Nếu một trong hai bạn trước đây đã kết hôn, bạn sẽ phải đặc biệt chú ý đến một số vấn đề. Ngoài việc chung đụng đời sống cá nhân và nới rộng gia đình, có thể bạn đem con cái vào gia đình mới, hoặc bạn cần phải sát nhập đời sống và quá khứ của các con lớn sống ngoài hôn nhân. Cũng có thể phải đối phó với vấn đề các cháu. Nhưng ngay cả khi một trong hai bạn không có con và không phải đối phó với vấn đề con cái, điều đầu tiên thật quan trọng để suy nghĩ là quá khứ của mỗi người, và điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tương giao của hai người.
Ngoài việc thận trọng nghiên cứu và đối thoại về gia đình gốc (xem chương 2, 3, 4 & 5), bạn cũng phải thận trọng duyệt xét và chia sẻ với nhau về các động lực tích cực và tiêu cực của bất cứ hôn nhân nào trước đây. Nếu bạn chỉ “chung sống” với người khác, dù bạn không kết hôn, có lẽ cũng quan trọng để duyệt xét và chia sẻ về sự tương giao này.
Tại sao lại lưu ý đến các tương giao trước đây? Các giá trị căn bản và ý tưởng của bạn về sự liên hệ với người khác thì chính yếu được hình thành khi bạn lớn lên trong gia đình gốc. Tuy nhiên, các khả năng mật thiết và giao tiếp của bạn cũng được khuôn đúc và thích ứng--để tốt hơn và/hoặc tệ hơn—trong hầu hết các tương giao quan trọng trong đời. Nếu đó là một tương giao lành mạnh (ngay cả khi bạn không kết hôn), hay một hôn nhân lành mạnh (mà nó chấm dứt với cái chết của người kia), có lẽ bạn sẽ rất mong chờ và kỳ vọng nhiều vào hôn nhân với người mới. Nếu là một tương giao hay hôn nhân không lành mạnh (có lẽ được chấm dứt với án ly dị đời và sự vô hiệu hóa của giáo hội), bạn cũng có thể tràn trề hy vọng là hôn nhân mới không còn các động lực tiêu cực của hôn nhân cũ. Tuy nhiên, có thể bạn vẫn mang theo các thương tích tâm lý cũ mà nó cản trở bạn không còn cởi mở và tín thác vào hôn nhân mới.
Vấn đề là, bất cứ tương giao hay hôn nhân nào trước đây đều có ảnh hưởng. Trong khi cái chết của người phối ngẫu cũ hay án ly dị có thể “chấm dứt” hôn nhân trước, các kinh nghiệm về tương giao—lành mạnh hay không lành mạnh--dường như được “mang theo” vào hôn nhân mới. Nếu bạn đã từng kết hôn, và đó là một hôn nhân khó khăn/không lành mạnh, trong thời gian căng thẳng, có thể bạn thấy mình vô tình trở lại kiểu cách đối phó cũ của bạn trong hôn nhân trước, ngay cả khi chính bạn và người phối ngẫu tương lai đã hết sức cố gắng học hỏi các khả năng giao tiếp hữu hiệu và lành mạnh. Điều này có thể khiến hai bạn chán nản. Cách tốt nhất để đối phó với vấn đề này là phải chấp nhận thực tế cũng như sức mạnh của động lực này và tìm cách nói chuyện với nhau về các cảm nghiệm này. Một nguyên tắc cần nhớ là: Nếu chúng ta có thể nói về điều đó, chúng ta có thể cùng giải quyết với nhau--với sự trợ giúp của ơn Chúa! Chính vì bạn không thể hay không muốn nói về điều đó mới tạo thành khó khăn cho bạn.
Nếu bạn chưa bao giờ kết hôn và chuẩn bị đám cưới với một người đã từng kết hôn, bạn có thể dễ dàng cho rằng hôn nhân trước kia của người ấy sẽ ít ảnh hưởng đến tương giao vợ chồng của bạn (nhất là khi hôn nhân trước không có con). Điều này có thể sai lầm lớn. Hôn nhân trước có thể đóng một vai trò lớn hơn bạn tưởng. Đó là lý do tại sao phải chia sẻ về các động lực tích cực cũng như tiêu cực của các tương giao trước với nhau.
Trước khi kết hôn là thời gian tốt nhất để lọc qua các ưu và khuyết điểm của bất cứ sự tương giao nào trước đây và “gạn lấy vàng” mà bạn muốn giữ khi hai bạn chung sống và cùng nhau tạo thành điều gì mới mẻ. Điều này sẽ giúp hai bạn có thể khởi sự tốt đẹp nhất cho hôn nhân mới. Thi hành điều này với sự chỉ dẫn của một chuyên gia trị liệu hoặc một đôi vợ chồng bảo trợ thì hữu ích hơn. Sẵn sàng thi hành điều này là một dấu chỉ nói lên sức mạnh, chứ không phải sự yếu kém. Nếu bạn sẵn sàng nhìn lại, bạn có thể học hỏi và thăng tiến từ những gì đã xảy ra cho bạn. Có thể bạn sẽ biết cách đối phó và giao tiếp tốt đẹp hơn để rồi bạn có thể tiến lên như một cá nhân lành mạnh, và như một đôi vợ chồng lành mạnh.
Một “gia đình hỗn hợp” ám chỉ cho bất cứ trường hợp nào mà hai người sẽ đem con vào hôn nhân mới. Có nhiều loại gia đình hỗn hợp.
Gấm là một goá phụ 31 tuổi mà người chồng bị chết trong một tai nạn. Bà có đứa con trai bảy tuổi. Gấm có quen biết, hẹn hò với Minh trong khoảng gần một năm. Minh là kiến trúc sư, 29 tuổi và chưa lập gia đình bao giờ. Cả hai đều là người Công Giáo tốt lành và họ quen nhau trong một buổi họp ở giáo xứ. Hai người dự định làm đám cưới vào dịp hè nhân khi cha mẹ của cả hai bên xuống thăm. Minh nghĩ là khả năng tài chánh của anh đủ để đùm bọc một gia đình mới, nhưng Gấm dự định tiếp tục công việc Bưu Điện mà bà đã làm việc trong năm năm qua.
Bạn nghĩ gì về tương lai của họ trong một gia đình hỗn hợp?
Dũng 35 tuổi. Khi 20 tuổi, người con gái ông hẹn hò đã có thai với ông và ông can đảm nhận trách nhiệm bằng cách kết hôn với cô ta. Sau hai năm, hôn nhân tan vỡ. Cô đòi ly dị và muốn giữ đứa con. Ông phải cấp dưỡng cho đứa con. Vào lúc 26 tuổi, Dũng tái hôn với Giang là người đã có hai con, nhưng chưa bao giờ chính thức kết hôn. Sau bảy năm chung sống, hai người có được hai đứa con riêng, và Giang quyết định không còn yêu thương Dũng nữa, và cô muốn ly dị. Thật là một tiến trình đau lòng. Họ ra tòa nhiều lần để tranh giành quyền giám hộ hai đứa con của Dũng. Sau cùng họ đồng ý tình trạng đồng giám hộ, mỗi năm Dũng được giữ hai đứa con trong vòng sáu tháng, nhưng đó là hoàn cảnh khó khăn cho mọi người.
Mới đây Dũng tham dự “nhóm hỗ trợ” người ly dị và góa bụa. Những cuộc gặp gỡ thật hữu ích, và ông gặp Hoa, 31 tuổi và có bốn con, đứa lớn nhất tám tuổi. Chồng cô Hoa bỏ bê gia đình và ly dị cô hai năm trước đây. Cô được quyền giám hộ các con. Hoa và Dũng trở nên những người bạn thân và tích cực giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu, cả hai đều tuyên bố là họ không muốn tái hôn nữa, nhưng bây giờ cả hai thú nhận là họ đã thực sự yêu nhau và đang nghĩ đến hôn nhân.
Bạn nghĩ gì về tương lai của họ trong một gia đình hỗn hợp?
Một số trường hợp--như của Gấm và Minh--thì có vẻ đơn giản như thiết lập một gia đình đầu tiên có lẽ vì không có chuyện người chồng cũ đến thăm con. Tuy nhiên, cái chết có thể là một yếu tố lớn. Người cha từ trần thường được lý tưởng hóa, và phải nghĩ đến họ hàng bên nội (đến thăm ông bà nội?), và các em còn phải đối phó với “cha mẹ ghẻ” là người không thể nào hoàn toàn thay thế được, dù họ cố gắng hết sức. Ngoài ra còn phải để ý đến yếu tố quan trọng của quá khứ bệnh tật. Bởi thế hoàn cảnh này không đơn giản như chúng ta tưởng. Những thách đố của các trường hợp khác--như của Dũng và Hoa--thì hiển nhiên hơn. Con cái của hôn nhân trước thường tạo nhiều khó khăn cho cha/mẹ nó, người phối ngẫu mới của cha/mẹ nó, và anh chị em mới của nó.
Hãy suy nghĩ những điểm sau:
Dường như ai cũng biết điều này, nhưng dễ có khuynh hướng cho rằng “mọi sự rồi sẽ tốt đẹp” vì chúng tôi thực sự yêu nhau và lo lắng cho nhau. Có thể hai bạn đã sẵn sàng bắt tay xây dựng một gia đình hỗn hợp mới và lành mạnh. Tuy nhiên, thật quan trọng để nhận biết rằng có nhiều người khác (tỉ như, con cái, gia đình bên vợ/chồng, hoặc người phối ngẫu cũ) rất có thể có những chương trình khác với bạn. Điều này không có nghĩa là họ “xấu;” nhưng nó có nghĩa là họ cảm thấy ít quan trọng hơn trong “gia đình hỗn hợp” mới này. Nếu bạn nghĩ là việc thành lập một gia đình hỗn hợp sẽ giải quyết được vấn đề hiện thời, có lẽ bạn đã tự gây ra cho mình nhiều khó khăn thật nhức đầu. Có thể bạn thực sự thành công trong việc tạo dựng một gia đình hỗn hợp tốt đẹp, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu bạn có khả năng trên trung bình để đối phó với mọi vấn đề sẽ xảy ra sau khi kết hôn.
Nếu bạn khôn ngoan, bạn nên tìm hiểu mọi lý thuyết về “gia đình là một hệ thống.” Điểm căn bản là ý thức rằng gia đình KHÔNG chỉ là một nhóm người có chút liên hệ với nhau; đúng hơn, mỗi một gia đình là một hệ thống nhân sự có liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngay cả khi một người “rời bỏ gia đình”, rất có thể người ấy vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trên những người còn trong gia đình!
Bởi đó, quyết định tạo lập một gia đình hỗn hợp không chỉ là sự khó khăn tìm kiếm một căn nhà mới đủ cho mọi người. Sự thách đố lớn lao hơn là bạn phải cố thay đổi tối thiểu hai hệ thống gia đình (của bạn và của người phối ngẫu) và tạo dựng một hệ thống gia đình mới và phức tạp hơn mà đôi khi phải bao gồm cả hai hệ thống cũ.
Khi hai người độc thân (chưa có con và chưa bao giờ kết hôn) quyết định thành hôn với nhau, quãng thời gian quen biết và hứa hôn giúp hai người hiểu biết và làm quen với gia đình của người kia. Nếu điều này được thể hiện cách chu đáo và tốt đẹp thì hôn nhân của họ cũng sẽ tốt đẹp. Đôi vợ chồng mới sẽ được sự hỗ trợ của cả hai gia đình. Nếu việc quen biết không được thi hành tốt đẹp, đôi vợ chồng mới có lẽ sẽ phải tranh đấu--có thể là vô tận--với “những vấn đề của gia đình bên kia.”
Nguyên tắc trên cũng được áp dụng cho hai người muốn thiết lập một gia đình hỗn hợp. Một cách lý tưởng, mỗi người, mỗi đứa con, mỗi gia đình bên vợ/chồng phải qua một tiến trình quen biết nhau, và họ phải sẵn sàng hỗ trợ hôn nhân mới và gia đình hỗn hợp mới sẽ được thành hình. Trên thực tế, điều này không thể thực hiện được. Thứ nhất, thật khó để tất cả mọi người gặp gỡ nhau; thứ hai, có thể nói một cách không sai lầm rằng có một số người KHÔNG muốn có liên hệ tốt đẹp với những người khác.
Do đó, có thể giả sử rằng hầu như mọi nỗ lực để thiết lập một gia đình hỗn hợp sẽ phải đối phó với “sự cản trở” và “phá hoại ngầm”, vì đó là cách BÌNH THƯỜNG mà người ta phản ứng với sự thay đổi quan trọng mà họ không khởi động. Nếu bạn có thể coi sự phản đối này là điều bình thường, có lẽ bạn cũng ít lo lắng hơn. Càng ít lo lắng bao nhiêu, bạn càng hữu hiệu hơn trong việc đối phó với các vấn đề và những lưu tâm của người khác.
Càng nghĩ về những gì có thể là trở ngại cho hôn nhân tương lai thì Dũng và Hoa càng lo sợ và chán nản bấy nhiêu. Và rồi, dường như họ muốn bỏ cuộc vì thấy tuyệt vọng, hoặc họ tiếp tục tiến đến hôn nhân và cho rằng họ có thể tranh đấu với mọi khó khăn sau khi kết hôn. Tuy nhiên có thể có một cách tốt đẹp hơn.
Khi Dũng và Hoa càng RÕ RÀNG về những gì muốn thực hiện và CHIA SẺ điều này với những người có liên can, thì có lẽ họ càng ÍT CẢN TRỞ kế hoạch của Dũng và Hoa. Nó giống như trường hợp của một ông bầu đội banh. Càng rõ ràng giải thích chiến thuật cho các cầu thủ, và càng kiên trì với kiểu cách huấn luyện bao nhiêu thì các cầu thủ sẽ “tin tưởng” vững vàng hơn vào sự dẫn dắt của ông bầu và sẵn sàng giúp ông ta đi đến thành công hơn. Nếu ông bầu không rõ ràng, không chắc chắn, thì có lẽ các cầu thủ sẽ theo ý riêng của họ và kết cục đó KHÔNG phải là một nỗ lực toàn đội đưa đến thành công.
Chiến thuật làm sáng tỏ vấn đề và kiên trì với mọi người liên hệ có nghĩa Dũng và Hoa cần phải có khả năng giao tế khéo léo. Trong một ý nghĩa, công việc của Dũng và Hoa là cẩn thận hoạch định mọi sự và sau đó rõ ràng trình bầy với mọi người trong nhà thì không khác với hoàn cảnh của bất cứ đôi tân hôn nào chuẩn bị đám cưới. Nó có nghĩa một gia đình hỗn hợp thành công sẽ là kết quả mọi nỗ lực của mọi người khác trong gia đình chứ không chỉ bởi nỗ lực của Dũng và Hoa.
Hãy suy nghĩ những điểm sau:
1. Hãy cho rằng nỗ lực xây đắp một gia đình hỗn hợp sẽ khó khăn cho con cái.
Thật hữu ích để suy nghĩ về hoàn cảnh của bạn qua cái nhìn của con cái. Bạn đang dự định tái hôn với hy vọng là bạn có thể tạo lập một gia đình mới tốt đẹp cho chính bạn, cho người phối ngẫu tương lai và cho con cái riêng mà hai người sẽ đem vào gia đình mới. Bạn sẽ trải qua một thời kỳ có nhiều thay đổi lớn, và bạn sẵn sàng thi hành điều này vì bạn hy vọng những thay đổi ấy sẽ giúp mọi sự tốt đẹp hơn cho mọi người.
Con cái cũng phải qua những thay đổi lớn; nhưng chúng lo sợ không biết mọi sự sẽ ra sao. Chúng phải đối phó với những người của gia đình bên kia mà chúng không cảm thấy thoải mái. Có thể chúng phải di chuyển đến một thành phố khác, hay một trường học khác để khởi sự lại từ đầu. Cũng nên nhớ rằng, khi bạn chuẩn bị kết hôn với người bạn yêu quý nhất thì con cái bạn phải từ giã những người bạn thân thương nhất của chúng. Dường như đây là thời điểm rất khó khăn cho con cái.
2. Phải hiểu rằng sự phản đối của con cái là điều bình thường, ngay cả chống đối việc tái hôn của cha mẹ.
Có thể bạn dễ đối phó với vấn đề ly dị hay cái chết của người phối ngẫu và sẵn sàng thiết lập một kết ước mới với một người khác và với con cái của họ cũng như cha mẹ của họ. Nhưng sự sẵn sàng của bạn không có nghĩa con cái bạn cũng phải sẵn sàng tuân theo kế hoạch của bạn.
Tin rằng chúng có phần nào “trách nhiệm” trong việc ly dị của cha mẹ là điều thường tình của các em. Dĩ nhiên, điều này không đúng. Nhưng ý tưởng đó ăn sâu trong tâm khảm của con cái và chúng luôn nuôi hy vọng rằng cha mẹ chúng sẽ tái hợp với nhau và gia đình sẽ hòa thuận trở lại, và chúng sẽ không còn mặc cảm tội lỗi vì gây ra việc ly dị! Con cái thường cản trở việc tái hôn là vì chúng lo sợ rằng hôn nhân mới sẽ tiêu hủy hoàn toàn cơ hội tái hợp của cha mẹ chúng.
Con cái của những gia đình mà người cha hay mẹ từ trần thì có lẽ chúng thành thật mong ước cho người cha/mẹ còn sống có được một hôn nhân hạnh phúc khác, nhưng điều này không có nghĩa chúng sẵn sàng hy sinh tình cảm mà chúng đã đặc biệt dành cho người còn sống. Không phải là điều bất thường khi con cái trở nên “bạn tâm giao” với người cha/mẹ cô độc, và cuộc hôn nhân mới khiến chúng cảm thấy bị “giáng cấp” xuống một bậc kém quan trọng hơn và ít tự do hơn. Ngay cả những đứa trẻ thật nhỏ cũng có thể cảm thấy chúng không còn được lưu ý khi cha/mẹ chúng đang chuẩn bị tái hôn, và có lẽ đang chú ý đến những anh chị em mới của chúng.
Dù con cái có vẻ đồng ý với hôn nhân mới của bạn, thật khôn ngoan để cho rằng có những lý do quan trọng để chúng cản trở sự thay đổi mà sẽ ảnh hưởng đến chúng một cách kín đáo ngoài khả năng để chúng có thể hiểu hay có thể nói ra được. Thật khôn ngoan để nghĩ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia về gia đình cho tất cả mọi người trong gia đình hỗn hợp tương lai, có như thế mới biết được những tư tưởng thầm kín của con cái. Việc nhờ đến chuyên gia về gia đình nghe có vẻ xa hoa, nhưng so với những khó khăn sau này của con cái thì điều ấy vẫn ít tốn kém hơn. Nhiều gia đình hỗn hợp đã phải đổ vỡ chỉ vì con cái cho rằng chúng không được để ý đến.
3. Cẩn thận gọi tên cha mẹ ghẻ.
Một số con cái vẫn thích gọi tên bố/mẹ ghẻ bằng danh từ thân mật như cha mẹ ruột. Những đứa khác lại muốn giữ sự cách biệt này.
Hãy nhớ đề cập đến người cha/mẹ đã từ trần của chúng, và khuyến khích chúng giữ những kỷ niệm với cha mẹ ruột của chúng. Tỉ như hình ảnh, thăm viếng gia đình bà con cũ bên nội/bên ngoại.
4. Cùng người yêu hoạch định việc xây dựng gia đình với sự tiếp tay của con cái.
Dĩ nhiên sự tiếp tay của chúng tùy theo tuổi tác và sự khôn ngoan. Việc đặt ra những giới hạn và khuôn khổ thì thật quan trọng cho con cái, nhưng hãy lưu ý rằng các thiếu niên (teenager) cần chú ý đặc biệt hơn. Hãy dành thời giờ và nỗ lực để biết chắc rằng các thiếu niên có phần vụ trong việc xây dựng một gia đình mới, có như thế chúng mới cảm thấy không bị mất sự quan trọng và ảnh hưởng đối với cha/mẹ ruột, và giúp chúng khám phá ra giá trị đặc biệt của chúng trong gia đình hỗn hợp.
Muốn biết thêm dữ kiện về việc xây dựng gia đình hỗn hợp, hãy vào
www.marriagepreparation.com > Free Stuff > Stepfamilies
hoặc viết thư/điện thoại cho
Stepfamily Association of America, Inc.
650 J Street, Suite 205
Lincoln, NE 68508
Đt: 800.735.0329
Hãy suy nghĩ thật kỹ về những câu hỏi sau, và trả lời càng rõ ràng càng tốt. Những vấn đề bạn biết thì đã khó để đối phó; những vấn đề chưa biết hay muốn tránh, muốn quên đi thì lại càng khó khăn hơn. Chính những gì “bạn không biết” hay “không muốn biết” sẽ tạo nên khó khăn trong gia đình tương lai.
1. Những tương giao chính yếu trong quá khứ (bao gồm mọi hôn nhân cũ) cần phải chia sẻ với người yêu của tôi là gì? Tôi thấy quá khứ này ảnh hưởng--tốt hơn và/hoặc xấu hơn--thế nào đến tôi bây giờ?
___________________________________________________________
2. Đâu là tất cả những ích lợi mà tôi nhìn thấy để tái hôn và--nếu có con--thành lập một gia đình hỗn hợp?
___________________________________________________________
3. Tôi nghĩ phải làm gì để chuẩn bị đầy đủ cho hôn nhân mới? (Điều này bao gồm cả việc kiểm điểm các hôn nhân cũ và thành thật thảo luận thấu đáo về các hậu quả; hoàn tất đơn xin vô hiệu hóa và chịu trách nhiệm cũng như hiểu biết về những gì đã xảy ra trong (các) hôn nhân trước và góp phần gì trong những khó khăn đó; đau buồn giải quyết vấn đề ly dị hoặc cái chết của người phối ngẫu cũ). Chúng tôi làm gì để giúp thảo luận và làm sáng tỏ vấn đề hiện thời hay tương lai sẽ có trong sự tương giao và hôn nhân cũng như gia đình hỗn hợp mà chúng tôi đang hoạch định?
___________________________________________________________
4. Tôi nghĩ ai là người có thể trông nhờ để giúp đỡ chúng tôi khi quyết định tái hôn và cố gắng thành lập một gia đình hỗn hợp? Tại sao?
___________________________________________________________
5. Tôi nghĩ ai là người có thể chống đối chúng tôi khi quyết định tái hôn và thành lập một gia đình hỗn hợp? Tôi nghĩ ảnh hưởng này là gì và chúng tôi cần phải làm gì về vấn đề này?
___________________________________________________________
6. Những người khác sẽ tham dự vào việc chuẩn bị như thế nào? (Con cái, cha mẹ bên vợ/chồng, người phối ngẫu cũ, v.v.) Nếu bạn phải gạt ra ngoài một vài người trong tiến trình chuẩn bị, những người này thường cảm thấy bị hạ giá và sẽ cản trở kế hoạch của bạn. Hãy cẩn thận chú ý đến phương cách mà bạn để con cái tham dự trong tiến trình. Nếu chúng có thể tích cực góp phần chúng sẽ ít cản trở hơn.
Trong tiến trình chuẩn bị gồm có những ai và họ sẽ góp phần theo phương cách nào?
___________________________________________________________
Mục đích là làm sáng tỏ vấn đề. Bạn luôn luôn có thể thay đổi kế hoạch vì không có gì “được ghi khắc trên đá”. Việc viết xuống các hoạch định này sẽ giúp hai bạn biết rõ mình nghĩ gì, như thế hai bạn có thể rõ ràng và kiên định với những người khác mà bạn cần đối phó. Kế hoạch càng chi tiết hóa bao nhiêu, càng hữu ích bấy nhiêu và nó cũng dễ dàng hơn để nhận ra những điểm cần thay đổi.
(Ghi Chú: Dùng một tấm giấy trắng. Không cần phải có đường kẻ vì bạn cần nhiều chỗ hơn là khoảng cách giữa hai đường kẻ).
- Hoạch định hiện thời của chúng tôi là gì để giúp đề cập đến bất cứ vấn đề gì/lưu tâm gì/”việc gì chưa hoàn thành” mà chúng có thể xuất hiện khi chúng tôi tiếp tục xây đắp sự tương giao? Thật quan trọng để viết xuống hoạch định như vậy và bắt đầu dùng nó ngay tự thời điểm này.
- Chúng tôi dự định sống ở đâu? Ở đó có đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu mỗi người không, kể cả chỗ ăn ở cho nhu cầu của gia đình hỗn hợp?
- Chúng tôi dự định gì để đối phó với người phối ngẫu cũ và sự tương giao của con cái với cha mẹ chúng (kể cả thời gian thăm viếng với người vợ/chồng cũ và gia đình nội/ngoại)?
- Chúng tôi dự định gì để đối phó với gia đình bên vợ/chồng?
- Chúng tôi dự định gì để đối phó với vấn đề tài chánh? Chúng tôi có làm sáng tỏ cách sử dụng tiền bạc không (kể cả tiền cho con)? Món nợ của mỗi người đem vào hôn nhân là gì? Chúng tôi giải quyết thế nào về việc thay đổi thừa kế và hoạch định về hưu?
- Chúng tôi dự định gì về sự nghiệp (kể cả kế hoạch giáo dục con cái)?
- ??? Những hoạch định khác mà bạn nghĩ quan trọng
- Nếu có trở ngại với bất cứ vấn đề gì nói trên, chúng tôi sẽ tìm sự trợ giúp ở đâu?
___________________________________________________________