Từ năm 1789, Nguyễn Ánh chiếm trọn Gia Ðịnh, thu hẹp vương quốc của vua Thái Ðức. Trong khi đó chiến tranh lâu dài đã làm cho vua Quang Trung chết sớm vào tháng 9-1792, và vua Thái Ðức chết vào tháng 12-1793. Sau đó quyền bính được tập trung vào tay vua Cảnh Thịnh, và cậu là Bùi Ðắc Tuyên làm phụ chính.
Bùi Ðắc Tuyên là một nhà sư trụ trì tại chùa Thiền Lâm, nổi tiếng người ghét đạo Công Giáo. Khi lên làm phụ chính ông đã sai Ngô Văn Sở, cũng là một người ghét đạo Công Giáo, thay thế Vũ Văn Dũng làm khâm sai Bắc Việt. Ngày 7-1-1795, Thái sư Bùi Ðắc Tuyên nhân danh Vua Cảnh Thịnh ra hai sắc lệnh chấn chỉnh việc thờ Khổng Tử và các thần phật, đồng thời ngăn cấm đạo Công Giáo.
Nội dung sắc lệnh như sau: Chúng tôi được biết trong những thế kỷ trước đây các quan cai trị các tỉnh thường bảo vệ lẽ phải và sự thật, tiểu trừ những dối trá. Vì thế mà đạo Khổng, vốn dậy dân chúng gớm ghét tật xấu và tu luyện nhân đức, được phồn thịnh trong các triều đại trước. Thế nhưng từ khi các người Tây Phương đến lén lút truyền bá đạo của họ thì chúng tôi rất tiếc thấy đạo Khổng bị yếu kém đi, gần như bị bỏ phế, vì những bài thuyết giáo của người ngoại quốc đã thu hút dân chúng theo đạo họ đến nỗi gần như không còn quyền lực nào cấm cản được nữa. Nhận thấy lòng người bị mê hoặc vì tà đạo, chúng tôi quyết định chấn chỉnh đạo thật của tổ tiên và các vua, hủy diệt đạo ngoại lai này để nhân dân biết phân biệt con đường ngay đạo hạnh với đường gian tà. Hơn nữa, chúng tôi, một số đông các vị nho học vốn sùng bái Khổng Giáo nay phải bỏ phế văn miếu trốn tránh trên rừng. Vì thế chúng tôi lo lắng cho việc thờ kính Khổng Tử và quyết định phát triển. Lẽ nào chúng ta lại để cho đạo ngoại lai thắng thế. Ðây là đường lối chúng tôi sẽ hành động. Chúng tôi gửi các sĩ quan đã được chọn lựa kỹ lưỡng phối hợp với quan sở tại Bắc Việt để chiêu mộ các người đỗ đạt, các người có học và các nhà sư thông thái về Kinh Ðô giúp chúng tôi chấn chỉnh đạo lý Khổng Tử. Người nào đã học thông Ngũ Thư sẽ được tham chính với văn bằng Tiến Sĩ, người chưa học hết sách thì sung vào cấp thấp hơn và được miễn các thuế khóa, được miễn quân dịch ít nhất trong thời hạn 3-6 năm, để có thể học hỏi và có khả năng đóng góp vào việc phục hưng đạo giáo. Còn những người đã thành tài, chúng tôi khuyến khích mở trường dậy chữ dưới sự chỉ dẫn của chúng tôị Những người thông thạo khoa học và nhiều tài khéo cũng phải mở trường và biết rằng chúng tôi tôn trọng họ.
Một sắc lệnh thứ hai liên quan đến đạo Phật và các thần. Sắc lệnh ký ngày 24-1-1795. Nội dung như sau: Lệnh của vua truyền cho trăm họ được biết về đạo thờ các thần phật đã được bành trướng khắp nơi. Các thần lành có nhiều uy thế và ban sự sống cho thế giới bằng những lời nói thu hút và những giáo huấn dịu dàng. Ðạo Phật từ bi và thương xót chúng sinh, đầy quyền năng hằng cứu giúp ngàn vạn con người khỏi khổ đau trong địa ngục. Cứ thế mà niềm tin, lòng mộ mến thần Phật được tăng tiến trong dân chúng từ nhiều thế kỷ qua. Nhưng ít lâu nay các thần phật bị chế diễu. Mặc dù nhiều người thông thái hay ngu dốt chẳng biết gì đã đem các thần ra làm trò cười, lòng tôn kính các thần vẫn không giảm sút. Nhưng đạo phải được phát triển hơn nữa đối với những người biết suy nghĩ. Thật là đúng khi tin rằng đạo và các thần thánh là những mầu nhiệm và cao cả. Chúng tôi chỉ chê trách số đông các sư sãi theo đạo và phục vụ chùa miếu để trốn tránh việc nước, ham hố nhàn tản và lễ cúng do dân chúng mang tới cúng các thần. Càng có nhiều chùa với những nhà sư lừa bịp gian dối thì càng nhiều nhà sư chân chính có bản lãnh truyền đạo muốn bỏ lên rừng. Vì thế mà nơi chùa miếu có nhiều sư không biết gì về đạo cả. Trong nước và tại các làng có nhiều chùa nhưng không có cái nào xứng danh cả và vì thế làm suy giảm đạo thần. Vậy chúng tôi ra lệnh mở nhiều lớp thi để chọn thầy dậy đạo Nho. Ðạo thờ thần cũng là một đạo tốt, dậy làm lành lánh dữ. Chúng tôi ra lệnh mỗi vùng có từ 200 làng trở lên được xây một chùa lớn. Chúng tôi cũng ra lệnh triệt hạ tất cả các nhà thờ Công Giáo. Vấn đề ở xa hay gần nơi thờ tự không quan trọng. Ai có lòng tin, trái tim ngay chính, siêng năng cầu kinh hoặc dâng lễ cúng thì làm tại nhà hội làng. Tất cả các tượng thần trong nhà hay miếu nhỏ phải tịch thu đem về chùa lớn để thờ kính chung. Các thần thiêng liêng xem thấy và biết tỏ những người thành tín và họ sẽ được nhận lời. Lẽ tự nhiên là càng có ít chùa thì người ta càng thêm sốt sắng và lời nguyện càng được chấp nhận. Vì vậy không còn một chùa riêng nào nữa. Thứ nhất để đạo của các thần không bị khinh chê, thứ hai để giảm bớt số các sư sãi tu chùa. Ðạo thiêng liêng có sức mạnh tự nó há cần phải có nhiều người phục dịch vụ? Các sư sãi hãy chọn một số ít người chân thực, thành tín, chay trường và nhiệt tâm dâng hương bốn mùa để dân chúng lui tới cầu khẩn những sự cần thiết. Ước gì đạo lành lấy lại được uy thế thời xưa và nhân dân được giải thoát nơi cuộc sống viễn mãn.
Hai lệnh trên được công bố tại Bắc Việt ngày 26-2-1795 kèm theo lệnh mật của khâm sai Ngô Văn Sở. Nội dung như sau: Mật lệnh cho các quan văn võ. Ðã nhiều thế kỷ đạo Công Giáo truyền bá lầm lạc và lạm dụng dân chúng trong nước đến nỗi cả các người học thức cũng tin theo. Bởi vì chúng hành động điên khùng và bí mật như các tướng cướp... muốn chiếm đất nước những năm trước đây. Cho tới nay chúng ta chưa ý thức lưu tâm cho đủ. Vì vậy chúng tôi cấm tôn giáo nói trên để duy trì bình an. Tất cả các quan tại các huyện phải lùng bắt tất cả những nơi thờ phượng của đạo bị nghiêm cấm này, đem nộp tất cả các đồ đạo, vật dụng nhà cửa để làm nhà trại cho lính. Nếu nơi nào cần thêm người để thi hành lệnh này thì xin với quan trấn làm sao không cho ai trốn thoát được. Ðây là việc trọng đại cần phải cẩn mật. Quan nào bất tuân sẽ bị coi là phạm tội tầy trời.
Lệnh trên nhắm đến Bắc Việt nhiều hơn. Trong thời chiến, quân Tây Sơn cũng chẳng trọng gì các chùa miếu và vì thế nhiều chùa bị phá phách trong khi đạo Công Giáo lại được tự do tổ chức lễ lạy có qui củ. Các quan rất kính nể các cộng đồng họ đạo Công Giáo. Vì thế khi có lệnh, các quan đã thông báo cho các cha trốn đi và kịp biến các nhà thờ thành nhà ở. Suốt trong ba tháng nhiều nơi bị lính do thám dòm ngó nhưng không bắt được cha nào. Phần đông các vị thừa sai lên rừng hoặc xuống biển, vì đó là hai nơi có thể di chuyển và lẩn tránh mau lẹ. Chỉ có Thừa Sai La Mothe lẩn trốn gần Hà Nội để xem xét tình hình và hướng dẫn giáo dân.
Có một quan chức nhỏ Công Giáo hầu cận khâm sai, thấy việc triệt hạ nhà thờ dữ dội quá đã mạnh bạo nói với khâm sai giảm bớt lệnh lại. Quan lớn giận giữ hỏi ngay: -“Vậy ngươi cũng là Công Giáo?” - “Vâng.” - “Vậy ngươi phải chối đạo ngay.” - “Tôi không thể làm điều ấy. Ðó là đạo của cha mẹ tôi, đạo duy nhất chân thật.” - “Ta cho ngươi tới ngày mai để suy nghĩ và chối đạo nếu không ta sẽ lấy đầu ngươi ngay tại giữa sân triều”. - “Xin hãy giết tôi ngay đi, tôi sẽ không bao giờ chối đạo đâu”.
Quan lớn thấy vậy thì dùng lời ngon ngọt dụ dỗ, bảo đọc kinh và cắt nghĩa các điều răn cho ông nghe. Sau đó ông nói: “Ðạo này tốt, ta chưa có biết. Ngươi có biết đạo trưởng Âu Châu nào không?” - “Thưa tôi có biết hai cha”. Vì không kịp suy ông lỡ lời khai như thế, quan lớn ra lệnh bằng giấy mực bắt ông đi tìm dẫn về kinh đô, không phải để làm khổ hai cha nhưng để cử một người làm sứ giả còn người kia giữ bên cạnh để làm con tin và hứa sẽ thôi không bắt đạo nữa. Quan lớn lại hỏi: - “Tên hai đạo trưởng là gì?” - “Tôi không biết tên Âu Châu, giáo dân chỉ gọi là cha. Dù sao tôi cũng không thể tuân lệnh đi bắt những người mà tôi gọi là cha”.
Quan lớn còn ra một lệnh khác, là sai ông đi thuyết phục cha cử đại biểu đến nói chuyện chấm dứt việc bắt đạo. Có 6 vị thừa sai tất cả nhưng không ai xung phong, vì đều nghĩ rằng quan lớn này quỷ quyệt không thể tin lời được. Lính đến bao vây nhà các chị dòng nơi Cha La Mothe trốn, nhưng bữa hôm ấy cha đi dự lễ phong chức giám mục cho Ðức Cha địa phận Ðông.
Cuộc bách hại chấm dứt khi một số quan đại thần tung tin Bùi Ðắc Tuyên muốn xưng vương và đem quân đi bắt cả hai ông Bùi Ðắc Tuyên và Ngô Văn Sở giết đi. Sau đó tại Bắc, các cha đề nghị cử một phái đoàn đến ra mắt hoàng thân Nguyễn Quang Thùy, em vua Cảnh Thịnh và là đại tướng thống lĩnh Bắc Việt. Phái đoàn gồm có 100 trùm trưởng các họ đạo. Hoàng thân và các quan đã niềm nở tiếp đón và ca ngợi đạo Công Giáo. Nhờ thế kẻ thù không dám nói gì. Người ta còn thuật lại rằng các quan đại thần đã mắng những quan bách hại đạo như sau: “Khốn nạn cho các ngươi! Chúng tôi đã nói trước rồi, không được bách hại đạo Ðức Chúa Trời, nếu không sẽ phải chết thảm. Chúng tôi cũng đã nói trước các vua chúa Bắc cũng như Nam đều đã mất ngai vàng và chết khốn nạn vì đã cấm đạo. Các ngươi đã không muốn tin lời chúng tôi. Bây giờ khám phá ra thì đã mất mạng”. Sau đó các vị đại thần còn công bố một lệnh liên quan đến đạo Công Giáo như sau: “Cấm không ai được làm hại những người giữ đạo Ðức Chúa Trời cho đến khi có lệnh khác của Hoàng Thượng”.
Tại Trung Việt, vào tháng 5-1795 có lệnh bắt các vị thừa sai. Quân lính đã giả dạng làm khách đi đường để dọ thám khắp nơi. Cha Labartette vừa ra khỏi nhà đã thấy 40 người lính cầm khí giới tiến đến. Trước khi ra tay bắt, những người lính này đi xem bói toán, và thầy bói nói họ phải chờ đến sau trưa mới được hành sự. Nhờ đó Cha Labartette có đủ thì giờ trốn thoát. Cuộc lùng bắt kéo dài được một tháng thì những người chủ xướng bách hại đạo bị bắt và giết. Từ đó các quan không nghĩ đến việc bắt đạo nữa. Tuy nhiên theo thơ của Thừa Sai Doussain thì ngày 21-7-1797, các vị thừa sai còn bị lùng bắt ba lần do lệnh của năm quan đại thần. Nhưng nhờ có một người lính Công Giáo trẻ tuổi phục vụ trong hoàng cung mật báo mà các cha thoát được.
Quân đội của Nguyễn Ánh đã tấn công Qui Nhơn ba lần có tầu Pháp yểm trợ. Thấy vậy triều đình Tây Sơn ra mật lệnh bắt các vị thừa sai. Tại Huế, họ chia thành 4 đạo quân đến các làng Công Giáo, bắt được Cha Triệu và hai chú. Họ còn đến chỗ trú của Ðức Cha Labartette nhưng người đã kịp thời trốn. Năm vị thừa sai trốn mỗi người mỗi nơi, không ai biết chỗ ở của người khác. Có một thầy Sáu và hai chú bị bắt cùng với nhiều đồ đạo, nhưng đã bỏ chạy thoát. Ngày 17-8 sắc lệnh mới được công bố. Nội dung như sau: “Việc trị nước cốt ở tam cương ngũ thường, nghĩa là ba thứ bổn phận: vua tôi, cha con và vợ chồng, ngoài ra đối xử với nhau dựa trên các đức tính: nhân nghĩa lễ trí tín. Ðạo Kitô dạy những dị đoan nhằm lừa dối dân chúng và làm đảo lộn trật tự xã hội. Ðã từ lâu bị nghiêm cấm nhưng vẫn chưa dứt được. Vậy Hoàng Ðế muốn tái lập trật tự và chấn chỉnh xã tắc, muốn được thành công thì phải tận diệt đạo đáng ghét này. Lệnh cho phá hủy mọi nhà thờ, nhà ở của các đạo trưởng và của bất cứ ai giữ đạo”.
Tại Quảng Ngãi, để bắt dân chúng đạp ảnh, họ đe dọa và đánh đập nhưng dân chúng vẫn cương quyết giữ đức tin. Họ bắt 32 thầy giảng giam trong một nhà có hai cửa: tử môn và sinh môn. Ai bước qua cửa tử sẽ có người cầm gương sẵn để chém đầu. Còn cửa sinh có đặt thánh giá, ai qua thì phải đạp ảnh. Từng người một bước qua cửa tử. Trước đám đông người đứng xem, lý hình la hét đánh đập để người ở trong run sợ. Thế nhưng đã có 30 người bước qua cửa tử. Những người đạp lên ảnh bị dân chúng xỉ vả, còn các vị anh hùng đã được mọi người thán phục.
Thánh Emmanuel Triệu sinh tại làng Kim Long, phủ Thừa Thiên, Kinh Ðô Phú Xuân thời bấy giờ. Cha người là cụ Cai Lương làm quan trong triều Chúa Nguyễn và đã từ trần khi đánh nhau với Tây Sơn. Cả hai ông bà cố là người Công Giáo đạo đức, sinh được người con duy nhất là Cha Triệu.
Theo bài tường thuật của Ðức Cha Labartette, bấy giờ là đại diện tòa thánh coi địa phận Ðàng Trong, thì chú Triệu khi lên 15 tuổi phải vào trong ngự lâm quân, theo lệ của những con cháu các người cùng quê quán với nhà chúa, đi đánh nhau với quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn bị đánh bại phải trốn vào Ðồng Nai, Nam Việt. Tại Huế có một vị quan miền Bắc vào cai trị. Trong thời kỳ này Huế đang bị nạn đói kém, khoảng ba năm trời, chú Triệu phải giúp việc cho vị quan miền Bắc đang cai trị Huế. Khi quan này thuyên chuyển về Bắc, chú Triệu cũng theo chân ra Bắc để sinh sống. Tại Bắc, sau một thời gian suy nghĩ về những sự đổi thay của cuộc đời, chú Triệu quyết định đi tu và xin ở với một cha Dòng Tên. Sau đó chú lại đến ở với một vị thừa sai Dòng Ðaminh, lúc đó đang làm đại diện tòa thánh cai quản địa phận Ðàng Ngoài. Thấy thầy Triệu có tư cách nên đức cha cho thầy học thần học 6 năm trời và phong chức linh mục cho thầy.
Thế là Cha Triệu được sai đi coi sóc giáo dân nơi các cha Dòng Tên coi sóc trước kia. Người làm việc ở đó 5, 6 năm thì được phép về Phú Xuân thăm mẹ già đang ốm đau, ở chung với một bà đạo đức trong làng. Về tới quê nhà Cha Triệu liền đi chào Ðức Cha Labartette, là phó của Ðức Cha Bá Ða Lộc, tại một nơi cách Phú Xuân hai ngày đường. Người trình bầy lý do và trao thơ của hai đức giám mục miền Bắc cho đức cha và ở lại đó hai ngày. Rồi người trở về Phú Xuân để gặp mẹ. Ðộng lòng trước tình cảnh sống của mẹ, người đã làm cho mẹ một căn nhà để sống với mấy người cháu. Căn nhà vừa được xây xong thì có lệnh bắt đạo của vua Cảnh Thịnh. Ngày 8-8-1798, vua Cảnh Thịnh ra mật lệnh cho một số quan đi lùng bắt các đạo trưởng mà không có lý do nào. Cùng một ngày, cùng một lúc, ba đạo quân đến ba xứ đạo Công Giáo ngoài hoàng cung để bắt các cha thừa sai, vì nghĩ rằng thế nào cũng có linh mục người Âu tại một trong ba làng ấy. Thế nhưng họ không bắt được ai ngoài Cha Triệu, vì mới ở xa về không có ai thông báo cho người trốn đi. Người bị bắt ở họ đạo Thợ Ðúc, tại nhà ông Trùm Quyền, hồi trước đã xưng đạo nhưng lúc đó lại vắng mặt. Lính bắt người và tra hỏi người là ai. Thay vì dấu chức vụ linh mục của mình một cách dễ dàng, người đã khai ngay mình là một linh mục. Chúng liền đánh đập người cả thảy hai trận.
Gần nhà Cha Triệu bị bắt là nhà Dòng Mến Thánh Giá có khoảng chừng 30 chị. Lính cũng đến tịch thu các đồ đạc nhà dòng, bắt tất cả trừ vài chị vắng nhà. Họ trói các chị cứ 9, 10 người vào với nhau, các chị trẻ họ giải về Kinh Ðô, còn các chị đã lớn tuổi họ để lại nhà nhưng có lính canh gác. Mẹ Bề Trên rất đáng kính, chừng 70 tuổi, đứng dậy phản đối kịch liệt việc bắt các chị trẻ đi riêng và xin tất cả phải cùng ở với nhau, cùng đi đến triều vua với nhau. Tất cả các chị bị canh chừng hai ngày. Có một chị có người bà con quen thân với quan đã can thiệp xin tha cho các chị được tự do. Tuy nhiên nhà dòng bị phá bình địa, cả nhà Cha Triệu mới làm cho mẹ cũng bị phá luôn.
Chiều hôm bị bắt, Cha Triệu và hai học trò bị đánh đập với nhiều thầy giảng trong các làng nữa. Tất cả bị đưa về phủ chúa giam giữ. Quan thượng được lệnh bắt đạo chờ đợi Cha Triệu đến rồi nói với giọng khinh miệt: “Thiên hạ nói rằng thầy là người miền Bắc đến đây làm phù phép dối dân, dậy đạo cho họ phải không?”
Cha Triệu đáp: “Tôi không phải là người đàng ngoài, nhưng là người đàng trong, nơi sinh của tôi là làng Phú Xuân. Cha tôi là quan Cai Lương giúp việc cho chúa Nguyễn. Trong thời kỳ đói kém 20 năm qua tôi phải bỏ quê nhà để đi đàng ngoài. Ở đó tôi học đạo với một thầy cả và sau đó được làm linh mục. Vì đã bỏ nhà lâu năm nên tôi được trở về thăm mẹ ba tháng.”
Quan thượng hỏi lại với giọng châm biếm: “Thầy có vợ con gì chăng? Họ ở đây hay ở đàng ngoài?”
Cha Triệu trả lời: “Tôi chẳng có vợ có con gì cả, vì từ nhỏ tôi đã bỏ thế gian và quyết giữ mình độc thân”.
Từ đó quan ra lệnh giam người rất ngặt, cổ đeo gông rất nặng, chân mang xích sắt. Người bị giam như thế 40 ngày và chịu ba trận đòn, mỗi lần 20 gậy. Cơm họ cho người ăn bỏ trong mo cau bẩn thỉu. Với hình khổ và cuộc sống như vậy, người biết không sống lâu nên có đôi lúc người tỏ ra sợ hãi, nhưng rồi trấn tĩnh được người đã tỏ ra sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa. Nhất là khi các quan tra hỏi thì người lại đáp lời rất vững chắc. Ngoài nét mặt không thấy gì, nhưng qua lời nói trước mặt quan người ta có thể thấy được tâm hồn của người rất can đảm và hào hùng. Người dành nhiều thì giờ để suy gẫm và cầu nguyện, có khi giải tội cho các tù nhân khác. Cha Lộc có đến thăm người trong nhà tù.
Ngày 17-9, người được đưa ra tòa lần nữa, các quan xúi dục người: “Này, thầy có muốn bỏ đạo trở về thế gian và làm nghề khác không? Nếu thầy muốn, chúng tôi sẽ tâu vua tha cho”.
Người ta kể lại rằng Cha Triệu đã cương quyết trả lời là người muốn chết hơn là bỏ không rao giảng đạo nữa. Tức thì người bị kết án tử hình ngay không hỏi han gì thêm. Cũng hôm đó các quan kết án tù 6 người trộm cướp đã bị bắt giam từ lâu. Hay tin người bị xử trảm, dân chúng lũ lượt kéo đến nhưng lính không cho vào. Lúc 10 giờ sáng hôm đó, Cha Triệu biết giờ chết đã gần tới liền đi chào và cám ơn binh lính coi ngục. Các lính trong đội hành quyết đến dẫn người đi. Trên đường ra ngoài thành, chúng để cho các giáo dân đến gần và tháp tùng người tới nơi hành quyết. Người đi vững chãi với gương mặt hớn hở. Theo thông lệ, lý do kết án phải được công bố với dân chúng trước khi xử người nào. Vì thế có một tên lính đi sau Cha Triệu và 6 tên khác mang bảng tội trạng. Bản án ghi: Mọi người phải biết. Danh Triệu con ông Nguyễn Văn Lương, người làng Bùi Xã Nha Miêu ngoại trang, huyện Tông Sơn, Ðàng Ngoài, làm nghề giảng đạo Hoa Lang cùng khuyên dụ dân chúng theo đạo ấy, là một thứ đạo rất gớm ghê. Bởi đó tội đáng chém.
Tới Bãi Dâu, nơi hành hình, lính tháo xiềng cho người, người liền quỳ gối cầu nguyện. Quan án có lệ cho mỗi người trước khi chết một quan tiền. Cha Triệu không muốn lấy nhưng quan nài ép nói là của vua ban không được từ chối, vì đó là tục lệ. Cha Triệu liền nhận và cho người nghèo, ngay lúc đó một tên lính tuốt gươm cầm tay, một tên khác đấm vào mặt người. Quan án liền mắng nó: “Giờ chưa có đến mà mày đã hành hạ thầy”.
Quay về phía Cha Triệu, quan nói: “Thầy hãy ngồi xuống, giờ chưa có đến”.
Cha Triệu liền hạ người xuống ngồi quì trên hai gót chân, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Ðúng 12 giờ trưa, quan đến bên cha kính cẩn thưa: “Thầy, giờ đã đến”.
Cha Triệu quì thẳng người lên, nghiêng cổ ra chờ đợi. Người lính đến chém một nhát, đầu người rơi xuống đất. Giáo dân ồ ạt đến để ôm xác người, có người lấy cả đất đã thấm máu. Cho tới hôm nay (tức là lúc Ðức Cha Labartette tường thuật) chỗ đó vẫn còn một lỗ to. Năm ấy cha được 42 tuổi.
Vì đang thời kỳ bắt đạo gắt gao nên giáo dân chôn cất người tại một nơi kín giữa người lương, chờ ngày có thể an táng người trọng thể. Xác người được cất giấu như thế trong 6 năm. Khi hòa bình trở lại vào năm 1803, Ðức Cha Labartette đã cho cải táng mộ người về nhà thờ mới làm tại Dương Sơn.
Còn các thầy giảng bị bắt với người chỉ bị giam giữ 15 ngày rồi được tha về, hai chú theo Cha Triệu bị giam cho đến ngày cha bị hành quyết rồi cũng được tha về đàng ngoài.
Dưới thời Tây Sơn, ba tỉnh Bố Chính, Nghệ An và Thanh Hóa Nội trực thuộc triều đình Phú Xuân, còn các tỉnh khác của Bắc Việt thuộc quyền quan khâm sai tại Thăng Long. Ngày 21-8-1798, cuộc bắt đạo khởi sự tại Bố Chính, nơi có 12.000 giáo dân do Thừa Sai Guerard và 5 linh mục Việt coi sóc. Quan trấn là một người độc dữ nhất chỉ chờ đợi có lệnh cấm đạo là ra tay liền. Vì biết trước nên các chú nhà trường đã được cho về nhà, và các đồ đạo đã được phân tán để cất giấu. Khi quan quân đến, chỉ thấy có nhà trống, liền nổi giận bắt các ông trùm tại các họ, để đánh đập và tra khảo nơi ở của các cha, và chỗ dấu đồ đạo. Họ tịch thu lúa thóc của giáo dân và chỉ trả lại sau khi đã đạp ảnh. Sự thiệt hại không biết thế nào mà lường được. Các thừa sai không biết trốn đi đâu vì giáo dân không dám cho trú nữa. Thừa sai Guerard phải đào hầm tại Xóm Chè, một linh mục Việt bị khiêng bỏ giữa rừng 5 ngày, một linh mục khác đã phải trốn trong rừng đầy thú dữ mà vẫn còn bị đuổi theo. Về phần giáo dân bị bắt, họ đã phải chịu những cực hình thật dã man chưa từng có: các ngón tay bị đóng đinh xuống ván, ngón tay đàn bà thì bị cuốn vải tẩm dầu rồi đốt. Họ bị tra tấn như vậy trong hai giờ liền. Tất cả 40 nhà thờ và nhà xứ hoàn toàn bị phá hủy. Nhà thờ Phu Kinh bị một người chối đạo biến thành nhà hát. Ngày 21-9 năm đó họ rước tượng thần từ chùa tới nhà thờ để hát xướng và cúng tế, nhưng một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi tất cả. Quan trấn cho làm một nhà khác bằng các vật dụng lấy từ các nhà thờ khác, hai con ngựa kéo đồ bị vật chết ngay hôm 25-9. Mọi người hoảng sợ không dám làm gì nữa và trả lại vật dụng cho người Công Giáo. Dịp tết năm 1799, quan còn bắt mọi nhà dựng cây nêu kính Ðức Phật, các gia đình Công Giáo bị hành hạ và phải bỏ tiền ra đút lót. Sau chính vị quan này bị một làng lương dân tố cáo và bị bắt giải về Kinh Ðô.
Tại Nghệ An cuộc bách hại cũng dữ tợn như thế trong cả 12 huyện, bắt đầu từ ngày 25-8-1798. Ở đó có cơ sở của Ðức Cha phụ tá La Mothe, Thừa Sai Bissachère và 12 linh mục Việt. Tất cả nhà thờ, nhà dòng, nhà các cha đều bị cướp bóc và phá hủy hoàn toàn. Tại làng có học viện, không nhà giáo dân nào thoát khỏi cảnh phá phách và cướp giựt vì họ đã để đức cha thoát được. Quân lính chọn ba ông trùm trong số người bị bắt để giải đến trước mặt quan trấn cùng với hai thầy, ba chú học trò và một số chị dòng. Quan ra lệnh tra khảo, bắt đạp ảnh và cung khai chỗ ẩn của các cha. Họ đã anh dũng chịu những cuộc tra tấn, dã man đến độ Thầy Gioan và một giáo dân đã phải chết trong khi bị tra tấn. Thầy đã bị đổ dầu lên lỗ rốn làm đèn đốt. Số người sống sót bị giam trong tù 5 tháng, và sau đó bị kết án lau chùi chuồng voi trong 10 năm. Một số đông giáo dân khác, từ 200 đến 300 người, vì yếu đuối đã chối đạo nhưng ngay sau đó đã đi thú tội với các cha. Có một quan Công Giáo, hai sĩ quan và chừng 100 giáo dân bị bắt từ các làng khác giải về trấn phủ chịu hành hình. Người thì bị đổ dầu vào rốn đốt, người thì bị cột ngón chân treo ngược đầu xuống, kẻ khác bị túm tóc treo lơ lửng, đám khác bị trói 3, 4 người lại với nhau. Phần đông bị đốt các ngón tay. Các bà bị những hành hạ dã man gớm ghiếc như vậy mà vẫn không chịu cung khai nơi ẩn của các cha hay nơi cất giấu đồ đạo. Số người trốn lên rừng cũng không được yên, bị quan cho chó săn rượt theo. Thừa Sai Bissachère phải trốn trong một hang đá ngoài biển 7 tháng trời, còn Ðức Cha La Mothe chạy lên rừng gặp hổ 5, 6 lần, nhưng sau được giáo dân đưa trốn lánh, hết họ đạo này sang họ đạo khác. Có lần, một toán người bên lương xông vào nhà giáo dân nơi đức cha đang trú, lấy gậy đập phá mọi nơi, sau nhờ người giáo dân khéo léo lừa được họ ra khỏi nhà đi tìm chỗ khác.
Cuộc bắt đạo tại đây vẫn kéo dài trong khi tại các tỉnh khác đã dịu lại. Không những không còn nhà thờ, nhà chung, nhà dòng, mà đọc kinh to tiếng cũng không dám vì sợ có người rình mò. Hồi tháng 5-1800 một quan trấn đã xử tử hai anh em Công Giáo. Từ khi có lệnh bắt đạo, người anh cả đã báo cho Ðức Cha Phụ Tá La Mothe biết để kịp thời ẩn trốn, ngay sau đó anh bị giam tù. Vợ anh cầu cứu với một quan lớn trong triều để anh được trả tự do. Nhưng khi quan lớn đó được lệnh đi chinh chiến, quan trấn đã bắt hai anh em, vì có lời tố cáo là hai anh em biết nơi trú ẩn của các cha. Người em bị đánh giập bàn tay, còn người anh bị đánh nát chân, treo ngược lên rồi đổ nước vào miệng và mặt. Hai anh em thổ ra máu. Trong lúc đau đớn như vậy, hai anh em bị tra hỏi: “Các ngươi đã dẫn người Âu Châu đi trốn ở đâu? Nếu khai ra ta sẽ trả tự do”.
Hai anh em biết rõ nơi trốn nhưng một mực không khai. Quan trấn lại hỏi: “Ngươi chối đạo đi, ta sẽ dung thứ một lần nữa, nếu không ta sẽ chém đầu”.
Hai anh em đã thưa lại: “Ðạo chúng tôi là đạo thật mà cha mẹ đã truyền lại cho chúng tôi nên chúng tôi ghi khắc trong tâm khảm. Chúng tôi thà chết hơn là chối đạo”.
Ngay lúc đó quan ra lệnh chém đầu hai anh em tại chỗ. Người vợ của anh cả đến ôm xác nói to giữa các quan: “Chồng tôi chết, tôi không còn gì là vui sướng ở đời này, nhưng tôi không hề hối tiếc. Nếu Thiên Chúa muốn, tôi ước được chết như chồng tôi. Ðiều tôi hối tiếc chính là không được phúc trọng như thế”.
Ngày 19-3-1802 quan trấn còn chém đầu một thầy giảng nữa, vì trong túi áo thầy có giấy phép của đời Chúa Nguyễn. Riêng tại Thanh Hóa nội, quan trấn không mấy dữ tợn. Giáo dân có bị bắt đưa về giam ít ngày rồi được tự do, và trả lại các đồ đạc bị lính tịch thu. Ngày 25-8-1798, Cha Ðạt bị bắt và tử đạo như bài tường thuật dưới đây.
Thánh Gioan Ðạt sinh năm 1765 tại làng Khê Cầu, xứ Ðồng Chuối, huyện Bình Lục, tỉnh Thanh Hóa. Cha người chết sớm để lại hai người con trai. Mẹ người đã phải vất vả nuôi hai anh em. Khi còn nhỏ người đã muốn vào nhà Ðức Chúa Trời nhưng mẹ người vì thương con không muốn cho con đi. Với quyết tâm, người đã xin ở với Cha Loan. Ðến năm 18 tuổi người được gửi đi học tại trường Latinh. Lên bậc kẻ giảng, người đã giúp nhiều cố thừa sai. Năm 1798 người được thụ phong linh mục và được chỉ định giúp cố chính Le Roy. Cha chính Le Roy có làm chứng về người: “Cha Ðạt có lòng yêu chuộng nhân đức khó khăn, hay vâng lời và chăm đọc sách, siêng năng làm các việc thuộc bậc mình, dù có ốm đau cũng không kêu ca và không khi nào người phàn nàn điều gì. Ðức Cha La Mothe kính người như một vị thánh. Các cố khác như Le Pavec, Tessier cũng rất yêu kính người. Người giảng rất sốt sắng, không du nịnh, đánh động lòng nhiều người tội lỗi trở lại”.
Thi hành chức vụ chủ chăn được 4 tháng thì người bị bắt tại Thần Phù ngày 25-8-1798. Khi người vừa làm lễ xong tại nhà ông Trùm họ Thần Phù thì quân lính đến vây làng tra hỏi xem người trốn ở đâu. Giáo dân xin người trốn đi nhưng người ôn tồn trả lời: “Nếu tôi trốn đi thì cả làng sẽ phải khốn khó”.
Nói rồi người ra nộp mình cho lính bắt. Lính trói người lại và hành hung người dữ tợn. Thấy vậy giáo dân muốn chịu đòn thay cho người, nhưng lính không cho, nói là chỉ linh mục chịu tội thôi. Sau đó người bị giải đến nhà quan.
Y sĩ Huyền Trang thuật lại buổi thẩm vấn đầu tiên như sau: “Chiều ngày 16-7 Âm Lịch, tôi đến cung điện của hoàng đệ Nguyễn Quang Thùy (em vua Cảnh Thịnh, coi Bắc Thanh) tôi nhìn sang sân nhà quan tổng trấn Thanh Hóa là Ðại Tư Lễ Miên Cộng Quân thấy có nhiều người cổ mang gông. Sau đó tôi thấy quan trấn bước vào, Cha Gioan Ðạt quì trước mặt cùng với 4 thầy giảng là các thầy Tam, Vinh, Tang và Huy, và hai thiếu niên. Lúc đó người hoàng đệ bước vào sân đường, theo sau có nhiều quan tước. Vì ở xa xa tôi không nghe được họ nói gì, chỉ thấy họ lôi Cha Ðạt qua tượng Chuộc Tội nhưng người ôm lấy và hôn kính”.
Theo chứng từ của Thầy Tang, một trong 4 thầy bị bắt, thì hôm ấy quan hỏi Cha Ðạt có biết đọc các sách Tây Phương không. Cha Ðạt trả lời là có. Quan liền ra lệnh cho cha và các giáo dân cùng đọc. Cha Ðạt thưa lại: “Giáo dân không biết đọc những sách này”.
Quan trấn lại ra lệnh cho cha và giáo dân đọc kinh tiếng Việt. Bấy giờ Cha Ðạt và các người cùng bị bắt đọc kinh 10 điều răn. Quan trấn nói: “Ðó là những lề luật của đạo các ngươi theo hả? Tại sao lại chối bỏ cha mẹ để theo đạo trưởng Kitô giáo?”
Hôm đó các giáo dân được tha về, họ chỉ giữ lại Cha Ðạt và ba thầy giảng, rồi giao cho ngũ đội luân phiên canh gác.
Theo lệ, tù nhân phải trả tiền dầu đèn và tiền công lính gác. Một hôm có tên lính đánh Cha Ðạt nhiều gậy để đòi tiền, thầy già Tâm xin chịu thay nhưng Cha Ðạt gạt đi rồi cởi áo của người để nộp thay tiền. Cũng ngày đó họ tháo gông nhẹ ra và đặt vào cổ các đấng gông nặng hơn, với ẩn ý muốn nhiều tiền hơn. Ngày 25, y sĩ Huyền Trang đến gặp quan Ðô Ðốc Ðiều, trông coi ngũ đội, để chuyển các tù nhân sang nơi khác dễ dàng tiếp tế hơn. Quan đô đốc giao cho Ðô Úy Thiềng phụ trách. Ông cai đội Thiềng liền giao cho một tên lính dưới quyền tên là Tư, người Công Giáo, để dọn một phòng riêng cho Cha Ðạt và để giáo dân tự do đến thăm người. Cha Ðạt bị giam như thế gần hai tháng trời. Trong thời kỳ này người tiếp tục giúp bổn đạo, giải tội và khuyên bảo họ.
Một hôm có tên lính lấy cắp một trái chuối do giáo dân biếu Cha Ðạt, cai đội liền phạt đánh đòn tên lính này thì Cha Ðạt cản lại và nói: “Tôi ăn hay người khác ăn thì cũng vậy, xin đừng đánh nữa”.
Quan đội cũng thưa: “Tôi đồng ý tháo gông cho cụ với điều kiện cụ không trốn đi”.
Cha Ðạt khoan dung đáp lời: “Quan hãy làm như ý quan thích, phần tôi, tôi không bao giờ chạy trốn làm cho người khác phải tội thế chỗ của tôi”.
Nhưng quan lại thay đổi ý không tháo gông cho người. Ngày 5-9 có tin là án xử đã được phê chuẩn. Cha Ðạt tỏ ra vui mừng hơn mọi ngày. Một giáo dân tên là Thông Huy cúi xuống hôn chân người nhưng người không cho. Thầy Tang kể lại: “Sau đó người nói với chúng tôi: 'Cha chính Le Roy, trong một lá thư gởi cho cha, đã khuyến khích cha nhủ bảo anh em hãy sẵn sàng dâng mạng sống mình cho Chúa Giêsu Kitô theo gương cha Triệu. Nếu chúng ta chịu mọi ngược đãi đến chết thì mọi người sẽ coi chúng ta là những người tử đạo. Nhưng chúng ta có được phúc này hay không thì cha không biết, vì thánh ý của Chúa thật khác lạ với ý nghĩ của con người. Chính cha theo tính sợ hãi của con người cũng run sợ trước mặt các quan và binh lính'. Nhân tiện tôi hỏi người: 'Thưa cha, bây giờ cha biết là mình sắp được chết, cha cho chúng con biết cha cảm thấy thế nào? Cha có sợ chết không?' Người liền đáp: 'Cha không sợ chết lúc này, nhưng đến giờ hành quyết giữa đám đông lính tráng cha không biết có giữ được bình tĩnh không, hay là sự sợ hãi có làm cho cha ngã té xuống đất không, cái đó cha không biết'. Thế rồi người tâm sự với chúng tôi: 'Vì mồ côi cha từ nhỏ, cha trải qua những ngày thơ ấu với mẹ và anh cả rất vất vả cực khổ. Cha vào được nhà Ðức Chúa Trời cũng không dễ dàng gì. Ở nhà tràng cha phải vất vả lắm mới học nổi tiếng Latinh. Cũng vậy cha phải khốn khổ mới học xong lý đoán. Khi được thụ phong linh mục, thật là một vinh dự lớn cho cha nhưng cũng nhiều công việc chồng chất. Và bây giờ công việc cuối cùng của cha là chịu chết vì Chúa Giêsu. Như thế đó, suốt đời của cha từ nhỏ đến ngày hôm nay có rất nhiều khốn khó và lao nhọc'. Sau đó người truyền lệnh cho chúng tôi, khi được tha về phải tìm cách gặp các linh mục khác để xin các đấng thận trọng giữ gìn hầu có thể giúp đỡ giáo dân. Trong tù, nhiều lần Cha Ðạt bắt chúng tôi ngồi ăn với người nếu không người không bằng lòng. Một hôm có tên lính khuyên người: 'Thưa cụ, cụ còn trẻ lắm mà đã phải kết án chết sớm thật tiếc, nếu cụ muốn giữ mạng sống mình thì hãy vâng mệnh lệnh của vua mà chối bỏ đạo Công Giáo và chức vụ linh mục'. Cha Ðạt đáp lại: 'Nếu vua thuận cho tôi sống, tôi rất biết ơn, mà nếu vua truyền lệnh cho tôi phải chết tôi cũng vẫn biết ơn hoàng thượng. Dầu thế nào thì tôi vẫn một mực giữ đức tin của tôi. Một tên khác nói với người: 'Xin cụ nhớ đến tôi khi cụ bước vào hạnh phúc đời đờí. Cha Ðạt đáp: 'Tôi chưa biết Thiên Chúa định liệu thế nào, nhưng tại sao anh lại xin với tôi điều này? Các thánh trên trời hưởng hạnh phúc lại không nghĩ đến chúng ta luôn sao?”
Ngày 12-9 Âm Lịch, hội đồng cố vấn họp lại và ấn định ngày 20 sẽ thi hành án trảm quyết, đồng thời ra lệnh cho quan cũng như dân thuộc 12 huyện trong tỉnh Thanh Hoá kê khai những người Công Giáo, để bắt họ đến dự cuộc hành quyết của người. Từ ngày đó lương dân cũng như giáo dân Công Giáo bùi ngùi đến viếng thăm người. Họ nói với nhau: “Linh mục này hãy còn thanh xuân, gương mặt hiền hòa trấn tĩnh, can đảm trổi hơn cả những quan tướng thời danh trong triều, thật xứng đáng là thủ lãnh dân Công Giáo”.
Với người Công Giáo, người e sợ họ không đủ can đảm trong ngày 20 sắp tới nên đã khuyên họ: “Ðược chịu khổ và chết vì Chúa Giêsu là một hạnh phúc nhất. Tất cả các dân tộc trên thế giới có rất đông người tử vì đạo. Nước Việt chúng ta cho tới nay chưa có là bao nhiêu. Cha ước mong là tất cả chúng con được vinh dự này, nhất là những người ở nhà Ðức Chúa Trời và các bạn tù của cha. Ước chi chúng ta cùng được đổ máu ra một lượt trong sân đình của quan trấn ngày 20 tới, trước mặt các quan, các binh lính và đông đảo dân chúng để làm chứng rằng đạo Công Giáo là đạo chân thật. Chính Thiên Chúa sẽ làm cho các con mạnh mẽ, chính Người định cho các biến cố xảy ra. Chớ gì thánh ý Người được hoàn tất. Nếu trong ngày đó quan hoàng đệ và quan trấn có làm điều gì phạm tới đạo thánh của chúng ta, các con cứ để cha biện bạch thưa lại, đó là bổn phận của cha, cha không thể im lặng được. Phần chúng con, hãy khuyến khích nhau, nâng đỡ nhau để đừng ai yếu lòng sa ngã. Vì như thế sẽ sinh gương xấu cho những người khác”.
Ngày 16, Thầy Ðoàn và Trác dàn xếp với lính canh cho phép Cha Ðạt tới nhà một người Công Giáo tên là Cẩm để xưng tội với Cha Huấn. Chiều ngày 17 người gặp Cha Huấn, rồi sau đó đi chào quan đô đốc Ðiều và quan đô úy Thiềng xin họ nhân nhượng với các người bị giam giữ và tha phạt 50 đòn cho họ. Người nói với quan Ðô Úy: “Ngày kết liễu đời tôi gần đến, tôi cám ơn ngài đã tỏ ra đại độ với tôi và các giáo hữu. Tôi sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, và ý của hoàng thượng đã phê án tử cho tôi. Tôi không sợ hãi cũng không lo lắng, tôi không kêu trách hay than phiền điều chi cả. Tôi chỉ xin ngài thương đối xử rộng rãi với các giáo hữu, bênh vực đạo Công Giáo để đời này quan được sung sướng và đời sau được hạnh phúc mãi mãi”.
“Trở về nhà giam” , Thầy Tang kể lại, “người nói với chúng tôi: 'Bất cứ bằng cách nào chúng con có chết, cũng chỉ chết có một lần. Bởi vậy, các con thân yêu, hãy sẵn sàng để chết lành thánh. Nếu quan có đánh đập chúng con tàn bạo mà chết trước mặt cha, hoặc quan có giận dữ kết án cùng lúc với cha thì cha càng vui mừng lắm. Sau khi cha chết, các con hãy đãi các binh lính một bữa ăn vì họ đã coi sóc chúng ta nhiều ngày, và sau này nếu có người nào khác bị bắt thì họ đối xử nhân nhượng hơn'. Người còn nói là không phải đi chào ai nữa, có lẽ ngày mai chào quan hoàng đệ tại sân đình nữa thôi. Ðoạn người dậy chúng tôi lạy các binh lính với người. Binh lính vội vã xua tay phân phô: 'Các quan lớn như quan đề đốc, đô úy còn không dám nhận bái lậy, nào chúng tôi dám'. Cha Ðạt nói với họ: 'Thưa các ông, trong nhiều ngày các ông dẫn chúng tôi đi đây đi đó, coi sóc chúng tôi ngày cũng như đêm thật vất vả. Chúng tôi sẽ kính mời các ông một bữa ăn để tỏ lòng biết ơn, các thầy giảng của tôi sẽ làm việc đó sau. Tôi xin các ông rộng tay với họ'. Các binh sĩ cũng đáp lời: 'Thưa cụ, sau khi cụ chết rồi, có thức ăn nào làm chúng tôi ngon miệng nữa? Chúng tôi chỉ ăn ngon nếu như hoàng thượng trả tự do cho cụ'. Trong lúc bồi hồi có tên lính bật miệng trách mắng các quan: 'Những người ấy thật là giống quỉ, không săn sóc dân chúng mà lại đi bắt bớ. Họ hành hạ những người tốt lành, những công dân gương mẫu, mà lại để yên cho những người hại dân hại nước'. Liền đó người khuyên chúng tôi: 'Có lẽ Thiên Chúa muốn rằng chúng con còn sống lâu để lập nhiều công phúc. Chính vậy, các con thân yêu, hãy làm thật nhiều việc lành'”.
Ngày 20 là ngày Chủ Nhật, Cha Ðạt ăn lót dạ như thường lệ. Từ sáng sớm, quan hoàng đệ và quan trấn đã có mặt tại phủ đường, ra lệnh cho dẫn giáo dân và Cha Ðạt tới. Người đứng bên phải sân đình, các thầy giảng đứng bên trái và giáo dân đứng ở giữa. Hoàng đệ cất tiếng nói: “Lệnh của hoàng thượng truyền rằng đạo trưởng của các ngươi phải chết, còn các ngươi được trả tự do nhưng từ nay phải bỏ đạo ấy không được theo nữa”.
Lúc đó không ai dám nói điều gì. Ðoạn lính tháo gông các tù nhân và cho phép họ theo chân Cha Ðạt tới chỗ hành quyết. Sau đó quan hoàng đệ nói với Cha Ðạt: “Hoàng đế đã ra án tử cho cụ để trừng phạt tội đã theo và giảng dậy đạo Công Giáo, và cũng để làm gương cho giáo hữu sợ mà từ bỏ đạo ấy”.
Còn giáo dân, từ hôm có lệnh của quan trấn ngày 12, thì rất sợ hãi, nhưng bữa nay họ bạo dạn không còn sợ hãi nữa, đến rất đông đảo. Quan trấn mắng Cha Ðạt: “Vô phúc cho cụ Ðạt đứng đầu bọn phản loạn. Sinh tại Bắc Việt tại sao lại theo đạo ngoại lai? Cơm gạo cụ ăn từ đâu mà có? Ngươi rắp tâm thờ kính vua của người Bồ (ám chỉ đạo Công Giáo), vậy ngươi đã tới nước Bồ Ðào Nha chưa? Còn các người Công Giáo, hãy trở về nhà và thay đổi lối sống đi. Ta sẽ sai quan dò thám giữa các ngươi. Nếu các ngươi còn cứng đầu cứng cổ giữ đạo tà thần và đọc kinh, ta sẽ lấy đầu các ngươi. Ta đã đốt sạch các kinh rồi các ngươi lấy đâu mà học nữa? Nếu đạo này có uy lực gì sao không giải cứu các ngươi khỏi nanh vuốt của ta?”
Bấy giờ Cha Ðạt mới lên tiếng thật lớn: “Các giáo hữu, hãy suy nghĩ chín chắn trước khi trả lời, đừng có phản lại đạo thánh. Chúng ta là các tín hữu, chúng ta phải thờ kính một Thiên Chúa trên hết và thực hành các giới răn của Người. Sau đó chúng ta phải giữ các mệnh lệnh của vua nếu là những điều tốt và phải lẽ, song những điều trái nghịch chúng ta không được vâng theo”.
Khoảng 9 giờ sáng, quan hoàng đệ ra lệnh cho đại đô đốc Ðiều đưa Cha Ðạt tới chỗ hành quyết. Quan trấn ra khỏi công đường chừng 100 bước thì dừng lại, dàn đội lính thành hai hàng kèm hai bên chỗ Cha Ðạt đang ngồi, rồi quan đô úy Thiềng ra lệnh cho các giáo hữu đi vào giữa hai hàng lính. Bỗng chốc họ la khóc, bái lạy Cha Ðạt và hôn chân người bằng nước mắt. Riêng Cha Ðạt vẫn giữ vẻ mặt bình thản vui tươi. Quan, binh lính và dân chúng tiến đi trong lặng lẽ. Lương dân đứng đầy lối đi hai bên đường. Một người đứng gần đó nói: “Tại sao cụ không ngẩng mặt lên để mọi người có thể xem thấy”.
Cha Ðạt ngẩng mặt lên, người đó lại nói tiếp: “Ô, đạo gì mà lại dậy con cái bỏ cha mẹ? Thật đáng kiếp, xử tử là phải”.
Cha Ðạt quay sang nói với người này: “Ông nói như vậy vì ông không biết đạo thánh của chúng tôi truyền dậy phải thảo kính cha mẹ hết lòng hết sức”.
Quan trên ra lệnh cho dọn một bữa ăn cho vị tử đạo trong một căn nhà trên đường. Người ăn ngon lành. Quan ngạc nhiên nói: “Thật lạ lùng, vị đạo trưởng này lòng vững chắc như thạch đồng”.
Khoảng một giờ, đại đô đốc Ðiều cỡi lên mình voi, 4 cai đội cỡi ngựa và hơn 100 quân lính đi thành hai hàng với gươm giáo sẵn sàng. Ra khỏi thành họ đến một khu chợ, quan ra lệnh cho quân lính đi ra hai phía, để khoảng trống trước mặt Cha Ðạt cho giáo dân đến chào, nhưng cấm lương dân tiến vào. Sau đó họ tiếp tục đi khoảng 100 bước tới sông Triêng. Quan thổi kèn ra hiệu cho các thuyền chở giáo dân qua sông trước rồi đến các quan, binh lính và dân chúng. Vừa qua sông thì trời nổi cơn giông, mưa tuôn xối xả, đoàn người phải dừng lại khoảng nửa tiếng trời mới tạnh. Họ tiếp tục đi vào xứ Công Giáo Trinh Hạ. Tới nơi quân lính dàn thành một vòng tròn bao quanh khoảng trống, ở giữa trải một chiếc chiếu dành cho Cha Ðạt. Họ tháo gông và ra hiệu cho người ngồi xuống. Quan ra hiệu cho phép giáo dân vào trong bái chào người lần cuối cùng. Họ tuốn vào khóc lóc và hôn chân hôn tay người. Người vẫn giữ nét mặt bình thản. Y sĩ Huyền Trang sợ giáo dân khóc lóc thảm thiết làm người động lòng liền khoa tay cho mọi người rút lui. Họ đưa cho người ít thức ăn, nhưng người chỉ ăn hai múi cam rồi xin quan vài phút dọn lòng. Quan không hiểu là gì nên một thầy giải thích: “Thầy của chúng tôi muốn chuẩn bị tâm hồn trước khi chịu chết vì đạo thánh”.
Quan ưng thuận cho người vài phút. Lúc bấy giờ là một giờ trưa, Cha Ðạt quay về hướng nhà thờ làng Trinh Hạ ngồi ngay ngắn, hai tay chắp trước ngực, mắt nhắm lại đọc kinh cầu nguyện. Các thầy lui ra sau ba bước, chào các quan và chờ khi nào Cha Ðạt đã sẵn sàng, mới ra hiệu cho lý hình thi hành phận sự. Y sĩ Huyền Trang kể lại: “Khi tôi quay lại đã thấy đầu người rơi xuống đất, máu phun thành dòng, thân người ngã ra phía sau, tay vẫn chắp trước ngực”.
Quan lập tức nói với giáo dân: “Ta cho phép các người Công Giáo mang xác cụ về an táng”.
Nói xong quan cỡi voi trở về kinh thành. Lúc ấy các giáo dân gào thét thảm thương, nước mắt dàn dụa, ào đến thi thể người. Người thì lấy khăn thấm máu, có người uống luôn, có người đào lấy chỗ đất có thấm máu vị anh hùng tử đạo. Chỉ còn lại ba tên lính đang thu dọn các gông cọc để mang về. Giáo dân đưa xác người xuống thuyền đem về an táng trọng thể. Ban đầu xác người được chôn cất tại nhà thờ Phúc Nhạc, sau lại sợ dân chúng lấy mất nên giao cho cho một nhà tư giữ xác người trên gác.
Ðức Giám Mục Longer, coi sóc giáo phận Tây Ðàng Ngoài, đã ra lệnh tìm nhân chứng tường thuật lại cuộc tử đạo của Cha Ðạt. Có ba bài tường thuật đầy đủ. Một bài của y sĩ Huyền Trang, một bài của Thầy Tang cùng bị giam tù với người, và một của Thầy Benoit Huy. Ngoài ra còn có nhiều nhân chứng kể lại các phép lạ người làm. Ông Phêrô Vũ văn Thang có kể lại một phép lạ như sau: “Thằng Ðam, con ông Thanh và cháu của tôi, mắc chứng bệnh đau bụng khủng khiếp không thuốc nào chữa được. Tôi liền đi đến mộ Cha Ðạt đọc 5 Kinh Lạy Cha và 5 Kinh Kính Mừng, rồi nhổ vài ngọn cỏ trên mộ người đem về nấu nước cho nó uống. Vừa uống xong nó hết đau bụng ngay”. Một nhân chứng khác còn thêm rằng: “Tất cả nhà tôi đều tin chắc rằng thằng Ðam được chữa khỏi là do lời bầu cử của Cha Ðạt.”
Cha Ðạt đã được Ðức Thánh Cha Leo XIII tôn lên hàng chân phước ngày 7-5-1900 cùng với 63 vị anh hùng tử đạo của ba giáo phận Việt Nam bấy giờ: giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, giáo phận Tây Ðàng Ngoài và giáo phận Tây Ðàng Trong.
Từ Thanh Hóa ngoại trở đi thuộc quyền Khâm Sai Bắc Việt tại Thăng Long. Quan khâm Sai là người đức độ, khi nhận được sắc lệnh bắt đạo, ông đã gửi cho các quan trấn nhưng đồng thời gửi một lệnh riêng cấm các quan trấn không được công bố và thi hành sắc lệnh. Quan Khâm Sai cũng viết một bản điều trần gửi về Kinh Ðô Phú Xuân, biện bạch rằng người Công Giáo không hề phạm tội ác nào để bắt bớ, hơn nữa bách hại người Công Giáo là một điều bất lợi cho quốc gia. Tháng 10-1798, quan Khâm Sai bị bắt ép phải công bố sắc lệnh cấm đạo. Nhưng cuộc bắt đạo chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 2-1799 khi quan Khâm Sai đức độ đó được gọi về để chống với quân của Nguyễn Ánh. Quan Khâm Sai mới liền ra lệnh cho các quan trấn lùng bắt các linh mục, nếu bắt được các thầy giảng thì chỉ đánh đòn họ rồi tha về và cấm không cho giảng đạo nữa, nhưng cấm các quan trấn không được xâm nhập nhà cửa và tịch thu tài sản của giáo dân. Các quan trấn phải sai người đi dò xét các nơi để tìm ra nơi trú ẩn của các linh mục, người nào tố giác sẽ được trọng thưởng, phải tháo gỡ các nhà thờ đem về xử dụng vào việc quốc gia Các xã trưởng phải khai báo sổ các gia đình Công Giáo, các nhà thờ, nhà chung trong địa sở. Các giáo hữu phải nộp đồ đạo. Lệnh bắt đạo của quan Khâm Sai đã được chính các quan trấn đốc xuất. Việc khai sổ gia đình Công Giáo và nhà thờ trở nên một dịp làm tiền của các quan. Có nơi bị làm tiền hai ba lần, hết quan lớn đến quan nhỏ, rút cục nhà thờ vẫn bị tháo gỡ.
Tại Thanh Hóa ngoại vào ngày lễ các Thánh, quan trấn sai 100 binh sĩ vào các làng Công Giáo lùng bắt các vị thừa sai. Thực ra Cha Le Roy đã trốn sang địa phận Ðông với Cha Langlois, chỉ còn lại một cha Việt đang lén lút giúp giáo dân tại đây. Quân lính lục soát mọi nhà nhưng chỉ bắt được một thầy giảng đang ốm không ẩn trốn kịp. Thầy bị đánh ít roi rồi được thả về. Các quan công khai đòi tiền giáo dân nếu họ muốn giữ nhà thờ. Bị bóc lột hai lần rồi, nên giáo dân nói thẳng với quan là cứ việc rỡ nhà thờ. Nhưng quan lại nói: “Không phải chúng tôi muốn lấy gỗ nhưng là lấy tiền”. Trước kia giáo dân đã phải làm tờ giao ước với người lương đóng góp một số tiền lớn để cho họ được yên ổn giữ đạo, và khỏi phải tham dự vào việc cúng tế các thần. Giao ước được quan án chứng nhận đàng hoàng, nhưng khi có lệnh bắt đạo, người lương lại lợi dụng cơ hội cưỡng bách người Công Giáo. Một số đông phải bỏ nhà cửa để sống trong rừng hoặc sang ở một làng đông người Công Giáo. Tất cả 6 huyện trong tỉnh không còn một nhà thờ hay nhà chung nào nữa.
Tại Xứ Ðoài, quan trấn để mặc cho các quan phủ và huyện tự do bắt đạo. Nhiều giáo dân bị gọi đến nha quan tra khảo chỗ ở của các linh mục và phải ký giấy xuất giáo. Phần đông đã anh dũng từ chối. Một giáo dân đã khẳng khái nói: “Có kề gươm vào cổ tôi cũng không ký giấy xuất giáo”.
Một người khác nói: “Làm sao các ông có thể bắt tôi bỏ đạo được, đạo đã ăn sâu trong tâm khảm tôi. Các ông có mổ bụng tôi ra thì đạo vẫn còn trong tôi”.
Nhờ những lời cứng rắn như thế mà các quan chùn bước không dám làm gì hơn. Thấy một người giáo dân bị đánh 50 roi, người bạn chối đạo dụ dỗ: “Ông ngu dại chịu cực vì người khác như vậy làm gì? Nếu chịu đánh để giữ của cải của mình cũng đáng, chứ chịu đòn để giữ các vật dụng của họ đạo được ích gì?”
Người giáo dân can đảm bị thêm 50 roi nữa vẫn không chịu cung khai.
Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1801, Cha Lepavec bị một đám lương dân mang vũ khí tới vây chỗ người ở, bắt trói và đánh đập người. Khoảng ba tiếng sau, người Công Giáo hay tin cũng mang vũ khí tới giải cứu người. Quan đem lính đến vừa khiển trách lương dân vừa thâu của giáo dân một số tiền khổng lồ.
Giáo dân Xứ Ðoài thật dũng cảm. Tại một họ đạo nọ, quan đến đe dọa bắt ép họ bỏ đạo nhưng tất cả vẫn trung kiên, kể cả các em nhỏ cũng can đảm đồng thanh hô to lên rằng: “Vạn tuế Chúa Giêsu! Chúng tôi sẵn sàng chết vì Người”.
Một bà già 60 tuổi đứng lên thưa với quan: “Các ông muốn làm gì chúng tôi? Chúng tôi có 52 người Công Giáo, các ông có giết đến người thứ 51, người cuối cùng vẫn không sợ. Các ông sẽ chẳng bao giờ ép chúng tôi bỏ đạo thánh được”.
Tại một làng khác, lương dân bắt giáo dân bỏ đạo, một cô thiếu nữ đã mạnh dạn nói: “Vua chỉ biết lạm dụng quyền hành trong tay để bắt đạo Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã ban chính sự sống và quyền hành cho vua, nhưng các sắc lệnh cấm đạo không bao giờ làm cho chúng tôi bỏ đạo của Ðấng đã tại dựng nên trời đất, và Con của Người là Chúa Giêsu đã chịu khổ để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho ma quỉ. Quí vị nên biết rằng chúng ta không có gì đáng quí hơn là linh hồn. Nếu làng không cho chúng tôi giữ đạo, chúng tôi sẵn sàng bỏ mọi của cải đi đến nơi nào chúng tôi có thể giữ đạo được”.
Lần khác quan đến hạch sách một bà cụ đang đọc kinh với các con, bà đã khẳng khái nói: “Tôi tin rằng các quan và hoàng đế đã mất lương tri rồi, vì nếu có lương tri một chút thì đã không cấm đoán một tôn giáo dậy thờ Chúa Trời Ðất, một đạo dậy tôn kính cha mẹ, vua quan và tất cả các bề trên, một đạo khích lệ yêu thương các người khác như chính mình và cầu nguyện cho cả kẻ thù của mình, lấy ân lành đáp trả sự dữ.”