Khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa miền Bắc, trong Nam có ba anh em Tây Sơn nổi lên chống Trương Phước Loan. Trước đây Trịnh Sâm đã từng dẹp loạn ở Hưng Hóa nên lợi dụng thời cơ xua quân vào chiếm đất trong Nam năm 1777, đặt quan cai trị được 10 năm. Anh em Tây Sơn hùng mạnh dứt nhà Nguyễn và thừa thắng ra Bắc.
Ban đầu cuộc bách hại đạo vẫn tiếp tục, tuy nhiên các cha vẫn có thể tổ chức giáo đoàn. Tại địa phận Ðông, tòa thánh đã gọi các cha Dòng Augustino về và ít lâu sau lại có lệnh giải tán Dòng Tên. Ngoài những chia rẽ nội bộ và tranh luận về lễ nghi giữa hai địa phận, hai địa phận vẫn phát triển cơ sở.
Thánh Giaxinhtô Castanhêda sinh ngày 13-1-1743 tại Valencia bên Tây Ban Nha, trong một gia đình đạo hạnh có 5 anh em, ba người dâng mình cho Chúa. Ngay từ nhỏ, cậu Giaxinhtô thích bắt chước việc các cha làm lễ và giảng khuyên bạn bè. Một hôm Cha Ferrandiz thuộc Dòng Ða Minh đến thăm gia đình và đã nói câu tiên báo này về cậu: “Hãy săn sóc đứa trẻ này cẩn thận vì nó sẽ làm rạng danh cho Dòng Ða Minh”.
Trong thời gian học trung học, cậu viết thư xin vào tu viện Ða Minh ở Javita. Ngày 13-12-1756 cậu được nhận vào tu viện lúc cậu mới 14 tuổi. Theo luật của công đồng Trentô cậu phải chờ đến năm 17 tuổi mới được khấn. Cậu trau dồi thêm về tu đức. Năm 1761 tỉnh dòng Ða Minh tại Phi Luật Tân tuyển mộ người truyền giáo, cậu hăng hái gia nhập và khởi hành với ba bạn khác. Trong thời gian này cậu lo lắng về mẹ già, sợ mẹ buồn nên cậu viết thư cho người anh báo tin Chúa muốn mình đi xa truyền giáo và yêu cầu anh lo lắng cho mẹ thay mình. Ðoàn truyền giáo tới Manila tháng 6-1763. Sau hai năm chuẩn bị, Thầy Giaxinhtô được thụ phong Linh Mục ngày 2-6-1765. Cha Giaxinhtô được bề trên chỉ định đi truyền giáo tại Trung Hoa. Tháng 10 năm đó cha đến Phúc Kiến vừa học tiếng Việt vừa lén lút truyền đạo, vì lúc đó đang bắt đạo dữ dội. Ngày 19-6-1769 lúc cha đi giúp kẻ liệt thì bị bắt, giam tù, và sau đó bị trục xuất về Macao.
Có lẽ ý Chúa muốn cho cha được phúc tử đạo tại Bắc Việt khi bề trên sai cha sang đây, nên cha trở lại ngày 22-1-1770, và được đưa tới nhà Ðức Chúa Trời tại Trung Linh để học tiếng Việt, và được đặt tên là Gia lấy từ chữ Giaxinhta, tên thánh của người. Sau 6 tháng chăm chỉ học tiếng Việt, cha được chỉ định coi sóc 14.000 giáo dân trong 60 họ tại Phú Thái với hai cha Việt. Trong ba năm làm việc cha không kể chi những khó khăn của thời tiết, tận tình giúp giáo dân, nhất là đưa những người chối đạo trở về. Nguồn sức mạnh duy nhất của cha là cầu nguyện trước Thánh Thể, lần hạt và suy ngắm. Hai lần cha trốn thoát được khỏi tay kẻ cướp và lính bắt đạo tại Kẻ Chiêm và Bác Trạch. Người chứng trước tòa án điều tra nói: “Cha rất có lòng thương người nghèo và tha thiết cứu linh hồn người khác”.
Ngày 11-7-1773 cha được mời đi giúp kẻ liệt tại làng Kẻ Hoi. Lúc đó cha cũng đang ốm yếu nhưng đã hăng hái lên đường. Trên đường đi, một tướng cướp tên là Lê Ðo theo sát để bắt. Cha và người giáo dân tên Tân bỏ thuyền chạy vào làng Kẻ Gia, một làng hoàn toàn bên lương. Một bà nhận cho cha ẩn trốn với giá15 nén bạc. Ðến khi chồng bà về nhà, sợ bị liên lụy, bà liền đi tố giác với tên Lê Ðo. Cha bị đấm đá và đè xuống trói lại đem về nhà tên cướp. Tại đây hắn xỉ nhục người không tiếc lời và hành hạ dữ tợn để chờ giáo dân mang tiền đến chuộc. Cha bị bỏ đói trong phòng tối hai ngày không được ăn uống, có lúc cha ngất xỉu không biết gì nữa. Khi được ăn chút cháo, cha tỉnh lại và nhắn với cha bề trên dòng đừng bỏ nhiều tiền chuộc làm gì.
Không được như ý, Lê Ðo báo cho quan Trung Hiên huyện Kẻ Bích biết là đã bắt được đạo trưởng. Quan cho lính đến giải về huyện và giam 20 ngày. Ngày 5-8 cha bị nhốt vào cũi tre đem ra phơi nắng trước đám đông để người qua kẻ lại xỉ vả. Thấy có đám đông, Cha Gia biến cũi tre thành tòa giảng đạo. Có một nhóm học trò thông chữ đến tranh luận với cha. Một số công nhận đạo lý Cha Gia giảng rất hay, nhưng lại nói đạo này bị vua chúa cấm nên không tin theo. Quan huyện còn hành hạ cha để mong số tiền kếch xù của giáo dân. Một người con của quan đến chửi rủa thì bị ngã vật ngay dưới đất. Còn chính quan đã đề nghị với Cha Gia: “Nếu ông muốn tự do, hãy nói giáo dân mang đến cho tôi 500 quan tiền”.
Cha Gia đáp: “Giá chuộc tôi một đồng tiền đỏ cũng không được. Nếu ông muốn trả tự do cho tôi thì hãy làm đi, còn nếu muốn giải tôi về kinh cho vua thì tôi sẵn sàng chịu chém hay bất cứ cực hình nào khác”.
Trong hai tháng trời cha bị giam giữ tại Kẻ Bích, không những thân xác cha bị hành hạ mà tinh thần cha cũng phải trải qua thời kỳ đen tối khô khan trong lời cầu nguyện, lo lắng và bối rối. Người viết cho Cha Lavilla ngày 16-9-1773 như sau: “Cha nghe biết những nỗi khổ của tôi trong lao tù, từ ngày 5-8, tôi bị giam trong cũi chật hẹp đợi ngày giải về kinh. Tôi tin tưởng cha là bạn thân để có thể nói lời tâm sự. Linh hồn tôi cảm thấy sầu khổ vô vàn, tối tăm, khô khẳng. Quỉ ma những quấy rối sự bình an trong tâm hồn tôi bằng những buồn phiền và chán ngán. Nhưng chớ gì danh Chúa được chúc tụng. Hơn lúc nào hết tôi cần ơn phù trợ thiêng liêng của Chúa. Mỗi hành động giục lòng mến Chúa đủ làm cho tôi có sức mạnh chế ngự cơn bão táp. Thưa bạn, bây giờ tôi tràn ngập niềm vui về số phận tôi được và tôi khiêm tốn nài xin Chúa hoàn tất công việc Chúa đã khởi sự nơi tôi. Ðể tội lỗi tôi không làm cản trở lòng nhân lành Chúa, tôi xin bạn cầu nguyện cho tôi, dâng các hy sinh để Chúa ban ơn xá giải mọi lỗi lầm và trái tim tôi được thanh tẩy để có thể trở nên của lễ làm vinh danh Chúa. Amen!”
Ngày 2-10 một cũi khác được mang đến quan huyện trong đó là Cha Vinh Sơn Liêm, người bạn cùng dòng. Thật an ủi và khích lệ cho Cha Gia trong lúc tâm hồn phải chiến đấu với bao nhiêu thử thách. Ngày 16-10, hai cha bị dẫn giải về phủ với nhiều binh lính hộ vệ. Quan huyện nghĩ là mình sẽ được thưởng vì có công bắt được đạo trưởng, nhưng khi vừa tới quan phủ đã bị quan lớn Tàn Cân lạnh lùng, trút hết trách nhiệm lên đầu. Quan lớn nói: “Ông hãy giam giữ tại nhà riêng của ông và phải canh chừng, nhưng hãy đem họ ra khỏi cũi. Tôi cũng không muốn họ phải mang xích. Ông nghĩ rằng bắt bớ hai đạo trưởng đầy nhân đức của đạo sẽ tiêu diệt được đạo Công Giáo hay sao?”
Tại kinh đô có nhiều giáo dân đến thăm viếng các đấng và cả lương dân nữa. Các cha lợi dụng cơ hội để giảng đạo. Quan huyện rất bực vì thấy dân chúng đến nghe giảng thì mắng họ: “Các ngươi không biết rằng đạo đã bị vua cấm sao? Hãy xem cảnh khốn khổ các đạo trưởng đang phải chịu. Nếu các ngươi trở thành tín đồ Công giáo, các ngươi cũng phải chịu cùng một số phận ấy”.
Một người đứng đó liền nói lại: “Năm rồi Trời đã phạt chúng ta vì các quan bắt bớ đạo Thiên Chúa. Chúng ta vẫn còn nhớ rõ mỗi khi các đạo trưởng bị xử tử thì hết đói khát đến dịch tễ và muôn nghìn những khốn khó khác giáng trên đầu chúng ta. Vụ mùa trước đã mạt, vụ này chưa có thể gieo lúa làm sao tháng 10 tới có thể gặt? Tai nạn khác sẽ đổ ập trên chúng ta nếu không chấm dứt việc bắt bớ Kitô giáo”.
Tức giận, quan huyện tự mình dẫn giải tù nhân lên kinh đô nộp cho Chúa Trịnh. Trên cũi ông cho viết bảng chữ: “Ðạo Trưởng đạo Hoa Lang”. Chúa Trịnh ra lệnh giam các đấng trong tù. Ít ngày sau, một ông sư và một thầy đồ nho được đem đến đối chất với hai cha. Ðây là ý muốn của bà Thượng Trâm, quê ở Cảnh Viên thuộc Hải Dương, là mẹ của hoàng tử Sáu, chú của Trịnh Sâm, muốn cho con có dịp nhận ra đạo thật. Tại nhà hoàng tử hôm ấy có hai cha, thầy đồ nho, thầy cúng và nhà sư. Các vị tranh luận với nhau đạo nào là đạo thật. Không phải vì bị cấm mà đạo Công Giáo không phải là đạo thật. Cuộc tranh cãi xoay quanh ba đề tài chính: con người từ đâu mà đến, tại trần gian con người là gì, và sau cùng con người sống để làm gì và khi chết sẽ đi về đâu? Nội dung cuộc tranh luận hy hữu này được chép lại trong cuốn sách, tựa đề là Hội Ðồng Tứ Giáo Danh Sư.
Ngay khi mới tới kinh đô Cha Gia còn được vua Cảnh Hưng hỏi han riêng vì ông muốn xem mặt mũi một người ngoại quốc. Vua hỏi: “Tại sao ngươi đến nước này?”
Cha Gia đáp: “Tôi đến giảng dậy về đạo Ðức Chúa Trời để ai tin nhận thì được hưởng hạnh phúc trên trời sau khi chết”. “Không tốt hơn là ngươi giảng đạo tại nước của ngươi sao?” - “Nước của tôi từ vua cho đến dân hết thảy đã tin theo từ nhiều thế kỷ, không cần phải giảng đạo nữa. Vì thế chúng tôi các đạo trưởng phải bỏ quê quán đi khắp nơi để giảng đạo và như thế mới đáng công hơn ở trong nước”.
Ngoài việc tranh luận lẽ đạo, Chúa Trịnh còn bắt các cha mặc áo lễ để làm các việc thờ phượng cho ông xem. Hai cha quì gối trước thánh giá đọc kinh Lạy Cha, Tin Kính và kinh Ăn Năn Tội bằng tiếng Việt, rồi quay qua tượng Ðức Mẹ đọc kinh Lạy Nữ Vương. Chúa Trịnh liền ngắt lời hỏi Cha Gia: “Vua của nước ông như thế nào? Khi ra khỏi đền đài có cầm quạt không? Có được che lọng không? Ðược ngồi trên kiệu hay phải đi bộ? Ta nghe nói vua Bồ Ðào Nha có bồn tắm bằng thủy tinh có đúng không?”
Cha Gia không biết phải trả lời ra sao trước những câu hỏi ngớ ngẩn này.
Sau đó hai cha được đưa về ngục. Quan huyện thấy mất công vô ích thì xúi hoạn quan làm tờ biểu vu khống cho hai cha là những người âm mưu phản nghịch. Chúa Trịnh giao cho các quan nghị án. Bốn ngày sau các quan đề nghị chém đầu vì là đạo trưởng của đạo Hoa Lang. Nghe tin về bản án, Cha Gia xin một vị linh mục đến giải tội, sau đó Cha Vinh Sơn Liêm xưng tội với người bằng tiếng Latinh.
Ngày 7-11-1773 hai cha bị nhốt vào cũi và xích lại đem ra phủ chúa trước khi đến pháp trường. Một bà tên là Giaxinhta Tre làm chứng: “Hôm đó tôi chạy đến gần Cha Gia xem cha có cần gì không. Cha Gia nói là khát nước nên tôi chạy đi mua hai cốc nước. Lúc cầm về thì tên lính cản lại, bắt tôi uống hết, vì nghi là tôi bỏ thuốc độc vào. Tôi uống một chút rồi lính canh cho tôi vào. Tôi trông thấy hai cha mặt rất tươi vui. Lúc ấy cũng có hai tù phạm cùng bị đem ra hành quyết, nét mặt họ nhợt nhạt vì sợ hãi. Một người đã nguyền rủa hai cha, vì các đấng mà họ bị xử sớm hơn”.
Vào khoảng giữa trưa các đấng đến pháp trường Ðồng Mơ. Lính mở cũi và tháo xiềng cho hai cha, các đấng liền ban phép lành cho nhau, rồi cởi áo tặng người khác. Hai cha bị trói vào cọc, tóc búi lên cao để chìa cổ ra cho lý hình chém. Quan giám sát ra hiệu, lính vung gươm chém xuống. Nhát thứ nhất đầu Cha Liêm rơi xuống đất. Ðầu Cha Gia hứng chịu ba nhát gươm mới lìa khỏi cổ rơi xuống đất. Giáo dân thấm máu để lưu giữ.
Ngay sau vụ hành quyết có lệnh cấm đạo được công bố, nên giáo dân vội vàng chôn cất hai cha tại Trung Linh. Xác các đấng được mở ra khám nghiệm hai lần: Năm 1818 và 1903 khi làm hồ sơ phong Á Thánh cho các đấng. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ X tôn phong các đấng lên hàng Chân Phúc ngày 15-4-1906.
Thánh Vinh Sơn Liêm sinh tại họ Thôn Ðông, làng Trà Lũ, huyện Phú Nhai, tỉnh Nam Ðịnh, con ông Antôniô và bà Monica Thiếu Ðao. Khi người mới sinh ra vì ốm yếu, mẹ người đã rửa tội và đặt tên thánh cho người là Vinh Sơn. Năm 12 tuổi cậu học tiếng Latinh và chữ Hán. Nhận thấy cậu có tư chất thông minh cha Chính Huy gửi cậu sang du học tại trường Thánh Gioan Latêranô ở Manila khi cậu được 16 tuổi. Sau 5 năm học và luyện tập tu đức cậu xin nhập dòng Ða Minh và được mặc áo dòng ngày 8-9-1753. Một năm sau thầy Liêm cùng với ba thầy Việt Nam khác được tuyên khấn trọng thể. Tiếp tục học thần học 4 năm, thầy được thụ phong linh mục ngày 3-10-1758. Ngay sau đó cha Liêm trở về làm việc cho giáo dân Việt Nam, sau 10 năm xa cách.
Trong 14 năm làm việc tông đồ, cha Liêm lần lượt phụ trách Phú Thái, Quất Lâm, Trung Lao, Lục Thủy Thượng, Trung Lê, Trung Linh, Trung Lao, Kẻ Mết... Tuy không có lệnh lùng bắt các thừa sai, cha Liêm cũng chỉ đi thăm các giáo dân và ban bí tích cho họ vào ban đêm. Thầy Giuse Bình làm chứng như sau: “Trong nhiều năm theo giúp Cha Liêm đi làm phúc, từ khoảng lễ Thánh Ða Minh cho đến mùa Vọng, và từ lễ Tro cho đến lễ Chúa Ba Ngôi, tôi thấy Cha Liêm liên lỉ ngồi tòa giải tội, có khi suốt đêm. Người khuyên giảng người có đạo cũng như lương dân về đạo thánh Chúa. Nếu có bất hòa, người làm mọi cách để lấy lại hòa thuận và bác ái với nhau. Khi được mời đi kẻ liệt người đi ngay. Người còn ân cần chỉ bảo các người giúp việc. Người rất nổi tiếng về lòng thương kẻ nghèo và lòng bác ái, xin người giầu để cho người nghèo”.
Ngày 1-10-1773 cha Liêm rời Thanh Lan để mừng lễ Thánh Ða Minh tại Lương Ðống cùng với hai chú Mathêu và Giuse Binh, cha bị phát giác và bị tố cáo với tên Diên Can, cũng là người đã bắt Cha Gia trước đây. Ðang đêm Diên Can họp gia nhân bạn bè đến làng Lương Ðống. Tảng sáng họ vào nhà ông Nhiêu Nhuệ, nơi cha Liêm trú qua đêm. Cha không kịp cất giấu đồ làm lễ nên bị bắt ngay tại chỗ. Cha còn bị vết thương ở đầu, máu me chảy đầm đìa. Hai chú cũng bị bắt như vậy. Chúng còn đem cha Liêm và hai chú đến làng bên cạnh đang có phiên chợ để người lương ném bùn xỉ vả. Cha Liêm khát nước họ cũng không cho uống. Chiều hôm đó họ dừng tại làng Dâu Hoi và sáng hôm sau nhốt tất cả vào cũi giải lên quan huyện. Ngày 14-10 cha Liêm cùng với cha Gia và các người nhà bị bắt được giải lên Nam Ðịnh và 4 ngày sau các đấng lại bị đưa lên Kinh Ðô.
Trong một lần điều tra, Chúa Trịnh nói riêng với cha Liêm: “Người ngoại quốc kia (tức là Cha Gia) đến xứ chúng ta giảng dậy đạo đã bị cấm vì không biết, còn ngươi là người Annam, sinh tại nước này, sao ngươi dám phạm luật mà ngươi đã biết rất roõ?”
Cha Liêm đáp lại: “Tâu chúa thượng, không phải là tôi không biết luật pháp quốc gia, nhưng vì tôi là một tín hữu Kitô từ thuở bé. Chính Ðức Chúa Trời mới là người tôi phải vâng lời trên hết. Thiên Chúa đã ban cho tôi bao nhiêu ơn lành và đã gọi tôi làm đạo trưởng rao giảng đạo thánh. Không những tôi tin chắc chắn, mà tôi cũng không làm gì lầm lỗi khi rao giảng đạo cho những người đồng hương còn chưa được biết đến. Vì thế tôi sẵn sàng tiếp tục và đó là nguyện vọng duy nhất của tôi”.
Nghe như vậy Chúa Trịnh nói với các quan: “Lẽ đương nhiên người ngoại quốc phải chém đầu, còn người An Nam vì bị dụ dỗ có thể chỉ kết án tù chung thân”.
Nghe vậy Cha Liêm liền thưa lại: “Nếu chúa thượng kết án người bạn đồng hành của tôi thì cũng phải kết án cả tôi nữa, bởi vì tôi cũng có lỗi như người kia. Còn nếu chúa thượng để tôi sống thì cũng phải nhân nhượng với người kia vì cũng vô tội như tôi vậy. Tôi xin được đối xử đồng đều. Người kia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng, người kia giảng đạo tôi cũng thế. Mọi cái người kia làm tôi cũng làm. Chúa thượng nói người kia là ngoại nhân vi phạm luật lệ quốc gia còn tôi là người trong nước đã cả gan bất tuân... Vì thế tôi có tội hơn người kia. Bởi vậy chúa thượng không thấy là tôi cũng phải chịu hình phạt như vậy sao?”
Dưới áp lực của thân mẫu, của quan huyện và đám hoạn quan, Chúa Trịnh và hội đồng đã kết án hai cha phải xử tử. Trong buổi đọc án, ông Phaolô, một nhân chứng, quả quyết là đã nghe người lương dân nói như sau: “Tại sao Chúa Trời đất không giải cứu các đấng để chúng ta tin theo?”
Người khác cũng bị xử là hai cha con, một người đã nguyền rủa: “Chính vì tại hai ông đạo trưởng mà chúng tôi cũng bị xử tử sớm như vậy”. Riêng hai chú theo cha Liêm thì bị kết án lao dịch coi chuồng voi suốt đời, nếu không đem tiền chuộc tội. Quan huyện được thăng thưởng, Diên Can cũng được khen thưởng xứng công. Cha Liêm và Cha Gia bị xử tử tại pháp trường Ðồng Mơ. Một người chứng nói rằng, hôm xử các đấng giáo dân đến đông như kiến vậy, họ ập vào thấm máu các vị tử đạo bất kể bốn hàng lính canh và đánh đập do quan ra lệnh. Thầy già Phaolô Châu nói: “Tôi cầm được chiếc đầu của Cha Gia, nhưng ngay lúc đó 3, 4 người khác xô tôi xuống đất, tôi lại cầm được đầu của cha Liêm và mang ra ngoài”.
Bà Ursula quả quyết rằng con gái bà là Luxia đã lấy được tràng hạt của cha Gia và một mảnh áo, nó về nhà người nhuốm đầy máu. Tám người thanh niên Công Giáo được ngầm chỉ định hôm trước đã bảo vệ xác các đấng bỏ vào võng đem đi. Lúc ấy trời đổ mưa dữ dội. Họ lội, mang thi thể các đấng về làng Kẻ Sặt, đem xuống thuyền đưa về chôn cất tại Trung Linh. Một trong 8 người thanh niên lấy xác đi, sau này đã bị nhận diện nên bị bắt giam tù một năm, đồng thời phải nộp một số tiền phạt khá lớn. Cha Vinh Sơn Liêm cùng với Cha Gia đã được Ðức Giáo Hoàng Pio thứ X phong Á Thánh ngày 15-4-1906.
Sau khi hành quyết Cha Gia và Cha Liêm, Trịnh Sâm cho công bố một sắc lệnh bắt đạo thật dữ tợn. Nội dung như sau: “Hội đồng tòa án công bố sắc lệnh của hoàng thượng cho các quan khắp nơi trong nước được biết để triệt để tuân hành. Khắp nơi tà đạo dùng lời nói lừa gạt nghịch lại với luật lệ và thói tục quốc gia nên cần phải nghiêm cấm. Tà đạo ấy là đạo Hoa Lang, giảng dậy những điều kỳ quặc và nói về các tật xấu cũng như nhân đức làm cho người nghe cảm động vì những lời nói dối trá ấy. Những người theo tà đạo không những hủy hoại luật lệ mà còn xúc phạm đến cả đạo lý quốc gia nữa. Từ lâu đời đã có nhiều sắc lệnh cấm đạo này. Các sắc lệnh đã truyền cho các quan trấn phải hết lòng bắt bớ các người tin theo. Không những các người mê muội tin theo mà mỗi ngày con số các tín hữu còn tăng thêm khắp mọi miền, che giấu cho nhau. Chắc chắn rằng đạo đó là một lừa dối, không thể để cho tiếp tục bành trướng thêm. Vậy các quan phải tuân theo lệnh hoàng thượng, chấn chỉnh tục lệ quốc gia và loại trừ các thói xấu. Do đó hoàng thượng ra lệnh cấm đạo này vì đó là tà đạo. Các người đã trót theo thì phải sửa sai lầm lỗi, mang nộp các sách và thiêu hủy hoàn toàn. Các nhà hội và nhà thừa sai phải phá hủy. Ai bắt gặp đạo trưởng ở đâu đều được quyền bắt giữ và giao cho quan trấn tại Kinh Ðô hoặc giao cho quan sở tại. Sau khi hội đồng tòa án xem xét tội phạm sẽ ra án. Hạn cho hai tháng để các người học đạo được thay đổi việc học. Tại các trường bất cứ ở đâu phải nghiêm cấm việc giảng dậy đạo nói trên. Sau thời hạn hai tháng còn bắt gặp thừa sai hoặc người dậy đạo trong bất cứ nơi nào, cả những người nghe theo hay thực hành đạo, các quan sở tại và mọi người biết được phải tố giác với quan trấn thủ. Quan trấn thủ sẽ sai lính đến bắt các người đứng đầu cũng như tín đồ để giao nộp cho tòa xét xử xứng tội phạm. Nếu quan hay xã trưởng để cho thầy đạo giảng dậy trong lãnh thổ của mình mà không tố giác sẽ bị bắt giam. Người nào tố cáo sẽ được trọng thưởng. Nếu làng xã nào không ngăn cấm hoặc tố cáo mà có người khác tố cáo đúng sự thật thì người tố cáo được thưởng và miễn tạp dịch ba đời, làng xã bị tố cáo sẽ phải nộp thuế gấp 10 lần. Nếu người tố cáo thuộc làng khác thì làng ấy được giảm thuế. Ðó là cách phải đối phó với đạo Hoa Lang để uốn nắn lòng người. Ngày 28-9 năm vua Cảnh Hưng thứ IV (14-11-1773)”.
Sắc lệnh trên tàn bạo ở chỗ phạt cả làng, nếu có người theo đạo Công Giáo, còn làng nào có người tố cáo được giảm thuế. Người tố cáo được miễn tạp dịch đến ba đời. Sau khi công bố, các quan trong triều chia làm hai phe. Phe già cho rằng bắt đạo chỉ mở cơ hội rối loạn và cướp bóc thêm. Lệnh được công bố, khắp nơi hoang mang, các thừa sai trốn ẩn và rất khó tìm được một nơi an toàn. Tại địa phận Tây, mọi cơ sở bị phá hủy và cướp bóc. Không còn những buổi hội họp đọc kinh chung nữa. Năm 1774 một cha Việt Nam ở Nghệ An bị bắt với hai thầy giảng đã phải chuộc 800 quan tiền, các đồ lễ bị thiêu hủy hết. Ba bà dòng bị bắt tại Nghệ An, còn tu viện bị dân ngoại cướp sạch. Ngoài ra cuộc chiến xâm lấn miền Nam làm nhiều quan tốt phải chết, các quan mới chỉ tham tiền và cướp bóc. Tất cả các nhà dòng phải giải tán. Có 42 người bị bắt, bị thích chữ “Học Hoa Lang Ðạo” và bị lưu đầy. Người ta chưa từng thấy có cuộc bách hại nào khốn nạn như lần này. Bên địa phận Ðông, qúa nửa các nhà thờ và nhà xứ bị phá hủy, chỉ trừ mấy nơi như Trung Linh, Kẻ Bùi, Trung Lễ, Hạ Linh là còn nguyên. Ngày 29-1-1777 Thầy Ða Minh Thu, 30 tuổi, bị bắt và xử trảm tại Kinh Ðô. Bắt đạo chỉ ngưng khi Trịnh Sâm chết vào năm 1782 và loạn Kiêu Binh phá tan sự nghiệp của dòng họ Trịnh.
Trong thời kỳ quân đội Chúa Trịnh đô hộ miền Nam cũng đã công bố lệnh cấm đạo tháng 1-1778 gồm 4 điểm: Gặp thừa sai ở đâu là chém đầu ngay, làng nào chứa thừa sai phải phạt, nếu còn hội họp giữ đạo thì bị trừng trị, và các nhà thờ phải phá hủy trong vòng 15 ngày. Thừa sai Labartette ở Huế bị bắt hai lần vào tháng Giêng và tháng Tư nhưng đều được trả tự do.