"Hỗn hợp tôn giáo” thường dùng để chỉ về một hôn nhân mà hai người khác tôn giáo, tỉ như Công Giáo và Do Thái Giáo, hay hai người là Kitô Hữu nhưng khác giáo phái, tỉ như Công Giáo và Tin Lành. Ngày nay, người ta thường nói về hôn nhân khác giáo hội (interchurch—cả hai đều là Kitô Hữu nhưng thuộc về giáo phái khác nhau trong cùng một tín ngưỡng Kitô Giáo) và hôn nhân khác đức tin (interfaith--một người là Kitô Hữu và người kia thuộc về một tôn giáo khác không tin vào thiên tính của Chúa Kitô). Tuy nhiên, cũng nên để ý là những gì được đề cập đến trong hỗn hợp tôn giáo cũng thường được áp dụng cho những người cùng đức tin. Thí dụ, Mai là người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và có ý định gia nhập ca đoàn cùng với Dũng sau khi họ kết hôn. Dũng là người Công Giáo muốn dùng những ngày cuối tuần để đi săn và đi câu, và thường chỉ tham dự Thánh Lễ vào dịp lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh mà thôi. Họ cũng phải đối phó với vấn đề một hôn nhân hỗn hợp tôn giáo.
Thật đúng để nhận định là mọi tôn giáo đều phải cố gắng giải quyết vấn đề hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Những truyền thống tín ngưỡng xưa nhất và khắt khe nhất tuyệt đối cấm các tín hữu kết hôn với người “ngoài” tôn giáo. Sự cấm đoán như vậy dựa trên một kinh nghiệm, đó là sự khác biệt tôn giáo tạo nên những trở ngại có ảnh hưởng không tốt đến hôn nhân. Thí dụ, một người Công Giáo lấy người Do Thái Giáo, gia đình của họ không bao giờ có thể tham dự đầy đủ vào bất cứ truyền thống tín ngưỡng nào; và con cái của họ thường bị kẹt ở giữa cuộc tranh dành “không còn thiêng liêng” khi được dụ dỗ chấp nhận những tín điều này hoặc tín điều kia, bởi thế chúng ở vào một vị thế xa cách với cha hay mẹ.
Vì lý do này, trước thời Công Đồng Vatican II trong thập niên 1960, nếu một người Công Giáo quyết định lấy một người không-Công Giáo, Giáo Hội mạnh mẽ khuyến khích họ trở lại đạo trước khi làm đám cưới. Nếu người ấy không chịu “trở lại”, thì họ bị đòi hỏi phải đồng ý nuôi nấng con cái trong đức tin Công Giáo.
Trong Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã quyết định những chính sách khoan dung và uyển chuyển nhất đối với hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo không đòi buộc sự “trở lại” của người không-Công Giáo, cũng như người không-Công Giáo không buộc phải đóng vai trò tích cực trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong đức tin Công Giáo.
Tuy vậy, nhiều cha sở kinh nghiệm thường thận trọng và ngay cả can ngăn đôi nam nữ bước vào một hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Tại sao?
Dù tôi là Công Giáo, Tin Lành hay vô thần cũng không có gì khác biệt nếu tôi ít tham dự vào việc thờ phượng chung và ít lưu tâm đến những giáo huấn của giáo hội của tôi. Tương tự như thế, nhiều người sống với lập trường “không bao giờ thảo luận về chính trị hoặc tôn giáo,” nhiều đôi nam nữ tin tưởng chính sách này sẽ tiến hành tốt đẹp trong hôn nhân. Họ cho là nếu không bàn về vấn đề tôn giáo, họ sẽ không phải tranh luận về những khác biệt mà họ không thể giải quyết. Tuy nhiên, lối giải quyết này sẽ gặp khó khăn khi họ có con cái, họ sẽ phải đối phó với hàng loạt vấn đề mà họ đã tránh né: Có rửa tội cho con chúng ta hay không? Lúc nào? Với tôn giáo nào? Tại sao tôn giáo nào cũng được? Sẽ dạy bảo con cái về tôn giáo nào? Ai là người có quyền và trách nhiệm để quyết định những điều này khi chúng tôi có hai tôn giáo khác biệt?
Đây là lý do cha sở khuyến khích đôi nam nữ bàn luận về vấn đề rửa tội của đứa con tương lai ngay trong thời gian chuẩn bị hôn nhân. Họ cố giúp đôi nam nữ chú ý đến trách nhiệm cá nhân khi trao truyền lại đức tin cho con cái.
Đối với một số người, đức tin là kết quả của những cam kết của một người trưởng thành mà chúng có ảnh hưởng đến suốt cuộc đời; đối với những người khác, đức tin chỉ là phần thừa kế--như là người Việt hay người Đức--nhưng không ăn nhập gì đến lối cư xử hàng ngày.
Nếu tôi là người Công Giáo từ khi mới sinh, nhưng tôi không tích cực sống đạo từ khi lên đại học và xa nhà, thì có thể thành thật hơn khi thú nhận rằng Công Giáo là “di sản” của tôi, nhưng không ảnh hưởng đến lối sống của tôi. Thí dụ, tôi biết Điều Răn “Không được nói dối,” nhưng khi chú ý đến cách kiếm tiền thì tôi không cho rằng sự lương thiện là vấn đề đức tin quan trọng. Có thể tôi tránh hành động bất hợp pháp vì sợ hậu quả của luật pháp. Tuy nhiên, không bao giờ hoặc rất ít khi tôi nghĩ về trách nhiệm phải sống những giá trị của Chúa Giêsu nơi thương trường. Trong hôn nhân, có lẽ tôi giải quyết vấn đề tôn giáo bằng cách để người yêu làm bất cứ gì họ muốn, một khi tôi không bị đòi hỏi phải tham dự hay đồng ý với quyết định nào đó. Có lẽ tôi đóng vai trò rất thụ động trong việc dạy dỗ đức tin con cái.
Ngược lại, nếu tôi là người Công Giáo “trưởng thành”, tôi sẽ luôn cố gắng tự hỏi mình về những điều, tỉ như, “Có thể nó hợp pháp, nhưng nó có đúng không?” Một ngày làm việc của tôi sẽ bao gồm những suy tư như “Chúa Giêsu sẽ đối phó thế nào với người này hay trong trường hợp này?” Trong đời sống hôn nhân, tôi sẽ để ý đến phẩm chất của sự tương giao với người yêu và con cái, và tôi sẽ đóng vai trò tích cực để biết chắc là con cái tôi được chia sẻ ơn sủng đức tin Công Giáo của tôi.
Ngoài việc làm sáng tỏ ý nghĩa đức tin đối với tôi, cũng thật quan trọng để tìm hiểu ý nghĩa đức tin đối với người yêu và ảnh hưởng thế nào đối với hôn nhân của chúng tôi. Hãy nghĩ đến bốn phối hợp có thể xảy ra sau đây:
Phối Hợp 1. Cả hai chúng tôi là Kitô Hữu “thừa kế”. Một người là Công Giáo bẩm sinh và người kia là Tin Lành bẩm sinh, nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy việc đi nhà thờ là điều tiên quyết. Chúng tôi nghĩ con cái chúng tôi sẽ tự chọn tôn giáo cho chúng khi chúng lớn lên. Hoặc có lẽ chúng tôi sẽ quyết định về vấn đề rửa tội sau khi sinh con, và tùy theo việc có tìm ra nhà thờ nào hay không thì chúng tôi sẽ rửa tội cho con trong nghi thức “Kitô giáo” hơn là bất cứ tôn giáo nào khác. Chúng tôi tin rằng “là người Kitô” không đòi hỏi phải là phần tử trong một giáo xứ. Chúng tôi không có vấn đề gì với đức tin… cho đến khi chúng tôi chuẩn bị đám cưới!
Phối Hợp 2. Cả hai chúng tôi là Kitô Hữu “trưởng thành.” Một người là Công Giáo, người kia là Tin Lành. Chúng tôi yêu nhau say đắm, và thề hứa sống hôn nhân Kitô giáo và nuôi dưỡng con cái như những người Kitô. Chúng tôi cố gắng hiểu biết và tôn trọng tôn giáo của nhau. Vấn đề rửa tội cho con và vấn đề giáo dục con cái thường là đề tài khó cho chúng tôi đương đầu. Càng yêu nhau bao nhiêu, chúng tôi càng thành thực tin rằng “sự trở lại” đạo của người kia là điều mà cả hai không thể chấp nhận được. Tôi muốn nuôi nấng con cái theo đức tin Công Giáo; vợ tôi lại muốn nuôi nấng con cái theo Tin Lành. Trong khi cả hai chúng tôi đều tin là trở nên người Kitô thì quan trọng hơn vấn đề Công Giáo hay Tin Lành, nhưng chúng tôi cũng tin là người Kitô thì phải tham gia vào cộng đồng đức tin, là giáo xứ, và trao truyền cho con cái niềm tin tôn giáo đặc biệt mà chúng tôi đã thề hứa. Chúng tôi không có vấn đề gì với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ sẽ phải cầu nguyện thế nào trong một hôn nhân khác giáo hội. Chúng tôi cũng không chắc sẽ rửa tội và dậy bảo đức tin của con cái như thế nào.
Phối Hợp 3. Chúng tôi ở giữa hai trường hợp trên. Một trong hai chúng tôi có lẽ gần với sự “trưởng thành” đức tin hơn người kia. Chúng tôi có nhiều thắc mắc hơn câu trả lời khi phải đương đầu với vấn đề rửa tội cho con và không rõ sẽ nuôi nấng con cái theo đức tin nào. Hiện thời chúng tôi thỉnh thoảng mới đến nhà thờ, và cũng không rõ giáo xứ nào chúng tôi sẽ tham gia trong tương lai. Chúng tôi không rõ phải suy nghĩ thế nào về vấn đề này. Chúng tôi cũng không rõ đó có phải là vấn đề hay không.
Phối Hợp 4. Một trong hai chúng tôi không thuộc về Đức Tin Kitô Giáo. Người yêu của tôi là phần tử của một đức tin khác với Kitô Giáo, tỉ như Phật Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo (có thể là hôn nhân khác đức tin), hoặc là một người vô thần hay bất khả tri giáo; hoặc là một “Kitô Hữu” nhưng chưa bao giờ rửa tội..
Không dễ để chia sẻ và thông cảm những khác biệt về quan điểm hay đức tin mà không đòi hỏi người kia thay đổi lập trường . Tuy nhiên, bạn có thể học cách thảo luận về sự quan trọng của đức tin và giáo huấn trong đạo mà hai bạn rất khác biệt, tỉ như, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, sự tha tội, ý nghĩa của Thánh Lễ, sự phá thai, hình phạt tử hình, chiến tranh, vấn đề thờ phượng ngày Chúa Nhật, việc rửa tội con cái,v.v. thảo luận về những điều này thì cũng quan trọng như bàn về cách quản lý tiền bạc và cách dạy dỗ con cái. Điều bạn thực sự tin tưởng về những vấn đề chính yếu (có thể giống hay không giống với giáo lý của tôn giáo của bạn) sẽ có ảnh hưởng thực tế đến hôn nhân. Thí dụ, cả hai bạn có tin rằng “tội lỗi có thể đượ tha không”? Còn “sự sống đời sau” thì sao? Bạn sẽ phải đối phó với cái chết của đứa con như thế nào?
Ngay cả khi hai bạn cùng tôn giáo, ít có những “câu trả lời đơn giản” cho những thắc mắc mà hai bạn thực sự tin là quan trọng trong khi chia sẻ. Khi hai bạn khác tôn giáo vấn đề lại phức tạp hơn. Bạn có thể thấy mình là người Công Giáo tuyệt đối không chấp nhận án tử hình, và người yêu là Tin Lành đồng ý với hình phạt tử hình. Khi thực sự yêu ai, bạn thường tôn trọng niềm tin và quan điểm của người đó và không muốn nghĩ rằng họ là người phải thay đổi. Một thực tế có thể xảy ra trong cuộc đối thoại là tôi có thể thấy đức tin và quan điểm của người kia thì trung thực với Phúc Âm của Chúa Giêsu hơn là của chính tôi!
Có được “câu trả lời” thì không quan trọng bằng biết cách tiếp tục nêu lên và đối phó với “những thắc mắc” sẽ xảy ra trong tương lai. Khi bạn trưởng thành về phương diện cá nhân cũng như đôi vợ chồng, rất tốt để nhận thấy đức tin của bạn và giá trị của bạn tiếp tục thăng tiến và phát triển khi bạn càng chín chắn. Điều bạn chọn thi hành ngày hôm nay có lẽ không “phù hợp” với những gì xảy ra trong tương lai vài năm tới. Thí dụ, hôm nay bạn có thể thấy cách hay nhất để đối phó với vấn đề dạy giáo lý cho con cái là gửi chúng đến trường Công Giáo. Nhưng rất có thể vào lúc con bạn đi học, bạn lại thấy sự phối hợp giữa trường công và “dạy giáo lý ở nhà” là cách tốt nhất để uốn nắn con cái thành người Kitô thích hợp, sẵn sàng để sống Phúc Âm trong cuộc đời.
Hãy nhận ra những người mà bạn sẽ phải chạy đến với họ khi cần biết thêm ý kiến. Tiềm năng tốt nhất có lẽ là những giáo sĩ hay giáo dân đứng đắn mà bạn ngày càng tin tưởng để được họ hướng dẫn về vấn đề đức tin và khi phải quyết định về cách nuôi nấng con cái. Nếu một người là Công Giáo, người kia là Tin Lành thì thật khôn ngoan để bạn liên lạc với cả hai vị, một linh mục Công Giáo và một mục sư Tin Lành, là những người sẵn sàng giúp bạn và gia đình.
Với người “Kitô Hữu trưởng thành”, các quyết định thường được dựa trên các nguyên tắc đức tin. Kết hôn với ai đó mà họ không thích--hoặc chống đối--đức tin của bạn, điều đó thật khó khăn. Những quyết định được dựa trên hai quan điểm khác biệt thường trở nên một hoàn cảnh rất đau thương cho cả hai người. Khả năng duyệt xét kỹ lưỡng nội tâm của bạn (và thú nhận lỗi lầm của mình) sẽ giúp bạn biết cách sống với những khác biệt của người khác. Vì “tình yêu thì mù quáng”, chúng ta có thể say mê nhau bất kể những khác biệt quan trọng. Một hôn nhân sẽ kéo dài liên tục qua “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan” phải được xây đắp trên nhiều điều khác chứ không chỉ có “yêu đương.” Sự “hợp nhất” là sức mạnh của hôn nhân Kitô Giáo được quyện vào nhau bởi sự chính trực riêng biệt của mỗi người. Mỗi người phải sống “thành thật với chính mình” để sống trong một tương giao yêu thương tốt đẹp với người khác. Nếu tôi có sáng suốt đủ để thấy là tôi không thể sống với một vài khác biệt nào đó của người khác, thì ngay tự bây giờ (trước khi kết hôn) thật quan trọng để thú nhận và bàn thảo kỹ lưỡng là có nên kết hôn hay không.
Giả sử bạn và người yêu chín chắn quyết định bước vào một hôn nhân hỗn hợp tôn giáo, thật quan trọng để hai bạn hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của hai bạn theo tôn giáo khác biệt của mỗi người. Hãy thận trọng về những quy tắc và luật lệ mà bạn biết về hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Có nhiều thay đổi đáng kể trong ba mươi năm qua.
Hãy suy nghĩ những đề tài sau:
Sự tự do để được kết hôn trong Giáo Hội.
Nếu một hay cả hai bạn đã từng kết hôn, ngay cả đó là một hôn nhân dân sự, thì có thể nó ảnh hưởng quan trọng đến sự tự do để được kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, và phải được thận trọng xem xét bởi những người có khả năng giải thích giáo luật Công Giáo. Giáo luật đã được duyệt xét lại một cách đáng kể vào năm 1983, và không phải bất cứ linh mục nào cũng chuyên môn về lãnh vực này trong giáo luật.
Vấn đề “trở lại” và rửa tội con cái.
Giáo Hội Công Giáo không còn trông đợi người không-Công Giáo “trở lại” đạo Công Giáo. Và Giáo Hội cũng không đòi hỏi người không-Công Giáo phải hứa nuôi nấng con cái theo đức tin Công Giáo. Đường hướng mới là phải biết chắc người vợ/chồng Công Giáo phải có ý định thành thật và “với tất cả khả năng” của mình để trao truyền đức tin Công Giáo cho con cái bằng cách “rửa tội chúng trong Giáo Hội Công Giáo.” Như vậy, lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo là tôn trọng lương tâm của người không-Công Giáo, và--đồng thời--mong đợi đôi vợ chồng bàn thảo kỹ lưỡng về những dự định tương lai đối với con cái. Ngay cả người không-Công Giáo không có những đòi hỏi như vậy, có thể phong phú hôn nhân hơn khi cả hai nhiệt tình để ý đến cách nuôi dưỡng con cái và rồi họ có thể quý trọng cả hai tín ngưỡng.
Một số vợ chồng nghĩ họ có thể tránh xung đột bằng cách cho phép con cái lựa chọn tôn giáo của chúng. Nhưng dạy dỗ con cái về tôn giáo thì giống như một nghệ thuật, nó là vấn đề hiểu biết cá biệt, và chủ quan. Con cái lớn lên trong phương cách này thường thiếu sự liên hệ chắc chắn với Thiên Chúa mà sự liên hệ này là một yếu tố quân bình trong đời sống.
Đôi vợ chồng có đồng ý hay không để người vợ/chồng Công Giáo trao truyền đức tin Công Giáo cho con cái (và, có lẽ, để người vợ/chồng không Công Giáo cũng trao truyền đức tin của họ) sẽ ảnh hưởng đến cách giải quyết của cha sở. Mục đích của Giáo Hội Công Giáo ở đây thì không quyết định giùm cho đôi tân hôn, nhưng đúng hơn để giúp đỡ đôi tân hôn đi đến một quyết định mà nó thích hợp với lương tâm mỗi người và cũng phù hợp với những đòi hỏi của truyền thống đức tin của họ.
Người vợ/chồng Công Giáo được trông đợi là sẽ nuôi dưỡng con cái thành người Công Giáo với “tất cả khả năng” của mình. Vì theo thái độ của người Anglo-Saxon đối với luật pháp, câu “tất cả khả năng” thường được hiểu là điều kiện tối thiểu của luật lệ, và vì thế có thể được cảm nhận là “độc đoán.” Tuy nhiên, vì được dựa trên luật La Mã, giáo luật Công Giáo nên được hiểu cách chính xác hơn: đức tin Công Giáo được coi là một “viên ngọc quý giá,” nên cần được chia sẻ với con cái bằng mọi cách có thể. Câu này được giảm nhẹ bởi nhận thức rằng trong hôn nhân có thể xảy ra trường hợp mà nó khiến người Công Giáo đi đến quyết định rằng việc nhấn mạnh đến sự nuôi dưỡng con cái thành người Công Giáo có thể nguy hại đến hôn nhân và gia đình. Thí dụ, để con cái được rửa tội và lớn lên theo truyền thống Công Giáo, và chúng chỉ cầu nguyện với người cha/mẹ Công Giáo, điều đó có thể khiến cho người không-Công Giáo bị tách biệt về tinh thần, có lẽ lại nguy hiểm nữa.
Hãy nhớ điều Giáo Hội Công Giáo dậy: “Trong mọi hôn nhân, điều Giáo Hội lưu tâm chính yếu là duy trì sức mạnh và sự vững bền của hôn nhân bất khả hủy và đời sống gia đình phát sinh từ đó… Trong thời kỳ chuẩn bị [hôn nhân], đôi nam nữ phải cố gắng hiểu biết tôn giáo của mình và truyền thống của giáo hội, và nghiêm trọng suy nghĩ đến những khác biệt hiện có, điều đó có thể dẫn đến sự thành thật hơn, bác ái hơn và hiểu biết hơn về các thực tại này và về chính hôn nhân của họ.”
Khi thấy khó khăn để đạt được sự đồng ý của cả hai về đề tài này, đừng coi đó là dấu hiệu của một hôn nhân trong tình trạng nguy hiểm. Đúng hơn, phải coi đó là dấu hiệu tốt đẹp khi cả hai thực sự lo lắng, và đều quý trọng tín ngưỡng của nhau. Nó sẽ tùy thuộc vào hai người để quyết định các phương cách thực tế mà trong đó các giá trị được tôn trọng và được tuân giữ.
Quyết định nhà thờ nơi cử hành lễ cưới.
Giáo Hội Công Giáo không còn giới hạn người Công Giáo muốn kết hôn với người khác tôn giáo phải cử hành lễ cưới trong nhà thờ Công Giáo. Khi người Công Giáo kết hôn với người không-Công Giáo, họ có thể xin vị giám mục Công Giáo cho phép làm đám cưới tại đền thờ của người không-Công Giáo, hay ngay cả tại một nơi “trung lập” (không phải nhà thờ hoặc đền thờ).
Trong những trường hợp này, họ cũng nên xin vị giám mục ủy thác thẩm quyền chứng hôn cho viên chức dân sự hay người tư tế không-Công Giáo. Sự đòi hỏi thông thường là người Công Giáo phải kết hôn “trước một linh mục hay thầy sáu” đã được đặt sang một bên, và tuy vậy hôn lễ vẫn hợp lệ như được chứng kiến bởi một linh mục!
Sự thay đổi này trong giáo luật để giúp đôi tân hôn đang chuẩn bị hôn nhân hỗn hợp tôn giáo thấy rằng Giáo Hội cố gắng thích nghi với những gì có thể trong giới hạn của giáo luật.
Lễ cưới.
Chi tiết của lễ cưới tùy thuộc vào nơi cử hành lễ cưới. Nếu đám cưới sẽ cử hành trong một nhà thờ Tin Lành thì vị mục sư sẽ hướng dẫn đôi tân hôn qua những nghi thức hôn nhân của Tin Lành. Nếu đám cưới sẽ được cử hành trong một nhà thờ Công Giáo thì vị linh mục sẽ hướng dẫn đôi tân hôn qua những nghi thức hôn nhân của Công Giáo.
Có những lựa chọn trong nghi thức hôn nhân Công Giáo. Đôi tân hôn phải quyết định xem có nên cử hành đám cưới trong Thánh Lễ và có Rước Lễ hay không hoặc không có Thánh Lễ và Rước Lễ. Giáo luật tôn trọng quyền của phần tử Công Giáo muốn rước lễ trong lễ cưới của họ, do đó, Giáo Hội sẽ cho phép cử hành Thánh Lễ hôn phối trong một hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Tuy nhiên, giáo luật cũng đề nghị--thay vì luật buộc--rằng, trong một hôn nhân khác tôn giáo hay khác đức tin, sẽ không có Thánh Lễ và Rước Lễ. Sự lựa chọn này giúp cho đôi tân hôn có thể hoạch định một đám cưới mà nó nói lên những gì họ chia sẻ chung, tỉ như, đức tin Kitô Giáo của họ được ghi nhận trong Kinh Thánh (giả sử rằng cả hai đều là Kitô Hữu). Hoạch định này cũng tránh sự khó khăn mục vụ của truyền thống Công Giáo về “Hiệp Thông khép kín” mà trong đó chỉ những ai là Công Giáo mới được lên Rước Lễ.
Khi Một Trong Hai Bạn Không Phải Là Phần Tử của Đức Tin Kitô Giáo, hoặc Chưa Rửa Tội
Giáo Hội coi hôn nhân Kitô Giáo như một “bí tích,” nghĩa là, một tương giao con người mà nó bao gồm sự tương giao với Chúa Kitô như một yếu tố đặc biệt. Trong Nghi Thức Hôn Phối, khi cả hai phần tử đều là Kitô Hữu, cha sở mở đầu phần trao lời thề hôn nhân: “… anh chị đến đây để Chúa ghi dấu và kiên cường tình yêu của anh chị… Chúa Kitô ban phúc dồi dào cho tình yêu này. Người đã thánh hoá anh chị trong bí tích Rửa Tội và giờ đây Người phong phú và kiên cường anh chị qua một bí tích đặc biệt để nhờ đó anh chị có thể đảm nhận trách nhiệm của hôn nhân trong sự trung tín hỗ tương và lâu dài…”
Trong khi Giáo Hội cho phép một người Công Giáo kết hôn với một người không phải Kitô Hữu, có sự khác biệt này, nghĩa là, hôn nhân không được gọi là một “bí tích.” Trong Nghi Thức cử hành hôn lễ giữa một người Công Giáo và một người không phải là Kitô Hữu, cha sở nói: “… anh chị đến đây để Chúa ghi dấu và kiên cường tình yêu của anh chị… Trong phương cách này anh chị có thể đảm nhận trách nhiệm của hôn nhân trong sự trung tín hỗ tương và lâu dài…” Để ý đến sự thiếu xót các chữ Chúa Kitô và bí tích Rửa Tội và bí tích.
Khi một phần tử không phải là Kitô Hữu (nghĩa là, một người Do Thái Giáo, Hồi Giáo, vô thần, v.v.) Giáo Hội không tuyên bố gì—tích cực hay tiêu cực--về sự tương giao với Chúa Kitô của người không rửa tội.
Ngay cả hai bạn là người cùng tôn giáo, rất có thể là quan điểm và lối sống của hai bạn khác biệt như những người “khác tôn giáo.” Hãy suy nghĩ và trả lời những điểm sau:
1. Một trong hai chúng tôi đánh giá cao về việc thờ phượng ngày Chúa Nhật; người kia thì không.
[ ] đúng, [ ] sai.
2. Một trong hai chúng tôi muốn rửa tội con khi còn nhỏ. Người kia thì muốn để con tự ý chọn.
[ ] đúng, [ ] sai.
3. Một trong hai chúng tôi được học giáo lý kỹ càng. Người kia thì không.
[ ] đúng, [ ] sai.
4. Một trong hai chúng tôi có tham gia vào sinh hoạt của giáo xứ, người kia thì ít khi/không bao giờ.
[ ] đúng, [ ] sai.
5. Một trong hai chúng tôi thích trường Công Giáo, người kia thì muốn trường công.
[ ] đúng, [ ] sai.
6. Một trong hai chúng tôi muốn cầu nguyện chung trong gia đình, người kia nghĩ rằng vấn đề cầu nguyện thì riêng tư.
[ ] đúng, [ ] sai.
Nếu bạn đánh dấu nhiều câu “Đúng”, có lẽ bạn trong hôn nhân hỗn hợp tôn giáo, ngay cả khi hai người là Công Giáo.
Nếu bạn đang đối phó với vấn đề “hỗn hợp tôn giáo” (ngay cả hai người cùng tôn giáo), đâu là những vấn đề cần phải cùng nhau đề cập đến?
1. Bạn có cho đó là ý kiến tốt khi bạn thử “trở lại” đạo và thay đổi quan điểm tôn giáo của bạn theo như tôn giáo của người yêu? (Hãy đưa ra lý do của cả hai thái độ, “đồng ý” và “không đồng ý”)
___________________________________________________________
2. Bạn có nghĩ rằng người yêu sẵn sàng “trở lại” đạo của bạn?
___________________________________________________________
3. Bạn dự định thế nào về việc dạy giáo lý con cái? Còn việc rửa tội cho con thì sao? Trong giáo hội nào?
___________________________________________________________
4. “Đời sống đức tin” của gia đình bạn trong tương lai sẽ như thế nào? Việc thờ phượng ngày Chúa Nhật thì sao?
___________________________________________________________
Việc tham gia một cộng đoàn tôn giáo thì sao?
___________________________________________________________
Dấu hiệu tôn giáo trong gia đình bạn là gì?
___________________________________________________________
Việc cầu nguyện trong gia đình thì sao?
___________________________________________________________
Vấn đề cử hành lễ cưới thì sao? Bạn sẽ cử hành lễ cưới ở đâu (nhà thờ, đền thờ nào)? Vì sự khác biệt tôn giáo, bạn dự định sẽ cử hành theo nghi thức nào? (có thể xem thêm Chương 21: Hoạch Định Lễ Cưới trước khi trả lời)
___________________________________________________________