Từ khi Ðức Cha Deydier chết năm 1693, tòa thánh có dự án mới, giao địa phận Ðông Ký cho các giám mục không phải là người Pháp. Năm 1698 tòa thánh cử Cha Lezzzoli, Dòng Ða Minh người Ý, coi địa phận Ðông, nhưng mãi đến năm 1702 sắc lệnh mới đến Bắc Việt. Ðịa phận Ðông Ký có các cha Dòng Tên, Dòng Ða Minh, Dòng Augustinô, và các linh mục triều người Việt Nam. Trong thời kỳ này có nhiều tranh chấp nội bộ gây ra nhiều gương xấu, đồng thời có lệnh của Ðức Thánh Cha cấm các việc lậy người chết và để bàn thờ tổ tiên trong nhà...
Các vị thừa sai người Pháp chính thức được phép triều đình cư trú như những thương gia Pháp, nhưng đã 30 năm không có tầu buôn đến, chỉ có một lần đại sứ Lerebre đến biếu nhiều quà thôi. Các vị thừa sai phải đút lót nhiều tiền cho các quan để được yên thân ở lại trong nước, điều khiển địa phận và huấn luyện linh mục. các đấng vẫn bị coi là vô dụng.
Năm 1709 Trịnh Căn chết, để quyền lại cho cháu là Trịnh Cương, một người muốn cải tổ chính quyền và tập trung quyền hành. Vị chúa trẻ tuổi này lại không quen biết gì các cha thừa sai Pháp. Mọi người e sợ một cuộc cấm đạo mới.
Từ tháng 10 năm 1710 hội đồng phủ chúa đã bắt đầu bàn định việc trục xuất ba vị thừa sai Pháp, và ra sắc lệnh cấm đạo. Giám Mục Bourges đã già yếu, phải xin giáo dân cầu nguyện để cơn giông bão không xẩy đến.
Bắt đầu tháng 4-1712 bão tố khủng khiếp xẩy đến cho giáo hội như chưa từng có từ một thế kỷ qua, khi đạo Công Giáo được rao giảng tại đây. Nguyên nhân chính là một nhà sư có pháp danh là Cháy, một trong các cố vấn. Trong kiến nghị về việc trị nước, nhà sư Cháy đã trình bầy việc phục hưng Phật Giáo và lập lại các sắc lệnh cấm đạo Công Giáo, vì đạo này khinh bỉ các thần phật và lề luật, truyền bá khắp các địa hạt, có đông đảo người theo đến nỗi có thể nổi loạn được. Bài viết này đã làm hài lòng Trịnh Cương và mọi chi tiết được đem ra thi hành.
Ngày 27-4 có lệnh cho quan lớn ở kinh đô phải bắt các đạo trưởng. Lính đến hai nhà thờ nhưng không bắt được các cha, chỉ bắt mấy thầy và người coi đền. Ngày hôm sau Thầy Phêrô Hiệp và Pie Mi Lộc đã can đảm xưng đạo, nhất định không đánh vào ảnh tượng. Quan còn cho lính lục soát nhà các vị thừa sai ba lần nhưng không tìm ra được đồ đạo nào. Mọi vận động để ngăn chận cơn giông tố bắt đạo đều vô hiệu. Ngày 8-5 các vị thừa sai nhận được lệnh cấm đạo, và cả ba vị bị bắt giải lên kinh đô. Ðức Cha Bourges vì già yếu không thể ra hầu tòa, chỉ có Ðức Cha Phó Belot và linh mục thừa sai Guisain. các đấng mặc áo thương gia ra trả lời 14 câu hỏi của hội đồng cố vấn. Cũng trong ngày hôm ấy, lệnh cấm đạo được dán tại cửa sân triều đình.
Nội dung sắc lệnh như sau: Ðạo Hoa Lang đã lạm dụng tình hữu nghị để lừa dối những người ngu dại, dụ dỗ nhiều người khác tin theo. Người nào tin theo là làm nghịch lại đạo giáo của quốc gia, nghịch lại lương tri, và hơn nữa còn muốn xóa bỏ đạo lớn. Từ trước các vị cố vấn khôn ngoan và sáng suốt đã nghiêm cấm đạo này, nhưng các người đứng đầu đã không chịu từ bỏ lại còn tăng thêm số người theo đạo nữa. Nếu chúng ta không trừ diệt, dần dần người dân sẽ theo phái giáo này, vì chưng lòng người dễ chiều theo và sợ rằng sẽ đem đến nguy hại cho quốc gia. Vì vậy cần phải chấm dứt mọi tiến triển của đạo này và chấn chỉnh trật tự chung. Vậy các tín hữu đã theo đạo phải sửa sai lầm lỗi. Nếu ở kinh thì phải nộp sách và đồ đạo tại các phường trưởng, còn ở miền quê thì nộp cho các xã trưởng để đem đốt trước mặt mọi người. Ngoài ra các tín đồ còn phải viết tờ xuất giáo từ bỏ tà đạo và trở về đường ngay trong thời hạn một tháng. Hết thời hạn, nếu bắt được người nào còn theo đạo này hoặc tàng trữ đồ đạo thì cho phép phường trưởng, xã trưởng hay bất cứ ai được tố cáo với quan án. Sau khi đã bắt và xét xử, và nếu thấy có tội trạng thì giao nộp cho quan trấn để cắt tóc đàng sau gáy, thích 4 chữ “Học Hoa Lang Ðạo” vào mặt để làm gương cho các người khác còn mù quáng tin theo. Mỗi người bị kết án phải nộp tiền phạt là 100 quan tiền để thưởng công cho người cáo giác. Còn về phần ba đạo trưởng ở khu phố thuộc xứ Nam thì phải trục xuất về nguyên quán, không cho phép trở lại xứ này nữa. Về phần người Bồ Ðào Nha còn trốn tránh trong các xứ để giảng dậy đạo thì các quan trấn có nhiệm vụ lùng bắt và giải về triều đình để diệt trừ tà đạo này. Ðể danh chính ngôn thuận các quan phải công bố sắc lệnh này. Ban hành năm thứ 8 triều đại Vĩnh Thịnh, ngày 22-3 (27-4 Dương Lịch) và công bố ngày 16-4 (10-5 Dương Lịch).
Sắc lệnh này được gửi cho khắp các trấn, huyện, xã và các làng. So sánh với các lệnh cấm đạo trước thì sắc lệnh này thật nghiêm khắc, người bị bắt phải thích chữ vào mặt và kẻ tố giác được thưởng tiền. Tuy nhiên người ta vẫn gọi đạo Công Giáo bằng cái tên khinh bỉ là đạo Hoa Lang, đạo của người Bồ Ðào Nha chứ không gọi là Ðạo Ðức Chúa Trời như người Bắc Kỳ gọi. Các quan trấn không mấy nhiệt tâm lùng bắt, nhưng các thuộc quan hay xã trưởng vì muốn làm tiền hoặc vì ghen tức với đạo nên để quyết tâm lùng bắt. Tất cả các cha và các thầy phải ngưng việc tông đồ đi trốn lánh ở những nơi kín đáo không ai biết, kể cả người nhà. Một số cha khác xuống thuyền sống trôi dạt trên các sông, các thầy chèo thuyền bán hàng rong hoặc làm nghề bán thuốc. Lệnh cuối cùng trục xuất ba vị thừa sai là ngày 21-1-1713. Ngày 30, thuyền chở các đấng ra khơi nhưng có ý định đến Nghệ An sẽ để Ðức Cha Phó Belot và Cha Guisain lén trở vào.
Trong cuộc lùng bắt tại Kinh Ðô Thăng Long hôm 27-4-1712, có năm người bị bắt là Thầy Hiệp, Thầy Xuân, Thầy Mi Lộc và hai giáo dân. Ngày hôm sau cả năm người bị thẩm vấn lần thứ nhất. Thầy Hiệp rất thông thạo chữ Hán và sách Trung Hoa nên đã thao thao trình bầy rằng đạo lý Ðức Chúa Trời là đạo chân thật, và các bổn phận của tín hữu là trung thành với Thiên Chúa, với triều đình, và với cha mẹ. Tài hùng biện của thầy khiến nhà sư Cháy “thưởng” cho 15 dùi đập vào đầu gối. Quan án bắt thầy bỏ đạo, nhưng thầy đã thưa lại rằng đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật, thầy sẽ không bao giờ bỏ để thờ kính thần phật, vì thần phật cũng là người như hết thảy mọi người khác. Thầy lại được “thưởng” thêm 10 dùi vào đầu gối. Tiếp đến là Thầy Xuân bị tra hỏi và bắt đạp ảnh. Thầy đã can đảm chống lại tất cả những ép buộc trên. Sau cùng họ bắt thầy cầm dùi mà đánh vào ảnh tượng. Thầy lại từ chối nên phải lãnh 10 dùi vào đầu gối. Lần lượt tới phiên thầy Lộc và hai giáo dân cũng thế.
Ngày 28-5, các vị lại bị tra vấn lần thứ hai. Bắt đầu bằng những trận đòn nhừ tử. Sau đó quan lại bắt ép họ thờ lạy các thần. Từng người một can đảm thưa: “Tôi không bao giờ dám làm tội ác ấy”.
Quan lại dọa: “Nếu các ngươi không thờ lạy thần thì ta phải lấy đầu các ngươi để tế thần”.
Tất cả dõng dạc thưa: “Chúng tôi thà chết còn hơn làm điều ấy”.
Các quan quay vào nói với nhau: “Không biết bọn họ là giống người gì mà muốn chịu đòn đánh và chết hơn là đánh đập các ảnh tượng hoặc dâng hương thờ lạy các thần”.
Sư Cháy đã nài nỉ Chúa Trịnh ra lệnh chém đầu những người này làm gương. Chúa Trịnh chỉ trả lời là trong các triều đại trước chưa có giết chết người nào vì đạo cả. Lý hình lại đánh vào đầu gối và mông các đấng, sau đó cầm chân lôi đi như xác chết con vật xa hai chục bước. Có nhiều người leo lên cây hoặc mái nhà để được xem thấy cảnh tượng này. Nhiều người chảy nước mắt trong khi Sư Cháy hò hét đánh thêm.
Sau đó cả năm người bị giam tại năm nhà khác nhau cùng với những người trộm cướp. Hai thầy già bị cùm chân, nhưng ba người khác lại bị hành hạ tàn nhẫn hơn. Riêng người trẻ nhất mới có hai mươi tuổi và là bổn đạo mới, cha mẹ còn ngoại đạo hằng ngày đến dụ dỗ bỏ đạo nhưng cậu đã can đảm từ chối mọi sự giúp đỡ của cha mẹ.
Cuối tháng Giêng năm sau, ba người, Thầy Pie Mi Lộc và hai người giáo dân, lại bị đưa ra trước hội đồng để bắt ép tế thần, vì sau khi có lệnh bắt đạo, cả nước gặp cơn đói kém khủng khiếp, triều đình đã phải ra lệnh tế thần cầu an. Lần này ba vị vẫn khẳng khái quyết một lòng theo Chúa Giêsu và không chịu tế thần. Các quan trong hội đồng nhìn nhau cười như muốn nói rằng những bách hại bất công không thể tiêu diệt được niềm tin chân chính. Vào dịp cuối năm, ba vị lại bị điệu ra bắt ép như những lần trước, các đấng vẫn một mực, trước sau như một, trung thành với đức tin Công Giáo. Các quan tức giận ra bản án cho các vị phải tù chung thân.
Ngoài ra khi hay tin ba vị thừa sai bị bắt và giam tù thật khổ sở, hai thầy giảng và Cha Hợp viết thư cho giáo dân tại Giao Thủy, thuộc quyền coi sóc của các cha Ða Minh, để xin trợ giúp vì họ ở gần kinh đô. Các giáo dân ở Giao Thủy nghĩ là thư của đức cha cậy nhờ, nên họ vội vàng triệu tập giáo dân kéo về Kinh Ðô trên 15 chiếc thuyền chở đầy gạo và thực phẩm. Họ hỏi đức cha phải làm thế nào theo như thư đã gửi. Ðức Cha Bourges lo sợ nói với họ đó không phải là ý người và cần phải giải tán ngay, nếu không tất cả sẽ bị chém đầu không phải vì đạo Chúa nhưng như những người phản loạn. Nghe vậy họ lại kéo nhau về. Việc này chứng tỏ tinh thần của giáo dân rất cao độ, sẵn sàng hy sinh theo lệnh các vị chủ chăn.
Sau thời hạn một tháng để viết giấy bỏ đạo, tại những làng có đông người Công giáo thì không có ai viết giấy bỏ đạo cả, nhưng tại các làng có ít người Công Giáo thì họ viết chung một tờ nói là không theo đạo Hoa Lang như lệnh vua đã cấm mà chỉ thờ Ðức Chúa Trời. Tại những làng ngoại đạo sùng Phật thì giáo dân gặp nhiều khó khăn vì họ bắt phải đóng tiền và đến tham dự các buổi cúng tế. Những người này bị đánh đập và nộp tiền phạt rất đông, kể ra không hết. Riêng tại địa phận Ðông Ký có 304 người bị thích chữ “Học Hoa Lang Ðạo” , 11 nhà của các cha bị phá hủy, 183 nhà thờ bị rỡ đi.
Cha Giuse Phước được gọi với danh hiệu xứng đáng là bông hoa và hạt ngọc của linh mục Bắc Kỳ. Người quê tại Thanh Hóa, dâng mình trong nhà Chúa ngay từ hồi nhỏ. Người được đưa sang Siam để học và chịu chức linh mục năm 1689 lúc 29 tuổi do Ðức Cha Laneua, đại diện tòa thánh tại Siam.
Năm 1691 người trở về Bắc Kỳ làm việc trong khiêm nhường như một người tập sinh sốt sắng bổn phận, nhiệt thành tông đồ. Biết rằng đời sống linh mục lấy sức mạnh từ việc kết hợp với Chúa, Cha Phước giữ đều đặn các giờ cầu nguyện và suy ngắm, tránh những cuộc chuyện trò vô ích. Bề trên có hỏi thì người chỉ trả lời những cái cần thiết. Khi trình bầy những khó khăn thì rất chính xác, khi người ta hỏi xin gì thì người cho ngay, không hỏi han lý do. Khi có kẻ liệt, người vội vã đi ngay và dọc đàng không hỏi han hoặc nói năng để tránh lương dân. Tóm lại, người rất tự chủ, không bao giờ tỏ lộ buồn vui hay sợ hãi quá đáng. Trong thời kỳ bắt bớ, phải có lệnh riêng của đức cha người mới ngưng các việc thiêng liêng giúp bổn đạo. Người đã được giới thiệu sang tòa thánh để cử làm giám mục.
Trong những năm đầu coi sóc tỉnh Thanh Hóa, người đã trừ được nhiều quỉ và làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Chẳng hạn một người đàn bà bị quỉ ám đã 12 năm chữa chạy không khỏi, sau năm sáu lần đến với Cha Phước, bà đã được người chữa lành mạnh. Sau đó người được cử đi coi xứ tại tỉnh Nghệ An, nơi có nhiều quan kiểm soát hàng hóa nhưng người không bao giờ bị lộ tông tích. Một hôm người cất dấu bánh thánh trên mũ, các chú giúp việc hỏi người nếu họ khám xét mũ thì sao? Người mỉm cười dí dỏm trả lời: “Có thiên thần mới biết được những cái cha giấu”. Người cũng mang theo sách Nguyện luôn bên mình, nhưng giấu dưới nách áo.
Trong cuộc bách hại năm 1712, khi Cha Phước đang ở xứ Ngãi Lang thì những người lương đã tố cáo với quan. Quan cho lính đến tịch thu nhiều sách và đồ đạo, trong đó có ảnh Ðức Mẹ Mân Côi để rước kiệu, đồng thời bắt giữ nhiều giáo dân. Bốn gia đình giữ các đồ đạo phải nộp phạt 76.000 đồng. Họ bị giam mãi cho tới cuối năm và nộp phạt 15.000 đồng. Những kẻ tố cáo, người thì phải chết, người thì bị tội. Cũng trong thời kỳ này một nhà dòng Mến Thánh Giá bị thiêu rụi, nhà khác bị các quan đến phá và bắt giam một người.
Mùa Chay năm 1713, Cha Phước trở lại coi tỉnh Thanh Hóa. Năm 1714, người báo là có 12 giáo dân bị bắt, trong số đó một bà bị giam giữ vì cổ đeo tràng hạt. Bà phải nộp phạt 3.000 đồng.
Năm 1715, quan tỉnh từ Kinh Ðô trở về đến Kẻ Trấn thì có ba người lương đến tố cáo là Cha Phước đang làm lễ cho khoảng 1.000 giáo dân. Sáng hôm sau, khi quan đang ngồi ăn tại quán thấy có ba người đàn bà đi qua liền bắt vào lạy Phật ở chùa bên cạnh, nhưng các bà không chịu. Quan sai lính đến nhà thờ, chúng đến ngay phòng Cha Phước. Lúc bấy giờ người đang cầu nguyện, nhưng vì tối quá chúng không thấy nên người trốn đi được. Chúng bắt một thầy giảng đang bị đau, hai giáo dân vì cổ đeo tràng hạt, và tịch thu rất nhiều sách. Chúng còn đang muốn vào một nhà khác có nhiều đồ đạo, nhưng giáo dân khóc như là có người chết nên chúng mới thôi. Một ít lâu sau quan trả tự do cho họ. Hai người tố cáo thì bị tai nạn chết ngay. Dân chúng từ đó rất kinh sợ.
Năm 1717 theo ý Chúa định, Cha Phước bị bắt trên thuyền tại làng Kẻ Hồi, huyện Gia Viễn, tỉnh Thanh Hóa, cùng với thầy giảng và nhiều sách đạo. Ngay lúc ấy quan cho đánh đầu gối hai người và bắt mang gông cùm. Sau đó quan cho gọi dân chúng đến làm bản điều tra, và chính quan áp giải cha lên Kinh Ðô.
Ngày 21-5, cha và ba thầy giáo bị điệu ra trước hội đồng và ngày 1-6 cuộc thẩm vấn bắt đầu: “Ông ở đâu?” - “Tôi không có nơi ở nhất định. Tôi ở luôn dưới thuyền và đi dọc các con sông để cho thuốc những ai cần và dậy đạo cho những ai muốn nghe tôi”. - “Ngươi học đạo ở đâu?” - “Khi còn nhỏ tôi đã xuất ngoại sang Siam để học. Sau nhiều năm tôi trở về Bắc Kỳ”. - “Như vậy ngươi đã đi hải ngoại bao nhiêu năm và đã trở về khi nào?” - “Ðã từ lâu lắm rồi tôi không còn nhớ chắc được”. - “Ngươi thật đáng chết”.
Lúc ấy một tên ký lục thưa: “Thưa quan, linh mục này là người có nhân đức tin mạnh mẽ. Chỉ cần thấy và nghe ông ta nói là đã cảm phục. Tôn giáo này có nhiều thói hay”.
Quan lại hỏi ba thầy. Một thầy trả lời dõng dạc, hai thầy khác trả lời lí nhí nên bị đánh đầu gối. Thế rồi chúng đưa các đồ đạo ra khảo xét rồi hỏi: “Từ đâu các ngươi có những đồ trang hoàng rất sạch sẽ này?” - “Tôi nhận từ mấy người ngoại quốc mà chúa Thượng đã trục xuất cách đây 5 năm”. - “Các ngươi dùng vào việc gì?” - “Tôi dùng để ngợi khen Thiên Chúa và cầu nguyện cho thế giới, cho Bắc Kỳ, cho Hoàng Thượng, cho chúa Thượng, cho mọi gia đình được thịnh vượng”. - “Nhưng ngươi phải thiêu hủy hết theo lệnh vua đã ra”. - “Tôi là một thần dân rất vâng phục lệnh vua và chúa, nhưng không dám làm điều đó vì tôi sợ phạm đến Vua Trời Ðất”.
Quan lại đưa ảnh chuộc tội ra và hỏi: “Người treo trên đây là ai?” - “Ðó là Chúa Giêsu Kitô Ðấng Cứu Thế từ trời xuống để chuộc tội cho thiên hạ”. - “Ngươi phải dầy đạp dưới chân hoặc lấy vồ mà đập”. - “Tôi không dám phạm tội ghê gớm ấy”.
Họ đe đánh người thì người nói thà chịu khổ còn hơn làm việc tội ác. Cả ba người giúp việc cũng bị tra khảo và cũng theo gương cha đã không làm việc tội ác. Một án quan nói: “Thật vô ích với bọn này, chúng thà chịu cắt làm trăm miếng còn hơn làm việc quan ra lệnh. Hãy xem đó, trong tù còn nhiều người như thế bị án giam suốt đời”.
Lần này họ kết án Cha Phước phải mang gông gấp đôi và giam tại ngục thất, còn đồ đạo thì bỏ vào một hòm buộc chặt lại. Viên cai ngục thấy cha Phước thì mến và cho người giam riêng tại nhà mình và để giáo dân đến tự do. Cha Phước viết thư xin đức cha năng ban bí tích cho giáo dân Kẻ Chợ. Cha còn được phép đi xa để làm việc tông đồ và luôn có một tên lính đi kèm.
Cuối năm 1717, vụ án Cha Phước được đem ra bàn lại. Một vài quan cố vấn đề nghị trả Cha Phước về nguyên quán, nơi bị bắt, sau khi nộp phí tổn nhà tù và khắc chữ lên trán. Khi viên cai ngục nói là Cha Phước không thiếu thứ gì mà giáo dân không mang đến, quan liền nổi giận ra lệnh bắt những giáo dân thường lui tới. Họ chỉ bắt được một cậu bé. Trong khi bàn luận thì bà mẹ của Chúa Trịnh, nghe theo lời của ông sư ghét đạo, yêu cầu xử tử Cha Phước. Trịnh Cương trả lời rằng vua cha không giết ai theo đạo này và mình cũng không muốn. Một quan khác lại đề nghị xử tử làm gương hầu có thể hủy diệt đạo này. Chúa Trịnh chỉ ra án cho người phải tù chung thân.
Thế là Cha Phước được đưa sang nhà tù Ngục Ðông, nơi giam những người phải tù suốt đời. Trong đó hiện có ba người tín hữu bị giam từ cuộc bắt đạo năm 1712. Trong số đó có Thầy Pie Mi Lộc, rất giỏi làm thuốc, được quan cho phép làm một nhà riêng trong khu giam. Tại đây Cha Phước có thể dâng lễ. Người còn có thể bí mật đi ra ngoài để dâng lễ và giải tội cho giáo dân.
Năm 1720 có một người Công Giáo, tên là Văn Sao, giảng đạo sai lầm tại Kinh Ðô, Cha Phước đã cấm giáo dân nghe.
Năm 1721, một trong anh em của Chúa Trịnh ốm nặng cho mời Cha Phước đến để học đạo và xin rửa tội. Sau ba ngày ông khỏi bệnh và nhà của ông biến thành nhà hội họp của giáo dân. Cũng năm ấy lại có một cuộc bách hại dữ tợn hơn và Cha Phước bị giam ngặt mất 6 tháng. Trong tù cũng có một nhà sư được một bà hoàng hứa trả tự do, nếu ông lấy được mấy đồ lễ của Cha Phước. Lính gác hay được nên cấm cha làm lễ và ra ngoài. Chính trong nhà tù lại là nơi tự do cho giáo dân được gặp cha. Có khi vì sợ để ở nhà, họ đã mang các sách vào tù gởi Cha Phước giữ. Nhờ thế mà tại Kẻ Chợ có cha chăm sóc cho giáo dân. Năm 1723 khi Cha Bucharelli và 9 người giáo dân bị xử chém, Cha Phước và hai bạn tù cũng tưởng mình được chung số phận nên đã dọn mình sẵn sàng. Nhưng ý Chúa lại khác, thầy già Pie Mi Lộc chết trong tù ngày 4-5-1726, thọ 71 tuổi.
Năm 1732, lần cuối cùng Cha Phước được ra ngoài làm lễ. Sau lễ, cha phải nghỉ vì mệt, các người nhà tranh luận với nhau, người thì muốn để cha nghỉ, người khác muốn đưa cha về nhà giam ngay. Thấy vậy cha nói với họ: “Các thiên thần không có tranh luận với nhau.” Về lại nhà giam cha mệt và ngã bệnh. Ðức Cha Neez ban đêm đã đến ban các bí tích sau cùng. Người trút hơi thở cuối cùng ngày 10-2-1732. Dân chúng tuốn đến nhà giam hôn kính chân tay và xiềng xích của người suốt một ngày rưỡi. Sau khi quan đã giám xét, xác cha được trao cho giáo dân. Ðức Cha Neez chủ sự lễ an táng. Ðức Cha Hilaire, coi địa phận Ðông Ký, ca ngợi người như sau: “Thay vì cầu nguyện cho cha, chúng ta xin người cầu nguyện cho, khi chúng ta trông vào gương sáng anh hùng của người”.
Năm 1720 có một học sinh của các cha Dòng Ða Minh tại Lục Thủy tên là Văn Sao loạn trí nên bị loại khỏi trường, liền đi rao giảng một thứ đạo hỗn hợp và xúi dân chúng nổi loạn, có khi tự xưng mình là vua xứ Bắc Kỳ. Anh ta bị bắt cùng với 150 người. Trong bản điều tra anh tố giác ba cha Dòng Ða Minh người Tây Ban Nha là lãnh tụ phản loạn và bốn trụ sở là sào huyệt. Các cha phải ẩn trốn khắp nơi. Người thì trong hầm thóc, người khác tại mộ ngoài nghĩa trang. Tháng 8-1721 nhân dịp lễ an táng Ðức Cha Thập tại Trung Linh, có năm cha Dòng Ða Minh và 3.000 giáo dân tham dự, người ngoại đã tố cáo với quan. Quan sai lính đến khám xét nhưng mọi người đã giải tán. Ngày 21-9-1721 tại Kẻ Sặt một làng Công giáo có bốn trụ sở của các cha thừa sai cũng bị lính đến lùng bắt vì có người đàn bà xấu nết bị từ chối các bí tích đi cáo giác với quan. Sau cùng, cuối năm có lệnh bắt đạo mới.
Nguyên nhân của những cuộc bách hại lần này cũng vì nhà Sư Cháy, bấy giờ là chủ tịch hội đồng cố vấn. Nội dung sắc lệnh mới như sau: “Các quan án và 5 quan hội đồng cố vấn truyền lệnh cho các trấn thủ: Ðạo Hoa Lang đã làm xáo trộn thế giới và lừa dối thần dân. Các năm trước đã ra lệnh rất nghiêm ngặt, trục xuất đạo trưởng, tháo gỡ các nhà thờ và thiêu hủy ảnh tượng với mục đích trừ diệt tận gốc rễ sự dữ này ra khỏi lòng người dân. Thế nhưng thói tục mù quáng này chưa trừ được hết, vẫn còn đạo trưởng lén lút trong nước, đi khắp các tỉnh dựng nhà hội họp giảng đạo. Vì vậy cần phải tìm mọi cách loại trừ bằng được đạo giáo nguy hiểm này. Các trấn thủ phải sai lính đi lùng các huyện và làng xem đâu có nhà hội thì phải kê khai rõ ràng, tên gia đình chứa chấp, đoạn bắt trói giải về kinh đô. Các trấn thủ cũng phải lùng xem có những người nào theo đạo này hoặc nghe biết nơi nào khác có nhà hội họp giảng đạo, đồ đạo tàng trữ thì phải viết giấy tâu về kinh. Nếu lời khai là đúng với sự thật sẽ được trọng thưởng những đồ vật và ruộng vườn của người bị tố giác... Bảo Thái năm thứ hai ngày 19-10 (8-12-1721 Dương Lịch)”. Một lệnh thứ hai nhắc nhở các quan được gửi đi ngày 31-5-1722.
Lần bách đạo năm 1722 nhắm vào địa phận Ðông Ký thuộc các cha Dòng Ða Minh. các đấng trốn tại Kẻ Rèm và Kẻ Hẹ đều bị phát giác, phải bỏ xuống thuyền chài cho dễ ẩn trốn. Quan quân lùng xét thuyền chài thì các đấng lại lên bờ. Họ khám xét một gia đình Công Giáo bắt được đồ lễ thì biết có đạo trưởng lén lút. Quan quân lùng bắt dữ tợn quá khiến thầy già Lễ, giúp việc Cha Sabuquillo, lo ngại cho các cha liền ra nộp mình trước mặt quan vào tháng 1-1722. Thầy tự nhận các đồ lễ là của thầy và xin trả tự do cho người giáo dân. Quan lấy làm lạ hỏi thầy: “Ông có phải là thầy giảng không?”
Người đã nhận ngay. Quan lại hỏi người đã giảng dậy những gì, thầy già Lễ thưa: - “Tôi giảng dậy những giới răn của Thiên Chúa”.
Rồi người đọc to tiếng cho các quan nghe. Quan lại hỏi người có vâng lệnh Vua cấm đạo không thì thầy trả lời: “Bẩm quan, tôi thà chết cùng mất mọi sự, chẳng thà chối đạo đã giữ từ khi còn nhỏ”.
Nghe vậy quan cho lệnh đóng gông và giam thầy trong tù. Trong tù thầy vẫn tiếp tục khuyên bảo những người khác. Vì đã 70 tuổi, thầy già Lễ không chịu nổi những hành hạ khổ sở trong tù nên đã chết rũ ngày 28-1-1722.
Bắt được thầy già Lễ các quan vẫn chưa hài lòng vì chưa bắt được đạo trưởng. Kẻ Sặt bị lùng bắt cả thảy bốn lần, nhà thờ bị phá hủy và sáu giáo dân bị bắt giữ. Tại Cao Mại cũng có bốn giáo dân bị bắt trong khi quan quân lùng bắt Cha Chavez. Tại Nghệ An, một giáo dân tên là Thađêo Thọ, trước có ở nhà thầy, vì quá nhiệt thành đã vào đền Khổng Tử lật đổ các tượng và vất dưới đất liền bị bắt. Trước mặt quan người đã mạnh bạo thưa rằng: “Tôi chỉ thờ lạy một Chúa chân thật và chê ghét mọi thần tượng khác bởi vì họ cũng là người được tạo dựng nên”.
Ít tháng sau các tù nhân Công Giáo được mang ra trước các quan án để chọn lựa, hoặc chết vì trung thành với đức tin hoặc đạp ảnh để được sống. Trước những dụng cụ hành hình và điệu bộ dữ dằn của lý hình, nhiều người tỏ dấu nao núng. Thấy vậy một vị bô lão tên là Luca Thu, người Kẻ Sặt, đã lên tiếng thay cho các người khác: “Ảnh chuộc tội này là hình Con Thiên Chúa đã thương làm người trần để cứu chuộc muôn dân. Dù với bất cứ giá nào tôi không bao giờ chịu đạp dưới chân ảnh Thánh này”.
Nói rồi người cầm tượng Chúa chuộc tội lên hôn kính và than thở: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa tôi. Các vị lòng đã chai cứng, các vị biết tâm tình của tôi nhưng chưa đủ, tôi muốn tỏ cho những người khủng bố tinh thần tôi bằng những cực hình ghê sợ biết rằng những thứ đó và ngay cả cái chết dữ tợn nhất cũng không thể lay chuyển được lòng tôi”.
Quan còn dọa rằng nói như vậy là khinh dể các lệnh vua, đáng tội chết. Ông Luca Thu nhún nhường trả lời: - “Tôi không bao giờ khinh thường luật lệ của xứ sở, nhưng trên trời còn có một vị Vua xứng đáng tôi kính thờ trên hết. Khi tuân giữ các giới luật của Người tôi dám chắc mình sẽ được một chỗ hạnh phúc đời đời bên cạnh Người. Các vị có tự do để cất mạng sống tôi, nhưng tôi xin các vị viết bản án cho rõ ràng vì lý do gì đã kết án tôi. Xin hãy nói cho tôi biết tôi đã phạm tội gì, đã vi phạm luật lệ nào? Các vị có lẽ kết án tôi vì tôi đã theo đạo Kitô và tuân giữ các giới luật khôn ngoan của đạo này? Xin các vị biết cho rằng không có luật lệ nào của loài người có thể được phép cấm cản như thế. Các lệnh truyền cấm đạo chỉ là xúc phạm đến Thiên Chúa và đáng khinh chê”.
Những lời khẳng khái trên đã làm tăng thêm những cực hình và kìm kẹp chân tay. Trên đường trở về nhà tù, thoáng trông thấy vợ, người đã bảo hãy nấu cho người bát cháo để chịu cực tiếp vì đó mới chỉ là trận đòn thứ nhất. Người bị tra tấn lần thứ hai rồi bị giam luôn trong tù hai năm cho tới ngày được chém đầu.
Lòng dũng cảm của Luca Thu đã khiến các quan chùn bước không tra tấn thêm các bạn tù. Vào cuối tháng 9-1722 có 2 cha Dòng Tên là J. B. Messari và Francoise Marie Bucharelli cùng với 3 thầy là Ambrosio Ðào, Emmanuel Ðiền và Philipphe Mi bị bắt tại La Phù, Quảng Yên ở gần biên giới Trung Hoa. các đấng bị xích chân tay và giải về kinh đô. các đấng còn phải ngồi trong cũi hẹp, bị điệu đi chân không khắp thành phố để cho dân chúng nhạo cười và sau cùng phải phơi nắng lâu giờ. Thấy đám đông, các đấng nhân cơ hội giảng dậy đạo thánh Ðức Chúa Trời cho họ. Các quan thấy vậy lại thôi không phơi các đấng ngoài phố nữa nhưng giam trong ngục thất. Trong phiên bàn luận về án xử các đấng, quan chánh án đã nói: “Thưa quí vị, sắc lệnh của Hoàng Thượng chống lại đạo Kitô đã gây ra nhiều thiệt hại cho xứ sở, trở nên cớ cho nhiều cuộc bạo động đàn áp người dân lành, trẻ con cũng như người lớn. Tôi biết rõ các người Công Giáo, càng hành hạ thì họ càng can đảm. Họ có tinh thần ôn hòa, nhân từ với kẻ thù và đóng thuế phân minh. Chúng ta còn mong gì hơn nữa?”
Một viên tướng, con rể của Chúa Trịnh, cũng bàn vào: “Tôi không thể im lặng, tình trạng hỗn loạn làm cản trở việc thâu thuế. Vì hoảng sợ dân chúng chạy trốn. Quang cảnh người già, đàn bà và trẻ con chạy trốn thật buồn thảm. Người thì đào hầm trốn tránh như là chôn sống, người khác thì vào trong rừng núi giữa muôn thú. Họ bỏ lại các tài sản khó nhọc làm ra và sẵn sàng chịu chết đói chết khổ. Trong nhà giam thì đầy rẫy những người tín hữu. Việc buôn bán càng ngày càng ế ẩm. Xin quí vị hãy động lòng trắc ẩn nghĩ đến những người khốn cùng đó. Một lời của quí vị có thể ngừng những bất công, đem lại bình an cho xóm làng. Những người Kitô đang bị lùng bắt là những người lương thiện không chê trách họ được điều gì. Họ trung thành với vua, nhiệt thành với việc phu dịch và đóng góp nhà nước rất chu đáo”.
Mọi người cũng thấy các lý lẽ nêu ra là phải nhưng không ai dám làm gì đảo ngược lại lệnh đã có sẵn. Trong cảnh giam tù 6 tháng với những hình khổ, cơn bệnh và thiếu ăn uống, Cha Messari đã chết rũ ngày 15-6-1723 để đi vào vinh quang Thiên Quốc. Thấy vậy các quan sợ phải khiển trách, đã cho mời y sĩ đến chăm sóc cho các tù nhân để chờ ngày hành quyết. Xác Cha Messari được chôn cất tử tế. Bẩy tháng sau khi cải táng, cánh tay phải của người vẫn còn nguyên vẹn, còn các phần thân thể khác đã tàn rữa.
Một năm sau ngày bị bắt, Cha Bucharelli và các tín hữu trong tù được đem ra trước tòa án hôm 11-10-1723 để nghe đọc bản án tử hình. Một viên ký lục quay về phía Cha Bucharelli đọc to bản án như sau: “Hoàng Thượng nhân từ chỉ ân xá cho những người nào là con một được chuộc bằng tiền. Ngươi là người ngoại quốc đã dám rao giảng đạo Kitô bị nghiêm cấm thì phải chém đầu”.
Cha Bucharelli vui vẻ nói: “Ngợi khen Chúa”.
Quay sang Thađêo Thọ, viên ký lục đọc bản án: “Ngươi cũng phải chịu chung một cực hình vì là môn đệ ngoại nhân và theo đạo Kitô, đầu ngươi phải treo trên cọc ba ngày nơi công cộng”.
Các tín hữu khác cũng bị án như vậy vì theo đạo Kitô. Một số tù nhân trộm cướp giết người cũng bị kết án và xử cùng ngày. Một số đông giáo dân khác bị kết án phải coi chuồng voi. Sau đó những người vào sổ được chuộc tiền và coi chuồng voi được đưa trở về nhà tù.
Cha Bucharelli dẫn đầu cùng với chín người khác đi đến pháp trường, miệng không ngớt ca hát ngợi khen Thiên Chúa. Thỉnh thoảng cha ngắt ra khuyên bảo các giáo dân: “Chỉ còn ít giờ nữa chúng ta sẽ được tự do thoát khỏi đời sống dưới trần thế khổ cực này, Thiên Chúa sẽ dắt đưa chúng ta lên trời”.
Với giáo dân đi theo, cha nói: “Can đảm lên chúng con, can đảm lên các anh em. Ðừng có nghĩ đến cực hình thoáng trong một lúc, hãy ngước mắt và lòng trí lên trời, nơi ở vĩnh viễn mà chỉ một chút nữa chúng ta sẽ được bước vào”.
Ðoàn anh hùng vẫn tiếp tục bước đi vui vẻ giữa tiếng kêu của xích xiềng và tiếng kinh cầu, làm bỡ ngỡ những lý hình và lương dân. Tới Ðồng Mơ, nơi hành hình, Cha Bucharelli quì xuống đất cất lời cầu nguyện sốt sắng, các người khác cũng làm theo. Hai tay đưa ra sau, nghển cổ lên cho lý hình làm việc bổn phận. Từng cái đầu một rơi xuống, máu nóng tuôn chảy chan hòa tưới trên mảnh đất. Trời tối xụp lại. Các lý hình vội vã đi về để giáo dân tự do thấm máu và tôn kính thi hài các anh hùng tử đạo. Những người lương dân chứng kiến cảnh tượng nói với nhau: “Ðạo Công Giáo là một đạo thánh và không sớm thì muộn Trời sẽ báo oán cho những người thánh này”.
Giáo dân đem xác các đấng về an táng chung một chỗ, ngoại trừ xác Phanxicô Kam được cha mẹ đem về táng ở Kẻ Sặt. Các vị tử đạo người Việt Nam là bốn thầy giảng: Phêrô Triệu, Ambrosio Ðào, Emmanuele Ðiền và Philp Mi, và năm giáo dân: Luca Thu, Luca Mai, Thadeo Thọ, Phaolô Noi và Phanxicô Kam.
Bản tường thuật của Cha Chavez còn thêm chi tiết về Phanxicô Kam như sau: Người bị bắt ở Kẻ Sặt. Ban đầu vì yếu đuối đã bước qua ảnh thánh giá. Sau khi hối hận và xưng tội, Phanxicô lấy lại sức mạnh đã đến trước mặt các quan xưng đạo: “Chỉ có luật Chúa Kitô là chí thánh và đạo Người là chân thật. Tôi sẵn sàng đổ máu ra để chuộc lại lỗi lầm và tuyên xưng đạo Chúa vượt trên các đạo khác”.
Tức thì quan cho lệnh đánh người. Một người giáo dân khác tên là Emmanuel đã bỏ tiền ra chuộc tự do cho mình cũng xin được trả tiền chuộc tự do cho Phanxicô Kam nữa. Nhưng đề nghị không được người chấp thuận, Emmanuel lại nói: “Vậy này bạn, hãy can đảm và tuân theo thánh ý Chúa”.
Phanxicô nói là người sẵn sàng chịu chết, chỉ xin Emmanuel lo lắng vợ con thay mình. Nói rồi người vững mạnh bước đi đến pháp trường. Trên đường người thấy vợ khóc lóc trong đám đông thì nói: “Nếu đến đây chỉ để khóc thì uổng công, về đi là hơn. Ta không muốn thấy mặt nữa”.
Bà can đảm thưa lại chồng: “Anh trông thấy nỗi thống khổ của tôi thì phải hiểu chứ, nhưng hãy tin chắc rằng nếu tôi khóc thương chồng không phải than trách số phận. Tôi công khai tuyên bố rằng, chết vì đạo Kitô không phải là một bất hạnh. Ðạo Chúa Trời buộc tất cả mọi người hãy yêu kẻ thù, phan phát áo quần cho những người không có, cho kẻ đói ăn. Chết vì luật thánh như vậy không phải là điều xấu hổ, nhưng là một phần thưởng huy hoàng...” Vừa nói đến đây lý hình đã lôi Phanxicô ra chém đầu.