Nguyễn Phúc Lan làm tướng ít có dịp tiếp xúc với các cha nên không có cảm tình với đạo, hơn nữa tính tình đa nghi, cứng cỏi và thích tặng quà. Dưới thời Thượng Vương, giáo hội Việt Nam bắt đầu đổ máu chứng tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Vừa lên ngôi, Thượng Vương đã phải đem quân đi đánh chính người em, đang trấn thủ tại Quảng Nam, làm phản muốn cướp ngôi. Lúc ấy Cha Buzomi đang ở cửa Hàn.
Thượng Vương dẹp yên được người em nhờ ông hoàng Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Ðức Vương Thái Phi và là chú của Thượng Vương, hết lòng giúp sức. Cha Buzomi liền về Thuận Hóa để chúc mừng Thượng Vương. Ban đầu Thượng Vương tỏ ra niềm nở, nhưng chỉ bốn ngày sau đã đổi sự ân cần thành lệnh trục xuất: “Các cha dù nhiều hay ít, tất cả đều phải rời khỏi nước và không bao giờ được trở lại. Hơn nữa các cha đã xa quê hương lâu năm rồi cần phải về thăm xứ sở”.
Các cha lạy tạ Thượng Vương và lợi dụng 36 ngày còn lại để củng cố giáo đoàn. Trong những ngày này có lần Thượng Vương xem tượng Chúa chịu nạn và nói rằng các cha bắt dân chúng thờ một tên nghịch tặc bị hành hình ghê gớm và bịa đặt nhiều điều vu khống khác. Ông cũng không quên tố cáo các cha đã cấm dân chúng tôn kính các thần trong nước. Những lời của các quan cũng làm Thượng Vương ghê sợ đạo nên đã ra lệnh thiêu hủy hết những ảnh tượng đạo và bắt các cha phải rời nước ngay nếu không sẽ phải xử tử. Nhờ người Bồ Ðào Nha bỏ ra nhiều tiền mua chuộc mà ảnh tượng được trả lại để cùng với các cha lên tầu từ giã miền truyền giáo đầy quí mến.
Trong bốn năm trời, các cha hoặc lén lút hoặc đi về theo tầu buôn để liên lạc và hướng dẫn các giáo dân trong thời kỳ cấm cách. Ðặc biệt các thầy giảng và ông trùm đã tỏ ra nhiệt thành và can đảm duy trì đức tin của giáo dân, mà còn hơn thế nữa, chuẩn bị một số dự tòng chờ khi có các cha sẽ rửa tội.
Vai trò những người trí thức cũng nổi bật trong thời kỳ này. Họ đọc sách và cắt nghĩa đạo lý cho các người lương dân. Một số quan Công Giáo không dám đến các cộng đoàn tín hữu vì sợ lộ tung tích đã ngấm ngầm hoạt động giữa người lương và lính tráng. Tại Quảng Nam có hai cha hoạt động là Cha Bề Trên Joannes Maria Leria và Cha Luiz. Không biết các cha đến hồi nào, chỉ biết tháng 1-1639 các cha bị trục xuất với lệnh cấm đạo mớị
Tháng 2-1640 Cha Ðắc Lộ và Cha Albert theo tầu buôn đến Hội An lén lút hoạt động. Nhờ đút lót, cha đã có thể lên kinh đô dâng lễ vật cho Thượng Vương và cử hành tuần thánh tại nhà thờ của bà Minh Ðức Vương Thái Phi ở kinh đô và rửa tội 35 người, đồng thời viếng thăm các giáo đoàn trong tỉnh Quảng Nam. Ðến mùa gió, tầu Bồ Ðào Nha ra đi, Cha Ðắc Lộ về lại Hội An làm như sửa soạn lên tầu để đi, nhưng ban đêm cha đã lén ở lại. Bị phát giác, quan trấn Quảng Nam đã ra lệnh cho cha dù lội nước mà đi cũng phải ra khỏi nước ngay. Cha thuê thuyền để về Macao vào tháng 9-1640.
Gió mùa tháng 12 đem các tầu buôn Bồ Ðào Nha xuống Nam Việt, Cha Ðắc Lộ lại đi theo để thực hiện chương trình củng cố giáo đoàn đủ sức đương đầu với cơn bắt đạo. Tới nơi cha chứng kiến ông Nghè Bộ tịch thu đồ đạo tại nhà ông Anrê và hành hạ ông. Nhờ lễ vật quí giá, cha được phép đi thăm Phú Yên, Qui Nhơn rồi về lại Hội An. Tình thế lắng dịu, cha lại làm chuyến viếng thăm mới. Cha Mattos nhận các tỉnh phía bắc Quảng Bình, Thuận Hóa, còn Cha Ðắc Lộ trở lại các tỉnh phía Nam Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Trong 6 tháng, Cha Ðắc Lộ rửa tội 1035 người. Khi tầu rời bến thì có mình Cha Ðắc Lộ lén ở lại, nhưng ngày 12-7-1641 cha cũng buộc phải thuê thuyền đi sang Phi Luật Tân rồi về Macao.
Khi gặp tầu, cha lại trở về Nam Việt, ra sức lấy lòng ông Nghè Bộ. Rồi âm thầm cha đi thăm các tỉnh phía Nam, xa chỗ triều đình trong vòng hai năm. Cha chia các thầy thành hai đội, 5 thầy đi về phía Bắc do Thầy Inhaxiô làm trưởng đoàn, còn các thầy vùng Nam trực tiếp dưới sự điều động của cha. Tháng 9-1643 cha lại bị trục xuất lần thứ ba về Macao.
Cuối tháng 1-1644 cha trở lại Nam Việt, cùng với 10 thầy lên dinh Thượng Vương dâng lễ vật. Vẫn âm thầm, cha đi thăm các giáo dân trong các tỉnh phía Bắc. Cha Ðắc Lộ về lại phủ Thượng Vương định thuyết phục ba quan lớn trong triều, nhưng cha đã thất bại, vì các ông không muốn công khai trở thành kẻ thù của quốc gia. Khoảng tháng 7-1644, ông Nghè Bộ từ kinh về với lệnh ngầm của bà Vương Phi Tống Thị tìm bắt Thầy Inhaxio. Không bắt được Thầy Inhaxio, họ liền bắt Thầy Anrê và xử tử ngày 26-7-1644. Thầy Anrê là người tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Nam Việt. Ngay sau đó Cha Ðắc Lộ phải lên tầu mà đi. Ban đêm cha lại lén xuống để ở lại với giáo đoàn đang bị bắt bớ. Cha sai Thầy Inhaxio lên các tỉnh phía Bắc, còn chính cha dùng thuyền nhỏ đi về các tỉnh phía Nam, lấy đêm làm ngày để gặp gỡ giáo dân. Tại Qui Nhơn cha bị cướp bắt trói với các thầy nhưng rồi lại được thả. Chúa trả công bằng cách thêm cho cha ba thầy mới, nâng số các thầy lên 12, như 12 tông đồ của Chúa Kitô. Tuần thánh năm 1645, cha về lại Quảng Nam và bị bắt tại đây với 9 thầy. Cha đã bị kết án xử tử, nhưng nhờ có quan can thiệp, án của cha được đổi sang là trục xuất. Ngày 3-7-1645, cha vĩnh biệt rời Việt Nam để nhận lãnh một sứ mạng mới là vận động tòa thánh để sai giám mục sang Việt Nam và truyền chức linh mục cho các thầy giảng, để giáo hội Việt Nam có thể tự đứng vững với sự trợ giúp thiêng liêng của chính các linh mục bản xứ.
Các vị thừa sai vẫn coi giáo hội Việt Nam còn non nớt vì chưa có ai đổ máu đào ra chứng minh lòng trung thành. Thì đây máu đào của Thầy Anrê đã làm cho Cha Ðắc Lộ hết sức khâm phục, và cùng với cha bao nhiêu người khác được biết đến và khâm phục đức tin kiên cường của người Việt Nam. Hiện tại ở Macao có một nhà thờ giữ hài cốt các vị tử đạo thời kỳ này và có lưu trữ hồ sơ án phong Á Thánh cho Thầy Anrê. Sách Cha Ðắc Lộ chép về cuộc tử đạo của thầy được dịch ra tiếng Bồ Ðào Nha và xuất bản tại Macao năm 1981. Sau đây là nội dung cuộc tử đạo của thầy dưới ngòi bút điêu luyện của Cha Ðắc Lộ.
Không có tài liệu nào cho biết tên thật của thầy, chỉ được biết quê quán của thầy ở Phú Yên. Theo niên hiệu tử đạo và tuổi tác thì có lẽ thầy sinh vào năm 1625. Theo tài liệu hoạt động của Cha Ðắc Lộ chúng ta có thể suy đoán là thầy được rửa tội năm 1641 và được khấn trong bậc thầy giảng năm 1643 tại Hội An. Thầy Anrê đã được thụ huấn với Thầy Inhaxio, truởng đoàn các thầy giảng.
Ngày 25-7 vào khoảng trưa, lính đến nhà Cha Ðắc Lộ để bắt Thầy Inhaxiô theo lệnh của ông Nghè Bộ, nhưng cả hai đã xuống thuyền với ý định lên chào thăm ông, vì nghe tin ông từ kinh mới về. Thầy Anrê hôm ấy tình nguyện ở nhà để săn sóc cho một thầy khác đang ốm. Trước những hành động hung hăng phá phách của lính, Thầy Anrê điềm nhiên nói với họ: “Nếu các ông muốn bắt Thầy Inhaxiô thì vô ích, vì thầy không có ở nhà. Còn nếu muốn bắt tôi thì cứ bắt, vì tôi cũng là người Kitô và còn là thầy giảng nữa. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho Thầy Inhaxiô. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”.
Binh lính xông vào nhà giật các ảnh tượng và lôi thầy đang ốm đứng dậy. Thầy Anrê lại nhỏ nhẹ nói: “Nếu các ông quyết định lấy những ảnh đạo ấy thì cứ để tôi xếp lại cẩn thận cho, càng dễ mang theo”.
Ðồng thời thầy còn nài xin để thầy đang bị ốm được bình yên. Trong khi đó Cha Ðắc Lộ vừa đến dinh quan nghè thì được một người Bồ Ðào Nha đến báo tin việc xảy ra tại nhà. Cha liền cho lệnh các thầy trốn đi, còn cha và người Bồ Ðào Nha đó vào dinh cố thuyết phục ông nghè. Gặp cha, ông nghè sửng sốt nói ngay: “Thượng Vương rất giận ông vì ông cả gan đi khắp xứ truyền bá một thứ đạo mới làm cho người ta mất hết tinh thần đạo giáo của tổ tiên. Thượng Vương không nỡ hại ông vì ông là người ngoại quốc, nhưng ông phải rời nước ngay nếu không Thượng Vương sẽ nổi cơn thịnh nộ và phạt ông xứng tội trạng. Còn những người kia là thần dân họ phải tuân lệnh không được theo đạo ông giảng. Nếu họ còn cố chấp sẽ bị coi là phản bội và sẽ bị xử theo tội ấy”.
Cha Ðắc Lộ biện bạch: “Tôi đến xứ Nam Việt và ở lại đây chẳng vì mục đích nào khác ngoài ý muốn giữ trọn giới răn Chúa, là Ðấng mà Thượng Vương cũng như tôi và các vua chúa thế gian đều phải thờ phượng kính mến. Cho đến nay tôi vẫn rao giảng đức tin song không hề cưỡng bách ai theo. Nhưng nếu ai nhận biết sự thật mà tin theo lẽ nào tôi độc ác đến nỗi ngăn cản họ, và làm như vậy là phạm một tội ghê gớm nhất. Vả lại ngoài việc giảng đạo làm sáng danh Thiên Chuá, tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của chúa thượng và của quan lớn nữa. Nhưng không một sự vật gì ở đời này có thể làm cho tôi phản bội Thiên Chúa để làm đẹp lòng người thế gian. Về điểm này tôi chẳng sợ hình phạt, cũng chẳng sợ chết. Thượng Vương và quan lớn có thể giết tôi song không thể làm cho tôi đổi ý. Thượng Vương và quan lớn đừng khép tội các giáo hữu, hãy trách cứ mình tôi vì chính tôi giảng dậy và rửa tội cho họ”.
Tối hôm ấy cha vào tù thăm cụ già Anrê cũng mới bị bắt giam trong nhà tù tối tăm khó chịu. Người thuật lại: “Cổ ông đeo gông nặng như các tù nhân trọng tội ở nước này, nhưng ông lại coi đó là một cây kiềng danh dự. Ông không cho đó là cực nhọc mà lại lấy làm vinh hạnh. Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một Thánh Phaolô thứ hai trong ngục tù vậy”.
Cũng tối hôm ấy bọn lính giải Thầy Anrê đến trước mặt ông nghè. Thấy người thanh niên trẻ tuổi, ông sừng sộ với toán lính sao lại bắt người hiền lành như thế mà không bắt Inhaxiô. Bọn lính thưa lại: “Inhaxiô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như Inhaxiô, dọc đường vẫn còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi”.
Ông nghè lấy lời ngon ngọt dụ dỗ và hứa hẹn giúp Anrê xây dựng một tương lai sáng lạn. Nhưng gặp thái độ cương quyết và say mê đạo của thầy giảng trẻ tuổi, quan nghè phải khựng lại và tức tốc ra lệnh đóng gông thật nặng và giam chung với cụ già Anrê.
Sáng ngày 26-7, ông nghè triệu tập phiên họp các quan để ra án tử. Ngay sau khi các quan đồng lòng lên án, họ mới đưa hai tù nhân ra để nghe án. Cha Ðắc Lộ thuật lại thái độ của hai người: “Họ bước đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu, vì đó là xe chở họ về nước thiên đường”.
Bản án gồm hai phần: trước hết xử tử hai người nội trong ngày hôm đó, và thứ đến đốt các đồ đạo. Trong khi chờ đợi hành quyết, Cha Ðắc Lộ và người Bồ Ðào Nha lại vận động một lần nữa xin trả ảnh đạo lại, lấy lẽ Thượng Vương đã cho phép họ đến buôn bán và họ phải mang theo các đồ đạo để giữ đạo. Quan hứa trả đồ lễ, nhưng ảnh thì phải đốt. Tiếp đến họ xin tha mạng cho hai người vô tội, lấy lẽ chưa có người Công Giáo nào phạm lỗi với Thượng Vương, vì phép đạo dậy phải kính đấng bề trên, yêu kẻ bề dưới, nộp thuế cho vua và làm lành lánh dữ. Họ cũng nói rằng Thượng Vương sẽ không nỡ giết một cụ già 73 tuổi và một thiếu niên 19 tuổi không bao giờ trộm cắp nhưng vẫn một lòng trung thành với Thượng Vương, còn tín ngưỡng là quyền tự do riêng của mỗi người lựa chọn để lo việc cứu linh hồn mình về đời sau. Quan trả lời: “Vụ xin cho lão già đã 73 tuổi được sống với con cháu ít lâu nữa, cứ lẽ ấy thì chẳng đáng tha. Vì tôi đã hỏi lão ba bốn lần có phải là bổn đạo chăng thì lần nào lão cũng nói là bổn đạo đã lâu năm, không chịu bỏ đạo Ðức Chúa Trời và sẵn lòng chịu phạt thế nào cũng được. Lời lão già nói rất dại, vì cứng cổ thì càng dại, nhưng đã dại thì ta tha cho sống. Còn người trẻ thì không tha được vì y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm, cứ nói rằng mình là bổn đạo thờ Chúa Trời Ðất, dù cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất mạng sống nữa. Nếu như khi ấy y nói với tôi là mình nghèo khó phải đi ở với giáo sĩ để có ăn thì tôi tha. Song cả lòng thì chết”.
Một lần nữa họ cố nài nỉ, luận lý rằng cả hai người có đạo sao lại tha một người, giết một người. Cha Ðắc Lộ cũng nói: “Nếu theo đạo không phải là một tội thì thanh niên kia sao phải chết? Còn như theo đạo là có tội thì tại sao tôi không được chết như anh ta. Vậy tôi xin tuyên bố công khai là tôi có đạo, tôi giảng đạo và tôi rửa tội cho tất cả những ai theo đạo”.
Không thành công, Cha Ðắc Lộ xuống nhà tù để yên ủi và sửa soạn cho hai người lính can trường của Chúa đi lãnh triều thiên tử đạo. Ông Anrê đã mặc áo chỉnh tề mà không được vinh dự tử đạo nên rất buồn. Mọi người chạy đến ôm hôn Thầy Anrê, thầy chỉ ấp úng thưa: “Tôi là kẻ có tội, xin cầu nguyện cho tôi”.
Binh lính thấy thái độ người ngoại quốc trọng kính người sắp chết vì đạo như vậy thì rất ngạc nhiên, đồn thổi khắp cả thị trấn làm bao nhiêu người tò mò tuôn đến nhà lao. Lợi dụng cơ hội, thầy khuyên mọi người: “Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu, chúng ta hãy lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy lấy sự sống mà đáp lại sự sống”.
Với người bên lương, thầy nói với họ: “Các anh chị em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa Tể trời đất và Con một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Mọi sự chúng ta có đều do nơi Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta bắt tôi phải chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ không tin thờ Thiên Chúa. Anh chị em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Ðức Chúa Trời ban, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời”.
Thỉnh thoảng thầy lại hỏi: “Sắp đến giờ chưa, tôi đã sẵn sàng rồi mà sao người ta lại chậm thế, còn chờ gì nữa.” Thầy còn nói: “Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi xem mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi, thiên đàng, hạnh phúc dường nào, mau mau cho tôi về thiên đàng. Tại sao người ta trì hoãn lâu vậy?”
Chờ đã lâu mà mặt trời vẫn còn cao, Thầy Anrê than: “Sao mặt trời chẳng chịu lặn xuống cho chóng”.
Người ta đem thức ăn đến, thầy chỉ ăn một chút theo lời Cha Ðắc Lộ khuyên để có đủ sức ra tới pháp trường, rồi uống một ly nước và nói: “Thế là đủ! Tôi để dành bụng ăn tiệc thiêng liêng dọn trên thiên đàng”.
Từ khi có tin báo giờ đã gần, thầy thầm thĩ đọc kinh Tin, Cậy, Mến và kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Mẹ Maria luôn mãi. Tới giờ, lính đến điệu thầy ra pháp trường. Một tên lính đi đầu thỉnh thoảng rao lệnh: Vì theo đạo Bồ Ðào Nha nên phải phạt. Còn một người lính khác thì đánh thanh la. Thầy Anrê đeo gông, đi giữa đám lính cầm giáo mác sẵn sàng. Bọn lính đi rất nhanh và họ đi qua tất cả các phố lớn ở Dinh Chiêm trước khi ra cánh đồng lớn. Khi tới nơi, Cha Ðắc Lộ xin nói vài lời nâng đỡ. Thầy Anrê quì dưới đất, từ chối tấm chiếu mới mà Cha Ðắc Lộ trải ra. Lý hình tháo gông và Thầy Anrê nói lời từ biệt với mọi người: “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy trung tín với Chúa Kitô cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
Người lý hình biết nạn nhân là người tốt lành nên trước khi hành quyết cũng lâm râm cầu khẩn: “Lạy trời, nếu tôi có phạm tội vì giết người này thì xin tha cho tôi, vì tôi chỉ là người thừa hành”.
Nói rồi anh đến đằng sau lưng, đâm Thầy Anrê từ giữa hai bả vai thấu suốt ra trước ngực. Thầy quay qua chào Cha Ðắc Lộ, nhưng cha bảo thầy ngước lên trời. Thầy vẫn không ngớt kêu lên thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Người lý hình đâm thêm ba nhát, và cuối cùng một người lính khác chém đầu cho đứt hẳn. Cha Ðắc Lộ làm chứng là vẫn còn nghe thấy tên Giêsu phát ra từ cuống họng thầy. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra đàng miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết cũng còn giữ mãi thánh danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi tên cực trọng Giêsu được nữa thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Thiên Chúa.
Xác Thầy Anrê ngả xuống đất, quân lính bỏ đi, giáo dân liền đến vây quanh thấm máu và chia nhau những di tích. Riêng Cha Ðắc Lộ đã mang sẵn tấm vải mới để thấm tất cả máu từ năm vết thương chảy ra và giữ như một thuốc thơm, một linh dược chữa lành mọi bệnh. Cha Ðắc Lộ giảng một bài ngắn về ý nghĩa cái chết tử đạo và kết luận: Trước mắt người vô đạo, họ coi như đã chết... nhưng thật ra họ đang sống bình an. Giáo dân đã mang sẵn quan tài để đặt thi thể của thầy cùng với những nhánh cỏ vấy máu. Quan tài được chở về Hội An. Các thầy bạn của Thầy Anrê, không được Cha Ðắc Lộ cho phép đến chỗ xử vì sợ bị bắt, khi vừa trông thấy quan tài đã khóc oà lên và sấn lại ôm lấy. Các thầy than thở với Cha Ðắc Lộ: “Tại sao cha giữ chúng con ở nhà, không cho chúng con đến xưng đạo trước mặt quan? Bao nhiêu con cái cha đều cò thể là bấy nhiêu người tử đạo. Chúng con đều có can đảm chịu chết như Anrê. Kìa thầy ấy tự trên trời đang gọi chúng con, giơ triều thiên cho chúng con coi, khuyến khích chúng con đi theo thầy trên đường hạnh phúc”.
Tin tử đạo của Thầy Anrê đã làm phấn khởi những tín hữu sốt sắng ở Qui Nhơn. Ông trùm coi họ này là Ông Antôn Ngữ, đã vội vàng lên gặp Cha Ðắc Lộ để hỏi xem phải có thái độ nào trong hoàn cảnh tương tự. Cha khuyên ông trở về khích lệ giáo dân sẵn sàng và can đảm trong cuộc chiến cam go của đức tin. Một ít ngày sau, quan trấn thủ sai quan án đến ra lệnh tập trung tất cả những người có đạo. Nội trong một ngày có 700 người trình diện. Thay vì làm cho dân chúng khiếp sợ, chính quan và lính thấy đám đông thì bối rối, chỉ chọn lấy 36 người trói lại để giải về cho ông nghè Bộ.
Ông nghè liền hạch sách: “Các ngươi muốn gì?”
Tất cả thưa lại: “Chúng tôi muốn chết để được sống đời đời như lời Chúa Giêsu đã hứa cho những ai tin vào Người. Ðược chết vì Người là một vinh dự”.
Trong số 36 người có một ông nhà giầu, khi ra trước sân phủ đã quá sợ hãi nên chối đạo. Nhưng sự hèn nhát của ông không làm nao núng 35 người còn lại. Quan trấn không dám vượt quá thẩm quyền mình nên nói sẽ chọn ra 6 người, định đánh đòn trước mặt những người khác để làm gương nhưng không nói rõ. Tối hôm đó, mọi người xưng tội rước lễ và ai cũng tranh cho được vào số 6 người. Người thì nói mình là tín hữu lâu đời, kẻ khác lại nói mình không quan trọng cho họ đạo nên sẵn sàng chịu chết. Trong số đó có hai cha con cũng tranh nhau. Người cha nói rất tiếc phải tranh với con để không thua lòng can đảm của con mặc dù sức khỏe đã yếu kém. Người con thưa lại rằng mình không quan trọng và không phải lo cho gia đình như cha. Quan án được lệnh đến nhà giam chọn 6 người, trong đó đứng đầu là ông trùm Antôn Ngữ. Tất cả 6 người bị đóng gông mà Cha Ðắc Lộ hay gọi là thánh giá của người Nam Việt, hiên ngang theo lính ra phủ đường, 29 người khác được tự do cũng theo ra. Những người được chọn vui vẻ hớn hở vì biết rằng mình sẽ được chết vì Chúa Kitô. Nhưng tới phủ đường, quan chỉ ra lệnh đánh đòn mỗi người ít roi. Bản án quá nhẹ làm họ sửng sốt. Lính lại đánh có 4, 5 roi nhẹ càng làm cho họ buồn tiếc, mất cơ hội chịu khổ vì Chúa. Cả 6 người được thả về liền tìm đến Cha Ðắc Lộ phàn nàn. Cha đã khuyên họ rằng lòng ước muốn chịu chết vì Chúa cũng rất đáng kể, và đây mới chỉ là cuộc thử thách đầu tiên, tập luyện cho những cuộc thử thách lớn sau này mà họ sẽ có dịp minh chứng lòng trung thành trọn vẹn.
Thầy Inhaxiô sinh khoảng năm 1608 tại làng Liêm Công, Mĩ Linh, trong một gia đình ngoại đạo có 7 anh em. Cha mẹ cho Inhaxiô theo học tới nơi tới chốn nên Inhaxiô đã đỗ đạt làm quan và lập gia đình. Nhưng vợ chết sớm lúc Inhaxiô đang theo giúp ông Hoàng Nguyễn Phúc Khê, con bà Maria Minh Ðức Vương Thái Phi. Sau đó Inhaxiô thường hay đến thăm một người cậu theo đạo Công Giáo và mượn các sách đạo về xem. Khoảng năm 1643 Inhaxiô trở lại đạo và được Cha Ðắc Lộ rửa tội. Cha Ðắc Lộ viết: “Thầy Inhaxiô là người có địa vị, trước đây làm quan, có học thức uyên thâm và đạo đức nữa. Từ khi trở lại đạo và được rửa tội, thầy luôn sống bên tôi, không muốn rời lúc nào”. Ngày 31-7, thầy được chính thức nhận vào số các thầy giảng (tức là những người phải am hiểu thâm sâu đạo lý Công Giáo, có nhân đức và biết chữ nghĩa). Mặc áo thầy giảng được mọi người kính nể thì thầy lại đem bộ áo mới ấy cho một người nghèo. Thầy cắt tóc và bắt đầu hãm mình như một tập sinh. Từ khi làm thầy giảng và được cử làm trưởng đoàn, thầy không ngừng rao giảng đạo, nhất là đã chinh phục được mẹ và một người em trở lại đạo. Chính thầy đã rửa tội 252 người.
Thầy Vinxensô sinh tại Quảng Nghĩa, làng Phu Khuê. Cha mẹ thầy là Tomasô Ðề và Mađalêna Dương, nhà nghèo nhưng rất đạo đức. Vinxensô là con cả, có hai người em đều được Cha Buzomi rửa tội. Mẹ chết sớm nên cha đã tái giá. Vì nhà nghèo nên Vinxensô phải đi ở đợ, giúp việc cho các gia đình nhà giầu. Dù mới 12 tuổi Vinxensô đã có một lòng đạo đức đặc biệt, thuyết phục được một số gia đình giầu có trở lại đạo. Cha Ðắc Lộ thấy Vinxensô có nhiều đức tính nên nhận cho đi học và hai năm sau nhận vào sổ các thầy giảng.
Cả hai Thầy Inhaxiô và Vinxensô đã bị bắt cùng với một thầy giảng khác tại Qui Nhơn. Vụ bắt này là do bà Tống Thị, chị dâu của Thượng Vương, có sắc đẹp lộng lẫy nên khi chồng chết bà đã quyến rũ Thượng Vương và được tự do ra vào trong cung, xúi dục việc cấm đạo vì bà rất ghét đạo. Sự nhiệt thành giảng đạo của Thầy Inhaxiô, một vị quan trong triều ngày trước, càng làm cho bà tức giận. Bà ra lệnh cho quan trấn thủ Quảng Nam phải bắt đạo và nhất là bắt cho bằng được Thầy Inhaxiô. Tất cả bị giải về Kinh chung với đám trộm cướp. Lợi dụng cơ hội, Thầy Inhaxiô đã khuyên được ba người trở lại đạo. Trong thời gian bị giam giữ ở Kinh (Thuận Hoá) thầy vẫn tiếp tục giảng đạo và đọc kinh công khai. Có cả những ông quan nhỏ và đám lính canh đến nghe giảng đạo. Thầy rửa tội thêm được ba người nữa. Cha Ðắc Lộ được tin liền viết thư hỏi xem có cần tiền không, thì thầy trả lời là cha chỉ cần gửi nhiều ảnh đến.
Từ khi các thầy bị bắt, Thượng Vương đã hai lần sai ông cai đội Thang khuyên các thầy chối đạo, nhưng chẳng đi đến đâu. Ngày thứ 32, chính Thượng Vương đến tra hỏi các thầy: “Các ngươi có biết là bên Nhật hoàng đế đã giết hàng ngàn người theo đạo 'Hoa Lang' (Bồ Ðào Nha) không?”
Thầy Inhaxiô đáp: “Ðạo hạ thần theo không phải là đạo Bồ Ðào Nha nhưng là đạo của Chúa trời đất. Ðạo trước hết dậy thờ kính Chúa Trời, sau đến vua cai trị đất nước và cuối cùng là cha mẹ”.
Thế rồi thầy đọc luôn 10 diều răn của Ðức Chúa Trời. Thượng Vương quay qua hỏi Thầy Vinxensô tương tự như thế. Thầy Vinxensô cũng đáp: “Ðạo Ðức Chúa Trời là đạo thật, sửa sai các tội phạm, không được trộm cắp, không được giết người hay cướp vợ”.
Nghe tới đây Thượng Vương nổi giận ra lệnh chém cổ hai thầy, còn 7 thầy khác bị đánh đòn, chặt một ngón tay và cắt tóc cho trọc đầu (một hình phạt xỉ nhục thời bấy giờ).
Ðến ngày điệu đi xử, Thầy Inhaxiô, Thầy Vinxensô và các thầy khác hùng dũng ra pháp trường giữa 200 quân lính áp giải. Dân chúng đi theo rất đông để xem. Ði đầu là một người lính cầm chiêng, vừa đánh vừa loan báo tội trạng: Chúa Thượng ra lệnh hai người này phải chém đầu vì đã theo đạo “Hoa Lang”. Bất cứ ai theo đạo này sẽ phải án tử như thế. Khi tới Cho Linh, các lý hình lần lượt tháo gông các tù nhân, cắt tóc và chặt ngón tay 7 thầy kia. Trong khi đó Thầy Inhaxiô mạnh mẽ giảng đạo lần nữa trước đám đông: “Ðạo Chúa là đạo chân thật, anh chị em đừng sợ nhưng hãy vững tin”.
Trong đám đông có mẹ già Thầy Inhaxiô cũng theo ra pháp trường, Thầy Inhaxiô nói lời từ giã trong khi mẹ già đấm ngực thầm kêu tên Chúa Giêsu giúp sức cho con mình. Lý hình chém đầu Thầy Vinxensô trước, rồi đến đầu Thầy Inhaxiô. Những người chứng kiến quả quyết rằng đầu Thầy Inhaxiô rơi xuống đất rồi vẫn còn phát ra tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần nữa. Hôm ấy là ngày 22-6 Âm Lịch (15-7-1645) dưới thời Ðức Ông Thái Bảo. Thầy Inhaxiô được 37 tuổi và Thầy Vinxensô 19 tuổi.
Giáo dân ùa vào thấm máu các vị anh hùng tử đạo. Giáo dân đã chuẩn bị bốn chiếc thuyền dưới sông để đưa xác các vị đi an táng tại một nơi thích hợp. Tất cả cung kính đưa xác ra tới sông, nhưng chỉ có 29 người được xuống thuyền đến nơi an táng. Trước cảnh giáo hữu cũng như những người ngoại giáo tỏ vẻ tôn kính các vị anh hùng tử đạo, Thượng Vương giận dữ sai lính đến hai làng có đông người Công Giáo để bắt những người đang hội họp trước hài cốt các vị tử đạo. Một số đông bị đánh đập và đưa về Thuận Hóa. Ngày hôm sau các quan chỉ làm sổ trình tên ông Ðavít, một thương gia người Armenien. Thượng Vương hỏi tại sao thấm máu người bị xử tử như vậy. Ông Ðavít trả lời: “Trước hết tôi là một người Kitô hữu, không sinh ra tại Nam Việt nhưng tại Armenia, nơi người ta đã theo đạo hết. Sau nữa tôi không uống, mà chỉ thấm máu do lòng nhân đạo để đem chôn cùng với xác, và tránh khỏi bị người khác đạp chân lên hoặc bị chó ăn”. Thượng Vương ra lệnh đánh đòn rồi trả tự do.
Dù trong thời cấm cách, hai ông Augustinô và Simêon tại xã Quế Ðai vẫn hoạt động hăng say, trong khi đó tại xã có dịch làm chết trâu bò. Người lương liền làm đơn kiện lên Thượng Vương. Thượng Vương sai ông cai đội Xuyến với 50 tên lính đến bắt các người Công Giáo, trong đó ông Augustinô và Simêon đứng hàng đầu. Ðang đêm họ đến nhà hai ông bắt trói lại rồi lùng các nhà khác. Một số phải đút tiền để được tha, số khác chạy trốn vào rừng. Trong khi lính lùng bắt như vậy thì ông Alexi ra xưng mình là lính và có đạo. Trước mặt ông cai đội, Alexi vẫn một mực xưng mình là người có đạo, không chịu đạp ảnh hay làm theo những lẽ quanh co do ông cai đội đưa ra để cứu người đồng đội. Hơn nữa Alexi còn xin được đeo gông như hai cụ trùm, vì theo luật, lính có tội được miễn nhục hình đó. Tất cả 6 người bị giải về triều đình. Sáu tù nhân là các ông Augustinô Thanh Phương, Alexi Hoa Thanh, Simêon Là, Inhaxiô Cương, Paolô và Gioan. Sau ba ngày đường, họ tới dinh Thượng Vương ở Thuận Hóa. Thượng Vương bỡ ngỡ khi thấy giải đến ba người đứng đầu, trong khi lệnh chỉ bắt có hai người. Cai đội phải giải thích về trường hợp của Alexi. Thượng Vương liền quay qua hỏi Alexi trước: “Tại sao ngươi theo đạo Bồ ta đã cấm? Ngươi không biết rằng mỗi nước có thói tục riêng sao?”
Alexi thưa: “Thần không học đạo Bồ hay theo luật Bồ, nhưng là theo đạo Ðức Chúa Trời. Trong đất nước của ngài, ngài muốn giết thì giết thần xin cám ơn, nếu tha thần cũng cám ơn”.
Chúa Thượng giận quay qua hỏi ông Simêon: - “Còn ông đã già sao lại theo đạo này”
- “Tôi không biết phải thưa lại ngài như thế nào về đạo Thiên Chúa, vì tôi không có học hành”.
- “Ngươi không có học sao lại bỏ đạo cũ theo đạo mới?”
- “Dù không có học nhưng có tai tôi vẫn có thể nghe giảng về đạo Ðức Chúa Trời, tìm ra lẽ phải và tin theo”.
Sau đó Thượng Vương quay qua hỏi ông Augustinô những câu tương tự, sau cùng thì hỏi: “Ðức Chúa Trời là ai?”
- “Là Ðấng tạo dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ, cả hồn cả xác chúng ta, và vì vậy chúng ta có bổn phận phải cám ơn Người”.
Sau khi đã tra hỏi, Thượng Vương ra lệnh xử trảm ông Augustinô và Alexi, còn những người khác cắt tóc trọc đầu, đánh đòn và chặt một ngón tay. Lệnh truyền cho quan trấn Quảng Bình thi hành và phạt như thế với bất cứ ai xưng mình là người có đạo, còn các ảnh tượng phải đem đốt. Thái độ không sợ chết của họ khiến mọi người hăm hở chịu chết. Các tù nhân được dẫn về Quảng Bình. Trước hết, vợ và con mới 7 tuổi của ông Alexi chạy ra đón, vui mừng và hãnh diện. Lính ngạc nhiên hỏi Alexi: “Ông không thương vợ con đến đây hay sao?” Ông Alexi nói với con hãy vui mừng, vì ông được thăng quan trên nước Chúa, và nói với vợ đừng cắt tóc để tang ba năm như những người khác. Bốn ngày sau khi tuyên án, 6 giáo dân được dẫn ra pháp trường. Ði đầu là người lính rao lệnh: Tất cả các ngươi nên biết, ai theo đạo “Hoa Lang” sẽ phải chém. Tới nơi, lính đứng chung quanh các ông, bên ngoài có đông đảo giáo dân cũng như lương dân. Một bà tên là Inhaxia trải chiếu xuống đất để máu tử đạo không rơi xuống đất. Truớc hết lính đánh đập bốn người kia. Trong khi ấy ông Augustinô nói: “Anh chị em hãy can đảm giữ luật Chúa”.
Rồi quay qua Alexi, ông nói tiếp: “Anh chị em hãy yêu nhau, giờ này chúng tôi không sợ hãi gì vì chúng tôi đi về nước trời, chúng ta cùng nhau kêu thánh danh Giêsu và Maria trên cửa miệng và trong tim, cả hai chúng ta cùng đi”.
Hai ông bị chém, đầu bị bêu lên chiếc cọc cao. Còn cụ Simêon 62 tuổi chịu trận đòn đau đã chết 10 ngày sau. Quan phủ Quảng Bình là người kính sợ Chúa nên ra lệnh cho lính phải cột sách đạo vào cây để đốt chứ không được vất xuống đất. Hôm ấy là ngày 4-7-1646 (22-6 âm lịch), cuối đời Thượng Vương. Ông Augustinô được 42 tuổi, làm trùm họ, và ông Alexi 43 tuổi. Xác các vị anh hùng tử đạo được họ hàng đem an táng và cất giữ các vật dụng. Nhờ máu tử đạo của hai vị mà 500 người đã trở lại đạo tại Quảng Bình.