Mai và Dũng dự định đám cưới vào mùa Xuân năm nay, và họ gặp Cha Hậu để thảo luận về những điều cần thiết khi chuẩn bị hôn nhân. Họ nói về nhiều đề tài khác nhau, tỉ như, gia đình tương lai sẽ như thế nào, kế hoạch tương lai, ý nghĩa về vấn đề tài chánh, vấn đề giáo dục con cái. Bỗng dưng Cha Hậu hỏi họ “cầu nguyện” thế nào. Một sự im lặng nặng nề. Cả hai nhìn cha không biết trả lời sao. Họ nhìn nhau như mong đợi người kia sẽ trả lời giùm, hay nói về một điều gì đó để phá tan sự im lặng.
Không phải đôi nam nữ nào cũng như Mai và Dũng. Một số cặp hiểu câu hỏi của Cha Hậu về vấn đề “cầu nguyện” là một đề tài họ phải trả lời khi chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo. Nhưng nói cho đúng, phản ứng của Mai và Dũng là phản ứng “tiêu biểu” cho các cặp ngày nay.
Tại sao?
“Cầu nguyện” là một trong những ý niệm--tỉ như “tình dục”--mà ai ai cũng giả sử rằng đó là vấn đề có ý nghĩa, và ai ai cũng cho rằng phải có thái độ tích cực. Nhưng thực tế thì đa số các người trẻ đều không chắc là họ biết nhiều về sự cầu nguyện. Họ cảm thấy lúng túng khi chia sẻ cảm nghiệm về sự cầu nguyện, vì họ không chắc điều đó có “đúng” không. Bất cứ loại cầu nguyện nào mà họ thực hiện đều được coi là “riêng tư” (“giữa Chúa với tôi”), và dường như chưa bao giờ họ chia sẻ về cách cầu nguyện chung với nhau. Câu hỏi của Cha Hậu được coi là khó khăn, vì bỗng dưng mỗi người được yêu cầu bộc lộ một phần con người mình mà chưa bao giờ họ dám chia sẻ. Bởi thế, đó là một câu hỏi “bối rối” hay rất lúng túng.
Hãy suy nghĩ những điều sau:
1. Cầu nguyện thì “có thực”
Khảo sát tình yêu bằng phương pháp khoa học là điều bất khả. Tuy vậy, không người khôn ngoan nào lại từ chối thực tại của tình yêu. Cầu nguyện cũng khó để hiểu bằng bất cứ phương cách nào thuần tuý khoa học. Cách đơn giản nhất để diễn tả sự cầu nguyện là bất cứ cách nào chúng ta dành thời giờ cho Thiên Chúa là Cha/Bạn/Người Yêu của chúng ta.
Chúng ta thiết lập và duy trì sự liên lạc với người khác bằng nhiều cách. Chúng ta dùng lời nói, cử chỉ, quà cáp, v.v. Người có đức tin cũng thiết lập và duy trì sự tương giao với Chúa; cầu nguyện là chữ người ta thường dùng để nói về sự cố gắng giao tiếp và dành thời giờ với Chúa.
2. Có nhiều cách cầu nguyện khác nhau
Khi trưởng thành chúng ta mới nhận thấy là chúng ta liên lạc với người khác qua nhiều cách khác nhau, tỉ như, ngôn ngữ, cử chỉ, hay hành động để diễn tả tâm tình như, yêu thương, sợ hãi, xa lạ, hy vọng, say mê, v.v. Bất cứ sự giao tiếp nào giữa con người--ngay cả sự giao tiếp tiêu cực hay hung bạo--đều có ảnh hưởng mạnh mẽ trên sự tương giao giữa con người. Bởi thế, có nhiều cách khác nhau để liên hệ với Thiên Chúa, và tất cả những liên hệ này được coi là những hình thức cầu nguyện.
Vấn đề lớn nhất của sự cầu nguyện là khi còn nhỏ chúng ta học cách cầu nguyện cũng như chơi đùa, và dù chúng ta không còn chơi đùa như hồi còn nhỏ, nhưng chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng có lẽ chúng ta “phải” cầu nguyện như hồi còn nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta không còn quỳ gối bên cạnh giường để đọc kinh, và chúng ta không còn quây quần để lần chuỗi Mai Khôi. Do đó, khi được hỏi về “đời sống cầu nguyện”, chúng ta cảm thấy như bị tấn công, chỉ vì chúng ta không còn cầu nguyện giống như khi còn nhỏ.
Trí khôn trưởng thành của chúng ta hiểu rằng cách cầu nguyện khi còn nhỏ chỉ thích hợp với giai đoạn đó. Chúng ta cũng đã chơi búp-bê, hay chơi xe nhựa, và đó là điều bình thường. Nhưng nếu chúng ta đã gạt các đồ chơi sang một bên để học cách đối xử với người khác và với công việc thực tế, thì chúng ta cũng phải học cách liên hệ với Chúa như một người trưởng thành. Sự cầu nguyện khi còn nhỏ không còn thích hợp với chúng ta nữa. Nhưng, vì lý do nào đó, đa số chúng ta không bao giờ nghĩ đó là điều bình thường và tự nhiên. Chúng ta cần phải biết thay đổi cách cầu nguyện như hồi còn nhỏ và học cách cầu nguyện như người lớn.
3. Chỉ dành cho người trưởng thành
Có vẻ kỳ cục để liệt kê đoạn này là “Dành cho người trưởng thành”, nhưng sự thật thì các em không thể hiểu được đoạn này.
Các em thì thật “dễ thương”. Chúng ta dậy các em “yêu thương” người khác, và nhiều em rất “yêu mến” người khác. Tuy nhiên, “tình yêu” thơ ấu này chỉ là giai đoạn để giúp chúng ta chuẩn bị tiến đến “tình yêu” trưởng thành, mà nó gồm khả năng liều mình cho người khác, là người có quyền chấp nhận/xác nhận hay khước từ/ruồng bỏ tôi. Trẻ em thì không thể yêu thương kiểu người lớn, vì chúng chưa phát triển được khả năng suy tư về chính mình và hiểu được con người nội tâm của mình. Một thanh niên thường thắc mắc “Tôi là ai?”. Ngay cả các bạn trẻ cũng còn bối rối khi trả lời câu hỏi này. Cho đến khi tôi hiểu biết chính xác “tôi là ai?” thì tôi không thể chia sẻ chính mình cho người khác. Tôi chưa có khả năng “yêu thương” cách trưởng thành. Trẻ em có thể chia sẻ “đồ vật”, nhưng chỉ người trưởng thành mới biết ý nghĩa của việc chia sẻ “chính mình”.
Nếu tôi có khả năng về “tình yêu trưởng thành,” từ những cảm nghiệm cá nhân tôi sẽ biết câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi--”Tôi yêu người khác đến chừng nào?”--đó là mức độ chia sẻ cho người khác những “sự thật” thầm kín nhất của tôi về niềm hy vọng, mơ ước, nỗi lo sợ và những băn khoăn. Nếu tôi sẵn sàng dám chia sẻ những thực tại bên trong mà có thể bị tổn thương, thì lúc đó tôi mới thực sự góp phần xây đắp một tương giao mật thiết đích thực. Ghi chú: Đó là sự mật thiết đích thực khi cả hai chúng tôi cùng chia sẻ cho nhau nghe về thế giới nội tâm của mỗi người. Nếu chỉ có một người thi hành, thì đó không phải là sự tương giao đích thực. Đây là lý do tại sao sự mật thiết đích thực là một thử thách liên tục: chỉ có chính đương sự mới có thể chia sẻ con người mình, không ai có thể ép buộc hay kiểm soát sự chia sẻ của người kia. Rất có thể sau nhiều năm nghĩ là thực sự biết nhau, chúng tôi mới khám phá ra là một hay cả hai chúng tôi không biết cách chia sẻ thế giới nội tâm.
Nếu bạn đã đọc đến đây, hy vọng bạn sẽ thấy có ý nghĩa khi nghe nói “sự cầu nguyện trưởng thành” là cố gắng làm bất cứ gì để “chia sẻ chính mình” với Thiên Chúa và, làm bất cứ gì để cố “lắng nghe” Chúa chia sẻ với tôi. Sau đây là vài thí dụ:
“Cầu nguyện” có thể xảy ra trong nhà thờ. Đọc kinh Lạy Cha có thể “thích hợp” với lòng ao ước của tôi muốn nói lên sự biết ơn vì những ơn sủng về tình yêu và đời sống mà Thiên Chúa đã tiếp tục ban cho tôi (“cho chúng con lương thực hàng ngày”), hoặc tôi mong ước được tha thứ và được chữa lành (“tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”).
“Cầu nguyện” có thể xảy ra trên xe, trong giòng xe cộ chật cứng khi về nhà sau một ngày làm việc chán nản đến độ muốn khóc, và xin Chúa “giúp con để con đừng nổi điên”, có lẽ đó là cách cầu nguyện tốt nhất.
“Cầu nguyện” có thể là tiếng thổn thức vì sợ hãi, tức giận và chán chường. “Chúa ơi! Sao con chán quá,” khi ngồi một mình trong bóng tối, chờ đợi người yêu, mà không biết có chuyện gì xảy ra và tại sao lại trễ hẹn.
“Cầu nguyện” có thể là tâm tình vui sướng và thoả mãn lớn lao. “Lạy Chúa, cám ơn Chúa” khi nghe biết người yêu vừa được thăng quan tiến chức.
“Cầu nguyện” cũng có thể là lúc tức giận Thiên Chúa. Khi nghe tin người bạn chết vì tai nạn xe hơi, cũng có thể thích đáng để “đổ lỗi” cho Chúa đã để thảm kịch đó xảy ra.
Thánh Vịnh xưa, nhưng lại rất thịnh hành bây giờ, thường được người Do Thái và Kitô Giáo dùng để nói lên nhiều loại tâm tình, thí dụ:
“Lạy Chúa, sao Chúa hắt hủi tôi,
sao Chúa che giấu chân dung Ngài?
Tôi đau buồn và trong cơn thống khổ...
Bạn hữu và láng giềng Chúa đã lấy khỏi xa tôi;
người bạn duy nhất của tôi là bóng tối.”
TV 88: 15, 19
Điểm căn bản ở đây là mỗi sự “cầu nguyện trưởng thành” là một cách ở với Thiên Chúa, chia sẻ những gì đang xảy ra trong tâm hồn.
4. Học cách “lắng nghe” Chúa
Ngoài việc học cách chia sẻ chính mình với Thiên Chúa, mặt khác của sự cầu nguyện là học cách “lắng nghe” những gì Chúa muốn nói với tôi. Điều này không dễ vì hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ “nghe” được tiếng nói hay âm thanh mà có thể kiểm chứng bằng dụng cụ khoa học. Thêm vào đó, chúng ta phải thận trọng kẻo bị lẫn lộn giữa “tiếng Chúa” và ý nghĩ của chính chúng ta. Khi có người nói: “Chúa nói tôi làm điều này điều nọ...”, có nghĩa họ đang thi hành một quyết định mà họ nghĩ và hy vọng đó là điều Chúa muốn. Nhưng hầu hết những người trưởng thành sẽ khám phá ra là Thiên Chúa ít khi “nói” với chúng ta điều gì. Đúng hơn, dường như Chúa tôn trọng sự tự do lựa chọn của chúng ta nên Người hầu như không đưa ra một đường hướng rõ rệt. Người thường trả lời bằng cách âu yếm lắng nghe và nói “lời” im lặng hỏi chúng ta rằng “Con nghĩ quyết định nào đằm thắm nhất để thi hành?” Hoặc “Trong trường hợp này, người Anh Giêsu của con sẽ làm gì?”
Càng trưởng thành bao nhiêu trong sự cầu nguyện, chúng ta càng muốn “nói” ít và “nghe” nhiều. Cũng như đôi vợ chồng yêu nhau thường ít nói, và chỉ muốn được ở với người yêu trong thinh lặng, thì những người cầu nguyện trưởng thành cũng chỉ muốn “thinh lặng” với Chúa. Nhiều người trong chúng ta đã nghe câu chuyện của một ông già thường đến ngồi trong nhà thờ, và đa số thời gian ở nhà thờ ông đều ngủ. Ngày kia một linh mục hỏi ông, “Ông làm gì trong suốt thời gian ở nhà thờ?” Ông già trả lời, “Tôi chỉ ngồi ở đây và Người nhìn đến tôi.”
5. Chia sẻ sự cầu nguyện với nhau
Ý tưởng “chia sẻ” sự cầu nguyện có vẻ đe dọa. Vì hầu như mọi người nghĩ sự cầu nguyện thì rất “riêng tư và cá biệt”, ý tưởng “chia sẻ” sự cầu nguyện nghe như một điều gì đó không thể hoàn tất. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu chứng tỏ chúng ta vẫn còn hiểu biết sự cầu nguyện như khi còn nhỏ, và bây giờ chúng ta cần “nghĩ lại” sự cầu nguyện như một người trưởng thành.
Một cách để “nghĩ lại” sự cầu nguyện là suy nghĩ về ý tưởng của chúng ta đối với tình dục. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy “tình dục” là một điều rất “riêng tư và cá biệt.” Chúng ta được dậy không nên phô bầy thân thể cho người khác và phải biết chắc là người khác tôn trọng sự kín đáo của thân thể chúng ta. Những điều dạy dỗ nghiêm nhặt này thật quan trọng cho chúng ta khi còn nhỏ, vì chúng ta chưa trưởng thành đủ để hiểu ý nghĩa trọn vẹn của tình dục. Chúng ta chưa thể hiểu được rằng sự giao hợp tìm thấy ý nghĩa thực sự là một hành vi trao ban chính con người mình một cách trọn vẹn cho người yêu trong hôn nhân. Do đó, chỉ khi là người lớn chúng ta mới có thể hiểu rằng trong hôn nhân Kitô Giáo, sự giao hợp không chỉ “được phép,” mà chúng ta còn cổ vũ điều ấy như một dấu chỉ đặc biệt về sự cam kết trong hôn nhân.
Khi còn nhỏ chúng ta được học hỏi về sự cầu nguyện, và được dạy đó là điều “riêng tư và cá biệt”, điều này quan trọng vì nó có nghĩa: chúng ta có thể phát triển sự tương giao thực sự của chính chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể là một người bạn “riêng tư và cá biệt” của mỗi người chúng ta. Chúng ta không cần đến người khác để giúp Thiên Chúa “có thực” cho chúng ta.
Không may, khi còn nhỏ, có lẽ ý tưởng của chúng ta về sự “riêng tư và cá biệt” bị lẫn lộn. Chúng ta không được dạy Thiên Chúa là người bạn độc nhất của tôi, và cũng không được dạy nên chia sẻ tình bằng hữu với Thiên Chúa của chúng ta cho người khác; tuy nhiên nhiều người lại cho đó là kiểu cách khi trưởng thành. Nhiều người tốt lành--dù họ thoải mái chia sẻ trương mục ngân hàng và sự giao hợp với người yêu--cũng không nghĩ là nên “chia sẻ” sự tương giao cá biệt với Thiên Chúa cho người yêu. Ngay cả khi họ “suy nghĩ lại” ý tưởng này, và ý thức rằng quyết định chọn hôn nhân Kitô Giáo là quyết định đón nhận Thiên Chúa như thành phần thứ ba vào trong cuộc tình, thì họ cũng không biết phải làm thế nào.
Do đó, sau đây là một vài ý tưởng:
Khởi sự với những điều đơn giản.
Khi bạn nắm tay trong lúc đọc kinh Lạy Cha ở nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, hãy ý thức là bạn đang “cùng cầu nguyện.” Bước kế tiếp là nói chuyện với nhau về ý nghĩ của mỗi người khi nắm tay đọc kinh trong nhà thờ. Sự đối thoại này là học cách “chia sẻ” không những sự cầu nguyện, mà còn chia sẻ “đức tin” của mỗi người.
Một hình thức đơn giản khác để chia sẻ sự cầu nguyện là nắm tay và cùng cầu nguyện trước bữa ăn.
Dĩ nhiên, bạn có thể cầu nguyện mà không nắm tay, nhưng việc nắm tay có vài ích lợi. Hãy thử cả hai cách và nghĩ xem cách nắm tay đã đem đến những cảm nghiệm quan trọng nào. Khi hai bạn thoải mái thi hành việc này, chia sẻ kiểu cầu nguyện này với con cái sẽ dễ dàng hơn. Nắm tay nhau khi cầu nguyện trong bữa ăn là điều rất tốt cho các em, vì đôi tay các em không thừa thãi và nó dậy các em rằng cầu nguyện là một cách liên hệ với người khác.
Nói gì?
Khi còn nhỏ chúng ta được dậy “đọc kinh”. Thật vậy, đó là cách duy nhất để các em biết cách cầu nguyện. Kinh cũng hữu ích cho người lớn. Chúng ta đọc kinh Tin Kính và kinh Lậy Cha trong buổi thờ phượng ngày Chúa Nhật vì đó là cách tốt nhất để đám đông tuyên xưng Đức Tin và cùng cầu nguyện như anh chị em. Tương tự như chuỗi Mai Khôi và kinh Kính Mừng được lập đi lập lại trong buổi cầu nguyện tại nhà quàn là một truyền thống lúc nào cũng phổ thông. Tuy nhiên, cầu nguyện khi lớn lên, một mình hay với gia đình, thường có nghĩa quên đi kinh kệ và học cách nói chuyện với Chúa “bằng ngôn ngữ của mình.” Nói chuyện với Chúa cũng giống như nói chuyện với người bạn khi viết thư, và sự chia sẻ nội tâm này là bước quan trọng tiến đến sự tương giao mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Chia sẻ tâm tình với Thiên Chúa không đòi hỏi sự huấn luyện hay dạy dỗ đặc biệt nào. Chỉ tín thác vào Thiên Chúa là người Cha yêu thương của tôi muốn biết tôi nghĩ gì, và sẵn sàng lắng nghe những nhu cầu của tôi. Cầu nguyện “lớn tiếng” thì không phải là một điều kiện để Chúa nghe tôi. Nhưng nói lớn có thể là một bước tiến hữu ích để có được sự tự tin trong việc cầu nguyện
Quay về với Chúa khi bạn không thể quay về với người yêu.
Chỉ những vợ chồng ngây thơ mới tin rằng họ luôn luôn có thể “giải quyết vấn đề” với nhau. Bất cứ vợ chồng nào cũng đều trải qua những hoàn cảnh mà hai người không thể đối phó với nhau được. Điều này xảy ra ngay cả trong hôn nhân tốt đẹp nhất, và khi xảy ra, thường thì một hay cả hai sẽ tìm đến một người nào hay một điều gì đó. Có thể họ tìm đến một người trong gia đình hay một người bạn, hay có thể là một người lạ, như người bán rượu (bar tender) hoặc chuyên gia trị liệu, hay có thể họ tìm đến men rượu, thuốc kích thích, hoặc một “cuộc tình” khác.
Tâm sự với một người bạn lưu tâm đến gia đình mình, hay tìm sự giúp đỡ của linh mục hay chuyên gia trị liệu thì rất hữu ích. Nhưng hãy cố nhớ đến Thiên Chúa để quay về với Người khi cần thiết, và cầu xin cho người yêu của mình cũng hành động tương tự. Nhiều vợ chồng xác nhận là Thiên Chúa đã sẵn sàng lắng nghe, và giúp họ tìm cách trở về với nhau.
Chia sẻ sự cầu nguyện với người phối ngẫu.
Chia sẻ sự cầu nguyện với nhau là điều khó khăn đối với hầu hết mọi vợ chồng. Nhiều vợ chồng chưa bao giờ cầu nguyện kiểu này trước đây, và cũng không biết có vợ chồng nào cầu nguyện như vậy! Ít nhất nó cũng sợ hãi như leo núi lần đầu nếu bạn chưa bao giờ thi hành. Sợ vì không biết là điều thường tình. Tuy vậy, nếu bạn thú nhận với nhau sự sợ hãi này, bạn đã bắt đầu việc đối phó với sự sợ hãi. Chia sẻ sự sợ hãi và lúng túng là một cách tốt để cùng nhau học hỏi một điều mới. Có một vài cuốn sách viết riêng cho đôi vợ chồng sẽ giúp bạn cầu nguyện và cùng đi vào đời sống cầu nguyện mật thiết của vợ chồng.
Sự khó khăn sâu xa mà vợ chồng sẽ gặp phải—ngay cả khi bạn thoải mái với ý tưởng cầu nguyện--là có thể bị tổn thương khi cầu nguyện với nhau thường xuyên. Cầu nguyện chung có vẻ dễ dàng trong lúc “êm đẹp”, nhưng có lẽ quan trọng nhất là lúc “không êm đẹp.” Tìm cách xin lỗi và tìm cách nói lên những nhu cầu và sự lo sợ khi cầu nguyện chung sẽ là điều khó khăn. Tuy nhiên, có lẽ đây là điều quan trọng nhất của “điều khoản bảo hiểm hôn nhân” mà bạn phải phát triển. Hãy xin Thiên Chúa là Cha yêu dấu giúp bạn giải quyết vấn đề với người yêu là lời cầu nguyện mà chắc chắn Chúa sẽ nhận lời!
Tâm sự của một ông vợ mới chết sau đây có lẽ nói lên ý nghĩa của sự cầu nguyện trong hôn nhân. Ông nói, “Tôi nghĩ khi đi ngủ là lúc tôi nhớ đến bà ấy nhiều nhất. Khoảng 20 năm trước, chúng tôi tham dự khóa tĩnh tâm và học cách cầu nguyện chung. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, chúng tôi nắm tay nhau và cùng đọc kinh Lạy Cha. Sau đó, tôi xin lỗi nhà tôi về những điều đau lòng tôi đã gây ra trong ngày hôm đó, và ngược lại nhà tôi cũng làm như thế. Trong 20 năm qua, có lẽ chúng tôi gần gũi hơn bao giờ hết. Tôi đi ngủ và tin rằng mình thực sự đã được tha thứ. Bây giờ tôi thực sự thiếu thốn điều này.”
6. Cầu nguyện bằng trí óc thì cần thiết.
“Cầu nguyện bằng trí óc” có nghĩa cầu nguyện bằng cách nghĩ đến chính mình và sự tương giao với Thiên Chúa.
Giáo Hội Công Giáo tôn trọng ý tưởng của Thánh An-phong-sô Liguori đến nỗi đã tuyên xưng Người là “Tiến Sĩ Giáo Hội”. Thánh An-phong-sô nói trừ phi chúng ta dành thời giờ để suy nghĩ về chính chúng ta, dù có những bận rộn trong đời sống và dù bị sao nhãng bởi thế giới vật chất, thì chúng ta không thể biết được những nhu cầu thực sự của chúng ta và không ý thức được mình đang ở đâu trong hành trình cuộc đời. “Nếu chúng ta không thường xuyên nghĩ đến Thiên Chúa và chính chúng ta, không bao lâu chúng ta sẽ quên cả hai.”
Một cách hữu hiệu để phát triển thói quen cầu nguyện bằng trí óc là “đưa vào” thói quen cầu nguyện trong thời khóa biểu hàng ngày. Có thể là lúc tĩnh mịch của buổi sáng, hay lúc lái xe đi làm. Mục đích là dành 5, 10 phút riêng tư để suy nghĩ về đời sống và sự tương giao với Thiên Chúa.
Thánh An-phong-sô nói, “bất kể tình trạng có vẻ tuyệt vọng đến thế nào, Thiên Chúa luôn ban ơn để giúp chúng ta cầu nguyện, và nếu chúng ta muốn cầu nguyện, thì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn sủng cần thiết nhất.”
Đọc Kinh Thánh và Cầu Nguyện
Người Công Giáo đã từng bị cảnh giác về việc nghiên cứu riêng về Kinh Thánh, vì Giáo Hội lưu tâm đến sự nguy hiểm khi hiểu sai ý nghĩa các câu Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong 40 năm qua, rất nhiều cuốn sách đã được phát hành để giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh và đã làm cho việc nghiên cứu riêng trở thành một thực tế cho mọi người thuộc mọi lứa tuổi.
Một số người học hỏi Kinh Thánh như để hiểu biết tường tận về Lời Chúa. Một số khác học hỏi Kinh Thánh vì lợi ích tinh thần. Mục đích của họ là hiểu Lời Chúa và đem áp dụng trong đời sống. Loại học hỏi Kinh Thánh này luôn luôn là một phần sống động trong truyền thống Kitô Giáo.
Muốn biết thêm về cách cầu nguyện với Kinh Thánh, xem Phụ Lục A, #7.
1. Khi tôi nghĩ về sự cầu nguyện, cảm tưởng của tôi là
___________________________________________________________
2. Hình thức cầu nguyện của tôi là
___________________________________________________________
3. Tôi có khuynh hướng cầu nguyện khi
___________________________________________________________
4. Cầu nguyện hàng ngày là điều tôi
___________________________________________________________
5. Có thể nói kiểu cầu nguyện của tôi thì giống/không giống (chọn một) với cách cầu nguyện khi tôi còn nhỏ. Thí dụ,
___________________________________________________________
6. Sự khó khăn lớn nhất của tôi khi cầu nguyện là
___________________________________________________________
7. Nếu phải đánh giá sự quan trọng của cầu nguyện, tôi sẽ cho là
___________________________________________________________
8. Nếu tôi phải “xếp hạng” chính tôi về sự cầu nguyện, tôi nghĩ tôi thuộc hạng_______ bởi vì
___________________________________________________________
9. Tôi sẽ cố gắng/không cố gắng (chọn một) cầu nguyện với người yêu. Tôi có thể nói nỗ lực cầu nguyện chung của chúng tôi thì
___________________________________________________________
10. Chúng tôi đã thử những hình thức cầu nguyện chung sau đây:
___________________________________________________________
11. Tôi nghĩ gì và cảm thấy gì về sự cầu nguyện trong hôn nhân?
___________________________________________________________
12. Tôi hiểu biết gì về “cầu nguyện bằng trí óc” và tôi thi hành điều này như thế nào?
___________________________________________________________
Hãy Nghĩ Về Thống Kê Sau
Tỉ lệ ly dị hiện thời ở Hoa Kỳ là 50%, hay cứ hai cuộc hôn nhân thì có một ly dị.
Tuy nhiên, hãy chú ý đến thống kê sau:
Sự cầu nguyện có đưa đến khác biệt không? Bạn hãy quyết định.
___________________________________________________________