tiến Sĩ Giáo Hội, tuy rằng các vị ấy chẳng bao giờ tham dự một lớp thần học nào, chẳng hạn như bốn Thánh Hildegard Bingen, Catarina Siena, Teresa Avila, Teresa Lisieux.
Chúng ta vừa nói đến sự tiến triển về chiều rộng, về khía cạnh đạo lý. Chúng ta tạm gọi đó là tiến triển về sự hiểu biết. Bây giờ chúng ta bước sang một khía cạnh khác, đó là ý chí và tâm tình. Dưới phương diện này, tăng trưởng về đức tin có nghĩa là tin tưởng, phó thác, gắn bó với Chúa hơn. Các nhà thần học tu đức đã bàn rất nhiều về vấn đề này. Họ còn đưa ra những hướng dẫn để chúng ta tập tành, tuy vẫn biết rằng sự tăng trưởng này tiên vàn là một hồng ân của Chúa.
Nói chung, khi nói đến sự tăng trưởng về một nhân đức thì người ta hiểu rằng nhân đức ấy càng ngày càng đâm rễ sâu hơn trong cuộc đời. Ngay từ thời các giáo phụ, tựa như Thánh Augustinô, người ta đã chia tiến trình tăng trưởng làm ba cấp: khởi đầu, tiến bộ, hoàn thiện. Nên biết rằng, Thánh Augustinô bàn về sự tăng trưởng của đức mến, nhưng không có gì khó khăn để áp dụng vào sự tăng trưởng của đức tin.
Ở cấp sơ đẳng nhất của đức tin, chúng ta cố gắng sống như người tín hữu bình thường, bằng việc thực hành đức tin trong đời sống thường ngày. Chúng ta cố gắng bồi dưỡng đức tin bằng việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, sống hiệp thông với Hội Thánh, và đương nhiên, chúng ta tránh những cơ hội có thể gây ra sự lung lạc đức tin, chẳng hạn qua những sách báo phim ảnh chống bác đạo Chúa.
Lên cấp cao hơn (nghĩa là những người tiến bộ), chúng ta cố gắng tập nhìn và phán đoán mọi sự dưới lăng kính của đức tin, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Đó là điều quen gọi là sống theo “tinh thần đức tin”. Chúng ta chỉ cần mở Tin Mừng thì thấy “tinh thần đức tin” (hoặc Tin Mừng) khác với tinh thần trần tục như thế nào. Người đời chạy theo tiền tài, quyền lực, khoái lạc; còn Tin Mừng ca ngợi các nhân đức khó nghèo, khiêm tốn, phục vụ, hiến thân.
Điều này trở thành quan trọng hơn nữa khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh mà người đời cho là rủi ro, xui xẻo; những khi chúng ta gặp thử thách đau khổ. Đức tin mang lại cho chúng ta một cái nhìn khác, một lối khác để đánh giá tình hình. Như chúng ta đã biết, trên đời này, chẳng có ai yêu thích đau khổ hết. Nhưng Chúa Giêsu đã hé mở cho chúng ta một cái nhìn mới khi Người chấp nhận đau khổ và cái chết trên thập giá: sự đau khổ có thể mang lại giá trị cứu chuộc nhờ sự vâng phục và yêu thương.
Và rồi, không nói ai cũng biết, đức tin soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống này, khi cho biết rằng cái chết không kết liễu cuộc đời mà chỉ là khai mạc một giai đoạn mới: cuộc sống vẫn tiếp tục sau khi chúng ta nhắm mắt lìa đời.
Xin lặp lại rằng đức tin là một hồng ân Chúa ban, chứ không phải được thủ đắc do sự luyện tập. Tuy vậy, trong hai cấp độ vừa rồi, dường như chúng ta còn phải nỗ lực nhiều, cố gắng thực tập đức tin, bảo vệ đức tin, nhìn mọi vật dưới ánh sáng đức tin.
Bước sang cấp độ thứ ba, Thánh Tôma Aquino quan niệm rằng vai trò chủ động là Thánh Linh. Nói cách khác, trong hai cấp độ đầu tiên, chúng ta luyện tập để trở nên thuần thục, sẵn sàng cho Thánh Linh hướng dẫn. Đến cấp độ thứ ba, chính Thánh Linh sẽ đích thân dẫn dắt chúng ta trong việc sống nhân đức. Thánh Tôma diễn tả tác động của Thánh Linh qua hai ân huệ, đó là ơn “thông hiểu” và ơn “tri thức”. Nhờ ơn thông hiểu, chúng ta được ánh sáng để hiểu biết các mầu nhiệm mặc khải; nhờ ơn tri thức, (hay đôi khi cũng được dịch là ơn minh luận), chúng ta đánh giá mọi sự theo viễn tượng của Chúa.
Thực ra, có nhiều cách thức để diễn tả bản chất của bảy ân huệ Thánh Linh nói chung, và hai ân huệ mà chúng ta đang bàn. Nhưng đại khái, có thể giải thích như sau. Ở cấp độ cao nhất của đức tin, Thánh Linh ban cho chúng ta ánh sáng để nhìn các sự vật theo cái nhìn của chính Chúa chứ không theo cái nhìn của chúng ta nữa. Nhiều nhà tu đức không ngại so sánh “ánh sáng” này như là tiền đường dẫn đến “ánh sáng vinh phúc” trên trời khi chúng ta được phúc chiêm ngắm Thiên Chúa, theo như lối diễn tả của Thánh Phaolô: hiện nay chúng ta nhìn thấy lờ mờ trong gương; mai sau chúng ta sẽ nhìn thấy tỏ tường, diện đối diện.
Đúng thế. Nhưng chúng ta cũng nên ý thức giới hạn của lập luận con người. Chúng ta thường phân biệt giữa hiểu biết và yêu mến, từ đó dẫn đến sự phân biệt giữa đức tin và đức mến. Nhưng cả hai đều dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, từ chỗ hiểu biết lơ mơ đến chỗ hiểu biết tường tận; từ chỗ yêu mến hời hợt đến chỗ yêu mến say đắm. Cuối cùng tin và yêu sẽ nhập một với nhau.
Nói thế chưa đủ, cần phải thêm rằng khi chúng ta thực tình mến Chúa thì chúng ta cũng muốn cho thật nhiều người cũng biết và mến Người. Từ đó, đức tin ở cấp độ cao cũng thúc đẩy chúng ta đến chỗ làm chứng ta cho Người, loan báo Tin Mừng cứu độ. Không lạ gì mà trong sứ điệp truyền giáo trong Năm Đức Tin, đức thánh cha đã nhắc nhở chúng ta rằng một dấu hiệu để biết chúng ta trưởng thành đức tin hay chưa là lòng nhiệt thành truyền giáo. Đây không phải là việc tuyên truyền cho một chủ nghĩa hoặc ý thức hệ, nhưng là ước muốn chia sẻ cho mọi người biết được tình yêu của Thiên Chúa nhân lành, và mời gọi họ đến đón nhận tình yêu ấy.
Trong các sách Phúc Âm, vấn đề tương quan giữa phép lạ và đức tin khá phức tạp. Xem ra có hai ý kiến đối nghịch. Một bên là Phúc Âm nhất lãm, một bên là Phúc Âm Thánh Gioan.
Theo Phúc Âm nhất lãm, cần phải tin thì Chúa Giêsu mới làm phép lạ; vì thế Người không làm phép lạ nào tại Nadareth bởi vì tại đó người ta không tin Người. Còn theo Phúc Âm Thánh Gioan thì xem ra ngược lại, nghĩa là Chúa Giêsu làm phép lạ để cho thiên hạ tin vào Người.
Trải qua lịch sử đã có nhiều cuộc tranh luận liên quan đến ý nghĩa của các phép lạ của Chúa Giêsu: có người nói rằng đó là chuyện ma thuật phù thủy; có người cho rằng đó chỉ là một lối văn của các môn đệ để suy tôn thầy mình. Chị có thể đoán được rằng đó là luận điệu của những người không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng thiên sai; nhưng kể cả về phía những tín hữu, cũng có người đặt vấn đề về giá trị của các phép lạ: có cần phép lạ để tin không? Chúa Giêsu đã chẳng nói rằng: “phúc cho ai không thấy mà tin” đấy ư? Dù sao, theo tôi nghĩ, trước khi đi vào vấn đề, cần phải xác định ý nghĩa của các từ ngữ phép lạ và tin: Phép lạ là gì? Tin là gì?
Bởi vì việc đánh giá phép lạ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan. Hồi đầu thế kỷ XX, thấy chiếc máy bay là một phép lạ, bởi vì làm thế nào mà một khối sắt lại có thể bay bổng lên như vậy? Vì vậy khi thấy máy bay đi ngang, ai nấy cũng xúm nhau lại để xem. Ngày nay, nhà tôi ở gần phi trường, thì không những là tôi không chạy ra xem máy bay nhưng ước mong đừng có máy bay lên xuống để khỏi bị nhức đầu.
Như vậy là có sự thay đổi cách đánh giá máy bay: cách đây một thế kỷ thì ta coi đó là phép lạ, nhưng bây giờ nó không còn là phép lạ nữa, vì lý do dễ hiểu: nó xảy ra thường quá rồi cho nên đâu có gì lạ lùng đâu! Một cách tương tự như vậy, cách đây 100 năm nếu ai mắc bệnh lao mà được chữa lành thì phải kể là phép lạ, nhưng ngày nay nhờ sự tiến bộ của y học, bệnh này đã bị diệt rồi, chứ không còn là phép lạ nữa.
Như vậy ta thấy phép lạ có tính cách tương đối thôi. Nhận xét này không phải là của cá nhân tôi mà là của Thánh Augustinô. Thánh nhân nhận xét rằng Đức Giêsu đã cho 5,000 người được ăn no nê thì gọi là phép lạ, bởi vì là một chuyện khác thường; còn Thiên Chúa mỗi ngày ban lương thực cho cả triệu triệu người được ăn thì không ai coi đó là phép lạ hết.
Phần nào đúng như vậy. Một nhà khoa học có thể nghiên cứu về sự vận hành của các hành tinh trong vũ trụ, hoặc về sự tuần hoàn của sinh hoạt các bộ phận trong cơ thể con người, hoặc thậm chí quan sát một con kiến, cũng có thể trầm trồ thán phục trước bao điều diệu kỳ, mặc dầu ông ta không gọi là “phép lạ”. Thế nhưng, trên thực tế, chẳng mấy nhà khoa học cũng như người đời để ý đến những chuyện kỳ diệu ấy. Điều này muốn nói rằng phép lạ là một “dấu hiệu” hay “tín hiệu”: có người đọc được tín hiệu ấy, có người không đọc được. Và ta thấy rằng các tác giả Tin Mừng thích dùng từ ngữ “dấu hiệu” để đặt tên cho cái mà chúng ta quen gọi là “phép lạ”.
Một cách cụ thể, câu chuyện mà Thánh Gioan kể lại tại Cana, thì chính tác giả không gọi là “phép lạ”, mà là “dấu chỉ” (hoặc “dấu hiệu”, chứ chẳng phải là dấu lạ). Cái dấu chỉ mời gọi người ta phải khám phá ra cái gì cao hơn nữa, cũng tương tự như khi chị tặng món quà cho ai đó, thì chị mong rằng người nhận đừng nên chỉ dừng lại ở giá trị của tặng vật nhưng hãy nhìn đến tấm lòng của chị (của ít lòng nhiều). Hiểu như vậy, thần học ngày nay muốn tìm hiểu ý nghĩa của các phép lạ mà Chúa Giêsu: có thể là “của ít” nhưng mà “lòng nhiều”: các phép lạ chỉ là dấu chỉ thôi.
Đúng vậy. Cần phải đặt câu hỏi: Chúa Giêsu làm phép lạ để làm gì? Phải chăng để trổ tài, chứng tỏ cho thiên hạ thấy quyền năng của mình? Không phải thế đâu. Chúa không muốn làm phép lạ để chứng tỏ quyền năng, như ma quỷ đã từng cám dỗ Người trên sa mạc.
Chúng ta có thể nói vắn tắt rằng các phép lạ mang ba dấu chỉ này: thứ nhất là biểu hiệu của lòng thương xót; thứ hai là biểu hiệu của việc thiết lập Nước Chúa; thứ ba là chứng tá cho căn tính của chính Đức Giêsu. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích ở các số 547-550. Xin nói vắn tắt về ba điểm này. Thứ nhất, các phép lạ biểu lộ lòng thương xót của Chúa: Người chạnh lòng thương xót những người đi vào nơi hoang địa để nghe giảng mà không có gì ăn; Người chạnh lòng thương xót khi thấy bà quả phụ Nain mất đi đứa con trai duy nhất.
Ý nghĩa thứ hai, các phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời. Ngôn sứ Isaia đã loan báo rằng vào thời đấng Mesia, sẽ biến hết các nỗi khổ: các người bệnh sẽ được chữa lành. Chúa Giêsu cũng trưng dẫn những lời này để trả lời cho các môn đệ ông Gioan, khi ông này hỏi đã đến thời đấng Mesia chưa. Thực vậy, thời đấng Mesia là thời mà Thiên Chúa thiết lập vương quyền của sự thiện, đập tan quyền thống trị của Satan đàn áp nhân loại dưới ách của tội lỗi, bệnh tật, chết chóc.
Ý nghĩa thứ ba là mạc khải chính căn tính của Đức Giêsu. Đây là một nét đặc biệt của Phúc âm Thánh Gioan, cách riêng khi so sánh với Phúc Âm Thánh Marcô. Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại rất nhiều phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng Thánh Gioan chỉ kể lại bảy “dấu chỉ”, mở đầu là tiệc cưới tại Cana và dấu chỉ cuối cùng là sự phục sinh ông Ladarô. Các dấu chỉ này làm chứng tá cho thân thế của Đức Giêsu, chẳng hạn phép lạ chữa người mù ở chương 5 làm chứng rằng Đức Giêsu là ánh sáng thế gian; phép lạ hóa bánh ở chương 6 làm chứng rằng Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời được ban cho nhân loại; phép lạ cho ông Ladarô sống lại làm chứng rằng Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Còn phép lạ Cana muốn chứng tỏ rằng Đức Giêsu là vị hôn phu của thời mới, mang lại niềm hân hoan của giao ước mới (ví như rượu mới).
Như đã nói ở đầu, khi đọc Tân Ước, chúng ta có cảm tưởng như gặp phải một sự mâu thuẫn. Một bên, theo Phúc Âm nhất lãm, Chúa Giêsu chỉ làm phép lạ cho ai tin vào Người; còn theo Phúc Âm Thánh Gioan, thì Chúa Giêsu làm phép lạ để cho người ta tin vào Người. Thực ra không có gì mâu thuẫn cả, bởi vì hai bên hiểu chữ “tin” theo hai nghĩa khác nhau.
Trong Phúc Âm nhất lãm, “tin” được hiểu như là“tin tưởng, tin cậy, tín thác”; hay nói cách nôm na, tin theo một nghĩa nhân bản. Chúa Giêsu đòi hỏi phải có lòng tin ấy thì Người mới làm phép lạ được, đại khái cũng như một thầy thuốc đòi hỏi bệnh nhân phải tin vào ông ta thì mới có thể chữa lành được. Đó là lý do mà Chúa khước từ làm phép lạ cho kẻ nào chỉ muốn thử thách Người, hoặc tệ hơn nữa, kẻ nào không tin vào quyền năng của Người, và cụ thể là người đồng hương Nazaret. Đối lại, nhiều lần Người khuyến khích bệnh nhân hãy tin tưởng, vì lòng tin sẽ cứu được họ, tựa như trường hợp một phụ nữ bị xuất huyết. Tôi lặp lại, đây chỉ là lòng tin tưởng nằm trong tương quan giữa con người.
Còn đức tin thì ở một cấp độ cao hơn. Thánh Gioan viết cuốn Phúc Âm thứ bốn nhằm giúp các độc giả tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và nhờ đức tin ấy mà chúng ta được sự sống đời đời. Để đạt được mục tiêu ấy, tác giả không chỉ kể lại bảy dấu chỉ mà còn nhiều việc làm khác của Đức Giêsu, ngõ hầu có thể khẳng định rằng: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm những việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (Ga 10,37-38).
Các phép lạ không đương nhiên làm nảy sinh đức tin. Con người có tự do để chấp nhận hoặc khước từ đức tin. Nhiều người đương thời của Chúa Giêsu đã chứng kiến các phép lạ, nhưng mà họ không tin, và thậm chí có người còn nói rằng ông ta đã trừ quỷ nhờ quyền lực của tướng quỷ Bêelzebul (Mt 12,24).
Kể cả đối với người thành tâm thiện chí, việc chứng kiến phép lạ cũng chưa tất nhiên dẫn đến đức tin. Chúng ta thấy rõ điều này trong Phúc Âm Thánh Gioan. Sau khi Chúa đã phục sinh, ông Gioan ra mồ, ông thấy mộ trống, và các băng vải được xếp gọn gàng, nhưng ông chưa tin. Ông cần một ánh sáng khác nữa thì mới tin được. Một cách tương tự như vậy, ông Tôma đòi được xỏ tay vào lỗ đinh trên tay của Người thì ông mới tin. Chúa Giêsu đã chiều ý ông, nhưng sau đó Người nói thêm: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Có thể nói rằng “thấy” là "chứng kiến phép lạ”: có người thấy phép lạ nhưng chưa chắc đã tin; tuy nhiên ai không thấy phép lạ mà tin thì thật có phúc, bởi vì nói cho cùng “đức tin là một hồng ân do Chúa ban”, và thật là phúc cho chúng ta nếu chúng ta nhận được ơn trọng đại đó.
Người nào đưa ra câu hỏi có thể mang trong đầu nhiều ẩn ý. Người hỏi “Tại sao có hai kinh Tin Kính” có thể đặt vấn đề thế này: một kinh chưa đủ hay sao, mà phải làm ra hai kinh? Chúng ta chỉ có một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, thì cũng chỉ cần một kinh Tin Kính là đủ rồi.
Tuy nhiên người hỏi cũng có thể nghĩ cách khác: tại sao chỉ có hai kinh Tin Kính mà thôi, đang khi mà Kinh nguyện Thánh Thể (hoặc kinh Tạ ơn) thì có đến bốn (hay nhiều hơn nữa). Mặt khác, nếu ai đặt lên câu hỏi cách đây 100 năm về trước thì chắc là sẽ nghe câu trả lời khác với những gì mà tôi sắp nói.
Tại vì vào thế kỷ XX, cách riêng từ những năm gần họp Công Đồng Vaticano II, các học giả đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lịch sử các kinh Tin Kính, và phá đổ nhiều lưu truyền từ các thế kỷ trước đó.
Một thí dụ, bản kinh Tin Kính mà chúng ta tạm gọi là “ngắn” thường mang tên là kinh “Tin Kính các thánh tông đồ”. Người ta giải thích rằng trước khi chia tay nhau để lên đường đi giảng đạo, 12 thánh tông đồ họp nhau lại để nhất trí về nội dung kinh tin kính. Mỗi vị xướng lên một câu, và gom lại thành 12 câu, thành ra kinh Tin Kính các thánh tông đồ!
Những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy là truyền thuyết này mới được bịa ra vào thế kỷ IV, và bản văn kinh Tin Kính chỉ lưu hành bên các Giáo Hội La Tinh, chứ các Giáo Hội Đông Phương không biết đến công thức này.
Một truyền thuyết khác cũng bị phá vỡ là bản kinh Tin Kính dài là sự quảng diễn kinh Tin Kính ngắn: không phải thế, hai bản văn ra đời vào những thời gian và không gian khác nhau, chứ không có liên hệ gì với nhau cả. Để hiểu rõ hơn, các sử gia đặt lại vấn đề nguồn gốc các kinh Tin Kính: không những là đi tìm những công thức cổ xưa nhất, nhưng là đi tìm lý do vì sao Giáo Hội phải đặt ra kinh Tin Kính?
Chúng ta gọi là kinh Tin Kính, bởi vì bắt đầu bằng hai từ “tôi tin kính”, nhưng vào thời xưa, nó mang nhiều tên khác, chẳng hạn như: quy tắc đức tin (regula fidei), quy tắc chân lý (regula veritatis), biểu thức đức tin (symbolum fidei).
Những từ ngữ này muốn nói lên rằng Hội Thánh cần xác định căn cước của mình, (hay nói theo ngôn ngữ chính trị ngày nay là “cương lĩnh” của mình) qua những đạo lý căn bản phải tin, trước khi nói đến những bản văn dài hơn của các sách giáo lý. Từ ngữ thông dụng hơn cả là “biểu thức đức tin” (gọi tắt là tín biểu), vì nó biểu trưng cho căn tính của đạo Kitô, ví được như là quốc kỳ là biểu tượng cho quốc gia.
Có nhiều lý do lắm, nhưng có thể quy về ba lý do chính, nền tảng cho sự phân chia về sau của ba loại tín biểu thức.
1/ Lý do thứ nhất dành cho những người muốn gia nhập Kitô Giáo: họ phải tuyên xưng đức tin khi lãnh bí tích rửa tội; trước đó, họ đã được giáo huấn về những chân lý căn bản của đức tin. Từ đó chúng ta có các “tín biểu rửa tội”.
2/ Lý do thứ hai là giảng dạy. Đây là nhiệm vụ của các giám mục. Đã giảng thì cần phải có nội dung xác định, chứ không nói lung tung. Trên thực tế, đã có nhiều người nói lung tung, gây ra các lạc giáo. Vì thế các giám mục họp nhau lại để khẳng định đạo lý đức tin. Đây là nguồn gốc của các tín biểu công đồng.
3/ Lý do thứ ba là phụng vụ. Mỗi khi các tín hữu cử hành phụng vụ, họ cần có những công thức để chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Đây là nguồn gốc của loại tín biểu thứ ba: các vinh tụng ca.
Không phải. Kinh “tin kính các thánh tông đồ” thuộc loại thứ nhất, nghĩa là tín biểu rửa tội. Kinh Tin Kính dài hơn thuộc loại thứ hai, bởi vì là Công Đồng Constantinopolis I năm 381. Kinh Tin Kính phụng vụ đặc sắc nhất hiện nay là kinh Tạ Ơn số IV. Chúng ta hãy điểm qua mỗi loại để nêu bật các đặc tính của nó.
Đứng đầu là các tín biểu rửa tội, do người dự tòng đọc trước khi lãnh bí tích rửa tội. Mẫu cổ điển nhất là sách Traditio Apostolica (Truyền thống tông đồ) mà các học giả cho là do linh mục Hippolitus biên soạn. Nó mang dạng đối đáp giữa vị chủ sự và người tân tòng.
Nghi thức rửa tội sau Công Đồng Vatican II đã lấy lại công thức này, và chúng ta cũng có dịp lặp lại hằng năm vào đêm Vọng Phục Sinh. Cấu trúc của nó gồm ba phần. 1) Con có tin Thiên Chúa là Cha toàn năng không? 2) Con có tin Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria do quyền phép Đức Chúa Thánh Thần, đã chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô, đã chết, sau ba ngày đã sống lại từ kẻ chết, lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, và sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết không? 3) Con có tin Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh, tin xác sống lại không?
Chúng ta cũng có thể nói cách tương tự về kinh Tin Kính các thánh tông đồ: nó được phân làm ba phần, tương ứng với ba ngôi Thiên Chúa (Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, Thánh Thần thánh hóa), chứ không phải là 12 điều. Khỏi nói ai cũng đoán được, trong các thế kỷ đầu tiên, hầu như mỗi giáo hội địa phương có một tín biểu rửa tội riêng (tương tự như ngày nay mỗi giáo phận có một sách giáo lý riêng.
Khuôn mẫu thứ hai của tín biểu có thể gặp thấy nơi Kinh Tin Kính đọc trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhựt, bởi vì là tín biểu của công đồng Constanopolis họp năm 381 để khẳng định thiên tính của Chúa Thánh Thần. Đặc trưng của loại tín biểu thứ hai là bắt đầu những lời “chúng tôi tin” (ở số nhiều), bởi vì do các giám mục cùng tuyên xưng (khác với tín biểu rửa tội thì do một người dự tòng đọc “tôi tin”, ở số ít). Tín biểu các thánh tông đồ và tín biểu Công Đồng Constantinopolis ra đời trong khung cảnh bí tích rửa tội và họp công đồng, vì thế vào buổi đầu không được sử dụng trong Thánh Lễ.
Sang đến thế kỷ V, bên Đông Phương có nơi dùng tín biểu Constantinopolis vào lúc cử hành bí tích rửa tội, và cuối thế kỷ VI thì đem vào Thánh Lễ; bên Roma thì muộn hơn 5 thế kỷ. Dù sao, khi cử hành phụng vụ ta có những công thức khác, hoặc ngắn hoặc dài. Công thức ngắn là kinh Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Công thức dài là kinh Gloria (Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời) và kinh Te Deum (đọc ở cuối giờ Kinh sách), tuy rằng hai kinh này nói nhiều đến Chúa Cha và Chúa Con, nhưng chỉ dành một câu ngắn ngủi cho Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tôi nghĩ là một tín biểu phụng vụ đẹp nhất là kinh Tạ Ơn thứ IV, trong đó chúng ta gặp lại lời tuyên xưng chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Đúng thế. Xét về tín biểu rửa tội, nghi điển La Tinh đã có hai công thức rồi; một công thức hỏi thưa của Hippolitus và công thức của tín biểu các thánh tông đồ. Nhiều giáo hội bên Đông Phương có những công thức riêng.
Xét về tín biểu công đồng cũng vậy. Đừng kể những công đồng địa phương, trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta có khá nhiều công thức: công thức của Nixea, khác với Constantinopolis. Các công đồng thời Trung Cổ cũng soạn ra nhiều tín biểu, nổi tiếng là Laterano IV (1215), Lyon II (1274), Trento. Gần với chúng ta hơn là là Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa do Đức Thánh Cha Phaolô VI soạn ra vào dịp Năm Đức Tin, kỷ niệm 1900 năm hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tử vì đạo. Và tôi nghĩ rằng tất cả các kinh Tạ Ơn trong Thánh Lễ đều có thể coi như các tín biểu đức tin.
Hai kinh Tin Kính quen thuộc đã có từ lâu đời, từ thế kỷ IV, và được sử dụng trong các giáo hội bên Đông cũng như bên Tây, đặc biệt là tín biểu Constantinopolis. Vì thế có lẽ không ai dám sáng tác thêm tín biểu mới. Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sử Giáo Hội, ta thấy nhiều công đồng đã soạn ra tín biểu, không phải để đọc trong phụng vụ, nhưng là để khẳng định đức tin tông truyền trong một hoàn cảnh mới.
Như đã nói, vào năm 1968, Đức Phaolô VI đã soạn kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa. Người lấy mẫu kinh Constantinopolis và thêm vào những điều cần xác định rõ hơn sau Công Đồng Vaticano II. Có thể nói là người đã soạn một cái sườn cho sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Dù sao, chúng ta có thể nhận thấy rằng các tín biểu thời cổ nhấn mạnh đến Thiên Chúa Ba Ngôi, còn thời Trung Cổ kéo dài thêm phần bí tích, và thời cận đại thì nói nhiều đến Giáo Hội và tương quan với thế giới hiện đại. Có dư luận đồn rằng để kết thúc năm đức tin, có lẽ Đức Benedicto XVI sẽ soạn một công thức mới cho Hội Thánh ở đầu thiên niên kỷ thứ ba.